Trần Đăng - Hoàng Lộc Vũ Cao - Từ Bích Hoàng

Tô Hoài, Bùi Hiển, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh.. nếu có thể coi các nhà văn sinh khoảng 1920 đó là lớp nhà văn trẻ nhất đã hình thành sự nghiệp trước Cách mạng tháng Tám, thì tiếp sau họ, không phải là khoảng trống. Trong số những học sinh trường Bưởi, trường Thăng Long... nổi tiếng của Hà Nội trước 1945 đã có nhiều thanh niên khác, đầy tài năng và tâm huyết, mới thử sức trên sổ tay với những bản thảo dang dở và đang tính chuyện sẽ tìm một chỗ thích hợp để đặt tên mình trong lâu đài văn học. Đội ngũ ngày sinh khoảng 1920 về sau, tức là khi cách mạng thành công, họ ở vào lứa tuổi đầy sức sống 20 -25. Bắt được không khí đời sống mới, họ bắt đầu viết. Và với việc đứng trong hàng ngũ Vệ quốc quân làm văn làm báo, cách viết của họ, quan niệm của họ về nghề văn cũng có những đổi mới, rõ rệt.
Một trong những trường hợp đó là Trần Đăng mà chúng ta đã biết. Trước khi đến với cách mạng đó là một thanh niên Hà Nội tài hoa, lịch sự, ham mê thể thao, và rất ham học.
Cụ thân sinh ra anh vốn là thủ thư ở trường đại học, bởi vậy, cụ chỉ mong cho con học hành nên người. Và Trần Đăng đã nhờ vào kho sách do ông cụ quản lý để đọc rất nhiều cả sách tiếng Pháp lẫn tiếng Việt.
Mặc dù những ngày đầu cách mạng, Trần Đăng viết còn ít, nhưng anh đã được coi như một nhân vật của đời sống văn hoá thủ đô.
Trong một tuyên bố của giới văn hoá tiến bộ ở ta công bố 1946, có tất cả 87 nhân vật văn hoá ký tên, người ta thấy có tên Đặng Trần Thi tức Trần Đăng bên cạnh Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng v.v...
Bài viết tiêu biểu của Trần Đăng hồi đầu cách mạng mang tên Một lần tới Thủ đô. Cảm hứng chính của thiên bút ký pha chính luận này là ý hướng muốn từ biệt Hà Nội, xa lánh nó, không dây dưa gì với nó. Cái mà Trần Đăng muốn xa lánh bấy giờ là Hà Nội cũ, Hà Nội trong nhung lụa, một thứ kinh thành hoa lệ đẹp đẽ, sáng sủa nhưng ích kỷ, truỵ lạc.
Có điều, một sự phủ nhận kiên quyết như vậy chỉ có thể nảy sinh ở một con người đã hiểu kỹ Hà Nội và thấm nhuần truyền thống dám phủ nhận mình, làm lại mình của Hà Nội từ xưa đến nay. Đó là cái phần lành mạnh, khoẻ khoắn của Thủ đô mà những sinh viên tiến bộ như Trần Đăng đã tiếp nhận được.
Bên cạnh Trần Đăng, một thanh niên tiêu biểu khác của Hà Nội những năm đầu kháng chiến là Hoàng Lộc. Tuy không viết ra những tuyên ngôn như Một lần tới Thủ đô, và để lại nhiều trang nhật ký quằn quại muốn thay đổi như Trần Đăng, song chúng ta hiểu Hoàng Lộc cũng trải qua những đoạn trường tương tự. Làm sao khác được, đối với một người ở trong một hoàn cảnh thay đổi ghê gớm, khi vài ba năm trước, còn viết những bài thơ uỷ mị làm xiêu lòng những cô gái Hàng Ngang, Hàng Đào, khiến các cô ấy phải góp tiền để in thơ của mình, vài năm sau đã lăn lộn giữa các chiến sĩ Vệ quốc, hút thuốc lá dùi phìn Cao Lạng, đắp chăn chung ba người với anh em đội viên, nghe họ kể chuyện tâm tình và trở về toà soạn giữa rừng Việt Bắc, ngồi viết Chặt gọng kìm đường số 4 dưới ánh “nến” nhựa trám tuôn khói khét lẹt?
Cả Trần Đăng và Hoàng Lộc đều đã thay đổi nhiều.
Nhưng trong sự thay đổi ấy, lòng yêu Hà Nội trong họ vẫn “canh cánh bên lòng”. Trong tuỳ bút Cháy bản thảo in trong tập Tình chiến dịch, nhà văn Nguyễn Tuân kể: Trước khi lên Đồng Đăng cùng với bộ đội chiến đấu và hy sinh tại bản N. L., Trần Đăng còn cùng với Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi mở lớp huấn luyện văn nghệ cho bộ đội. Và lúc chia tay, họ chào nhau bằng cái gật đầu “Chiến thắng Thủ đô!”
