Đọc chuyện cũ văn chương

Vốn đã thiện cảm (dẫu có hơi muộn) với ngòi bút Vương Trí Nhàn từ bài giới thiệu kỹ càng và súc tích của ông dài đến mười ba trang chữ li ti cho Thao thức - tiểu thuyết bộ đôi của nhà văn Nga xô viết nổi tiếng Alêcxanđro Krông (Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1983) và sau đó là bài viết gửi từ Liên xô cũ) về in trên báo Văn nghệ (1987): Hình dung về Nguyễn Huy Thiệp hồi ông Thiệp đang nổi lên như một hiện tượng văn học, tôi đã đọc ngay Những kiếp hoa dại (1993), tiếp đấy là Cánh bướm và đoá hướng dương (1999), và giờ thì đến Chuyện cũ văn chương (2001) của ông. Ba cuốn sách (trong đó hai cuốn đều đã được trong Nam, ngoài Bắc tái bản) nối gót nhau ra đời thảy đều "chuyện vãn" về văn chương hiện thời hoặc xưa cũ ở ta.
Nếu... hoa dại ít nhiều gai ngạnh và Cánh bướm... lại hoa lá điệu đà, thì Chuyện cũ văn chương, thoạt xem dường như chả có vẻ gì là đang làm văn vẻ- ấy vậy mà đầy vẻ văn!
Sách dày 380 trang mà có tới 64 bài: du di cái nọ cái kia, mỗi bài chỉ chiếm có gần 6 trang sách in thoáng đãng. Tuy thế, với cách viết khó giản dị hơn (cách viết mà mọi cây bút theo đòi văn nghiệp đều mong đạt tới), bài nào trong Chuyện cũ... cũng có được ít nhất một chi tiết lý thú, một cái nhìn riêng, hoặc một cách lý giải thuyết phục, dù rất nhẹ nhàng. Lắm chuyện tưởng chừng những ai yêu tích văn chương đều cũng đã biết cả rồi, được Vương Trí Nhàn nhắc lại bằng một giọng điệu thản nhiên như xưa nay chúng vốn thế, chẳng cần thêm thắt làm gì: nó không thương được, hoặc giả có đưa đẩy nữa thì cũng vậy thôi... Tuy nhiên, tác giả cuốn sách đã đặt một điểm nhìn thích hợp để tự do người đọc thấy những chuyện trong làng văn tưởng chừng như lập dị, rong chơi qua đời người, thực ra là sự thường, không thế mới quái lạ, là duyên nghiệp của những ai cầm bút làm văn vẫn tự chất lên lưng, lên óc mình một món nợ không bao giờ trả hết cho nhân gian. Đó là một thứ lao động nhọc nhằn, lam lũ chả khác mấy nả so với bao việc làm, công chuyện mưu sinh thấm đẫm mồ hôi, toan tính và nước mắt khác, song nhiều người đâu có sợ chuyện "lập thân tối hạ thị văn chương", bất kể là sáng tác hoặc phê bình, nghiên cứu văn học, mà vẫn cứ lao hết mình vào đó như thiêu thân, bởi nếu có đôi chút năng khiếu, nếu tận lòng yêu, tận lực tát cạn bản thân mình vì nó, và thêm một tý tẹo may mắn nữa, thì họ có thể làm nên một cái gì đó cho mọi người, đồng thời thấy trong một cái gì đó phiên bản một phần nào đó hồn vía của mình. Vương Trí Nhàn đã "động chạm" vào từng khí cạnh đó thông qua những hiện tượng cụ thể.
Chuyện cũ văn chương kể ra cả từ cái chuyện ông Nguyễn Tuân đi thư viện mấy lần, lần sau cố ý đi sớm hơn lần trước mà vẫn cứ không kiếm được chỗ ngồi vì các bạn trẻ chiếm hết, đã tự thuyết phục, an ủi mình mãi đến nước chả kiên nhẫn được nữa, vì thấy những cái ghế ở Thư viện quốc gia kia, thực ra vốn không để phần các cô, các cậu học trò ngồi đó làm bài tập mà dành cho "những người lấy việc nghiên cứu và sáng tác làm lẽ sống" (trang 199). Qua một chuyện tưởng là vặt vãnh như thế, thậm chí chỉ là chuyện đón Tết, chuyện vài dòng rao bán sách, hoặc chả dính dáng gì đến văn chương như những trang Nhật ký của bộ trưởng kinh tế đầu tiên của Việt Nam là Lê Văn Hiến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thảy đều nói lên một tình cảm, một ý niệm về văn chương, hoặc gần gũi, hoặc góp sức cho nguồn mạch văn chương nước nhà tươi nhuận. Thuật lại những chuyện trong đời sống văn chương Việt Nam thế kỷ XX, tác giả không đơn thuần viết cho những ai chưa biết dược biết, cho những ai biết rồi nhớ lại, nếu quên; mà cốt để người đọc thấy rằng văn chương có ở mọi nơi, mọi lúc, ở trong những chuyện tưởng bói cũng chẳng thấy đâu bóng dáng, hơi hướng văn chương. Thế mà những người làm văn vẫn phát hiện ra, chắt gạn được những ý tưởng cùng chất liệu cho tác phẩm của mình; những chuyện vẫn diễn ra trong sinh hoạt làng văn lắm lúc nghĩ cũng tầm phào, song thực ra vẫn ít nhiều phản ánh ở các mức độ khác nhau tư duy, tâm lý sáng tạo văn học cùng những đặc trưng của loại hình nghệ thuật này, và theo đó là những phong thái sống và làm việc của giới văn bút.
Tạm gác sang một bên tất cả những gì Vương Trí Nhàn đã viết được bấy nay, để xem xét riêng chỉ một Chuyện cũ văn chương, người ta không thể không nhận thấy tác giả của nó thực sự là người hành nghề văn, dù văn chưa chắc đã nuôi nổi người, song cái chỗ đứng và cách nói của ông lại dường như là người ngoài cuộc viết về những người trong cuộc vậy. Như thế để tăng thêm tính khách quan chăng? Duy cái việc ông truy lùng quá khứ, đào bới cái kho sách báo cũ, sưu tầm tư liệu cũng đủ thấy rằng không là người sống mái với nghề mình đã chọn, không thể làm được như thế và viết được những bài chỉ dăm ba trang mà lướt qua, tưởng cũng dễ thôi như thế!
Thiết nghĩ Chuyện cũ văn chương chẳng bao giờ cũ, nếu ta nhìn lại bằng con mắt mới.
Bùi Văn Trọng Cường
SỐ TRUY CẬP online