Lê Văn Trương

Vài nét tiểu sử
Lê Văn Trương (1906-1964), nổi tiếng với các tiểu thuyết in trên Tiểu thuyết thứ bảy. Phổ thông bán nguyệt san v.v... Tác phẩm chính: Một người (1937), Tôi là mẹ (1939), Trường đời (1940), Tôi thầu khoán (1940) v.v...
Hiệp sĩ của một trường đời éo le

Mặc dù vắng bóng đã lâu, song hoàn toàn có thể nói trên phương diện văn chương, Lê Văn Trương vẫn có một cuộc sống riêng, nối tiếp, thay đổi, mỗi thời người ta lại nhìn nhận về ông một khác.
Sau các nhà văn Tự Lực văn đoàn, sau Vũ Trọng Phụng và Lan Khai, Nguyễn Bính và Quang Dũng... trong không khí cởi mở của đời sống văn học thập kỷ cuối cùng thế kỷ XX, giới văn học bắt đầu nhắc nhở nhiều đến Lê Văn Trương, cây bút có số đầu sách chiếm kỷ lục trong văn học ta. Hình như giờ đây những thành bại của nhà văn ấy đang trở thành những bài học sốt dẻo với nhiều người, nhất là những ai muốn coi sáng tác như một nghề kiếm sống và thích tạo nên bùng nổ trong mối quan hệ sinh động với đông đảo công chúng.
"Ông lớn" một thời
Chỉ cần nhìn thoáng qua về xã hội tiền chiến, người ta thấy ngay rằng Lê Văn Trương thuộc vào loại những tên tuổi được nhắc nhở nhiều nhất trong văn học những năm từ 1931-32 trở đi. Trong đầu óc một người trung lưu bấy giờ, ba chữ Lê Văn Trương gắn liền với một loại tiểu thuyết thông tục. Dù in trong Phổ thông bán nguyệt san hay ở các nhà xuất bản khác, Đời Mới, Cộng Lực, Tân Dân, các tiểu thuyết ấy đều bán giá phải chăng vừa tầm với túi tiền mọi người. Và trước tiên là sự phải chăng trong nội dung câu chuyện: một tham tá bất bình với ông sếp, liền bỏ việc làm, quyết chí trở thành nhà văn bênh vực những kẻ hèn yếu (Một người), một cô gái tân tiến, theo cha là một chủ thầu xông pha vào đủ nơi nguy hiểm (Trường đời). Một người anh cả hy sinh vì đàn em, quyết trông nom cho chúng khôn lớn, nên người, rồi mới tính đến những vui buồn của riêng mình (Người anh cả). Một cô gái nhẹ dạ, sau tu tỉnh lại, trở nên một người đàn bà đức hạnh (Kẻ đến sau). Đại khái là như vậy. Qua lời kể không mấy trau chuốt khéo léo, nhưng được cái dễ hiểu, những tiểu thuyết ấy biết mang lại cho người đương thời những lời khuyến khích cụ thể: hãy giữ lấy chút lòng tự trọng dám đối mặt với đời. Hãy gắng kiếm thêm đồng tiền để có thể sống tự lập, sống đàng hoàng. Và nhớ đừng quên "giấy rách phải giữ lấy lề", nếu cần hãy xả thân hy sinh vì danh dự, đúng như đạo đức cổ truyền đã dạy. Trong sự pha trộn giữa chất á Đông cố hữu còn đang sâu cây bén rễ trong xã hội với ảnh hưởng Tây phương vừa du nhập - ít nhất trong cái vẻ không quá khắc kỷ mà cũng không buông thả - quả thật triết lý "người hùng" mà Lê Văn Trương ca tụng có chút gì đó rất vừa với khẩu vị đám đông độc giả đương thời, nó là lý do chính khiến cho sách của ông dù thường in với số lượng bấy giờ coi là lớn (2.000 - 3.000 bản), song vẫn tiêu thụ đều đều. Và Lê Văn Trương cái máy nói và máy viết đó (chữ của Lan Khai) cứ thế tồn tại như một phong cách, một tác giả - chúng tôi còn muốn nói: một ông lớn trong văn học - dù về sau, khi cần chọn ra một hai tác phẩm thuộc loại để đời thì chính ông cũng phân vân và thất vọng, mà thiên hạ lại càng phân vân, vì hình như... rất khó tìm ra một cuốn trội hẳn lên cỡ như Đoạn tuyệt, Tắt đèn, chứ đừng nói như Chí Phèo, Số đỏ.
