ĐỜI VÀ THƠ XUÂN QUỲNH 2


VI . Sống hẳn với nghề cầm bút

Biết khổ là một chuyện, nhưng tránh được khổ lại là chuyện khác - sự lo xa nhiều khi không được việc gì cả!

Không hiểu trong những năm từ giã văn công chuyển sang làm văn, làm báo, Quỳnh có bao giờ nghĩ thế không, chứ sự thực đời Quỳnh chính là như vậy - Con người này không tránh được khổ.

Từ giã lớp học Quảng Bá, Xuân Quỳnh được chuyển về báo Văn Nghệ. Nhưng những năm ấy, chân biên tập viên của báo Văn Nghệ là một danh hiệu cao quý lắm, ngay loại Xuân Trình, Ngô Văn Phú đã có viết lách chút ít, và đã tốt nghiệp đại học Tổng hợp Hà Nội , khi được nhận về báo vẫn phải chịu cái chức danh phóng viên tập sự. Thành thử người ta bảo với Quỳnh là chỉ tạm xếp ở đấy, chờ bố trí công việc chính thức sau. Có thời gian (đâu đến gần một năm), vẫn biên chế ở báo, Quỳnh được cử xuống công tác ở Huyện đoàn Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. ở đây, như Ngô Văn Phú kể, Quỳnh làm đủ thứ công việc tạp nhạp: xuống xã vận động nông dân đóng thuế nông nghiệp, hoặc mở hội giao lương (làm nghĩa vụ lương thực)... Đang quen lao động nghệ thuật, giờ phải làm những việc chưa làm bao giờ, Quỳnh thường lúng túng như thợ vụng mất kim. Được cái chịu khó bù lại! Gặp Quỳnh lúc phải lo có được ít biểu ngữ khẩu hiệu, biểu ngữ trên tường, trên vải, trên nong nia, Ngô Văn Phú đùa:

- Dạo này chữ đã cứng và đẹp lắm rồi hả? (Xưa nay Quỳnh vẫn có tiếng là chữ quá xấu, anh em vẫn bảo là hệt như “rắc thuốc lào” trên giấy)

Quỳnh thú thực:

- Tôi kẻ có hoạ ma nó xem! Lại nịnh mấy cậu thanh niên trong làng thôi. Họ đã quen tay, với lại cũng nể mình nữa. Còn mình thì quét vôi và vác nong, vác nia.

Theo Quỳnh nhớ, sau đấy đang công tác ở huyện thì Quỳnh được gọi về giữ thư viện cho báo Văn nghệ . Lâu nay, việc này, do chị Loan (vợ chưa cưới của nhà văn Anh Đức) phụ trách. Nay chị Loan được điều vào chiến trường, nên Quỳnh được gọi về thay. Nhưng thay là thay tạm, chính lúc này, Quỳnh được “nói thầm” vào tai là tranh thủ đi mà xin việc ở các cơ quan chung quanh, chứ không thể tìm một chỗ chắc chắn ở tờ Văn Nghệ này đâu!

Đây là những ngày nhà thơ thường nhớ lại với nhiều uất ức.

Quỳnh đã đi gõ cửa nhiều nơi xin việc nhưng không đâu chịu nhận.

Chiếu cố giới tính, chỉ có báo Phụ nữ là có vẻ mặn mà hơn một chút. Báo yêu cầu Quỳnh xuống nông thôn một thời gian xem có viết được bài không đã. Thôi đã đến nước này, thì còn từ nan chuyện gì nữa! Quỳnh nhận đi 2 tháng xuống Tỉnh hội Phụ nữ Vĩnh Phú, và ở đấy viết được 7 bài gửi về. Đã tưởng phen này, đậu lại ở Phụ nữ, nhưng mừng hụt. Sau khi hỏi kỹ, biết Quỳnh đang có thai (con trai sau đặt tên là Tuấn Anh ), báo Phụ nữ lảng ngay.

Quỳnh lại quay về với chân nằm chờ ở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

May sao lúc này, đã là giữa năm 1965. Để có điều kiện triển khai cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại , một cách lâu dài, các cơ quan được lệnh mở rộng biên chế, tăng cường lực lượng, nhất là lực lượng trẻ. Cùng lúc, báo Văn Nghệ có thêm Tổng biên tập mới, là Hoàng Trung Thông (thay cho nhà thơ Bảo Định Giang đi công tác khác). Vốn sẵn cảm tình với Chồi biếc, Hoàng Trung Thông nhận tác giả của nó về làm ở tổ thơ của báo Văn Nghệ, một thứ biên chế chính thức, mà lâu nay, Quỳnh ao ước mãi!

Thế là chấm dứt một giai đoạn nhọc nhằn, cay đắng. Trong những tài liệu có tính chất hồi ức kỷ niệm, một đôi khi chúng ta vẫn bắt gặp các nhà văn nhà thơ thử dừng lại và tìm cách lý giải tại sao mình đến với văn học. Vì lòng yêu đời! Vì quá say mê với vẻ đẹp của non sông đất nước, của tình người! Vì muốn nói lên tất cả những xúc động sâu sắc thường đến trong cuộc sống hàng ngày! Những câu trả lời loại ấy rất nhiều, và thực ra không phải là vô lý cả. Song có lẽ ít ai có câu trả lời độc đáo như Xuân Quỳnh. Trong bản sơ yếu lý lịch, khai với Hội Nhà văn Việt Nam, đề ngày 29-8-1982 ở mục Nguyên nhân bắt đầu hoạt động văn học, Xuân Quỳnh ghi:

- Vì thích thú. Làm văn học cảm thấy như mình được sống thêm một cuộc đời khác nữa.

- Vì uất ức khi mới vào nghề bị xô đẩy, bị khinh rẻ, nên tôi quyết phải sống. Mà sống tức là phải viết.

Trong cái vẻ phổ biến nghĩa là ai cũng có thể nghĩ thế, câu trả lời thứ nhất của Quỳnh thật ra đã rất độc đáo. Viết văn là nghề của sự tự nguyện. Người ta có thể phân công người này đi làm thợ mộc, người kia dạy học, nhưng ít ai nghĩ tới chuyện phân một học sinh mới vào đời đi viết văn. Vậy trả lời “viết do thích thú,” thật không ai cãi được, nhưng trong nghề ai mà chẳng trả lời được. Có điều thích thú là thích thú thế nào? Những người quen biết Xuân Quỳnh đều biết, mặc dù xa lạ với thói kiêu căng vô lối, nhưng Quỳnh rất tự hào với nghề nghiệp của mình. “Như người khác không được yêu, mà mình được yêu. Như người khác chỉ biết im lặng mà mình biết nói, và nói lên được thành tiếng”(*) Làm văn học cảm thấy như mình được sống thêm một cuộc đời khác nữa, chẳng qua là một cách nói khác của cái tinh thần đã trở đi trở lại trong tâm trí Xuân Quỳnh, nó khiến cho Quỳnh lúc nào cũng thấy nghề là mới lúc nào cũng háo hức với nó, hết lòng với nó, nếu như không được làm nghề, tức là không được sống với nó thì coi như cả một sự thiệt thòi không gì đền bù cho được. Trong một đoạn hồi ức ngắn về Xuân Quỳnh, Lại Nguyên Ân đã có cách lý giải riêng về điều này. Sau khi nhận xét Xuân Quỳnh hay viết về bản thân , Lại Nguyên Ân bảo “gần như chị đã trở thành nhân vật văn học của chính thơ chị. Chị đam mê sống, đam mê yêu, đam mê trong thiên chức làm vợ, làm mẹ - những nhân vật kia nói lên giúp. Mọi sự vẫn thế thôi nhưng đã là sang một thế giới khác, dịu nhẹ hơn, có thể thêm màu vẻ cho cả khổ đau lẫn hạnh phúc. Vẫn chỉ là mình và người yêu mình đấy thôi , nhưng đó đã như là mơ ước của mình về mình và cho mình. Phải chăng đấy là cái cuộc đời khác nữa, mà Xuân Quỳnh tìm thấy trong văn học, nơi thăng hoa và giải thoát độc đáo cho tấn kịch của chị? Nói một cách giản dị, chính là sống trọn vẹn tấn kịch của chính mình, ghi lại bằng thơ những động thái tâm hồn mình, chị trở thành nhà thơ được công chúng thừa nhận. Có thể là chị không lưu ý lắm đến cái được gọi là “hằng số nhân bản” mà các nhà khoa học thường nêu lên, nhưng hẳn là chị tin rằng không có chuyện gì của cuộc đời một con người mà lại quá ư dị biệt, xa lạ với cuộc đời những người khác” (*)

Đoạn văn của Lại Nguyên Ân đã lý giải khá rõ cái ý “được sống thêm một cuộc đời khác nữa” mà Xuân Quỳnh đã nói về việc làm thơ.

