Hà Nội với tôi Nguyễn Thành Long

1.
Đến lúc tôi thành nghề, biết mọi những điều bí mật của đời những con người, muốn đặt cho cha tôi nhiều câu hỏi về cuộc đời của ông, thì ông không còn nữa. Làm sao ông là một người tầm thường mà lại yêu văn thơ không phải yêu mà thôi, mà tỏ ra còn có chút ít khả năng đó - và trong cảnh nhà nghèo sự sa sút đã tới ở lì đuổi cũng không chịu đi nữa, ông vẫn mua cho tôi, và hàng ngày ông cũng đọc, những sách báo chủ yếu từ Hà Nội vào. Từ khi lên bảy, tôi đã mê Hà Nội qua văn thơ. Mê từ một bát bún riêu bốc khói đến một chiếc bánh đậu xanh tan dần trên đầu lưỡi. Mê từ một rặng cây bàng đổ lá đỏ đến một buổi sáng gió lạnh đầu mùa. Có một người bạn - bản thân là một nhà thơ không thành - bảo tôi. “Các anh bây giờ viết văn xuôi giỏi hơn hồi đó nhiều”. Nhưng văn xuôi hồi đó về Hà Nội cuốn hút tôi như vậy.
Trường phổ thông tôi học ở Quy Nhơn gồm có mười lớp nối nhau, thành một đường thẳng. Tôi biết từ bé, cuối con đường thẳng đó là Hà Nội. Anh em cùng lớp phần nhiều viết như nói, thường thường để nhiều vết tích giọng địa phương, riêng tôi, sách báo giúp tôi sớm có giọng văn Bắc - câu phổ thông bây giờ. Không những thế, tôi đã thấy lờ mờ từ lúc nhỏ, mối quan hệ giữa mình với cái mình viết, không thể viết mà không thấy, viết mà không thành thật, viết mà lòng dửng dưng. Các bài tập là văn (“luận” - như tên gọi hồi đó) đều sớm mang cái quan niệm đó. Cũng như chuyện thường xảy ra cho nhiều nhà văn, tôi vừa đọc sách, vừa nhận định rằng mình, mình cũng có cái gì để nói, và lắm khi tôi bỏ cuốn sách đang đọc dở ra để thử viết chuyện mình. (Cái chuyện mình đây, từ lúc học cấp hai, đêm nào tôi cũng thức đến một hai giờ sáng để lần tìm nhưng mấy chục năm sau mới tưởng tìm thấy nó). Điều đáng ghi nhận ở đây là cách hai nghìn cây số Hà Nội đã ảnh hưởng đến tôi như vậy, và ý muốn ấy dần dần trở nên mãnh liệt. Cha tôi chạy vạc mặt để giúp tôi đi Hà Nội học, mỗi tháng gửi cho tôi sáu đồng.
Một buổi sáng mùa đông, trên chuyến tàu xuyên Việt tôi ra đầu toa, gặp một người bạn thân nhất của tôi ở đầu toa bên kia, hai đứa chúng tôi vẫn là hai đứa nhỏ nhất trong lớp, học với nhau từ bé. Anh cũng như tôi, tìm cách đi ngang, chúng tôi là một lớp chàng trai muốn lớn thật nhanh, không yên tâm đi từng bước một nữa. Hà Nội sẽ giúp chúng tôi học trước hết là giúp chúng tôi học. Năm ấy, chúng tôi vừa mười bảy. Và anh bạn tôi nay là nhà xã hội học.
