VŨ TRỌNG PHỤNG VÀ MỘT LỚP NGƯỜI THÀNH THỊ, MỘT NỀN VĂN CHƯƠNG ĐÔ THỊ

Nhìn vào tấm ảnh Vũ Trọng Phụng còn sót lại và in ở tập I của Tuyển tập Vũ Trọng Phụng hôm nay, khó lòng có ai nghĩ rằng con người đó mất đi khi mới 27 tuổi.



Cái gì là thần thái chính hiện lên trên khuôn mặt đó? Một chút chán chường hoài nghi về thế thái nhân sinh toát ra sau cặp mắt mệt mỏi. Mà cái nhìn chậm rãi pha chút mệt mỏi ở đây lại như một điều cả quyết - không, sự chán chường của tôi là không thể nào cứu vãn được. Nó là kết luận tôi buộc phải rút ra từ cả cuộc sống sôi nổi với cái thế “day tay mắm miệng” quyết liệt của mình. Tôi đã định từ chối mà không sao từ chối nổi. Vậy tôi bằng lòng chấp nhận nó. Sống ngắn ngủi thế cũng đã đủ rồi. Ra đi không có gì phải nuối tiếc nữa. Dẫu sao cũng còn hơn chán vạn kiếp sống thiểu lực nhạt nhẽo khác.



Và Vũ Trọng Phụng đã toại nguyện.



Từ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng người ta cũng bắt gặp một cái nhìn cuộc sống tương tự như vậy - một cái nhìn đã ổn định, đã vững vàng, đã đủ cay đắng chua xót, cả hăm hở lẫn chán chường rồi, nên cũng coi như đã trọn vẹn và tất cả là không thể sửa chữa được nữa.



Một điều người ta thường ngạc nhiên mỗi khi nghĩ tới những trang văn của Vũ Trọng Phụng là sao con người này có thể biết nhiều đến thế. Chữ từng trải đối với ông hình như không hợp, phải nói là ông biết lắng nghe, biết tổng hợp, biết từ một cuộc sống hữu hạn của mình thu góp lấy tinh hoa của bao cuộc sống khác, nên mới có sự thông thuộc, sự thành thạo đối với nhiều mảng sống khác nhau vậy. Từ lễ phát chẩn đông hàng ngàn người trước cổng một nhà triệu phú đến một buổi tối sáng trăng, mấy người nhà quê ngồi bóc lạc luộc gẫu chuyện; từ những đám bạc, những đám hút xách, cảnh chơi bời của đám nhà giàu và công chức Hà thành, tới một buổi việc làng, một bữa cơm chạy lụt... tất cả bấy nhiêu khung cảnh, sự việc rồi là lời lẽ của con người, những chi tiết trong trang phục, thoáng lo lắng chợt hiện ra trong tâm tư một bà mẹ già... hầu như cái gì Vũ Trọng Phụng cũng biết, cũng mô tả một cách rành mạch. Stéfan Zweig nói rằng trong Balzac “có cả một thời đại, cả một vũ trụ, cả một thế hệ”. Đôi lúc đọc những Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Số đỏ, Giông tố... người đọc bất chợt nghĩ rằng cũng có thể nói về Vũ Trọng Phụng bằng một câu tương tự.



Ta sẽ ngạc nhiên hơn, nếu như nhớ rằng mặc dù trải rộng ra như vậy nhưng cũng như ở nhiều nhà văn lớn, thế giới của Vũ Trọng Phụng là một thế giới định hướng rõ rệt. Tác giả biết nhuộm cho cái nhân gian do ông vẽ ra một sắc thái chỉ riêng ông có. Trong khi chiếm lĩnh khách quan, văn chương của ông vẫn chủ quan đến từng chi tiết. Dù viết về cái gì ông cũng tìm ra được lý do để mang được cách giải thích nhân sinh của mình vào đó, và tạo ra đủ cớ để cho người ta phê phán ông là định mệnh, cay nghiệt, hoài nghi, và cả khiêu dâm nữa.



