Nguyễn Khải và cảm giác thời đại


đ
ầu năm 1968, mới chuyển về tạp chí Văn Nghệ Quân Đội ít lâu thì tôi bị dạ dày hành cho một trận phải nằm vài ngày liền.

Bấy giờ cơ quan đang sơ tán ở Hương Ngải Thạch Thất, mọi người cùng ở trong một làng nên đến thăm nhau cũng dễ. Một hôm, sau bữa ăn trưa, Nguyễn Khải ghé lại chỗ tôi. Nghe kể bệnh, ông bảo:

- Thế này thì mày còn viết lách ra sao hở em!?

Tôi nhớ như chôn vào ruột cái câu bâng quơ ấy. Bởi tôi biết đó là tiếng kêu chân thành của một người hết lòng với nghề. Lẽ sống của chúng ta là cầm bút, sáng tác là cái đích của đời ta lại cũng là điều duy nhất khiến ta thấy cuộc sống có ý nghĩa, ông muốn bảo vậy.

Nhìn lại các đồng nghiệp của mình, Tô Hoài từng nói rằng nếu không có Cách mạng tháng 8-1945 chắc chắn nhà văn A thành quan huyện, nhà văn B thành giáo sư, chỉ có riêng ông thời thế thay đổi thế nào chắc ông cũng chỉ chọn nghề văn. Với Nguyễn Khải cũng có tình trạng tương tự.

Thỉnh thoảng ông lại nhắc chuyện hồi mới 27-28 tuổi gì đấy, cơ quan Trung ương Đoàn định đưa ông về chủ trì việc gì đấy nhưng ông không nhận. Rồi một vài lần khác, vừa nghe tin được nhắm sẽ phụ trách chỗ này chỗ nọ, ông liền bắn tin từ chối.

Trong lý lịch văn học của ông, người ta không bao giờ quên ghi ông từng là ủy viên ban chấp hành từ 1963, là thường vụ ban chấp hành từ 1967, và khoảng 1988-1989 có lúc đảm nhận cả cương vị phó tổng thư ký Hội Nhà văn.

Nhưng với tôi, kinh nghiệm tham chính của Nguyễn Khải phần nhiều là kinh nghiệm đáng quên. Ông chỉ quen tồn tại như một người viết. Cái chính là ông rất chóng chán. Mỗi lần thất bại là một dịp để ông nhắc lại với tôi điệp khúc: “Thế này là tôi đi sáng tác được rồi!”.

Chỉ riêng trong sáng tác là ông không chịu nản. Những ai đã từng tiếp xúc hẳn biết ông nhiều khi sống cẩu thả hời hợt, thậm chí là vô trách nhiệm với mọi người. Thế nhưng đó là cái phần khôn ngoan của ông: chỉ cốt sao khỏi bị làm phiền.

Ông luôn luôn tâm niệm rằng cái chính trong con người ông là ở trang viết. Ở đó ông sắc sảo trong việc nhìn nhận sự đời và có tiếng nói của mình trước các vấn đề trọng đại của xã hội. Đồng nghiệp và đông đảo bạn đọc đã và sẽ bỏ qua cho ông nhiều điều, để giữ lại cái phần chính là những đóng góp độc đáo chỉ ông mới có.

II) Mở đầu Xung đột tập I, in ra ở NXB Văn Học năm 1959, có một đoạn tự bạch. Trong các lần xuất bản sau, đoạn văn này thường bị vứt bỏ, nhưng tôi cho rằng để hiểu Nguyễn Khải, nó rất cần thiết:

“Tôi về thôn X, một thôn Công giáo toàn tòng ở miền hạ huyện Nghĩa Hưng, Nam Định, vào cuối năm 1956 (...). Lúc đầu tôi chỉ có ý định viết một tập ghi chép. Nhưng trong khi ghi chép các nhân vật và thể hiện lên với nhiều vẻ phức tạp của nó thì tôi gặp một khó khăn lớn là bản thân tôi cũng không lường được (V.T.N. nhấn mạnh) rồi đây những vấn đề đó sẽ giải quyết như thế nào, số phận các nhân vật đó sẽ giải quyết ra sao.

