Sự gặp gỡ giữa tuổi trẻ và một bề dầy văn hóa

Một hơi văn hồn nhiên tự nhiên mà lại hàm xúc , đó là ấn tượng đầu tiên khiến tôi lưu ý để rồi phải tiếp tục tìm đọc Phạm Hảỉ Anh . Hình như lâu nay chúng ta ít có cái sung sướng được nói tới những dọng văn hay . Nhân danh những tìm tòi hiện đại , nhiều cây bút trẻ nóng vội trình ra một thứ “ phong cách “ thô tháp , bặm trợn , truy nguyên ra là một sự cẩu thả và dung tục trong mỹ cảm . Về phần mình , với chút gì đó riêng tư không giống ai cả , người viết ở đây bắt đầu có một dọng văn riêng để trò chuyện với bạn đọc từ truyện này sang truyện khác . Văn Phạm Hải Anh không pha phách đầy những cách nói cũng như vốn chữ lấy từ tiếng Tây tiếng Tàu mà cũng không làm ra vẻ quê mùa chào bác chào thím đon đả giả tạo . Có nhiều phần chắc rằng đó là dọng văn của một người không chỉ sống nhiều mà còn đọc nhiều , không chỉ tinh thông tiếng Việt mà còn biết đối chiếu nó với các thứ tiếng khác để cô kết lại , đạt đến một khả năng nắm vững ngôn ngữ mà cả những người chín chắn cũng có thể chia sẻ .
Sự thuần thục của văn chương là điều kiện đầu tiên giúp cho một ngòi bút có thể tự do lui tới , và có vẻ như Phạm Hải Anh đã bắt đầu viết văn một cách hồn nhiên , như là phóng bút thật nhanh trước những cảnh sắc vừa quan sát rồi ghi ngay lấy cảm xúc của mình . Đôi khi những trang viết bột phát chỉ kịp trình ra một ít phác thảo không đầu không cuối nó làm chứng cho sự có mặt của một cây bút tuổi còn đang trẻ . Song , ở ta hôm nay là vậy , giữa sự trẻ trung và sự già dặn nhiều khi chỉ cách nhau một sợi tóc ! Giống như đám thanh niên hăm lăm hăm bảy hiện nay trẻ đấy mà cũng già đấy , Phạm Hải Anh lại có lúc đạt đến một sự chững chạc hiếm có . Thậm chí tôi còn muốn nói từ đây người ta mang máng cảm thấy như là bắt đầu hé ra một thế giới riêng của tác giả .
Ngoại trừ một ít truyện như Trở về cốt truyện có liên quan đến một sự đắm say cuồng nhiệt , rồi dẫn tới oán thù người này chết người kia mang hận cả đời ... phần chính của các sáng tác in trong Đi hết đường mưa tập trung ghi lại những cảnh đời nhộn nhạo mà lại phẳng lặng buồn tẻ đến mức có thể bảo là không có gì xảy ra . Cứa sổ thu góp trong mình đủ vẻ hỗn độn của một xóm nghèo ở đó cái tầm thường nhếch nhác có những bộ mặt khác nhau . Thiên truyện kết thúc bằng cái hình ảnh mái ngói “hàng hàng xuôi xuống như suốt đời ép mình nhẫn nhục. ở dưới ấy là bao nhiêu con người sống không cần cửa sổ “ (VTN gạch dưới ). Cuộc cọ xát giữa các nhân vật trong Mờ nhân ảnh mặc dù đi tới cả cái kết cục ghê gớm --- người chồng già đổ a-xít vào mồm bà vợ -- , song nay là lúc con người làm ác cũng không nên thân , và mọi biến cố , rút cục lại , giống như một chuyện tầm phào . Thương lá rách , Một chuyến đi , Trái hồng xiêm ngày cũ , khác nhau nhiều về thực tế được nói tới mà lại gần nhau ở một cảm quan chung . Cuộc sống ở đây trì trệ cũ kỹ thật , song nó ổn định , nó bền , nó vững chãi đến mức mọi sự thay đổi dường như vô nghĩa ,mọi yếu tố mới mẻ đều xuất hiện với vẻ yếu ớt bất lực muốn yêu cũng không yêu nổi . Bề ngoài các nhân vật trong Trái hồng xiêm ngày cũ đã trải qua một sự đổi đời lớn lao . Họ dọn nhà . Có gia đình sắm thêm được bộ xa lông . Có người thay con xe mới . Song le, nhìn kỹ mà xem , tất cả vẫn thế , dù tác giả có để cho một nhân vật “quên bẵng chuyện nhà cũ “ song hình như cái cũ ấy vẫn ngự trị trong phần sâu kín của tâm thức mọi người. Và cái câu kết “ Ngôi nhà cổ mái ngói âm dương phủ rêu có cả đắng chát và vị ngọt của quả hồng xiêm ngày cũ “ không chỉ là đúng cho hôm qua hay hôm nay , nó đúng cho cả cái hoàn cảnh chung , nó như một thứ khí hậu ngự trị cùng năm tháng .


