Cuộc tìm kiếm giữa màn sương huyền thoại

Giới thiệu cuốn Thơ Hồ Xuân Hương, từ cội nguồn đến thế tục, tác giả Đào Thái Tôn, NXB Giáo dục 1993.
Trong tâm thức nhiều thế hệ người Việt, thơ Hồ Xuân Hương thuộc loại sáng tác phô bày được gần hết những đức tính cố hữu của dân tộc: đáo để, nghịch ngợm, thích chòng ghẹo, thích thách thức, song, ẩn sâu trong lòng, lại là một nỗi buồn da diết. Buồn cho cuộc đời, buồn cho số phận. Điều đáng tiếc duy nhất ở đây là chúng ta được biết về chính người làm ra những vần thơ trên quá ít. Một màn sương mờ mịt nửa thực nửa hư bao quanh cuộc đời con người tai ngược đó, và vì lẽ nó đã tồn tại quá lâu, nên người ta có xu hướng tin rằng sẽ không bao giờ mọi chuyện có thể minh bạch, tức không bao giờ có cái cảnh “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Chẳng phải là trong nhiều hình thức của văn hoá, chẳng hạn như trong áo quần, con người nơi đây đã tỏ rõ là rất thích những vẻ đẹp lờ mờ, bảng lảng, nửa như mời gọi nửa như giấu kín? Trong nhiều mối quan hệ ở đời, sự biết thật tường tận về nhau, chắc đâu đã là điều kiện để mối giao tình mãi mãi bền chặt.
Nhưng khoa học - ở đây là khoa học xã hội - lại không cho phép người ta sống yên ổn bên cạnh màn sương bí ẩn đó.
Từ lâu các nhà nghiên cứu lịch sử văn học ở nước ta đã bảo nhau lục lọi mọi tài liệu, đối chiếu mọi văn bản, soát xét lại tất cả những gì có liên quan đến ba chữ Hồ Xuân Hương. Không phải là họ không biết những huy hiểm đang rình rập, nỗi nguy hiểm dám thách thức mọi người khi kéo cái thiêng liêng trở về đời sống phàm tục. “Không để làm mất đi vẻ lung linh của một Hồ Xuân Hương bấy lâu tồn tại” - sau khi dặn dò nhau cặn kẽ, họ mới bắt tay vào công việc. Và bởi cũng biết rằng họ đã thành tâm bảo nhau như vậy, tự biết rằng không ai lấy đi được một Hồ Xuân Hương “thi trung hữu quỷ” bấy lâu đã sống trong lòng dân tộc, nên chúng ta, những người đọc, mới có đủ niềm tin để bình tâm theo dõi công việc của họ, cổ vũ cho những thành tựu khó khăn mà họ đạt được.
Trong số những người có công nhiều nhất trong việc gỡ ra những rắc rối chung quanh cuộc đời Hồ Xuân Hương có hai nhà nghiên cứu lão thành có công hơn cả, song một đã quá cố là Trần Thanh Mại (1911-1965); một đang sống xa tổ quốc, là Hoàng Xuân Hãn. Điều đáng nói nữa là tài liệu nghiên cứu của các ông thuộc loại văn bản khan hiếm, bạn đọc bình thường có muốn tiếp xúc cũng rất khó.
Có lẽ vì nghĩ vậy, nên nhà nghiên cứu trẻ Đào Thái Tôn (gọi là trẻ nhưng cũng đã trên 50), mới dứng ra đảm nhận công việc tổng kết tìm tòi của người đi trước, hệ thống hoá lại các hiểu biết đến nay có được về Hồ Xuân Hương, cũng là trình bày thêm một số giả thiết riêng của mình. Công việc được làm một cách biết điều, chừng mực, có lý có tình, nên đáng được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.
Trước tiên về tiểu sử nhà thơ, theo bước những người đi trước, Đào Thái Tôn lần lượt khẳng định:
- Có một Hồ Xuân Hương thật sống vào khoảng cuối thế kỷ XVIII tới những năm hai mươi ba mươi gì đó của thế kỷ XIX (có thể xê xích ít chút, nhưng phải trước 1842 khá lâu).
