Trần Dần

Vài nét tiểu sử
Trần Dần sinh ngày 23-8-1926. Lớn lên ở thành phố Nam Định. Là bộ đội trong kháng chiến chống Pháp. Mất ở Hà Nội ngày 17-1-1997.
Đã cho in: Người người lớp lớp (tiểu thuyết - 1955), Nhất định thắng (Trường ca - 1956), Cổng tỉnh (Thơ - tiểu thuyết 1994).
Khi cách mạng là nhu cầu nội tại của một thi sĩ

Dù có những sắc thái giống nhau, song số phận của mỗi tác giả văn học đương thời, suy cho cùng, đều là một biểu hiện độc đáo của mối quan hệ giữa tác giả đó với những thay đổi lớn lao trong hoàn cảnh xã hội hơn nửa thế kỷ qua. Trường hợp Trần Dần cũng không ra ngoài quy luật đó.
Đón nhận Cách mạng tháng Tám ở tuổi 19, Trần Dần cũng như một số cây bút cùng lứa sớm nhận ra rằng mình sẽ lớn lên cùng những biến đổi của đất nước sau mùa thu ấy. Cách mạng - như cách nói của Maiakovsky - là của họ. Họ muốn làm tất cả cho cuộc cách mạng ấy, theo đúng cung cách của cuộc cách mạng ấy. Bởi đó là điều từ lâu họ đã mong đợi.
Thế nhưng, làm gì bây giờ? Thoạt đầu cách hiểu của những người thanh niên này còn có phần lý thuyết thuần túy. Chẳng hạn, có thể dự đoán trong những năm 45-50, ý nghĩ chi phối Trần Dần và bạn bè qui gọn lại một điểm: Tương ứng với cuộc cách mạng trong xã hội phải có một cuộc cách mạng trong văn chương. Cách mạng chẳng nhẽ lại cho phép người ta viết như cũ? Từ cách bố trí một dòng thơ trở đi, cũng phải thay đổi. Thứ văn chương vuốt ve mơn trớn, thứ văn chương của những chàng nàng lại càng phải thay đổi. Nghệ thuật phải được làm lại!
Điều đáng nói ở đây là không chỉ thời gian 45-46 - cái năm đầu tiên hồ hởi - mà mấy năm sau, khi kháng chiến đã bước sang những ngày gian lao nhất, giữa núi rừng Việt Bắc, những thể nghiệm nghệ thuật vẫn là cái đích lớn để Trần Dần theo đuổi. ở tờ báo của trung đoàn Sơn La nơi ông công tác, nhà thơ khi ấy còn trẻ đã cho in những bài thơ như khẩu hiệu, và thơ được trình bày theo lối hình vẽ - một tìm tòi có lẽ được gợi ý từ các trường phái hình thức chủ nghĩa bên Pháp.
Châu Mường La
đốt đuốc
TRONG
bao nhiêu hồi trống
Đêm
muôn tiếng hô
đó là đêm
Mường La khởi nghĩa
Không có đêm nào như đêm nay
12 giờ
Chúng ta
đánh Mường La.
Điều thú vị là tất cả những thể nghiệm này "trình làng" ngay trên những tờ báo in bằng thứ giấy thủ công thô nhám và giở mạnh tay là rách! Có sao đâu? Cách mạng cơ mà! Tinh thần Cách mạng - đây là cách mạng trong nghệ thuật - đâu có chờ đợi những dịp thuận lợi mới bộc lộ?
Nhưng cuộc cách mạng xã hội đang diễn ra trên đất nước - cuộc cách mạng mà mỗi lần nói tới, Trần Dần như còn run rẩy - cuộc cách mạng ấy chưa cần tới những thể nghiệm Trần Dần đang tìm.
Những việc đáng được coi là cấp bách nhất lúc này, giản dị hơn nhiều: động viên quần chúng tham gia kháng chiến. Người ta không rõ những biến chuyển nào đã đến trong óc một nghệ sĩ đồng thời là một cán bộ chính trị như Trần Dần vào những năm ấy. Chỉ biết là những yêu cầu này được ông sớm chấp nhận, và ở đây nữa, ông lại vừa lo phục vụ cách mạng một cách tận tụy, vừa loay hoay tìm ra ngôn ngữ nghệ thuật của riêng mình. Hãy nhớ lại các tác phẩm được viết ra khi ông chưa đầy ba mươi tuổi và mỗi khi nói lại, giờ đây, Trần Dần vẫn thấy tự hào, là Người người lớp lớp. Thiên tiểu thuyết được "hoài thai" trên đường hành quân tới Điện Biên Phủ ấy, khác với nhiều tiểu thuyết khác, ngay ở cái điểm xuất phát; nhân vật của nó là những con người mà người ta phải nghĩ tới, mỗi khi nói đến cách mạng. Chỉ lạ một điều là theo lời Trần Dần kể (bài in trong cuốn Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học 1945-1954, H, 1995) dù đó là Tô Vĩnh Diện, là anh Lục, anh Sâm... thì họ đều là "các nhân vật vô hình", "hiện thân của một tình cảm vô thức", có nhân vật mượn tên người nọ người kia ngoài đời mà hoàn toàn "do trí tưởng tượng" của tác giả sáng tạo. Hóa ra trước sau Trần Dần vẫn là mình. Ông không thể đi theo những đường mòn. Ông sẵn sàng làm cái việc mà đứng ngoài nhìn, người ta có thể bảo là điều hòa những cái tưởng không thể điều hòa nổi - miễn việc này theo ông là có ý nghĩa cách mạng thực sự.