Dù viết về cái gì, ông cũng để lại dấu ấn con người mình, cách nghĩ mình, cả tính mình. Từ các trang sách, ông mỉm cười với hậu thế:



- Tôi là thế đấy. Tôi độc đáo và không lặp lại như một hiện tượng thiên nhiên. Tôi luôn luôn mời gọi người tới lý giải!



*



Nghị Hách và Xuân Tóc Đỏ, ông đồ Uẩn và cụ Cố Hồng, người tù chính trị được tha có tên là giáo Minh và ông già Hải Vân hành tung bí mật dám làm đủ chuyện ám muội. Rồi bà Phó Đoan, thị Mịch, Tuyết, Loan, cụ Cử, chị Tuất v.v... và v.v... Thế giới nhân vật của Vũ Trọng Phụng khá đông và thuộc nhiều giới khác nhau. Khi được nâng lên đến mức điển hình, một số người trong họ là tài liệu quý, giúp đỡ đắc lực cho những ai muốn nghiên cứu về xã hội hoặc tìm hiểu tài nghệ ngòi bút Vũ Trọng Phụng. Nhưng còn như để hiểu tâm sự người viết, cái phức tạp đa đoan của chính tác giả, thì có những nhân vật chỉ đóng vai phụ, hoặc có vẻ không tiêu biểu gì, thật ra lại là một thứ chìa khoá khá tốt, mà người nghiên cứu không có quyền xao nhãng.



Ý chúng tôi muốn nói tới nhân vật Long trong Giông tố.



Vốn có một cuộc sống cơ cực, tủi nhục (đặc biệt về mặt tinh thần), lại tiếp thu được một ít kiến thức, và có lúc có cả triết lý nữa, nhân vật này giống như một thứ chất hỗn hợp. Chỉ có điều đáng tiếc là quá trình hỗn hợp ở đó đang dang dở, chưa hoàn thành. Khi lăn lộn ở “dưới đáy” xã hội, Long không tiếp thu được phần khoẻ mạnh của cuộc sống lao động. Còn như sự học của Long thì cũng nửa vời chắp vá nốt. Bởi vậy, càng có dịp tiếp xúc rộng - nay ở ấp Tiểu Vạn Trường Thành, mai xuống Cảng, ngày kia ra ngõ Sầm Công... - Long càng chán chường, hoang mang, không tìm ra cuộc đời với cái nghĩa lý thật của nó.



“ - Thưa ông, hiện nay tôi có một điều khổ tâm không thể tả được. Tôi khổ lắm, tôi giận thân, giận đời lắm, tôi muốn liều lĩnh làm một điều gì xằng bậy, một điều gì càn dở, chỉ cốt được hả giận mà thôi (...)

- Tư tưởng phá hoại lạ.

- Vâng, chính thế. Tôi chỉ muốn được khổ sở cho nó bõ một thể.

- Ông Long, ông điên mất rồi.

- Thưa ông, chẳng phải tôi không biết như thế là điên đâu. Nhưng không hiểu vì sao tôi muốn điên lắm, không thì không chịu được nữa. Trời ơi, nếu ông có là tôi, thì ông mới hiểu được những nỗi đau đớn của tôi”



Nội dung cả đoạn đối đáp rõ, riêng câu cuối cùng của Long có một ý nghĩa đặc biệt. Nó hé ra cho thấy rằng ở Long cái ý thức về cá nhân đã lên đến cực điểm. Long mạnh, Long khác người vì phần ý thức ấy, nhưng Long cũng lại là nạn nhân của phần ý thức ấy.



Ở chỗ này, Long rất gần Vũ Trọng Phụng.



Có những ngòi bút như Vũ Trọng Phụng trong văn chương vì có không biết bao nhiêu Long trong đời sống. Những điều như Vũ viết ra, như Long nói ra, là cái phần tự ý thức của một lớp người hỗn tạp, táp nham, đau đớn, ê chề, nhưng lại biết suy nghĩ và khổ vì sự bế tắc không lối thoát của mình: lớp dân nghèo thành thị.