- Một số chi tiết đã quá quen thuộc, như chuyện xướng hoạ với Phạm Đình Hổ; chuyện làm lẽ ông phủ Vĩnh Tường... là gán ghép. Thời Xuân Hương sống, chưa có phủ Vĩnh Tường. Theo các chuyên gia về lịch địa danh cho biết, cái tên Vĩnh Tường mới có từ 1922.
- Ngược lại, lúc trẻ, Xuân Hương lại có mối giao tình khá thắm thiết với thi hào Nguyễn Du.
Về mặt văn bản, lâu nay người ta đã tìm ra nhiều sách vở, chữ nôm cũng như chữ Hán, ít nhiều dính dáng đến Hồ Xuân Hương, như Lưu Hương Ký, Xuân Đường đàm thoại. Nhưng trong việc xác dịnh văn bản và tiểu sử Hồ Xuân Hương hai cuốn này có vị trí khác hẳn nhau. Bài văn mang tên Xuân Đường đàm thoại có liên quan đến một kỹ nữ nào đó, sống vào thời Tự Đức. Còn Lưu Hương Ký mới liên quan đến Hồ Xuân Hương mà chúng ta cần tìm kiếm. Nhà nghiên cứu lão thành Hoàng Xuân Hãn đã xác định hai chữ sương siu có nghĩa là bịn rịn trong câu thơ nôm của Xuân Hương in trong Lưu Hương Ký.
Biết còn mảy chút sương siu mấy
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong.
Và cái dấu tích ngôn ngữ này có thể nói là chứng cứ cuối cùng để không ai còn nghi ngờ về quyền tác giả của Hồ Xuân Hương đối với Lưu Hương Ký.
Đến đây, có một câu hỏi đặt ra: đã biết là có Lưu Hương Ký như vậy, thế sao nhiều cuốn tuyển thơ Hồ Xuân Hương lâu nay, kể cả những cuốn được coi là nghiêm chỉnh như của Nguyễn Lộc in ra năm 1986 vẫn không coi Lưu Hương Ký là chính bản, mà chỉ xếp vào phần tồn nghi, đưa ra để tham khảo? Vấn đề là ở chỗ giữa bộ phận thơ nôm lâu nay vẫn truyền tụng và thơ Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương Ký, nên coi cái nào là chuẩn. Nhiều người lấy bộ phận “vẫn truyền tụng” làm chỗ dựa, nên có cái khó: xem ra thơ trong Lưu Hương Ký quá “nghiêm túc”, quá “bác học”, không sao hoà nhập hoàn toàn với những bài thơ “thi trung hữu quỷ” quái ác kia. Về phần mình, Đào Thái Tôn đề nghị cách làm ngược lại: lấy Lưu Hương Ký làm thước đo, làm hệ quy chiếu. Và đề nghị chỉ nên coi những bài thơ nôm nào có thể hoà nhập với Lưu Hương Ký mới có khả năng gần đúng là của Hồ Xuân Hương. Từ đây, Đào Thái Tôn trong phần tuyển thơ đã mạnh dạn làm công việc lựa chọn lại, đẩy hàng loại những bài thường đã bị “vơ quàng” là thơ Hồ Xuân Hương sang vị trí chầu rìa: ốc nhồi, Đánh du, Dệt cửi, Khóc ông Phủ Vĩnh Tường, Khóc Tổng Cóc, Vịnh cái giếng v.v...Cố nhiên không phải là bao nhiêu thơ “đố tục giảng thanh” bấy lâu được coi là của Hồ Xuân Hương đều bị gạt đi hết. Với tất cả tinh thần nghiêm túc vốn có, Hoàng Xuân Hãn đã lưu ý rằng có thể bản thân Hồ Xuân Hương cũng đã làm nhiều bài thơ có phong cách nghịch ngợm, nhưng chẳng qua là làm để đối phó lại với đám nho sĩ ưa chòng ghẹo chứ chả chí thú gì. Có điều chính những bài thơ mà bà cho là hạng hai đó, lại được dân gian tiếp nhận một cách hào hứng, và xem đó là tiếng nói chính của bà. Tình hình đó đòi hỏi người nghiên cứu Hồ Xuân Hương phải có thái độ thận trọng. Đào Thái Tôn đã ghi nhớ những gợi ý đó của Hoàng Xuân Hãn trong lựa chọn. Ngoài phần phụ lục, nhưng bài thơ nôm được đưa vào chính văn cũng chỉ được xác định là “Nhóm thơ nôm truyền tụng” - một cách gọi khiêm tốn, nhưng có lẽ là khá thích hợp với tình hình văn bản thơ Hồ Xuân Hương hiện nay.