Mà mọi sự bịa đặt đều chỉ có thể dẫn đến sai lầm, tôi mới tiếp tục viết thêm những tập sau nữa, hi vọng rằng trong quá trình nghiên cứu tôi sẽ tìm hiểu được những vấn đề đã đặt ra một cách toàn diện hơn”.

Theo tôi, đoạn văn này đã nói rất trúng cái tinh thần căn bản của tiểu thuyết mà một số nhà lý luận như M. Bakhtin, hoặc nhà văn như M. Kundera vẫn thường nhấn mạnh rằng người viết tiểu thuyết và người viết văn nói chung không thể áp đặt cho cuộc đời những sơ đồ có sẵn. Mà phải tôn trọng nó, thấy nó là một cái gì nhởn nhơ trước mặt không dễ gì nắm bắt được, ngược lại phải lo tìm hiểu khám phá, đối thoại với nó.

Và con đường để đi tới văn chương đích thực hàm chứa cả những hứng thú lẫn những tai vạ có thể có. “Tuy vậy nay xem lại cả bốn tập viết rải rác trong hơn một năm thì thấy có nhiều vấn đề còn lơ lửng, con đường đi tới của một số nhân vật chính còn chưa rõ ràng...”.

Khi sách mang in, nhìn lại công việc đã làm, nhà văn tiếp tục tâm sự bằng cái giọng đầy e ngại. Song chỗ tác giả lo lắng đó lại chính là chỗ mạnh, là cái lý do làm nên sự hấp dẫn của cái ông đã viết. Nó không chỉ đúng với Xung đột mà còn đúng với các tác phẩm của Nguyễn Khải nói chung.

Tôi nghĩ rằng rồi đây người ta phải nói về ông, muốn hiểu về văn học VN sau 1945, người ta còn phải nói về ông. Vì đó vẫn là một trong những ngòi bút giàu cảm giác thời đại hơn nhiều người khác.

III) Ở ngòi bút đó, năng khiếu bẩm sinh được nâng đỡ bởi một ý chí tuyệt vời và một công phu tu luyện ít ai bì kịp.

Xã hội Việt Nam vốn có sự ưu ái đặc biệt với nghề viết văn. Vừa bộc lộ một chút năng khiếu, nhiều người đã được cất nhắc lên thành nhà văn chuyên nghiệp, bằng lòng với việc phục vụ đám bạn đọc dễ dãi và cứ thế kéo dài đời viết của mình một cách tẻ nhạt.

Nguyễn Khải có một cách hiểu khác. Ông tự đề ra một yêu cầu cao với mình. Thường người ta chỉ nói về ông như một người nhạy bén trước các vấn đề thời sự. Nhưng nếu chỉ có thế thì làm sao ông có được vị trí trong lòng người đọc như chúng ta vẫn thấy. “Mi là muối, nếu mi không mặn thì còn được việc gì nữa?”.

Nguyễn Khải thường vẫn thích nhắc lại câu ấy như một lời tự nhủ: phải viết cho hay, nếu không thì cầm bút làm gì? Nên nhớ là Nguyễn Khải làm việc này trong hoàn cảnh ông rất có ý thức về chất chính trị, tính xu hướng của tác phẩm mình.

Ở chỗ mà người khác thấy là một sự mâu thuẫn thì ông đã làm được công việc là dung hòa nó. Chẳng những thế, nó làm cho tác phẩm của ông có thêm một bề dày. Có thứ tư tưởng do ông đề nghị. Nhưng lại có thứ tư tưởng toát ra từ những chất liệu mà ông sử dụng.

IV) Nhà văn này vốn có một cảm quan tôn giáo sâu đậm. Xung đột ghi lại tình thế của con người thời đại đang ngổn ngang giữa ngã ba đường, trí thì đã để ở vào cuộc đời trần thế mà lòng vẫn quyến luyến với đức tin.

Hiệu quả kỳ lạ là hồi chống Mỹ, có người nói với Nguyễn Khải rằng mấy vị linh mục cũng đã phải đọc tác phẩm của ông, và đau lòng vì thấy thế giới tôn giáo của mình hiện ra như vậy. Từ chuyện nghe được, trong ông còn mãi cảm giác tự hào chân chính.

