MAUGHAM

MAUGHAM [*]

KINH NGHIỆM CỦA MỘT NGƯỜI THỰC HÀNH
I
Truyện ngắn là một thể tài tôi thấy thích. Thật là dễ chịu khi được sống khoảng hai, ba tuần trong thế giới nhân vật của mình, sau đó thì chia tay với họ. Lúc này, họ chưa kịp làm tôi chán - một điều thường xảy ra, sau những tháng ròng ngồi viết tiểu thuyết. Khối lượng của một truyện ngắn (khoảng 12.000 chữ) chẳng những cho phép người ta đủ để phát triển chủ đề, mà còn yêu cầu phải viết một cách ngắn gọn, một phẩm chất tôi vẫn kiếm tìm, những khi viết kịch.

Anh chăm chú tỉa tót sao cho tác phẩm của mình trông có cốt cách. Anh cố viết ngày một tốt hơn. Anh hy vọng đạt tới sự giản dị, sự rõ ràng, sự ngắn gọn. Anh nghĩ về nhịp điệu và thế quân bình của tác phẩm. Anh đọc từng câu rõ to, để xem nó vang lên ra sao. Tóm lại, anh đã xoay xỏa đến vã mồ hôi. Nhưng anh nên nhớ rằng bốn nhà tiểu thuyết xuất sắc nhất mà toàn thế giới đều biết tiếng là Balzac, Dickens, Tolstoï và Dostoïevski - đều đã viết bằng thứ ngôn từ tự nhiên mà không quá chăm lo tới cách diễn tả. Điều đó, cũng có nghĩa là nếu bạn biết kể chuyện, xây dựng hình tượng, nghĩ kỹ về một số đoạn có sức lôi cuốn, và nếu như ở bạn sẵn có cả sự say mê lẫn chính sự thật, thì dù ra bạn viết ra sao, đó vẫn là tác phẩm tốt, không phải tác phẩm kém cỏi.

Con đường duy nhất để tìm ra cái mới là không ngừng tự mình thay đổi. Và con đường duy nhất để có được vẻ độc đáo là đào sâu, mở rộng thế giới nội tâm của ngươi viết.

Sự thật không chỉ khác thường, so với hư cấu, mà còn đẹp đẽ hơn, bóng bẩy hơn. Lòng tin rằng sự kiện anh đang miêu tả có xảy ra trong thực tế mang lại cho ngòi bút nhà văn một vẻ sắc sảo đặc biệt, giữ cho nó vẻ tươi tắn mà mọi thứ hư cấu rắc rối không sao đạt được. Bởi vậy, muốn thành công, tác giả phải gợi cho độc giả tin rằng anh đang nói sự thực.

Thật không may cho tôi: tôi bắt tay viết truyện ngắn vào cái thời khi những nhà văn xuất sắc ở Anh, ở Mỹ đều đang chịu ảnh hưởng của Tchekov. Văn học thế giới vốn là một cái gì rất cân đối. Khi nó khiêng về một lối nào đó, đó là do yêu cầu nội tại của nó, chứ không phải là mốt.

... Cần phải công nhận bắt chước Tchekov không phải là khó lắm. Và mặc dầu ông đã viết được những truyện ngắn thật tuyệt, nhưng tài năng của ông không phải bách khoa, dùng vào việc gì cũng được. Chính ông rất hiểu giới hạn của mình. Ông không biết xây dựng những truyện ngắn cô gọn, đầy kịch tính mà người ta có thể kể lại sau bữa ăn trưa, như những truyện Chuỗi đồ nữ trang, hoặc Món gia tài (của Maupassant - N.D.). Ông là người tốt bụng và có nghị lực, nhưng sáng tác của ông bao giờ cũng toát ra vẻ buồn chán, rầu rĩ, và với tư cách một nhà văn, thường ông chán ngấy những cốt truyện giàu hành động hoặc mọi yếu tố có tính chất thái quá. Cảm giác hài hước của ông, một thứ hài hước đau xót, đó là phản ứng của một con người nhạy cảm tới mức bệnh tật trước mọi kích thích thường xuyên giày vò. Ông nhìn thấy cuộc sống chỉ có một màu duy nhất. Các nhân vật của ông không phải những nhân cách mạnh mẽ. Đối với ông, họ là nhũng người không có gì đáng quan tâm. Có thể chính bởi vậy mà ông gợi cho ta cảm tưởng là giữa các nhân vật chẳng có gì khác nhau, tất cả họ như những chấm lờ mờ, nhợt nhạt, lẫn vào nhau.
Tôi không biết tôi có thể viết những truyện kiểu Tchekov hay không. Nhưng tôi không muốn vậy. Tôi muốn truyện của tôi có một cái mạch chắc chắn, chạy từ đầu đến cuối. Theo tôi hiểu, truyện ngắn là sự trình bày một sự kiện theo trình tự của câu chuyện diễn biến, hoặc theo trình tự của tâm tình. Nhờ sự thống nhất có tính kịch, sự trình bày đó có thể loại trừ tất cả những gì không cần thiết để bộc bạch ý nghĩa. Tôi không sợ cái người ta gọi là “lôi cuốn người đọc”, “đánh vào trí tò mò của họ”. Với tôi, cái đó chỉ cần đề phòng và phản đối, trong trường hợp

nó dẫn đến những hiệu quả giả tạo có tính chất bề ngoài, chứ không phải toát ra từ thực tế câu chuyện. Tôi không muốn kết thúc truyện của tôi bằng những cái dấu ba chấm mà bằng những dấu chấm chính xác.

