NGUYÊN HỒNG VÀ SỰ SÁNG TẠO ĐAU KHỔ

Sau khi tỏ lòng thành kính ca ngợi Nguyên Hồng và những sáng tác xuất sắc của ông, hầu hết bạn bè đồng nghiệp đều nói về nhà văn này như một con người sống lam lũ vất vả và nói chung là một kiếp người nhiều đau khổ.
Theo như cách nói của Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng là kẻ đam mê viết - một kẻ bị ám ảnh bởi công việc , ngoài viết ra không thiết gì, ăn mặc xuềnh xoàng đến mức người ta tưởng là lập dị. Tô Hoài từng nhiều lần lang thang với Nguyên Hồng trên đường thì phác hoạ ông như “kẻ lẫn vào các đám đông”. ý Nhi thấy ông chẳng khác “một lão nông về quê sau chuyến đi xa”. Nguyễn Đăng Mạnh dẫn lại khá tỉ mỉ lời Nguyên Hồng nói về người cha mình, một người “khắc khổ, đăm chiêu, u uất”, cả đến lúc giải trí cũng “cặm cụi, lặng lẽ, cô độc”, và người đọc có thể hiểu rằng đấy cũng là những lời lẽ mà Nguyên Hồng dành để nói về chính mình.
Có một tập quán đã hình thành lâu đời trong sinh hoạt tinh thần ở ta: Không nói nhiều đến khía cạnh đau khổ, nhất là cái nhếch nhác của con người. Nhà văn là kẻ gợi ra những ao ước cao đẹp, những phút bay bổng diệu kỳ, chí ít cũng là niềm an ủi dịu dàng . Các nhà văn lại càng đòi hỏi được ghi nhận như một đại diện của cao khiết, thanh sạch. Thành thử chỉ một ít chi tiết nho nhỏ đây đó gài thêm vào các bài viết như trên cũng đã cho người ta thấy rõ một Nguyên Hồng có thực, Nguyên Hồng của phận khó, Nguyên Hồng của những kẻ chân đất giữa đời thường. Và bởi lẽ, đây là một người có văn nghiệp, một ngòi bút được kính trọng, qua Nguyên Hồng, người ta có dịp hiểu thêm về cái lẽ tồn tại của văn chương trong cuộc đời, và số phận vừa vinh quang vừa cay đắng của một lớp người cầm bút trong xã hội mà tác giả Bỉ vỏ là một đại diện.
+
+ +
Thật ra, không phải đợi đến lúc đọc các hồi ký, người ta mới bắt gặp một Nguyên Hồng đau khổ như trên vừa nói. Cũng như văn Thạch Lam, văn Nguyễn Tuân, văn xuôi Nguyên Hồng là một thứ sản phẩm giàu chất tự truyện. Và mặc dù Nguyên Hồng đã viết tiểu thuyết, trong thế giới nhân vật của Nguyên Hồng đã hiện ra bao nhiêu nhân vật song bao giờ cũng vậy, tất cả cái thế giới ấy được nhìn nhận, xét đoán, rồi thế giới ấy rùng rùng như lên cơn sốt, cuồn cuộn phẫn nộ, rên rỉ, đau đớn là nhờ cái nhìn của một nhân vật chính.
Trong Ngọn lửa, đó là Giang, An
Trong Lưới sắt, là Minh
Trong Cuộc sống, là Nguyễn Xuân
Và trước khi hiện thành nhân vật Thanh xuyên suốt 2000 trang Cửa biển, thì nhân vật ấy đã cùng tôi trong rất nhiều truyện dài truyện ngắn từ Những ngày thơ ấu, qua Giọt máu đến Đại ngục, Lò lửa. Đấy chính là nhân vật mang chất tự truyện của Nguyên Hồng. Trong những dịp nói tới nhân vật ấy, Nguyên Hồng trở lại với cách làm việc của một nhà thơ, tức là chỉ còn biết chính mình, nói về chính mình, những mong qua cái mình phong phú vô tận, biểu hiện ra cả thế giới.
