Nguyễn Bính




46. Hai cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bính

Nhiều nhà thơ nổi tiếng thời tiền chiến thường đồng thời có viết văn xuôi. Thâm Tâm đã viết Thuốc mê; Trần Huyền Trân đứng tên sau các tiểu thuyết Sau ánh sáng, Bóng người trên gác kinh; Anh Thơ có Răng đen. Về phần mình, Nguyễn Bính từng cho in nhiều kỳ trên báo rồi in thành sách hai tác phẩm tương đối dài hơi là Ngậm miệng và Hai người điên giữa kinh thành.
Ngậm miệng (tròn 100 trang) là một thứ tiểu thuyết độc thoại. Nhân vật xưng tôi trong truyện tự kể lại mối tình của mình với một cô gái tên là Oanh. Nhưng đó là tình yêu một phía, tình không được đáp lại. Thậm chí người con trai cũng chưa một lần dàn mặt trò chuyện với người mình yêu. Hết đứng đón để được thấy bóng dáng của nàng, chàng lại qua nhà đêm tối, trời mưa cũng đứng gần nhà nàng, chờ trong nhà... tắt đèn. Giận dỗi vì bất lực, hai lần chàng bỏ đi. Lần lên Thái Nguyên rồi ốm tương tư đã gần chết. Lần vào tận đồng đất Nam bộ xa xôi. Nhưng đi xa ít lâu chàng lại về trong tuyệt vọng. Vì Oanh vẫn không hề đoái hoài. Đúng ra, Oanh không thể gọi là một nhân vật trong Ngậm miệng đơn giản là vì Oanh không tự thân xuất hiện. Phần đầu tác phẩm, có đoạn tả Oanh đi lấy chồng, khiến tôi đứng nhìn mà xiết bao đau đớn. Nhưng đó không phải cảnh thật mà chỉ do chàng yêu quá, ngồi tưởng tượng ra. Gần cuối truyện có chương Động phòng hoa chúc dạ, tả ngày cưới của hai người nhưng chẳng qua cũng là câu chuyện ở trong giấc mơ, khi một mình chàng thi sĩ đang lăn lóc ở nơi phương trời xa lạ nằm mơ rồi vẽ ra trong đầu. Cuối truyện, tôi giận dữ nói với một người bạn: “Nếu bây giờ tôi gặp Oanh, câu đầu tiên của tôi là bảo với nàng rằng: “Oanh ơi! Oanh có biết không? Quả thật tôi không yêu Oanh một tí nào cả”.
Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội dài hơn (139 trang) và có vẻ nhiều chất tiểu thuyết hơn. Hai nhân vật chính trong truyện là Tuấn và Điệp. Cả hai là những thi sĩ trẻ, nhưng đã trải qua nhiều đau đớn trên đường tình ái, nên rất bi quan mỗi khi bàn về phụ nữ. Theo Điệp và Tuấn “linh hồn họ đục như bùn và lòng họ đen như than” (họ đây là phụ nữ nói chung!) Một lần, chán quá, hai người nghĩ ra trò chơi kỳ cục: mua hoa xuống nghĩa trang thành phố - bấy giờ là nghĩa trang P.T ở gần Bạch Mai để xem có cô gái trẻ nào mới chết thì... đặt hoa lên mộ. Từ đó, cả Tuấn và Điệp đều hết lòng yêu Hoàng Lan, cô gái mà họ không hề biết mặt và đã chết từ mấy tháng trước. Điều này khiến bạn bè của họ như thi sĩ Trần, Quang... đều bảo họ điên. Tình cờ, một lần xuống mộ, hai chàng gặp mẹ và em gái Hoàng Lan. Họ mời Tuấn cùng Điệp đến chơi, rồi về gia đình trọ luôn thể. Nhưng đang sống trong mộng, bỗng nhiên một lần Điệp bắt gặp trong tấm gối cũ của Hoàng Lan - mà chàng thường gối - một xấp thư và ảnh. Hoá ra, trước khi chết, Hoàng Lan đâu phải trong trắng như Điệp đã tưởng. Báo tin cho Tuấn biết chuyện này mà lòng Điệp đau như dao cắt.
Đương thời, mối tình si của Nguyễn Bính với một cô gái tên là Oanh ở Hà Đông đã được nhiều người chứng kiến. Trong hồi ký Những gương mặt, ở bài viết về Trúc Đường, Tô Hoài kể: “Một hôm, vào lúc chập tối, đương đi ở phố Hàng Bông, Nguyễn Bính bấm tôi: Oanh đấy! Oanh đấy! Tôi nhìn sang bên kia hè. Trời ơi! Oanh! (...) Một cô gái mặt tròn như chiếc bánh đúc chít khăn sa tanh đen kiểu các cô bán cau khô, hàng xén chợ tỉnh. Mà cái chàng “khách thơ” Nguyễn Bính đâu có quen biết gì người ta cho cam! Hình như chỉ biết là con một ông ách ông quản gì đó ở Hà Đông. Thế mà cứ rối cả lên”. Nhưng ở đây, chúng ta không bàn đến chuyện Oanh xấu hay đẹp, Oanh có yêu Nguyễn Bính hay không. Điều quan trọng hơn đối với người nghiên cứu lịch sử văn học: con người Nguyễn Bính bộc lộ qua mối tình này ra sao.