II

Bạn đọc có thể nhận xét rằng nhiều truyện ngắn của tôi được viết từ ngôi thứ nhất. Thủ pháp văn học này cũng cũ như là thế giới vậy. Mục đích của thủ pháp này là giúp cho chúng ta có thể đạt tới sự thật một cách đầy đặn nhất: nếu có ai nói với bạn một điều gì xảy ra với chính họ, bạn thật dễ tin, hơn là họ kể về một chuyện xảy ra với những người khác. Theo cách hiểu của những người viết truyện ngắn, thủ pháp này còn có ưu thế là nó cho phép tác giả chỉ kể về những gì anh ta biết và bỏ qua những gì không biết, hoặc do điều kiện nào đó, không thể biết được. Có một số tác giả sử dụng thủ pháp này hơi tùy tiện, họ dám thuật lại những câu chuyện dông dài họ chưa từng nghe, hoặc dám kể lể về những sự kiện họ không được chứng kiến (tính chất của truyện không cho phép chứng kiến như vậy!). Như thế, các tác giả đó đã làm mất đi một ưu thế của lối viết truyện từ ngôi thứ nhất Rồi ra người viết truyện cũng là một nhân vật trong truyện ngắn, tham gia vào câu chuyện như mọi nhân vật khác Anh ta có thể là người tham gia vào mọi hành động xảy ra trong truyện, có thể là người chứng kiến, cũng có thể chỉ là một người được các nhân vật trong truyện tin cậy, thổ lộ cho nghe mọi chuyện bí mật. Nhưng nhân vật này, tức tác giả - phải có cá tính của mình. Sử dụng thủ pháp này, nhà văn nên nhớ mình đang làm một công việc hư cấu nghệ thuật, và nếu anh ta có làm cho nhân vật xưng tôi trong truyện giàu trí tưởng tượng hơn, điềm tĩnh hơn, thẳng thắn hơn, sắc sảo thông minh hơn, so với chính người nhà văn vốn có – thì người đọc cũng nên rộng lượng thông cảm với anh ta. Bởi lẽ, xin bạn đọc nhớ cho, nhà văn không làm công việc vẽ lại chân dung mình, mà là xây dựng hình tượng, trả lời cho những yêu cầu của truyện ngắn bạn đang đọc.

Nhiều truyện ngắn của tôi được viết từ ngôi thứ nhất, nhưng tôi đề nghị bạn đọc đừng có nghĩ là mọi chuyện viết trong đó đều xảy ra đối với tôi. Đấy chẳng qua là một cách làm cho câu chuyện thêm phần đáng tin cậy. Cách làm này có chỗ không hay của nó, trong tâm trí bạn đọc, không khỏi có lúc nảy ra ý nghĩ người viết truyện không thể biết về tất cả những gì đã được kể trong truyện; và nếu đây là truyện trong đó một nhân vật – ví dụ, một viên cảnh sát, hoặc một thuyền trưởng - xưng tôi thì bạn đọc có thể phản đối, bởi lẽ, các nhân vật ấy không thể trình bày, ý nghĩ của mình một cách sáng sủa minh bạch như vậy được. Mọi cách ước lệ đều có chỗ không tiện của nó. Tùy theo khả năng cho phép cần "lột trần" chúng ra, cái gì không thể giấu, cần “ngả bài", tức cần trình bày như là nó vốn có vậy. Ưu thế đặc biệt của cách xưng tôi trong truyện là nó có vẻ rất trực tiếp. Nó cho phép nhà văn chỉ nói về những gì anh ta biết, không có tham vọng làm một thứ tạo hóa “cái gì cũng biết"; anh ta có thể thú nhận rằng việc này việc nọ, vì cớ ấy cớ khác anh ta không biết và nhờ vậy, câu chuyện lại có vẻ gần sự thực hơn. Cũng nhờ vậy, bạn đọc cảm thấy mình thêm gần gũi với nhà văn. Cả Maupassant lẫn Tchekov, dù đã cố tỏ ra khách quan, trong thực tế, tác phẩm của các ông, sắc thái cá nhân từng người vẫn rất rõ. Đây đó, không khỏi có lúc trong tôi nảy ra ý nghĩ: nếu nhà văn không thể nán lòng đứng ngoài câu chuyện, có lẽ là nên tham gia vào đó càng nhiều càng tốt. Cố nhiên, trong thực tế, lại phải dè chừng là nhà văn đâm ra chiếm một chỗ quá lớn và cái bóng anh ta đổ xuống che mờ cả câu chuyện. Như trên đã nói, trong trường hợp này lại phải trở về vấn đề “liều lượng”, “mức độ”.

