Cánh bướm và đoá hướng dương

Với Cánh bướm và đoá hướng dương, Vương Trí Nhàn đã tạo được cho mình một phong cách và giọng điệu riêng, là điều ít được gắn cho một cây bút phê bình.
Trong số những tên sách lý luận phê bình có phần "khô khan", nghiêm túc, tập tiểu luận phê bình Cánh bướm và đoá hướng dương của Vương Trí Nhàn nghe có vẻ lạ tai và "hơi sái", nhưung khi đọc lời dẫn của tác giả ở đầu sách và đặc biệt khi đọc bài viết về Nguyễn Bính, chúng ta mới hiểu được chủ ý của tên gọi đó. Từ chỗ đứng của người trong cuộc, Vương Trí Nhàn đã đúc rút những kinh nghiệm trực tiếp từ cái đời sống cừa cao quý vừa phiền tạp của nghề văn. Phê bình của Vương Trí Nhàn có một cách thế riêng, thể hiện quan niệm và những thao tác phê bình của riêng anh. Có thể nói, hầu hết những gương mặt tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, từ cổ điển đến hiện đại đều có mặt trong tập sách của Vương Trí Nhàn. Các chân dung văn học của Vương Trí Nhàn không phải là những bộ mặt tinh thần đầy đủ, hoàn chỉnh của nhân vật đó, mà phần lớn chỉ là những nét phác hoạ, ấn tượng và đậm nét. Viết về ai anh cũng cố gắng nắm bắt và chỉ ra cái "thần" của riêng người đó, ghi nhận cái độc đáo có một không hai mà chỉ riêng họ mới có. Anh thường chộp lấy một chi tiết nghệ thuật, một nét tính cách nào đó (mà theo anh là tiêu biểu nhất) để nhấn mạnh và tô đậm, coi đó là phần cơ bản trong phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ.
Đọc Cánh bướm và đoá hướng dương ta như được tiếp xúc với một người vừa thông minh, lịch lãm lại vừa suồng sã, xô bồ. Trò chuyện với họ vừa thích thú vừa khó chịu, sắc sảo đấy nhưng cũng hay tỏ ra "tinh tướng", chẳng có gì qua mặt được tôi. Cây bút này đôi khi cũng riết róng và cay nghiệt đến điều khi phê và giễu ai đó. Vương Trí Nhàn như muốn nói rằng: Nghề văn nó thế đấy, cần phải trân trọng nhưng đừng có thần thánh hoá, nó có cái thiêng liêng cao quý lẫn cái phù phiếm nhếch nhác. Để bộc lộ những quan điểm của mình, Vương Trí Nhàn đã sử dụng nhiều hình thức mới trong phê bình: Đối thoại, phỏng vấn, giả tưởng... Khi đánh giá một tập sách tiểu luận phê bình, người ta thường chú ý đến tư tưởng học thuật và giọng điệu. ở tập sách này phần giọng điệu rõ ràng là nổi trội hơn.
(Lao động ra ngày 31-7-1999)
Lưu Khánh Thơ
SỐ TRUY CẬP online