XUÂN QUỲNH 4

XV Người bạn đời

Sinh năm 1948, và đúng năm 1964 thì tốt nghiệp cấp ba ( lớp 10 hệ phổ thông chỉ có mười năm ), Lưu Quang Vũ thuộc loại trẻ trung nhất trong đám các nhà thơ được mệnh danh là thế hệ chống Mỹ.

Nhưng lớn lên trong một gia đình văn nghệ sĩ, Vũ có điều kiện để hiểu văn chương từ bên trong, hiểu một cách gan ruột sâu sắc. Và so với tuổi của mình, Vũ trưởng thành sớm. Chẳng những là các bài thơ đầu tiên của Vũ thời in trên báo gần như đồng thời với những Bằng Việt, Vũ Quần Phương trong thơ hoặc Đỗ Chu ,Nguyễn Khắc Phục mà trong câu chuyện hàng ngày, Vũ cũng tỏ ra hiểu biết không kém gì những người hơn mình năm bảy tuổi – thậm chí, nhiều chỗ bằng kinh nghiệm riêng của mình, nhận thức cách nhìn đời, cách đánh giá con người của Lưu Quang Vũ còn có những khía cạnh sắc sảo hơn. Không bao giờ, trong một đám bạn bè cùng ngồi với nhau, bọn tôi nghĩ Vũ có khía cạnh gì non nớt, ngược lại, cả bọn đều mừng là có một người bạn trẻ thông minh như vậy.
Thoạt nhìn, có thể thấy Vũ hơi bột. Khuôn mặt bầu bĩnh , má còn lông tơ, môi đỏ Không gì khác, đúng là hình ảnh của một chàng trai mới lớn.
Vũ lại cố ý tô đậm vẻ non tơ của mình bằng một dáng dấp rụt rè pha chút bẽn lẽn nữa. Trước đám đông, Vũ thường ít nói, có nói thì cúi đầu và liếm môi vẻ rất vụng dại.
Về sau, trong những khi nói chuyện riêng , chúng tôi mới biết rằng, thật ra, Vũ nhìn tất cả một cách thấu đáo. Kinh nghiệm sống trong gia đình dạy Vũ đầy đủ về thực chất của giới văn nghệ sĩ, đôi khi, Vũ có những lời lẽ khinh bạc mà bọn tôi phát sợ. Nhưng đó là câu chuyện về sau.

Vào khoảng mấy năm 65-66, Vũ đang giống những bài thơ của mình trong tập Hương cây, nghĩa là dịu dàng, tinh tế. Người ta thường nói Vũ thuộc dòng thơ kỷ niệm. Những câu thơ hay nhất của Vũ lúc ấy là để nói về trời xanh mây trắng, đất nước chân tình đáng yêu, và mỗi chúng ta chịu ơn đất nước này rất nhiều, chúng ta phải làm tất cả để gìn giữ sự trong lành của cuộc sống.

Mặc dù, đang ở trong quân ngũ, nhưng trong khoảng mấy năm ấy, Vũ thường cũng có mặt ở Hà Nội. Và khi người con trai đó để bộ quân phục ở nhà, đèo người yêu đi làm, rồi ngồi ở quán cà phê đợi người yêu trở về, thì trong cái dáng vẻ tự nhiên, từng trải của mình, Vũ hiện ra như một chàng trai Hà Nội tiêu biểu (bố Vũ, ông Lưu Quang Thuận, quê Đà Nẵng ra Hà Nội đã lâu, còn mẹ Vũ người Hà Nội gốc, nhà trên Ngõ Gạch)

Khoảng đầu 1970, đám cưới Vũ và người nữ diễn viên xinh đẹp Tố Uyên, tổ chức ngay ở căn phòng trên gác hai căn nhà 96 phố Huế. Mặc dù thời chiến, song gia đình đã lo cho đám cưới thật hào hoa lịch sự. Bạn bè văn nghệ đến khá đông. Người ta bấy giờ đi dự ngày vui không quá lo lắng về ăn mặc, về quà tặng như đám cưới những năm sau này. Bè bạn chỉ như say đi, trong một không khí hạnh phúc thực sự .
ở cùng trong căn nhà 96 phố Huế, Xuân Quỳnh có dịp được thấy trước mắt mình thế nào là cái nồng nàn của hạnh phúc tuổi trẻ, mà Quỳnh thường ao ước.
Song mấy năm liền đó, Quỳnh cũng lại thấy ngay trước mắt mình, cái gọi là cuộc đời thường tấn công cái gia đình nhỏ kia và lấy đi tất cả cái tươi đẹp mà Quỳnh đã chứng kiến.
Cưới nhau được ít lâu, gia đình Vũ –Uyên tan vỡ. Nghề thi sĩ của Vũ và nghề diễn viên của Uyên đều là nghề rất đẹp. Nhưng ở nước ta, đó là nghề chưa kiếm ra tiền. Mà những gia đình trẻ như gia đình Vũ, thì rất cần tiền. Lại nữa, cả hai con người rất nghệ sĩ đó không phải là người của đời thường. Chắt bóp nhặt nhạnh “chín xu đổi lấy một hào” để lo cho gia đình tươm tất, không phải là việc của họ. Rồi ít lâu sau, khi Vũ bị đưa ra khỏi bộ đội trở về trong cảnh gần như thất nghiệp, giữa lúc Tố Uyên sinh đứa con đầu tiên, thì bao nhiêu bấn bíu mới có dịp hiện cả về, để trói chặt đôi vợ chồng nghệ sĩ trong cuộc đời thường. Những ngày tháng gieo neo ấy, thật sự có thể coi là âm bản của cái cuộc sống hạnh phúc hôm qua – thực ra là chỉ cách có ba bốn năm gì đó.

Trong thời gian này, Quỳnh cũng đang sống trong cảnh gia đình rạn vỡ, và không cách nào hàn gắn trở lại. Quỳnh và chồng ở gác ba còn Vũ và Uyên cũng được thu xếp trong một phòng nhỏ gác hai, tất cả đi chung cùng một cầu thang.

Mặc dù tuổi tác cách nhau có phần xa (trước mặt mọi người, lúc đầu, Quỳnh vẫn được Vũ gọi bằng cô) song căn cứ vào những dang dở trong hạnh phúc riêng tư, thì so với các bạn bè khác, Quỳnh và Vũ là người có những kinh nghiệm không kém gì nhau.

Tài thơ của người này, luôn luôn là điều ngưỡng mộ của người kia. Nhiều người còn nhớ, trong bài thơ Nếu ngày mai em không làm thơ nữa của Quỳnh, có những câu gần như tuyệt bút

Và trời xanh - xin trả cho vô tận
Trời không xanh trong đáy mắt em xanh
Và trong em không thể còn anh
Nếu ngày mai em không làm thơ nữa

Tôi nhớ có lần Quỳnh kể rằng, khi nghe mấy câu thơ ấy, Vũ cứ run cả lên.
Về phần mình, Vũ cũng rất thi sĩ trong rất nhiều câu thơ xuất thần:

Không làm thơ anh xin làm lá cỏ
Chỉ xanh thôi cũng mát mắt em nhìn

Khi đã hiểu nhau đến tận phần tinh tế gan ruột là những câu thơ chắt lọc từ cả cuộc đời như thế này, thì thì cái hàng rào ngăn cách tuổi tác còn có nghĩa lý gì. Các thi sĩ thực thụ là những thi sĩ rất già trong sự hiểu đời và lại mãi mãi trẻ trung trong sự cảm nhận trực tiếp đời sống. Điều đó cả Vũ và Quỳnh đều hiểu hơn ai hết.
Bản thân tôi còn nhớ là trước những chuyện diễn ra hàng ngày trong đời sống của Vũ mấy năm ấy, Quỳnh luôn luôn tiếp nhận với cái độ căng vốn có của tình cảm mình. Khi thì phục, khi thì thấy lạ, thấy không sao chấp nhận được nhưng bao giờ cũng nôn nao cảm động và muốn lên tiếng.
Một lần nào đó Tính cách con người và người ta nhận xét về nhau khá chính xác
Còn đây, một lần khác, Quỳnh nói rất sôi nổi.
-- Vũ vừa mới viết 5.000 câu thơ về đất nước. Có nhiều câu cảm động nhưng có nhiều chỗ cũng bốc quá. Vũ đã nói nhiều chuyện mà Vũ không hiểu.

