Tính hiện đại của Nguyễn Công Trứ

Một nhà thơ lớn Xô-viết, hình như là Tvardovski, có lần nhận xét: Mỗi thế hệ lại làm giàu thêm cho các tác giả cổ điển. Và Puskin trong thời đại chúng ta trở nên phong phú hơn, đa dạng hơn Puskin thế kỷ XIX. Tại sao? Lý do ở đây rất đơn giản:
Mỗi thế hệ đều tìm thấy ở những tác giả lớn ấy những nét tương đồng với thời đại họ đang sống.
Và họ sẵn sàng gọi con người mà họ vừa phát hiện lại đó, là người đương thời của mình.
Một nhận xét như thế cố nhiên cũng có thể ứng dụng cho các tác giả lớn trong văn học Việt Nam. Mặc dù còn bị nhiều hạn chế, song cùng với năm tháng qua đi, những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương vẫn được các thế hệ tiếp nối khai thác và cũng đã ngày một trở nên phong phú hơn bao giờ hết.
Với Nguyễn Công Trứ cũng vậy. Là một tác giả sống và viết chủ yếu vào nửa đầu thế kỷ XIX, song ở ông có những khía cạnh mà các thế hệ sau khai thác mãi không hết.
Tôi chưa có dịp tìm hiểu hết những tài liệu mà các nhà văn, nhà nghiên cứu thời tiền chiến viết về Nguyễn Công Trứ. Nhưng về lý mà xét, có thể dự đoán là một nhân cách sôi nổi, ngông nghênh, ngoạo ngược, một con người không mặc cảm trong sống và viết như Nguyễn Công Trứ, hẳn là dễ được các nhà thơ tiền chiến hết sức tôn sùng, bởi lẽ họ tìm thấy ở đấy một con người gần gũi với chính họ.
May mắn một lần, đọc tạp chí Tao Đàn 1939, tôi tìm ra được bài viết sau đây của Lưu Trọng Lư. Bài viết khá ngắn:

*
* *

Nguyễn Công Trứ, nhà thi sĩ
của nghệ tĩnh sau một trăm năm...