Nếu sự vắng bóng của Oanh trong Ngậm miệng có vẻ làm hại tới tác phẩm về mặt tiểu thuyết, thì để bù lại, nó tạo ra một khoảng trống để buộc Nguyễn Bính khai thác bản thân tỉ mỉ hơn. Qua thiên truyện này, ta được đọc những trang ông tự kể về quê quán ông (làng Thiện Vinh, có “thổ sản” rau cần và chuyên nghề làm bún), gia cảnh ông (mẹ mất sớm, thiếu người chăm sóc, lúc nào cũng cảm thấy “bị chôn sống giữa một gia đình hiu quạnh như bãi tha ma”). Lá thư nhân vật xưng tôi gửi cho ông anh Hữu Cương - có thể hiểu là thư Nguyễn Bính gửi cho nhà viết kịch Trúc Đường - là một đoạn tự bạch thành thực và cảm động. Trong khoảng 8 trang sách, Nguyễn Bính đã nói gần như đầy đủ về mình và gia đình mình. Ngoài ra, trong nhiều trang sách, người ta bắt gặp những ý tứ mà sau này Nguyễn Bính sẽ đưa vào thơ. Chẳng hạn ở trang 22 tiểu thuyết Ngậm miệng Nguyễn Bính viết: “Tôi phụng thờ nàng hơn các vị tăng ni phụng thờ đức Phật, tôi tôn sùng nàng gấp mấy người ta tôn sùng một tôn giáo. Tôi luôn luôn tụng kinh vì nàng, nhưng là tụng kinh ân ái”. Đọc đoạn này, người ta không khỏi nhớ tới mấy câu kết bài Lời yêu đương.
Ai yêu như tôi yêu nàng
Họp nhau lại, họp thành làng cho xinh
Chung nhau dựng một trường đình
Thờ riêng một vị thần linh là nàng.
Điều này, người ta cũng thấy rõ trong tiểu thuyết Hai người điên giữa kinh thành.
Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh ở HNĐGKTH là ở chỗ khác.
Theo nhà thơ Hoàng Tấn cho biết, Nguyễn Bính thường tự nhận tiền thân của mình là bướm, và từng lấy bút hiệu là Điệp Lang. Trong thơ ông, mô típ con bướm nhởn nhơ phong tình thường trở đi trở lại. Nhân vật Điệp trong Hai người điên giữa kinh thành có nhiều nét nhang nhác con người Nguyễn Bính hàng ngày: cũng lối dễ xúc động “trông người con gái nào cũng thấy đẹp”, “gặp người con gái nào cũng nói ầm cả lên là yêu tha thiết yêu mặn mà”; cũng những cảm giác sâu nặng về truyền thống, vừa nhìn rặng hoa hoè điểm chấm vàng đã nhớ ngay chuyện ngày xưa sĩ tử đi thi.
Vậy đã rõ Điệp chính là Nguyễn Bính. Thế còn Tuấn, và Trần, Quang, hai người bạn làm thơ khác?
Theo chúng tôi tìm hiểu, Tuấn ở đây chắc chắn là hình ảnh của Thâm Tâm. Tên thật của Thâm Tâm là Nguyễn Tuấn Trình, thì chữ Tuấn chắc rút ở đấy ra, đấy là một lẽ. Lẽ thứ hai quan trọng hơn:
Tuấn ở đây, cũng như Thâm Tâm ở ngoài đời, đều là loại người khắc khổ, nhìn đời một cách bi quan. Đặc biệt, Tuấn cũng từng yêu một cô gái trẻ, tên là Khánh, trong tình yêu cũng xen vào hình ảnh những bông hoa ti-gôn “dáng như tim vỡ”, rồi cô gái cũng bỏ đi lấy chồng, khiến Tuấn đời đời ôm hận. Tóm lại, toàn là chi tiết mượn từ đời riêng Thâm Tâm, trong đó có mối tình Thâm Tâm với T.T.Kh. Còn Trần thì không ai khác, là Trần Huyền Trân. Bộ ba Nguyễn Bính- Thâm Tâm- Trần Huyền Trân gắn bó với nhau từ hồi viết Tiểu thuyết thứ năm và báo Bắc Hà, một mối gắn bó mà Nguyễn Bính từng mô tả “không đào viên kết nghĩa - nhưng cũng thành tam anh”. Vả chăng, thời tiền chiến nếu có một thi sĩ nào mà thơ “điêu luyện, cổ kính, đẹp như một bức tranh Tàu”, như Nguyễn Bính tả trong Hai người điên giữa kinh thành, thì người đó phải là Trần Huyền Trân. Sau hết, còn ai là Quang, một người bạn nữa của Tuấn và Điệp, chỉ hiện ra với mấy nét thoáng qua trong tác phẩm? Tác giả cho biết “Quang có gia đình êm ấm ở Hà Nội, nhưng lại thích đi giang hồ. Giang hồ đây chỉ có nghĩa là đi liêu biêu, nay đây mai đó để được làm thơ nhớ quê hương, nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ tình nhân và nhớ hết mọi người.” Đây nữa, là chi tiết “thân hình anh to nhớn như voi, nhưng tính khí lại như đàn bà, rất hay khóc”. Nhà văn Tô Hoài nói với tôi: Quang đây là Phạm Quang Hoà một cây bút của nhóm Bắc Hà.
