Nguyên Hồng.

Có một nhà văn, đến nay đã mất, chúng tôi không thể tiến hành phỏng vấn, trong sự nghiệp văn học của nhà văn đó, thường thấy nói đến Sáu Kho, Hạ Lý những xóm nghèo ở Hải Phòng, nhưng sự thật tình yêu của nhà văn này với Hà Nội cũng rất nồng nhiệt, và đã được kể lại một phần qua các hồi ký.
Nhà văn đó là Nguyên Hồng.
Khi còn đang tuổi thiếu niên đã có lần cậu bé Nguyên Hồng 13-14 gì đó, từ bỏ gia đình ở Nam Định, một mình lên Hà Nội. Lúc đó, gia đình cậu gặp khó khăn, bố chết, mẹ đi lang bạt kiếm ăn đâu tận Thanh Hoá. Là học sinh lớp nhì, có dạo cậu có thể kiếm ra tiền bằng cách viết thư hộ những người hàng xóm có người thân đi lính sang Tây, hoặc đi cao su, đi phu Tân Đảo, song vẫn không đủ ăn. Nhân nghe có người anh làm chân chữa bản in ở nhà in Viễn Đông, cậu mò lên, để nhờ anh xem có xin được việc gì không. Nhưng “nhảy dù” “ăn vạ” ở nhà người anh một ít lâu, cậu hiểu ngay ở đây không sao kiếm ra việc, và những ý định sẽ bám vào đây để sống, mua mía, mua bưởi bán rong lần hồi, hoặc đi theo một gánh xiếc nào đó, như kiếp sống của nhân vật chính trong Không gia đình rút cuộc, ý định đó cũng là một cái gì hão huyền: cậu lại phải ra tàu thuỷ trở về Nam Định phiêu bạt đi các nơi khác.
Đúng là Hà Nội đã từ chối cậu bé. Nhưng không phải vì thế mà Nguyên Hồng cảm thấy có thể xa nổi cái thành phố tuyệt vời này, vì ở đó còn có sách vở, báo chí, những gì thuộc về văn học sẽ gắn với cả đời mình. Có lần bị tù rồi được tha, trên đường từ Phúc Yên về quê, chỉ ghé qua Hà Nội mà Nguyên Hồng đã như mê đi, bước chân đưa đẩy qua không biết bao nhiêu nơi, hồ Hoàn Kiếm, Hàng Đào, Hàng Buồm, nhà ga, Gô-đa, Tràng Tiền... Cái mà người thanh niên này mê nhất là sách. Nói theo ngôn ngữ của nhà văn Nguyên Hồng về sau phải nói, đó là những cuốn sách thiêng liêng, toả sáng.
Về với Nam Định, rồi Nguyên Hồng cùng gia đình ra Hải Phòng, từ đó, bắt đầu vừa dạy tư, vừa gửi bài vở lên các báo ở Hà Nội.
Năm 1939, một sự việc làm chấn động tâm tư người thanh niên mười chín tuổi: Ông chủ nhiệm Tiểu thuyết thứ bảy kiêm chủ nhà xuất bản Tân Dân gửi thư cho nhà văn trẻ, báo rằng từ nay sẽ coi Nguyên Hồng là cộng tác viên chính thức, có trả tiền cẩn thận (trước đó nhà xuất bản chỉ in cho là may, chứ đâu đã có nhuận bút!) Nguyên Hồng lại như mê man đi với bức thư ấy. ý nghĩ phiêu diêu đủ thứ, nhưng cuối cùng, đọng lại trong một dự định: phải lên Hà Nội học thêm và trở thành một người viết cho đàng hoàng.
Gia đình lo lắng, sợ lên đấy, nhà văn trẻ sẽ đua đòi, hư hỏng đi, trong khi đó cứ ở Hải Phòng, vừa dạy tư, vừa viết thế này đã sống được rồi.
Nhưng Nguyên Hồng không chịu. “Ôi, Hà Nội, kinh đô ngàn năm văn vật! Tôi sẽ lên sống ở đấy đem cả tuổi xuân của mình chọi lại với cái quyến rũ, thách thức, lừa lọc”.
Và Nguyên Hồng xách một hòm gỗ ra ga lên Hà Nội thật. ở nhờ vào một ngôi đền, gần chợ Châu Long; và ăn, thì ăn ở các hàng cơm của phu phen, thuyền thợ.
