VIẾT NGAY VỀ NHỮNG NGƯỜI QUANH MÌNH

Lâu nay, mỗi khi cần điểm qua các truyện ngắn Nam Cao đã viết, mà trong đó nhân vật là nhà văn và có những đoạn luận bàn về nghề văn, người ta vẫn nói đến Trăng sáng và dừng lại kỹ ở đoạn gần cuối truyện khi nhân vật Điền tự nhủ với mình – thực chất là đoạn bản thân Nam Cao phát biểu một quan niệm tiến bộ về nghệ thuật “Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền”.
Tuy nhiên, có lẽ cũng không nên quên là sau khi tìm được phương hướng đúng, thì nhà văn còn phải lo viết cho ra tác phẩm. Viết về cái gì bây giờ? Cái điều mà nhà phê bình không để ý, thì Nam Cao đã để ý. Sau tuyên ngôn hùng hồn nói trên, Nam Cao chỉ hạ một câu kiểu bỏ nhỏ: “Điền chẳng cần đi đâu cả”. Song đứng về mặt nghề nghiệp mà xét, đây cũng là một thứ tuyên bố khác, tuyên bố về cái chất liệu sẽ được khai thác, mỗi khi sáng tác. Rồi chúng ta sẽ bắt gặp trong tác phẩm của ông “tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm”, nghĩa là tất cả những gì làm nên cái thực tế hàng ngày mà ông vẫn sống.
Câu chuyện “nhà văn viết bằng cái gì” không chỉ hé ra ở Trăng sáng, mà còn được Nam Cao quay trở lại trong các thiên truyện khác như: Những truyện không muốn viết, Cái mặt không chơi đưoou... Nói chung ông đã thực hành đúng theo đúng những điều ông đề xướng. Thử tưởng tượng, hồi ấy giá có ai chân tình hỏi: “Thưa ông ông lấy tài liệu ở đâu để viết?”, hẳn tác giả Chí Phèo sẽ giơ cả hai tay lên trời mà ngạc nhiên: “Ồ việc gì phải tìm đâu xa? Một mỏ vàng thật sự ở ngay dưới chân anh đó, anh chỉ còn có việc bắt tay khai thác!”.
Không, Nam Cao không đùa bỡn chút nào trong câu trả lời dung dị ấy! Giả sử bây giờ có ai muốn viết lại đời Nam Cao ư, tài liệu cũng rất sẵn! Chỉ cần đọc lại truyện ngắn và tiểu thuyết của ông, người ấy sẽ tìm ra đủ chi tiết để dựng lại từ quê hương bản quán, cho đến họ hàng nội ngoại, rồi hàng xóm láng giềng, các đồng nghiệp, những bạn bè quen của ông và nhất là gia đình của chính ông nữa. Nhân đây, xin được dẫn lại một câu chuyện vui vui có liên quan đến Sống mòn. Đây là lời cắt nghĩa chính thức nhiều người đã được nghe chung quanh cái lý do khiến cho Sống mòn không thể được in ra từ trước 1945: “Tập tiểu thuyết ấy quăng đi ném lại, không lọt qua được lưới xuất bản, tuy rằng soi từng chữ không chỗ nào bắt bẻ được” ( Bài viết của Nguyễn Đình Thi , 1952) . Nhưng Tô Hoài, người bạn chí cốt của Nam Cao, thì kể rằng hồi ấy Nam Cao hay nói đùa: “Bao giờ những người trong tiểu thuyết này chết đi, mình mới đem in được sách. In bây giờ thì không dám nhìn mặt ai nữa”. Hóa ra, cái ngón nghề hiệu nghiệm mọi khi cũng đôi lúc có thể phản lại nhà văn. Nhưng đã sống chết với nó rồi, Nam Cao đâu có dễ một sớm một chiều thay đổi.
Để chứng minh cách làm việc này về sau vẫn được Nam Cao duy trì, Tô Hòai còn dẫn ra một sự so sánh, lấy từ quá trình sáng tác của các ông hồi kháng chiến chống Pháp. Nguyên hồi ấy cả hai ông đều làm phóng viên cho báo Cứu quốc Việt Bắc, song mỗi người một cách sống cách viết. Một đằng là Tô Hoài mải hướng con mắt đi tận đâu đâu: “Ngày đêm tôi đi khắp. Để bảo vệ cơ quan, tỉnh đã phân công tôi phụ trách địa phương như cán bộ xã… Lúc nào tôi cũng gần gũi và làm việc với mọi người”. Còn đằng kia, cũng như nhà văn Điền hồi nào, Nam Cao cũng “chẳng cần đi đâu cả”. Vẫn lời Tô Hoài: “Nam Cao ngồi cả ngày ở nhà, giải buồn bằng cách học tiếng Mán và trò chuyện với ông Kim già…” (Những đoạn trích đều lấy ra từ tập chân dung văn học của Tô Hoài , mang tên Những gương mặt). Thành thử khi nhìn lại mấy năm đầu kháng chiến, trong khi Tô Hoài vẫn có sách ra đều đều, những Núi Cứu Quốc, Ngược sông Thao, Xuống làng… thì Nam Cao chỉ vẻn vẹn có nhật ký ở rừng và mấy truyện ngắn chưa in vào đâu, trong đó có Đôi mắt. Nhưng đây là nhận định của Tô Hoài về chất lượng sáng tác của từng người: “Thằng cha ấy chẳng đi đâu mà viết Ở rừng lại được, mình sục sạo lặn lội thế, mà chữ nghĩa lại lạnh như đá”. Dĩ nhiên, tự nó cách viết chẳng là gì cả, nhưng một khi chọn được cách viết (bao hàm được cách khai thác tài liệu) phù hợp, thì nhà văn đã có điều kiện tiên quyết để tạo ra tác phẩm có giá trị.