Những năm Hà Nội trước cách mạng ấy, riêng tôi coi là một số những năm đẹp nhất đời tôi. Tôi cứ như người được sống trong giấc mộng của mình. Những cảnh trí, những địa điểm mà tôi gặp trong sách báo, tôi đều tìm thăm hết. Tôi làm được một việc mà người Hà Nội cũng chẳng mấy người làm được là bỏ trọn một ngày chủ nhật để đi bộ một vòng quanh Hồ Tây. Tôi làm một việc ít người làm nữa là lại bỏ một ngày mang bánh mì theo để ăn và ở trong Văn Miếu. Hà Nội trong tôi trộn lẫn với văn thơ như vậy. Tôi học về văn hoá lúc ban ngày lúc ban đêm, lại có cái may được gặp những ông thầy cực giỏi như cụ Nguyễn Văn Tố chẳng hạn. Những thì giờ khác, ban ngày hay ban đêm tôi vào Thư viện quốc gia. Tôi đọc được nhiều sách thời kỳ này. Không khí Thư viện quốc gia thúc giục tôi làm việc, thúc giục tôi học, vì ở đấy bao giờ cũng đông, tôi biết số đông đều là nhân tài, đều dùi mài chăm chỉ cả, nhân viên rất tận tình và lễ phép. Đêm đêm đi học về, hay ở thư viện về, trên các đường phố Hà Nội vắng lặng, trăng sáng xanh thơm ngát mùi hoa sữa và hoa hoàng lan, cái cảm giác sung sướng của một người học trò nghèo nhưng tin chắc rằng mình có biết thêm hôm nay một điều gì mới, cái cảm giác sung sướng đó giờ vẫn còn vang vang trong tôi. Về nhà trọ, lên gác, nghe tiếng rao, tôi thả một chiếc giỏ con xuống, kéo lên một cốc cà-phê và một nửa chiếc bánh mỳ xúc-xích, tất cả giá ba xu - sáu đồng nhà gửi, ăn cơm tháng ba đồng, còn ba đồng cho phép tôi sự xa xỉ đó, và giờ đó, tôi bắt đầu tập viết, ở đây, vào năm mười tám tuổi, tôi viết bài tiểu luận đầu tiên đăng trên tạp chí Thanh Nghị là tờ báo của trí thức. Cũng năm này, tôi viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên nhan đề áo trắng mang đến Nhà xuất bản á Châu và gặp anh Hồ DZếnh.
Về sau, trong kháng chiến chống Pháp, lục tìm tủ sách của Yến Lan, tôi bắt gặp một chồng giấy cao kinh hoàng của Chế Lan Viên. Anh ra Hà Nội trước tôi mấy năm. Bao nhiêu anh em mà bấy giờ tôi chưa được biết nữa, cả một thế hệ đòi lớn gấp lên. Một hôm ở thư viện, ngồi trước mặt tôi, là một anh học sinh mặc áo dài đen, cổ quấn chiếc khăn len to sù, đang ngồi viết sách. Linh tính tôi đoán đây là Nguyễn Đình Thi, lúc bấy giờ anh còn đi học, nhưng đã nổi tiếng vì mấy cuốn sách triết học. Đến khi cùng nhau đến quầy lấy sách, tôi kiễng chân nhìn phiếu ghi của anh, thì ra Nguyễn Đình Thi thật. Về sau, hai mươi năm chống Mỹ, có dịp về ở chung một nhà, chúng tôi không thân nhau, nhưng rất lâu từ ngày đó, tôi tự hào đã biết tác giả Diệt phát-xít như thế, đến nỗi còn nhớ số nhà trọ của anh ở phố Huế mà chắc anh đã quên rồi. Đến nỗi tôi đã gửi cho anh bức thư của Đại tá Rốp-bơ, chánh kiểm duyệt Pháp gửi cho tôi về cuốn áo trắng không được in, hồi đó anh là trưởng ban điều tra tội ác của thực dân Pháp về văn hoá. Trong những năm trước và đầu cách mạng, anh là hình mẫu của tôi.
Tại đây, những ngày trước cách mạng tháng Tám, tôi chứng kiến cảnh đói khủng khiếp năm ất Dậu, ngươi ta vừa đi vừa ngã quay ra chết, và các hướng đạo sinh vội vã chở đi chôn những xe chất đầy xác, trong đống xác còn những người chưa chết hẳn. Tôi là một tráng sinh đó, ngày ngày xách rá đi xin mỗi nhà một nắm cơm để phát cho những người ăn xin đông nghịt ở phố Quán Sứ, đến lúc không còn gì để cho nữa thì chúng tôi bật khóc theo người ăn xin. Đến lúc chúng tôi những học sinh quê miền Trung, miền Nam sợ nạn đói lây cả đến bản thân mình, chúng tôi vội vã chạy về quê.