Điều này còn được chứng minh bởi một sự thật là sau chiến tranh, Nguyễn Khải được cả những người vốn sống ở Sài Gòn trước 1975 tìm đọc. Tháng 4-2007, gặp nhau ở Hà Nội, tác giả Sông Côn mùa lũ Nguyễn Mộng Giác nói với tôi rằng ở bên Mỹ, một món nghiện của Võ Phiến là Nguyễn Khải. Đọc để bực, để sục sạo khó chịu, nhưng Võ Phiến vẫn cần đọc cả tác phẩm lẫn nghe mọi thứ linh tinh về nhà văn ấy.

Tại sao tác phẩm Nguyễn Khải có sức kích thích đến thế? Một mặt, cái chất cán bộ tuyên huấn không bao giờ từ bỏ ông và suốt đời ông hiểu rằng ngòi bút mình chịu sự ràng buộc của những yêu cầu xã hội, nó trở thành yếu tố độc đáo ở ông hấp dẫn người ta.

Nhưng mặt khác, chất say nghề nghiệp lại vẫn tồn tại và tạo nên cho các trang sách một sức sống nào đó. Cái việc được cả những người khác chính kiến với mình tìm đọc chứng tỏ rằng ở tác phẩm của Nguyễn Khải, vẫn có một phần nào đó thuộc về văn học chân chính. Nếu người ta không đọc ông vì những chủ đề vĩnh cửu, thì người ta lại phải đọc ông vì cái khả năng nắm bắt và kể lại đời sống trong cái thời đại đặc biệt mà ông đã sống.

V) Một chỗ mạnh trong ngòi bút Nguyễn Khải là cảm quan về thời sự. Ông sớm nắm bắt được những đổi thay trong khí hậu chính trị từng thời. Gần nửa thế kỷ nhà văn này đứng ở hàng đầu trong văn học vì những gì ông viết ra khá đa dạng.

Đặc biệt là giai đoạn 1987-1995, khi đời sống văn học có phần cởi mở, và ông thì viết như làm lại mình. Chỉ riêng tập truyện Một thời gió bụi (1993) khiến nhiều người có một ý niệm khác hẳn về nhà văn mà họ đã “chịu” từ 30 năm trước.

Ta hãy để ý đây là thời mà trong văn học bắt đầu xuất hiện Nguyễn Huy Thiệp. Theo chỗ tôi biết, Nguyễn Khải có sự vì nể riêng với tác giả Tướng về hưu. Ông đặt mình trong thế “đối lập” với Thiệp.

Ông là nhà văn của những cuộc đấu tranh tư tưởng. Còn Thiệp là nhà văn của một xã hội dân sự. Cũng đã có lúc ông ghé chân sang cái phần đất xa lạ ấy. Tuy nhiên về căn bản ở Nguyễn Khải vẫn có một sự nhất quán. Trong khi cảm thụ đời sống như một nghệ sĩ, ông biết gạn lọc để chỉ viết ra những gì mà xã hội đặt hàng. Ông biết cái giới hạn mà ông phải dừng lại.

Mấy năm gần đây, chúng ta chứng kiến một sự song hành khác. Trong khi nhiều nhà văn cùng thời rơi vào bế tắc thì Nguyễn Khải trở về với cái mạch mấy chục năm trước của mình. Những cuốn sách ông mới cho in, nhất là cuốn tiểu thuyết tự truyện Thượng đế thì cười cho phép chúng ta nghĩ vậy.

Sự ra đi của ông làm rõ hơn cảm giác về một sự chuyển động chầm chậm đang diễn ra trong đời sống của văn chương nước nhà. Xét bức tranh chung, vẫn phải nói với nhau rằng một giai đoạn đang qua và một giai đoạn mới đang tới, dù là tất cả ẩn sau cái bề ngoài ngổn ngang lộn xộn. Ở vào đỉnh cao trong giai đoạn mà mình đã sống, Nguyễn Khải có một cuộc đời cầm bút thật trọn vẹn.

tuoi tre online
SỐ TRUY CẬP online