*



Do những đặc điểm lịch sử, sự phát triển của chế độ phong kiến ở Việt Nam trải qua nhiều khuất khúc và không thể gọi là mang tính chất điển hình. Ngay vào thuở cực thịnh của chế độ đó, các yếu tố thị dân vẫn là một cái gì phát triển không bình thường. Những người thành thị được gọi bằng cái tên không mấy cảm tình, dân kẻ chợ (và xách mé hơn mà cũng đúng thực chất hơn, dân tứ chiếng). Trong văn học Việt Nam thời phong kiến, và rộng hơn, trong tâm lý phổ biến ở xã hội, trong đời sống tinh thần nói chung bao giờ cũng thấy đầm ấm một tinh thần lạc quan nó là cái đặc tính cố hữu của những người sống gần thiên nhiên. Một yếu tố bao trùm khác là xu thế ca tụng cái thanh cao, cái trong sạch của cuộc sống nông thôn, ca tụng thú điền viên, bài bác khinh bỉ cuộc sống thành thị, cho là ở đó, nhân tình thế thái điên đảo, đồng tiền làm hư hỏng con người.



Nhưng muốn hay không muốn, thành thị cứ phát triển. Con người kẻ chợ cứ hiện ra rõ nét dần trong văn học, hơn thế nữa, cũng ngày một rõ hơn, mạnh dạn, tự tin hơn là những tiếng nói văn học đại diện cho nếp sống, nếp nghĩ của lớp người kẻ chợ đó. Trong Cung oán ngâm khúc, người ta bắt gặp một triết lý bi quan ở dạng cô đọng; sự kết hợp giữa cung đình và thành thị đẻ ra lối nói kiêu sa pha chút nhục cảm, một thứ nhục cảm mới nẩy nòi, nên còn thô vụng (Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn - Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên...). Với Hồ Xuân Hương, các yếu tố nhục cảm được sử dụng một cách khéo léo hơn, đủ sức trêu trọc, chòng ghẹo người ta hơn, nghĩa là được tác giả quan niệm một cách tự nhiên hơn. Cái lý tưởng điền viên kia không có nghĩa lý gì với Hồ Xuân Hương cả. Trong thơ ca của người nữ sĩ sống nhiều ở Hà thành này, nhân vật trữ tình luôn luôn chon von trong một thế đứng đơn độc, mặc dù đang ở giữa mọi người nhưng không sao tìm được sự thông cảm của con người, và nhìn cái gì cũng ra kỳ hình, dị dạng (Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom - Oán hận trông ra khắp mọi chòm - Mõ thẳm không khua mà cũng cốc - Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om). Sự cô đơn cá nhân đó cũng là chỗ gần gũi giữa Hồ Xuân Hương với một người như Trần Tế Xương. Tuy là sống cùng thời nhưng nếu thơ Nguyễn Khuyến đi sát cái nhịp hài hoà bình thản thôn dã và không hề phân vân trong việc tìm lại sự yên tĩnh đã mất thì thơ Tú Xương là tiếng nói trực tiếp của những con người thành thị, với tất cả sự trắng trợn có thể có của nó (Vợ lăm le ở vú, Con tấp tểnh đi bồi...); tiếng nói ấy không ngại chua chát, cay nghiệt khi nói về một cuộc sống đã mất hẳn sự hoà điệu, sự thanh cao mà người ta hằng mong muốn.



Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương không phải những hiện tượng ngoại lệ. Làm nền cho họ là cả một dòng văn học liên tục. Từ dòng văn học đó, từ Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, từ Hoàng Lê nhất thống chí (nhân vật Tuần huyện Trang với câu nói nổi tiếng: - Sợ thày chưa bằng sợ giặc, yêu chúa chưa bằng yêu thân mình...) qua các truyện ngắn của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn thời kỳ Nam phong... Chúng ta có thể tổng hợp lại để nêu lên một số nét tiêu biểu của các nhân vật thành thị trong văn học Việt Nam: ở họ, mối quan hệ quân bình với hoàn cảnh mà ta thường bắt gặp trong cả các nhân vật văn nhân hiệp sĩ lẫn người nông dân, mối quan hệ ấy không còn nữa. Những phẩm chất mà người ta hay ca ngợi - một tấm lòng nhân hậu, một chữ tâm bền bỉ, một thái độ an bần lạc đạo... chỉ còn trong ký ức. Thay vào đó là một lối sống ích kỷ, một thái độ chính trị có khi hoạt đầu, một chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Dưới sự hướng dẫn của những nguyên lý ấy, họ có lối sống mạnh, gấp gáp. Họ không cần được tiếng khen là chừng mực, thanh nhã. Họ thích những gì mạnh, gắt, đập vào cân não. Điều kỳ lạ là bất chấp bao nhiêu những bài báo, chê bai từ phía các bậc trí giả, các nhân vật đó vẫn sống, dòng văn học này vẫn có những đại diện của mình và suy cho cùng, gom góp lại, vẫn mang tới cho đời sống văn học những sắc thái mới lạ, cả nền văn học cũng nhờ đó, có thêm sức sống.



Đến Vũ Trọng Phụng, thì cái chất thành thị ấy cũng trở nên đậm đặc, và có thêm những biểu hiện mới. Người ta có thể cắt nghĩa điều này một phần bằng cái hoàn cảnh mà Vũ Trọng Phụng trưởng thành.



Từ một ít phố xá bé nhỏ bao quanh các thành luỹ quân sự trong thời phong kiến qua thời Pháp thuộc. Hà Nội nhanh chóng trở thành một thành phố với phố xá sầm uất hơn, nhà cửa khang trang hơn và nhất là dân cư đông đúc hơn. Đấy chính là một thứ chỗ trũng, thu hút người ở nông thôn ra, trong số đó có những người nghèo không cam tâm chết mòn sau luỹ tre xanh, những người bị đè nén bị oan ức, những người ngày hôm qua còn là những thầy đồ, thầy lang, thậm chí cả lý dịch nữa [1] vì những cơ nhỡ như thế nào đó, rơi tụt xuống cái miệng vực ghê gớm, là thành phố. Từ nông thôn ra Hà Nội, họ làm đủ nghề, từ con sen thằng ở “cơm thầy cơm cô”, kéo xe, canh cửa, cho tới mở cửa hàng lặt vặt, dạy tư, làm thầy ký ở các hãng buôn. Và cả viết văn viết báo nữa! Nhà văn mà con nhà nghèo, lớn lên trong sự căm uất lớp người giàu có; nhà văn mà chỉ học đến tiểu học đi làm thuê làm mướn rồi do những tất nhiên ngẫu nhiên như thế nào đó, phá ngang đi viết báo, viết văn - có lẽ không ở nước nào có đội ngũ nhà văn kỳ lạ như vậy. Nhưng đấy là một sự thực. Chính từ một thực tế như thế, văn học Việt Nam trước 1945 có cái nét mặt bình dân với cả cái hay cái dở của nó, mà đến nay, chúng ta còn chưa gọi ra đầy đủ.



Ở trên, trong khi nói qua về Nguyễn Gia Thiều, chúng tôi đã lưu ý rằng ở tác giả Cung oán ngâm khúc, chất thành thị gắn liền với chất cung đình. Ở cả Hồ Xuân Hương, lẫn Trần Tế Xương, người ta cũng còn luôn luôn bắt gặp những vang bóng của một cuộc sống phong lưu ổn định - một thứ chất trí thức pha chút hiển quý. Còn Vũ Trọng Phụng? Chúng tôi không nhắc lại tiểu sử nhà văn ở đây. Chỉ biết rằng không thiếu những cây bút đương thời có hoàn cảnh xuất thân như tác giả Số đỏ: đó là những người làm nghề trí thức đời thứ nhất, trước họ, trong gia đình họ, chưa ai làm nghề này cả, và muốn hiểu họ, phải hiểu cả gốc gác xa xưa của gia đình họ nữa.



