Lưu Trọng Lư

Vài nét tiểu sử
Lưu Trọng Lư, sinh 19-6-1912, mất 10-8-1991.
Tác phẩm chính: Người sơn nhân (1933), Chiếc cáng xanh (1941), Khói lam chiều (1941), và nổi tiếng với tập thơ Tiếng thu (1939).
Người ấy là một thi nhân

Lưu Trọng Lư là một trong những thi sĩ bẩm sinh với nghĩa hình như trời sinh ra ông để làm thơ. Không cần nghiêm chỉnh hay cao đạo gì hết, bề ngoài cứ vật và vật vờ vậy, ông sống giữa đời, lấy việc triền miên theo đuổi những câu thơ thức dậy trong tâm trí làm niềm vui thích. Một người có biết Lưu Trọng Lư hồi tiền chiến là Nguyễn Vỹ từng kể lại rằng nếu lúc viết, Trương Tửu nghiêm nghị, trầm mặc hàng giờ, viết bằng xong mới nghỉ, thì Lưu Trọng Lư cứ viết một lúc lại đi lang thang, rồi mới trở lại viết nữa. Có khi ông trở vào bàn thì tờ giấy đang viết dở đã bị gió cuốn bay đi đâu mất, ông lục lọi vài nơi, la hét vài câu, rồi ngồi xuống viết lại trên tờ giấy khác.
Lẽ cố nhiên, một người đã thường xuyên sống như trong mộng giữa đời thường, có hiện ra ngất ngư bảng lảng trong sinh hoạt văn chương, cũng là một điều dễ hiểu.
Trong cuốn hồi ký Những năm tháng ấy (bản in của Nxb. Văn học, 1987, tr. 171-173), nhân kể về chuyện giao thiệp với các nhà văn, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan có nhắc lại một ít chi tiết vui vui: Hồi tác giả Nhà văn hiện đại còn làm việc cho tờ Hà Nội tân văn, có lần đang in theo lối feuilleton một truyện dài của Lưu Trọng Lư (sau khi đã thanh toán nhuận bút), thì tác giả Tiếng thu đến lấy bản thảo về chữa. Mãi không thấy trả, chợt Vũ Ngọc Phan nhận được điện thoại của một nhà xuất bản, cho biết Lưu Trọng Lư vừa bán cho họ một bản thảo có vẻ giống với truyện đang đăng dở theo lối in rải nhiều kỳ trên Hà Nội tân văn. Đến xem thì đúng như thế thật. Mấy chục năm sau, Vũ Ngọc Phan còn lấy làm thắc mắc: chỗ trong nghề với nhau, sao lại tùy tiện như thế được nhỉ?!
Kể ra, ai đã biết tính Lưu Trọng Lư, nghe chuyện ấy sẽ không lấy làm lạ. Sự dễ dàng gặp đâu hay đấy, như Vũ Ngọc Phan miêu tả, là thuộc về bản tính của tác giả Tiếng thu. Giận ông thì giận suốt đời! Vậy tốt hơn hết là chấp nhận, xem sự lơ mơ của ông đã thành cố tật, và hướng sự chú ý vào việc tìm hiểu xem giữa cái bản tính ấy với cái đích mà đời ông theo đuổi quan hệ ra sao, vì đâu mà một người như ông vẫn có chỗ đứng vững vàng trong sinh hoạt văn học của thế kỷ chúng ta đang sống.
Về văn xuôi thì mọi chuyện có phần khá đơn giản. Từ lâu, các nhà phê bình và nghiên cứu, không cần rào đón gì hết, đã viết thẳng ra rằng trong hơn chục cuốn tiểu thuyết Lưu Trọng Lư đã viết, phần lớn xếp đặt tùy tiện hoặc bịa đặt lộ liễu, ngòi bút tác giả không mạnh về tả, không giỏi về kể chuyện, nên phần lớn ít có giá trị. Riêng có vài cuốn mang chất tự truyện như Chiếc cáng xanh, Khói lam chiều, nay đọc lại còn cảm động. Từ một số trang khá trữ tình trong các tự truyện ấy, ta biết nhà thơ lớn lên trong một gia đình ra sao, cái chất trầm lặng của phong cảnh miền Trung đã thấm thía trong tâm hồn ông ra sao, nhất là những kỷ niệm về bà mẹ còn để lại dư vang sâu sắc trong lòng ông đến thế nào.
Riêng với thơ thì tình hình có hơi tế nhị hơn một chút.