Giống như cái môi trường mà họ đã sống , chính đám nhân vật mà Phạm Hải Anh đưa vào trong các truyện trước tiên cũng gợi cho người ta một cảm tưởng chung là tầm thường tẻ nhạt . Có thể có người này ác người kia hiền , người này đầy tham vọng nổi lên làm giàu , người kia cam phận . Song nhìn chung , họ cứ gợi cảm giác bé nhỏ lom đom lụn vụn đến mức tội nghiệp . Đến mày mặt họ cũng không để lại ấn tượng gì rõ rệt ,mỗi người một khuôn mặt riêng mà tất cả lại nhang nhác như nhau, lẫn lộn vào nhau thành một đám đông mờ xám . Đám tuổi đã già thì chẳng nói làm gì rồi . Này là ông La Rút khoe rằng xài từ điển hàng ngày song cũng hàng ngày đi phơi nhờ quần đùi . Kia là ông Xuân Phương trưng một cái biển Xuân Phương shop thật oai , nhưng thực tế khách hàng chỉ là mấy người nước ngoài tới đánh giày , và ông chủ thì còn mê làm ca dao hò vè cho tổ hưu trí hơn mê kiếm sống . Kia nữa bà cụ chuyên cởi trần ngồi tắm bên cái bể nước tập thể , nhờ bọn trẻ đi qua kỳ lưng , và hứa là khi chết xuống âm phủ sẽ phù hộ cho người đó để đền ơn ...Mỗi người lầm lũi trong một cuộc đời như là đã hả hết hơi ( cuối cùng thì họ chẳng khác chi những cái kẹo mà bà cụ ấy quanh năm dành dụm rồi đến khi bắt đầu chảy nước thì mới mang cho con cháu ) , và họ càng hiện lên sắc nét thì càng có khả năng gợi nên trong lòng độc giả cái cảm giác trì trệ mà tác giả muốn truyền đạt . Nhưng ngay những nhân vật trẻ cũng không khá hơn bao nhiêu . Họ cũng lờ đờ như những cái bóng . Mất hết cái kiêu hãnh đáng lẽ phải có , họ sống uể oải cam chịu . Nhìn về phía trước , họ chỉ thấy một chiều vô vọng . Chưa ao ước đã biết chắc rằng ao ước không thành. Và trong lòng họ ,cái đẹp bao giờ cũng xa vời , cái đẹp không đất trú ngụ . Trong Cửa sổ , nhân vật chính nhớ lại rằng ngay từ tuổi thơ , chơi thả thuyền với bạn bè , thì cũng nhớ ngay rằng thuyền của mình không bao giờ tới biển , và còn khát biển đến tận bây giờ . Trong Lập xuân , một nhân vật khác đau đớn thấy tuổi trẻ của mình thiếu một cái gì đáng lẽ phải có .” Môi tôi lạnh và khô. Tôi nhớ một buổi tối như thế này , có những bông hồng không bao giờ nở , nằm héo rũ trong sọt rác . Hình như tôi chưa bao giờ biết khao khát một cái gì . Hình như tôi luôn thèm được khao khát một cái gì ..” Một khi cả những người tốt lẫn những người xấu cả ,hoặc như hai anh em trong trong Bình chân như vại --cả người con trai ham tiền hư hỏng lẫn người anh của anh ta có vẻ có cuộc sống tinh thần riêng tư có suy tính -- đều nghèo nàn tẻ nhạt và vô phương cứu chữa như nhau , thì mọi hoạt động của lý tính đều dễ trở nên vô nghĩa . Tuy không được gọi tên ra rõ ràng song một thoáng phi lý bắt đầu lan ra như một đám sương , và trong đám sương khói đó , người ta cứ bồng bềnh mà sống .


