Vũ Trọng Phụng

Vài nét tiểu sử
Vũ Trọng Phụng (1912-1939), nhà văn hiện thực viết nhiều cho nhà Tân Dân và các báo đương thời: Loa, Tương lai, Tiểu thuyết thứ bảy v.v... Các tác phẩm chính: Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê v.v...
Tuổi 24 rực rỡ

Cũng như nhiều việc đời khác, hoạt động sáng tạo thường xuyên bao hàm trong nó những nghịch lý, bất ngờ, trái khoáy, và khả năng sáng tạo ở một con người đôi khi lại chính là khả năng tạo ra những nghịch lý thú vị ấy.
Với Vũ Trọng Phụng, năm 1936 nên được coi là thời điểm lý tưởng của việc bộc lộ văn tài. Cùng trong năm ấy, ba tác phẩm chủ yếu của ông được viết ra, được đăng báo từng kỳ một: Giông tố bắt đầu in trên Hà Nội báo từ tháng 1-1936. Cũng báo ấy, từ tháng 10-1936, cho in đều đều Số đỏ. Nhưng từ tháng 9 ngòi bút họ Vũ còn phải lo "trả nợ" Vỡ đê cho tờ Tương lai. Với lao động nghề nghiệp cật lực như vậy, nhà văn quả đã đi đến tâm của một phía nào đó của sự sáng tạo và trong việc khai thác bản thân, vắt kiệt tiềm năng sẵn có ở mình, trường hợp của ông là cả một bài học.

Cả như một con người lẫn một ngòi bút, sự trưởng thành của Vũ Trọng Phụng gắn với chữ sớm. Ông sớm mồ côi cha, sớm phải từ giã quê hương theo gia đình lên Hà Nội rồi sớm phải bỏ học đi làm. Ông lại cũng bệnh sớm và do đó mất sớm, năm mới 27 tuổi.
Mặt khác, lại cũng phải nhận là con người đó sớm đạt tới sự chững chạc của ngòi bút, hoặc bảo ông sớm già dặn cũng được. Nhìn qua những vấn đề đặt ra từ tác phẩm Vũ Trọng Phụng, người ta sẽ hơi bất ngờ khi thấy chúng được khởi xướng từ một người nằm xuống khi chưa đầy ba mươi tuổi. Cho đến trình độ làm nghề của Vũ Trọng Phụng cũng vững vàng, thành thục. Với tư cách một đồng nghiệp, nhân nhớ về những kỷ niệm cũ, Tam Lang nói một cách giản dị "cái tên Vũ Trọng Phụng đã là tên rất quen đối với những người biết cầm tờ báo đọc, từ Bắc chí Nam". Trong diễn văn bên mồ, Lưu Trọng Lư đưa ra một lời đánh giá khái quát hơn "Vũ Trọng Phụng, đối với thời đại của Vũ Trọng Phụng cũng giống như Balzac đối với thời đại của Balzac". ấy thế nhưng lạ một nỗi là, để viết nên những trang sách có sức lôi cuốn và có giá trị như những sử liệu, cách thức tổ chức công việc, cách hoạt động, cách bộc lộ ra với đời của tác giả lại thường gợi ra cảm giác quá dễ dàng. Nó như mạch nước ngầm, khi khơi đã trúng là phun lên ào ào. Nó mang nặng tính cách bột phát. Trong hồi ức của mình, Vũ Bằng kể: "Tôi chưa thấy Phụng viết một tác phẩm nào thật dụng công (...) Phụng viết cho Công dân, Tương lai, Hà Nội báo, nhà xuất bản Mai Lĩnh, nhà xuất bản Tân Dân..., viết lung tung, vì thế có khi cầm cây bút viết anh giật nảy mình, (...) và hỏi ầm anh em "Kỳ trước tớ viết đến đâu rồi nhỉ" (...) và phải cố gạn óc ra xem mấy nhân vật chính trong truyện của mình viết đã nói những câu gì và có những hành động gì, sợ léng phéng mà mâu thuẫn với nhau thì chết sớm!".

Những người say mê bóng đá đều biết có một cách nói rất hay để chỉ một số tài năng kỳ lạ, đó là những cầu thủ đi bóng theo lối bùng nổ. Thuộc loại này là những ngôi sao của khả năng tạo ra những vận động bất ngờ, tùy hứng mà lại biến hóa lắt léo, từ lúc đường bóng được khởi sự đến lúc nó hoàn chỉnh (tức bóng nằm gọn trong lưới) là cả một cảnh tượng kỳ thú và bởi lẽ không ai đoán trước được, nên người ta lại rất thích thú theo dõi.