Vũ có nhiều quan niệm mà tôi thấy là sai , nhưng tôi không đủ lý lẽ để bẻ lại. Ví dụ như Vũ bảo làm thơ là luôn luôn thức tỉnh, làm cho người ta luôn luôn không thoả mãn thế thôi. Hôm nay làm cho người ta không thoả mãn với hôm nay. Nhưng khi cái hôm nay đã thoả mãn, thì người thi sĩ lại gây cho người ta bất mãn, lại thức tỉnh người ta, và mọi điều cứ thế tiệp tục không thôi.
Nhưng tôi kinh nhất ở Vũ một điều: Vũ không bao giờ cảm thấy ân hận, cảm thấy có lỗi trong chuyện gì cả. Còn ở tôi, cái cảm giác ấy lại là thường trrực.
Được chứng kiến một phần nào đó tình yêu của Quỳnh với một vài người bạn khác, dĩ nhiên là dần dần, tôi cũng thầm đoán là giữa Vũ và Quỳnh từ ngày ấy càng sớm có chuyện. Nghe Quỳnh nhận xét về Vũ, tôi càng củng cố cái ý nghĩ riêng: “Có những phương diện, chỉ hai con người ấy mới hiểu nhau, chịu được nhau, nhưng lại có những phương diện, hai con người ấy hoàn toàn xa lạ với nhau, khốn khổ thế chứ!”
Tuy nhiên, dù đã đoán trước tất cả, mọi sự việc xảy ra sau đó, đối với một người nhút nhát và không quen va chạm như tôi ,đấy vẫn là một cú sốc quá mạnh.
Nguyên hồi đó, Quỳnh đang bị một người bạn trai ruồng rẫy. Hai bên, theo Quỳnh hiểu, sẽ cùng từ bỏ gia đình, một bên bỏ vợ, bên kia bỏ chồng, để về đoàn tụ với nhau. Hoá ra, Quỳnh nhầm! Người đàn ông mà Quỳnh hết lòng yêu và đã vì người đó mà viết nên những bài thơ tình hay nhất trong Gió lào cát trắng không nghĩ giống Quỳnh. Vốn chi ly kỹ lưỡng trong toan tính việc đời, lần này anh càng tỏ ra thận trọng hơn bao giờ hết. Trong khi đi lại với Quỳnh thì anh vẫn để hết tâm trí lo việc gia đình, như phong cách thường có ở một người đàn ông mẫu mực. Đến khi cần phải quyết định thì anh trở về với con người của gia đình .. Đây không phải chỉ là quan niệm riêng của Người bạn trai kia của Quỳnh mà còn là quan niệm phổ biến thời nay . Người ta coi tình yêu là một thứ hoa lá “ vợ con là cơm nhà còn bồ bịch là phở “. Sáng ra ăn phở cũng vui song trưa chiều phải xcó cơm mới chắc dạ . Không ai lấy phở thay cơm thì cũng không ai vì người mà mình yêu mến nỡ lòng phá tan gia đình sẵn có , nhất là khi người ta đã sang cái tuôi ba mươi chín chắn hơn nẳn so với thuở mười lăm mười bảy .

Trong khi đó thì XQ nghĩ khác . Cũng như đa số người đời ,Quỳnh cho là mình bị phụ bạc . Bất cứ ai ở vào địa vị người bị phụ bạc như thế, cũng rất đau đớn, nữa là lại một người nhạy cảm tinh tế, coi tình yêu là lẽ sống của cuộc đời, và kiêu căng cao ngạo, tự tin ở sức cảm hoá của mình như Quỳnh. Trong khi người bạn trai kia nhẹ nhàng từ tốn giải thích với mọi người ( là Quỳnh hiểu nhầm, rằng mình chả hứa hẹn gì cả rằng người ta không thể phá tung hai gia đình yên ấm, để bắt tay xây dựng một gia đình mới từ đầu, và không chắc đã đi đến đâu ) – thì Quỳnh dãy dụa như đỉa phải vôi thảng thốt bồn chồn, cay đắng, giận đời giận mình. Lúc ấy Quỳnh đã ly dị, nghĩa là đã cắt cầu. Quỳnh vốn không quen ăn dè hà tiện .Không nửa vời . Không giành cho mình một chỗ phòng xa để quay trở lại như một số người khôn ngoan khác. Do cái tính thích công khai và sòng phẳng Quỳnh hiểu ra như một con bạc khát nước và đã đến hồi cháy túi.

Những ngày chỉ sống một mình tuy ngắn ngủi nhưng thật không sao quên nổi : với bất cứ ai nó cũng là chuyện nặng nề thì với Quỳnh phải nói là chuyện khủng khiếp . Có những người phụ nữ dám sống một mình Quỳnh như không còn là mình tới mức

Trong điều kiện ấy, Quỳnh đã tìm thấy ở Vũ một chỗ nương tự cuối cùng. Trong cơn lêu têu lang bạt của mình, Vũ cũng ngấm ngầm khuyến khích, rồi dang tay ra đón nhận tình yêu của Quỳnh.

Lúc đó là khoảng đầu 1973 - đời sống tình cảm của thanh niên Hà Nội còn nhiều gò bó, dư luận so với ngày nay, phải gọi là khá nghiệt ngã. Ngay trong giới văn nghệ sĩ, câu chuyện Quỳnh Vũ cũng là một cái gì ngoài khuôn khổ. Tôi nhớ lúc ấy, gia đình Lưu Quang Vũ cực lực phản đối. Nhìn thấy ở con trai mình những khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời và tất cả sẽ được làm lại, bà Khánh mẹ Vũ không sao có thể chấp nhận chuyện kỳ cục này. Mà Đông Mai, người thân duy nhất của Quỳnh bấy lâu, người theo dõi từng buớc đi của Quỳnh và vui buồn với mọi vui buồn của Quỳnh, cũng cho hoạ có điên rồ, chứ không thể làm vậy.” Cuối cùng do Quynh Vũ tha thiết làm theo ý riêng, đám cưới vẫn được tổ chức, nhưng nhạt nhẽo, lèo tèo có vài người dự (bản thân tôi cũng không dám dự, và vì việc này, nhiều năm sau Quỳnh còn cho tôi là hèn)

Lẻ tẻ, còn có người đoán rằng rồi ra ba bẩy hai mươi mốt ngày, đôi trai gái gai sắc, nhưng lệch tuổi và người nào cũng có một quá khứ quá ư phiền phức này, sẽ bỏ nhau sớm.

