Nam Cao

Cũng tương tự như Thâm Tâm, Nguyễn Bính, nhà văn Nam Cao vốn không phải gốc Hà Nội. Ông lại lên thủ đô hơi muộn, khi đã có vợ con gia đình, và lên để dạy học, để kiếm sống, chứ không có điều kiện để “rong chơi” như những người viết văn khác. Vợ con Nam Cao vẫn ở nhà quê, ông phải xuống tàu thuỷ về quê luôn. Lại nữa, vùng đất mà ông thông thạo cũng không thật tiêu biểu cho Hà Nội. Từ Thuỵ Chương lên Bưởi không phải phố xá sầm uất, không phải những đại lộ lớn nơi ở của những con người sang rọng, giàu có. Đây là khu vực của những người thợ Ô-mềm (nay là nhà máy bia Hà Nội), Nhà đá, La-pho (nay là Sở trồng hoa và ươm cây), Sở xe điện... là khu vực của dân xôi lúa, khoai ngô luộc gánh xuống bán dưới phố xá.
Trước 1945, từ quãng Bách Thảo trở lên, người ta vẫn tính là ngoại ô. Không phải ngẫu nhiên, cái vùng Hà Nội mà nhân vật Thứ trong Sống mòn cư ngụ thường được miêu tả với những chi tiết gợi nhớ cảnh sống một thị xã, một huyện lị nào đó. Nếu bảo đó là Hà Nội thì đấy là một Hà Nội lầm lụi, xiêu vẹo, nơi rất nhiều nhà lá, và có khi cả phố mới có một cái máy nước lúc nào cũng chen chúc người xếp hàng. Đèn điện chưa có, dù đèn ở ngoài đường. Cuộc sống tối tăm, tẻ nhạt.
Thế nhưng, xét về những ảnh hưởng của đô thị trong tác phẩm của Nam Cao, lại thấy một sự thực ngược lại là Nam Cao rất hiểu Hà Nội, Nam Cao có “đôi mắt” của người dân thành phố trong việc xem xét mọi chuyện.
Khi cần phải miêu tả những người dân ngoại ô, như trong Chuyện người hàng xóm, Nam Cao cho ta thấy một sự thực: Một mặt, họ sống rất cơ cực, quẩn quanh, vớ vẩn, người nọ làm khổ người kia: con đường đi tới của những Tiền, Hiền, Lộc...là con đường rơi vào truỵ lạc, bế tắc, một ít nhân từ tốt bụng giữa họ với nhau, không đủ mang lại cho họ hạnh phúc. Mặt khác, họ vẫn rất yêu vùng đất ngụ cư mà số phận đã đưa họ trôi dạt đến. Lên đây, lên Hà Nội, dẫu sao họ cũng đỡ khổ hơn so với ở nhà quê, nơi người nông dân sống trong tăm tối, bọn địa chủ và các loại hào lý tha hồ hoành hành, nơi dân cùng đinh không sao mở mắt ra nổi.
ở Sống mòn, mỗi khi đề cập tới các tầng lớp dân nghèo thành thị, tác giả cũng trình bày quan niệm tương tự. Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp anh chàng Mô, lao công ở cái trường học có Thứ dạy, lấy Hà, một người nghèo khác. Cả Mô và Hà đều hiểu rất rõ ở nhà quê, họ không đào đâu ra tiền để cưới nhau, mà giá có đi vay, thì cũng nặng nợ suốt đời. Chỉ ở cái đất không ai biết họ này, họ mới về với nhau một cách êm thấm. Một nhân vật sang trọng hơn Mô rất nhiều là hiệu trưởng Đích, người đứng ra mở trường tư để sống trên lưng San và Thứ, còn bản thân Đích đi làm công chức ở tỉnh xa; đến cuối Sống mòn, đột nhiên Đích ốm thập tử nhất sinh. Vậy mà Đích vẫn “Tuyên bố” thà chết ở Hà Nội, hơn là về quê. Thì ra, Hà Nội mang lại cho họ một chút tự do mà họ thèm khát, tự do cả trong lúc sống, lẫn trong lúc chết.