Từ bóng đá nhìn rộng ra, có thể bảo bất cứ hoạt động nào vượt lên trên lối diễn biến bình thường tạo ra sự đột khởi và giả định những kết quả không ai ngờ tới, đều nên gọi là có sự bùng nổ.
Và đó chính là trường hợp Vũ Trọng Phụng năm 1936.
Đứng về mặt tâm lý học sáng tạo mà xét, người ta có quyền gọi năm ông 24 tuổi là thời gian xuất thần của ngòi bút tác giả, lúc mà ông như có ai đó ốp đồng vào tay, đã viết là được, viết như đùa như bỡn mà thành quả làm ra toàn những thứ thượng thặng. Quy luật chi phối ngòi bút nhà văn lúc này là quy luật của những hiện tượng tự nhiên. Lúc sấm chớp đã nổi lên, thì người ta chỉ có cách khoanh tay quan sát, rồi chờ đến lúc nó kết thúc, chứ có muốn nó dùng dằng từ tốn cũng không được!

Nhân đây, chúng ta thử bàn về một khía cạnh trong cách sống, cách làm việc của những người làm nghề sáng tạo.
Một trong những lời khuyên mà tất cả những người lao động, cả chân tay lẫn trí óc thường xuyên khuyên bảo nhau, và đó là một sự khuyên nhủ đúng - ấy là phải cần cù phải tận tụy, phải hết lòng với công việc. Trong giới viết văn, người ta cũng chỉ có cách khuyên nhau tương tự. Trước mắt một cây bút trẻ, thường có bao nhiêu tấm gương lao động miệt mài, đến mức người nhẹ dạ lầm tưởng rằng chất lượng một tác phẩm là tỷ lệ thuận với thời gian mà người viết ra nó ngồi trước bàn. Đã bao nhiêu lần, biên tập viên các tờ báo các nhà xuất bản bắt gặp cái nhìn cật vấn của các cộng tác viên trẻ, tôi đã thức trắng mấy đêm liền để làm bài thơ này, tôi đã suy nghĩ về thiên truyện hàng tháng trời nay, lẽ nào các anh từ chối không in cho tôi? Có biết đâu, sự sáng tạo có phần bề nổi bên trên, nhưng lại có phần bề chìm ở dưới, nó là ở sự kỹ lưỡng, sâu sắc của anh trong chuẩn bị và bồi đắp vốn sống, sự căng thẳng và mới mẻ trong tư duy, sự nhạy cảm và khó tính riêng trong quan niệm về nghệ thuật. Khi đã có cái phần chìm này rồi thì lúc viết ra có dễ dàng, và nhẹ tay cho mình một chút, trong lao động nghệ thuật, cũng không có gì đáng ngại. Muốn gây hiệu quả bất ngờ, mà cũng là muốn cho bạn đọc chia sẻ thêm với những khốn khó của nghề cầm bút, khi nói về Vũ Trọng Phụng, các đồng nghiệp của ông thường hay tô đậm cái vội vã luộm thuộm trong động tác hành nghề của ông. Thế nhưng đấy mới chỉ là một phương diện của lao động nghệ thuật nơi ngòi bút tác giả Số đỏ. Còn một mặt khác, đây đó đã có người nói tới, nhưng người đọc vẫn dễ bỏ qua: ấy là những thiết tha muốn biết thêm về đời sống và hơn nữa, cái quyết liệt cái háo hức muốn mang tất cả những điều đã biết lên mặt giấy, cái đó mới là thành phần chính làm nên lao động sáng tạo của nhà văn họ Vũ. Lại như câu chuyện bồi dưỡng thêm cho mình vốn liếng văn hóa nghệ thuật, trong số các nhà văn đương thời, Vũ Trọng Phụng cũng là một trong những tấm gương sáng. Đọc những lá thư Vũ Trọng Phụng gửi cho hai vợ chồng người bạn là Nguyễn Văn Đạm (tài liệu này, cũng như các tài liệu đã dẫn trên, đều in trong Vũ Trọng Phụng con người và tác phẩm NXB Hội nhà văn, 1994) người ta đã thấy khả năng tiêu hóa sách vở của ông là ghê gớm. Về phần mình, trước khi kể tác giả Số đỏ viết dễ như thế nào, Vũ Bằng không quên lưu ý: "Có khi nào bị "phá" quá, không viết được anh lại ngồi dậy hút thuốc lào, thở khói rất từ từ, hai mắt lim dim, tán chuyện vẩn vơ một lát về thời cuộc, về mấy bài mới in trên báo Le Canard enchaine hay Le Monde. Bởi vì Vũ Trọng Phụng là một người ham đọc ham hiểu. Có thể nói trong bọn chúng tôi lúc ấy, anh là người theo sát nhất tình hình quốc tế...". Vâng, đặt trên cái nền rộng lớn ấy, thì một vài vội vã luộm thuộm của Vũ Trọng Phụng khi cầm bút viết trả nợ là cái gì được phép. Chẳng những thế, bản thân sự dễ dàng lúc này lại chứng tỏ ông đã chuẩn bị khá kỹ cho công việc; khi ngồi vào bàn, tiềm năng sáng tạo ở ông như trái cây đã chín mọng, chỉ một mũi kim nhỏ chọc vào cũng đủ ứa ra mật ngọt.