Ngoài tiểu thuyết, Nguyễn Bính còn viết truyện ngắn. Một nhà nghiên cứu cho biết năm 1944, trong thời gian ở Sài Gòn, Nguyễn Bính có truyện ngắn Không đất cắm dùi in ở tờ báo Thanh niên Đông Pháp, được báo này tặng giải nhất trong một cuộc thi. Trước đó, hồi nhà thơ đang ở Hà Nội, tác phẩm văn xuôi ký tên Nguyễn Bính in rải rác trên các báo cũng có khá nhiều. Bản thân chúng tôi mới sưu tầm được một truyện ngắn độc đáo của Nguyễn Bính mang tên Nước hồ sen. Tác giả đề rõ mình viết truyện này ở đền Yên Phú, Hà Đông và cho in năm 1940.
Nhưng hãy trở lại với Ngậm miệng và Hai người điên giữa kinh thành, ngoài giá trị tự thân, cả hai cuốn tiểu thuyết này là những tài liệu quý, giúp ta hiểu thêm Nguyễn Bính và bạn bè cùng làm văn nghệ đương thời. Chúng xứng đáng có mặt trong một Toàn tập Nguyễn Bính nghe nói đang được chuẩn bị.


47. Từ người chị lỡ bước sang ngang tới cô lái đò

Nếu nghĩ đến nước Anh, người ta nhớ tới Hamlet, để hình dung ra Tây Ban Nha, người ta liên tưởng ngay đến chàng hiệp sĩ mặt buồn Don Quichotte, thì nghĩ đến xã hội Việt Nam, nhiều người nghĩ ngay đến nàng Kiều, đến Xuý Vân... Những người phụ nữ ấy “rằng tài nên trọng mà tình nên thương”, thông minh nhạy cảm tuyệt vời là thế, nhưng số phận đâu có nuông chiều họ. Suốt đời đeo đẳng họ như cái bóng là những nỗi “đoạn trường” họ phải gánh chịu.
Với một nền văn hoá giàu nữ tính - nghĩa là thiên về tình cảm và xúc động - như văn hoá Việt Nam thì một lẽ đương nhiên là trong các sáng tác nghệ thuật, người phụ nữ thường đóng vai trò nổi bật.
Điều đó chẳng những đúng với văn học cổ điển và văn học dân gian mà còn đúng với văn học hiện đại, trong đó có những bài thơ của Nguyễn Bính, người mà cái chết bất hạnh đã cướp đi vào một ngày tất niên của năm ất Tỵ, song cái phần tinh anh, tức là thơ của ông lại vẫn đang hiện diện thường trực trong tâm trí hàng triệu bạn đọc.
Trung hậu, đảm đang...
- Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa.
Đặt trên cái nền của một xu thế Âu hoá bao trùm văn học tiền chiến thì những bài thơ của Nguyễn Bính trong Lỡ bước sang ngang, trong Mây Tần v.v... nổi bật lên ở những hoài niệm dai dẳng về nông thôn, những hoài niệm tưởng là âm thầm song lại vô cùng mãnh liệt. Trong cái đời sống nông thôn được lãng mạn hoá và phần nào lý tưởng hoá ấy, người phụ nữ ở vào vị trí trung tâm. Bóng dáng họ gắn liền cây đa, bến nước, những đêm hội. Bao nhiêu vất vả hàng ngày, từ tầm tang canh cửi cho đến vá may cơm nước, đều dồn cả lên vai họ. Năng động và kiên nhẫn, họ tự tin mà làm việc. Sự đảm đang quán xuyến, đức tần tảo siêng năng là những phẩm chất nẩy nở trong họ một cách tự nhiên, không cần một chút cố gắng. Trong những gia đình nửa nông tang, nửa chăm lo đèn sách - một kiểu gia đình khá phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ trước đây - thường khi họ là những trụ cột, cả về vật chất lẫn tinh thần. Qua cái hình ảnh người vợ vừa quay tơ dệt vải, vừa thúc giục chồng học hành để chờ ngày thi cử:
Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi.
