PHỎNG VẤN TÁC GIẢ CHÍ PHÈO


Năm 1941, kiệt tác Chí Phèo của Nam Cao (dưới cái tên Đôi lứa xứng đôi) được in ra ở Hà Nội. Từ ấy, cái tên Chí Phèo, sánh ngang với những Hoạn Thư, Sở Khanh trước kia, những Xuân tóc đỏ, ông Típ-phờ-nờ… đương thời, trở thành một điển hình bất tử trong lịch sử văn học.

Vào dịp anh Chí đến tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, giá Nam Cao còn sống, chắc các nhà báo đến phỏng vấn ông dài dài.

Nhưng Nam Cao cũng đã mất từ tháng 11-1951, và cuộc phỏng vấn mà bạn đọc chờ đợi đó, chỉ có thể diễn ra trong tưởng tượng.

- Căn cứ vào bản lý lịch ông khai ở Hội nhà văn, nhiều sách vở nói ông sinh 1917. Nhưng một vài nhà nghiên cứu đến gặp gia đình lại bảo thật ra ông sinh 1915, tuổi Mão. Ông nghĩ sao về chuyện này?

Một đồng hương của tôi là Nguyễn Bính sinh vào ngày nào năm 1919 không ai biết. Cô Xuân Quỳnh mới chết, lý lịch ghi sinh năm 1942, cũng chưa chắc đã đúng. Khối cây bút đang sống sờ sờ, tuổi khai bát nháo chi khươn, mà có ai bắt tội? Người Việt ta xưa nay vẫn thế, đâu phải chỉ nhà văn. Song các cuốn sách có ghi năm xuất bản, nghĩa là các nhân vật của chúng tôi có lý lịch chính xác, thế là được rồi.

- Hẳn ông cũng biết Chí Phèo sống, sống dai dẳng hơn bao con người có thật khác?

- Thì người sống các anh chả hay bảo nhau rằng phải có một tí A.Q, một tí Chí Phèo trong người mới sống được là gì? Bao đứa con bất trị cũng như bao nhân viên ngang bướng vẫn thường được gọi là Chí Phèo. Xét kỹ, thật nhiều khi oan cho anh Chí của tôi quá.

- Niềm vui của một nhà văn là được hậu thế nhắc nhở nhiều…

- Nhưng nỗi buồn cũng là ở đấy. Người ta còn hay tìm anh để đọc. Tức là người ta thấy cuộc sống vẫn y nguyên như anh đã miêu tả. Thử hỏi còn hay hớm cái nỗi gì?- Hành động mù quáng mà lương tâm sáng suốt, lương tâm còn sáng suốt.

Nét chủ yếu trong tính cách Chí Phèo?

- Đúng thế. Điều tôi sợ nhất ở con người là ngược lại. Lương tâm chết hẳn. Mà tính toán lại chi ly, kỹ lưỡng. Rồi thông minh, rồi sắc sảo. Tóm lại vẫn phải gọi là sáng suốt, nhưng là sáng suốt trong việc làm bậy, giành giật của người khác. Để tồn tại, họ bất chấp đạo lý. Không cần biết thế nào là lẽ phải. Không hối hận mà cũng không xấu hổ bao giờ.

- Điều ông cầu mong cho con người tương lai?

- Có những nhà văn nói rõ thói xấu của họ. Với một cái nhìn thông cảm, cố nhiên.

- Như ông đã nói về người đương thời, qua Chí Phèo, giáo Thứ và nhiều nhân vật khác?

- Phải, như thế xem ra có ích hơn là cứ xoa dịu, vuốt ve nhau, rồi mặc cho bọn xấu tha hồ hoành hành trong bóng tối.

- Điều kỳ quặc trong số phận của một nhà văn như ông hồi viết Chí Phèo, Sống mòn?

- Chúng tôi phải viết trong khi cũng túng đói, khổ sở, bất lực như chính các nhân vật của mình vậy.

- Và đây là lý do khiến ông toàn viết về những người trong gia đình với hàng xóm làng giềng chung quanh?

- Một nhà văn không biết kỹ về mình, về những người quanh mình thì còn biết được gì khác nữa!

- Kinh nghiệm tồn tại của ông trong văn học?

- Giữa sự đánh giá của người đương thời và giá trị thực của nhà văn thường khi có một khoảng cách. Phải dũng cảm là mình. Phải tập sống đơn độc dù đôi khi, đơn độc nghĩa là thiệt thòi.

- Câu hỏi cuối cùng:điều gì khiến cho một nhà văn sắc sảo như ông sau khi chết vẫn nhắm mắt chưa yên?

- Nói đùa một chút cho vui: là bị một nhà phê bình nhạt nhẽo đeo đẳng rồi độc chiếm và biến mình thành ra của riêng của anh ta. Nhưng trên đời này có ai tự nhận là nhạt nhẽo đâu. Nên nói vậy chứ nói nữa, họ cũng chẳng động lòng. Thôi, đành tự an ủi, chắc trời bắt tội, thì mình phải chịu.

¬- Thế còn nói nghiêm chỉnh?

- Ở dưới suối vàng này, tôi cùng với các bác Ngô Tất Tố, Khái Hưng, Thạch Lam ... thường vẫn bàn với nhau: dạo này trên trần các vị viết ẩu quá, câu cú tùy tiện, chữ nghĩa lung tung hết cả lên. Có nhà văn thuộc thế hệ tôi còn sống, cậy tài cho là mình có quyền bịa ra chữ, đặt ra ngữ pháp, viết phứa phựa không còn ra làm sao. Tiếng Việt cứ bị làm hỏng như thế, thử hỏi chúng tôi nhắm mắt sao yên?!

SỐ TRUY CẬP online