Do những điều kiện mà xã hội tư sản mới hình thành mở ra (trong đó có xu hướng dân chủ hoá không cưỡng lại nổi), đây là những dịp đầu tiên mà tầng lớp dân nghèo thành thị có được tiếng nói của mình trong văn học. Nhưng những con người thành thị mới một hai đời này cũng bộc lộ một sự không thuần nhất đến lộ liễu. Rời khỏi nông thôn họ có cái may mắn là cắt đứt khỏi sự trói buộc của hoàn cảnh quen thuộc, một hoàn cảnh vô cùng tù đọng, trì trệ. Cái ngưỡng tự do của họ được rộng mở. Với chút căn cốt của dân lao động vốn có, một số trong họ vẫn giữ được cái nhân hậu của con người, lòng yêu chính nghĩa, niềm tin và cả cái khoẻ mạnh trong ý nghĩ về cuộc sống (đương thời, Nguyên Hồng chính là người phát ngôn của tầng lớp dân nghèo thành thị với cái phần căn cốt tốt đẹp đó). Nhưng ở rất nhiều người khác, thì sau những năm tháng bị đày ải ở nông thôn, những gì tốt đẹp hầu như thui chột, rụi rọ đi, thay vào đấy, là lòng căm ghét con người, cái nhìn ghen tị, thù hận - những phẩm chất gắn liền với cái mà người ta gọi là chất lưu manh. Lưu manh nghĩa là không bị ràng buộc bởi một chuẩn mực nào hết. Lưu manh trong ý muốn đạp đổ tất cả.



Cũng phải công nhận rằng so với những người nông dân thì lớp dân nghèo thành thị ở chung quanh Hà Nội những năm trước Cách mạng 1945 được tiếp nhận một nền giáo dục đáng kể hơn nhiều. Nhưng kiến thức thì có mà căn bản văn hoá thì chưa. Những người có hiểu biết về nền giáo dục mà thực dân Pháp thi hành ở Việt Nam trước đây đều biết rằng nó chỉ nhằm đào tạo ra những người thừa hành mà không hề muốn làm công việc mở mang trí tuệ như thực chất của giáo dục đòi hỏi. Ngay ở bậc cao học, kiến thức được truyền thụ cũng mang tính chất primaire, nghĩa là sơ đẳng, thực dụng. Còn nói chi việc học ở các bậc tiểu học là cái trình độ mà nhiều nhà văn của chúng ta được nhận! Để bù lại, sau này vào nghề văn, một người như Vũ Trọng Phụng đã học thêm rất nhiều (ai đó kể rằng ông thường có mặt sớm nhất bên những chuyến tàu chở hàng từ Pháp sang để đón sách báo). Nhưng nhìn chung, làm sao mà tránh khỏi chắp vá, què quặt? Nhiều lần trong các văn phẩm của mình, Vũ Trọng Phụng đã nhắc tới học thuyết Freud. Đúng ra, phải nói ông đã mang tiếng là tuyên truyền cho nó. Nhưng từ góc độ của ngày hôm nay mà xét, phải nhận cách giải thích về Freud của tác giả Số đỏ, Giông tố... nông nổi và mang màu sắc dung tục. Là một phát minh vĩ đại của thế kỷ này, phân tâm học của Freud và những người kế tục như (C.G. Jung) phong phú hơn, sâu sắc hơn, khoa học hơn và cũng ... cận nhân tình hơn nhiều. Cách tiếp nhận Freud của Vũ Trọng Phụng chỉ là một ví dụ về khả năng tiếp nhận các vấn đề khoa học - tự nhiên cũng như xã hội - của nhiều người dân thành thị đương thời, kể cả những người hành nghề trí thức.



