CÁT BỤI VÀ ÁNH SÁNG
Cuộc đời Nguyên Hồng thực sự là món quà tặng của lớp người cần lao cho văn học Việt Nam hiện đại
Ngay từ 1945 trở về trước, trong không khí sinh hoạt tinh thần hiu hắt của một xứ sở thuộc địa lắm người cơ cực, văn chương Việt Nam đã không mấy khi được khai thác theo hướng đi vào những triết lý cao siêu nhằm thỏa mãn đám người cao sang giàu có. Ai muốn tìm tới văn hóa thuần túy, xin mời đọc sách báo tiếng Pháp. Những hy vọng người ta trông chờ ở mấy tờ báo, mấy cuốn tiểu thuyết in bằng quốc ngữ trên giấy đen xỉn sản xuất bấy giờ giản dị hơn nhiều. Thứ quà không mấy cầu kỳ này được ngầm quy ước là phương tiện của người nghèo để an ủi người nghèo. Tinh thần dân chủ tự phát hoạt động ngay trong quy trình sản xuất và thưởng thức văn chương. Một nhà văn thật dễ được thông cảm nếu như bạn đọc biết rằng anh ta thường quan tâm tới những cuộc đời như mình, gieo neo, vất vả.
Nơi “dưới đáy” thiêng liêng
Về phương diện ấy mà xét, văn phẩm của Nguyên Hồng là một đáp ứng gần như trọn vẹn. Xuất hiện có phần hơi muộn trong một giai đoạn rực rỡ của văn học Việt Nam (mà nay thường được gọi là văn chương tiền chiến), song Nguyên Hồng thật đã tận dụng được tinh thần dân chủ theo nghĩa trên đây vừa nói, để mang vào một thứ chất lạ trong văn học – cái chất chắt ra từ cuộc sống của đám người mà theo cách gọi của Gorky, là dưới đáy của xã hội. Nguyên Hồng viết gì? Ông viết về tình yêu và cuộc đời truân chuyên của một đôi vợ chồng lưu manh trùm ăn cắp (Bỉ vỏ). Về trường hợp một gã học trò bỏ học đi dạy tư không đủ sống, có lần nhịn ăn mấy ngày, sau đói quá, đêm ngủ ở nhà người quen, phải lục cơm nguội, và sung sướng nhận ra vị ngọt ngào kỳ lạ của thứ cơm nguội ấy (Ngọn lửa). Về những thèm khát nhớ nhung cuộc sống bình thường của một con người ở tù (Cuộc sống)... Đọc Nguyên Hồng, do thế là được sống những niềm vui trần thế ở dạng ban sơ nguyên chất. Là được yêu gió lành, nước mắt, và ánh nắng chói chang. Là được tha thiết đắm say với cuộc sống, được khổ vì nó, ứa nước mắt vì nó. Dù trong thâm tâm đã biết chắc rằng thật ra mình sống chẳng sung sướng gì, song qua những trang sách hay nhất in trong Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Miếng bánh… người ta vẫn cảm thấy được an ủi rằng dẫu sao, cuộc sống vẫn còn những điều gì đó thiêng liêng quyến luyến, mà ta chưa biết. Tinh thần nhẫn nhục cơ đốc giáo – một nhân tố có ảnh hưởng đến tâm tính Nguyên Hồng ngay từ thời nhỏ – cộng với một nỗi niềm ham sống mang tính cách dân gian đã đem lại cho nhiều trang viết rối rắm của Nguyên Hồng một tinh thần lạc quan hồn nhiên về cuộc sống ở ngay trong những bộn bề nhếch nhác. Trong khi cực tả những đau khổ mà các nhân vật của mình từng phải gánh chịu, Nguyên Hồng vẫn cho thấy ở họ có một cái gì run rẩy, mà lại mạnh mẽ, rắn chắc. Luôn luôn, họ dám là mình và chỉ trung thành với chính mình. Sau này, vào những năm cuối đời, Nguyên Hồng sẽ dồn hết kinh nghiệm sống để viết nên Cửa biển. Cuốn sách có tới 4 tập, mỗi tập ba bốn trăm trang gộp lại làm nên một bộ tiểu thuyết thuộc loại dài nhất trong văn học Việt Nam hiện đại. Ở đây có tới hàng trăm con người lui tới. Song dù quay cuồng trong khung cảnh Sóng gầm, của một Thời kỳ đen tối, giữa lúc Cơn bão đã đến, các nhân vật ấy vẫn giữ nguyên những khao khát mãnh liệt được làm người, được sống – nó là cái nhiệt tình người ta từng chứng kiến ở các nhân vật trong Lò lửa, Địa ngục…
Người khách tự do
Hơn nửa thế kỷ trước, tức khoảng 1938-1939. Sau khi xuất hiện chói lọi với Bỉ vỏ, Nguyên Hồng lại cho in dần trên tuần báo Ngày nay – tờ báo văn nghệ sang trọng bậc nhất lúc ấy – thiên tự truyện Những ngày thơ ấu. Mấy năm sau, khoảng 1942, khi viết bộ Nhà văn hiện đại, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan kể lại rằng “đọc tập tự truyện của Nguyên Hồng, tôi đã tưởng có dưới mắt quyển sách của một nhà văn Anh hay nhà văn Nga”. Ý Vũ Ngọc Phan muốn nói tới sự thành thực, mà cũng là sự dũng cảm của ngòi bút tác giả Những ngày thơ ấu, trong việc tự thú, tự bạch. Những tưởng cây bút đã viết nên những trang sách “tân kỳ”, “táo gan” như thế, vượt lên hẳn so với thói quen của người đương thời như thế, hẳn là một con người rất hiện đại, tiếp thu được cái học vấn sâu sắc của Âu Tây, đặc sệt chất thượng lưu quý phái.