Chúng ta đều biết, một số nhà văn lãng mạn, nhất là cánh Tự lực văn đoàn, thường lý tưởng hoá khung cảnh đồng ruộng, thích miêu tả cây đa bến nước, hội làng với những cô gái mắt bồ câu duyên dáng...
Nam Cao không thế. Tuy phải đến sau cách mạng, Nam Cao mới hiểu rõ sức mạnh người nông dân, nhưng ngay ở trước 1945, Nam Cao đã diễn tả họ với những đường nét khoẻ, sắc, như Lão Hạc, Chí Phèo, và nhiều người khác. Có điều, Nam Cao không bao giờ quên chỉ rõ những lạc hậu của nông thôn và sẵn sàng cùng với các nhân vật của mình mơ ước một cuộc sống thoải mái hơn.
Thử nhớ lại những khía cạnh riêng trong cuộc đời Nam Cao để hiểu thêm vai trò của Hà Nội đối với quá trình sáng tác của ông.
Theo những tài liệu đáng tin cậy, thì ông sinh năm 1915 và sau khi học xong thành chung, còn vào Sài Gòn làm ăn một thời, định kiếm một học bổng để đi Pháp cho đến khi đau ốm, mới lại phải quay trở về Bắc, vừa dạy học, vừa viết. Vậy có thể đoán là thời kỳ mà Nam Cao sống kỹ với Hà Nội một chút phải là khoảng 1938-40 trở đi (kỹ nghĩa là không phải chỉ ghé qua, mà có đi về luôn luôn). Nhưng sáng tác ban đầu của ông lại là thơ một thứ thơ mang mầu sắc lãng mạn cuối mùa, như những câu mà một nhà nghiên cứu đã cho công bố trong cuốn chuyên khảo về Nam Cao in 1961.
Tâm hồn tan tác làm trăm mảnh
Vương vấn theo ai bốn góc trời
Rồi để một chiều theo gió thổi
Bay lên thành những mảng mây trôi
Vậy là quá trình tư tưởng của Nam Cao là quá trình chuyển từ một thứ thơ mơ tưởng hão huyền, sang văn xuôi sắc lạnh nhìn thẳng vào cái phức tạp trăm vẻ của đời sống. Quá trình này xảy ra đồng thời với quá trình ông “vào sâu” Hà Nội, hiểu Hà Nội (cố nhiên là có cộng thêm với cả quá trình ở phiêu lưu tư tưởng từ khi học xong trung học trở đi). Từ quê lên nơi dạy học rồi lại từ đấy về quê, những cảnh ngộ bất chợt gặp trên đường, những lần theo bạn bè ghé qua các tiệm cô đầu, những ngả trở lại với gia đình nghèo khổ, những tác phẩm nước ngoài mới bán ở Hà Nội, những số báo Tiểu thuyết thứ bẩy, Phổ thông bán nguyệt san, có bài của mình và của bạn bè... bao nhiêu là ấn tượng dồn nén dần dần, rút cục đã tạo nên một Nam Cao hết sức kỳ lạ. Một mặt, ông vẫn “quê một cục”. Một ký giả đương thời kể là đi ăn với Nam Cao thấy lạ vì một người như tác giả Chí Phèo mà không biết món vây là gì, và hỏi cơm rang đã có tạp xường và trứng rồi thì cần gì phải gọi thêm vây, thịt bò cho thêm tốn.
Nhưng mặt khác, đọc hồi ký về Nam Cao, hoặc theo dõi những truyện Nam Cao viết trong đó, ông đội tên là những Điền, Hộ, Thứ, thấy ông ít nhiều đều đủ những ham muốn như một người. Không làm việc xấu nhưng cái gì cũng nghĩ cả, không xa lạ với cái gì hết. Và càng ngày, cái nhìn của Nam Cao càng trở nên sắc hơn, sắc nhọn trong việc phân tích mình, phân tích hoàn cảnh.