Cuối cùng, một công phu của Đào Thái Tôn trong tập sách nghiên cứu này là hệ thống hoá các văn bản chép thơ Hồ Xuân Hương bằng chữ quốc ngữ từ cuối thế kỷ trước tới đầu thế kỷ này, bao gồm các văn bản 1893, 1909, 1911, 1913, 1921, 1922, 1932, để rồi chỉ ra một sự thực: từ chỗ những tập đầu chỉ có sáu bảy chục ở những tập sau, con số thơ Xuân Hương đã lên tới 139. Rõ ràng ở đây có hiện tượng phần thơ chính của nhà thơ bị xâm thực bởi dòng thơ ca dân gian. Sau khi Xuân Hương mất đi, thơ Xuân Hương đã trở thành một dòng chảy tự phát cứ thế dầy dặn thêm, phong phú thêm. Còn tiểu sử của bà thì như trên đã nói, được thêm thắt bịa đặt khá nhiều, tạo nên cả một huyền thoại có sức sống dai dẳng. Cả hai quá trình này - dân gian hoá văn bản và huyền thoại hoá tiểu sử - cùng tồn tại song song với nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên một hiện tượng độc đáo trong văn học Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên Đào Thái Tôn viết trong đoạn kết phần nghiên cứu của mình:
“Cuốn sách hẳn còn nhiều sai lầm. Tôi chỉ mong đó là những sai lầm hợp lý hơn những sai lầm của người đi trước.
Và vì thế cuộc đời và thơ văn Hồ Xuân Hương vẫn là một đề tài khoa học đáng quan tâm của những người nghiên cứu hôm nay, ngày mai”.
Khi đã đọc kỹ thơ Hồ Xuân Hương và tìm hiểu mọi mặt hiện tượng Xuân Hương thì chắc không ai nghĩ rằng đó là lời khách sáo.


5. Hồ Xuân Hương với Rabelais Villon và Dostoievski

Trong cuốn Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập II, phần viết về Hồ Xuân Hương, ở trang 86, nhà thơ Xuân Diệu có ghi “ở Liên Xô, đã xuất bản một tập thơ Hồ Xuân Hương, dịch ra tiếng Nga (do Nikulin)”. Sau những nhận định mạnh mẽ cả quyết, một câu có vẻ thông tin thuần tuý như thế này lại được tác giả viết ra không dứt khoát lắm khiến bạn đọc lên có thể hơi ngần ngại.
Sự thực thì như thế nào?
Đúng là có một tập thơ Hồ Xuân Hương được dịch ra tiếng Nga thật. Đó là tập Hồ Xuân Hương, Thơ; NXB Khoa học; Moskva;1968. Nhưng tên người dịch cũng đã được ghi rõ ràng ở trang 3 là Genadi Jaroslavtsev và chỉ trang 4 mới chua thêm N.I. Nikulin biên soạn và chú giải.
Tuy nhiên điều đáng nói nhất qua tập thơ 128 trang và in mười ngàn bản này là cách hiểu của soạn giả và dịch giả về Hồ Xuân Hương, ở đó hé ra cách hiểu về thơ khá thú vị.