Rồi lại vội vã trở lại Hà Nội, vì Cách mạng tháng Tám đã bùng nổ. Chào mừng cách mạng, anh em trẻ chúng tôi cứ cuống quít lên vì cho rằng trang bị của bản thân mình không có gì để tham gia xây dựng xã hội vĩ đại mới. Chúng tôi luôn luôn bị giằng xé giữa hoạt động và học tập. Nhân một bài viết của tôi gần đây, anh Xuân Diệu nhận xét tôi cứ trở đi trở lại những câu hỏi viết cho ai? viết để làm gì? hoài. Quả thực, đó là băn khoăn rất lâu của tôi. “Khoa học, dân tộc, đại chúng” là tiêu đề một bài viết của tôi ngày ấy trên tạp chí Tân văn hoá ở Huế, và vấn đề đó cũng là nội dung một cuốn sách nhỏ nhưng khá đẹp của tôi (nhờ anh Lương Xuân Nhị vẽ bìa) nhan đề Chiến tuyến văn hoá, Nhà xuất bản Đời mới in để chào mừng cách mạng. Với những hoạt động ấy, tôi được mời dự Hội nghị văn hoá toàn quốc mùa đông năm ấy, ngồi cạnh Trúc Khê, Ngô Văn Triện và Trọng Hứa. Nhân dịp này, tôi cũng gặp lại Chế Lan Viên mà tôi đã đi vào chỗ thân tình năm trước ở Quy Nhơn. Lúc nào tôi cũng xúc động khi nhớ tới hình ảnh anh đưa tay ngang tai chào đoàn biểu tình của quần chúng đi qua. Mới một năm mà Chế đã có vẻ được rèn luyện nhiều, tư tưởng ổn hẳn. Anh là một nhà thơ, còn tôi chỉ mới là một người học trò nhiều tham vọng nhưng chưa có kinh nghiệm gì.
Tôi lần lượt ra ga tiễn những đoàn quân Nam tiến, ngày càng đông, vào để chiến đấu ở quê tôi. Tôi lần lượt tiễn các bạn tôi về miền Trung. Ngay lúc vang lên những tiếng nổ tàn sát của thực dân Pháp ở phố Hàng Bún, tôi đang ở ngoài ga. Những ngày trước, tôi đã sung vào một đội tuyên truyền xung phong khu Bẩy mẫu. Tám giờ năm phút tối 19 tháng 12 năm ấy, đèn tắt phụt , ầm lên một tiếng dữ dội, thế là cuộc kháng chiến bắt đầu. Tôi chui qua tường từng dẫy phố tôi ở phố Duy-vi-nhô (nay là Triệu Việt Vương), chỉ có một câu nghĩ lại buồn cười, rỉ tai mọi người để động viên bà con “ Ta đánh trước đấy mà!” Đêm ấy là một đêm rất đẹp, tôi còn nhớ. Dưới mặt đất, đang diễn ra những sự việc anh hùng, trên cao sáng rõ một trời sao. Khuya, hiện lên ở phía Tây thủ đô một vầng trăng lưỡi liềm như bằng bạc, có ba ngôi sao chầu ba bên, rõ là chữ Tâm mà Nguyễn Du tả trong Truyện Kiều. Tôi quyết định lên đường đi bộ về Nam chiến đấu ở quê hương.


II.

Vậy đó mà tám năm tôi mới trở lại Hà Nội. Đối với tôi, cuộc trường chinh tám năm đi chống Pháp là để trở lại Hà Nội hôm nay và mãi mãi, viết văn mãi mãi.