Nhưng còn cái ý thứ hai - viết vì uất ức, vì khi mới vào nghề, bị xô đẩy và bị khinh rẻ.

Trước tiên, phải nhận là ở đây Xuân Quỳnh dám nói lên một sự thực dù sự thực đó khá phũ phàng. Vào những năm chúng tôi bước vào tuổi thanh niên , uất ức là thứ tình cảm chỉ để dành cho những kẻ thù , còn giữa những người cùng nghề , nó là thứ tình cảm phải được coi là không nên có,và không lành mạnh nữa, chắc chắn là còn có hại cho sự sáng tạo. Nhưng hoá ra không phải vậy. Do quá uất ức vì bị thiến, mà Tư Mã Thiên nhất quyết phải viết bằng được bộ Sử ký để đời. Lại như nhà thơ Anh Byron, vì tướng người thấp bé và bị thọt nữa, ông thường bị khinh rẻ, nên trong giọng thơ, ông cố tình làm cho mình trở nên cao cả, hùng tráng. Lịch sử văn học đông tây kim cổ từng biết nhiều chuyện như vậy và chắc chắn là trong cuộc sống đương đại, cũng nhiều cây bút đã đến với nghề bằng sự uất ức, hơn nữa, sự căm thù. Song ít ai dám nói tuột ra, như Xuân Quỳnh ở đây đã nói.

Thứ nữa, phải nhận giữa những người làm nghề này, không phải chỉ có những sự nâng đỡ nhau, trân trọng nhau như trên sách báo tài liệu vẫn viết , mà cũng đủ cả xô đẩy, chen lấn, bắt nạt, khinh rẻ, làm tình làm tội nhau, như ở các nghề khác.

Phàm đã sống cả đời với nghề văn chắc ai cũng công nhận rằng trong nghề này, số người được trải chiếu hoa liên tục, đi đến đâu, kẻ khác rẽ ra đến đó, số ấy rất ít.

Nhớ lại những ngày mới bước vào nghề, không ít thì nhiều, hầu như ai cũng có lúc tủi thân vì bị nghi ngờ như cô con gái nọ đã than trong ca dao:
Trách cha trách mẹ nhà chàng
Cầm cân chẳng lựa là vàng hay thau
Thật vàng chẳng phải thau đâu
Mà đem ra thử cho đau lòng vàng

Tại sao chuyện này lại hay xảy ra trong giới cầm bút, những người hành nghề sáng tạo, hơn nữa sự sáng tạo rất cao đẹp là sự sáng tạo trong đơn độc?

- Trước tiên, không loại trừ nhiều người đã xuất phát từ sự chân thành và thiện chí. Nhìn một bạn trẻ, định sống lâu dài với văn chương, các bậc lão làng thường dè dặt nghĩ : Nghề này vốn khó. Thiếu gì người mới viết hiện ra đầy hứa hẹn, về sau khô cằn nhạt nhẽo. Rất phổ biến là loại nhà văn tồn tại theo kiểu Trình Giao Kim trong Thuyết Đường, nghĩa là được ba búa đầu “thần sầu quỷ khóc”, nhưng đến búa thứ tư là hơi sức rã rời, và chỉ còn nước bỏ chạy.

Yêu nhau, thương nhau không phải là cứ động viên nhau viết đại đi, rồi làm khổ cả đời người ta!

Có trách nhiệm với nhau là phải bảo nhau rằng nghề này khó lắm, oan nghiệt lắm. ở nghề nào kia, anh còn có thể dựa vào kinh nghiệm quen tay với lại lâu năm , ở đây thì không! Mươi bài thơ trước viết hay, đến bài thứ mười một vẫn cứ dở như thường. Tay trắng lại hoàn tay trắng!

Sự nghiêm khắc - và hơn thế nữa, sự nghi ngờ, ngần ngại - vốn có cái lý của nó.

Cũng nên nhớ rằng mặc dù làm một nghề độc đáo nhưng giới cầm bút cũng là những người đời như bất cứ ai. Báo chí xuất bản không phải là không gian vô hạn. Họ dành chỗ cho anh, nghĩa là tôi “mất đất”. Ai bị “tranh mất khách” mà chẳng đau lòng, nữa là cánh già, đã quen được chiều chuộng? Vậy nhường nhịn nhau, dang tay ra đón chào nhau là chuyện quá khó! Ai cũng một lượt thế thôi. Lúc tôi vào nghề bị các bậc đàn anh đối xử thế nào, giờ sẽ xin đối xử với anh như vậy. Có chịu được thì chịu, nếu không, xin mời đi nghề khác.

Sau hết không nên quên một chuyện thông thường là sự khen chê thích và không thích thường mang màu sắc cá nhân. Văn chương tự cổ vô bằng cứ. Những tiêu chuẩn để đánh giá tác phẩm vừa rất chuẩn xác lại vừa rất co dãn. Trước cùng một bài thơ, một cuốn truyện người này nắc nỏm tán tụng, người kia khinh rẻ không thèm ngó ngàng cũng là chuyện thường. Có biết đâu rằng lối “bách nhân bách khẩu” như vậy, vốn chả làm các bậc lão làng lay chuyển, lại để lại những vết thương lòng đau đớn cho người mới đặt chân vào lĩnh vực văn học.

Xuân Quỳnh không còn sống để kể cho hết những nổi niềm đau đớn khi mới vào nghề của mình. Nhưng có thể tin chắc rằng, sự xô đẩy, sự khinh rẻ Quỳnh nói ở đây, là hoàn toàn có thật. May mà nó đủ sức kích thích thêm sức sáng tạo của Quỳnh, chứ không làm nhà thơ bủn rủn chân tay rồi chùn bước đầu hàng (đôi khi đã thấy ở những người khác ) . Ăn chịu với nghề, rồi ra cũng được nghề đền đáp xứng đáng - điều này thấy rõ trong các sáng tác tuần tự xuất hiện của Xuân Quỳnh. Và nó cũng bộc lộ rõ trong việc biên tập mà trên danh nghĩa, Quỳnh phải làm để nhận lương.

Có lẽ không nghề nào nhẹ nhõm như nghề biên tập thơ: ngay từ hồi chống Mỹ , mỗi tháng, một tờ báo như tờ Văn Nghệ nhận được hàng trăm bài lai cảo. Ngoài ra, phần quan trọng là sáng tác của người trong giới, các tờ báo, nhà xuất bản quen thuộc anh em tự động gửi tới. Từ đó, mà chọn ra mươi, mười lăm bài đăng báo, hẳn không ai coi là khó.

Song chính vì có cả một khoảng không rộng lớn bày ra trước mặt , nghề này lại đòi hỏi người ta phải có một “con mắt xanh” , một sự sàng lọc tế nhị, và một tấm lòng liên tài ( thương yêu quý mến các tài năng ) . Người biên tập giỏi đôi khi chỉ liếc qua bài thơ cũng có thể biết ngay là có đăng được hay không. Sự linh cảm quan trọng không kém sự chi chút, cẩn trọng.

Cũng may, sự linh cảm ấy ở Xuân Quỳnh có thừa, nên những người nhiều năm cùng làm biên tập viên ở báo Văn Nghệ với Xuân Quỳnh như Ngô Văn Phú, Nguyễn Phan Hách, Trần Hoài Dương, Võ Văn Trực…. đều khẳng định con mắt tinh đời của Quỳnh và nhớ lại ngững ngày cộng tác cùng Quỳnh với nhiều tình cảm tốt đẹp .

Nguyễn Phan Hách kể lại một chuyện vui vui .

- Năm ấy bọn tôi đang công tác ở Ty văn hoá thì được gọi lên TW . Lên để làm gì ? Để sẵn sàng thay thế những bậc đàn anh nếu họ không làm được việc . Lúc chọn thơ , không ai bảo , cứ bài nào hăng hái chiến đấu thì chọn , tư tưởng là chính nghệ thuật đứng sau . Bởi vậy tôi thấy rất lạ khi thấy một biên tập viên khác là Xuân Quỳnh lại chỉ thích chọn những bài về tình cảm gia đình trai gái , với lại phải hay mới được. Bọn tôi rất hay cãi nhau về chuyện ấy . Sau nghĩ lại thấy hoá ra Quỳnh nó đã đi trước mình nhiều .

Làm biên tập vậy là được , nhưng để trở thành một nhà thơ, còn nhiều việc khác chờ đợi Quỳnh ; học hành để nâng cao tay nghề; đi thực tế để sống hết lòng với đời sống . Và phải viết trước tiên là viết !