Người hùng yếu đuối
Trên đại thể, công chúng văn học trước 1945 gồm hai nhóm lớn: một là bộ phận quan lại, công chức cao cấp cũng là trí thức thượng lưu, số người này ngoài sách báo bằng tiếng Pháp, chỉ đọc đến Tự Lực văn đoàn là cùng. Bên cạnh đó là bộ phận công chúng đông đảo hơn nhưng cũng táp nham hơn, bao gồm các nhà buôn nhỏ, các loại thầu khoán, ký ga, giáo viên tiểu học, thư ký hãng buôn và công chức loàng xoàng... Mang nặng dấu ấn của một đời sống thành thị vừa hình thành, bộ mặt tinh thần của họ thường khi pha tạp, nửa tỉnh nửa quê, nửa cũ nửa mới. Không bao giờ họ bị đẩy vào cảnh khốn quẫn như những tầng lớp bần cùng nhất của xã hội, song cuộc sống trước mắt họ cũng đầy tai biến, cũng hội tụ đủ chìm nổi, rủi may, xót xa, ân hận... Cố nhiên là họ dễ có sự thông cảm với tác phẩm của những Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Thanh Châu, Nguyễn Đình Lạp... Trong số này, Lê Văn Trương có một vai trò đặc biệt. Cuộc đời của ông, tính cách của ông mang nặng cái chất trung lưu mà chỉ thời tiền chiến mới có. Theo lời kể của Lan Khai (trong cuốn Lê Văn Trương, mớ tài liệu cho văn học sử Việt Nam in ra cuối những năm 1930) thì Lê Văn Trương "tầm vóc cao nhớn, dáng đi lừ lừ như một con cá chắm lội, với một màu da bánh mật, gương mặt rắn căng, một cái trán hẹp của người thiết thực, đôi mắt sâu gườm gườm và những cái nhìn nhanh như chớp". ấy bề ngoài như vậy, song thực ra, theo Lan Khai, Lê Văn Trương lại là một con người yếu đuối "nhát như thỏ, mềm như sứa". Luôn luôn, ông phải gồng mình lên mà sống. Sở dĩ trong các tác phẩm, ông nói rất nhiều "những lời liên miên, những lời sảng loạn", bởi lẽ ông muốn cầu xin những cái chính ông đang thiếu. Một người mù rên rỉ đòi ánh sáng - trong cái nhìn của Lan Khai, hành động sáng tác của Lê Văn Trương hiện ra vừa anh hùng, vừa thảm hại như vậy! Thoạt đầu, ông chỉ nói một mình mình nghe, một mình mình biết, "những lời lặp đi lặp lại của một kẻ gần như mất trí". Đến lúc nhận ra rằng nó cần cho chung quanh, ông mới nảy ra ý định kêu gào hộ mọi người. Rút cục thì cái tính cách phường tuồng của các nhân vật Lê Văn Trương dù đôi khi gợi lên ái ngại, ít nhiều vẫn cứ làm người đọc cảm động. Có thể là ngòi bút ông còn thiếu chất nghệ sĩ, lại càng chưa được tinh luyện, nhưng có hề gì, cái chính là ông đã lên tiếng, nhân danh những con người giống ông, những con người cũng khao khát hành động như ông, theo những chuẩn mực mà ông và họ cùng tin tưởng. Từ chỗ "tự thôi miên", ông đã mặc nhiên tạo được khả năng thôi miên kẻ khác, lý do là ở chỗ ấy.