Mỗi khi cần ghi nhận đóng góp của Nguyên Hồng, với lịch sử văn học, điều đầu tiên và gần như cuối cùng mà các nhà nghiên cứu hay làm là phân tích cuộc đời những cụ Cam, Gái đen, mẹ La, Xin … những nhân vật thuộc loại dưới đáy của xã hội, vậy mà vẫn là những tâm hồn tươi sáng. Tất cả những điều đó là đúng, là cần thiết, nhưng có lẽ đã đến lúc nên nói thêm bên cạnh những nỗi đau khổ về vật chất trên đời này còn có những cay đắng về tinh thần, những băn khoăn day dứt mà người ta phải gánh chịu cũng đáng được thông cảm, nếu không nói rằng lại còn đáng được văn học để mắt tới hơn nữa. Mà về phương diện ấy thì khi có ý thức, khi ngẫu nhiên, song Nguyên Hồng đã cung cấp những bằng chứng vô giá. Thật vậy, trở lại với những An, Giang, Huân, Thanh vừa nói. Hạt nhân tính cách của họ được tác giả kiên trì nhắc đi nhắc lại, đó là khả năng nhìn vào đời sống một cách chăm chú, khả năng đồng cảm, nói rõ hơn, khả năng đau bằng chính da thịt mình, nỗi đau của những người khác. Tâm trí luôn luôn bén nhạy, lại có điều kiện lăn lộn giữa bao nhiêu xóm nghèo, bao nhiêu ngõ tối, mỗi nhân vật mang tính cách tự truyện này của Nguyên Hồng đồng thời là một ông Giê-su, thương đời, xót đời, và nhờ vào chút lương tri tối thiểu, luôn luôn cật vấn về sự đời. ở giữa bóng tối, họ như ánh sáng - dù đôi khi là ánh sáng lờ mờ, leo lét song vẫn toả sáng soi dọi vào những người chung quanh, say mê người này, kính phục người kia, và thờ phụng, và ao ước trở thành một người khác nữa. Có điều, nhìn cho kỹ đời sống tâm lý nhiều vẻ của những An, những Thanh ấy, cứ có cái bộn bề lộn xộn và nói chung là không thanh thoát một chút nào cả. Mượn chữ của Tolstoy khi nói về Gorky, có thể bảo trái tim của họ thông minh, nhưng trí tuệ của họ thì rối rắm, một thứ trí tuệ khó hiểu và có cả những nét buồn cười. Sống trong đau khổ do xã hội áp đặt đã dành, thường xuyên họ còn đau khổ vì những lầm lẫn, sai trái do chính họ tạo ra. Một lỗi nho nhỏ nhưng là khởi điểm của bao tai vạ: Thường khi đó là con người của ảo tưởng. Bước giữa đời sống mà họ vẫn xa lạ với đời sống. Khờ khạo, bạc nhược, họ dễ bị lừa, bị khích động. Trong Lưới sắt, nhân vật đó sau khi đi tù về, lúc nào cũng sợ sệt hốt hoảng, nhìn đâu cũng ra kẻ thù nên chỉ muốn tránh hết mọi chuyện. Trong Giọt máu, nhân vật đó thấy kẻ ác hoành hành, chỉ bó tay chịu đựng, bất lực. Sự thực ta chả nên oán trách con người ấy làm gì. Bởi lúc nào anh cũng thèm thuồng đói khát, đói theo nghĩa đen, thậm chí có lúc đã làm những việc mà lương tâm anh cho là hèn hạ nhất (ăn vụng cơm nguội), cốt sao sống sót để rồi sau đó lại xổ ra hàng tràng những lời đau xót tự xỉ vả. ở loại nhân vật này của Nguyên Hồng, hình như có sự “gặp gỡ” kỳ cục, “gặp gỡ” giữa những khát vọng lớn lao, với những thói quen cử chỉ tầm