VII. Thơ viết về chiến tranh
những năm trước 1970

Trên tạp chí Văn nghệ quân đội tháng 8 năm 1965 người ta đọc được một đoạn thơ, trích đăng ở một bài điểm báo của Nhị Ca (nghĩa là phần đăng những câu những đoạn khá, nhưng chưa đủ thành bài hay, nên chưa đứng riêng được)
Những đâu phải thơ tôi thêm được chuyến đi
Của bà mẹ trên sông Nhật Lệ
Chưa phải thơ tôi làm bước chân em bé
Dũng cảm hơn trên các chiến trường
Có phải không chị nữ dân quân
Chưa có thơ tôi trong lời hô của chị
Anh chiến sĩ, hỡi anh chiến sĩ
Giữa tiếng súng rung trời chưa có tiếng thơ tôi.....
Khi cả nước lên đường chống Mỹ
Mà thơ tôi chưa thành vũ khi
Xin hãy trao tôi khẩu súng trường
Tôi muốn trở thành người chiến sĩ
Trước cái hồn nhiên ngây thơ của người viết, ngày nay đọc lại, chúng ta không khỏi mỉm cười: có phải chiến tranh chỉ có một việc cầm súng đâu, mà còn bao nhiêu việc khác?! Chẳng phải là chính trong chiến tranh chúng ta lại cần có thêm những bài thơ, những thiên truyện cảm động, có sức tác động tới mỗi người lính?

Song, đặt trong hoàn cảnh những ngày đầu chiến tranh , tâm lý nôn nóng nói trên là một cái gì rất phổ biến. Trong Dấu chân người lính Nguyễn Minh Châu có viết một câu đại ý: trong chiến tranh, cái có thể giúp ích nhiều nhất cho đất nước là năng lực quân sự. Nhiều người thanh niên sẵn sàng đổi mọi tài năng của mình lấy cái tài năng cần thiết ấy.
Tâm sự của những nhân vật như Khuê, như Lữ - Nguyễn Minh Châu nói ở đây cũng là tâm sự của các nhà thơ chống Mỹ, trong đó có Xuân Quỳnh.
Vâng Xuân Quỳnh chính là tác giả mấy câu thơ chỉ được điểm qua ở trên trong bài báo của Nhị Ca.
Trong các phần tiếp theo, chúng tôi sẽ có dịp nói tới sự gắn bó của Quỳnh với đời sống tinh thần những năm chống Mỹ, ở đây, hãy chỉ điểm lại những gì nhà thơ đã viết trong những ngày đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, và đưa vào tập Hoa dọc chiến hào.

Trong tập thơ 28 bài này, số bài gợi nhớ không khí chiến tranh chiếm phần chủ yếu, đến khoảng 20 bài. Giữ lửa, Hậu phương, Chiến hào, Viết đạn trên tường là những bài nói thẳng, nói trực tiếp. Có mang vào những nét tâm tư riêng của tác giả, là các bài Tiếng gà trưa, Mây, Bay cao, Gốc cây ngày bé... Ví dụ, nhìn mây Xuân Quỳnh nhớ lại những xúc động của mình, khi nhìn mây lúc nhỏ, sau gài thêm vào các chi tiết: nay thì mây giúp cho anh phi công đánh máy bay Mỹ. Hoặc “trên đường đi chiến dịch”, nghe tiếng gà trưa nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ, có liên quan đến tiếng gà. Thật ra, giá trị chính của mấy bài thơ này là những liên tưởng, những hình ảnh nó chứng tỏ một tâm hồn mau mắn, dễ xúc động, đã gắn bó với nhiều kỷ niệm đồng đất quê hương. Chợt nghe tiếng gà, đã nhớ đến bà, chỗ dựa tinh thần lúc nhỏ.

Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng
- Gà đẻ mà này nhìn
Rồi sau này lang mặt
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng
Tiếp đó, các ước ao khi bán gà
Ôi cái quần chéo go
ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh chúc bâu
Đi qua nghe sột soạt
Đây nữa những liên tưởng khi nhìn những đám mây trên trời:
Thuở bé tôi yêu mây
Qua những hình kỳ lạ
Đám giống hệt lưỡi trai
Dáng ánh viên xanh đỏ
Rồi mây chuyển hình người
Giống mẹ tôi về chợ
Dầu đội nón tay vung
Tay kia thì cắp rổ...

Lối cấu tứ các bài thơ này của Xuân Quỳnh không lạ, nhiều nhà thơ những năm đầu chống Mỹ đã có những bài thơ tương tự. Sở dĩ các bài thơ đứng được, là do cái duyên riêng, cái ý vị riêng khi liên hệ kỷ niệm quê hương với cuộc chiến đấu.

Mang dấu ấn đậm đà của một tâm hồn phụ nữ, là các bài thơ liên quan đến con: Khi con ra đời, Đưa con đi sơ tán, bài nào cũng thấm thía nỗi xót xa khi thấy con còn bé mà đã long đong vất vả trong thời chiến.

Còn như muốn tìm một cách nghĩ thường trực trong Xuân Quỳnh nói chung, khi nhìn đời, thì phải kể loại bài như Vết đạn trên tường và Chuyện con đường sau những năm chống Mỹ. Được viết ngay từ khi chiến tranh mới nổi lên khúc dạo đầu (một đề 1967, và một, 1968) song cả hai bài trên chốt lại ở cái ý: chiến tranh sẽ chỉ là một khoảnh khắc qua đi rất nhanh. Rồi sẽ có nhiều chuyện khác theo xô đến trong cuộc đời mỗi người. Song hãy nhìn kỹ tận đáy lòng ta xem: những sự kiện này bao giờ quên được!

Mô-típ này còn trở lại trong nhiều bài thơ Xuân Quỳnh viết về sau:

Hoa dọc chiến hào (1969 ) là tập thơ thứ hai của Xuân Quỳnh (tuy mỏng manh song Chồi biếc cũng đã là một tập). Lúc này nghề thơ ở tác giả chưa thật chắc chắn, nhất là tâm hồn chưa được thử thách, nên nói chung, cả tập còn nhẹ. Song nếu ở Chồi biếc, bạn đọc đã biết những bài thuộc loại xuất sắc trong cả đời thơ Xuân Quỳnh, như Thuyền và biển, thì tương tự như vậy ở Hoa dọc chiến hào, phải nhắc đến hai bài Tháng năm và Sóng.

Là một tâm hồn sôi nổi, Xuân Quỳnh vốn rất nhạy cảm với những gì nồng nhiệt thái quá. Những ai đã trải qua những ngày hè nóng đến ghê sợ chung quanh Hà Nội mỗi lần tháng năm tới, hẳn dễ nhớ hai đoạn tả tháng năm nắng lửa của Xuân Quỳnh.

Đoạn thơ trên, nói tới sức phá hoại, sức tiêu diệt của mùa hè.

Giấc ngủ vừa chợp qua
Nắng đã về trước cả
Đêm ngắn: phút gần nhau
Ngày dài như nỗi nhớ
Nước sôi ngầu bọt thau
Luộc mình con cá nhỏ
Con cua chín vàng mai
ẩn vào trong cụm lúa
Cỏ dại không người che
Rã rời mang sắc úa
Tiếp theo, là đoạn nói về sự chống trả của cuộc đời, mà cũng là một cách để nói về khả năng chấp nhận thách thức để lớn dậy.

Nhưng hãy nghe hãy nghe
Trên những cành phượng đỏ
Trong những đầm sen nở
Hương tháng năm lan xa
Màu tháng năm rực rỡ
Tơ trời giăng ngoài sân
Cây bàng xoè trước ngõ
Đêm xanh vời trăng sao
Con ve vàng lột vỏ
Con chim tha rác về

Tháng năm - mùa sinh nở

Sau hai đoạn đặc tả có tính đối lập trên nhà thơ nói thẳng dụng ý của mình, Tình yêu như tháng năm - Mang gió nồng nắng lửa . Với người khác, có lẽ là xong. Nhưng với Xuân Quỳnh, vẫn chưa đủ. Còn phải nói gì liên hệ với cuộc đời chính mình nữa.

ở đây, có câu chuyện vui vui.