Trở về Hà Nội, lần này, tôi có một căn buồng riêng, là căn buồng, ba mươi năm đã qua, tôi vẫn ở bây giờ, trong kháng chiến chống Pháp, tôi xuôi ngược nhiều, loay hoay nhiều và tưởng đã tìm ra một số bí quyết. Về Hà Nội, tôi nhận ra nhanh chóng những cái mình đạt được còn thấp xa so với nhiệm vụ của mình, nếu mình lấy việc viết làm nhiệm vụ, và căn buồng của tôi ba mươi năm liền thấy tôi gồng sức để có thể từ một người viết trở nên một nhà văn, theo đuổi kịp bạn bè. Căn buồng này quen thuộc hết bạn bè của tôi, thường nhìn thấy tôi hếch cái mặt đần độn của mình lên mà nghe chuyện, đến lúc tiễn bạn về xong, kín đáo ghi vào sổ tay một ý gì mình vừa nhặt được, nó có khi thực sự là thành quả của tôi ngày hôm đó. ở Hà Nội, bao giờ cũng có những người bạn cho mình học nghề, những người bạn có khi thật trẻ cũng có khía cạnh đáng cho mình học. Và tôi nhận ra nhanh chóng sáng tác bao giờ cũng có nghĩa là viết về một địa phương nào, nhưng muốn viết về địa phương nào thì viết, sáng tác của anh phải được Hà Nội sàng lọc và công nhận, những người đánh giá đó là tập thể những người sành có nhiều ôm ấp như những người bạn của tôi.
Căn buồng của tôi cũng còn ghi nhớ những kỷ niệm về những độc giả, về sau trở nên nhân vật của tôi họ từ miền Nam lúc còn đen tối ra, hay từ các công trường ở miền Bắc tới, kể cho tôi nghe chuyện của họ, và tôi thấy thế nào cũng phải viết những chuyện đó, đó là một bổn phận. Nhà người thợ giặt, bây giờ tôi có thể nói được không, là một dị bản mà một mô-măng của cuộc đời Trần Thị Lý gợi cho tôi, và Sáng mai nào xế chiều nào thoát từ câu chuyện anh Dinh, giám đốc mỏ T, gợi cho tôi đúng ngày giải phóng quê hương.
Căn buồng này lại trông thấy tôi khi nào sống được là chẳng mấy khi chịu ở nhà, đi có thể nói khắp nơi trong nước, có những nơi rất hẻo lánh, tôi tưởng trong đời chỉ đến một lần không ngờ đến lần thứ hai, rồi thứ ba. Tôi nghĩ nếu buộc chân tôi lại, không cho tôi đi thực tế nữa, thì cũng cầm bằng buộc tôi vào cái thế phải tuyệt đường sinh đẻ. Tôi nghĩ rằng trong mỗi truyện ngắn của tôi viết về các địa phương, bao giờ cũng có mặt một nhân vật Hà Nội, nhân vật đó là tôi. Tôi đã cho lăn trái tim người Hà Nội của tôi đến các nơi ấy, nghe phản ứng của nó và viết. Tôi tự nhận là một nhà văn Hà Nội, mặc dù tôi chưa viết được gì nhiều. Có một lần, về nhà, tôi được bà hàng xóm giao lại một bức thư kèm theo một món quà. Thư viết “Tôi vừa đọc truyện Người Hà Nội của anh đăng trên tạp chí Tác phẩm mới. Anh hãy tiếp tục viết như thế”. Tôi ơn người viết thư suốt đời, Hà Nội có những độc giả tuyệt vời và chờ mong chúng ta như vậy. Chúng ta tiến tới nhờ những người đó. Tôi ở Hà Nội nửa đời người, nhưng chưa viết được cái gì về Hà Nội đáng giá. Nhưng tôi không mạo muội khi nói rằng chính là nhờ Hà Nội mà tôi trở nên người cầm bút phục vụ cho đất nước. Nghề nghiệp bao giờ cũng là cái hạnh phúc cao nhất của tôi và đối với người viết văn, nơi nào giúp anh làm tốt nghề anh, nơi ấy thực sự là quê quán, cho nên đối với tôi, không gì sẽ thay thế được căn buồng 20 mét 300 của tôi. Tôi muốn bè bạn, sách vở, nếp làm việc, nếp suy nghĩ đó tiếp tục giúp tôi sinh nở ngày nào tôi còn sống.
(Trích)
SỐ TRUY CẬP online