Nhà thi sĩ Nguyễn Công Trứ chết đến nay vừa đúng một trăm năm . Nhiều tờ báo tây, nam ở đây hô hào kỷ niệm vị danh nhân ấy, vị danh nhân mà tất cả những người Việt Nam đều phải công nhận là xứng đáng với sự tôn thờ của hậu thế.
Nguyễn Công Trứ không những chỉ là một thi sĩ của quốc gia, mà còn là bậc công thần xứng với nền quân chủ, một nhà nho xứng với thánh đạo, hơn thế nữa, một võ tướng có thao lược, một nhà chính trị có tài kinh luân, một người có tiết tháo. Cái sự nghiệp của tiên sinh ai cũng biết rõ, không cần phải nhắc lại nữa. Ta chỉ nên ký nhận rằng trên tâm hồn của tiên sinh, trên thân thể của tiên sinh đã un đúc, đã tụ kết lại bao nhiêu cái hay, cái đẹp, cái hùng, cái mạnh của một nền văn hoá cũ và nhất là của cái tinh hoa chủng tộc.
Thật là sự điều hoà kỳ diệu của những cái tương phản nhau: sự điều hoà của Mộng và Thực, cái ngông cuồng của một kẻ lãng tử với cái nề nếp của một nho sinh, và cuối cùng là sự điều hoà của thơ, văn với Khổng giáo. Nguyễn Du muốn là người bạn hoàn toàn của thơ văn, đã phải lảng Nho mà theo Phật... Nguyễn Công Trứ vẫn ở trong cái phong khí khắc khổ của Nho mà vẫn khoáng dật thích thảng như một đồ đệ của Lão Trang. Tiên sinh vừa hàn binh, trị nước, vừa ngâm hoa vịnh nguyệt, mà cái này không hại đến cái kia.
Thành thực ta phải nhận rằng Nguyễn Công Trứ không có cái nghệ thuật điêu luyện của Chu Mạnh Chinh, Nguyễn Thị Điểm, không có cái tâm hồn uyển chuyển của Nguyễn Du, hay cái giọng điệu dễ dàng của Hồ Xuân Hương, nhưng ở trong thi văn của Nguyễn Công Trứ, một cái gì chưa từng có ở trong văn chương Việt Nam - một nguồn cảm hứng mau lẹ, quả quyết như một đạo cảm tử. Cái thể ca trù nhờ phép thần của Nguyễn Công Trứ đã trở nên một thể cách hoàn toàn Việt Nam, rất thích hợp với những sự xuất diễn hùng mạnh... Tôi nhớ như có một lần ông Huỳnh Thúc Kháng ví cái điệu thơ ấy với thuỷ triều - thật không phải là một lời nói vu vơ. Điệu ca trù, còn hơn là một sức mạnh nữa. Nhưng khi những bài thơ ấy, ngân lên với điệu phách nhịp đàn, thì ta lại thấy nó có một vẻ hào phóng, vừa lả lơi vừa kín đáo, vừa gắn bó, vừa sỗ sàng. Nó là một thứ sản vật hoàn toàn Việt Nam, nó phải lâu dài với đất nước. Một ngày kia, năm bảy trăm năm sau, trong cái đám hậu lai man mác, nếu có một người nào còn ngâm được một bài ca trù của Nguyễn Công Trứ chẳng hạn, tôi tin rằng người ấy sẽ có một mối u hoài sâu nặng, bâng khuâng nhớ tiếc một cái gì không bao giờ còn có nữa, một cái gì rất Việt Nam, nhớ tiếc một thời khoáng dật, to nhớn, rộng rãi và kiêu sa. Cái thời buổi của những nhà nho tuy vẫn nhọc nhằn cặm cụi với nhân sinh, nhưng cũng là những kẻ “bốc giời”, phung phí mà không tiếc tay, những kho tàng của vũ trụ, những kẻ biết sống mà cũng biết chơi, biết làm trọn nghĩa vụ mà cũng biết vỗ cái đùi non mà dốc hớp rượu cuối cùng...
Cho nên, sau một cuộc đời sóng gió, hoạt động, Nguyễn Công Trứ hàng ngày thường thắng một cái xe bò mà ngao du sơn thuỷ. Đó cũng chỉ là để tỏ một lần nữa rẳng: sua khi là một bậc công thần, một tay thao lược, một kẻ “chiến sĩ”, Nguyễn Công Trứ ung dung và thích thảng, đánh xe đi ra ngoài cõi thế, vừa phẩy quạt vừa mỉm cười, để đùa với cuộc chơi, đùa với số mệnh.
Nguyễn Công Trứ vào đời nghiêm trang như đức Trọng Ni, ra đời hiền vui như thầy Trang Tử. Không phải chỉ là một thi nhân đáng lưu truyền hậu thế, mà là một quan niệm về nhân sinh đáng truyền bá ra giữa một cuộc đời Âu Tây chật vật.
Một người như Nguyễn tiên sinh, khi là một vị đại thần, rồi khi chỉ còn là một tên lính nhỏ, rồi từ một tên lính nhỏ, lại nhảy lên địa vị một bậc tướng quân, đánh Nam dẹp Bắc, cho đến khi về già, thắng một cái xe bò, và cạnh cô hầu non, ngao du khắp chín mươi chín đỉnh Hồng Sơn, một người như thế hẳn có thể dạy ta được một cái gì mới về sự sống của con người. Thật là “lãng mạn”, thật là ngông, nhưng mà người ấy đã là một kẻ giúp đời và có công lớn với Tổ quốc. Nguyễn Công Trứ đã tỏ cho chúng ta thấy rằng: văn chương và hành động là hai điều biệt lập, và một tâm hồn lãng mạn cũng không thể hại đến chí chiến đấu, nếu quả người ta muốn chiến đấu.