Có một nét lạ trong sự phát triển tinh thần của các nhân vật trong văn xuôi của Phạm Hải Anh hôm nay : ở đây , người ta , nhất là đám phụ nữ , rất thích tìm tới các loại thày bói thày cúng và các loại thế lực vô hình để nhờ phụ trợ . Nghĩa là vẫn ngấm ngầm ao ước muốn có một chút hạnh phúc bé bỏng . Muốn mọi chuyện dễ chịu hơn một chút . Muốn làm lại đời mình . Sự cầu cúng diễn ra theo những nghi thức nhiều khi không kém phần rườm rà , niềm đam mê được tham dự một trò chơi lôi cuốn người ta ( chơi theo nghĩa nhân văn của khái niệm này ) --- ít ra nó cũng giúp cho chị nọ cô kia đỡ đi cái cảm giác nặng nề về một cuộc sống ngày càng mất thiêng đi rõ rệt. Song hình như trong cả tâm tình nhân vật lẫn trong giọng kể tác giả vẫn thấy phảng phất một điều nghi hoặc --- cầu cúng cho đỡ buồn thôi cho phải phép thôi , chứ trong bụng không ai thật tin số phận mình sẽ thay đổi hoặc rộng hơn cả cuộc đời này thay đổi . Và một thoáng hài hước cứ len vào trong cái công việc đáng lẽ phải nghiêm chỉnh này . Được khoác thêm một vẻ ngoài mỹ miều , sự buông xuôi chấp nhận do đó càng có lý do dể tiếp tục .
Sau bao thăng trầm biến động , nhiều nhân vật trong Đi hết đường mưa cuối cùng lại như trở lại cái thế ban đầu của mình . Lập xuân là thế, Cái đồng hồ là thế , và Mờ nhân ảnh cũng là thế . Nhưng chính ở cuối Mờ nhan ảnh đó , cô gái có tên là Miên chứng kiến ở mình một cảm giác kỳ lạ : khi vắng cái cuộc sống từng làm cô chán ngăt vì sự chẳng đâu vào đâu của nó , chính cô lại cảm thấy nhơ nhớ . Trường hợp của Miên nói ở đây cũng là trường hợp của nhiều nhân vật khác từng làm điểm tựa cho Phạm Hải Anh quan sát và miêu tả thế sự . Họ có ý thức rõ ràng rằng mình không nhập được vào cuộc sống chung quanh . Nhưng bảo rằng tách ra cũng không phải . Vốn thông minh và nhạy cảm , họ không tự đặt mình cao hơn cái đời sống mà họ là một bộ phận .Trong khi ái ngại cho mọi người đồng thời họ cũng xót xa ngay cho mình và tự giễu ngay cả cái thái độ thích ứng nó nảy sinh ở mình một cách tự nhiên không sao giải thích nổi .
Cố nhiên , có thể bảo như vậy là các nhân vật như Miên ,như Hoài , như nhân vật xưng tôi trong nhiều câu chuyện ( và tác giả của chúng ta cũng vậy ) đã đánh mất cái ưu thế riêng của tuổi trẻ . Đã hèn đi , bé nhỏ đi . Đã lẩn tránh trách nhiệm . Song biết làm thế nào ? Đời sống phong phú kỳ lạ đến mức nói về nó thế nào cũng được , giải thích thế nào cũng là có lý , và mỗi ngòi bút –trước tiên là mỗi con người ---có quyền được có một cách nhìn riêng , miễn đó là sự suy nghĩ của chính ngòi bút ấy chính con người ấy chứ không phải một sự học đòi vay mượn . Sau khi cố ý mang cái thực tế ù lì trì trệ và cả những kệch cỡm lố bịch đầy rẫy trước mắt ra bêu rếu , có những cây bút nhân danh trí thức nhân danh nhân bản xoay ra cười giễu tàn nhẫn và xoa đầu chung quanh đầy vẻ trịch thượng . Tưởng như xuất phát giống họ , song Phạm Hải Anh không đi theo lối mòn của họ . Trong cái vẻ như là tự kiềm chế như là trở lại với cổ điển , thực ra ngòi bút này lại chứng tỏ ở mình có một bề dày văn hoá chắc chắn . Đứng trước cái cũ cổ lỗ cóc cáy mà anh ta hàng ngày phải đối mặt , nhân vật chính trong Cái đồng hồ cảm thấy “ có một cái gì …. vừa buồn cười vừa kinh sợ và khâm phục “. Sự dồi dào trong sáng tác của ngòi bút Phạm Hải Anh hôm nay có lẽ cũng bắt nguồn từ cái cảm giác độ lượng mà cũng đầy chất chất nghệ sĩ đó , và có thể dự đoán tác giả sẽ tìm thấy mối đồng cảm bền chắc ở nhiều loại bạn đọc .
SỐ TRUY CẬP online