Nguyên những người thường xuyên tìm hiểu công việc nghiên cứu văn học ở Liên Xô mấy chục năm nay đều biết tên tuổi của M.M.Bakhtin với cuốn chuyên khảo kiệt xuất Những vấn đề thi pháp Dostoievski (in lần đầu 1929, sau đó in lại nhiều lần còn được dịch in ở Pháp và nhiều nước khác). Qua năm 1965, cũng thuộc về ngòi bút của nhà nghiên cứu này, còn có một công trình khác được xuất bản, và được coi là đặt nền móng cho nhiều vấn đề lý luận văn học quan trọng, đó là cuốn Sáng tác của Rabelais và nền văn hoá dân gian trung thế kỷ và Phục hưng. Theo như cách nói của một người bạn và người học trò của Bakhtin là L. Pinski thì Bakhtin “nhìn thấy ở Rabelais một đỉnh cao của dòng sáng tác dân gian phi chính thống và chỉ một lần bột phát trong dòng văn học cao cấp vào thời Phục hưng”. N. Nikulin hoàn toàn tán thành quan niệm đó. Theo Nikulin, ý kiến của Bakhtin có thể giúp chúng ta tìm ra cách tiếp cận mới đối với hệ thống mỹ học của Hồ Xuân Hương. Tương tự như Rabelais, sáng tác của Hồ Xuân Hương đối với chúng ta dường như là sự bột phát của nền văn hoá dân gian trung cổ còn chưa được công nhận vào khu vực sáng tác ngôn từ “bác học” “cao cấp”.
ở một đoạn khác, Nikulin khi phân tích tiếng cười trong thơ Hồ Xuân Hương còn liên hệ với tiếng cười dân gian lúc ấy (chủ yếu là trong sân khấu) và ông dùng khái niệm tiếng cười có ý nghĩa kép (tiếng Pháp: ambivalence) với nghĩa trong tiếng cười đó (ở đây là tiếng cười của Hồ Xuân Hương) có cả phủ nhận lẫn khẳng định, cả chê bai lẫn khen ngợi; ở đó cái chết và sự sinh thành như quyện lấy nhau chặt chẽ. Khái niệm ambivalence cũng là do Bakhtin khởi xướng và đưa vào sử dụng trong công trình nghiên cứu về Rabelais. Chúng tôi không có điều kiện trình bày đầy đủ, lại càng không có nhiệm vụ bình luận nhận xét trên đây của Nikulin, song theo chúng tôi hiểu thì các chuyên gia về Hồ Xuân Hương ở ta có lẽ cũng nên tiến hành đối thoại với nhà nghiên cứu Xô viết về vấn đề này, biết đâu từ đó chẳng nẩy sinh nhiều quan sát sâu sắc khác.
Bên cạnh Lời mở đầu của Nikulin, cuốn Hồ Xuân Hương. Thơ còn in ở cuối sách Lời người dịch. Đứng về nghiệp vụ xuất bản mà xét thì đó là một ngoại lệ, chứng tỏ sau khi làm việc, dịch giả có rất nhiều suy nghĩ và thấy cần phải chia sẻ với bạn đọc những điều tâm đắc của mình. G. Jaroslavtsev nói gì sau khi dịch nhà thơ Việt Nam độc đáo này? ở một chỗ ông nói rằng tính đa nghĩa và giàu liên tưởng cũng là chất grô-tét (grotesque, có nghĩa là kỳ quặc, dị thường) trong các hình tượng do Xuân Hương gợi ra khiến ông nhớ tới chủ nghĩa tự nhiên có phong cách gô-tích của F. Villon (1431-1465). Đây cũng lại là một nhận xét mà chỉ những người có hiểu biết sâu rộng về những nền văn học khác nhau mới dám phát biểu. Sau gợi ý Hồ Xuân Hương và Rabelais của Nikulin, sự tương ứng giữa Hồ Xuân Hương và Villon do Jaroslavtsev nêu lên, nếu được chứng minh đầy đủ, chỉ làm cho nữ thi sĩ của chúng ta thêm lớn. Bởi mặc dù sống và viết từ năm thế kỷ trước nhưng Villon thường được các nhà thơ Pháp thế kỷ hai mươi hết sức ca ngợi, họ cho rằng thơ Villon có một cốt cách rất hiện đại. Đây là mấy câu thơ tự thuật mang đậm chất tưng tửng đùa cợt ông làm lúc bị kết án tử hình “Tôi là Francois - có chi mà tôi thích - nhưng than ôi thần chết - đang chờ tôi đây này - mông nặng mấy cân đây - rồi cái cổ khắc biết”.
