Nguyễn Minh Châu

Nhìn vào gốc tích quê hương của nhà văn từ sau 1945 tới nay, nguời ta nhận ra hai vùng có nhiều nhân tài hơn cả. Một là Nà Nam Ninh, xứ Sơn Nam hạ ngày trước, một địa điểm đặt các trường thi ở các tỉnh phía bắc, thời nhà Nguyễn. Hai là Nghệ Tĩnh, một vùng đất văn vật cũ. So với Hà Nam Ninh thì Nghệ Tĩnh còn có phần trội hơn về lực lượng người viết. Nói riêng trong số các nhà văn đang mặc áo lính, số người Nghệ Tĩnh cũng khá đông đảo. Chính Hữu, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Hải Hồ, Nam Hà, Phạm Ngọc Cảnh, v.v.. và v.v...
Bởi vậy, một lần nói chuyện với một người bạn trẻ hơn ở Văn nghệ Quân đội, nhân đả động tới hiện tượng người Nghệ Tĩnh rất đông ở Hà Nội và trong giới viết văn, Nguyễn Minh Châu nửa đùa nửa thật bảo:
- Bây giờ chúng tôi đã là dân Hà Nội thực sự rồi, phân biệt làm gì!
Có điều phải nói ngay là trong khi ở một số người khác dấu vết gốc tích còn nhiều, thì ở Nguyễn Minh Châu gần như ngược lại. Anh “Hà Nội hoá” khá nhanh. Trên những trang viết của anh người ta bắt gặp được cái tinh tế, những ý nhị, tài hoa, mà theo quan niệm từ xưa, chỉ đồng bằng Bắc Bộ mới có.
Nguyễn Minh Châu kể với tôi: Anh quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An và trước 1945, có được vào Huế học ít năm. Nhưng cái nơi để lại trong tâm hồn anh dấu vết sâu đậm nhất, là vùng khu Ba cũ, nơi anh chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Pháp với tư cách một người lính của sư đoàn 320.
Có lẽ đó là cái cầu nối khiến cho tình cảm của Nguyễn Minh Châu sâu đậm với Hà Nội chăng? Cái thiêng liêng ttành kính mà một người như Nguyên Hồng cảm thấy rất rõ khi bước vào nghề văn, tiếp xúc với sách vở và một Hà Nội văn học - những tình cảm ấy ở Nguyễn Minh Châu cũng có, tuy anh chưa trực tiếp nói ra bao giờ.
Một cách lặng lẽ, kín đáo, anh chỉ làm việc hết sức để đón nhận cái hoàn cảnh thuận lợi đến với mình - đó là khoảng 1959, khi Nguyễn Minh Châu được chuyển lên công tác ở phòng văn nghệ quân đội, sau đó về tạp chí Văn nghệ Quân đội, tức là sống giữa lòng Hà Nội văn học.
Và Nguyễn Minh Châu đã làm được điều mình mong đợi. Những trang viết của anh không đơn giản “tỉnh lẻ” như người ta hay nói mà có được cái chững chạc của một ngòi bút chín về mặt nghề nghiệp. Trong khi làm nhiệm vụ của một người viết trong quân đội là viết về những người lính ở các đơn vị đang chiến đấu và sản xuất, tức là mô tả những con người, những công việc không có vẻ Hà Nội chút nào, Nguyễn Minh Châu vẫn cho ta thấy anh tìm cho mình một chỗ đứng bao quát hơn.