Về phía Vũ, tôi không thật rõ, nhưng về phía Quỳnh chính đấy lại là một thứ thách thức, tiếp thêm cho Quỳnh tinh thần và nghị lực. Là người suốt đời săn đuổi hạnh phúc, nay Quỳnh muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng các kết quả đến với mình hôm nay cũng rực rỡ và tốt đẹp, như một mong ước. Với bản tính tốt đẹp sẵn có, Quỳnh sung sướng biểu lộ hết năng lực làm vợ mà từ lâu Quỳnh xếp xó không dùng tới. ít ra, thì từ nay, Vũ được săn sóc kỹ lưỡng hơn bao giờ hết. Đi đâu lâu có người mong ngóng. Buổi tối muốn thức khuya thêm một chút, có người nấu cho bát mì nóng để ăn. Hồi ấy, cái gia đình nhỏ ấy còn rất nghèo, và những sự chăm chút như thế gần như là cách tốt nhất để người ta biểu lộ tình cảm với nhau.

Biết rằng mọi người nhìn mình xa lạ, ngờ vực, Quỳnh tiếp tục thách thức mọi người chiều chiều, có việc đi đâu Quỳnh khoác vai Vũ đi bộ trên vỉa hè. Và lòng Quỳnh trở nên sung sướng thanh thản hơn, nên biết rằng đâu đó, có ai đang nhìn mình, với cặp mắt căm ghét.

Viết về G. Sand , A Maurois từng viết một câu, chí lý: Thắng lợi thực sự đến với người đàn ông khi người đàn bà công nhận anh ta là số phận của mình.

XVI Lì lợm bám trụ

Trong những năm mới về ở với nhau, thật ra, Quỳnh với Vũ sống khá chật vật.
Đã lập qia đình và được bố mẹ cho ở riêng với Tố Uyên từ mấy năm trước, song Lưu Quang Vũ không phải là người đàn ông biết chỉn chu lo liệu: đại khái đến bữa vợ bảo đi ăn cơm thì ăn, chứ không rõ gạo nước ở nhà thế nào lại càng không mấy khi bàn chuyện lo toan sắm sửa với vợ. Đến khi chia tay Uyên, thì gửi con cho bố mẹ nuôi, còn bản thân, lúc ăn với bố mẹ, lúc ăn ở nhà các bạn.

Dù thế nào đi chăng nữa, thì khi chia tay với Lưu Tuấn, Quỳnh cũng cảm thấy lương tâm cắn rứt, y như mình có lỗi. Và cách chuộc lại lỗi, như những người đứng đắn tự trọng thường cư xử trong trường hợp này, là ra đi tay không. Quỳnh đã làm thế, có thể bảo Quỳnh đã để lại tất cả cho Tuấn. (Vả chăng có đứa con trai mà Quỳnh thương mến cũng đã để lại rồi, Quỳnh con có gì thiết tha để mang theo nữa).

Đôi bạn về sống với nhau, trong chừng mực nào đó, có thể bảo là với đôi bàn tay trắng. Một điều khốn khổ kéo dài nữa là, do những phiền phức gây ra cho mình và cho chung quanh năm ấy, Vũ gần như bật khỏi quỹ đạo của cuộc sống. Đến khi gia tài tối thiểu của mỗi người Hà Nội bình thường, là tem phiếu, một thời gian dài Vũ cũng không có. Trước khi lấy Quỳnh, Vũ sống gần như lang chạ, chán ở với bạn này thì đến bạn khác, rồi kéo nhau xuống tận Hải Phòng chơi rồi rủ nhau đi làm thuê một đám nào đó, kết quả chả việc gì thành.

Vốn từ bé có học qua nghề vẽ, có lúc Vũ nhận về vẽ mấy tấm pa-nô khẩu hiệu để lấy tiền, nhưng được ít hôm lại chán, lại chơi.

(Trước khi lấy Quỳnh, có thời gian gia đình xin cho Vũ chữa mo-rát ở nhà xuất bản Giải Phóng, nhưng về sau, mấy biên tập viên ở đấy còn nhớ rằng, đâu Vũ có chịu làm, toàn chị em mến tài Vũ yêu thơ Vũ lại chia nhau làm giúp , rồi lại bỏ cuộc sớm )

Bao nhiêu gánh nặng gia đình cố nhiên, lúc này dồn cả lên vai Quỳnh. Không tán thành Vũ lấy Quỳnh, bố mẹ Vũ chỉ giúp đỡ cái gia đình bé bé con con kia một cách dè dặt (vả chăng, bố mẹ Vũ cũng đông con, sự lo toan của các cụ cho các em Vũ lúc này cũng đã đủ là một gánh nặng). Còn chị Đông Mai, người thường cưu mang Quỳnh trong những cơn hoạn nạn lúc này cũng cắn răng mà làm ngơ, rất thương em đấy nhưng bởi em đã không nghe lời mình thì còn thương sao được. Quỳnh đành đơn độc, bươn trải, lúc bực bội “mình làm mình chịu, không cần ai thương hết”, lúc tỉnh táo hơn thì nghĩ “Nước chảy đá mòn, rồi tất cả sẽ thay đổi, mọi người sẽ phải nghĩ lại về mình, mọi người cuối cùng sẽ thấy mình đúng”.

Cuộc sống của Quỳnh trở nên tất bật hơn bao giờ hết. Nhất là lúc này cháu Minh Vũ, (con của Vũ và Tố Uyên), cũng đến ở cùng với Vũ-Quỳnh, rồi Tuấn Anh tuy ở với bố trên gác tư, cũng chạy đi chạy về thường xuyên! Phải lo cho từng ấy miệng ăn đã đủ vất vả, lại còn lo cho chúng đi học đi chơi. Vì vậy, trong mắt những người quen, hình ảnh Quỳnh lúc này, có lúc đi gần tới sự thê thảm. Có khi tối phải đi vay gạo, để mặc cả nhà có bữa trưa. Thường xuyên tiêu trrước lương, tiêu tiền tạm ứng của anh em trong cơ quan. Lấy chỗ này đắp vào chỗ kia, xoay xoả đủ bề mà vẫn không sao kín nhẽ. ấy là không kể tính Quỳnh vốn hay quên, thỉnh thoảng lại đánh mất mấy cái tem đậu, hoặc đánh rơi tiền. Không biết là mất không sao, lúc phát hiện ra mình đánh mất, Quỳnh thường đau đớn đến phát khóc.

Cuộc sống trơ tráo để tồn tại

Tất cả chúng tôi đều sống như thế

Chẳng qua chúng tôi chưa hư chỉ vì chưa khổ

Đạo đức vẫn là tất cả


XVI I Lập nghiệp cho chồng

Nhưng đau đớn hơn cả, vẫn là mãi chưa tìm được cho Vũ, chưa đưa được Vũ trở lại với quỹ đạo của sự sáng tác văn học.

Cho đến lúc lấy Quỳnh, Vũ vẫn chịu một cái án không chính thức (song tất cả báo chí đều biết, và thực hiện nghiêm chỉnh) đó là không được xuất hiện. Nhưng lúc vui đùa với một người bạn là Nguyễn Lâm, Vũ có thể làm những bài thơ vô thưởng vô phạt và ký là Vũ Hàng Lâm, Vũ Khao Lâm để gửi đi đăng báo nọ báo kia, người ta không biết nên vẫn vứ đăng. Nhưng nếu nhận ra giọng Vũ, biết đích xác là của Vũ, là người ta thôi ngay. Đến như sáng tác ký tên chính thức Lưu Quang Vũ thì lại càng tuyệt đối bị cấm cửa.