Ban đầu ở bản viết tay, khổ cuối của Tháng năm là như sau:
Tình yêu như tháng năm
Mang gió nồng nắng lửa
Lòng anh là đầm sen
Hay là nhành cỏ úa

Mang dáng dấp một câu hỏi song lời thơ cho thấy sự hoài nghi bẩm sinh ở Xuân Quỳnh, cái hoài nghi mà cũng là điều khao khát, thúc giục người yêu, hãy vượt lên hoàn cảnh, hãy đến với nhau bất chấp khó khăn trở ngại. Bây giờ nhìn lại, chả ai thấy có chuyện gì. Nhưng Hoa dại chiến hào được biên tập để đưa in vào những năm chiến tranh . Nói chung báy giờ lòng tin cần hơn sự hoài nghi. Cứ cái gì vượt ra khỏi lối nói thông thường là các biên tập viên ngại! Bởi thế, trong một tuỳ bút ,khi Nguyễn Tuân viết rằng trrời vẫn xanh một màu xanh nghi ngại ,có người tỏ ý không bằng lòng và cụ Nguyễn phải sửa thành trời vẫn xanh một màu xanh cảnh giác thì bài tuỳ bút mới được in . Cũng bởi thế trong tập Bếp lửa, hai câu thơ sau đây của Bằng Việt cũng bị đặt dấu hỏi:

Bao nhiêu cơn mơ kỳ lạ trên đời
Nay còn lại những cơn mơ hữu ích

Thế nào là cơn mơ hữu ích? Mung lung và dễ hiểu sai quá! Liền bị chữa thành: những cơn mở tươi đẹp. May thay, Bằng Việt kịp phát hiện ra, và yêu cầu cứ để chữ hữu ích như cũ.

Trong Hoa dọc chiến hào, bản in 1968, mấy câu cuối bài Tháng năm như sau:
Tình yêu như tháng năm
Mang gió nồng nắng lửa
Anh hãy là đầm sen
Anh hãy là phượng đỏ

Do tác giả trực tiếp chữa nên cũng không đến nỗi. Nhưng cái ý hoài nghi thì mất hẳn. Mãi đến khi in trong Sân ga chiều em đi, Xuân Quỳnh mới lấy lại được hai câu ban đầu đã viết.

Trong số các bài thơ tình của Xuân Quỳnh, Sóng thuộc loại nổi tiếng nhất và cũng phổ biến nhất. Tôi không chép lại ở đây, vì nhiều người đã biết, đã thuộc cả bài, chỉ xin lưu ý Sóng là loại thơ ở đó, con người Xuân Quỳnh hiện ra trọn vẹn, đầy đủ bậc nhất. Những khao khát khôn cùng thức dậy. Nhà thơ muốn tìm bằng được lời giải đáp cho điều muốn hiểu. Sông không hiểu nổi mình - Sóng tìm ra tận bể. Và đây thứ tình yêu mãnh liệt, không bao giờ thoả mãn, lúc nào cũng muốn vươn tới cao hơn, mạnh hơn nữa: Ôi con sóng nhớ bờ - Ngày đêm không ngủ được - Lòng em nhớ đến anh - Cả trong mơ còn thức. Sau hết, là cái ao ước gia nhập vào cuộc đời vĩnh viễn Làm sao được tan ra - Thành trăm con sóng nhỏ - Trong biển lớn tình yêu- Để ngàn năm còn vỗ. Khi nói về quá trình hình thành các bài thơ hay nhất của mình, Xuân Quỳnh kể với tôi: “Hôm nọ còn có người hỏi tôi có hay thuộc thơ mình không. Quả thật, có khi tôi quên chứ không phải cái gì cũng thuộc đâu. Nhưng những bài thơ mà tôi thích thì bao giờ tôi cũng nhớ, nhớ cái tâm trạng chi phối mình khi làm bài thơ ấy...” Trong trường hợp bài Sóng, Xuân Quỳnh kể :Lần ấy Quỳnh về Diêm Điền, Thái Bình. Đạp xe nhìn biển mãi rồi tứ thơ hình thành. Đạp ngay về trong cơn mưa. Hai mươi cây số đường đất, xe đạp lúc dắt, lúc đi xiêu vẹo, cả người như mê man đi, có lúc ngã xấp mặt xuống đất , nhưng không phải mê man vì mưa gió mà vì bài thơ đang làm dở. Cái tâm lý sốt sáy ấy còn hành hạ Xuân Quỳnh tiếp mấy ngày về sau. Và đấy là điều thường thấy khi “bắt” được những bài thơ hay.

Qua Sóng, người ta có thể nhận ra một đặc tính chủ yếu, nó vừa là nguồn gốc sự hấp dẫn của thơ, vừa làm khổ nhà thơ không biết bao nhiêu mà kể: sự đam mê. Quỳnh thường tâm sự.

- Tính tôi đã mê cái gì thì mê lăn mê lộn, không lúc nào là không nghĩ tới.

Hoặc:

- Tôi sống thế nào mà tôi có cảm tưởng là không ai chịu được mình, không ai vừa với mình chính là mình cũng không chịu được mình nữa - Ví dụ như mình quý ai, mình thân ai, thì mình cũng quý lắm, thân lắm. Tôi chịu, không sao chấp nhận được sự lạnh nhạt sự nửa chừng .

Trong hồi ký Xuân Quỳnh nửa cuộc đời tôi, Đông Mai đã nói tới tình cảm thắm thiết của Quỳnh với bà nội, bà ngoại với cha, mẹ. Những lá thư Xuân Quỳnh gửi cho Đông Mai cũng làm cho người ta kinh ngạc, vì sự thương xót lẫn nhau và sự quấn quýt giữa hai chị em. Quỳnh luôn luôn cảm thấy có lỗi với chị, ân hận chưa giúp được chị nhiều. Muốn chia sẻ với chị từng miếng ngon miếng lành, cho tới những vui buồn nhỏ bé hàng ngày. Thương chị xa xôi vất vả lúc mới vào đời, lại thương chị gặp nhiều khó khăn trắc trở, khi các cháu đã lớn. Điều kỳ lạ là với một ít chữ bình thường trong những là thư ấy, Quỳnh diễn tả được mọi tình cảm của minh, trái tim hôi hổi của mình, với người chị thân mến.

Đến khi hướng vào yêu đương thì sự đam mê ấy ở Xuân Quỳnh càng mãnh liệt, nó mang lại cho Xuân Quỳnh những phút sung sướng xuất thần, cũng như trở thành nguồn gốc của bao tai hoạ.



VIII . Gia đình riêng đầu tiên và những rạn nứt

Từ kháng chiến chống Pháp các cơ quan nhà nước và đoàn thể vốn đã quen đi đến đâu kéo theo một khu gia đình đến đấy. ở Nhã Nam (Yên Thế), Chu Hưng (Phú Thọ), Quần Tín (Thanh Hoá), Hội văn nghệ Việt Nam từng đã dựng tạo nên những xóm nhỏ, ở đó, gia đình hoạ sĩ này sống cạnh vợ chồng nhạc sĩ kia, cách đấy không xa là cơ ngơi của một nhà văn mới có dịp quen biết. Hồi ấy, đất đai còn dễ , ai muốn ở bao nhiêu thì ở, nhà cửa thì tranh tre nứa lá đơn sơ, nên chuyện những khu nhà tập thể hình thành là chuyện tự nhiên, không khiến ai phải băn khoăn lo tính.

Sau 1954, trở về Hà Nội, nhiều khu gia đình như vậy tiếp tục được duy trì. Như căn nhà 96 phố Huế có gia đình Văn Ký, Lưu Quang Thuận, có căn phòng riêng của Phan Thanh Nam ; còn ở 66 Nguyễn Thái Học, có gia đình Đỗ Nhuận, gia đình Vũ Tú Nam, và hộ độc thân Dương Bích Liên...

Nhà 96 phố Huế vốn là một khách sạn cũ ở Hà Nội , khách sạn Lục Quốc.

Bởi vậy, các phòng trải ra trên 4 tầng gác, cái rộng cái hẹp khác nhau (trước đây, tuỳ theo tiền túi của khách hàng, còn nay phân cho các gia đình ở thì tuỳ theo số người trong gia đình và địa vị của người chủ hộ)

Đám cưới Lưu Tuấn - Xuân Quỳnh, như Đông Mai nhớ, do cả Đoàn văn công nhân dân Trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra chủ trì. Sau đó, thì đôi vợ chồng trẻ rời hẳn chỗ ở về 96 phố Huế.

