Hoàng Ngọc Phách

Mỗi khi nghe nhắc Tố Tâm, chúng ta nhớ tới một thời đã lâu lắm, thời của Quả dưa đỏ, giải thưởng Khai trí Tiến Đức, thời của những Trần ai tri kỷ, Đài gương của Tản Đà, thời thơ Tương Phố, và Kim sinh luỵ, Bút quan hoài của Trần Tuấn Khải.
Sự thực, tác giả Tố Tâm mới mất cách đây hơn chục năm, năm 1973, và trước đó, những năm năm mươi, sáu mươi, ông vẫn đứng tên chung với Lê Thước, Trương Chính trong một số công trình nghiên cứu. Ông sinh năm 1896, tức là sau Tản Đà 8 năm, sau Ngô Tất Tố 2 năm, trước Tú Mỡ 4 năm, Nguyễn Công Hoan 7 năm. Khi ra số đặc biệt Các nhà văn Việt Nam (1982), trong mục ( Các nhà văn đã quá cố), báo Văn nghệ đã ghi tên Hoàng Ngọc Phách, có lẽ vì những lý do đó.
ở đây, chúng ta sẽ nói thêm: Hoàng Ngọc Phách cũng chính là một trong những nhà văn Việt Nam hôm nay mà sự nghiệp sáng tác gắn với Hà Nội, do ở Hà Nội mà viết, và ban đầu cũng viết ngay về những nét sinh hoạt của Hà Nội.
Nguyên ông vốn người Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nhưng ngay từ khi mười ba tuổi, tóc còn để chỏm đào, đã ra Hà Nội, học ở một trường tư thục thuộc ấp Thái Hà sau đó, học tiểu học ở trường Hàng Vôi (nơi đã đào tạo ra Tú Mỡ, Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình Liên, v.v...) rồi học trường Bưởi bốn năm. Thời thanh niên của Hoàng Ngọc Phách gắn liền với những kỷ niệm về các trường học này của Hà Nội, cũng như ở trường Cao đẳng Sư phạm về sau. Trong Tố Tâm, có đoạn nhìn ra Hồ Tây, nhân vật Đạm Thuỷ tự kể:
- Tôi nhớ khi còn học trường Bưởi bên cạnh hồ này, mấy anh em ra đứng bờ hồ, ném thia lia, thả thuyền giấy, chơi đùa hớn hở, phong cách xem như bỡn cợt với mình.
Trong khi đi học, Hoàng Ngọc Phách đã sống đúng như thế.
Thời gian học ở trường Bưởi, Hoàng Ngọc Phách phần nhiều làm thơ, theo các thể thơ cổ. Khi lên Cao đẳng Sư phạm, ông mới viết văn xuôi. Tuy vậy, Tố Tâm, đứa con một của tác giả trong lĩnh vực tiểu thuyết, là một thành công đáng kể. Tác phẩm trở thành cái mốc trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX. Trong dịp trả lời một nhà báo đến phỏng vấn, Hoàng Ngọc Phách giải thích một cách giản dị, đại ý nói sở dĩ tiểu thuyết được hoan nghênh (trước 1945 đã in cả thảy bốn lần), vì lúc ấy dân mình “đang cần một cuốn tiểu thuyết như thế”. Điều đó nói lên rằng ông đã nắm bắt rất trúng “khí hậu” văn học đương thời, nhất là những đòi hỏi của thanh niên.
Nhìn lại nội dung tập sách, có điều lý thú là các nhân vật chính trong Tố Tâm đều mang cốt cách Hà Nội khá rõ. Quê họ ở đâu không biết, nhưng họ lớn lên ở đây, và sống với không khí chung quanh một cách rất hoà hợp. Năm 1973, trong bài viết nhân dịp Hoàng Ngọc Phách qua đời, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan cho biết:
“ Những nhân vật trong Tố Tâm đều phảng phất giống những thanh niên Hà Nội năm xưa ấy. Tố Tâm “nền” lắm. Cô là con nhà gia giáo, nên bao giờ cũng đi xe sắt - tức xe kéo bánh sắt - chứ không bao giờ đi xe cao su như bọn me tây. Cô rất diện nhưng cũng chỉ diện tới mức bịt khăn lụa đen, thứ khăn mốt nhất thời bấy giờ”.
Đây có lẽ là một trong những lần ít ỏi hình ảnh con người Hà Nội được miêu tả kỹ đến như thế!
Trường hợp Hoàng Ngọc Phách và Tố Tâm chứng tỏ một hiện tượng xã hội có thực hồi đầu thế kỷ này: Đó là sự tập trung của giới trí thức mới chung quanh Hà Nội. Dù là của những tỉnh rất xa, khi đã ra đây, họ nhập vào không khí sinh hoạt chung. Và cái mà họ miêu tả trong tác phẩm của mình, ban đầu thường là những sinh hoạt của Hà Nội. Cuộc sống bấy giờ có cái phía ổn định của nó, và khi bắt gặp hình ảnh đời sống quanh mình trong tác phẩm, người ta hoan nghênh thì cũng là chuyện thường tình.
Sau Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách không viết tiểu thuyết nữa, các hoạt động khác như dạy học, khảo cứu đã lôi cuốn ông.
SỐ TRUY CẬP online