Sẵn nguồn tài nguyên vô tận, là tài thơ của Vũ, mà lại trong cảnh túng bấn. Quỳnh tức lắm. Chẳng lẽ chịu chết khát bên dòng nước? Ban đầu dùng lối xé tên đổi nhãn: Tức là vẫn thơ Vũ đấy, nhưng ký là Xuân Quỳnh rồi cho in báo. Về mặt kinh tế, lối vượt rào này cũng có tác dụng ít nhiều. Song, được một thời gian hý hửng, rồi cả hai vợ chồng cũng chán. Phần thì đã ký tên Quỳnh, ắt phải na ná cái giọng của Quỳnh, (điều đó Vũ làm được nhưng chả thích thú gì!) Nhưng cái chính là phong cách của Vũ, giọng điệu của Vũ, sự nghiệp của Vũ, làm sao mà Quỳnh chịu để mãi tên tuổi người mình yêu quý chìm trong bóng tối. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách, hồi ấy cùng công tác ở tổ thơ báo Văn Nghệ với Xuân Quỳnh vẫn nhớ như in : vào khoảng đầu 1975, thì cái chuyện xuất hiện của Vũ và Quỳnh đã trở thành nước sôi lửa bỏng lắm rồi. Tự tay Quỳnh đưa mấy bài thơ Lưu Quang Vũ cho Hách, buộc Hách phải đẩy lên cấp trên để nắn gân các cấp có thẩm quyền ở báo. Dĩ nhiên là không được. Nhưng một lần không được thì hai, hai lần không được thì ba, Quỳnh cứ nhẫn nại để làm. Đúng lúc ấy, đời sống đất nước có những biến chuyển lớn lao. Huế, Đà Nẵng lần lượt được giải phóng. Quê Vũ ở Đà Nẵng, Vũ có thể về Đà Nẵng giải phóng, thì còn gì bằng. Sau bao lần ngập ngừng, lần ấy thư ký toà soạn báo Văn Nghệ năm ấy là Vũ Tú Nam ký cho in một bài thơ của Vũ. Thế là đột phá khẩu đã mở, các báo dùng bài thời sự, sẵn sàng đăng thơ Lưu Quang Vũ bởi đã có một lá bài chắc chắn: chính bào Văn Nghệ của Hội Nhà văn phá rào, chứ nào phải những tờ không chuyên về văn nghệ. Kịp đến khi giải phóng Sài Gòn, Vũ thường xuyên ở Hà Nội gửi thơ vào những tờ báo mới phát hành trong ấy. Phụ trách các báo phần nhiều là những nhà báo từ R. trở về, biết Vũ là một tài năng trẻ mới phát hiện trong những năm chiến tranh, chứ biết đâu cái vòng kim cô trên đầu Vũ. Theo Hách còn nhớ, khoảng giữa năm 1975, báo Sài Gòn giải phóng có tuần ngày nào cũng đăng thơ Vũ. Thơ có thể chưa hay, nhưng cái án cũ, coi như được cởi.

Tiến tới một bước nữa, là chuyện xin cho vũ làm việc ở một cơ quan nhà nước. Bấy giờ Xuân Trình, một biên tập viên văn xuôi cũ của báo Văn Nghệ đã chuyển sang Hội Sân khấu, và đang lo dựng rạp cho tờ Sân khấu, tạp chí hàng tháng của Hội. Biết chỗ Sân Khấu cần người, Xuân Quỳnh tha thiết đến nhờ Xuân Trình, cũng như trước đó gia đình bố mẹ Vũ đã đến nói với nhà thơ Lưu Trọng Lư, để mỗi người một tay một chân giúp Vũ. Cũng may lúc ấy, ấn tượng về sự hư hỏng của Vũ đã phai nhạt, một số đồng chí trên Ban văn hoá văn nghệ hiểu rằng ngựa hay có tật, muốn giúp đỡ Vũ phải có thời gian lâu dài, nên mặc dù biết rất rõ quá khứ của Vũ, cũng đồng ý để Hội Sân khấu chạy mọi thủ tục đưa Lưu Quang Vũ về làm việc ở tạp chí Sân khấu. Ơ trên chúng tôi đã nói lúc Quỳnh được chuyển vào biên chế ở báo văn nghệ là do một dịp may : bắt đầu thời chiến công tác văn nghệ được thêm người . Nay Vũ cũng có cái may tương tự ;trước kia cả hà Nội chỉ có một tờ báo chung cho cả giới văn nghệ nghĩa là tuốt tuồn tuột sân khấu điện ảnh hội hoạ . Nay mỗi hội nghệ thuất\j đó được phép ra một tờ báo riêng . Dưới hình thức tạp chí ra hàng tháng tờ Sân khấu của Hội nghệ sĩ sân khấu là một trong những tờ ra đời sớm nhất .Sân khấu do một nhà văn đồng thời là nhà viết kịch Xuân Trình làm thư ký toà soạn Anh là chiến hữu cũ của Xuân Quỳnh ở báo Văn Nghệ .

Người vui sướng nhất trong chuyện này, hình như không phải là Vũ mà chính là Xuân Quỳnh.

Buổi đầu, công việc giúp chồng lập nghiệp của Quỳnh như thế đúng được gọi là thông dòng bén giọt.

Giở lại những số Sân khấu đầu tiên, người ta thấy ở mục danh tính của tạp chí bên cạnh tên tuổi Tổng biên tập và thư ký toà soạn, có ghi rõ tên tuổi người trình bày báo: Lưu Nguyễn. Lưu đây là Lưu Quang Vũ, còn Nguyễn đây là Nguyễn ánh. Một nhà viết kịch ở Quân chủng phòng không Không quân cũ từng quen biết Vũ và nay về cùng làm việc với Vũ. Bên cạnh việc trình bày, Vũ thường xuyên xuất hiện tren tạp chí ở mục Phê bình. Đi theo các hội diễn, Vũ có bài đánh giá nhận xét từng vở một. Cũng rất xuất sắc là những bài chân dung văn học. Vũ đã viết về những diễn viên kịch quan trọng nhất lúc ấy như Mạnh L:inh, Hà Văn Trọng và nhiều người khác ( về sau những bài này được tập hợp lại ,cùng với những bài viết của tôi về các diễn viên kịch nói quân đội để làm nên tập sách Diễn viên và sân khấu NXB Văn hoá 1980).

Qua năm 1980, có một sự kiện xảy ra, coi như một bước ngoặt trong đời Vũ. Nhân dịp mới khai trương nhà hát Tuổi trẻ của Bộ Văn hoá, cần một vở kịch về Lý Tự Trọng. Nhưng kịch bản mọi người có trong tay – của một nhà cách mạng lão thành, bạn của Lý Tự Trọng – lại còn quá nhiều chỗ yếu. Vốn quen biết Vũ qua công việc ở tạp chí Sân khấu, đạo diễn Phạm Thị Thành mạnh dạn đặt Vũ làm lại kịch bản, sao cho nhà hát có thể sử dụng được. Điều oái oăm của công việc này là ở chỗ, phải làm được, giữ được ý chính của tác giả, mà lại có một kịch bản tiện dụng và nhất là phải làm thật nhanh kịp với yêu cầu thời gian vốn đã rất gấp. Đến đây, người ta mới thấy Phạm Thị Thành có con mắt tinh đời. Đúng hẹn, Lưu Quang Vũ trao cho nhà hát một kịch bản đúng như đạo diễn mong ước.

Từ đó, là những bước đi dài rộng của Lưu Quang Vũ trên sân khấu mà mọi người đã biết.