Nhưng không, Nguyên Hồng tồn tại trong văn học Việt Nam như một nhà văn có cuộc sống rất gần với các nhân vật của mình, nghĩa là cũng đủ cay đắng cơ cực, như bất cứ cuộc đời dưới đáy nào khác.
Trong số các ý thích lặt vặt mà bạn bè đồng nghiệp bắt gặp ở Nguyên Hồng cho đến lúc già, và thường thích nhắc lại như một kỷ niệm vui vui, có chuyện nhà văn này rất thích bóng đá, có thể hàng giờ đồng hồ ngồi bên chõng tre, nghe chiếc máy thu thanh cà khổ tường thuật một trận bóng đá. Ngẫu nhiên chăng? Có thể. Nhưng nếu nhớ rằng trong Những ngày thơ ấu, Nguyên Hồng từng kể lúc nhỏ, mình mê đáo ra sao, điệu nghệ trong nghề chơi đáo và đã dùng cái nghề ấy làm một thứ cần câu cơm thế nào, thì người ta có thể nghĩ khác: hình như ông bắt gặp ở nhiều cầu thủ bóng đá hình ảnh của chính mình. Đó là lối lập nghiệp dựa hẳn vào năng khiếu, khả năng từ cuộc sống lam lũ, vỉa hè, góc phố… vươn tới những đỉnh cao vinh quang, được cả xã hội nể trọng. Có điều, giữa Nguyên Hồng với những người chân đất ấy vẫn có một chỗ khác cơ bản: ông không bao giờ trở nên giàu có. Trước 1945, nhóm văn nghệ trưởng giả bậc nhất là Tự Lực văn đoàn đã dang rộng cánh tay để đón nhà văn trẻ này hơn bất cứ ai. Tên tuổi Nguyên Hồng chỉ thật sự nổi tiếng sau khi Bỉ vỏ được Tự lực văn đoàn trao giải thưởng. Một số truyện của ông được đăng lần đầu trên Ngày nay kèm theo lời khen ngợi của Thạch Lam. Và trong lịch sử tồn tại của nhà xuất bản Đời nay, số lần in sách của các nhà văn không thuộc nhóm này chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó đã mấy lần dành cho tác giả Bỉ vỏ. Nhưng chỉ có thế! Trên nét lớn khi hình dung lại đời sống lớp lang rõ rệt của văn chương tiền chiến, người ta vẫn thấy Nguyên Hồng thuộc hẳn về cánh Tân Dân, nghĩa là cái khối tạp nhạp gồm nhiều cây bút viết văn viết báo như làm thuê làm mướn để kiếm sống. Từ sau 1945, hoàn cảnh có khác, mà với Nguyên Hồng vẫn có chút gì không khác. Lúc trở thành “ông đốc Hồng”, trông nom trường bồi dưỡng nhà văn trẻ, lúc làm báo, làm xuất bản, lại có chức danh là chủ tịch Hội văn nghệ Hải Phòng, song tâm trí ông vẫn dành cho sáng tác, và vẫn sống lam lũ vất vả như cũ. Từ 1957, giống như một thứ “lưu đày” tự nguyện, ông dẫn gia đình bỏ Hà Nội lui về sống hẳn ở một xóm núi Bắc Giang. Mối nguy hiểm đã đủ sức tiêu diệt nhiều tài năng chân đất là vinh hoa, tiền bạc…, Nguyên Hồng hầu như không bao giờ biết tới. Trước sau, ông vẫn là tù nhân của nghèo khó, hay nói đúng hơn, kẻ sống tự do trong nghèo khó.
Cái chết giống như cuộc sống
Một người chứng kiến cho biết, đám tang Nguyên Hồng giống như đám tang một người cả đời làm nghề nông hơn là một cây bút có nhiều cống hiến cho văn hóa. Sơ sài quá, thanh đạm quá! Người ta muốn kêu lên như vậy, nhưng rồi chợt nghĩ ngay: thật ra, cái chết ấy rất giống cuộc sống của Nguyên Hồng, nó là của ông, không thể khác.
Lại nhớ con người tác giả Bỉ vỏ lúc sinh thời. Hình như tất cả những gì được nhắc tới trong văn Nguyên Hồng đều đã để lại trên con người ông những dấu vết rõ rệt. Dáng người nhỏ thó. Nét mặt trầm ngâm. Giọng nói thất thanh thỉnh thoảng lại bất chợt thảng thốt cất lên vài câu ngớ ngẩn, vì thật ra ông thường xuyên chìm đắm trong thế giới nhân vật của mình. Chỉ hiếm hoi lắm mới thấy trên nét mặt ông thoáng qua một nụ cười, những lúc ấy cả con người ông chợt rạng rỡ hẳn lên, nó gợi lại cho những ai từng đọc ông nhớ tới cái ánh nắng mà ông thường say đắm miêu tả. Với một Nguyên Hồng như thế, đám tang ông là cuộc trở về tự nhiên “thân cát bụi lại trở về cát bụi”, chẳng có gì phải ăn năn cả.