Người ta nhận ra cái tầm nhìn không hề hạn hẹp của người phụ nữ nông thôn xưa. Hoá ra chẳng những chỉ biết duy trì đời sống trước mắt, mà họ còn âm thầm làm việc cho tương lai. Họ rất hiểu công việc đèn sách của cha anh, chồng con, và làm gì để giúp cho những người đàn ông ấy thành đạt, không bao giờ họ tiếc. Trên nhiều phương diện, hình ảnh những người phụ nữ được miêu tả trong những tập thơ đầu của Nguyễn Bính là nối tiếp của những người phụ nữ vốn đã quen thuộc với chúng ta qua ca dao, dân ca, những làn điệu chèo. Nên nhớ là vào khoảng mấy năm 1936-1939, khi Nguyễn Bính cho in mấy tập thơ đầu, thì cũng là lúc trên văn đàn xuất hiện nhiều cuốn tiểu thuyết viết về nông thôn, trong đó hình ảnh người phụ nữ được khắc hoạ với nhiều nét vẽ đa dạng, sơ lược giản đơn cũng có (một số nhân vật phụ nữ nông thôn của nhóm Tự Lực Văn đoàn), mà lố lăng thô kệch cũng có (Thị Mịch của Vũ Trọng Phụng). Chỉ riêng có người phụ nữ của Ngô Tất Tố là có được một vẻ đẹp riêng. Đảm đang lo liệu việc nhà, thương chồng thương con, quả quyết trong những hy sinh cần thiết, chị Dậu trong Tắt Đèn, như cách nói của một nhà văn, có thể coi như một thứ đài kỷ niệm về người phụ nữ Việt Nam trong đêm trường thực dân phong kiến. Thế còn ở Nguyễn Bính? Trong chừng mực nào đó, người phụ nữ nông thôn hiện lên trong Lỡ bước sang ngang, trong Mây Tần, trong Tâm hồn tôi.... có nhiều nét gần với chị Dậu của Ngô Tất Tố. Họ tượng trưng cho một đời sống văn hoá đã trở thành nền nếp của một thời và mãi mãi là biểu hiện sinh động cho những đức tính đã đi vào truyền thống của dân tộc.
Những bất hạnh thường trực và niềm thương cảm của tác giả
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn
Hai ngươi sống giữa cô dơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Ngoài con người chân quê, người phụ nữ trong thơ Nguyễn Bính còn là hình ảnh của tình yêu muôn màu muôn vẻ. Trong Mưa xuân, người ta bắt gặp những khao khát âm thầm trong lòng một cô gái quê trong trắng. Đến Nhớ, Chờ nhau, cô gái ấy lại hiện ra với những thú nhận chân thành về nỗi xao động trong lòng mình. Rồi đến áo anh, rồi Làm dâu từ nhiều bài thơ khác nhau, thấy ẩn hiện hình ảnh con người một mặt vẫn thiết tha với niềm hạnh phúc riêng tư, mặt khác, bao giờ cũng giữ được những nét ý nhị từ tốn, chúng vốn được coi như những đức tính cố hữu của người con gái, theo quan niệm của văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, cũng ngay ở Mưa xuân, người ta nhận ra rằng trước cái đa đoan của cuộc đời, người con gái trong Nguyễn Bính không phải bao giờ cũng suôn sẻ trên đường đi tới hạnh phúc. Thường khi, họ gặp phải những tình tự khá rắc rối. Không ít trường hợp, họ trở nên tượng trưng cho một vẻ đẹp mong manh, rực rỡ đấy mà cũng tàn lụi ngay đấy (Người hàng xóm: Hỡi ôi, bướm trắng tơ vàng - Mau về mà chịu tang nàng đi thôi). Hoặc nếu không chết yểu thì họ cũng bị giông bão cuộc đời cuốn đi, khiến cho hạnh phúc tiêu tan, mọi hy vọng trở nên hão huyền, và sự tồn tại trong đời trở thành đồng nghĩa với trớ trêu, đau đớn. Không kể Nhớ, Hoa với rượu, Viếng hồn trinh nữ, mấy bài thơ liên quan đến chị Trúc, như Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hương, Khăn hồng, Xây lại cuộc đời.. và cả Lỡ bước sang ngang nữa, nối tiếp nhau tô đậm cái ý: hình như càng tài hoa, tế nhị, càng sâu sắc trong tình cảm, thì người phụ nữ càng dễ bị tai hoạ, và nỗi thất vọng sớm muộn rồi sẽ biến thành tuyệt vọng. Một tương lai như thế nào chờ đợi họ?
Cha mẹ đã không nuôi dạy được
Con là phận gái hạt mưa sa
Chân bùn tay lấm hay hài hán
Hay lại bình khang lại nguyệt hoa?
Cành đưa lá đón theo lời mẹ
Phách ngọt đàn hay tục xướng ca.