Ngay từ khi Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ chịu nạn trên đường 5, trong các bài viết của mình, gia đình Lưu Quang Vũ đã luôn luôn đặt Vũ bên cạnh Quỳnh, Quỳnh bên cạnh Vũ. Bà Khánh, mẹ Vũ hiểu rằng mình đã có một người dâu thảo; người vợ cuối cùng của con trai mình đã là người trông nom gia đình, lo liệu mọi chuyện nhờ thế Vũ mới có thể yên tâm sáng tác. Nhưng trong sự nghiệp sân khấu của Vũ, vai trò của Quỳnh không chỉ hạn chế ở chỗ ấy. Có lẽ trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại, không có người vợ nào đóng vui trò to lớn với người chồng như Quỳnh đối với Vũ.

Tuổi trẻ nồng nhiệt, vốn là tuổi trẻ dễ buông trôi: trước và sau khi gặp Quỳnh, không khỏi có lúc Vũ cảm thấy đời mình không được ai hiểu, và tài năng của mình cứ chôn vùi mãi trong bóng tối. Không ai khác, chính Quỳnh là người thổi ngọn lửa nồng nhiệt trở lại trong lòng Vũ, nhen nhúm ở Vũ cái ao ứoc có ngày viết nên những tác phẩm khiến cho cả vạn cả triệu người khâm phục. Sau khi giúp Vũ tự phát hiện trở lại trong hoạt động sân khấu, Xuân Quỳnh lui là người đồng hành với Vũ trên mọi chặng đường sáng tạo. Là người gợi ra ý đồ, để Vũ thực hiện. Là người đối thoại, để trong quá trình sáng tạo, Vũ nghiền ngẫm suy nghĩ tìm ra phương án tối ưu cho tác phẩm của mình. Là người trợ lý, giúp cho Vũ hoàn toàn vẫn vui lặt vặt mà Vũ không có thì giờ làm, hoặc làm dang dở. Những người cùng cơ quan với Xuân Quỳnh những năm 1985-88, hẳn còn nhớ, nhiều bữa, đến cơ quan, cái phân xưởng mà Xuân Quỳnh phụ trách trong guồng máy sáng tạo của Lưu Quang Vũ mới mở tốc lực hoạt động. Khi là kịch bản mới nháp, cần thêm một số đoạn đối thoại. Khi là kịch bản đầy đủ, mới đánh máy, cần soát lại và thêm bớt lần cuối cùng, khi là một bài thơ, cần đưa vào miệng một nhân vật trong kịch. Như bài Hoa cúc xanh in trong Hoa cỏ may

Hoa cúc xanh có hay là không có
Trong đầm lầy tuổi nhỏ của anh xưa
Một dòng sông lặng chảy về xa
Thung lũng vắng sương bay đầy cửa sổ
Hoa cúc xanh có hay là không có
Một ngôi trường bé nhỏ cuối ngàn xa
Mơ uớc của người hay mơ ước của hoa
Mà tươi mát mà dịu dàng đến thế.
...
Hoa cúc xanh có hay là không có
Tháng năm nào ấp ủ tuổi ngây thơ
Có hay không thung lũng của ngày xưa
Anh đã ở và em thường tới đó
Châu chấu xanh chuồn chồn kim thắm đỏ
Những ngả đường phơ phất gió heo may
Cả một vùng vương quốc tuổi thơ ngây
Bao mơ uớc mượt mà như lá cỏ
Anh đã nghĩ chắc là hoa đã có
Mọc xanh đầy thung lũng của ta xưa

Khác với văn chương, ra đời trong các căn phòng đóng kín, một mình người viết đối diện với trang giấy, tác giả sân khấu huy động một đám dông nhân lực lại hình thành ngay trước mắt mọi người. Trong quá trình làm, không khỏi có ý kiến tranh cãi để thêm bớt chỗ này, sửa chữa chỗ kia. Tác giả và đạo diễn vừa phải lắng nghe các cộng tác viên, vừa phải bảo vệ cho bằng được ý đồ của mình. Trong việc này, Vũ thường được tiếng là tinh tế, nhạy cảm, biết tiếp nhận đóng góp của người khác, nhưng do đó cũng hay cả nể, buông xuôi. Ngược lại, chính Xuân Quỳnh lại thường tỏ ra kiên trì hơn với các ý định có từ trước đó. Mặc dù danh chính ngôn thuận không là gì cả, nhưng trong nhiều trường hợp, Quỳnh biết thuyết phục những người cộng tác với Vũ một cách khéo léo. Và cũng đã có trường hợp Quỳnh “sắn váy quay cồng lên” đấu tranh với những cách hiểu sai lầm về các vở kịch của Vũ. Hạnh phúc của Quỳnh, như Quỳnh xác định, chính là trong sự nghiệp của Vũ.

XVIII . Tự hát

Cái tôi của chúng tôi : Phong phú và nhạt nhẽo

Vậy mà cũng có người phản đối
Sự bằng lòng không khỏi có chút thảm hại
Sự nghèo nàn

XI X Bất hạnh

Thói quen quên mình vì người yêu, tất cả cho người yêu, vốn không phải là đặc quyền của riêng ai mà hầu như đặc trưng cho mọi người phụ nữ. Một diễn viên từng đã là người rất đẹp và có những mối tình thơ mộng – khi tuổi đã bắt đầu đứng bóng, đã nói hộ nhiều người phụ nữ khác khi thú nhận:

“Trước đây, tôi đã cho quá nhiều trong các mối quan hệ, chưa bao giờ tôi nhận thức ra được rằng tôi đã phung phí bản thân mình đến mức nào, cho đến khi tôi thấy mình hoàn toàn suy sụp và trống rỗng. Mà phụ nữ - bất kể người đàn ông của họ là tốt hay xấu, vẫn có cái bản năng tự nhiên là chăm sóc người khác. Trước kia tôi thường đắm đuối vào người mình yêu và quên đi cả bản thân mình.”

ở phương Tây còn thế, huống chi là ở phương Đông. Truyền thống văn hoá Việt Nam còn ghi lại bao mối tình ở đó, người phụ nữ hết lòng hơn, tận tuỵ hơn, chịu hy sinh hơn, do đó, xét cho cùng, là đứng cao hơn đàn ông. Suý Vân chung tình hơn Trần Phương, Thuý Kiêu tâm hồn phong phú hơn, sâu sắc hơn Kim Trọng, và Tố Tâm thì thật đã sống tất cả cho tình yêu, đã mang cái chết để “báo đền ba sinh” trong khi Đạm Thuỷ yên lành trở về với cuộc đời thường.

Trong quan hệ với những người mình yêu, Xuân Quỳnh cũng đi theo “vết mòn” của những người đi trước nghĩa là cũng yêu một cách chân thành, một cách tự nguyện và hơn nữa, một cách bươn bải, xăm xăm băng lối vườn khuya một mình, như lần đầu biết yêu, và trên thế giới này, tình yêu là chuyện chỉ riêng mình có. Tôi không có may mắn được biết thời con gái của Xuân Quỳnh. Nhưng chỉ bằng vào những quan sát có được khi Quỳnh bước vào những mối tình nghệ sĩ, đã tự thấy, không bao giờ kinh ngạc trước cái hôi hổi của người bạn gái ấy. Quỳnh luôn luôn phải yêu một ai đấy phải có một người đàn ông để mà kính phục và dựa cậy, theo đuổi và chăm sóc. Còn nhớ, khi thấy Xuân Quỳnh.