Phải nói ở chỗ này, Nguyễn Minh Châu có cả một cơ sở lý luận. Anh tâm sự:
- Không biết có thể gọi là một kinh nghiệm nhỏ được không, tôi nghiệm thấy rằng trong những năm vừa qua, tôi không thể viết nổi một cái gì, nếu không thoát mình ra khỏi cái hiện tượng thực tế mà tôi đã lấy tài liệu. Hãy xê dịch khỏi nơi đó và tìm đến ở một nơi mà hoàn cảnh sống khác hẳn, đối lập hẳn cũng được. Trong cái môi trường mới ấy, có thể tính cả việc đọc sách, những sự nghĩ, những dự tính đã thành hình, hoặc còn phân vân và cả cái phần tư tưởng của tác phẩm dự định viết nữa, tất cả phải được nhìn lại xem xét lại bằng con mắt khách quan hơn. Nếu xuống biển hay về thành phố, chúng ta sẽ nghĩ về rừng sáng tỏ và khái quát hơn, tất nhiên trước đấy phải có những ngày sống ở rừng, sống lâu dài và sống hết mình. Cái “hoàn cảnh khác” mà Nguyễn Minh Châu nói ở đây, chính là Hà Nội. Thanh phố giúp cho nhà văn nhìn kỹ cuộc sống của người lính ở các mặt trận xa. Quan trọng hơn, thành phố giúp cho nhà văn ở khâu suy nghĩ, đi sâu vào các vấn đề, đồng thời là nâng vấn đề lên, tạo cho nó một ý nghĩa khái quát, khiến cho người đọc ở bất cứ đâu cũng có thể thông cảm được với các vấn đề của người lính.
Sáng tỏ và bao quát, hai yêu cầu ấy sóng đôi với nhau. Khi nhà văn tìm được hình thức biểu hiện thích hợp, từ cách bố cục quyển sách, cách chia chương chia đoạn, cho đến câu chữ... tất cả những yêu cầu ấy được thực hiện đầy đủ, cũng là lúc tác phẩm thật sự hoàn thành.
Nói như ý nghĩ của nhân vật chính uỷ viên Kinh trong Dấu chân người lính, Hà Nội là cái điểm tĩnh, thật tĩnh, để giúp nhà văn nhìn ra cái điểm động của cuộc chiến đấu. Là cái tài hoa văn hoá giúp vào việc soi sáng cái vất vả lam lũ đang hình thành, đang thay đổi. Là độ chín của quá khứ và ánh sáng tương lai để giúp vào việc soi tỏ hiện tại.
Nếu xét theo ý nghĩa như vậy, thì không cần khiên cưỡng chút nào cũng có thể nói chắc là Hà Nội đã có mặt đáng kể trong những tác phẩm quan trọng nhất của Nguyễn Minh Châu ở Cửa sông, và các truyện ngắn viết trong những ngày đầu chống Mỹ, đặc biệt là ở Dấu chân người lính. Lữ, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết này đã từ Hà Nội mà ra đi, và ở chiến trường đã ngã xuống trong tư thế đang chiến đấu. Lúc ấy “qua một chiếc đài để trong góc một cái hầm sập, tiếng hát vang lên từ những thanh gỗ nằm ngổn ngang. Nó là tiếng nhạc hào hùng của bài Người Hà Nội”. Nguyễn Minh Châu dường như muốn nói: nguồn gốc sức mạnh của nhiều người chúng ta trong cuộc chiến đấu này là tình yêu Hà Nội.
Ngoài ra, sự đời có những chuyện lạ, không phải người trong cuộc nói ra, người ngoài dễ không sao đoán nổi. Khi viết Dấu chân người lính, Nguyễn Minh Châu không những chỉ lấy cảm hứng từ cuộc chiến đấu sáu mươi ngày khỏi lửa để tạo ra những chi tiết chung quanh nhân vật Thái Văn, mà còn rút ra từ cuộc sống thủ đô chất liệu cho những mảng miêu tả khác. Theo anh kể với chúng tôi, không khí vườn Bách Thảo mà thỉnh thoảng anh ghé qua, trên đường từ cơ quan ở 4 Lý Nam Đế về nhà ở Công trường 800 đã gợi cho Nguyễn Minh Châu viết những câu tả rừng. “Tiếng lá khô rơi xào xạc. Một cơn gió từ lòng suối cạn thổi hắt lên, bốc tung lên cao một đám lá khô những chiếc lá bay múa trước mặt mọi người như những lá thư huyền bí của cuộc đời”.
