"Cảm khái" không đủ


Tiếp theo bài Nguyễn Khải và Phong Lê, một cái nhìn khác về nhà văn và cuộc đời


Trên báo Văn Nghệ số 17-18 vừa qua có bài Chiến sĩ - Nghệ sĩ của Nguyễn Khải. Tóm tắt có mấy ý: 1/ Nhiều nhà văn ở ta, quãng đời đẹp nhất là thời chiến tranh. 2/ Đến thời hoà bình, ta đã sống hoài sống phí, sa vào quan liêu phù phiếm. 3/ Vậy mà nhiều chuyện tốt đẹp trong thời chiến tranh ta đã bỏ qua, không viết. Nhìn chung, nhà văn nên lo sáng tác – nếu bảo tính toán, thì đó là cách tính toán hợp lý nhất dễ dẫn đến hiệu quả lâu dài. Và đó là bài học mà nhiều cây bút về già nhận ra, dù đã muộn.

Đã có bài anh Phong Lê (Văn Nghệ số 20) chia sẻ với anh Khải về các nội dung này.

Tôi muốn đề nghị một cách nghĩ khác :


1-- Nên phân biệt đóng góp của một nghệ sĩ và một chiến sĩ.

Những gì anh Thi có những năm đầu kháng chiến chống Pháp là rất đẹp, nhưng dưới góc độ văn chương, đó mới là ở dạng tiềm năng. Anh Khải ao ước giá anh Thi viết lại thời đó hẳn sẽ rất thích – đó là giả định của người đọc sử chứ không phải là người đọc văn học.

Viết lại quá khứ một cách văn học có những yêu cầu khác với yêu cầu thông thường. Không phải cứ được chứng kiến nhiều việc quan trọng, là có ngay được cái hay. Nếu tính chuyện “sống nhờ” vào chất liệu của đời, thì ai chẳng viết được, cần gì đến nhà văn.

Tôi nghĩ những ngày kháng chiến đã vào thơ vào nhạc Nguyễn Đình Thi, thế là được rồi. Còn nếu ước ao nó vào tiểu thuyết ư? Viển vông quá! Cái sự kiện Nguyễn Đình Thi giữa Việt Bắc cuối 1954, ngồi đọc Chiến tranh và hòa bình đâu có phí, có thời khắc ấy thì mới có Vỡ bờ. Còn nếu bảo Vỡ bờ không thành công thì cái sự kiện kia cũng vô vị. Nó chẳng có ích gì cho văn học.

Hồi đầu chiến tranh chống Mỹ, anh Thi đã đi với Phòng không và Không quân. Với đất nước ta, một sự kiện như lần đầu Không quân có mặt, từ góc độ lịch sử mà nhìn, cũng đẹp lắm chứ, giá viết cho lên hết tầm cỡ của nó, cũng “dễ vào mai sau” lắm chứ! Và anh Thi đã viết Vào lửa lẫn Mặt trận trên cao nữa. Tôi nhớ hồi ấy (1965-1968 ) một trong hai cuốn đã dược dịch cả ra nước ngoài, đâu nhà Juliard bên Pháp i , rồi cả bên Cuba cũng in. Thế mà về sau, bạn đọc cũng như tác giả có mấy khi nhắc tới chúng ?

2—Cuộc sống là liên tục.

Ở một con người, giữa cái cuộc sống trong sáng tốt đẹp trong chiến tranh (cứ tạm cùng anh Khải giả định thế), và cuộc sống rắc rối trong thời bình, cái nào là chính, xin thưa phải nói cả hai. Và với nhà văn nó đều là chất liệu tốt, có thể tạo ra những tác phẩm đóng góp cho xã hội. Nguyễn Minh Châu là gồm cả Bước chân người lính lẫn Phiên chợ Giát và Cỏ lau. Với các nhà văn khác cũng phải tính như thế, kể cả anh Thi. Giữa anh Thi trong chiến tranh và anh Thi trong hòa bình có tiếp nối, trước sau vẫn là một con người. Ai cũng vậy, không thể lấy con người ông ta trong hòa bình đối lập với con người ông ta trong chiến tranh, rồi khuyên người ấy chọn con đường viết về kỷ niệm chiến tranh cho chắc ăn. Có viết cũng hỏng.

3-- Cũng như Tố Hữu (và phần nào có thể kể vào đây cả Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh, Chế Lan Viên …) đóng góp của một người như Nguyễn Đình Thi trong văn học là trên hai phương diện.

Thứ nhất là người sáng tác.Thứ hai là người kiến tạo nền văn học, người đạo diễn, người huấn luyện viên, người mở đường, người xây dựng lực lượng, người sắp xếp nhân sự, người thao túng cả hướng phát triển - tóm lại là người quan chức hàng đầu (quan chức văn nghệ chứ không phải quan chức nói chung). Chưa biết hay dở thế nào song ở cả hai phương diện, các ông đều để lại dấu ấn. Cho đến nay, phương diện thứ hai này của các ông ít được ghi nhận. Theo nếp thông thường, anh Khải cũng chỉ nói tới con người sáng tác mà quên hẳn con người quan chức. Như thế là làm nghèo các nhân vật lịch sử đó đi. Việc ghi nhận cái phương diện thứ hai này ở Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Chế Lan Viên… lẽ ra phải làm sớm hơn, đầy đủ hơn, bởi nó còn liên quan đến sự phát triển văn học hôm nay.

Anh Khải giả dụ rằng anh Thi cuối đời chỉ tập trung viết thì hẳn đã có được một văn nghiệp lớn. Tôi định nói ngược lại, giá như đến giai đoạn khó khăn về sau, anh Thi tập trung vào việc lãnh đạo thì nhỡ biết đâu lại có đóng góp đậm hơn. Là cũng góp vui thế thôi, chứ tôi chả dại gì đề nghị vậy. Vì -- chính là qua lời kể của anh Khải những năm cùng làm việc ở Văn Nghệ quân đội mà tôi biết -- anh Thi là loại khi làm công tác phụ trách thì không quên mình là người sáng tác, phải lo làm mẫu cho anh em mới được; còn khi vào sáng tác thì nghĩ rời mình ra, chắc văn học hỏng mất. Nó là tính người rồi, khó bỏ lắm. Ta chỉ nên giả dụ cho người nào đó cái điều người ấy có thể làm được.

4-- Sau hết, tôi muốn nói một câu tóm tắt: nếu quay về quá khứ, trở lại với những người đã khuất là một cách tốt nhất để hướng về tương lai, thì việc dừng lại ở cảm khái không đủ. Cái cần hơn là lý tính sáng suốt.

Bài đã in trên báo Văn Nghệ, số 26 ra ngày 30-6-07.
Bản này là bản tác giả gửi Viet-studies có bổ sung và sửa chữa một vài chi tiết
SỐ TRUY CẬP online