thường hèn hạ như một thứ bản năng tự mọc lên trong người, và nhân vật không thể hoàn toàn kiểm soát chúng bằng ý thức. Nhân vật, bởi thế luôn luôn ở trong tình trạng chới với, thảng thốt. Những câu nói giật giọng, những xúc cảm lộn xộn, lẩn quẩn, những cử chỉ phường tuồng (đọc thơ, quỳ xuống lạy..) khiến cho chúng ta bùi ngùi thương cảm nhân vật ấy nhưng cũng hiểu rằng thứ chúa Giê su yếu đuối này sẽ không làm được gì nhiều mà chỉ suốt đời hậm hụi. Một điều nữa, cũng đã bị nhiều người phát giác. người thanh niên có học trong nhiều tác phẩm của Nguyên Hồng nhiều khi say đắm đến mức mê muội trước những kẻ dáng quyền quý. Song thực ra, nghĩ cho kỹ, lại có thể bảo đây là điểm khả thủ trong nhân vật nó chứng tỏ con người ấy vẫn thành thật với mình, và với bản năng yếu đuối, bản năng xúc động mạnh mẽ trước cái đẹp, nhân vật này là một thứ nghệ sĩ bẩm sinh. Oái oăm một nỗi nhân tố làm nên lẽ sống của Thanh, An, Giang … như vậy, lại sẽ là nguồn gốc của bao đau khổ, như ở trên ta đã thấy, nhất là khi họ nhập cuộc nghề văn, tức hiến mình cho cái thuần khiết, cái cao cả mà họ kính phục. Sở dĩ Nguyên Hồng có thể miêu tả rõ ràng đến thế, day dứt đến thế những tình thế mà các nhân vật Thanh, An, Giang, Huân của ông trải qua, ấy là vì ông đã mang mình vào các nhân vật, ông đã trình bày chính nỗi đau khổ của mình. Xét chung toàn bộ đời văn của Nguyên Hồng, có thể bảo đau khổ đó là bạn đồng hành thường xuyên của ông, là thức ăn nuôi sống tài năng. Là chỗ cho ông trú ngụ, tồn tại. Nếu lúc mới vào nghề, đau khổ là dấu hiệu khiến ông tự phân biệt với các nhà văn thượng lưu khác, thì về sau, nó là tấm gương soi để ông thấy mình vẫn là mình, mình chưa tự đánh mất. Suốt đời nhẫn nhục chịu đựng, song trong ông lại có xen cả niềm tự hào, một chút gì như là tự bằng lòng, và do đó sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ khác sẽ tới. Bởi, ông hiểu sau hết đau khổ cũng chính là vẻ đẹp nữa.
+
+ +
Để nói đến công phu của đám học trò chữ nho, người xưa có câu thập niên đăng hoả, nghĩa là mười năm đèn sách. Cho dẫu rằng thời ấy, việc làm thơ làm văn chưa được coi là một nghề kiếm sống (người ta chỉ làm thơ viết văn khi việc quan rỗi rãi, hoặc sau những giờ dạy học trò, bốc thuốc ), song con đường để đi tới với nó, thường khi dài dặc ghê gớm. Lịch sử văn học đây đó vẫn thấy ghi nhận là nhà thơ nọ, nhà thơ kia “vốn xuất thân gia đình nghèo khó” hoặc “sống gần nhân dân lao động”. Nhưng đấy chỉ là một cách nói ước lệ. Khi đã dùng được chữ Hán hoặc chữ nôm để sáng tác - mà lại có được những sáng tác hay, tới mức lưu truyền trong sử sách - tất nhiên người ta đã phải trở thành một con người khác, so với xuất phát ban đầu. Văn hoá lúc ấy, muốn hay không muốn, cũng có tính cách vượt lên sự thông thường tính cách bác học.