Sau thất bại này lại vội vã hối hả bắt tay vào một cuộc truy đuổi khác, một người phụ nữ thuộc loại đúng mực, chị Vượng vợ B., vốn rất quý Xuân Quỳnh, cũng phải đặt câu hỏi: “Thế không sống một mình được lấy một năm hay sao?” Còn đây là những lời bỗ bã của Dương Thu Hương “Càng thấy Quỳnh đẹp, Quỳnh có tài, tôi lại càng không thể chịu được thói quỵ luỵ đàn ông của nó. Chết thì thôi, chứ việc gì phải chạy lui chạy tới, săn săn đón đón những thằng khốn nạn ấy.” Mặc! Quỳnh sẽ không phải là Xuân Quỳnh.

Nếu không tỏ ra là mình tồn tại. Mà cách tồn tại duy nhất của những người đàn bà, theo Quỳnh là trọng tình yêu.

Khi chính thức trở thành vợ Vũ, lẽ dĩ nhiên, những cơn lũ tình cảm trong lòng Quỳnh, những say sưa, sôi nổi tìm được lý do để bộc lộ đầy đủ nhất. Và trong Quỳnh luôn luôn chỉ còn một băn khoăn là thực ra lòng mình với Vũ còn nồng nàn đắm đuối hơn cái bề ngoài mọi người vẫn thấy.

Nhất là vào những năm từ 1980 trở đi, khi đã phát động được cỗ máy bấy lâu năm ỳ là sức sáng tạo của Vũ thì Quỳnh càng thấy rằng mình có chăm sóc trông nom Vũ bao nhiêu cũng là không đủ.

Một người em dâu của Quỳnh, cô Thịnh kể với tôi về thái độ của Quỳnh trong quan hệ với chồng:

- Em ở tầng hai, ngay dưới buồng Quỳnh, hồi anh Vũ lo làm vở tối tối không bao giờ em quên được những bước chân Quỳnh đi lại bồn chồn trong phòng để chờ Vũ từ nhà hát trở về. Hai chị em đang ngồi mà vừa nghe thấy hình như Vũ đã tới dưới chân cầu thang là Quỳnh đã không thể ghìm được “Em đây, em đây”, rồi chạy vội ra đón chồng.

Còn những hôm anh Vũ không đi đâu, mà ở nhà sửa vở, thì lại thấy Xuân Quỳnh luôn luôn túc trực ngay bên cạnh, xem Vũ cần cái gì thì giúp ngay cái đó. Không viết, nhưng Quỳnh cũng căng thẳng như chính mình đang viết vậy. Vào những ngày ấy, không việc gì Quỳnh cũng thức suốt cùng Vũ. “mình ngủ trước thì cũng được, nhưng khi cậu ấy cần, ai là người pha cà phê cho cậu ấy uống, nấu mì cho cậu ấy ăn” Quỳnh cắt nghĩa.

Dưới mắt Quỳnh, người chồng đầy tài năng của Quỳnh như một đứa trẻ bé bỏng - đôi khi có cả hư đốn nghịch ngợm nữa – và Quỳnh không thể rời mắt.

Đối với bất cứ ai, thứ tình yêu sát gần và mãi mãi không đủ kiểu này đã là một cái gì nặng nề – người ta có thể khao khát, kính phục, nhưng không thể sống mãi trong đó. Riêng đối với một tài năng lớn, và một người quen tự do như Vũ, nó lại càng trở nên một gánh nặng. Trong một vở kịch, Vũ đã gửi vào miệng một nhân vật cái điều Vũ vẫn thường nghĩ:

- Em đòi hỏi quá cao. Sống với em thật khó. Lúc nào cũng như phải đi ngoài nắng không một bóng dâm, ai mà chịu được.

Vốn biết rõ con người phiêu bạt của Vũ, lại hiểu cái khu vực mà Vũ làm việc là sân khấu, là son phấn, là ánh đèn diễm lệ, một người từng trải như nhà văn Nguyễn Khải có lần đã nói với cô Thịnh em dâu của Quỳnh :

- Về bảo Quỳnh nó lỏng dây cương thôi, thì mới giữ được chồng. Lạt mềm buộc chặt. Chứ cứ lúc nào cũng lồng lên thế, không để cho người khác một kẽ hở, thì lại có ngày mất hết. Già néo đứt dây lại khổ.

Nhưng Quỳnh sẽ không còn là mình nếu chấp nhận những lời khuyên kiểu ấy.

Sống bằng tình yêu, Quỳnh như tan như chết trong tình yêu, chứ có đâu lại cam chịu thất bại!

Với bản tính hiếu thắng sẵn có Quỳnh “giương vây bổ lưới” tìm cách bảo vệ bằng được hạnh phúc. Trong những câu nửa đùa nửa thật Quỳnh nói về đàn ông:

“Tội gì cũng tha, trừ tôi phản bội vợ”.

Và khi biết rằng mình bị ra rìa, bị qua mặt, Quỳnh cũng dằn dỗi như mọi người đàn bà khác, cũng đập vỡ cả những rổ bát đĩa, hoặc băm vằm tấm vải đẹp ra làm trăm ngàn mảnh cho hả giận. Cố kết đến cùng, gạn đến cùng, còn nước còn tát đó là một đức tính vốn có của Quỳnh. Giữ được tình yêu với Quỳnh là một lẽ sống. Trong cuộc đấu tranh tuyệt vọng với số phận. Quỳnh sẵn sàng chấp nhận được ăn cả, ngã về không, chứ không chịu được tình trạng thoả hiệp nửa vời. Cố làm mọi thứ cho xứng đáng vai một người vợ hiền. Ngoài cái gia đình nhỏ của riêng mình, do vẫn sống bên cạnh đại gia đình của nhà chồng, Quỳnh để tâm lo liệu và làm vừa lòng cả bố chồng, mẹ chồng, các em các cháu, trong nhà. Có dịp cùng với đại gia đình của Vũ đi nghỉ mát thấy Quỳnh thật sự quên mọi nhu cầu của mình để lo cho mọi người, có bạn đã nói đùa Quỳnh là một thứ quản gia trông rất đảm đang nhưng hơi tội nghiệp.

Có một điều lạ, là nếu trước kia, trong quan hệ với Tuấn, chán ra sao, mệt mỏi ra sao, Quỳnh luôn luôn kể với bè bạn thì trong quan hệ với Vũ bọn chúng tôi hoàn toàn không còn là chỗ để Quỳnh tâm sự. Nghĩa là cạy răng Quỳnh cũng không nói. Bất chấp những lời đồn đại, rò rỉ ra ngoài, Quỳnh một mực bảo với bọn tôi rằng không có chuyện gì đáng phàn nàn. Trong bài Đêm cuối năm in trong tập Lời ru trên mặt đất Quỳnh từng reo lên với niệm hạnh phúc :

Thế là ba cái tết
Hai chúng mình có nhau
Dù chưa phải là lâu
Nhưng cũng không
.....
Qua bao ngày lửa đạn
Đất về với mùa xuân
Như em về với anh
Qua những ngày sóng gió

Đến những bài như in trong Tự hát, cảm giác ấy lại được trình bày rõ ràng hơn, mạnh lạc hơn. Những mấy năm đầu, nói thế còn có lý, và còn nghe đựoc. Qua mấy năm từ 1984 1985 trở đi, lẽ nào mọi chuyện suôn sẻ như cũ. Song hình như Quỳnh đã có lời nguyên, là không chia xẻ vui buồn với bất cú ai. Nguợc trở lại Quỳnh luôn luôn chứng tỏ rằng mình hạnh phúc, mình được chồng thương yêu thế này, Vũ tuy bận bịu thế mà vẫn chu đáo với Quỳnh thế kia v.v.