ở bài Oan nghiệt này, ta thấy người đàn bà trong Nguyễn Bính đã phải chịu những đau đớn ghê gớm bậc nhất, đó là rơi vào cảnh lầu xanh, và do sự run rủi của số phận, trở thành vật mua bán trao tay ngay giữa người thân của mình.
Có thể không hẳn bao giờ nhà thơ cũng có ý thức về ý nghĩa xã hội toát lên qua các bài thơ đã viết, song sự thực là, trong khi nói về những người mẹ, người chị, những cô gái mà bản thân yêu quý, Nguyễn Bính nhiều lúc đã gợi ý cho người đọc suy nghĩ về những điều có ý nghĩa khái quát. Chưa bao giờ ông kêu lên được như Nguyễn Du Đau đớn thay phận đàn bà, song hình như đấy cũng là điều toát lên từ một số bài thơ và đằng sau vẻ thơ mộng, tinh tế vẫn có thể bảo là thơ Nguyễn Bính có một nội dung hiện thực chắc thiệt, cụ thể.
Có lẽ cũng vì có lòng thương mến rộng rãi, nên có lúc Nguyễn Bính còn đi tới một sự bao dung rất lạ. Hãy đọc lại bài Cô lái đò, ông viết từ khi còn rất trẻ (1940 về trước tức khi ông mới 21, 22). Xét theo quan niệm cổ truyền thì cô gái ở đây là một người không chung thuỷ. Đã một lần nặng thề cùng ai, song do chờ đợi quá lâu, không chịu đựng nổi, cô đành lỗi ước với tình quân. ấy thế nhưng đọc đi đọc lại bài thơ, người ta vẫn không nhận ra một thoáng chê bai oán trách, mà trước sau chỉ một thái độ thông cảm.
Dường như tác giả muốn nói : trên cái nền rộng lớn và buồn đau của cuộc đời, người phụ nữ dù như thế nào đi nữa, cũng không có lỗi. Ngược lại, chỉ sự có mặt của họ đã là niềm an ủi, là chút ấm lòng cho đám khách qua sông đông đảo là cánh đàn ông chúng ta! Có thể cảm thấy điều đó khi lắng nghe lại cái âm hưởng riêng biệt toát ra từ những bài thơ Nguyễn Bính viết về phụ nữ:
Xuân đã đem mong nhớ trở về
Lòng cô gái ở bến sông kia
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
Trên bến cùng ai đã nặng thề

Nhưng rồi người khách tình xuân ấy
Đi biệt không về với bến sông
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi
Mấy lần cô gái mỏi mòn trông

Xuân này đến nữa đã ba xuân
Đốm lửâ tình duyên tắt nguội dần
Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi
Cô đành lỗi ước với tình quân

Bỏ thuyền bỏ bến bỏ dòng trong
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng cô em từ độ ấy
Để buồn cho những khách sang sông.



48. Tình yêu một thuở
tình yêu vĩnh viễn


Giả sử vào những ngày này nghe đồn là có một người con trai nào đó yêu một người con gái nào đó, song lại cứ nằng nặc đòi cô kia phải đan cho mình một chiếc áo len, như một thứ của làm tin, xem áo như dấu hiệu của một tình yêu, của sự chung thuỷ - hẳn nhiên nhiều bạn trẻ sẽ ... chết sặc vì cười. Sang thời buổi của xe Dream, của các quán Karaoke, cách tỏ tình của thanh niên hiện nay hiện đại hơn, do đó chắc chắn giản tiện hơn, khong rườm rà thủ tục như ngày nào. Nhưng có điều là dù thay đổi đến mấy thì bây giờ người ta vẫn phải yêu và có lúc không cách nào khác, vẫn mượn những trang thơ để bày tỏ nỗi lòng. Bởi vậy mới có hiện tượng cùng với thơ tình Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, những bài thơ của Nguyễn Bính viết từ nửa thế kỷ trước - trong đó, ở nhiều bài thấy lặp đi lặp lại lời than thở rằng người yêu bỏ mình rồi, mùa rét tới không ai đan cho mình một chiếc áo len nữa, vẫn đang được ưa chuộng trên thị trường sách báo và các độc giả trẻ tuổi rất thông minh hiện thời vẫn biết đọc qua những vần thơ đó cái phần con người ngày nay mới có.