Nghe ra có vẻ “an cư lạc nghiệp” lắm. Tuy nhiên, tới đầu 1968, khi bản thân người viết những dòng này đến chơi nhà Quỳnh lần đầu, thì cái gọi chỗ ở riêng của Quỳnh vẫn chỉ là một gian nhỏ cách biệt với gian của hộ bên cạnh bởi một tấm cót ép (kiểu hai ba gia đình chung một gian rộng). Còn nhớ hôm ấy trời nóng, ngồi một lúc, khách khứa đã ràn rụa mồ hôi. Khi chúng tôi hỏi thăm Quỳnh, thế những ngày quá nóng nực, mẹ con vợ chồng sống làm sao ( hồi ấy một chiếc quạt điện còn đang là niềm mơ ước ), thì Quỳnh cười bảo đã có gác thượng, tối tối nhiều gia đình kéo nhau lên đấy mắc màn ngủ . Trừ những đêm mưa không kể, còn nói chung vẫn khá thoải mái và dễ chịu.

Mãi cuối năm ấy, Quỳnh mới được chia cả thảy đâu 14m2 nhưng ở hai tầng riêng gác ba 6m2 và gác tư 8m2. Lúc này, Quỳnh đón mẹ chồng về ở chung, cụ thường ở đó với đứa cháu nội. Khoảng 1969 , Quỳnh đã nhân đó , có bài thơ có cái tên khá dài dòng: Gác cao những âm thanh đường phố và hai bà cháu.

Bố công tác xa, ngày ngày mẹ đi làm
Con quanh quẩn cùng bà trên gác bốn
Gian gác cao trèo lên chừng trăm bậc
Gần mặt trời xa hầm tránh máy bay

Trong hồi ức của Đông Mai, sau đoạn kể chuyện hai chị em người ở Hà Nội, người ở quê, sum họp dưới mái nhà của bà nội, đến đoạn hai chị em bơ vơ giữa thành phố lớn. Đông Mai viết:

“ Nhưng rồi sau đó ít lâu, bà tôi mất. Như con chim quen có tổ lại được bà nuôi nấng từ tấm bé, nay chúng tôi bỗng thấy bơ vơ. Quỳnh ở khu Văn công Cầu Giấy, tôi thì ở nội trú trong trường Trưng Vương, cách nhau khoảng 10km. Hai chị em chỉ còn biết nương tựa vào nhau.

Những ngày nghỉ, lúc thì tôi đến chỗ Quỳnh, lúc thì Quỳnh đến chỗ tôi. Trong lúc mọi gia đình sum họp, thì chị em tôi ăn cơm tập thể, nằm ôm nhau trên chiếc giường cá nhân hoặc lang thang ngoài hè phố, trò chuyện nhỏ to. Và sau những câu chuyện vui lại là những chuyện buồn, những kỷ niệm về người thân, về một thời có nhà có cửa.

... Những buổi tối mùa đông, giá rét, hai chị em tôi, nhìn qua cửa sổ của những căn nhà bên đường thấy gia đình người ta, cha mẹ, anh chị em, bà cháu quây quần bên mâm cơm bốc khói mà thèm một mái ấm gia đình biết bao nhiêu. Những cảnh tưởng như bình thường đối với mọi người ấy, đối với chúng tôi thì lại là niềm khát khao mơ ước, là chuyện xa vời như trong cổ tích vậy.

Chúng tôi sợ nhất những ngày Tết đến. Người ta vui vẻ chuẩn bị đón mừng năm mới, còn chúng tôi chẳng có người thân, chẳng có một mái nhà sum họp đâu nghĩ đến chuyện đón xuân về. Để quên đi những nỗi buồn, tôi và Quỳnh thường đi dạo quanh bờ hồ Hoàn Kiếm hoà vào dòng người tấp nập đón giao thừa. Nhưng khi tiếng pháo giao thừa đã hết, trở về khu tập thể, mọi người chìm trong giấc ngủ thì chúng tôi trùm chăn khóc. Nhớ đến mẹ, đến cha, đến bà, đến những đêm ba mươi Tết xưa.”

Thơ Xuân Quỳnh cũng có lúc đã ghi lại nỗi xót xa ấy:

Tôi không có một căn phòng
Lang thang suốt những năm ròng tuổi thơ

Ta hiểu vì sao, trong những căn phòng 6 mét, 8 mét kia -- Quỳnh vẫn cảm thấy một thế giới của riêng mình, và để tất cả tâm sức chăm lo cho nó.

Theo lối suy luận thông thường, hẳn ai cũng nghĩ một người con gái xinh đẹp, lại từng 7-8 năm sớm ở văn công, Xuân Quỳnh là một thứ tiểu thư nghĩa là sinh ra cho người khác chăm sóc và luôn đòi hỏi được chiều chuộng .

Khi mới quen Quỳnh, tôi cũng nghĩ thế. Nhưng tôi đã lầm.

Không những thích gần gũi trông nom những người thân - xưa ở nhà là cha mẹ, sau là chồng con - mà Quỳnh còn rất biết làm những công việc ấy, với người mà Quỳnh yêu quý. Nói chung, người thi sĩ này biết làm đủ việc của một người vợ người mẹ thông thường.

- Là một người phụ nữ, tôi có hiểu biết khá toàn diện (tôi khâu vá khá lắm, tôi không muốn khâu vá đấy thôi) .Tôi cảm thấy tôi có thể làm chủ những trang trại lớn, mà làm nhẹ thênh đi, chứ không nặng nhọc đâu.

- Tôi rất lạ là ông C. là người đàn ông mà chuyên môn phải cho con ăn sữa đêm, chuyên môn đi chợ. Tôi không thế đâu, ông Tuấn ông ấy mua mỗi thứ mất một buổi sáng, tôi cũng từng ấy thì giờ phải mua được vài thứ.

Những loại chuyện như thế này, Quỳnh thường nói với chúng tôi, khi mới quen biết, và chúng tôi được chứng kiến khá rõ khả năng làm chủ gia đình của Quỳnh. Thơ Quỳnh cũng đã chất đầy những chi tiết đời thường, mà một người phụ nữ trẻ, thường bị ám ảnh, trong cái vòng luẩn quẩn là lo cho chồng con ngày mấy bữa cơm lành canh ngọt. Đây lại cũng có thể coi là những trang nhật ký thời chiến.

Thành phố lắm bụi than
Lắm súng đạn trong nhữnt ngày chiến đấu
Cái thì thiếu và đâu đâu cũng thiếu
Điện tắt ban ngày, điện tắt ban đêm
Nhiều người mua nhưng ít cửa hàng
Những vải gạo thực phẩm đèn bán phiếu
Thì giờ ít, xếp hàng lâu phát cáu
Nhất là ở cửa hàng bánh mì mùa đông
Những năm ấy
Trên dãy phố Hàng Đào chật chội
Yêu cả cái bực mình khi xe xướng phải nhau
Lòng yêu Thủ đô
Cuối phố kia ngôi nhà bom giặc phá
Tiếng bom gầm vỡ kính cửa phòng tôi
Trước cửa hàng mua thịt rau tươi
Tôi cũng tiếp dài thêm “hàng ngũ” ấy
Chợt nhìn lên khoảng trời quen tôi thấy
Mây ngổn ngang như công việc hàng ngày

Những đoạn thơ trên Xuân Quỳnh viết những năm đầu chống Mỹ , khi chưa đầy 30 và còn sống với người chồng đầu tiên. Nếp sống lo làm lo ăn trông nom gia đình, còn được Quỳnh duy trì mãi về sau, và có lần, được Quỳnh đúc kết, làm nên sự khác nhau giữa phái yếu và phái mạnh

Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi
Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây
Gạo, bánh, củi, dầu chia thế nào cho đủ
Đầu óc tính toán nghĩ về chợ búa
Những quả cà, mớ tép, rau dưa
Đối với Nít và Kăng, những siêu nhân nay và xưa
Xin thú thực: chúng tôi thờ ơ hạng nhất
Chúng tôi còn phải xếp hàng mua thịt
Sắm cho con đôi dép tới trường
Chúng tôi quan tâm đến xà phòng đến thuốc đánh răng
Lo đan áo cho chồng con khỏi rét

Thơ vui về phái yếu, 1986

Cũng cần nói thêm là mặc dù từ lâu đã trở thành người Hà Nội nhưng Quỳnh vẫn giữ được nhiều thói quen tốt của một thiếu nữ trưởng thành ở nông thôn mà nét tiêu biểu là... thích tự tay làm lấy mọi thứ ; thức gì mình làm ra thì ăn mới thấy ngon. Ngày Tết, gia đình các bạn thân có thể nhờ Quỳnh đến gói bánh chưng giúp. Hoặc có lần hứng lên, Quỳnh “doạ” là lúc nào đó, sẽ làm một mẻ tương, biếu mỗi gia đình một chai. Chúng tôi tin những tác phẩm ấy của Quỳnh chẳng khác chi tin thơ Quỳnh vậy.