Tóm lại, sự sáng tạo vốn có nhiều công đoạn và ở mỗi công đoạn ấy, cách làm việc của người ta lại phải khác. Lời khuyên chăm chỉ cần cù bao giờ cũng đúng, nhưng đó là lời khuyên dành cho toàn bộ đời người, mà việc ngồi trước bàn chỉ là một phần. Đọc sách, quan sát và suy nghĩ về đời sống, những câu chuyện tưởng như đâu đâu ấy, thật ra lại quyết định tất cả. Rồi ra, một trong những dấu hiệu cho thấy sự tích lũy của anh đã chín muồi và nhìn chung anh làm việc có hiệu quả, là đến một lúc nào đó, tự nhiên ở anh nảy sinh ra nhu cầu viết, chẳng những cảm thấy phải viết mà còn cuống lên muốn viết bằng được, cả người thờ thẫn nếu không được viết. Đến cái giai đoạn "sinh nở" ấy, thì mọi sự đận đà lại không cần thiết nữa, sau bao nhiêu ngày từ tốn nhẩn nha, đến lúc này, sự sáng tạo được đẩy tới theo một tốc độ mãnh liệt và vượt ra ngoài cách hiểu thông thường, thời gian lúc này cũng không được đo đạc theo những thước đo thông thường, mà dường như phải dùng đến những thước đo khác. Và điều người ta khuyên bảo nhau, cầu chúc cho nhau lúc này là làm sao viết được suôn sẻ, tự nhiên, viết được nhanh nhất.

Những người có đọc tiểu sử Tchékhov đều biết lúc mới vào nghề, ông viết cực kỳ dễ dàng, truyện này viết trong một giờ, truyện kia viết ngoài bãi tắm, truyện kia nữa viết để trả lời sự thách thức một người bạn, viết một lèo là xong, không sửa chữa chi hết.
Người ta cũng có thể được nghe những chuyện tương tự khi đi vào bếp núc sáng tạo của các nghệ sĩ Việt Nam đã và đang sống hôm nay. Theo Nguyễn Quân cho biết, Bùi Xuân Phái vẽ nhanh lắm; mượn một tích truyện hài hước của Azit Nexin, ông thường đùa là bởi không có ruồi quấy nhiễu, nên không lý do gì để vẽ chậm cả.
Những lúc vui chuyện, Tô Hoài cũng tiết lộ: hồi 20-25 tuổi, cứ mỗi tối ông guồng xong một truyện ngắn, mà toàn những truyện đến nay còn in đi in lại.
Hóa ra lối viết nhanh, lối làm việc dễ dàng luộm thuộm của Vũ Trọng Phụng không phải quà tặng riêng của tạo hóa cho tác giả Số đỏ, mà nó là cái cách làm việc thấy phổ biến ở nhiều người. Bởi chính cách làm việc đó sẽ tạo nên sự bùng nổ của ngòi bút ở họ, như với Vũ Trọng Phụng, nó đã mang lại cho ông tuổi 24 rực rỡ. Cuộc đời, suy cho cùng, là công bằng. Dù làm việc gì, mỗi chúng ta đều có thể có thời điểm xuất thần của mình. Những giây phút của tuổi 24 rực rỡ ấy sẽ đến với ta, nếu ta biết chuẩn bị cho nó kỹ lưỡng và nắm bắt nó đúng lúc.

Say mê và tâm huyết
Một vài khía cạnh trong di sản tinh thần
của Vũ Trọng Phụng
Qua đời ngay từ 1939, song Vũ Trọng Phụng lại có một cuộc sống vẻ vang trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX và những năm tháng tiếp theo. Giữa thời buổi bạn đọc hết sức hờ hững với sách vở, những tác phẩm chính của ông như Số đỏ, Giông tố cùng với các sáng tác nổi tiếng khác của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, hoặc các tiểu thuyết chủ yếu của nhóm Tự Lực văn đoàn... vẫn được in đi in lại đều đều. Xét ở mức độ phổ biến, người ta có thể tạm bảo tác giả của chúng đã trở thành nhà cổ điển. Mà ở nước nào cũng vậy, một trong những đặc điểm của các sáng tác cỡ cổ điển là luôn luôn có bạn đọc, luôn luôn được bàn bạc, được đánh giá lại; đây là những nguồn văn không bao giờ cạn, tùy theo sự hiểu biết của người đời mà chúng luôn luôn trở nên mới mẻ.