Nỗi buồn để lại
Vào thời tiền chiến, hầu như trong giới viết văn, người ta chưa thật có một ý niệm đầy đủ về văn hóa đại chúng, như cách bây giờ chúng ta thường hiểu. Nỗi lo của các nhà văn Tự Lực là nỗi lo góp mặt với đời, chứ mấy ông đâu có bận tâm nhiều đến chuyện chiều nịnh bạn đọc để kiếm sống. Các nhà văn trong nhóm Tân Dân có vất vả hơn trong việc nuôi sống bản thân và gia đình, song từ Nguyễn Tuân ung dung tài tử, tới Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng... có phần túng đói hơn, cũng chưa ai sa đà đến mức thương mại hóa ngòi bút. Lê Văn Trương là một ngoại lệ chăng? Không hẳn. Với mỗi cuốn sách, ông đều gửi gắm vào đấy khá nhiều tâm huyết; hơi thở hổn hển của ông đôi khi có thể cảm thấy trên từng chương từng đoạn tiểu thuyết. Sự thiêng liêng của nghề nghiệp là điều mà Lê Văn Trương hằng tâm niệm. Chỉ hiềm một nỗi nó không được bảo đảm bằng một nghệ thuật tương xứng. Sở dĩ ông vẫn thường bị kêu là làm hàng, lý do là ông viết quá nhiều, không để công chăm chút tác phẩm mà chỉ mải viết cho xong, cốt viết lấy được, và có vẻ sẵn sàng kiêu hãnh vì thấy nhiều độc giả bị cuốn hút theo. Chưa hẳn Lê Văn Trương cố tình sống và viết vội vã, cẩu thả, mà cái tạng của ông là thế. Với cái tạng ấy ông có những chỗ được của mình và những sự phải trả giá. Chỗ được (sách bán chạy - độc giả đông - tác động xã hội lớn) - ông chỉ kịp hưởng trong một thời gian ngắn. Còn sự thất thiệt lại kéo dài. Suốt mấy chục năm nay, thành kiến còn đè nặng lên Lê Văn Trương, khiến các nhà văn học sử nhiều khi bất công mà quên cả công góp của ông. Số phận của ông là thế. Nếu để ý kỹ sẽ thấy hiện tượng Lê Văn Trương tồn tại ở những nền văn học khác nhau, trong những thời khác nhau. Từ những sáng tác của họ, đúng hơn từ ảnh hưởng mà các cây bút đó gợi ra, người ta có thể nhận ra những đường nét làm nên bộ mặt xã hội đương thời. Còn ở góc độ thuần túy văn chương, bài học rút ra từ trường hợp Lê Văn Trương, tiếc thay lại là những bài học buồn mà trong nghề, người ta không mấy khi nói thẳng với nhau, người ngoài nghề cũng ít biết, song thực tế vẫn là có thật. Chỉ có trong các cuốn sách giáo khoa, văn học mới phát triển mạch lạc, công bình, hợp lý. Còn trong thực tế, các quá trình văn học thường khi xô bồ hỗn độn, cái tinh túy pha trộn giữa bao cái xoàng xĩnh tầm thường, nhất là ở những nền văn học mang nặng tính cách thuộc địa như ở ta thời tiền chiến.

Lời kêu gọi: Phải biết vượt thoát khỏi những định kiến

Không được vồ vập săn đón như tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử... song dần dà, nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Lê Văn Trương đã được lục tục in lại. Phải chăng, sau một thời gian dao động, rồi giá trị thực của Lê Văn Trương cũng được xác định? Và người ta có thể bắt đầu nói tới những bài học rút ra qua "một cách tồn tại trong văn học" mà ông theo đuổi?
Văn chương là khu vực ở đó dành chỗ rộng rãi cho sự sáng tạo. Các giá trị được hình thành trong văn chương thường khi là những giá trị khác nhau như cây cỏ muông thú trong thiên nhiên vẫn khác nhau, mỗi loài mỗi giống kiếm ăn một kiểu và sống một kiểu, nên người ta dễ công bằng chấp nhận nhau, lấy sự khác của người làm niềm vui của mình. Có điều những người đã sống lâu với nghề còn biết thêm rằng thời nào cũng vậy, nghề này còn mang đầy những thành kiến định kiến, người hành nghề ở đây, vô tình cũng có mà hữu ý cũng có, thường không tránh khỏi sự dòm ngó xét nét nhau, rồi lấy những luật lệ không ghi thành văn bản ra để bó buộc nhau; bởi vậy mỗi ngòi bút sống được với nghề, nhất là những người có tên trong lịch sử thật ra đều là một ngoại lệ, một trường hợp vượt thoát, bẻ gãy thành kiến, chế ngự mặc cảm để tồn tại. Như ở trường hợp Lê Văn Trương, mà đây đó chúng ta đều đã nghe nói. Truyện ông viết nhiều khi dễ dãi, văn chương cẩu thả, nhân vật chắp nối tùy tiện. Song càng biết vậy người ta càng phải lấy làm lạ mà tự hỏi tại sao nhiều người vẫn thích đọc văn ông và một thời gian dài, đây vẫn là một tác giả ăn khách, sách in ra đều đều với số lượng lớn, bán khắp Bắc Trung Nam, và sự thực là đã tạo nên một cái tên, có được một khuôn mặt dù thế nào đi nữa thì cũng là một khuôn mặt còn lại với lịch sử. Riêng đối với những ai tài năng có hạn - chúng tôi định viết: những người hiểu mình "tài hèn sức mọn" song lại tràn đầy tâm huyết, và sức lực có thừa, và sẵn rất nhiều ham hố lập nghiệp - thì cuộc đời của Lê Văn Trương, cách tồn tại của nhà văn này, đáng được coi là một gợi ý, hơn nữa, một sự cổ vũ. ý nghĩa phổ biến của hiện tượng Lê Văn Trương là ở chỗ đó.