Tuy nhiên, dần dần người ta cũng nhận thấy, tất cả những khả năng trên của Quỳnh, đòi hỏi phải có điều kiện mới trở thành hiện thực. Chỗ khác của Quỳnh với phần lớn những người đàn bà gọi là đảm đang ở xã hội ta là do nghề nghiệp làm thơ, đúng hơn do bản chất thi sĩ của Quỳnh quy định. Những người khác đảm đang trong những gia đình mà họ coi như ấm êm. Họ không có nhiều yêu cầu về chồng con. Hoặc trong mức độ nào đó mà nói, họ thả dông thả dài, chồng con thế nào mặc, cứ thói quen của mình mà họ sống. Xuân Quỳnh không thế. Xuân Quỳnh chỉ lo lắng hy sinh trong điều kiện lòng lúc nào cũng hồ hởi tình yêu với người đang chung sống với mình. Mà tình yêu lại chỉ nảy sinh và bền vững trong chừng mực người đàn ông lúc nào cũng sôi nổi hấp dẫn, cũng có gì xứng đáng với sự chịu đựng, sự hy sinh của Quỳnh người đàn ông ấy vừa phải hết sức gần gũi Quỳnh, vừa có gì đó vượt cao lên hơn Quỳnh.

Có phải dễ dàng gì, cái việc một người đàn bà tìm ra được một người như thế?

Tuấn, người chồng đầu tiên của của Quỳnh, là một thanh niên không những đẹp trai, mà lại tốt bụng, biết chăm lo hạnh phúc gia đình. Giá kể làm bạn với một phụ nữ khác phù hợp tính tình, Tuấn có thể trở thành người chồng mẫu mực mà một số phụ nữ ao ước.

Khốn thay, những phẩm chất mà Quỳnh ao ước ở người đàn ông thì Tuấn lại thiếu, và không bao giờ tính là mình nên có.

Vì thế khi sắp lấy Tuấn trong những lá thư gửi cho Đông Mai, Quỳnh mới có vẻ phân vân lưỡng lự, và chỉ quyết định lấy Tuấn sau khi tin rằng rồi ra mình sẽ cảm hoá được Tuấn, làm thay đổi được Tuấn. Lòng tin ở mình là động lực chính chi phối hành động của Quỳnh trong đám cưới.

Đến khi chung sống được một thời gian, thấy Tuấn vẫn chỉ là Tuấn (trong khi bản thân Quỳnh thì lại tiếp nhận bao nhiêu thay đổi), sự buồn chán sẽ sớm đến với Quỳnh, và tất cả những năng lực đàn bà nói trên, Quỳnh không bao giờ phát huy hết.

Trong hoàn cảnh ấy đứa con trai đầu lòng trở thành một thứ một thứ cứu cánh một niềm an ủi . Xem con như một thứ vệ tinh bất di bất dịch ,-- khi đi họp, đến nhà bạn chơi, đến cơ quan làm việc, Quỳnh đều luôn luôn mang Tuấn Anh theo, mặc dù chỉ là đèo con trên chiếc ghế mây cũ kỹ buộc sau xe đạp.

Hồi ấy, ở cơ quan Quỳnh có chị T. mải đi nghỉ mát, bỏ cả buổi chia tay với đứa con trai đi học xa. Quỳnh bảo: Tôi không thể thế. Tôi không thể chịu được những người đàn bà ích kỷ, không thương con.

Nhưng với Tuấn thì khoảng cách tình cảm giữa hai vợ chồng ngày càng trở nên rõ rệt . Và những công việc gia đình, đối với Quỳnh, không còn là niềm vui, mà chỉ là những việc làm theo nghĩa vụ, làm cho xong chuyện.

Đối với bà mẹ chồng - lúc ấy cụ cũng đang ở đấy với Tuấn - Quỳnh trông nom săn sóc may quần may áo cho cụ khá chu tất. Song là hai thế hệ phụ nữ khác biệt, làm sao hai mẹ con thông cảm được với nhau!

Thế là ý nghĩ về sự chia tay cứ đến ,và làm tổ luôn trong tâm trí , không từ bỏ nổi .



IX . Tự nhiên tự phát

Còn nhớ vào những năm sáu chín, bảy mươi gì đó, tôi đã được nghe nhà thơ T.Th, cũng trạc tuổi Xuân Quỳnh nhận xét thẳng thừng:

- Cô Quỳnh tài thì tài thật nhưng nếu có một lớp nghiên cứu và trao đổi nghiêm túc về lý luận thơ ca thì muốn dự với danh nghĩa bàng thính cũng không đủ tư cách.

Tôi không biết cãi lại làm sao.

Nói về mặt văn hoá thì sự bắt đầu của Quỳnh quả có thấp thật. Trong Sơ lược lý lịch để ở Hội Nhà văn (khai 29-8-82) Quỳnh ghi trình độ văn hoá lớp 10 (hết cấp 3) có lẽ cũng là một sự áng chừng.

Một trong những bài thơ Quỳnh đắc ý cuối đời là bài Tự hát trong đó có hai câu:

Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Biết làm sống những hồng cầu đã chết

ý thì rất hay. Nhưng trong sinh học, không có chuyện làm sống lại những hồng cầu đã chết. Chỉ có những hồng cầu hết hạn sử dụng , vỡ ra tại gan và những hồng cầu mới sinh ra, thế thôi.

Để toán học và lý, hoá, sinh một bên, - hãy nói tới kiến thức hàng ngày. Bài Bao giờ ngâu nở hoa là một thứ thơ cảm đề nhân đọc mấy câu thơ Nắp đàn khoá sợi dây vẫn hát - Bao giờ ngâu nở hoa của Lưu Quang Vũ mà viết ra Quỳnh đã mượn ngâu để nói về tình cảm của mình.

Những bông hoa nho nhỏ
Chỉ có chút hương đầu
ẩn vào trong kẽ lá
Như mối tình lặng câm
.....
.....
Mùi hương không hẹn trước
Tình yêu đến bất ngờ
Em đâu biết bao giờ
Mùa hoa ngâu ấy nở

Khi Tự hát, tập thơ in bài thơ trên được phát hành là cuối 1984, nhà văn Nguyễn Tuân còn sống. Lần ấy, tôi và Xuân Quỳnh đang đứng nói chuyện ở sân thì được Nguyễn Tuân gọi lại.

- Các cô các cậu có biết người ta không gọi là ngâu nở mà gọi là gì không?

Trong lúc Quỳnh còn ngớ ra, chưa biết trả lời bề nào, tôi vụt nhớ lại cái chữ lúc nhỏ vẫn nghe mọi người trong gia đình nói về ngâu liền nhanh nhảu kêu lên:

- Ngâu chín! Thưa bác có phải bảo ngâu chín mới đúng!

- Đúng. Sói và ngâu, người ta không nói nở như các loài hoa khác.

Nhắc lại những chuyện này để thấy việc học tập là vô cùng, còn Quỳnh, cũng như nhiều cây bút có tài khác thuộc thế hệ chúng tôi, thực sự là không có sự bình tâm để mà học, cứ sống lướt đi và còn rất nhiều chuyện đáng lẽ cần biết mà vẫn chưa biết.

Có thể là lúc nào đó, với một vài nhà thơ nào đó, thừa kiến thức mà thiếu năng khiếu nghệ thuật, Quỳnh đã có những lời bốp chát, khiến mọi người thành kiến.

Song, nói chung ,Quỳnh rất hiểu cái chỗ hổng chỗ thiếu của mình, và rất lo học . Với tư cách một người có quen biết Xuân Quỳnh từ 1967 tới khi Quỳnh qua đời, tôi dám cả quyết như vậy .

Nhưng trước hết, hãy nói về chuyện năng khiếu.

Thời xưa, tương truyền có những nhà thơ xuất khẩu thành chương, những người buộc phải làm thơ trong một hoàn cảnh căng thẳng gấp rút nào đó, và danh bất hư truyền, bao giờ cũng làm xong trước sự ngớ ra kinh ngạc của những người làm thơ.

Gạt đi lối bắt vần ép chữ gò gẫm kiểu mấy chàng hay chữ làm thơ con cóc, thì đúng là có những người sinh ra để làm thơ, và các bài thơ câu thơ hiện ra một cách xuất thần, nghĩa là thật dễ dàng, như có ai ốp đồng vào tay vậy kiểu như thơ Hồ Xuân Hương:

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ

Thơ Tú Xương :

Sông kia rày đã nên đồng

Nhất là câu kiều tuyệt vời, một trong những câu hay nhất được viết bởi ngòi bút Nguyễn Du:

Mai sau dù có bao giờ

Nhà thơ lao tâm khổ tứ thế nào không biết, nhưng khi đến với độc giả, tác phẩm phải mang được cái vẻ đẹp thuộc loại cao quý nhất trong văn học vẻ đẹp tự nhiên. Nhà sáng tác phải biết làm chủ cảm hứng của mình, phải biết thai nghén chuẩn bị, lại phải mau mắn thông minh khi sinh nở. Những người thành công cho biết càng kéo dài thời gian viết, tác phẩm cũng dễ nhạt.