Ngoài ra, những chi tiết gắn với thời đi học của nhân vật Lữ nào là cả trường tập hợp chào cờ, nghe cô hiệu trưởng dặn dò, nào là Lữ bắt gặp Hiền tay cầm que kem... đều được lọc ra từ quan sát của Nguyễn Minh Châu những lần đi qua trường Chu Văn An. Cố nhiên, giữa việc cung ấp những chi tiết cụ thể với việc giúp cho nhà văn có sự ổn dịnh trong suy nghĩ thì vai trò thứ hai của Hà Nội lớn hơn nhiều.
Không những mượn chi tiết sinh hoạt thủ đô để tả nơi khác, cũng đã nhiều lần Nguyễn Minh Châu còn lấy ngay Hà Nội để tả Hà Nội, mà tập trung nhất là trong tiểu thuyết Lửa từ những ngôi nhà.
Chúng ta đã biết những trang Nguyễn Tuân tả khu trung tâm thành phố trước cách mạng. Chúng ta cũng rất yêu những trang tả ngoại thành Hà Nội trong các tác phẩm của Tô Hoài. Dường như mỗi nhà văn đều có cách đóng góp riêng của mình.
Về phần Nguyễn Minh Châu, hoàn cảnh của anh có hơi đặc biệt. Bắt đầu về sống ở Hà Nội từ 1959, nhưng thoạt đầu nhà văn còn bỡ ngỡ, sống như người ở nhờ, tự thu hẹp mình trong doanh trại, vì bấy giờ gia đình anh còn ở Hải Phòng. Từ 1965, gia đình Nguyễn Minh Châu mới chính thức chuyển về Hà Nội. Song mấy năm từ 1965 đến 1968 lại là mấy năm sơ tán triệt để, mãi sau 1968, Nguyễn Minh Châu mới đưa gia đình trở về khu công trường 800 ở mạn chợ Bưởi. Đấy là một khu quân sự đặc biệt, gồm nhiều dãy nhà khác nhau, do các đơn vị khác nhau quản lý.
Trong khi viết Dấu chân người lính, Nguyễn Minh Châu có dịp sống kỹ với cái mảng Hà Nội đặc biệt này, một thứ Hà Nội vừa mới hình thành để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nó nham nhở, tạm bợ luộm thuộm như một thứ bờ rừng, nơi thường xuyên có những đoàn quân đi qua. Nhưng nó lại có phụ nữ chửa đẻ, trẻ con đi học, những đôi trai gái yêu nhau và bàn chuyện tương lai. Đúng là Hà Nội của một thời mà không ai có thể quên nổi. Hà Nội trải mình ra rộng rãi khắp các khu vực ngoại ô, để đứng vững trong chiến đấu.
Mãi sau 1975, gia đình Nguyễn Minh Châu mới chuyển về một nơi ổn định hơn, một khu tập thể bộ đội đầu chợ Ngọc Hà. Nhà văn kể lại với tôi nỗi xao xuyến kỳ lạ trong anh khi dọn đến nhà mới. Anh rất hay ra phố và sẵn sàng cho phép con cái ra phố. Xưa, từ nhà ra phố phải đi một thôi rất xa. Nay, ở giữa phố xá, chẳng phải một điều kỳ lạ sao!”.
Và Nguyễn Minh Châu lại lấy nơi ở của mình để hình dung ra Hà Nội. Nhân vật chính trong một số truyện ngắn của anh gần đây như Hạng, Bức tranh, Khách từ quê ra, Hai con nhóc.... là những người quen thuộc mà anh vẫn gặp trong khu tập thể của anh hôm nay. Trong các tập truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê... anh tìm cách phác ra hình ảnh một Hà Nội thời chúng ta đang sống. Phác hoạ, tự nhận thức, chiêm nghiệm để mong sao Hà Nội ngày một trở thành chính nó, một trung tâm văn hoá.
SỐ TRUY CẬP online