Theo cách hiểu thông thường, thơ là nghệ thuật của sự trau chuốt, thơ cần dụng công, nhà thơ như người thợ tìm ngọc từ đá, băn khoăn lo lắng đến từng chữ một. Trong khi ấy, thơ Lưu Trọng Lư hồn nhiên, tự nhiên. Có lần chính ông đã viết rằng thơ mình "vất chỗ này một chút, vất chỗ kia một chút, nó thành hình gì thì nó là cái ấy". ở một chỗ khác, ông thành thực tự nhận có những bài như được đời cho, ngẫu nhiên mà thành, ngâm lên rồi mà vẫn không biết có phải của mình hay của ai, và nếu của mình thì từ đâu tới. Vậy mà có điều lạ là thứ thơ ấy vẫn khiến nhiều người lưu luyến, đọc một hai lần chưa đủ, cứ thấy vương vấn cần phải đọc lại, và có khi không thuộc được cả câu thơ, song cái hồn cốt của nó thì lại rất nhớ. Với Lưu Trọng Lư, nhà thơ là kẻ đi tìm những cảm giác mơ hồ trong mình và cho nó hiển hiện:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Là kẻ yêu vu vơ, giận hờn vu vơ:
Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vương víu nợ thi nhân?
Là kẻ trang trọng lắng nghe nhịp đi của thời gian và chỉ sợ nó bay đi mất:
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng
Thời gian lặng rót một dòng buồn tênh
Khi viết những vần thơ lờ mờ sương khói ấy (tập trung trong Tiếng thu, và còn vang vọng trong nhiều tập thơ về sau), Lưu Trọng Lư đã thật sự là một thi sĩ. Đối với người thanh niên của thời đại máy vi tính và mạng Internet, có thể cách cảm cách nghĩ của ông là một cái gì đã quá xa xôi, nhưng với con người Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, nhiều người thấy rất gần gũi. Thơ Lưu Trọng Lư đồng nghĩa với một cái gì đẹp dịu nhẹ mơ màng. Nó đồng lõa với người ta trong việc tạo ra một thế giới mông lung, từ đó thoát ra và vượt lên trên cuộc đời dung tục.
Trong số các tên tuổi một thời làm nên phong trào Thơ mới, tác giả Tiếng thu thường được các nhà nghiên cứu về sau xếp vào loại có công đầu. Kém Thế Lữ 5 tuổi, nhưng hơn Xuân Diệu 4 tuổi, vào khoảng 1932-1933, Lưu Trọng Lư đã bước vào tuổi 20. Mà hồi ấy, hai mươi tuổi người ta đã đàng hoàng lắm, đã cảm thấy là chủ nhân chân chính của cuộc đời, đã dám nhận lấy việc thay đổi những thói quen cũ. Lưu Trọng Lư đón nhận phong trào Thơ mới như diều đón gió, và ông cũng làm tất cả để thúc đẩy nó tiến tới. Ông đi diễn thuyết, ông viết thư để tranh luận với Tản Đà. Ông làm cả một bài theo giọng trào phúng, giễu cợt lối thơ thù tạc vô cảm. Thuộc về ngòi bút Lưu Trọng Lư là cái đoạn phân biệt tâm lý già trẻ rất rạch ròi mà Hoài Thanh và Hoài Chân đã dẫn lại trong phần mở đầu bài Một thời đại trong thi ca của cuốn Thi nhân Việt Nam 1932-1941: "Các cụ ta ưa những màu đỏ choét, ta lại ưa những màu xanh nhạt... Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta nao nao vì tiếng gà lúc đúng ngọ...". Nhìn kỹ thì lại thấy con người trong thơ Lưu Trọng Lư còn nhiều duyên nợ với các thi sĩ phương Đông trong thơ cổ Trung Hoa như Lý Bạch, Đào Tiềm, Tô Đông Pha, hoặc gần gũi ngay đấy là Tản Đà. Trong khi nét chủ đạo ở một cây bút thật mới như Xuân Diệu là muốn ôm lấy cả cuộc đời, bươn bả đi tìm những cảm giác mới và có được những cuộc hưởng thụ thật đã đầy, thì Lưu Trọng Lư chỉ mong được sống phóng túng giữa tình và mộng, thế giới của ông là cái thế giới xa vắng, rất quen với thơ cổ điển. Giá kể cứ sống như cũ cũng được. Song thời thế đã đổi khác, làn gió lạ từ phương Tây thổi tới không làm cho ai yên ổn được nữa. Việc một phong trào như Thơ mới có sức lôi cuốn rộng rãi đến cả những người như Lưu Trọng Lư nói lên một điều đơn giản là phong trào nảy sinh rất hợp lòng người, nó đã thực sự giải phóng cho những lực lượng sáng tạo khác nhau để làm nên bản hòa điệu chung của tinh thần thời đại.
SỐ TRUY CẬP online