Đọc tiểu sử Nguyễn Bính, người ta vẫn biết rằng trước khi lên thành phố vương vấn với các “cô gái ở lầu hoa” ở những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ này, thì ông đã sống những năm đẹp nhất của tuổi trẻ ở một làng quê Nam Định. Bởi vậy, trước khi nói chuyện “đan áo len” thơ ông còn hay nhắc tới chuyện các cô gái trồng dâu, dệt lụa, may áo tặng các chàng, và một vẻ quê quê thường xuyên hiện lên như một sắc thái riêng, làm nên cái duyên dáng riêng của thơ tình Nguyễn Bính. Hãy thử nhớ lại xem khi nào thì con người ở đây yêu nhau: cùng học ở một trường huyện, hoặc sống ở hai thôn nhưng thực ra là một làng; có khi gần hơn, hai nhà chỉ cách nhau một giậu mùng tơi nho nhỏ, và thuở bé hai trẻ vẫn đùa chơi với nhau. Thật là những nguyên cớ rất hồn hậu! Rồi cái đích mà tình yêu đi tới cũng hồn hậu không kém. Lặp đi lặp lại trong nhiều bài thơ là cái công thức về một gia đình lý tưởng: vợ chăn tằm dệt vải, chồng miệt mài đèn sách để chờ ngày thi cử. Về mặt này mà xét, thơ tình Nguyễn Bính ngoài công cuộc Âu hoá đương thời, và không cần so sánh với Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử mà ngay với Lưu Trọng Lư thì những bài thơ in trong Lỡ bước sang ngang, Mây Tần, Mười hai bến nước... vẫn có gì đó dân dã hơn, nguyên chất nông thôn và xa lạ với văn minh thị thành hơn. Vả chăng, bấy nhiêu chuyện có lẻ vẫn chỉ là phong cách biểu hiện bên ngoài. Đằng sau cái vẻ vừa quê mùa, vừa cổ kính, thơ tình Nguyễn Bính nhiều khi đạt tới các mức gần như trùng khít với tâm tình con người đương đại. Ví dụ, dù là ở nông thôn hay thành thị, dù là người của các thế kỷ trước, hay của thời đại văn minh này, thì khi đã yêu, cũng không ai tỉnh như sáo mãi được. Ngược lại, luôn luôn trong con người ta có những phút vẩn vơ không đâu vào đâu. Những lúc ấy, tôi nghĩ, trong tâm trí người thanh niên hiện nay dễ dàng vang hưởng những câu thơ trong bài Tương Tư. Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông - Một người chín nhớ mười mong một người - Nắng mưa là bệnh của trời - Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng, hoặc bài Nhớ: Ví chăng, nhớ có như tơ nhỉ - Em thử quay xem được mấy vòng - Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ - Em thử nào xem được mấy thưng. Lại ví như khi yêu bao giờ người ta cũng thiên vị tức cũng có xu hướng dành cho người yêu của mình những lời lẽ tốt đẹp nhất. Thành thử, những câu thơ sau đây, mà Nguyễn Bính dùng để tả người con gái, tưởng cũ bao nhiêu, mà vẫn cứ luôn luôn là mới:
Một đi làm nhớ hoa sen
Một cười làm rụng hàng nghìn hoa mai
Hương thơm như thể hoa nhài
Những môi tô đậm làm phai hoa đào
Nõn nà như thể hoa cau
Thân hình yểu điệu ra màu hoa lan.
Hoá ra, trong văn chương thơ phú, những chi tiết đã quan trọng, song cái chính vẫn là hồn cốt của tình cảm con người; khi đã có sự thông cảm rồi, thì mọi xa cách không còn gì đáng quan ngại nữa.
Trên một số tạp chí Pháp, các nhà nghiên cứu vừa đưa ra một vài con số thống kê về tình yêu. Điều thú vị khi tìm hiểu những con số thống kê này, người ta nhận ra rằng ngay ở phương Tây hiện đại, tình yêu vẫn không mất đi hẳn những sắc thái cổ điển của nó. Vẫn còn ít ra là 1% không bao giờ biết đến tình yêu, và nếu chỉ giới hạn ở lứa tuổi 15-19 thôi thì vẫn còn 5% thú nhận rằng mình hoàn toàn trinh trắng (tài liệu của báo Phụ nữ TP. HCM).
Nhắc lại những chuyện này ở đây để thấy số phận kỳ lạ của tình yêu nói chung và thơ tình nói riêng. Để cho công bằng, phải nhận là tình yêu được miêu tả trong thơ Nguyễn Bính có chút gì đó hơi cổ. Nó thiêng liêng quá. Nó cao sang. Nó thuần hậu. Nó luôn luôn giả định một sự chân thành làm tiền đề; chẳng những thế, nó luôn luôn nhằm tới cái đích là sự chung sống trong một gia đình. So với thực tế tình yêu của con người ở những năm cuối của thế kỷ XX, rõ ràng có những khía cạnh nó đã bị vượt qua. Thế thì tại sao thứ thơ ấy vẫn được phổ biến rộng rãi, một sự phổ biến, theo chúng tôi quan sát là chỉ đứng sau Truyện Kiều và các truyện nôm như Nhị Độ Mai, Hoa Tiên ngày xưa? Tôi nghĩ rằng ở đây không gì khác, chỉ chứng tỏ loại đã có mặt. Luôn gắn bó với thời gian, nhưng tình yêu cũng là cái gì muôn đời muôn thuở vẫn vậy. Và nhiều khi càng từng trải, càng chai sạn, người ta càng muốn sống lại sự thành thực sự thiêng liêng hồi nào. Văn chương không phải chỉ có việc gợi lại những gì con người đang có, mà còn là viễn tưởng, là hình bóng của cái gì con người ước ao nhưng lại không có, hoặc từng có nhưng đã đánh mất.