Dù biết rằng Trần Dần đã rất tha thiết với những tìm tòi nói trên trong Người người lớp lớp, người ta cũng phải dè dặt khi đánh giá tác động của nó tới đời sống nghệ thuật đương thời. Nhiều tín hiệu tác giả phát ra, chưa có ai đón nhận. Suy rộng ra, còn có thể bảo, giữa nhận thức của một con người mà cách mạng là một nhu cầu nội tại - người cách mạng gốc, như bên Thiên chúa giáo, người ta bảo những người đạo gốc - với thực tế cách mạng hình như còn có sự so le?! Nhưng đó là lối xem xét của một người ngoài cuộc. Với Trần Dần, không có chuyện vừa đi vừa tính toán xem mình có thuận mắt chung quanh hay không, được hoan nghênh hay bị chê bai. Thậm chí, ông còn không buồn điều chỉnh bản thân ngay cả trong những hoàn cảnh gay cấn hơn nhiều. Để sang một bên câu chuyện của nhóm Nhân văn và Trần Dần trong mấy năm ấy, chỉ biết rằng, từ 1957 trở đi, dường như ông bị gạt ra khỏi sinh hoạt bình thường của văn học cách mạng. Mặc! trong hoàn cảnh đó, ông vẫn trung thành với chính mình, nhất là không xa rời cái ý tưởng mà mình theo đuổi từ khi còn trẻ. Nói cách khác, cách mạng vẫn là tâm thế chính của con người khí phách ấy. Và ông vẫn viết, viết như "đổ bớt" được chính mình đi cho đỡ nặng. Viết như đền ơn trả nghĩa những người đã giải phóng cho tuổi trẻ của mình. Viết như rung lại hồi chuông cách mạng thi ca đã khởi sự từ thuở 19-20. Tập thơ Cổng tỉnh (1994) thật đã đúng là một hiện tượng đá đẻ "Đục như đi thuyền - luồng luồng sóng thạch". Nói về cái đau đớn của con người biết suy nghĩ trong đêm trường mất nước nhiều câu thơ đúc lại trong một nỗi xót xa máu ứa.
Tôi cô đơn trời xanh cô đơn trời tím
Cô đơn nắng đào cô đơn mưa tái nhợt đầu ô.
...
Vỡ tuổi ấu thơ! vỡ tất cả
Tôi biết hợp về đâu? Tan tác hết,
Để bây giờ tôi phải kháng cự với mông mênh
Tôi phải đứng li lì ba ngả gió
Bằng tất cả những phương tiện ngôn ngữ sẵn có tác giả ném ra tới tấp hàng loạt hình ảnh, cốt để nói cho hết, nói bằng được cái bi đát, cái vô vọng của con người muốn được thay đổi
Khúc phố đổ đè ngang khúc phố quê
Phố hoắc phố hơ thành trì ọp ẹp
Thều thào trống mọt buông canh
Im lặng. Im lặng bóp cổ hàng đèn treo
Xa xa một chiếc lá kêu. Kêu vàng đại lộ
...
Lá đỏ cháy ròng ròng qua các phố lụi hoàng hôn.
Cách mạng bùng lên là để hóa giải bao nhiêu vô lý nó làm sứt mẻ què quặt những hồn người, những phố xá, cách mạng tới là để chấm dứt cái mênh mông của đêm tối hoang dã như thế, hỏi làm sao một thi sĩ như Trần Dần thờ ơ cho được? Nói bao nhiêu, với ông, cũng là chưa thỏa. Trong khi sử dụng những vật liệu có vẻ không thi vị chút nào, thực tế là ông lại biết mang lại một chất thơ riêng cho công cuộc cách mạng mà ông dành hết tâm huyết để ca ngợi. Trước mắt người đọc thấy hiện lên rõ nét một nhà thơ sứ đồ, mà cũng là một nhà cách mạng bẩm sinh, con người của dằn vặt trăn trở, con người quyết liệt, đi gần tới thô tục, cục cằn, con người căm thù xã hội cũ và tất cả những gì trì trệ, mòn mỏi, đến mức sẵn sàng chửi thề, đập phá, song lại cũng là con người có trái tim run rẩy, cặp mắt rưng rưng trước cái mới đang sinh thành. Đặt bên cạnh những kẻ ăn theo, những giọng vào hùa, những nhà thơ công chức, Trần Dần là một thế giới hoàn toàn ngược lại. Miễn là cái tư tưởng mà ông theo đuổi được nói ra, và ông được bộc lộ mọi si mê, mọi đắm đuối vì nó, thế là được rồi, còn có hề gì là những đau khổ riêng ông phải chịu! Người ta chỉ cắt nghĩa được sự xuất hiện của nhiều dòng thơ trĩu nặng tâm tình trong Cổng tỉnh khi biết rằng nó được viết ra một tâm thế như vậy. Chân vục trong bùn, song người thi sĩ này mắt vẫn hướng về ánh sáng và giữa nhiều hình ảnh của con người cách mạng trong thế kỷ, cuối cùng ông vẫn là một trong những hình ảnh gợi ra sự cảm phục cùng những ấn tượng thắm thiết.
SỐ TRUY CẬP online