Năng khiếu nói ở đây, bao gồm tất cả những sự hiểu biết một cách bản năng thế nào là thơ, cũng những xúc động người thường có thể bỏ qua, thậm chí, coi là vô ích, cho là có hại, song chúng lại là lẽ sống của người làm thơ. Dưới đây là một đoạn định nghĩa về cảm xúc thơ, được Xuân Quỳnh trình bày dưới hình thức những biểu hiện mà mất đi, trước mắt chúng ta không còn là nhà thơ nữa

Trận mưa xuân dẫu làm áo ướt
Nhưng lòng em còn cảm xúc chi đâu
Mùa đông về quên nỗi nhớ nhau
Không xôn xao khi nắng hè đến sớm
Chuyện hôm nay sẽ trở thành kỷ niệm
Màu phượng chẳng nồng nàn trên lối ta đi
Gió thổi nơi này không lạnh tới nơi kia
Lời nói tâm tình trở nên nhạt nhẽo
Nghe tiếng con tàu em không thể hiểu
Tấm lòng anh trong mỗi chuyến đi xa
Em không còn thấy nhớ những sân ga
Những nơi đã đi, những nơi chưa hề đến
Khát vọng anh dẫu hoà trong sóng biển
Sóng xô bờ chẳng rộn đến tâm tư
Nếu ngày mai em không làm thơ nữa

Chất thơ ở đây, đồng nghĩa với cái khả năng mau mắn trong liên tưởngvà tự nhiên tinh tế trong việc nắm bắt bằng hết mọi biểu hiện cuộc sống ; chất thơ ấy, đối lập với cái gọi là nhịp đời êm đềm, song thật ra là ù lì hàng ngày “không nỗi khổ, không niềm vui kinh ngạc”

Một khi đã nhận chân cái gọi là chất thơ như thế, - truớc tiên là biết gọi ra những sốt sáy nóng lạnh ấy của mình, trình bày nó ra trước bạn đọc như là cái gì tươi nguyên, duy nhất - Xuân Quỳnh thực đã chứng tỏ cái gọi là năng khiếu, mà ai cũng biết là không thể thiếu cho nghề nghiệp.

Giữa những người đang sống và đang viết không dễ gì để nói chính xác ai sẽ còn lại với văn học sáng tác của ai là có giá trị lâu dài. Song nếu như cần nêu lên một người hình như rất gần với thơ, sinh ra để làm thơ, thì nhiều người gặp nhau ở cái ý: Xuân Quỳnh.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh có lần bảo riêng với tôi:

- Thơ Xuân Quỳnh tự nhiên, như đã gọi là phụ nữ, thì phải sinh con đẻ cái vậy.

Sau khi đọc xong bài Sóng, đăng trên báo Văn Nghệ đầu 1968, nhà thơ Vũ Cao cũng có tâm sự, đúng kiểu đồng nghiệp vẫn nhìn nhau:

- Bài này Quỳnh nó viết bợm thật. Nghĩa là đọc xong, tự nhiên mình cũng có ý nghĩa là phải viết, viết một cái gì cho ra trò một chút, cho nó phải nể.

Một mặt, phải nhận là trong khi ở nhiều người khác, loại năng khiếu này thui chột rất nhanh, thì ở Xuân Quỳnh, thứ của trời cho ấy gần như còn mãi cho đến cuối đời. Nó gắn với bản tính bẩm sinh ở Quỳnh. Nó mang lại cho Quỳnh biết bao vui sướng đau khổ, như chúng ta sẽ thấy.

Mặt khác, phàm đã làm thơ, người ta đều biết là với bất cứ ai, năng khiếu cũng là không đủ, và Xuân Quỳnh cũng không phải là một ngoại lệ.

Trong một thời gian dài mấy năm đầu 1970-71, vấn đề bồi bổ kiến thức với lớp nhà văn trẻ đã có dịp bột phát và được nhiều người nói tới. Xuân Diệu, hồi ấy, từng nói thẳng với chúng tôi :

--- Khen tuổi trẻ nhiều khi cũng như khen thời gian. Thời gian qua đi, lứa sau hơn lứa trước là chuyện tất nhiên. Nhưng tuổi trẻ nhiều khi không biết quý thì giờ . Từ 20 đến 35, người ta bay bằng đôi cánh của thiên nhiên, đôi cánh trời cho. Nhưng nếu không chịu học thêm, lúc 35, đôi cánh tự nhiên yếu đi, không đủ nữa, thì sống làm sao nổi?

Trong đời sống, Xuân Quỳnh không phải là người hay gần gũi và chuyện trò với Xuân Diệu: có lẽ những gì tương đồng thì không hút nhau mà đẩy nhau chăng?

Nhưng loại ý kiến như trên của Xuân Diệu, thì Xuân Quỳnh rất thấm thía.

Phần trên, chúng ta đã cùng đọc qua đoạn thư Xuân Quỳnh gửi Vân Long, nói nỗi phân vân của mình, khi rời khỏi văn công mà một trong những lý do Quỳnh nêu lên khá chính đáng: ở văn công được đi đây đi đó, và đấy là một dịp để học hỏi thêm. Sự bồi bổ kiến thức Quỳnh đã đặt ra với mình từ ngày ấy.

Khi trở về Hội Nhà văn, Quỳnh càng hối hả lo việc học, trước tiên là học thêm tiếng Pháp để làm việc.

Nhớ lại những kỷ niệm về Xuân Quỳnh (sau vụ tai nạn 8-1988) nhiều bạn cùng tuổi không thể quên những buổi cùng học môn ngoại ngữ này với Xuân Quỳnh ở báo Văn Nghệ.

Một trong những người cùng học nữa với Xuân Quỳnh, là Võ Văn Trực. Bề ngoài, hai người trông khác hẳn nhau, Trực củ mỉ cù mì, nông dân thiết thực, Quỳnh tài hoa duyên dáng lại nhanh nhảu, tươi bưởi. Song sự chăm chỉ thì hai người gần như không có gì khác nhau. Với Trực, Quỳnh có thể không sợ dốt để học nói, học viết.

Người cùng học tiếng Pháp với Xuân Quỳnh lâu hơn cả là nhà văn Vũ Thị Thường. Quỳnh vốn quen chị Thường từ lớp học Quảng Bá. Sau này, Quỳnh thường qua lại gia đình Chế Lan Viên - Vũ Thị Thường, như qua lại nhà ông anh bà chị. Điều may mắn cho Xuân Quỳnh là Chế Lan Viên dạy ngoại ngữ cho vợ theo một kiểu riêng , dạy bằng cách tự mình dịch các bài thơ tiếng Pháp ra tiếng Việt , dịch một cách cặn kẽ, từng câu từng chữ,-- và bảo người học đối chiếu hai bản mà học . Cách dạy này giúp cho người học có thói quen xử lý văn bản ngay khi học chữ mới.

Không rõ Vũ Thị Thường tiếp nhận lối học này thế nào, chứ với Xuân Quỳnh, đây là cách học lý tuởng, bởi cùng một lúc, đạt tới hai cái đích, vừa về ngôn ngữ, vừa về thơ. Tôi nhớ, khi mới làm quen Xuân Quỳnh, đã thấy Quỳnh có một cuốn sổ khá dày, loại sổ bọc ni lông lúc ấy mới bắt đầu phổ biến. Đi đâu, Quỳnh cũng mang quyển sổ đó trong túi, rồi giở ra ôn lại. Khi mới quen Xuân Quỳnh tôi hỏi mượn, Quỳnh nhất định từ chối . Mãi về sau, khi đã thân hơn một chút, (1969) mới được mượn về chép . Đáng chú ý là trong cuốn sách Quỳnh đặt vào đó những gì thân thiết với trái tim mình, một lá thư Lưu Tuấn xin lỗi Quỳnh trong dịp hai người giận nhau và tấm ảnh nửa người của một bạn trai, mà lúc đó, Quỳnh quý mến hơn hẳn các bạn khác. Sau đó là thơ, những trang thơ chép dày đặc.