9. Chị ơi! em cưới mùa xuân nhé
(Hay là : Xuân và Tết trong thơ Nguyễn Bính)

1. Số lượng và chất lượng
Thử ghi lại tên một số bài thơ mà Nguyễn Bính đã viết, trong đó có nói đến xuân là tết.
Lỡ bước sang nang: Mưa xuân
Tâm hồn tôi: Xuân về
Một nghìn cửa số: Thơ xuân, Mùa xuân xanh
Mười hai bến nước: Xuân tha hương
Mây tần: Tết của mẹ tôi
Đây nữa, các bài thơ lẻ mới đăng báo mà chưa in vào tập nào: Vườn xuân, Xuân thương nhớ, Tết biên thuỳ.
Tiếp đó, nếu dừng lại kỹ hơn ở các bài thơ khác không thật trực tiếp song vẫn nói đến cùng một đề tài (như Cô lái đò, Quán trọ, Khăn hồng, Vài nét rừng) thì người ta phải công nhận với nhau rằng Nguyễn Bính, trong số các nhà thơ hiện đại, là một trong những người viết nhiều về xuân và tết hơn ai hết.
Nếu lại biết rằng Nguyễn Bính qua đời vào một ngày cuối tháng giêng 1966, tức cuối năm ất Tỵ, trước khi chuyển sang năm Bính Ngọ, thì người ta càng có quyền để cho sự liên tưởng được đẩy đi xa hơn nữa. Giai thoại Nguyễn Bính kể: một người bạn của Nguyễn Bính là Trần Lê Văn cho rằn tác giả Lỡ bước sang ngang đã tiên liệu trước cái chết của mình ngay từ thời viết mấy câu thơ trong bài Nhạc xuân:
Năm mới tháng giêng mùng một tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân.
Chúng ta có thể không hoàn toàn nghĩ như Trần Lê Văn song phải nhận là giữa Nguyễn Bính với cái thời khắc trời đất giao hoà này, đúng là có mối duyên nợ thầm kín nào đó.
2. Mùa xuân và tết đã được Nguyễn Bính miêu tả như thế nào?
ở bài Xuân về, ta bắt gặp: gió, trời trong, nắng, lá non, hoa bưởi, hoa cam, cánh bướm.
ở vài Vườn xuân: gió, bướm, mưa bụi, búp non.
Khi tả tết (như ở các bài Tết của mẹ tôi, Tết biên thuỳ) Nguyễn Bính lại cũng nói đến pháo, hoa, rượu, những nét son trên môi thiếu nữ.
Đại khái, đó là những chi tiết thông thường mà mỗi chúng ta hình dung ra, khi nghe nói đến xuân và tết. Về mặt thi liệu mà xét, chúng không có cái lạ, cái choáng ngợp, của những gì thật mới, thật độc đáo. Chỉ có điều là những chi tiết đơn sơ ấy được Nguyễn Bính thổi vào một sức sống, khiến nó hiện lên thành những bức tranh tự nhiên, đồng thời gợi lên trong lòng người đọc những xúc động mà hầu như ai cũng có, nhưng lại không hay biết.
3. Thế còn ý nghĩa mà mùa xuân và tết để lại trong lòng người?
Bài Thơ xuân nhắc đến đủ loại người, và ở mỗi loại xuân lại có một ý nghĩa riêng.
Với các em nhỏ, xuân là đùa vui nhí nhảnh. Với các cô gái, xuân gợi chuyện ái ân. Với các chàng trai, ngày xuân cũng là những ngày bắt đầu của một mơ ước cao rộng: thi cử, đỗ đạt.
Ngược lại, với các cụ già, xuân là thời gian để chiêm nghiệm việc đời.
Có thể dự đoán một bài như bài thơ Thơ xuân được viết để “góp tên góp tuổi góp chất lượng” cho một số báo tết của một cố nhân nào đó trong làng báo, nên nặng tính cách giao đãi (tất nhiên, giao đãi của Nguyễn Bính, thì cũng đã rất tài). Còn như muốn tìm cái phần thật là chân chất của Nguyễn Bính, cái phần xuân và tết riêng của ông, thì không gì bằng đọc lại những bài như Mưa xuân. Mượn lời tâm sự của một cô gái đi xem chèo không gặp người yêu, bài thơ cô kết lại ở những cảm giác âm thầm và rạo rực mà mùa xuân mang lại trong lòng mỗi người. Đây là thời gian của gieo cấy ấp ủ của tin yêu và chờ đợi. Sau cái mưa bụi kia, trong không khí lành lạnh của những thoáng mùa đông đang còn sót lại, thực ra là bao hy vọng mơ hồ được đánh thức, nó làm cho mỗi con người, nhất là những người tuổi trẻ “ngồi không yên ổn, đứng không vững vàng”, và mặc dù đôi khi dó chỉ là những hy vọng hão, những ước mong không được đáp ứng, song nó vẫn bền chặt trong lòng người, cả đến khi đau đớn, con người ở đây vẫn không nản lòng, vẫn gắng công chờ đợi, vì ngày xuân còn dài, và theo nhịp tháng năm, sau xuân này còn có những xuân khác.
