XUÂN DIỆU 2

NGƯỜI BIẾT MÀI SẮT NÊN KIM

Tâm lý con vợ lẽ
Trong một tiểu luận mang tên Những bước đường tư tưởng của tôi (1958), Xuân Diệu kể: ông là con một tú tài nho nghèo, dạy học, từ nông thôn chuyển dần ra thành phố. Một chi tiết có ý nghĩa quan trọng hơn : ông là con vợ bé. Điều oái oăm ở đây là lúc này, má ông vẫn ở với bà ngoại, còn Xuân Diệu cũng như người em trai là Tịnh Hà thì ở với đại gia đình, tức bố (mà ông gọi là thầy) và vợ cả của bố (mà ông gọi là mẹ). Bên ngoại cách bên nội độ vài cây số; lâu lâu, bà má tội nghiệp mới được phép đến thăm hai cậu con trai, mà cũng chỉ đứng ngoài cửa, chứ không vào nhà; rồi lại lâu lâu, hai cậu con trai lại trốn về thăm má, thăm ngoại, cho đỡ nhớ thương.
Như các nhà tâm lý học từng quả quyết, tính cách một con người được hình thành chủ yếu lúc ấu thơ, khoảng trước 5 tuổi, và ở đấy, những dữ kiện trong đời sống gia đình có ý nghĩa bao trùm. Tình thế “con vợ bé” nói trên đã nhào nặn nên một khuôn mặt tâm lý đặc biệt ở Xuân Diệu: ông dễ thương người, trong ông thường có những nỗi buồn vô cớ, hậu quả của một tình thế trớ trêu, lúc nào cũng cảm thấy nhưng không sao thay đổi nổi. Đấy cũng là một yếu tố tạo nên sự nhạy cảm thấy có ở hầu hết các nghệ sĩ. Nhưng nét trội nhất trong tâm lý con vợ lẽ ảnh hưởng nhiều đến cách xử thế của Xuân Diệu là sự nhẫn nhục. “Qua sông nên phải lụy đò – Tối trời nên phải lụy cô bán dầu”. Vì tôi ở vào tình cảnh như thế, nên tôi phải chịu nước lép, chứ thực ra trong bụng, tôi thừa biết là tôi chẳng kém gì đời. Chữ lụy ấy, Xuân Diệu rất hiểu. Hồi ký Tuổi trẻ Xuân Diệu (do Tịnh Hà ghi) và cuốn sách Đi hoang của Tịnh Hà (cả hai chỉ được xuất bản với một số lượng ít ỏi ) cho biết: trong khi Tịnh Hà uất ức, phẫn nộ, đã phải bỏ cái đại gia đình kia để sống kiếp lang thang thì Xuân Diệu chọn con đường cắn răng cam chịu, ngoan ngoãn sống với thầy mẹ, dồn tất cả tâm sức vào học, vì biết rằng chỉ có học giỏi mình mới nên người, đền đáp xứng đáng công ơn má là người đã dứt ruột đẻ ra mình. Rồi ra sự nhẫn nhục này sẽ theo ông trên suốt đường đời. Ở một xã hội mà quan niệm xướng ca vô loài còn nặng, trong một đất nước luôn luôn có bao nhiêu việc cần hơn là “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, tâm lý nhẫn nhục ấy giống như một thứ xu-páp bảo hiểm, nó rất cần thiết cho những người lấy sáng tác làm nghề nghiệp. Chả thế mà khoảng 1940, Xuân Diệu đã có gan bỏ thi đàn để đi làm tham tá nhà đoan ở Mỹ Tho. Dẫu rất yêu sáng tác, con người này vẫn hiểu rằng có một cái còn quan trọng hơn sáng tác, đó là đời sống, là tồn tại. Ngoài một lần “nhượng bộ lớn” đó, trong cuộc đời một người cầm bút, Xuân Diệu còn có nhiều phen nhẫn nhịn rất đáng thông cảm.