Cái nhìn nhất quán
Ngay từ 1937, Khái Hưng đã viết trên báo Ngày nay: "Khi vào trại con gái lính Tây, khi vào đám bạc, khi len lỏi vào Lục xì, khi đi theo Thị Mịch, khi đứng ngắm bà Phó Đoan, cũng như khi lẻn vào gia đình ông lão lòa, Vũ Trọng Phụng vẫn chỉ nhìn cái gì ông muốn nhìn, thấy cái đê hèn bẩn thỉu của người đời". Nói cách khác, có một điều mà Khái Hưng có thể không thích, nhưng vẫn phải ghi nhận, ấy là qua tất cả các văn phẩm của mình, trước sau Vũ Trọng Phụng bao giờ cũng giữ được một cái nhìn nhất quán. Cái cặp kính ông quen mang ra soi rọi thế giới này, là cặp kính màu xám. Trong thế giới ấy, những hành động độc ác, giả dối, những ý nghĩ dung tục hèn hạ, những lối xử thế mất dạy, đểu cáng... được trình bày như một cái gì nảy nòi tự nhiên và lan tràn mỗi ngày mỗi rộng. Không phải ngẫu nhiên khi khái quát về cuộc đời này, Vũ Trọng Phụng hay dùng đến mấy chữ gàn dở, nhảm nhí, vô thường, vô nghĩa lý. Hãy nhớ đến Long trong Giông tố, nhân vật mang nhiều tâm tư của Vũ Trọng Phụng. Long đã có lần hoang mang tự nhủ "Không biết rằng cuộc đời có còn là cuộc đời không, hay là Long đã ngủ mê". Bởi trước mắt Long, cái xấu, cái ác hiện ra ở mọi nơi - chẳng những ở chốn thành thị nơi Long làm việc, mà còn ở làng quê, nơi Long từng đặt nhiều mơ mộng; và những lố bịch, những nhảm nhí không chỉ xảy ra ở gia đình Nghị Hách, Long vốn khinh bỉ, mà còn xuất hiện ngay ở cái gia đình Long vốn hy vọng là gia đình ông đồ Uẩn (bố mẹ Thị Mịch). Khi nhận xét về cái cách mà dân làng Quỳnh Thôn phản ứng trước việc không may của Thị Mịch, Long đã có lần khái quát một cách trùm lớp "cái làng này bất nhân cả làng" và toan xúi giục gia đình ông đồ bỏ làng ra tỉnh. Thế nhưng đấy chưa phải điều ghê gớm nhất. Với Long, một điều đáng sợ hơn, ấy là mặc dù tỉnh táo đến thế, nhạy cảm đến thế, nghiệt ngã với mình đến thế, rồi cũng có lúc Long cũng không còn kiểm soát được mình, trở nên bất nhân, bạc ác, hư hỏng, như Mịch đã hư hỏng. Thời Vũ Trọng Phụng viết văn, nhân loại còn chưa biết đến bệnh AIDS, nhưng giờ đây đọc lại ông, có thể dự đoán là nếu sống đến ngày nay, ông sẽ rất thích thú được nghe nói về căn bệnh đó, bởi trong tác phẩm của mình, ông đã có dịp miêu tả những con người bất lực hoàn toàn chuồi theo sự đưa đẩy của hoàn cảnh, và mất đi khả năng miễn dịch mà cơ thể khỏe mạnh vốn có (ở đây là trên lĩnh vực tinh thần). Trong văn học Việt Nam, quả thật chủ đề "con người không đủ khả năng tự vệ trước sự tàn phá của hoàn cảnh", chủ đề về sự bất lực của con người, chưa bao giờ được miêu tả với tất cả đau đớn ê chề, như trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng.