Có những nhà văn khẳng định rằng trong khi xây dựng hình tượng, họ không cần dựa trên một mô hình có thật (tức một nguyên mẫu - N.D.) nào hết. Theo tôi, chính họ đã lầm. Họ nói như vậy, vì chưa tính hết đến những ấn tượng và những hồi ức, mà dựa vào đó, họ đã xây dựng nên nhân vật, và họ tưởng tượng rằng họ đã "bịa ra" tất cả. Nếu phân tích cho thật chi li chi tiết, phải nói họ phải làm ra nhân vật tương tự như mọi người khác: hoặc từ các quyển sách đã đọc - một trường hợp cũng không lấy gì làm hiếm; hoặc từ những mặt người mà họ đã bắt gặp trong một dịp nào đó... Trong các sổ tay của Tchekov, bạn có thể bắt gặp những nhận xét, sau này ông dùng trong các tác phẩm. Hoặc trong hồi ức của bạn bè ông không thiếu những đoạn gọi tên chỉ mặt một số người được coi như nguyên mẫu cho các nhân vật ông miêu tả ở truyện này truyện nọ.

Đấy là một thực tế rất phổ biến. Tôi dường như còn muốn bố sung, rằng đó là một điều tất nhiên, hơn nữa, một điều rất cần thiết. Lẽ nào, nhân vật bạn miêu tả, không biểu hiện rõ ràng lên chút ít, nếu ở bạn có một hình ảnh sinh động dùng làm nguyên mẫu cho nó? Tưởng tượng không thể xây dựng từ chỗ trống rỗng không có gì. Nó cần có sự kích thích của cảm giác.

Bây giờ, nói một chút về sự hoàn chỉnh của hình thức - cái điều đã khiến cho một số nhà phê bình gọi tôi là «thạo nghề» quá. Nói chung, trong nghệ thuật, tôi thiên về sự chuẩn mực, về trật tự nghiêm ngặt và trong truyện ngắn, tôi lại càng thích mọi chuyện được sắp xếp chặt chẽ.

Tôi bắt tay vào việc viết những tác phẩm thuộc thể tài này một cách nghiêm chỉnh, sau khi đã tích lũy được một số kinh nghiệm trong viết kịch, trước tiên là kinh nghiệm cần biết quăng đi những gì không trực tiếp phục vụ cho hành động kịch. Kinh nghiệm đó cũng dạy tôi phải làm

sao để các tình huống kịch gắn bó với nhau được tự nhiên, và mọi chuyện nối tiếp nhau một cách hữu cơ, rồi tiếp tới cao trào của truyện đúng như tôi đã nghĩ trước. Tôi hiểu rằng quan niệm như thế này có thể dẫn tới kết quả rất dở, sự bố trí xít xao đôi lúc làm cho người ta e ngại. Ít ra thì người đọc cũng dễ nghi ngờ: trong thực tế, mọi chuyện không thể chắp nối vào nhau khéo léo đến như vậy. Trong thực tế, các "cốt truyện" thường khó phân tích rành mạch, không rõ bắt đầu ở đâu và chấm dứt mọi chuyện ở đâu. Đó cũng là một ý của Tchekov, khi ông nói rằng truyện ngắn chẳng cần "khai từ", chẳng cần “kết thúc" gì hết. Không nghi ngờ gì nữa, đôi khi người đọc cảm thấy như là khó chịu khi thấy nhân vật xử sự đúng răm rắp theo tính cách của nó, và các tình thế nối tiếp chính xác như trong một sơ đồ.

Còn nếu tác phẩm thành công, tức tác giả bắt bạn tiếp nhận cái nhìn của ông ta về thế giới, và khiến bạn hài lòng theo dõi những ý đồ mà ông ta thực hiện. Thực tế là nhà văn không chứng minh điều gì. Ông ta chỉ vẽ ra một bức tranh và đặt trước bạn. Bạn cần phải hoặc là không, hoặc là tiếp nhận bức tranh đó.

Tác giả loại này không chỉ muốn mang lại cho người đọc một cảm giác nào đó về cuộc sống, mà còn muốn giới thiệu một hình thức trình bày tác phẩm. Ông ta cần biết tổ chức các sự kiện thực tế sao cho tương ứng với những nhiệm vụ của mình. Ông ta theo dõi kế hoạch đẩy cái này lên, thêm cái khác vào, sang sửa mọi thứ theo ý đồ đã định trước: ông ta đạt đến mục đích là làm ra một tác phẩm nghệ thuật. Có thể trong khi mải mê như vậy, ông ta để cuộc sống “lọt qua các kẻ tay” và đành chịu thất bại,. Cũng như, mọi chuyện sẽ hỏng hết, nếu như truyện ngắn trở thành giả tạo, không thể tin được.

Trích từ cuốn Tổng kết, bản dịch tiếng Nga, 1957

Và tạp chí Những vấn đề văn học, 1966, số 4.

[*] William Somerset Maugham, nhà văn Anh hiện đại (1874-1965) viếtt tiểu thuyết, viết kịch. Ông cũng là tác giả nhiều tập truyện ngắn.
SỐ TRUY CẬP online