4. Xuân tha hương
Trở lên là những bài thơ xuân Nguyễn Bính đã viết khi mới từ nông thôn lên thành thị, mới bắt đầu cuộc đời của một thi sĩ với bao náo nức.
Chỉ vài năm sau thôi, khi gió bụi kinh thành mang lại cho Nguyễn Bính nhiều chua xót, và những ngày giang hồ đôi khi đồng nghĩa với cuộc lưu đày bất dắc dĩ, thì một mô típ khác bắt đầu xuất hiện: xuân và tết gắn liền nỗi nhớ quên, nhớ những kỷ niệm êm đẹp ngày trước. Giờ đây, nhìn ngày vui của mọi người, chàng thi sĩ chợt nhận ra mình quá đơn độc. Sống giữa cái tết của người ta, chàng mong những cái tết của mình. Và trước khi làm thơ xuân cho người, chàng làm cho mình những vần thơ xuân thật đau đớn, thật tê tái. Đấy là âm hưởng toát ra qua những bài thơ như Xuân tha hương, Quán trọ, Bài hành phương Nam viết sau 1940.
Nếu trước đây, thơ xuân Nguyễn Bính thường nói đến những buổi sáng, thì nay trong thơ xuân của con người ấy có những buổi chiều, những đêm tối.
- Thơ suông rượu nhạt, quán cơm nghèo
Xuân xế mùa xuân, chiều xế chiều
- Đây lời tâm sự cùng ai tỏ
Một lạnh đêm xuân chiếu lạnh giường.
Theo hướng phát triển này, giọng thơ Nguyễn Bính có dịp tự đổi khác khá bất ngờ. Trước đấy, thơ như một thứ quà tặng mà thiên nhiên ban phát cho người nghệ sĩ tài ba, và chàng chỉ việc giơ tay ra là hái ngay được để trao tặng cho đời. Nay ta bắt gặp một sự dụng công hơn và những gì tâm huyết hơn - thơ là sản phẩm của chính con người Nguyễn Bính, kết quả của sự từng trải riêng Nguyễn Bính mới có, thơ như những giọt nước mắt đã cố kìm giữ mà cứ trào ra trên gương mặt phong trần của chàng thi sĩ. Có thể nói, những vần thơ đanh quánh rắn rỏi có hơi hướng thơ biên tái (một dòng trong thơ Đường) này như là trình ra một Nguyễn Bính mới, và cái điều mà Nguyễn Bính vẫn tự hào, là được theo đòi bút nghiên, học chữ Hán từ lúc nhỏ, điều đó đã được chứng thực một cách thuyết phục.
Nhưng có lẽ những bài thơ xuân tha hương buồn bã chỉ có tiếng vang trong lòng một lớp công chúng chật hẹp.
Với đa số bạn đọc, Nguyễn Bính vẫn là tác giả của những câu thơ đắm say tha thiết với mưa xuân, những câu thơ chúng chiều chuộng người ta mơn trớn người ta, và phải nói là khá phù hợp với những ảo tưởng tốt đẹp mà mùa xuân thường gợi ra trong lòng bất cứ ai, kiểu như:
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Trời ở trên cao lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.
Hoặc:
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong.
Người ta biết rằng Nguyễn Bính, con người rất nhạy cảm với phụ nữ, dễ yêu và cũng rất dễ là khổ phụ nữ này, trong đời riêng, khá bất hạnh. Cái hạnh phúc thông thường - một tình yêu trung hậu, kết thúc bằng một cuộc hôn nhân bền chặt - nhiều người bình thường có thể có, song chính Nguyễn Bính lại không có. Có lẽ vì thế người thi sĩ của chúng ta không khỏi có lúc muốn tìm tới trong thơ cái điều không đạt tới trong cuộc đời: trong cơn say sưa đã mấy lần ông gọi mùa xuân là một người con gái, và sẵn sàng đi đến cùng, trong mối quan hệ với người con gái ấy. Nhân trò chuyện với người chị ở xa là chị Trúc, ông cả quyết:
Chị ơi em cưới mùa xuân nhé!
Để rồi một dịp khác ông sẽ diễn tả những luống cuống trong tình yêu và niềm khao khát tận hưởng tình yêu với người con gái - mùa xuân trong những câu thơ thuộc loại hay nhất của mình.
Xuân đến tình tôi náo nức quá
Như người giai tế tối tân hôn
Vì say sưa quá, cho nên đã
Đành đổ trời xuân xuống suối hồn.
SỐ TRUY CẬP online