Nỗi căm hờn thường trực
Như các tài liệu có liên quan đến tiểu sử tác giả đã chỉ rõ, chính gốc gia đình Vũ Trọng Phụng là dân nông thôn, cả nhà chỉ mới dọn lên Hà Nội từ những năm ông còn nhỏ. Thành thử mặc dù lớn lên rồi đi học tiểu học ở Hà Nội, song sự hiểu biết về nông thôn của Vũ Trọng Phụng có thể nói là khá chắc chắn, và ông sẽ tận dụng cái tình thế nước đôi đó, để khi cần, cho phép ngòi bút tung hoành trên một phạm vi rộng rãi. Nhưng về mặt nhận thức, ở đây có một khía cạnh khá tế nhị. So với người nông dân suốt đời quanh quẩn sau lũy tre xanh, thì hiểu biết cuộc sống của đám dân ngụ cư kiểu gia đình Vũ Trọng Phụng đã được cải thiện, ít nhiều họ đã mở to mắt nhìn đời, chứ không chịu nép một bề, thụ động chấp nhận, như hồi còn ở nông thôn. ở mức độ nào đó, có thể nói một cảm giác tự do đã thấp thoáng nảy nở trong lòng họ. Nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở chỗ ấy. So với đám dân giàu có thuộc loại Hà Nội chính cống, thân phận họ vẫn là thấp hèn và cuộc sống thì quá ư bấp bênh tạm bợ. Nhất là bản thân họ không có điều kiện vươn tới một trình độ khái quát cần thiết, để lý giải đời sống một cách hợp lý. Chính cái sự nửa vời này sẽ khiến cho loại người cả nghĩ như nhân vật Long trong Giông tố thêm đau khổ. Cái đôn hậu cái thuần phác của người nông dân sống gần thiên nhiên nay ở họ không còn nữa. Thay vào đó, trong tâm trí họ lúc nào cũng đục ngầu những căm hờn, giận dữ, và càng không tìm ra được nguyên nhân, tức không được một lý trí lành mạnh hỗ trợ, sự căm hờn ấy càng quẩn quanh trong những lối mòn bế tắc, để rồi tàn phá ngay chính tâm hồn của người trong cuộc. Sự có mặt của loại người do quá căm hờn cuộc đời mà tâm hồn trở nên méo mó, tàn tật ấy đã tạo nên một không khí nặng nề đặc trưng cho nhiều trang viết của Vũ Trọng Phụng. Ngay ở một tác phẩm như Lục xì, một me Tây đã thở ra đặc giọng tác giả: "Hạng người chúng tôi là hạng bỏ đi, ông ạ. Dù xã hội không khinh chăng nữa, chúng tôi cũng tự biết phận mình. Bây giờ nghèo hèn, tôi cũng chẳng còn sợ ai cười, chỉ cố làm giàu để sau này có thể ác được lại với những kẻ đã khinh tôi mà thôi" (V.T.N. chú). Đến Giông tố, thì sự thù hận ấy, sẽ lại được khai thác kỹ để trở nên sâu sắc hơn mà cũng phổ biến hơn bao giờ hết. Long thù đời, mà cả Mịch, cả Vạn tóc mai và suy cho cùng, cả Nghị Hách, cả ông già Hải Vân cũng thù đời. "ở Vũ Trọng Phụng, căm hờn là cả một sự say mê" (lời của Trương Tửu, viết trong Tao đàn số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng, ra 12-1939).
Nguyên nhân của cái chết yểu
Việc một nhà văn hướng cái nhìn của mình xoáy sâu vào mọi dơ bẩn xấu xa của cuộc đời, là cả một xu thế mạnh mẽ trong nền văn chương Việt Nam thời kỳ 1932-1945 và người ta thường khoác cho các văn phẩm loại này một cái tên chung là khuynh hướng hiện thực. Cùng thời với Vũ Trọng Phụng, còn có cả loạt các nhà văn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Trọng Lang, Tam Lang, và quá về sau nữa, Nam Cao, Nguyên Hồng... đã xây dựng văn nghiệp của mình, bắt đầu từ một cái nhìn sắc sảo như vậy. Thế nhưng, xét cho kỹ, mỗi người trong họ vẫn có một cách làm cách viết riêng biệt. Lấy ví dụ như trường hợp Nguyễn Công Hoan. Qua hàng trăm truyện ngắn đã in, nhà văn này đã tự chứng tỏ mình