Trên đời này, ai mà chẳng sợ già, nhất là những người như Xuân Diệu, Xuân Quỳnh? Tác giả Thơ thơ ngay từ những năm 70, đã làm công việc nhuộm tóc (hồi đó, thuốc nhuộm đâu có sẵn, phải có người quen hay đi nước ngoài mới mua nổi). Còn Xuân Quỳnh, thôi thì cũng phải làm mọi cách để chứng tỏ mình còn trẻ chứ! Thật là một điều oái oăm khi thấy con ngưòi tinh tế như thế, nhạy cảm như thế, đã qua tuổi 40, mà còn làm dáng như bọn trẻ 18-20. Nhưng nhìn những cái lố lăng của Quỳnh những người quen chỉ thấy tội nghiệp

Một người bạn cũ của chúng tôi mới đây kể lại: Khoảng 1987, anh có dự một hội nghị ở đó, Quỳnh là loại được mời lên đọc tham luận đầu tiên. Nói vo Quỳnh vốn đã giỏi, song lần ấy, diễn giải còn viết ra giấy cẩn thận. Song không hiểu sao Quỳnh cứ lấn bấn, đọc không xuôi gì cả. Mãi sau bạn bè mới phát hiện ra: Quỳnh mắt kém rồi, mà lại sợ mang tiếng là già không dám đeo kính, nên mới lúng túng, chính chữ mình cũng không đọc nổi.

Nhưng làm ra trẻ đã khó, làm ra vẻ hạnh phúc lại còn khó hơn một bực. Người trong cuộc càng cố gắng, thì người ngoài càng thấy ái ngại, để rồi đằng sau xì xào, đàm tiếu. Tôi nhớ có lần mọi người đang vui thì Quỳnh như chợt nhớ ra một việc gì đó, xin về. Bùi Bình Thi nói theo:

- Thôi cho mẹ ấy về để mẹ ấy còn đóng vai người đàn bà hạnh phúc.

Tuy nhiên, ấy là nói cho sướng mồm thôi. Chứ đã là bạn đồng nghiệp từng ấy năm ai người không xót xa cho con người đang bị tình yêu hành hạ, mà không sao san xẻ nổi. Và trong những lần gặp lại Quỳnh tiếp theo, chúng tôi lại vui vẻ nghe Quỳnh kể chuyện: Gia đình đầm ấm. Vũ mới mua tặng Quỳnh cái khăn, quý lắm, đâu một cô nhận quà từ Paris gửi về để lại. Những lúc nhìn Vũ “kéo cày trả nợ” các đoàn, lòng Quỳnh thương cảm không để đâu hết. Vẫn phải mua sâm cho cậu ấy mgận đấy, không thì cậu ấy lấy đâu ra sức. Hai vợ chồng đã tính rồi: Vũ làm một hai năm nữa để mua lấy cái nhà. Rồi thì là bỏ, bỏ hẳn. Lòng Vũ vẫn để ở thơ, tài Vũ là tài thơ, chứ đâu phải kịch. Để kiếm mấy đồng nuôi con, thật lắm lúc ứa nước mắt. Quỳnh cứ kể như thế, và chúng tôi lại hùa theo, lại an ủi, nhất là lại ra vẻ ghen tuông thèm khát cái hạnh phúc đang có của Quỳnh. Còn Quỳnh thì ứa nước mắt thật, những giọt nước mắt chân thành thương chồng thương con, mà có lẽ cũng là thương cho mình nữa, một người vốn rất chân thành và không sợ cái gì, mà có lúc phải đóng vai, một người tưởng đang sống rất đầm ấm, mà thực ra rất cô độc. Trong khi dáng dấp, cử chỉ nét mặt của Quỳnh đã nói tất cả, thì Quỳnh lại không thể dùng lời nói nói với ai về tình cành khốn quẫn của chính mình, sự bi đát là ở chỗ ấy.



XX

Hoa cỏ may
Hai chủ đề cùng tồn tại
Bắt đầu những thoáng hư vô
Chúng tôi là thế ,cái gì chúng tôi cũng có
chỉ không cái gì đi đến nơi đến chốn



XXI

Cái chết và sự giải thoát


Số phận những người đẹp Chị Khánh Vân Bài ca hy vọng
Trường hợp Trường hận ca cái chết tất yếu phải tới

Đoạn kết

Những năm tháng không yên là tên một bài thơ dài của Xuân Quỳnh viết trong khoảng 1972—1973 . Đây là thời gian sự nghiệp chống Mỹ có những sự kiện mang tính cách bước ngoặt : chiến dịch Quảng Trị mùa hè và việc Mỹ ném B.52 xuống Hà Nội . Hoàn cảnh thay đổi . Người ta không chỉ nhìn vào một trận đánh một cuộc hành quân mà muốn nhìn thẳng vào toàn bộ cuộc chiến tranh . Và Xuân Quỳnh cũng vậy . Nhà thơ như cảm nhận được tất cả tính chất khắc nghiệt của đời sống quanh mình
Có một bài thơ của Xuân Quỳnh tuy không phải loại thật hay và ít được mọi người để ý , nhưng lại đánh dấu một sự trưởng thành trong ý thức thơ ca của Xuân Quỳnh , đó là bài Có một thời như thế in trong Hoa cỏ may . Nếu phần lớn thơ Quỳnh nói về mình thì ở đây thơ muốn nói về thời đại , về cái môi trường mà ở đó con người tác giả đã lớn lên .
thời đại được phác hoạ thông qua những yếu tố tinh thần . Đó là thời của những khao khát lớn lao nhưng lại mang nhiều yếu tố ảo tưởng ( Có một thời vừa mới bước ra --- Mùa xuân đã gọi mời trước cửa ) Con người nhìn chung quanh thấy cái gì cũng đẹp và chỉ biết hào hứng tin theo những điều hết sức lãng mạn ( Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi ) . Con người như có gì nông nổi mặc dù đó là một
Để có một cái nhìn khái quát về một cuộc đời như đời Xuân Quỳnh , tôi nghĩ không có cách nào khác là trở lại chùm thơ phác hoạ thời đại của tác giả . Thời nào thì hoàn cảnh cũng in sâu bóng dáng của nó vào mỗi con người cụ thể . Với lớp người như chúng tôi ( sinh khoảng những năm bốn mươi và lớn lên trong những năm chiến tranh ) , hoàn cảnh càng là một sức ép ghê gớm

Thuở bé tôi sống ở một cái làng

Xuân Quỳnh từng kể như vậy trong một bài tham luận và người ta có thể ghi nhận điều đó ngay qua những chi tiết được đưa vào các bài thơ . Từ hình ảnh bà mẹ về chợ Đầu đội nón tay vung ,tay kia thì cắp rổ đến hình ảnh giữa đường cày con sáo đứng bâng khuâng ; từ nỗi nhớ của người con gái Biết gửi ai cho mẹ bát canh cần đến những thoáng nghiêng tai lắng nghe gió xạc xào qua những ngọn chè tươi ; từ trò chơi bắt chú gà sa nước gạo chôn gốc cây khế