So với chữ Hán, chữ nôm, thì quốc ngữ là một cái gì đơn giản hơn hẳn. Học dăm ba năm là một người có năng khiếu có thể sử dụng nó một cách thành thạo. Sự hình thành một người viết văn làm thơ từ đầu thế kỷ này do đó có phần giản dị hơn, đôi khi bước vào nghề văn với một gia tài nghèo khó và trong khi chưa kịp khác mình, chưa thành thượng lưu trưởng giả, ngòi bút ấy có thể cứ tiếp tục khai thác cái quá khứ nghèo khổ ấy để chinh phục thiên hạ. Nhờ thế những người ít học mà lại bồng bột một năng khiếu sáng tạo mạnh mẽ vẫn có một chỗ đứng. Họ dễ mang vào văn chương một thực tế mới, cái chất mới và cả những giọng điệu mới. Cũng giống như những Molière, Dickens trong các thế kỷ trước và M. Gorky trong thế kỷ này, những Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài… thời tiền chiến ở Việt Nam thật đã có những đóng góp khiến cho văn học Việt Nam thay đổi cả khuôn mặt, so với trước khi họ xuất hiện. Từ góc độ của những Nhất Linh, Khái Hưng mà nhìn, một người như Nguyên Hồng chắc đã gây ra nhiều ngạc nhiên, giống như cái ngạc nhiên mà Tolstoy thể nghiệm khi nhìn Gorky. “Sự quan tâm của ông đối với tôi, vốn có tính chất dân tộc học. Dưới mắt ông, tôi là người của một bộ lạc mà ông ít biết” - Trong sổ tay Gorky đã thú nhận như vậy.
Sự thực thì cái mà những người như Nguyên Hồng mang lại đối với văn chương đương thời, không chỉ là cái lạ trong đề tài và nhân vật. Đúng ra phải nói nó là một cái gì khoẻ mạnh đặt bên cái yếu mềm phù phiếm, cùng là cái hoang dại, dữ rằn bạo liệt, bên cạnh cái mơ mộng, ngọt ngào. Sự dũng cảm trong chất văn Nguyên Hồng không chỉ bộc lộ ở những chi tiết có liên quan đến cuộc đời của những Năm Sài Gòn, Tám Bính trong Bỉ vỏ. Một cách điềm đạm hơn, mà thật ra là táo tợn, sâu sắc hơn, nó được bộc lộ trong Những ngày thơ ấu. Vũ Ngọc Phan cho rằng Nguyên Hồng lúc viết cuốn tự truyện này đã “trút bỏ hết cả những thành kiến” “đặt mình lên trên tất cả dư luận” nên chỉ đạt tới cái tầm chân thực mà thường thì các nhà văn Anh hay nhà văn Nga mới đạt tới. Làm sao các đồng nghiệp đương thời khỏi sửng sốt về cái khả năng chân thực ghê gớm mà cũng là cái gan góc tự do kiểu ấy? Các thế hệ sau còn sửng sốt nữa! Trong đời sống văn học sau 1945 dạng như Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng đến với văn học càng nhiều cái lạ lùng mà Nguyên Hồng mang lại cho văn học sẽ được họ nghiền ngẫm thật đầy đủ, thật kỹ lưỡng, để rồi trở thành nhân tố thúc đẩy họ bám rễ vào nghề và tự tin trong nghề hơn nữa. Cùng một lứa bên trời lận đận: đấy là điều, nếu không nói ra, thì nhiều nhà văn xuất hiện sau 1945 những Võ Huy Tâm, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu v.v… đã tự cảm thấy khi nghĩ về Nguyên Hồng thường ít nhiều được lý tưởng hoá, cả những đau khổ của ông cũng được lý tưởng hoá, trong khi chính văn của ông lại ít được phân tích cặn kẽ.

Sự thực là như thế nào?
Yếu tố đầu tiên để có sáng tác là sự sống.