là người thạo đời, biết bắt lấy từng biến thái nhỏ trong thái độ cư xử xấu xa, độc ác, bất nhân bất nghĩa của người đời. Chỉ có một điều cần nhớ là khi viết vậy, Nguyễn Công Hoan luôn luôn tạo ra được một khoảng cách với các đối tượng được miêu tả. Đọc ông, người ta thấy những cái xấu cái ác kia, không dính được đến con người ông, bao giờ ông cũng đứng cao hơn tất cả để mà cười cợt, khinh bỉ. Kể ra, cũng có lần Vũ Trọng Phụng đã viết theo cái cách đứng ngoài mà nhìn như vậy, đó là trường hợp tiểu thuyết cười dài mang tên Số đỏ. Nhưng trong phần lớn tác phẩm còn lại, ông đứng khá gần, ông gắn bó khá chặt chẽ với thế giới được miêu tả, khiến cho đôi khi người ta phải nghĩ không phải ông đang làm văn, mà như được nghe ông tâm sự về chính những nỗi đớn đau tức tối đang hành hạ ông vậy. Nói cách khác, việc cầm bút đối với Vũ Trọng Phụng lúc này cũng là một hành động trả thù đời, ông phải viết và chỉ có trong sự viết, ông mới thấy đỡ tức, mới được hả giận. Người mơ mộng đọc văn ông có thể khó chịu và trách ông nhìn đời quá đen tối. Người từng trải việc đời có thể chê các nhân vật của ông và chính ông nữa, là nông nổi, không tạo ra được một độ lùi cần thiết để xem xét mọi chuyện, từ đó sống và viết cho thanh thản, nhẹ nhõm. Tuy nhiên, điều chắc chắn ai cũng phải công nhận, đó là ở Vũ Trọng Phụng, trang viết gắn liền với cuộc sống, sống đến đâu viết đến đấy. Ông đã sòng phẳng và nhất là ông đã tận tụy với mọi ý tưởng của mình. Sách vở còn ghi rõ là Vũ Trọng Phụng chết vì làm việc quá sức, phổi đã bị vi trùng lao ăn ruỗng, những ngày cuối đời phải mượn ít liều thuốc phiện để lãng quên bệnh tật và tiếp tục viết. Song, lại có thể đoán sở dĩ bệnh tật có dịp hoành hành trên cơ thể ông vậy, vì ông quá thù sâu, oán nặng, quá đau đời, và lúc nào cũng chỉ muốn thét lên những tiếng mạnh mẽ tố cáo sự đời. Tức là trong cuộc chiến đấu đơn độc, ông đã bị thương nặng. Đối với người đọc hôm nay, nỗi căm hờn toát ra từ các văn phẩm của ông, không chắc là điều ta nên noi theo, nhưng sự sòng phẳng, sự tận tụy của ông, chắc chắn là những bài học bổ ích: Ai đã cầm bút đều biết trừ một số ngoại lệ, còn với phần lớn trường hợp đấy là điều kiện thiết yếu để có được những trang sách văn chương chân chính.

Cái nhìn bi quan mang ý nghĩa cảnh tỉnh
Vũ Trọng Phụng và xu thế lưu manh hóa
con người trong xã hội Việt Nam trước 1945
Phẫn uất, tức tối, khó chịu, là cảm giác chung mà nhiều người chia sẻ khi đọc văn phẩm của Vũ Trọng Phụng. Bởi tác giả này hay trưng ra những cảnh dâm bôn trụy lạc trong đời sống đương thời, đấy là một lẽ. Song sở dĩ người ta có cảm giác ấy, cái chính là do từ tác phẩm của ông, bắt gặp một cái nhìn gần như tuyệt vọng với bản chất con người. Vốn là cây bút chuyên về phóng sự, nhà văn này có một tầm quan sát rộng rãi và sự thực đã đưa vào trang sách của mình nhiều loại người khác nhau, từ một nông dân bình thường, một ông đồ ở làng quê, một viên chức thất nghiệp, đám "cơm thầy cơm cô" đi ở cho dân thành phố, cho đến một viên quan huyện, một công sứ Pháp, một "Bắc kỳ nhân dân đại biểu"... Và cái nét chung thấy rõ ở tất cả các nhân vật ấy là bất kể xuất thân từ thành phần nào, khá nhiều người trong họ đều có xu thế lưu manh hóa trong cư xử và hành động - đáng sợ là ở chỗ đó.