Lưu Trọng Lư

*
* *

Về mối liên hệ tinh thần giữa Nguyễn Công Trứ và các nhà văn nhà thơ tiền chiến, có lẽ phải một dịp khác, chúng ta sẽ trở lại khai thác đầy đủ hơn. Sau bài viết của Lưu Trọng Lư chỉ xin nói một câu tóm tắt: Nhờ phát hiện của thế hệ tiền chiến mà tiêu biểu là bài viết trên, chúng ta cảm nhận rõ hơn sự đa dạng, tính muôn màu muôn vẻ của con người cá nhân trong Nguyễn Công Trứ. Hình như với nhà thi sĩ đặc chất Nghệ Tĩnh này, những Xuân Diệu, Lưu Trọng Lưu, Vũ Hoàng Chương... cảm thấy có thể thêm lý do để sống hết mình, sống một cách thật thích thảng khoáng đạt, như họ thường mong muốn.
Thế nhưng không phải như thế hiện tượng Nguyễn Công Trứ đã được khai thác một cách cạn kiệt.
Từ góc độ của con người hôm nay chúng tôi muốn nêu lên thêm một số nhận xét, có liên quan đến sự trưởng thành của con người cá nhân ở Nguyễn Công Trứ.
Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Công Trứ là Bài ca ngất ngưởng:
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng
Khi thủ khoa, khi tham tán, khi tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Nếu chúng tôi không lầm, thì đây là lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, một nhà thơ tự nói về mình bằng một đại từ ở ngôi thứ ba (ông). Nghĩa là tác giả nhìn mình như một kẻ khác. Hình ảnh bản thân được lạ hoá, không phải theo lối nhún nhường tự hạ mình mang đầy mùi vị giả dối, mà là nối một cách khách quan, một cách xác đáng, đến mức dám đưa vào những chi tiết rất chướng như Độ môn giải tổ chi niên - Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng hoặc Gót tiên theo đủng đôi một đôi dì - Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng, nhưng nhờ thế, giọng thơ ngông nghênh mà không đáng ghét.
Như các nhà nghiên cứu về Nguyễn Công Trứ đã phân tích, ở con người Uy Viễn tướng công như có sự tách biệt ra rõ rệt, bên cạnh một con người hành động (một kiểu hành động thật quyết liệt) có con người thích hưởng nhàn, ra sức cổ vũ cho thú vui chơi và đã chơi cũng là chơi cho thật thoả thích, “chơi cho thủng trống long bồng”. Là nhà nho chính thống, trong ông có một niềm tin rất bền vững, tin rằng đã làm người thì phải có phận sự, phải tuân theo những điều thánh hiền dạy. Niềm tin này ở ông là không thể bàn cãi. Ông nói một cách thô lỗ, theo kiểu cưa đứt đục suốt: Không quân thần phụ tử đếch nên người. Mặt khác, sau những hành động phò vua giúp nước như vậy, ông lại chủ trương cho phép có một cuộc sống riêng buông thả không bị câu nệ vào những tập tục đã thành quy ước.
Tuy không tuyên bố rõ rệt, nhưng như vậy, có vẻ Nguyễn Công Trứ đã đi rất gần với một quan niệm về sự phân thân, trong con người có thể có hai ba con người khác nhau. Và đó là một quan niệm khá mới mẻ so với hoàn cảnh đương thời. Theo một tài liệu tâm lý học chúng tôi đọc được, thì nhìn chung trong lịch sử nhân loại, phải đến những thời đại gần đây, sự phân thân này mới ngày một phổ biến (cũng giống như trong việc xây dựng chỗ ở, lúc đầu, mỗi gia đình chỉ có một phòng, mãi về sau, người ta mới biết xây dựng căn hộ thành nhiều phòng, mỗi người một phòng riêng cho tiện sinh hoạt).
Một điều người ta cũng hay nói tới khi quan sát hành trình làm người của Nguyễn Công Trứ là ông có sự lên voi xuống chó liên tục, để rồi sung sướng nhận ra rằng ở hoàn cảnh nào ông cũng tìm được sự thoải mái. Có thể giải thích điều này bằng khả năng thích ứng cao độ cũng như cái trẻ trung vĩnh viễn trong tâm hồn ông. Song với những người có nghiên cứu tâm lý học hiện đại thì cách ứng xử này không khỏi gợi nhớ tới lý thuyết con người đóng vai. Theo thuyết này, trong cuộc đời, mỗi người như có một vai riêng, người ta không thể đòi hỏi những ai khác, mà chỉ cần vào vai nào cho ra vai ấy. Tóm lại phải tạo được mối quan hệ tự nhiên với hoàn cảnh, tuỳ theo hoàn cảnh mà sống, song vẫn phải giữ được bản sắc.
Rộng hơn câu chuyện đóng vai từng nơi từng lúc, hình như Nguyễn Công Trứ còn ngầm tuyên bố một quan niệm rằng cả cuộc đời này cũng là một sự đóng vai. Trong số các nhà thơ Việt Nam cổ điển, ông là một người ít bị khuôn sáo ám ảnh. Con người ông rất ít mặc cảm. Ông không bị cách hiểu cũ kỹ về công danh, chức phận chi phối. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông sống một cách tự nhiên, đến mức, không hề vun vén cho cuộc sống sau khi chết. Người ta kể rằng khi qua đời, ông muốn mọi người đốt ngay mái nhà ông đang ở và chôn ông dưới đống tro đó. Nếu thật đúng như thế thì có thể nói, ông đi rất gần với một quan niệm hiện sinh, chỉ thấy cuộc đời này là quan trọng, ngoài ra, từ chối mọi nghi thức ràng buộc, dù chúng đã hết sức phổ biến. Chúng tôi còn thoáng có ý nghĩ rằng ở con người hành động của Nguyễn Công Trứ có một chút hư vô nữa. Với tinh thần hư vô lành mạnh, ông đã sống và hành động sôi nổi để rồi sẽ chết trong thanh thản.
Qua những đặc điểm của con người Nguyễn Công Trứ như trên vừa nêu, có thể tổng kết lại là Nguyễn Công Trứ rất mới mẻ, rất “tây”, rất gần với con người hiện đại. Chúng ta nhìn vào ông như nhìn vào chính mình, bắt gặp ở ông những phương diện của con người mà cuộc sống hiện thời bắt buộc mình phải chấp nhận. Chẳng hạn như về sự phân thân. Đây đó, theo một quan niệm có phần cổ, chúng ta thường không có cảm tình với sự phân thân này và cứ cảm thấy có phần xấu hổ khi bắt gặp trong mình và những người quanh mình sự thiếu nhất trí. Về phương diện này mà xét, thì thơ văn Nguyễn Công Trứ là một tấm gương soi để chúng ta vừa hiểu thêm mình và rộng lượng hơn với mình: sự phân thân là hướng phát triển bắt buộc mà mọi con người hiện đại phải có, và không việc gì ta phải ngượng với điều đó cả.
SỐ TRUY CẬP online