Tuy nhiên xét cho cùng, trước sau việc cầm bút vẫn là một hành động văn hoá, chữ văn hoá không phải chỉ được hiểu như một sự làm đẹp mà là sự thuần thục của tay nghề, sự kỹ lưỡng, khả năng biết tiếp nhận những thành quả của các người đi trước, đồng thời là sự sáng tạo ra cái mới, chữ văn hoá với hàm nghĩa tốt đẹp của sách vở kiến thức và tất cả những gì là sản phẩm của trí tuệ. Nếu quan niệm văn hoá theo một nghĩa rất rộng như nó phải có, người ta sẽ thấy nó có mặt trong tất cả mọi thành tựu sáng tạo. Như với Nguyên Hồng mà chúng ta đang nói. Một mặt do ảnh hưởng của gia đình, đặc biệt là người bà, Nguyên Hồng đã tiếp nhận văn hoá dân gian - kể cả văn hoá cơ đốc giáo ở dạng thông tục, dạng dân gian - một cách khá sâu sắc. ấy là không kể bao nhiêu sách vở mà Nguyên Hồng đã suốt đời mê mẩn. Mặt khác cũng phải nhận là dẫu sao sự tiếp nhận đó có nhiều xô bồ, tuỳ tiện, bên những cái lặt vặt quá nhiều thực ra vẫn thiếu những cái quan trọng, thiết cốt, chúng là yếu tố tổ chức, thiếu chúng thì thế giới văn hoá của người ta vẫn hỗn độn, nhoè nhoẹt, vẫn không thành hình ở giai đoạn này của lịch sử nhân loại, quang cảnh văn hoá thật đã giống như khu rừng nhiệt đới rậm rạp, dễ làm người ta mê mẩn rồi lạc hướng, nếu thiếu những tri thức cơ bản nó là thứ địa bàn đóng vai trò hướng dẫn. ở một người như Nguyên Hồng, do chỗ thiếu đi cái phần cơ bản ấy, các thành tố rất tốt đẹp của văn hoá đã kết hợp lại gần như lộn xộn, nó tạo nên nơi ông một khuôn mặt văn hoá khác thường, và tác phẩm của ông, nhiều khi cũng nhàu nát như cuộc đời của ông vậy. Là một ngòi bút mau xúc động một ngòi bút giàu chất thơ, song chủ yếu Nguyên Hồng lại sống với văn xuôi, lao động cật lực ở văn xuôi. Là một nguồn văn ăn ở những cảm nhận ngẫu hứng, bột phát say sưa, và nếu về sự sắp xếp điều hoà các mảng các khối, song ông đã phải ép mình ngồi dàn quân tính việc, lo bố cục các bộ tiểu thuyết dài, trong đó bộ cuối cùng hai ngàn trang có lẻ, trong văn học Việt Nam là thuộc loại những bộ sách đồ sộ nhất của thế kỷ. Và làm sao giải thích một tư duy sáng tạo xa lạ với sử học như thế lại bị lôi cuốn vào cuộc đời nhiều chất dã sử của những Hoàng Hoa Thám, Dương Vân Nga? Tạo hoá đã quá tin ở ông, hay đã chơi khăm khi đặt lên vai Nguyên Hồng một thứ công việc đáng ra là của những cây bút trầm tĩnh như Chu Thiên, như Nguyễn Huy Tưởng? Đạo diễn sân khấu Vũ Đình Phòng mới đây có kể với người viết bài này một chi tiết có thật: một lần ghé vào Nhã Nam chơi với Nguyên Hồng những năm cuối đời, Vũ Đình Phòng đã được tác giả Bỉ vỏ cho biết là với ông, quyển tiểu thuyết về Hoàng Hoa Thám là một cái gì quá nặng nề, không hiểu sao có lúc ông lại bốc đồng lên nhận viết, giờ ông hàng ngày đến với công việc như người đi làm cỏ vê, ngần ngại, mệt mỏi vì biết rằng mọi chuyện sẽ miên man không biết đến đâu là cùng. Sở dĩ chúng tôi tin chuyện này và chép nó lại