Trong Sống mòn, Nam Cao có nhắc tới một trạng thái tâm lý trở đi trở lại trong Thứ: Nhiều khi, do khó chịu với những người xung quanh, và cảm thấy mình bị lợi dụng quá đáng. Thứ ra bỏ trường, bỏ Hà Nội để về quê những tưởng có thể tìm thấy ở đấy nhiều thú vị. Nhưng Thứ đã nhầm! Những mè nheo cạnh khoé của những người thân lại làm rơi bao nhiêu nước mắt của Thứ, khiến không ít lần. Thứ phải xách va-li ra đi sớm hơn đã định.
Theo một số bạn bè và người quen cho biết, Nam Cao thường chỉ viết được về những gì có thực trong đời mình, và ở quanh mình (Người ta nói rằng chỉ có một nhân vật được nhà văn kiên trì “bịa” là người vợ. Bà vợ Nam Cao rất hiền, còn trong tác phẩm của nhà văn, người đàn bà thường lại là những nhân vật lắm điều, lắm nhời, hay chì chiết chồng con, v.v...)
Vậy có thể tin rằng cái tình tự nói trên của Thứ, cũng là chuyện xảy ra với chính Nam Cao. Một nhân cách trí thức đã được hình thành, hay do dự, hay hoài nghi “Cái gì đang có cũng chán, cái gì không có cũng thèm” (chữ của Tô Hoài) - Nam Cao 1944-45 không còn là cậu học trò tỉnh lẻ khờ khạo ngây thơ nữa.
Về mặt nghề nghiệp mà xét, có thể thấy Hà Nội là nơi Nam Cao lao vào nghề văn một cách hết lòng, nhiều khi ông đã vượt qua cả nhữn thói quen cố hữu của ông nữa. Chẳng hạn, tuy rụt rè thế, nhưng khi gặp một nhà giàu hào phóng, đọc những Đôi lứa xứng đôi, Dì Hảo, Lão Hạc, đoán người viết ra những truyện đó hẳn... kháu lắm, cho mời Nam Cao xuống Khâm Thiên để “nói chuyện văn chương cho thoả lòng”, Nam Cao cũng đã rủ Tô Hoài đi, tuy là sau đó, hai người rút lui rất nhanh, vì cảm thấy quá lạc lõng (việc này Tô Hoài cũng đã kể lại trong Tự truyện).
Lại đây nữa, trường hợp xảy ra với nhân vật Hộ trong Đời thừa: ở toà báo ra đang mải miết cuốc bộ về nhà đưa tiền cho vợ để còn trả nợ, lấy thuốc cho con, thế mà chỉ nghe đến một quyển sách của người bạn được dịch ra tiếng Anh, thế là Hộ đã quên tất cả mọi chuyện, sẵn sàng rủ mọi người đi uống rượu để moi thêm tin, đúng hơn để có dịp nói cho sướng miệng: nói rằng quyển sách kia đâu đã phải là kiệt tác, mình đây, mình mới có khả năng viết ra những quyển sách có giá trị thực sự, v.v... Ai đã là người viết, hẳn rất dễ thông cảm những phút bốc đồng như thế này! Chính bởi vậy, chúng ta dự đoán dù điều ấy không có thực với chính Nam Cao đi nữa, thì cũng đã đến với nhà văn trong ý nghĩ.
Với Hà Nội, Nam Cao đã sống trọn mọi vui buồn của một người viết. Cùng với Hà Nội, Nam Cao không bao giờ dừng lại ở những thành công tầm thường mà bao giờ cũng xác định cho mình những lý tưởng nghề nghiệp cao cả. Như cái ý nghĩ của nhân vật Hộ trong Đời thừa về một tác phẩm có giá trị “Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn”.
Nam Cao thật đã hội đủ những điều kiện để trở thành một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kỳ 1930-1945.
SỐ TRUY CẬP online