Chiếc giày vàng
Những ai ham thích bóng đá đều biết ở châu Âu hiện có hai giải thưởng chính dành cho các cầu thủ: một, cho người được coi là xuất sắc nhất của một mùa bóng; và một nữa, cho người đã chơi hiệu quả nhất, tức sút vào lưới đối phương được nhiều hơn ai hết.
Mượn cách nói đó, để phân loại các nhà văn tiền chiến, có thể bảo: trong khi Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao thay nhau giành "quả bóng vàng" thì Lê Văn Trương chỉ nhăm nhăm tính chuyện giành "chiếc giày vàng" và sự thực là đã sống trong tâm trí người đương thời với cái danh tiếng đó. Về sự độc đáo công phu, những cái thiết cốt với nghề, ông không bằng ai. Song ông chịu viết, dám viết và phải nói là rất có duyên "làm bàn", tổng cộng ông đã đứng tên sau hơn một trăm đầu sách.
Ngay ở điểm này thấy Lê Văn Trương vượt qua được một định kiến hết sức phổ biến xưa nay; định kiến rằng trong văn chương quý hồ tinh bất quý hồ đa; nhà văn phải lấy chất lượng làm chính, với nghĩa phải thôi xao cân nhắc đắn đo từng chữ, phải sẵn sàng viết đi viết lại hàng trăm lần mỗi bản thảo như ông Tolstoi và những nhà văn kếch sù nào đó đã làm. Không! Trong khi ở xứ sở này nhiều nhà văn chạy gạo nuôi vợ nuôi con chưa xong, lấy những tấm gương ấy ra dỗ ngon dỗ ngọt họ, buộc họ phải theo, thì có khác chi xui dại họ, tước vũ khí đồ nghề, cái cần câu cơm của họ. Từ cuộc đời của Lê Văn Trương, người ta nghe ra những lời khuyên khác về nghề. Vâng, chữ văn kia cũng có ba bảy đường! Hãy cứ viết như mình có thể viết, miễn có bạn đọc là được. ở thời của Lê Văn Trương, chưa có chế độ bao cấp, nên nhà văn sách bán ế là nhà xuất bản cúp lương ngay, chỉ sợ các ông chủ xuất bản cắt suất quá nhanh, chứ không sợ ai nuông chiều làm hỏng mình cả.
Viết cho bạn đọc hôm nay
Để đạt tới sự sung mãn của ngòi bút, tức luôn luôn viết nhiều viết khỏe, một thành kiến khác mà Lê Văn Trương phải vượt, mà xem ra đã vượt qua dễ dàng: ông không quá quan trọng hóa nghề nghiệp. ở dạng thô thiển của nó, triết lý "hạnh phúc là ở trong hành động" luôn luôn ám ảnh ông. Và toàn bộ cuộc đời ông là nhằm minh họa cho nó. Với Lê Văn Trương, viết văn không phải thứ nghề cứ đốt lò hương cho đến sáng, rồi băn khoăn, rồi chiêm nghiệm, đến mụ mị cả tâm hồn, mà là chuyện mở sạp hàng giữa chợ, có khách đến đâu phục vụ đến đấy, trong lúc mọi người đang đói chưa làm được thức ăn ngon, thì một ít mì ăn liền sốt dẻo cũng đã quý lắm rồi.
Không phải Lê Văn Trương không biết đến những thiêng liêng cao cả người đời gán cho nghề văn, song ông có cách hiểu riêng và con đường riêng để đi tới sự thiêng liêng đó. Triết lý người hùng của Lê Văn Trương không mới mẻ, cao xa, thậm chí là còn có vẻ phường tuồng giả tạo, song nó giản dị, thiết thực và vẫn là hướng thiện, nên thích hợp với đám độc giả trung lưu đương thời. Về phần mình, Lê Văn Trương đã rất trung thành với triết lý đó; trước sau ông vẫn là một trong số ít nhà văn tiền chiến có một triết lý để theo đuổi từ đầu đến cuối.