Nhưng có lẽ chất nông thôn của nhà thơ này được bộc lộ rõ nhất trong cách xúc động cách biểu hiện tình cảm của tác giả mà toàn bộ các tập thơ đã nói lên đầy đủ . ở Xuân Quỳnh mọi phẩm chất của người phụ nữ từ bao đời nay đã làm nên sự hấp dẫn của cuộc sống sau luỹ tre xanh : quan sát cuộc sống của chị người ta nhớ tới cái thông minh của những người con gái vừa làm lụng trên đồng vừa đùa bỡn với khách qua đường mà Khái Hưng đã phác hoạ trong Hồn bướm mơ tiên ; cái thắm thiết tình nghĩa của những nhân vật nữ trong các truyện nôm Phạm Công Cúc Hoa , Tống Trân Cúc Hoa ; cái sự mau mắn xúc động của nhân vật Hoa Tiên khi nhủ hoàn đóng cửa đẩy trăng trả trời ; có cái khao khát nồng nàn và cả cái đắng đót của Thị Màu Em gọi thày tiểu chẳng thưa em buồn ; có cái đau xót của Suý Vân : Tôi chắp tay tôi lạy bạn đừng cười – Lòng tôi không giăng gió nhưng gặp người gió giăng ; có cái sự liều lĩnh an ủi chồng không ai ăn thịt mình được và cả cái phút quật khởi đánh nhau với cả người nhà lý trưởng của người đàn bà đôn hậu là chị Dậu mà Ngô Tất Tố đã tả trong Tắt đèn ... Người bạn chung của chúng tôi là Nguyễn Quân đã rất tỉ mỉ khi ngồi đếm thử những những mô típ cổ điển trong thơ Quỳnh ở tập Hoa cỏ may bao gồm cây , rừng , gió , trăng, mưa , nước , sấm , bài hát , bài ca , vòm lá , trời biếc , con đò , cọ , lửa , quả ,vườn ,núi ,đường ,hồ ,lau , hoa ngâu , vải thiều , tường vi , phượng sen ,hồng cúc v..v.. , tất cả xuất hiện trong 37 trang của tập thơ tới 378 lần , tức 10 lần trong một trang ,gần 20 lần trong một bài . Điều này chẳng những nói lên thơ Xuân Quỳnh thuộc mạch thơ cổ điển mà trước tiên còn nói lên rằng con người này cũng thuộc về cái lớp người cũ làm nên cái diện mạo cố hữu của cộng đồng . Thế kỷ XX đưa họ ra khỏi nông thôn , và với cuộc chiến tranh giải phóng nhiều người trong họ đã có những cuộc phiêu lưu trên khắp mọi miền đất nước . Song những biến động của thời thế không thể nào làm thay đổi nếp sống nếp nghĩ vốn có . Mỗi cá nhân tuy đã có dược nhìn rộng rãi và cái năng động hơn so với thời các cụ răng đen búi tó ngày xưa , song hình như cốt cách con người cách sống cách xúc động của họ thực ra vẫn có tính cách nông dân . Thậm chí ngay ở những thanh niên thì ững yêu cầu phương diện tự do cá nhân thực ra vẫn có tính cách cổ điển .

Tôi thử nêu ra một so sánh :

Vệ Tuệ là một hiện tượng từng gây xôn xao trong văn học Trung quốc những năm chín mươi thế kỷ hai mươi . Cây bút này bộc lộ rất rõ cách sống cách nghĩ của lớp thanh niên ở nhiều nước hiện nay , khi xã hội mà họ đang quay cuồng trong những khát vọng làm giàu . Trước sức công phá mãnh liệt của các yêu cầu kinh tế , nhiêù điều cấm kỵ từng thống trị hàng ngàn đời nay bị dỡ bỏ. Tuổi trẻ hiện nay không có những băn khoăn rắc rối về lý tưởng , cũng không quá lo lắng tới việc kiếm sống . Họ như được thả vào một khoảng không tự do quá rộng . Các tiện nghi quá đầy đủ . Các phương tiện thông tin hiện đại lúc nào cũng sẵn sàng chiều đãi con người . Những dục vọng mang tính cách bản năng không bị kìm nén . Mỗi người trong họ chỉ còn một ám ảnh duy nhất là khám phá bản thân . Và sự thực là với họ con người hiện đại bắt đầu một cuộc cách mạng lớn lao trong lối sống lối nghĩ . Trong một cuốn sách như Cục cưng Thượng Hải , Vệ Tuệ lớn tiếng tuyên bố :

Về mặt con người so với những nhân vật phụ nữ điển hình trong lịch sử từ tiểu thư Lâm Đại Ngọc tới những chiến sĩ du kích Lưu Hồ Lan về sau , thấy lớp phụ nữ mới nay đã khác hẳn . Và so với những nhà văn trước thì tâm thế loại nhà văn nay cũng khác

Hiện tượng Vệ Tuệ nói trên không chỉ có ở Trung quốc mà còn thấy ở những nền văn học khác kể cả văn học Nga lẫn văn học Việt Nam . Tiẻu thuyết Cơ hội của chúa của Nguyễn Việt Hà hoặc những tập thơ như Khát của Vi Thuỳ Linh cho thấy lớp thanh niên Việt Nam cuối thế kỷ XX cũng đã có nhiều chỗ khác .

Dưới ánh sáng của những thay đổi trong hoàn cảnh , hãy thử nhìn lại lớp thanh niên lớn lên trong những năm chống Mỹ. Phải thành thực nhận là cuộc đời

Những đặc điểm này cũng bộc lộ đầy đủ trong cuộc đời các nhà văn như Đỗ Chu , Phạm Tiến Duật, Bằng Việt , Hoàng Hưng , Nguyễn Thị Ngọc Tú , Phan Thị Thanh Nhàn

Hoài Anh
Nhiều người viết có thói quen tin và cố viết để bạn đọc cùng tin với mình rằng nhân vật mà mình đưa vào sách phải là nhân vật phi thường . Bản thân tôi trong cuốn sách này muốn đề nghị một cách nghĩ khác , thế hệ tôi , các nhà văn mà tôi quen ít ai thuộc loại tầm cỡ ghê gớm ( như người đời vẫn nghĩ về họ và chính họ đôi khi cũng muốn nghĩ như vậy ) , song ở những người bình thường này cũng có bao nhiêu chuyện đáng nói , mà Xuân Quỳnh ở đây là một ví dụ .
Đời Xuân Quỳnh có điều gì đáng nhớ ? Tôi không muốn nói nhiều về mặt lập nghiệp dù biết rằng đó là một cuộc đời thành đạt . Cũng khó lòng nói rằng đó là một cuộc đời hạnh phúc hay bất hạnh vì thực ra

Cũng như những người cùng lứa tuổi khác , những gian nan mà các nhà văn nhà thơ hồi chống Mỹ gặp phải là trên phương diện công dân và Xuân Quỳnh cũng vậy . Đối với một phụ nữ làm thơ thì những chuyến đi của Quỳnh những năm ấy cũng đã là gian khổ lắm . Nó cũng chẳng khác là bao so với Phạm Tiến Duật , Lê Lựu có mặt ở các chiến trường Nhưng cũng như các đồng nghiệp ấy ,Quỳnh không có những gian nan trên con đường tìm tòi nghệ thuật . Nghĩa là chỉ đi theo những con đường đã được vạch ra sẵn





* Theo X.Q. kể với tác giả, thì đó là phố Tô Hiến Thành

* Thuý Quỳnh, sau này là Nghệ sĩ nhân dân

* Xem thêm bài viết về X.Q. Cuộc đời để lại trong thơ trong tập Cây bút, đời người của VTN

* Thơ Xuân Quỳnh, NXB Tác phẩm mới, 1989, tr.73

* Ghi theo tạp chí Văn Sài Gòn, 1972, số đặc biệt về Dostoievski

* Xem thêm Bày ong trong đêm sâu
SỐ TRUY CẬP online