Ý chí lập nghiệp
Ta hãy hình dung lại tình hình đất nước khi Xuân Diệu lớn lên và ra học để thi tú tài ở Hà Nội. Sau những thể nghiệm trong những năm đầu thế kỷ, nay là lúc xã hội Việt Nam chuyển hẳn sang mẫu hình hiện đại. Người ta đua nhau mở hiệu buôn, làm đại lý cho các hãng buôn tận bên Tây, rồi đóng tàu chạy đường biển; rồi khai mỏ, mở nhà in… Tất cả gặp nhau trong một ý nghĩ: cái gì mà người phương Tây đã làm, đang làm, thì mình cũng phải làm được và sẽ làm đến nơi đến chốn. Trong lĩnh vực đời sống tinh thần cũng có tình trạng như vậy. Một lớp người mới bước vào nghề: Nhất Linh, Khái Hưng, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư v.v… So với thế hệ Tản Đà hoặc Phạm Duy Tốn, họ có chỗ khác: Tây học thấm vào họ từ khi còn ngồi trên ghế tiểu học. Sách báo phương Tây là cái mẫu hình mà họ thấy không có cách nào khác hơn là phải noi theo. Với những bài thơ táo bạo in trong Thơ thơ, Xuân Diệu còn như là muốn chứng tỏ: lối nói, lối xúc cảm của những Rimbaud , Verlaine… không có gì xa lạ với người mình. Trong phạm vi ngôn ngữ dân tộc cho phép , người làm thơ vẫn có thể trình bày hết những ý tưởng đã đến trong tâm trí con người Việt Nam hiện đại.
Nếu sự nhạy cảm và nói chung là toàn bộ năng khiếu đã đưa Xuân Diệu đến với sáng tác văn học thì ý chí lập nghiệp sẽ là yếu tố bảo đảm cho ông thành công. Đã mang tiếng ở trong trời đất – Phải có danh gì với núi sông – Mấy câu thơ ấy của Nguyễn Công Trứ luôn vang bên tai ông như lời tự nhủ. Trong khi những người khác coi văn chương là một việc tài tử ,vui làm, chán bỏ được chăng hay chớ, thì Xuân Diệu sẵn sàng đánh vật với công việc bởi ông hiểu rằng đây là cuộc sống thật sự của mình. Báo Ngày nay và nhóm Tự lực đang nổi lên như cồn, gần như làm chủ văn đàn ư? Thì ông sẽ tìm được cách để được coi như một thành viên trong nhóm! Làm thơ không sống nổi, thơ là thứ không thể lấp đầy một tờ báo, phải biết viết tin, viết truyện ngắn ư? Thì Xuân Diệu sẽ học để làm được tất cả những cái đó. Văn xuôi của ông trong Phấn thông vàng là một thứ văn xuôi độc đáo không giống bất cứ ai khác. Tóm lại có thể bảo trong số các nhà văn tiền chiến, Xuân Diệu là một trong những ngòi bút mang chất nhà nghề rõ rệt nhất. Chất nhà nghề đó bộc lộ ở thói quen chịu thương chịu khó “nhận tất cả mọi việc về nghề văn”, nhận đủ các loại com-măng, rồi việc to cũng như việc nhỏ đều làm hết lòng, làm ở trình độ hiện đại, vừa bám sát yêu cầu của khách hàng, vừa mang rõ dấu ấn riêng, để có thể đề vào đó mấy chữ “made in Xuân Diệu” mà không sợ mang tiếng gì hết.
Cốt cách của người lao động
Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, Xuân Diệu 29 tuổi. Ở thời ấy, đấy là cái tuổi đã trưởng thành. Chẳng những thế, trong xã hội, Xuân Diệu đã có vai trò rất vẻ vang, vai một văn nghệ sĩ nổi tiếng.
Cách mạng rất hiểu điều đó, và liên tục dành cho Xuân Diệu sự ưu ái cần thiết.