Một cách sống, một cách nghĩ
Từ điển tiếng Việt (do Hoàng Phê chủ biên) giải thích nghĩa hai tiếng lưu manh quá sơ sài và thiên về bề ngoài. "Kẻ lười lao động, chuyên sống bằng trộm cắp lừa đảo". Từ điển Văn Tân nói rõ hơn một chút, "Kẻ làm những việc phi nghĩa (chúng tôi nhấn mạnh - V.T.N.) như ăn cắp ăn trộm, bịp bợm, đánh bạc, làm đĩ để sống", song cũng chưa đủ. Riêng Từ điển Thanh Nghị ghi thêm cả nghĩa rộng: "người có đầu óc xu thời và chỉ tính việc lợi cho mình trước mắt". Theo chúng tôi hiểu, cách giải thích như vừa nêu có rõ hơn, vì đã phần nào đi vào bản chất bên trong của hạng người lưu manh, xem xét vấn đề không phải ở cách kiếm sống mà là ở quan niệm sống chi phối loại người đó. ở họ, không có cái gọi là chuẩn mực, nguyên tắc để sống. Họ không coi cái gì là thiêng liêng, không thấy chỗ nào là giới hạn cho hành động. Muốn là họ làm, có lợi là họ làm, dù việc làm ấy bất nhân thất đức và gây tai họa cho xã hội. Thường một người nào đó chỉ sống và nghĩ như một tên lưu manh sau khi bị đối xử bất công, tàn nhẫn, hoặc rơi vào vòng cực khổ lâu ngày (theo nghĩa này mà nói, người ta không sinh ra đã là lưu manh mà chỉ trở nên lưu manh). Song một khi đã rơi vào cảnh "dưới đáy", ở họ mất hết đạo lý, sự xấu hổ, lòng tự trọng. Chỉ có những việc chưa làm được, chứ không có những việc không được phép làm. Chúa đã chết! Hoặc nếu chưa chết, thì ông Chúa trời ấy, các bậc thần thánh ấy cũng hám lợi và vô nguyên tắc như họ, chỉ chút quà "đấm mõm" là tha hồ sai khiến. ở đây, sở dĩ chúng tôi muốn nhấn mạnh không chỉ cái cách kiếm sống mà cả cái quan niệm toát ra qua mọi hành động của đám lưu manh, vì như chúng ta vẫn thấy, cái gọi là chất lưu manh, có thể có muôn ngàn bộ mặt khác nhau, nó dễ dàng len vào rồi trở thành nhân tố chỉ đạo, thành cái thần thái trong cuộc sống cách nghĩ của nhiều hạng người trong xã hội, ngay cả khi bề ngoài, họ thuộc về các tầng lớp khác nhau, quan lại, nhà buôn, thợ thuyền, trí thức... Mà về mặt này, tác phẩm của Vũ Trọng Phụng có thể cung cấp cho chúng ta những bằng chứng sinh động. Chỉ cần nhớ lại nhân vật chính trong tiểu thuyết Giông tố là Nghị Hách. Trong cơn biến động của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, hạng người phất lên cả trong khu vực buôn bán kinh doanh lẫn trong quan trường, tương tự như Tạ Đình Hách, không phải là hiếm. Chết nỗi, muốn tiến thân nhanh, thường người ta phải dùng đến những phương sách hèn hạ, bao gồm lừa đảo, bịp bợm. Kịp đến khi đã giàu có rồi, vẫn chưa nhập nổi cái vai trò của mình, lại càng không có thì giờ bình tâm suy nghĩ về sự đời và chịu hối cải. Vậy nên không có gì là khó hiểu khi thấy ở một người như Tạ Đình Hách, lốt bề ngoài là nghị viên, là nhà buôn, là chủ đồn điền, nhưng cái cốt bên trong vẫn là lưu manh thứ thiệt, và ở con người ấy, trước sau vẫn là một lối cư xử nhất quán, cách nghĩ lưu manh thấm vào con người Nghị Hách trở thành bản chất tự nhiên của con người hắn. Một ví dụ nhỏ: sau khi mua vui chốc lát với Thị Mịch, bị dư luận lên án và cả người con trai cả là Tú Anh cằn nhằn, trách móc, thì sau một thoáng làm như là hổ thẹn, Nghị Hách nói như không: "Ô hay! Sao mày dở hơi thế? Thì tao mua con bé ấy làm hầu là cùng chứ gì?". Cái cách nghĩ ráo hoảnh, lối thoát ra khỏi thế bí gọn ghẽ chóng vánh, không phân vân, không ân hận như thế, là chỉ lưu manh mới có, lưu manh chính cống.

Từ sự lan tràn rộng rãi đến một điển hình bất hủ
Không phải tới Vũ Trọng Phụng, văn chương Việt Nam mới biết đến chân dung những kẻ lưu manh, có điều, trong khi các ngòi bút khác - kể cả những người đương thời của ông - chỉ dừng lại lớt phớt, thì nhà văn này, dường như bị một ma lực nào đó lôi cuốn, dốc hết tài năng để cực tả thói lưu manh trong xã hội thời ông sống. ít ra, ông cũng đã thành công ở hai khía cạnh:
- Một là, cho thấy lưu manh hóa là cả một xu thế phổ biến không thể cưỡng nổi.
- Hai là, đưa ra được những điển hình lưu manh phải nói là bất hủ.