Qua cả Trần Đăng và Hoàng Lộc, chúng ta thấy một sự thực, sức sống của truyền thống văn học là rất mạnh mẽ, nó có khả năng giúp cho những thanh niên vốn đã nặng căn với sách vở tri thức cũ có thể “từ bỏ” chính mình để chan hoà vào sinh hoạt của anh em đội viên hiền lành (như hồi ấy người ta vẫn gọi), chan hoà vào quần chúng công nông, viết về họ, diễn tả được mọi sắc thái tình cảm ở họ.
Cả Trần Đăng, Hoàng Lộc đều mất từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng giá còn sống, quay về với Hà Nội, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chắc họ sẽ nghĩ được nhiều điều mới về Thủ đô và tìm thấy nơi đây một nguồn động viên mạnh mẽ cùng những vốn liếng quý báu cần thiết cho một người viết.
Đấy là điều những nhà văn trưởng thành cùng thời ấy, như Vũ Cao, Từ Bích Hoàng cảm thấy rất rõ.
Vốn quê ở Nam Định, nhưng từ những năm bốn mươi trở đi nhà văn Vũ Cao đã ra học Thành chung ở trường tư thục Thăng Long, và cùng với người em trai là Vũ Tú Nam trọ học ở một căn gác phố Hà Trung. Đến nay Vũ Cao còn nhớ rất rõ tâm trạng của lớp học sinh như anh hồi ấy, các anh không cắm cúi học, “học gạo” , học cốt kiếm lấy mảnh bằng như một số bạn bè, song cũng không nhiều tiền để lấy ăn chơi làm lẽ sống, như một số thanh niên khác, do đó các anh thường sống trong chán nản, ngơ ngác, không hiểu đời mình sẽ đi đến đâu. Chỉ còn một lối thoát đối với những người như Vũ Cao lúc ấy là đọc sách, và các anh đã đọc, mải miết, cắm cúi. Cả một thế giới phong phú trong sách vở mở ra, ít nhiều mang lại cho người thanh niên này niềm vui cùng những ý tưởng lành mạnh.
Chẳng hạn có lần, một người bạn đưa cho Vũ Cao cuốn Tội ác và trừng phạt của Đô-xtôi-ép-xki, anh đọc ngày đọc đêm và lờ mờ cảm hấy Hà Nội của mình rất giống với thành phố Pê-téc-bua được tả trong truyện, còn bản thân mình cũng rất gần với anh sinh viên, và gần với cả cô gái trong đó nữa.
Thành thử, có thể nói rằng do sống hết một phía nào đó của Hà Nội trước cách mạng - cái nghèo nàn, buồn tẻ vô vọng của thành phố, - mà Vũ Cao sau nay có thể thoải mái bước vào hoạt động cách mạng, sẵn sàng đi tới các đơn vị viết bài, đưa tin, điểm ca dao bích báo, v.v... và làm mọi việc khác miễn là việc có ích cho kháng chiến.
Đứng về góc độ một người sáng tác mà xét, phải nhận Vũ Cao viết hơi ít, hai tập thơ mỏng và vài cuốn văn xuôi. Chính anh cũng thấy những tác phẩm này chẳng có gì quan trọng cho lắm. Tuy nhiên, hơn ở đâu hết, trong văn học, chuyện chất lượng có vai trò chi phối thật nghiệt ngã. Có những người nghe nhắc đến tên, ai cũng biết là nhà văn, nhà thơ, bởi luôn luôn thấy tên trên mặt báo, song khi cần gọi ra một bài tiêu biểu thôi, thì không ai biết lấy bài gì, bởi các bài đều sàn sàn như nhau, không có bài nào trội hẳn. Lại có những người viết không nhiều, song có cái may là có một hai bài được lưu truyền rộng và để lại ấn tượng đậm đà trong quần chúng cũng như trong anh em cùng nghề đến mức nhắc đến tác giả ấy là phải nói tới bài thơ ấy. Vũ Cao là một ví dụ về trường hợp thứ hai mà chúng ta đang nói. Bài Núi Đôi của anh được phổ biến rộng rãi, thậm chí nhiều người cứ chép Núi Đôi, đọc Núi Đôi, Bảy năm về trước em mười bảy - Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng, mà không biết tác giả nó là ai. Với Núi Đôi, ta hiểu tại sao người ta hay gọi Vũ Cao là nhà thơ hơn là nhà văn, dù anh cũng có mấy tập văn xuôi.
