Nguyễn Quang Sáng

Tìm hiểu quá trình vào nghề của nhiều nhà văn, chúng ta thường thấy có những giai đoạn người viết ở vào chỗ ngã ba đường. Do một hoàn cảnh nào đó, mình cũng có tập viết tí truyện ngắn, ít bài thơ, nhưng đây đâu có phải là nghề mà mình định theo từ nhỏ, chẳng qua hoàn cảnh, đẩy tới thì làm! Nhiều người đã dự định sẽ dễ dàng chia tay với văn học ở quãng ngã ba này. Nhưng rồi lại do hoàn cảnh xô đẩy và nếu đó là hoàn cảnh thuận lợi cho sự sáng tác, chẳng hạn gặp một số bạn bè quen, trong không khí văn học đang mời mọc - người ta lại dấn thêm một bước nữa. Kết quả, ăn chịu với nghề, và có thể xoa tay mà tuyên bố rằng, tí nữa thì từ giã cái nghề mà thật ra, hợp với mình hơn cả.
Nguyễn Quang Sáng là một trong những trường hợp như thế. Nguyên hồi kháng chiến chống Pháp, anh chỉ mới viết một ít truyện ngắn hoặc những bài báo nhỏ in trên báo Quân đội nhân dân miền Tây. Tập kết ra Bắc ít lâu, anh được chuyển ngành. Trước mắt, Nguyễn Quang Sáng mở ra mấy khả năng. Một là, đi vào con đường thể thao. Bạn anh, Hoàng Văn Bổn chuyên đánh vô-lây, Nguyễn Quang Sáng từng giật giải nhất về bóng bàn ở đơn vị. Nên vào đây chăng? Hai là, đi học thêm văn hoá (như Nguyễn Ngọc Lượng, một bạn học cũ của Nguyễn Quang Sáng, sau đi học ở Cộng hoà dân chủ Đức). Ba là đi viết văn. Nghĩ một hồi, Nguyễn Quang Sáng chọn con đường thứ ba.
Truyện ngắn vào nghề của anh là Con chim vàng in ở báo Văn Nghệ. Thế là từ nơi đơn vị cũ là Sầm Sơn, Thanh Hoá, anh trở đi trở lại nhiều lần với Hà Nội, và bước vào văn học với những bước vững chắc.
Nếu Con chim vàng là tác phẩm ra mắt của Nguyễn Quang Sáng, thì tác phẩm tương đối chín của anh trước 1965, tác phẩm mà đến nay anh “ưng” nhất, là Đất lửa Nhưng tiểu thuyết này cũng đã thu hút không biết bao nhiêu tâm sức của tác giả, và quá trình hoàn chỉnh tác phẩm, cũng là quá trình Nguyễn Quang Sáng tiếp xúc rộng rãi với giới viết văn thủ đô.
Một trong những người đọc Đất lửa đầu tiên là Nguyễn Huy Tưởng. Ông Tưởng coi là Đất lửa có chất tiểu thuyết và rất khuyến khích Nguyễn Quang Sáng. Nguyễn Tuân cũng thích, Nguyễn Tuân bảo...”Tôi thấy cậu nên tả cho nó ra cái dòng sông quê hương hơn nữa”. Kim Lân, Nguyên Hồng đều cho nhận xét cụ thể. Có buổi Nguyễn Quang Sáng mang ra đọc để mọi người nghe ở Cổ Tân, có cả Hoàng Trung Thông dự.
Một lúc nào đó, Nguyễn Quang Sáng đã có thể tự nói với mình, là giá không ra Hà Nội, không bao giờ anh trở thành nhà văn cả. Không khí văn học ở thủ đô những năm 1958-1960 đã thực sự trở thành một hoàn cảnh tốt, giúp cho tài năng của Nguyễn Quang Sáng nẩy nở toàn diện.
Để hiểu về tâm tư các nhà văn khu Năm - Nam Bộ tập kết ra Hà Nội sau 1954 và sự gắn bó đời văn của mỗi người với thủ đô, sau đây chúng tôi xin giới thiệu hai trường hợp cụ thể. Một là, đoạn “độc bạch:” của Nguyễn Thành Long và một là bài phỏng vấn nhà văn Đoàn Giỏi.
SỐ TRUY CẬP online