Lần ấy, Nguyên Hồng chỉ ở Hà Nội mấy tháng, rồi nhớ Hải Phòng, ông lại trở về thành phố cảng. Nhưng ông đã thành người của cái nghề này rồi, nghề viết văn. Chẳng những thế, trong giới những người viết văn, ông lại sớm hiểu mình phải dùng ngòi bút để phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng quần chúng cần lao mà ông đã tự nguyện gắn bó.
Và thế là ông vẫn sẽ thường xuyên có mặt ở Hà Nội để liên hệ với những báo chí tiến bộ như Thời trẻ, Bạn dân, để làm quen với các đồng chí như Tô Hoài, Như Phong, và để dự những cuộc đấu tranh lớn như cuộc biểu tình ngày 1 tháng 5 năm 1938, hoặc các hoạt động của Văn hoá Cứu Quốc.
Từ đây, cái nhìn của Nguyên Hồng về Hà Nội rất rạch ròi. Ông xa lạ một thứ kinh thành hoa lệ của bọn nhà giàu. Nhưng ông càng thêm yêu một Hà Nội khác, Hà Nội tranh đấu. Hà Nội đầy sức sống.
“Chiều hôm ấy (chiều 1-5-1938 - V.T.N. chú) dịu nắng thì có gió. Trời mây và các mặt nước Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, các đường cây, các tầng khối kiến trúc, các ống khói, các nhịp cầu, các bờ bãi sông Hồng cùng với phù sa chảy lư lừ đang đợi các lũ nguồn chưa bao giờ lại đẹp, rực rỡ trong nắng chiều và gió thổi lộng như bây giờ. Các đường phố Hà Nội như đang có một thứ máu mới dạt dào vậy”.
Về sau, cũng có một dạo, Nguyên Hồng cùng gia đình ở hẳn Thủ đô. Đấy là năm 1943, khi Hải Phòng bị ném bom gia đình ông chạy về Hưng Yên một hai tháng, thì lên Hà Nội, lần này, ông thuê nhà ở bãi Nghĩa Dũng. Nhà ở chật chội, đâu có một gian nhà tranh hai chục mét vuông thì nhà chủ đã kê chiếc khung cửi mất một nửa, còn một nửa mới cho thuê. Vậy mà Nguyên Hồng rất vui. Chung quanh ông vẫn là một Hà Nội lầm than, Hà Nội của người nghèo. Và dù đây là cuộc sống Thủ đô, nhưng vẫn rất gần thiên nhiên. Nhà cửa trống trải, nắng gió bao giờ cũng sẵn. Lại gần sông nước, tha hồ ra đấy mà giặt dũ, đến nước để ăn cũng không phải nước máy, mà là nước sông gánh về đổ đầy vại rồi đánh phèn. Thì ra, không phải ngẫu nhiên mà các nhà thơ trẻ những năm 70, 80, sau này còn ca ngợi Hà Nội với hương cốm vòng với những gánh rạ đi vào thành phố. Từ ba bốn chục năm trước, đấy đã là nguồn cảm hứng chi phối Nguyên Hồng và nhiều nhà văn khác.
Cố nhiên, bên cạnh những giờ phút say sưa với thiên nhiên, thì cái đập vào đầu óc Nguyên Hồng ngày ấy vẫn là một Hà Nội nhếch nhác, đau khổ, và khi bị ném bom, khi nạn đói đổ tới, thì càng thảm hại hơn. Ngòi bút Nguyên Hồng lại có dịp cực tả, từ những đống người đắp chiếu bên đường, đến cả thành phố ốm o, bệnh tật trông nhiều nhà như bỏ hoang hay có người điên bị giam giữ, người ốm yếu bại liệt đang hấp hối”. Nhiều trang của Nguyên Hồng (trong Địa ngục, Lò lửa, và các tập hồi ký) gợi chúng ta nhớ tới những bức ảnh chụp sọ người chết đói chồng thành đống lớn của Võ An Ninh. Cả hai đều là những chứng tích có ý nghĩa lịch sử.
Sau hoà bình lập lại (1964), gia đình Nguyên Hồng vẫn ở trên ấp Sậu - một vùng quê Hà Bắc, nhưng ông vẫn đi về công tác ở Hội Nhà văn, với các anh em khác. Những lúc rỗi rãi, ông lại cùng với Kim Lân, Tô Hoài đi dạo phố, nhất là lên mạn chợ Bắc Qua, nơi người các tỉnh mang hàng về sôi nổi, tập nập. Nguyên Hồng cảm thấy đấy là một Hà Nội đầy sức sống, khiến niềm say mê của ông không bao giờ dứt, và ông có thể hoà mình vào đó thật thoải mái.
SỐ TRUY CẬP online