Người ta thường vẫn lấy làm lạ khi thấy một ngòi bút sáng suốt như Vũ Trọng Phụng lại mê tín và công khai trình bày sự mê tín của mình trên nhiều trang sách. Nhưng chẳng phải là chính đặc điểm đó lại thông báo chính xác hơn hết cái phương diện tinh thần ở Vũ Trọng Phụng và chỉ ra đầy đủ gốc rễ mà cũng là đặc điểm của tài năng văn học này: Ông là dân nghèo thành thị từ đầu đến chân. Với tầng lớp dân nghèo đó, khi ông gần gụi, khi ông căm ghét, nhưng bao giờ ông cũng vẫn là họ, chơi vơi và bế tắc, không tìm đâu ra lối thoát như phần lớn bọn họ.



*



Theo một con số thống kê đưa ra trong cuốn Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam tập 5 (bản in 1978), thì riêng năm 1937, ở Việt Nam có 110 nhật báo (gần như tất cả là báo tư), 159 tập kỷ yếu và các tạp chí. Trong các năm 1938-1939, số nhật báo sẽ lên tới 128, còn con số kỷ yếu tạp chí cũng tăng lên ít nhiều.



Khi báo đã nhiều như vậy, thì nghề làm báo cũng phát triển. Mỗi tờ báo trên thực tế, chỉ do vài người viết giúp. Những người này nếu viết được văn thì càng tốt. Bởi lẽ ngoài phần tin tức và quảng cáo vốn là lý do để tờ báo có bộ mặt một cơ quan thông tin đại chúng, báo còn thường cùng lúc đăng nhiều tiểu thuyết, ngày nọ tiếp ngày kia (thường gọi là phơi-ơ-tông) lấy việc cần phải theo dõi liên tục câu chuyện để kéo độc giả.



Từ một trường làm báo này, đã hình thành những cây bút vừa viết văn vừa viết báo, những nhà báo kiêm nhà văn có sức làm việc đều đều, và tay nghề vững chãi.



Chẳng những Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng mà Nhất Linh, Xuân Diệu, Thạch Lam... đều đã trưởng thành từ môi trường báo chí ấy. Đương thời, có lúc cũng một số báo Phong hoá đăng theo kiểu phơi-ơ-tông mấy tiểu thuyết của Khái Hưng. Bản thân Thạch Lam cũng từng làm thư ký toà soạn Ngày nay một thời, từ đó, viết nên Hà Nội ba sáu phố phường và nhiều tiểu luận văn học có giá trị.



Cố nhiên, đây chỉ là một sự giống nhau bề ngoài, nó là đặc điểm của những người làm nghề cùng thời (sau Cách mạng, không thấy cách tồn tại của các nhà văn như vậy nữa)



Còn trong thực tế, chỗ khác nhau giữa họ rất nhiều. Tất cả bắt đầu ngay từ câu hỏi dơn giản: Tại sao họ cầm bút?



Ở chỗ này thì trường hợp một trí thức như Nhất Linh có ý nghĩa một bằng cớ để so sánh.



Đi du học về, rồi thấy cần phải mở mang dân trí nên Nhất Linh viết văn. Cùng với Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam v.v... ông lập ra nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Họ vừa viết, vừa làm chủ tờ báo và nhà xuất bản. Viết xong, đã có cơ quan in ngay tác phẩm của mình. Lỗ lãi không cần lắm. Đã có những nguồn lợi tức khác bảo đảm sinh kế cho họ và gia đình.



Khi không phải lo chạy ăn từng bữa, người ta tha hồ ngồi nghĩ đủ việc, cả việc lông bông lẫn việc lớn!