Đấy là xét riêng về phần sáng tác. Nhưng theo nhận xét của nhiều anh em cả trẻ lẫn già, thì đóng góp chủ yếu của Vũ Cao mấy chục năm gần đây, là làm công việc quản lý các cơ quan báo chí xuất bản, như tạp chí Văn nghệ Quân đội, như nhà xuất bản Hà Nội. Chắc chắn những lịch duyệt của một thanh niên Thủ đô cộng với sự từng trải của một người làm báo từ hồi có từ Vệ quốc quân ở Việt Bắc, sau nữa là vốn kiến thức Vũ Cao thường xuyên bồi đắp cho mình hôm nay, đã có phần đóng góp không nhỏ cho công việc của anh.
Khi Vũ Cao phụ trách tạp chí Văn nghệ Quân đội thì người cộng sự gần gũi nhất của anh là Từ Bích Hoàng. Nhìn bề ngoài, nhiều người chỉ thấy đây là một biên tập viên cần cù, thận trọng, chừng mực và đối xử với anh em trong toà soạn cũng như ở ngoài vừa chí tình, vừa có nguyên tắc.
Nhưng một lần khi mới về tạp chí này vài năm, tôi hỏi anh Thanh Tịnh, người cao tuổi nhất trong cơ quan, cũng là người quen thuộc nhất với giới văn học từ trước cách mạng:
- Theo anh, ở cái nhà 4 Lý Nam Đế này, ai rõ nhất Hà Nội nhất?
- Từ Bích Hoàng. - Thanh Tịnh trả lời không ngần ngại và cũng không phải suy tính nhiều.
Chỉ dần dà ở lâu, tôi mới thấy nhận xét của Thanh Tịnh là đúng. Nếu hiểu Hà Nội là hoạt, nhan nhản, hơi láu vặt một chút người ta có thể nghĩ tới anh A, anh B. Chất Hà Nội của Từ Bích Hoàng hiện ra ở chỗ khác, lịch sự, nhã nhặn, và đó là tinh thần quán xuyến cả trong công việc lẫn trong sinh hoạt hàng ngày.
Ví như, khi ra chỗ đông người. Một cán bộ trong cơ quan, anh Hà Trì phân tích. “Có vào hàng cà-phê với Từ Bích Hoàng mới biết ông Hoàng Hà Nội ô-ri-gin thế nào. Nghĩa là tài hoa, khéo, từng trải... đủ thứ phẩm chất mà người ta chỉ có thể vị nể”.
Nhiều người khác, như Mai Ngữ, Nguyễn Minh Châu cũng nói vậy. Nhằm cắt nghĩa mọi chuyện cho hợp lý, những người ở lâu trong cơ quan còn kể mấy nét quá khứ của Từ Bích Hoàng : Trước cách mạng, anh đã là sinh viên đại học. Hồi ấy có thời anh rất “chơi”, rất “điệu”. Chỉ qua kháng chiến, Từ Bích Hoàng mới thay đổi để thành người như hiện nay.
Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Tuân từng kể với chúng ta về quyết tâm “tự cải tạo” ở Trần Đăng. Từ Bích Hoàng cũng có những ấn tượng về Trần Đăng tương tự.
Đến toà soạn Vệ quốc quân lần đầu, Trần Đăng tuyên bố với những anh em cũ ở đấy, trong đó có Từ Bích Hoàng:
- Cả cuộc đời cũ của mình chỉ còn sót cái này (cái quần tây vải đoóc-mơi cũ V.T.N.). Mình sẽ cho nó đi nốt, khi có cái thay. Mình cho hết, vứt hết dọc đường lên đây rồi, cả cái ở trong này (anh chỉ vào trái tim) - Đúng thế, phải làm lại cuộc đời.
Khi thuật lại đến chỗ này, Từ Bích Hoàng nói thêm: “Chúng tôi reo lên. Dạo ấy, mấy anh em chúng tôi từ Hà Nội đi kháng chiến, còn chập chững trên con đường theo cách mạng, thường hay lúc hét to lên, lúc lại thầm thì cái câu khá kêu ấy, để tự động viên mình, một cách hết sức thành thật”.
Từ một đoạn đường tự bạch ngắn ngủi này suy ra có thể đoán những bước đường tư tưởng của Trần Đăng, mà chúng ta vẫn nghe nói, cũng là tâm tình có thật ở Từ Bích Hoàng.
Các anh là những bóng dáng tiêu biểu cho thanh niên Hà Nội một thời. đứng về phía những người hoạt động văn học mà xét, các anh được ghi nhận như tiếng nói phủ nhận Hà Nội cũ, và tìm cho mình một lý tưởng mới. Nhiều mong mỏi của các anh sẽ được bè bạn và những đồng nghiệp trẻ hơn thực hiện.
SỐ TRUY CẬP online