ở đây, vì nếu nó có phải là lời lẽ phát ra nhân lúc cao hứng, một thứ buột miệng mà nói chăng nữa, thì nó cũng đã nói đúng mối tương quan của Nguyên Hồng với công việc. Đúng là trong nghề này, rất nhiều lần Nguyên Hồng đã chuốc lấy những việc trái khoáy “khó nhằn”, “khó gặm”, chỉ có điều, cũng như các nhân vật An, Giang, Thanh nói trên ông lại nghĩ ra đủ thứ ý do để tự trấn an tinh thần chính mình rồi lại cặm cụi mà làm như kẻ vác cây thập giá trên đường tới nước Chúa. Trước sau, ông xa lạ với mọi thói ma ranh, khôn vặt, láu cá. Khách quan và tỉnh táo mà đánh giá, phải nhận toàn bộ cuộc đời sáng tác của Nguyên Hồng về sau không có cái nào vượt được Những ngày thơ ấu, nhiều cuốn sách ông viết những năm cuối đời, có bề thế, có quy mô, nhưng nặng nề, đơn điệu, và dù biết rằng ở đó có nhiều trang hay, cũng ít người có can đảm đọc hết từ trang đầu đến trang cuối. Song nếu thông cảm hơn, và có tình hơn trong cách nhìn nhận, người ta lại ghi nhớ Nguyên Hồng như kẻ lúc nào cũng tận tuỵ với nghề và quả thực đã sống và chết, như một vị thánh, ở trong văn học.
+
+ +
ở trên, chúng tôi đã nhắc qua đến tên một vài nhà văn vô sản gần gũi với Nguyên Hồng. Gọi chung là các nhà văn vô sản thế thôi, song số phận mỗi người trong họ cũng có sắc thái riêng biệt. Người trở thành trưởng giả như Dickens hồi nào. Một số khác, sống trong thời nay, trở thành quan chức, thành cán bộ quản lý (cả M.Gorky cũng thuộc về trường hợp này). Lại có người như nhà văn Mỹ da đen R. Wright suốt đời phấn đấu học sống học viết, cuối cùng trở thành một trí thức lớn, song nỗi ám ảnh về những ngày tủi cực vẫn còn mãi trong ông, bản thân ông tự thấy không sao hoà nhập nổi với các đồng nghiệp cao sang của mình, và như một miếng ghép bật ra ngoài, ông đã tự tử. đặt bên cạnh những số phận lớn ấy, cuộc đời Nguyên Hồng như đơn giản hơn. Trước sau ông vẫn vậy, vẫn là mình, nhàu nát, cũ kỹ, cực kỳ đau khổ mà cũng là ngời ngời toả sáng. Có lẽ so với cuộc đời của Nguyên Hồng, thì hoàn cảnh riêng của Vũ Trọng Phụng chưa chắc đã bi đát hơn. Vậy mà, với đời, Vũ Trọng Phụng thường tỏ ra oăm uất căm uất thái quá. Nhìn đâu ông cũng thấy xấu xa bỉ ổi, từ đó, ông đi tới và hô hào mọi người đi tới một thái độ hư vô, nếu không phá hết, đập hết, thì cũng tin rằng tất cả đã hỏng hết rồi, không sao cứu vãn nổi nữa. Ngược trở lại, trước đau khổ, Nguyên Hồng thấy nên cam chịu, và tìm thấy lẽ sống, cảm hứng sáng tạo của mình trong chính sự đau khổ. Theo Nguyễn Đăng Mạnh cho biết, ngẫm nghĩ trước cái chết của Nguyên Hồng, Xuân Diệu bảo rằng “Nguyên Hồng mất đi nhưng cái văn của anh ấy còn rên rỉ”. Nguyễn Đăng Mạnh xem đấy là một lời khẳng định Nguyên Hồng không chết. Song, chúng tôi tưởng, hai chữ rên rỉ ấy còn nói đúng cả cái sắc thái chủ đạo trong văn Nguyên Hồng, và chính nó cũng thâu tóm được tinh thần chính của cuộc đời tác giả Bỉ vỏ.
1992
SỐ TRUY CẬP online