Sau hết cũng hết sức thú vị là sự so sánh Xuân Hương và một nhân vật của Dostoievski do Jaroslavtsev nêu ra, nhằm từ đó đặt vấn đề nhận diện Hồ Xuân Hương. Trong phần cuối bài viết súc tích của mình Jaroslavtsev gợi ý: “Thời gian không lưu lại chân dung Hồ Xuân Hương. Nhưng thơ bà đã khắc lên rõ nét khuôn mặt con người kỳ tài ấy. Trong tâm trí của một người dịch như tôi, khuôn mặt của Xuân Hương hiện lên qua thơ rõ rệt khiến tôi nhớ lại một cách sinh động hình ảnh con người tuyệt vời của Nastasia Filippovna. Sở dĩ một so sánh có vẻ bất ngờ đó không thể gọi là bất ngờ bởi lẽ số phận riêng, tính cách, khao khát của nữ thi sĩ đất Việt và nữ nhân vật của Dostoievski trong Chàng ngốc có nhiều chỗ giống nhau một cách kỳ lạ”. Jaroslavtsev viết tiếp: “Xét trên ý nghĩa và đặc điểm của nó, lời thách thức táo tợn của Hồ Xuân Hương với bọn quan lớn quan nhỏ và lũ sư mô giả dối chung quanh bà rất gần với sự nổi loạn của Nastasia Filippovna chống lại nhưng tên như gã quý tộc Totxki, tên tướng Epantsin và Ivolghin. Từ chỗ đứng của sự thật và chính nghĩa, hai người cùng ném vào mặt kẻ thù những lời tố cáo gay gắt, tố cáo chúng đã cướp đi ở mình cái quyền tối thiểu của tuổi trẻ là quyền được yêu, được sống hạnh phục. Đồng thời trong thơ của người nữ thi sĩ Việt Nam cũng như trong tính cách của nữ nhân vật trong Dostoievski thấy kiên trì vang lên như một nốt đàn cao cái cảm giác chính xác về ưu thế riêng của mình... chính đó là những yếu tố làm cho họ trở nên hết sức gần gũi với nhau:
... Dù là chưa nói đến phạm vi của khoa nghiên cứu văn học theo lối so sánh, chỉ với tư cách cảm tưởng, ấn tượng của người biên soạn và người dịch thơ, những nhận xét trên đây của Nikulin và Jaroslavtsev rất đáng để chúng ta trân trọng. Trong cái việc mang thơ Hồ Xuân Hương đặt bên sáng tác của những văn hào nổi tiếng khác, mang con người Xuân Hương đặt bên những tính cách đã thành tiêu biểu trong văn học thế giới, hai nhà nghiên cứu đã giúp chúng ta đến với nhà nữ thi sĩ kỳ tài và những sáng tác của bà bằng những nẻo lối mới có kết quả hơn. Trong nghiên cứu văn học xưa nay vẫn có chuyện đó: con đường để đi tới một đỉnh cao nhiều lúc lại phải đi vòng qua những đỉnh cao khác. Muốn hiểu cho thấu đáo sâu sắc một thi hào của dân tộc mình, chúng ta phải có thêm hiểu biết về các nhân vật cự phách trong các nền văn học khác. Và nếu như lúc nào đó, có ai tập hợp được tất cả ý kiến của các tác giả nước ngoài về Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương của ta, biết đâu chẳng có một cuốn sách thú vị? ít nhất, nó cũng có tác dụng kích thích với công tác nghiên cứu trong nước.
SỐ TRUY CẬP online