Cố nhiên với một người hoạt động văn hoá - ở đây là một người làm thơ - việc học ngoại ngữ không phải là tất cả. Quan trọng hơn, còn là cái mặt bằng kiến thức của anh đến đâu, khả năng của anh trong việc vừa mở ra, tiếp nhận sự phong phú của cuộc đời, vừa nâng cao lên hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó, cái triết lý thấm sâu trong nó. Bàn về cái phần kiến thức cơ bản ấy ở Xuân Quỳnh , tôi ngần ngại , nhưng cuối cùng vẫn phải thành thật mà nói rằng, trong cuộc đời mình, nó là thứ Quỳnh không bao giờ có nổi. Có thể là vì, thật ra, nói là lo học, nhưng Quỳnh còn phải sống, phải làm việc vui chơi trò chuyện với mọi người lấy đâu ra sự bình tâm, như cậu học trò ngồi trên ghế nhà trường. Lại nữa công bằng mà nói, cuộc chiến tranh sôi động cuốn người ta đi, đây là thời gian tiêu xài sử dụng các loại kiến thức chiến tranh, kiến thức để đánh trả kẻ địch , đâu phải “thời lượm đá”, thời xây dựng nền đắp móng cơ bản. Bởi vậy, việc học của Quỳnh lại càng khó khăn thêm một bậc. Trong đám văn nghệ sĩ nhà nghề, chỉ có một việc được coi là quan trọng nhất và gần như duy nhất là đi thực tế. Nói một chuyện nhỏ rất thiết thực: nếu anh là một người làm thơ chẳng hạn, mà anh lại lăn lộn đến một điểm nóng nào đó, của cuộc chiến đấu, rồi anh trở về đưa ra một bài viết ít nhiều có liên quan đến điểm nóng ấy, thì dù bài của anh có hơi yếu một chút, người ta cũng sẵn sàng giới thiệu trên mặt báo. Còn một bài thơ đi vào tìm tòi nghệ thuật thì khó hơn nhiều! Một người tinh khôn như Quỳnh cố nhiên biết thừa điều đó. Nhưng có lần Quỳnh vẫn nói nhỏ với tôi:

- Đi thì tôi có thể làm được bài nọ, bài kia. Song ở nhà, tôi học được. Cái ấy đối với tôi, lúc này còn cần hơn đi nữa kia.

Tôi còn nhớ nét mặt của Xuân Quỳnh trong một đôi lần trò chuyện về văn chương. Khi nào nghe tôi kể vừa mới đọc thêm quyển này quyển kia là y như Quỳnh có vẻ buồn hẳn ,buồn một cách chân thành . Và bởi lẽ ngày mỗi cảm thấy có bao điều đáng học mà mình chưa học được nên càng về sau, lối biểu hiện tình cảm ấy ở Quỳnh càng rõ rệt hơn .

Là người làm lý luận phê bình, tôi đã bao lần khổ sở vì bị một số người sáng tác rỉa róc, coi những điều nói ra viết ra của mình là vô bổ, là không đáng giá chi cả. Sự sùng bái thực tế và khinh rẻ sách vở ở những người này là điều có thật, chỉ có điều có khi nó biểu hiện ra trâng tráo thô bạo, có khi kín kẽ, không dễ phát hiện. Trong một số ít người sáng tác xa lạ với lối bỉ bác sách vở ấy, luôn luôn có Xuân Quỳnh. Quỳnh coi các bài phê bình của tôi, trong những trường hợp khá nhất, cũng là văn học, và sau khi biết rõ rằng tôi không có khả năng làm thơ viết truyện, càng thiết tha khuyên tôi nên tập trung tìm hiểu và sống hết lòng với lý luận phê bình, như Quỳnh đã hết lòng sống với thơ.

Trong số những bài thơ, mặc dù không hay lắm ( vì có phần diễn giải dàn trải ) , nhưng riêng tôi cho là nói được cái chất chủ yếu làm nên con người và thơ Xuân Quỳnh, có bài Hoa dại núi Hoàng Liên. Sau khi tả rất nhiều loại hoa mà loại nào cũng được thêm một định ngữ: hoa nếp mỏng manh, hoa diếp vàng cô độc, hoa nghệ dại ngẩn ngơ, hoa sim tím một nỗi buồn hoang dã, Quỳnh đưa ra những suy nghĩ:

Anh đừng hỏi tên hoa làm chi nữa

Những hoa này chỉ hoa dại mà thôi

Không phải hoa được ở cùng người

Được chăm sóc trong mảnh vườn sạch cỏ

Được khoe đến muôn màu sắc lạ

Và được đời chiêm ngưỡng mùi hương

Không phải hoa được cắm trên bàn

Trong ngày hội của những niềm vui mới

Những hoà này lại nở cho triền núi

Lại nở cho vẻ đẹp của rừng chung

Nên ít ai để ý sắc từng bông

Chỉ thấy núi muôn màu rực rỡ

Đôi khi giẫm lên hoa mà chẳng nhớ

Những hoa này chỉ hoa dại mà thôi.

Bài thơ được viết trong sổ tay đã lâu, trong chuyến đi của Quỳnh lên Lào Cai khoảng tháng tám tháng chín 1969 hay 1970 gì đó, nhưng hình như tác giả cho là không hay nên chỉ đọc cho một số bạn mà không cho đăng báo. Về phần mình, tôi cảm thấy mặc dù lời lẽ có phần kể lể thiếu hàm súc song đây là bài thơ Quỳnh nói về bản thân một cách oan nghiệt , có thể là không có ý thức, nhưng Quỳnh đã nhìn hoa rồi vận vào mình. Một hai lần trong câu chuyện vui đùa, tôi từng đọc trệch Hoa dại núi Hoàng Liên thành Hoa dại góc chợ Hôm (nhà 96 phố Huế trông sang chợ Hôm) , bởi lẽ tôi cảm thấy con người Xuân Quỳnh, cách tồn tại của Quỳnh trong đời là cách tồn tại của loài hoa dại này trước hết, và bao trùm nhất là trong đời sống, trong phong cách sống của con người, trong quan hệ với gia đình anh em bè bạn. Nhưng sự hoang dại này - hoang dại với nghĩa tốt đẹp lẫn cả nghĩa xót xa vì thiệt thòi hạn chế - cũng là phong cách làm nghệ thuật của nhà thơ , phong cách tồn tại của một thanh niên trẻ tuổi kiểu như Xuân Quỳnh. Có dịp làm quen với Quỳnh trong hai chục năm sống cuối đời, tôi nhận ra một sự thực. Một mặt , mặc dù thông minh, nhạy cảm và rất chăm chỉ nữa song Quỳnh không thuộc típ người sinh ra để học, và khó lòng nói rằng đây là một con người của học thức, kiểu các nhà thông thái đọc thiên kinh vạn quyển như chúng ta vẫn gặp. Quỳnh không có cái chất ấy. Mặt khác, có điều lạ là nhiều khi đọc xong một quyển sách mà vất vả lắm tôi mới hiểu được, phải vận dụng khá nhiều loại kiến thức tôi mới đi tới được gần với kết luận của người viết sách, song khi tôi trình bày sơ giản các kết luận mà tôi tạm gọi là khá phức tạp và sâu sắc kia, thì Xuân Quỳnh lại hiểu ngay, lại chia sẻ rất nhanh và lại vận dụng ngay vào cách nhìn đời. Cái ý tưởng xem Quỳnh như một thứ cây dại, hoang dã, khỏe mạnh... đến với tôi, rồi không sao từ bỏ được, lý do một phần là vì như thế, tuy tôi cũng chia sẻ với đạo diễn Nguyễn Đình Nghi ( một người bạn với gia đình Lưu Quang Vũ -- Xuân Quỳnh những năm tám mươi ) một nhận xét:

- Chính những người đọc nhiều lại thích nói chuyện với Xuân Quỳnh có lẽ vì luôn luôn tìm được ở cô ấy những ý tưởng, những suy nghĩ mà mình không có.



X. Một người nồng nhiệt


Có một câu hỏi rồi còn phải tiếp tục suy nghĩ mới trả lời được , nhưng hồi mới quen người bạn này tôi đã đặt ra cho mình : Xuân Quỳnh là người như thế nào?

Và đây là một khía cạnh không thể bỏ qua : Sự thích ứng, nói cụ thể hơn, khả năng sống trong những điều kiện không bình thường, những điều kiện không thuận lợi, đó là nét nổi lên trong con người đầy sức sống này , mà ở trên, khi nói về những ngày Xuân Quỳnh mới lọt lòng, chúng tôi đã nhắc tới.

Trong cảnh mẹ mất sớm , chuyên đi bú chực , cô bé vẫn lớn lên. Hồi ký của Đông Mai còn ghi là có thời gian, đêm nào Quỳnh xa mẹ cũng kh
SỐ TRUY CẬP online