Trước đây, với lối nghĩ dung tục đã thành nếp, một số nhà nghiên cứu văn học ở ta thường bảo những nhà văn đó chỉ viết để phục vụ cho bọn trưởng giả, không được việc gì cho dân cho nước mà dễ dàng làm tay sai cho đế quốc phong kiến. Ngày nay rõ ràng không thể nghĩ hợm hĩnh vô lối như thế được nữa. Ngày nay chúng ta nói rằng sự bảo đảm vật chất cũng là một điều kiện quan trọng để nhà văn có thể tạo ra những tác phẩm có giá trị, còn cái căn bản trí thức thì thật cần, nó tạo cho người viết văn một cái phông vững vàng để chạy đường trường.



Chỉ có điều đáng tiếc là số nhà văn kiểu ấy trước Cách mạng đếm không đầy mười đầu ngón tay.



Về mặt chủng loại mà xét, đặt bên cạnh Nhất Linh, Khái Hưng, kiểu nhà văn như Vũ Trọng Phụng phổ biến hơn nhiều.



Trong số này, có người là nhà nho lỡ thời, không thi cử nữa, xoay ra viết giúp cho tờ báo nào đó, sống độ nhật. Có người trước cũng giàu có, nay thất cơ lỡ vận, thù đời mà đi viết văn. Lại có chàng trai quê, ngơ ngơ ngác ngác, trước chỉ lêu lổng rượu chè rồi làm thơ cảm khái, hoặc thơ... chọc ghẹo mấy cô hàng xén, nay nhận ra rằng hình như những điều gọi là tâm sự của mình đó, có người mua, thế là mang bán; mới đầu bán rẻ, sau khôn hơn, bán đắt hơn, đủ sống và có thể nhận cả đơn đặt hàng nữa. Thế là thành nhà thơ nhà văn.



Chỗ bi đát thứ nhất của lớp người viết văn kiểu này là họ buộc phải sinh nhai bằng ngòi bút. Qua những điều mà chính họ kể lại, cuộc săn tìm miếng cơm manh áo cho mình và gia đình mình lắm khi hiện ra như một quang cảnh vừa buồn cười, vừa ứa nước mắt. Bản thân những kỷ niệm mà các bạn văn của Vũ Trọng Phụng kể lại khi ông vừa nằm xuống đã chứng minh cho điều ấy.



Nhưng thực tế đời sống còn bi đát hơn ở chỗ mặc dù luôn luôn bị cái hàng ngày kéo xuống như vậy, các ông vẫn phải làm nhà văn, với tất cả những yêu cầu cao cả mà nghề nghiệp này đòi hỏi.



Thật vậy, cái trớ trêu của nghề văn là ở chỗ nó không biết đến điều kiện cụ thể của người viết và điều này có vẻ như đánh thẳng vào lớp nhà văn dân nghèo thành thị. Với cái vốn sơ học yếu lược khi vào nghề, họ phải luôn luôn nghĩ rằng những (A. France), (R. Rolland), (L. Tolstoi), (Dostoievski) là đồng nghiệp của mình. Trong những căn phòng tranh tối tranh sáng, hoặc là lúc nào cũng ồn lên tiếng chửi nhau đánh nhau... họ phải nói tới lương tâm chính nghĩa. Họ đã khổ, nhưng còn có lớp dân quê và những phu phen, thợ thuyền bên hàng xóm, còn khổ hơn, lúc nào cũng tính chuyện nhờ họ giải bày niềm oan uổng. Trong khi những chuyện mè nheo hàng ngày không ngừng giày vò họ, họ vẫn phải nghĩ rộng tới người khác, phải nghĩ mình có trách nhiệm chấn hưng phong hoá, giáo huấn người đời, và kín đáo tố cáo chế độ thuộc địa cũng là thức tỉnh lòng yêu nước, nếu có thể.



Trên đôi vai bé nhỏ của các nhà văn ấy chồng chất tầng tầng gánh nặng mà ở các nước, chỉ bọn trí thức no đủ mới làm nổi.