Về phần mình cái vai ấy cũng được Xuân Diệu đảm nhận một cách đầy đủ. Vừa có ý thức, vừa tự nhiên khéo léo, gần như là vô tình, vô ý thức, ông tạo cho mình cái cốt cách mà người nghệ sĩ lúc này cần có: cốt cách một người lao động. Nhìn lại hơn 40 năm cuối đời của Xuân Diệu, người ta thấy ông đã lao động không mệt mỏi. Khi làm đài phát thanh, khi làm báo, khi bình thơ, khi viết tiểu luận, luôn luôn ông tìm thấy việc để làm và giá có được phân công làm gì thì cũng mang vào đấy cả sự tính toán kỹ càng vốn có. Thơ giờ đây được ông xem như một ngành sản xuất, với tiến độ, nhịp độ mức tiêu thụ nguyên liệu và mức ra sản phẩm… rành rọt. Để biện hộ cho các bài thơ phục vụ kịp thời, ông nêu lý luận về loại thơ thực tế, xem đó là cả một hướng tìm tòi nghiêm chỉnh. Nhưng chỗ mạnh của mình là thơ tình thì ông vẫn nhớ! Biết rằng trước sau xã hội sẽ cần loại thơ ấy, ông khai thác những vui buồn trong cuộc đời riêng một cách triệt để, làm sẵn thơ tình rồi công bố dần. Ông lại có ý thức tổ chức sao cho các bài thơ đó bổ sung nhau, nối tiếp nhau, tiến tới làm ra một thứ mà ông ước tính nên gọi là từ điển tình yêu, những cặp trai gái khi cần sẽ có cái để tra cứu từ A đến Z. Nhưng không ở đâu cái khao khát “làm mọi thứ cho ra tấm ra món” của Xuân Diệu bộc lộ rõ như khi ông viết tiểu luận. Sau những thành công trong việc đột phá vào sáng tác của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, ông sớm hiểu rằng đây là khu vực làm nên sự nghiệp cuối đời của mình. Công cuộc khai thác được ông lên kế hoạch đâu vào đấy, ở đó, không có chuyện thú hay không thú, hợp gu hay không hợp gu, ở đó là sự đào cùng tát cạn, là xúc từng mảng, từng mảng ... Số lượng trang viết trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên trong đầu óc Xuân Diệu. Ông hể hả nhìn lại số đầu sách đã ra, số trang đã viết, cũng như hể hả ghi vào sổ tay số lượng những cuộc bình thơ, nói chuyện thơ, số lần được mời làm chủ khảo chấm thơ - cái tâm lý rất trần tục ấy là một trong những dấu hiệu chứng tỏ cách cảm cách nghĩ của người lao động đã thấm hẳn vào Xuân Diệu. Như một người đàn bà suốt đời lam lũ lo liệu gây dựng cơ đồ, lúc về già, ông không thấy phải ý tứ gì nữa. Ông tham lam đòi bằng được những gì mà ông coi là quyền lợi riêng của mình, là mình phải được – để rồi sau đó, lại mang đi ban phát cho người khác và cảm thấy thế là sung sướng. Ông thích người ta phải luôn luôn nhắc đến vai trò, vị trí của ông trong đời sống văn học. Ông nói khéo léo người này, quát mắng người kia, cốt sao được việc, cốt sao trong những trang văn học sử do những người ấy viết, hình ảnh ông hiện ra sáng sủa nhất, dễ coi nhất. Trong lời tựa Thơ thơ ngày nào, Thế Lữ từng sớm chỉ ra rằng Xuân Diệu rất quyến luyến cõi đời, tấm lòng trần gian của ông rất nặng. Nay, trong cốt cách của người lao động, nhà thơ mới bộc lộ hết mình, tấm lòng trần gian ấy mới thật hiện ra với cái vẻ trần trụi và thông tục của nó. Dẫu sao, Xuân Diệu cũng đã đạt được cái điều mà ông mong muốn!
SỐ TRUY CẬP online