Có thể thấy rõ khía cạnh thứ nhất qua tiểu thuyết Giông tố. Theo cách hiểu thông thường thì một gia đình như gia đình ông đồ Uẩn là loại yếu tố cố kết làm nên sự ổn định của nông thôn Việt Nam: ông bố làm cái nghề nhân đức là dạy con trẻ dăm chữ thánh hiền, con cái trong nhà chăm chỉ việc đồng áng. ấy vậy mà theo cách miêu tả của Vũ Trọng Phụng cơ sở đạo đức tối thiểu ở cái gia đình này cũng đã tan vỡ. Ông bố bà mẹ không đủ sức để từ chối cái đề nghị béo bở của Nghị Hách, bắt tay ngay với kẻ làm nhục thanh danh gia đình mình. Còn cô con gái, một khi đã ở địa vị "bà chủ", thì cũng trơ tráo hưởng thụ và lại đổ đốn rất nhanh. So với tất cả các tiểu thuyết hoặc phóng sự khác của Vũ Trọng Phụng, Giông tố bao quát một khung cảnh xã hội rộng rãi từ nông thôn đến thành thị, do đó cái ám ảnh về tình trạng lưu manh hóa của con người ở tác giả được bộc lộ khá đầy đủ, chỉ trừ có Tú Anh, còn hầu hết các nhân vật khác trong cuốn tiểu thuyết đều quay cuồng trước sự xô đẩy của đồng tiền và quyền thế. Còn nói đến thành công trong việc dựng lại quá trình một con người bị buộc phải trở thành lưu manh ở Vũ Trọng Phụng thì trước tiên người ta nghĩ ngay đến Xuân trong Số đỏ. Như một phần tử rơi tự do, hắn chỉ cần lo thích ứng đến tối đa với hoàn cảnh. Xuân đã nhập vai thượng lưu một cách tự nhiên. Hắn đóng vai giáo sư quần vợt, vai đốc-tờ, cả vai nhà thơ nữa mà không cần ai chỉ bảo. Hắn chỉ lấy mình mà suy ra mọi người (Xuân nói thẳng với đốc-tờ Trực Ngôn khi ông này giảng lý thuyết Freud "Chỗ anh em mình với nhau, cần gì còn phải giảng giải"). Một điều nên đặc biệt chú ý là Xuân không ngờ nghệch chút nào hết. Với sự nhạy cảm, sự mau thích ứng, khả năng hiểu thấu những gì người khác không tiện nói ra... phải nói quá trình phát triển tinh thần ở Xuân là bình thường (nếu không nói là hoàn hảo). Tố chất thông minh ở con người ấy nào có kém cỏi. Chắc chắn giá cần thi cử, hắn cũng đỗ đạt để có bằng cấp như ai. Chỉ có điều những kiến thức rởm ấy không làm thay đổi được cái quan niệm sống đã cố định trong đầu óc của Xuân. Hắn đã thành tinh trong cái vai mà hắn "được giao".
Lời cảnh tỉnh
Trên báo Ngày nay số ra 21-3-1937 một bạn đọc ký tên là Nhất Chi Mai (?) đã khái quát khá chính xác: "Đọc văn Vũ Trọng Phụng, thực không bao giờ tôi thấy một tia hy vọng, một tư tưởng lạc quan. Đọc xong ta phải tưởng tượng nhân gian là một nơi địa ngục và chung quanh mình toàn những kẻ giết người, làm đĩ, ăn tục, nói càn, một thế giới khốn nạn vô cùng".
Vũ Trọng Phụng không có gì phải cãi lại cái nhận xét đó, ông chỉ lưu ý: cái nhìn đen tối của ông bắt nguồn từ sự đen tối trong xã hội. Công bằng mà nói, phải nhận là trong thâm tâm nhà văn này cũng có lúc đã muốn cưỡng lại điều mình nghĩ. Đây đó, ông đã để cho một hai nhân vật chống đối lại cái xu thế ma quỷ lôi cuốn họ xuống vực. Sự đau đớn của Long trong Giông tố được Vũ Trọng Phụng diễn tả khá cảm động. Thế nhưng, hỡi ôi, chàng trai trẻ thông minh và tâm huyết nhường ấy rồi cũng không cách nào tự vệ nổi. Long cũng phản bội chính mình (chấp nhận lấy Tuyết). Trong sự đau đớn bất lực của Long, có thể nghe ra tiếng kêu thống thiết của Vũ Trọng Phụng trước sự tha hóa của con người.
Trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, rốt cục, Vũ Trọng Phụng hiện ra như một nhà văn bi quan bậc nhất. Đặt bên cạnh văn chương của nhiều người khác - những thứ văn đôn hậu, đầm ấm, giống như một thứ pôlyvitamin uống quá liều một chút cũng chẳng sao, thì văn ông thật giống như một thứ kháng sinh mạnh, dùng quá liều là gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu nghề y còn cần đến những thứ thuốc mà người ta xếp vào các loại thuốc độc bảng A, bảng B... độc để cứu người, thì cuộc đời vẫn cần đến Vũ Trọng Phụng. Trong cái bi quan, văn ông giống như một lời cảnh tỉnh: con người cần có những chuẩn mực. Sự dẻo dai dễ thích ứng sẽ trở thành tai vạ, khi con người chỉ biết đến những mục đích trước mắt, chỉ biết đến dối trá và vụ lợi.
SỐ TRUY CẬP online