Biết bao nhiêu nhà văn nhà báo loại này đã đầu hàng, đã nhẫn nhục coi công việc viết lách như một nghề kiếm sống thuần tuý, đã viết nhanh, viết ẩu, viết theo thời thượng, cốt cho các ông chủ báo bằng lòng, rồi lại chán chường khinh bỉ công việc của mình. Một ngòi bút như Vũ Trọng Phụng không xa lạ với những đồng nghiệp như vậy. Nhưng Vũ Trọng Phụng đã đi xa hơn họ. đồng thời với việc làm nghề thành thạo, Vũ Trọng Phụng biết mang lại cho nghề văn một chút ý nghĩa mà nó thường có ở mọi thời và mọi nước:



Văn học là tiếng kêu khắc khoải của con người trước một thực tế đời sống không bao giờ họ cảm thấy bằng lòng và sự thật là không bao giờ hiểu hết.



*



Nếu biết nhìn kỹ thì mỗi một hiện tượng riêng lẻ đều mang những đặc điểm chung của chủng loại, nghĩa là đều có ý nghĩa tiêu biểu. Chỉ riêng nó thôi, cá nhân nào cũng mang sẵn trong nó chất điển hình rồi, điển hình ấy chỉ chờ ta đến khám phá.



Cái chân lý sơ giản ấy đã đúng cho mọi người thì cũng đúng cho các nhà văn. Một lúc nào đó, tôi ngờ rằng trong một cuốn từ điển làm riêng về văn học Việt Nam, người ta sẽ gọi Vũ Trọng Phụng là một nhà văn tiêu biểu của thế kỷ XX. Nhà văn này xuất thân từ một tầng lớp đã cung cấp cho văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ đến 1945 nhiều cây bút nổi tiếng. Như một giống cây khoẻ, trong khi vươn lên mãnh liệt, tài năng của Vũ Trọng Phụng vẫn bắt rễ rất sâu vào cái khu vực tranh tối tranh sáng là cuộc sống lớp dân nghèo thành thị đã sản sinh ra ông. Và ông khai thác nó một cách triệt để. Với tất cả vẻ chua chát, phũ phàng, cay đắng hằn học khiến người ta vừa thích vừa ngại, giọng văn Vũ Trọng Phụng tưởng là xa lạ, thực ra là sự tiếp tục ở giai đoạn mới cái dòng văn học thành thị trong văn học Việt Nam, cái dòng văn học được làm nên bởi những tên tuổi như Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương và bao người khác.



Chẳng những thế, hiện tượng Vũ Trọng Phụng còn có ý nghĩa tiêu biểu ở một phương diện khác: qua ông người ta hiểu tâm tình, hoàn cảnh, lối làm việc, chỗ mạnh chỗ yếu của số đông những người cầm bút Việt Nam. Phần lớn họ sống lầm lụi giữa nhân dân lao động (cái điều người ta thường chê trách rằng họ sống xa nhân dân chẳng qua là một câu chuyện bịa đặt); bản thân việc cầm bút của họ trước tiên cũng là một thứ lao động cật lực. Nếu như đôi lúc, sau những trang văn phần lớn do sinh kế thúc ép mà phải viết vội ấy, họ có hiện ra như những người hàm hồ, lắm lời, nói quá nhiều chuyện tầm phào, thuyết minh cả những điều mình chưa biết cặn kẽ, để rồi sau đó lại chán ngán, buông xuôi, kêu to lên tiếng kêu bất lực , v.v... và v.v... thì ngẫm cho kỹ, tất cả đều đáng thông cảm. Vả chăng mặc dù, lẫn vào bao nhiêu trấu sạn và cả rác rưởi nữa, cái phần tinh hoa tốt đẹp của mỗi người vẫn là không gì thay thế được. ít nhiều công việc mà những người cầm bút như Vũ Trọng Phụng đã làm đều có gắn với hồn thiêng đất nước và cái mong mỏi khôn cùng là mong cho xã hội ngày một văn minh tấn tới. Đấy cũng là lý do khiến tác phẩm của họ sẽ còn lại mãi với lịch sử.

1989

Đã in Tạp chí văn học 1990, số 2
SỐ TRUY CẬP online