CHƯA AI THÔNG CẢM HẾT SỰ CÔ ĐỘC CỦA TÔI

Thật ra cách tìm xuống âm phủ để hỏi chuyện “các bậc tài hoa” đã chết như thế này từng được nhà văn Phạm Thị Hoài đầu têu với việc phỏng vấn Hồ Xuân Hương in ở Lao động chủ nhật số 2 ra ngày 10-12-1989; người viết bài này chỉ học đòi mà phỏng theo. Chỗ khác nhau giữa chúng tôi là: Phạm Thị Hoài mượn hình thức hỏi chuyện để trình ra một số ý nghĩ của mình về cuộc cách mạng tình dục; bài phỏng vấn đó thực chất là một tiểu luận. Còn bài viết của tôi là bài phỏng vấn … thiệt! Rất mong các bạn đọc xa gần, nhất là những người có quen biết với Xuân Diệu hồi ông còn sống, xác minh hộ xem người đối thoại với tôi hôm nay có phải là Xuân Diệu thật không, hay là một hồn ma nào khác.

Với thói bo bo bỏm bỏm chi li nhặt nhạnh những gì đã viết , hẳn ông vui sướng khi thấy Toàn tập 6 cuốn của mình đã được in ?

Nhưng nó cũng chỉ mới in một lần , mà tôi thì muốn in đi in lại nhiều lần . Một phần tâm huyết là các bản dịch các bài giới thiệu văn học nước ngoài của tôi còn chưa được sưu tầm và in lại đầy đủ .
Vả chăng , nay là lúc đến các nhà văn nhà thơ hạng nhì hạng ba cũng làm tuyển tập …

Ông không muốn lẫn đi giữa họ ?


Ai mà chẳng thế , có riêng gì tôi .

Còn nhớ hồi làm Tuyển tập tập 1, ông cố ý cho in cả những bài thơ dở?


Thơ hay tự bạn đọc biết tìm cho họ rồi. Nhiệm vụ của nhà thơ lúc làm tuyển tập cuối đời là đưa thêm cho họ thật nhiều, để họ đãi lại, may ra có được gì thêm.

Chỗ mạnh chính trong con người ông?


Làm việc cật lực, làm việc không ngẩng đầu lên được nữa.

Thế còn chỗ yếu?

Cũng là làm việc cật lực, làm việc đến mức không có thì giờ xem xét lại, đánh giá lại công việc của mình. Người ta thích nhắc nhau câu của Goethe: Khởi nguyên là hành động. Nhưng nên nhớ Goethe còn nói: Sự hành động làm tê liệt tư tưởng.

Ông có nghĩ rằng trong giới văn nghệ sĩ nước ta, không thấy có những trí thức cỡ lớn như R.Rolland, A.France?


Thì dân tộc cũng chỉ rặn được ra lũ chúng tôi.

Kinh nghiệm tồn tại của ông trong văn học?


Lúc làm thơ, phải thật trong sáng. Nhưng lúc in thơ lại phải thật cơ hội (cười). Cậu xem, trừ Tô Hoài, còn ai lắm đầu sách như mình nào! Mà quá nửa sách của Tô Hoài là sách viết cho thiếu nhi.

Phương châm sống của ông?

Vắt kiệt mình cho đời. Viết hết những điều mà mình muốn viết và có thể viết. Một người như Nguyễn Tuân biết nhiều mà viết quá ít.

Vì cụ còn muốn sống cho đẹp?

Có lẽ thế. Còn mình mình nghĩ phần tinh hoa của người nghệ sĩ mà cũng là phần sống đời của họ là ở tác phẩm. Theo mốt hiện đại, không ai đếm xỉa đến cuộc sống riêng của anh lắm đâu, mà anh phải quá chăm chút đến mất thì giờ vì nó. Tôi sống chỉ cốt để phục vụ cái tôi viết.a

Nhiều người cũng muốn như ông, mà không xoay xỏa nổi.


Phải. Vì họ còn vợ đẹp con khôn, có người còn quyềnn cao chức trọng đủ thứ. Phần tôi, không có gia đình, tôi chỉ lấy viết làm vui. Sinh thời, tôi đã tập cho mình thói quen của mấy bà già nông thôn. Cậu có để ý thấy các bà ấy lúc nào cũng phải có việc gì đó để làm, rời tay cấy hái là lại lăn vào chuyện nhà cửa bếp núc nếu không thì cũng khâu vá hết ngày…

Lúc sống, có điều gì mà ông cảm thấy chưa được thông cảm?

Sự cô độc và những cách thức của con người để sống chung với sự cô độc, mà cũng là để chiến thắng sự cô độc ấy.

Tại sao những năm cuối đời, ông không tính chuyện viết hồi ký?

Mình không muốn công nhận là mình đã già. Mình mải việc…. Vả chăng, hồi ấy viết hồi ký có cái phiền của nó. Ví dụ chuyện mình có mấy bài thơ tặng Nhất Linh, Hoàng Đạo, rồi chuyện mình chính thức có chân trong nhóm Tự Lực văn đoàn, hồi ấy mình đã phải dẹp mãi, các sách văn học sử nó mới lờ đi cho. Ai hơi đâu mà lạy ông tôi ở bụi này? Còn như, giá được sống đến bây giờ trong hoàn cảnh Tự Lực văn đoàn được đánh giá lại, mình sẽ trình bày chuyện ấy thật đàng hoàng.

Giờ đây, ở dưới suối vàng, ông nghĩ thế nào về đời mình?


Mãn nguyện. Có thể coi là mãn nguyện được.

Nếu mai đây, các nhà văn học sử đánh giá lại về ông thì sao?


Đấy là việc của họ. Nhưng vượt được bọn mình, đâu có phải chuyện dễ!
SỐ TRUY CẬP online