Nói đi phải có nói lại, đúng ra trong văn học cổ kim đông tây cũng vậy mà ở Việt Nam cũng vậy, số người lấy chính đời mình ra làm tài liệu, và viết ngay về những người quanh mình, số đó đâu có ít. Trước Nam Cao, Khái Hưng đã viết Thanh Đức do kinh nghiệm có từ cái gia đình lớn mà ông từng sống. Thạch Lam cũng mang những kỷ niệm hồi nhỏ sống ở Cẩm Giàng hoặc Tân Đệ để viết Hai đứa trẻ và Tình xưa, cũng như Nguyên Hồng có Những ngày thơ ấu và Hồ Dzếnh có Chân trời cũ. So với các nhà văn ấy, ở Nam Cao chỉ có một chỗ khác rõ rệt là ông khai thác mình và cuộc sống quanh mình vừa thường xuyên hơn, vừa triệt để hơn. Trước sau trong nghề, ông chỉ dùng có duy nhất cái “ngón võ” ấy, mà không thử xoay sang vận dụng những “chiêu thức” khác. Cho nên bảo tên tuổi ông gắn với nó, tưởng cũng không phải là quá.
Ở một mức độ tương tự, còn một đặc điểm nữa trong lối hành nghề của Nam Cao nó cũng là một đóng góp của ông cho nghề văn, đấy là cái cách Nam Cao cho mình xuất hiện trong tác phẩm.
Xin bắt đầu từ một thiên truyện đã trở thành cổ điển ở Nam Cao, là truyện Lão Hạc. Nhân vật chính của truyện là một ông lão già nua và tự trọng, tự tìm lấy cái chết để khỏi ăn vào đồng vốn của con cái. Nhưng tự tử bằng cách nào bây giờ? Lão đi xin một ít bả chó, và để tránh người ta hỏi han lôi thôi, lão bảo có con chó nào cứ đến vườn lão, lão định cho nó xơi một bữa, đánh được sẽ làm chầu rượu. Nghe có lý quá! Nhiều người tin, cả tác giả cũng phải tin. Và con người hoài nghi nơi Nam Cao nổi dậy, ông tự nhủ hóa ra cuộc đời giờ đây buồn quá rồi, không còn ai đáng kính đáng trọng nữa. Ông chỉ vỡ nhẽ khi tận mắt chứng kiến lão Hạc vật vã trước khi chết. Về một phương diện nào đó mà xét, cái chết ấy gỡ cho tác giả tránh khỏi một cách nghĩ lầm lạc.
Cũng như nhiều truyện ngắn khác của Nam Cao, Lão Hạc mang những ý tưởng nhân bản sâu sắc khiến nhiều thế hệ các nhà phê bình còn đến khai thác, mà vẫn chưa hết. Ở đây, chúng ta chỉ nói đến nó trên phương diện nghề nghiệp. Trong sáng tác của mình, nhiều nhà văn Việt Nam trước đây, từ Khái Hưng đến Vũ Trọng Phụng, từ Nhất Linh đến Nguyễn Công Hoan đều hiện ra với một đặc điểm chung: bao giờ họ cũng đứng cao hơn nhân vật mà họ miêu tả. Nhà văn mà lại không hiểu về nhân vật này, dự đoán sai về nhân vật kia ư? Làm gì có chuyện kỳ cục như vậy. Mà có đoán sai thì người ta cũng… để bụng, chứ hơi đâu “lạy ông tôi ở bụi này”? Nhưng với Nam Cao thì khác. Từ những Trăng sáng, Đời thừa cho tới Trẻ con không được ăn thịt chó, Mua nhà, Bài học quét nhà… rồi Ở rừng, rồi Đôi mắt, hình ảnh nhà văn hiện ra trong tác phẩm không mấy khi cao đẹp, trọn vẹn, nếu không muốn nói rằng, ông cũng có những phút hèn yếu tầm thường như bất cứ ai. Và truyện của ông, không ít trường hợp được xây dựng trên cơ sở một sự phản tỉnh, tức là lúc đầu ông tưởng mọi việc là như thế này, về sau hóa ra thế khác. Một quan niệm như thế về người viết văn, xem ra là một quan niệm dân chủ và chỉ trong xã hội hiện đại người ta mới bắt gặp. Khi tự bảo rằng mình không thánh tướng gì hết mà cũng đang trong quá trình tìm tòi, quá trình tự hoàn thiện như mọi người, thật ra nhà văn không bị hạ giá như có người lầm tưởng. Mà hình ảnh người cầm bút lúc ấy lại có chút gì đó gần gũi hơn với người đọc. Những kết luận mà nhà văn đi tới như có sức thuyết phục hơn. Và trước tiên ngòi bút ấy có một không gian thực sự rộng rãi để lui tới.
SỐ TRUY CẬP online