Người nhẹ vía
Đẩy quá lên một chút, cái nhìn thực dụng kiểu Lê Văn Trương có thể dễ dàng dẫn tới cách sống tàn nhẫn, dùng văn chương xúi giục bạo lực, và tối thiểu biến việc cầm bút thành một hành động bịp bợm. Song Lê Văn Trương đã dừng lại đúng lúc. Trong các tiểu thuyết, con người đạo lý của ông thường xuyên phơi ra lộ liễu đến mức trở thành mọi cái đích cho mọi kẻ ghét ông tha hồ nhắm bắn. Có điều không nên quên là chính nhờ có thứ đạo lý ít nhiều cổ lỗ ấy mà con người hùng trong các tiểu thuyết của ông lại có được cái yếu đuối dễ gần của những con người bình thường. Trong đời tư, ông cũng là kẻ sẵn sàng phô ra mọi chỗ yếu như vậy, ông thích khoa trương; mỗi khi cơn bốc đồng kéo đến, ông không ngại đứng ra nói dông nói dài đủ điều về những chuyện mà thật ra ông không thành thạo. Để bù lại, được cái bao giờ ông cũng thành thật và tính thích sòng phẳng. Ông không có lối làm bộ làm tịch hù dọa mọi người, vênh vang tưởng rằng mình thuộc loại cao lương mỹ vị tới mức thiên hạ không ai hiểu. Với sự nghiệp của mình, ông có cái nhìn nhẹ nhõm hồn nhiên, nghĩa là mặc dù thường xuyên thao thao bất tuyệt thuyết lý song ông không ràng buộc ai hết, đến cả chính đời sống bản thân, Lê Văn Trương cũng không quá coi trọng, nói chi là những ý tưởng hão! Day tay mắm miệng để viết, song, theo hồi ức của những người đương thời, Lê Văn Trương vẫn ham chơi chẳng kém một ai. Sau mỗi lần viết lách được ít tiền ông hào hiệp thết đãi bạn bè đến đồng bạc cuối cùng. Ông lại cũng hay làm việc nghĩa, kể cả những việc nghĩa với các đồng nghiệp. Đọc mấy câu một ông lớn trong nghề đương thời như Lê Văn Trương giới thiệu một cây bút mới vào nghề như Nam Cao in ở đầu tập Đôi lứa xứng đôi (tức Chí Phèo) người ta không khỏi ngạc nhiên. Ông không ích kỷ. Nhiều kẻ ích kỷ chỉ bởi họ quá coi nặng ý nghĩa của những gì họ viết ra, lúc nào họ cũng chăm chút lo liệu chỉ sợ không đắc đạo để kịp trở thành thánh. Sự lương thiện nơi Lê Văn Trương trước tiên bộc lộ ở chỗ, cả đời ông không bao giờ tính chuyện thánh hóa. Với sự lương thiện ấy, ông thật đã vượt qua một thành kiến lớn ngầm chi phối nghề cầm bút đương thời. Và đây có lẽ là sự vượt thoát quan trọng nhất trong đời văn của ông, nó cũng là một lý do khiến Lê Văn Trương có thể tồn tại một cách đàng hoàng trong thời tiền chiến, mặc dù không bao giờ ông là một nhà văn lớn.
Hai đoạn văn ngắn của Lê Văn Trương
* Vai trò của những thử thách trong quá trình lập nghiệp của một con người
"Có nhiều thiếu niên thật có đủ thông minh và nghị lực để gây một sự nghiệp mà đến nỗi suốt đời chẳng có sự nghiệp gì, lại còn bị bả yên hoa cám dỗ đến thành ra người vô dụng và đắc tội với xã hội: ấy cũng chỉ vì họ gặp nhiều may mắn quá (...) Biết bao thiếu niên có tài trí mà đến nỗi mai một một đời, chỉ vì cả đời không bị nhịn đói một bữa nào, không bị rét cứng hàm một đêm nào, không bị người ta đem ném sự thực cay đắng vào mặt một lần nào!
Trái tim và khối óc là hai vật quý nhất trời ban cho loài người, để làm tăng giá trị của mình, cần phải được đem dùng một cách mãnh liệt, cần phải đem hun vào lò lửa nóng của thế sự thì nó mới chịu "nhả" ra hết chất vàng của nó.
(Trích từ tiểu thuyết Một người)
* Một định nghĩa về hạnh phúc
"Tôi có cảm tưởng như tôi đã hiểu hạnh phúc là gì. Nó không ở đâu cả, nó ở ngay trong hành động của ta. Chúng ta đi tìm hạnh phúc trong yêu đương, chúng ta đi tìm hạnh phúc trong hôn nhân, chúng ta đi tìm hạnh phúc trong sự thành tựu của những công việc chúng ta mưu toan, chúng ta đi tìm nó ở những kết quả.
Nếu chúng ta đi tìm như thế thì chúng ta không tìm thấy nó ở đâu cả. Cứ hành động đi với tất cả lửa thiêng và niềm tin, đó là hạnh phúc rồi. Hạnh phúc toát ra ở ngay việc làm, chứ không phải chờ ở kết quả..."
(Trích từ tiểu thuyết Người chồng hoàn toàn)
SỐ TRUY CẬP online