Hồ Xuân Hương

Vài nét tiểu sử
Hồ Xuân Hương sinh khoảng 1745-1780 và mất trước 1842. Ngoài thơ nôm, còn có tập thơ chữ Hán Lưu hương ký.

Một ham muốn sống "thật đã đầy, thật trọn vẹn"

Tự bạch của Hồ Xuân Hương
Trong số những câu thơ nổi tiếng nhất của Hồ Xuân Hương, có hai câu chỉ đơn thuần là một giả định, song đầy chất thách thức:
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?
Có vẻ như người viết nên hai câu ấy là con người không chịu an phận, con người nghĩ rằng lẽ ra cuộc đời này có thể không giống như người ta đang thấy. Tất cả nên được sắp xếp lại. Và như vậy thì cái hội hóa trang này sẽ biết bao kỳ thú.
Câu thơ của Hồ Xuân Hương gợi mở cho tất cả chúng ta nhiều giả định khác. Những giả định riêng bên cạnh những giả định chung. Những giả định lớn lao và cả những giả định rất bình thường nữa. Riêng trong phạm vi những người đọc và yêu thơ Xuân Hương, nghĩ và cảm bằng thơ Xuân Hương, tôi tưởng nhiều người chúng ta đều có chung một ước ao: có dịp gặp Xuân Hương, nghe Xuân Hương trò chuyện. Nghĩa là được giả định rằng Xuân Hương không phải là người của hai trăm năm trước, mà bà đang sống và làm việc giữa chúng ta, và những bài thơ như Mời trầu, Đề đền Sầm Nghi Đống, Mắng học trò dốt... chỉ vừa được viết ráo mực. Bởi lẽ trong thơ, bà là một trong những tác giả cổ điển có cái dáng vẻ hiện đại bậc nhất, nên chi, về mặt tính cách, chắc chắn đấy cũng là một người dễ hợp với thời đại chúng ta, dễ chấp nhận cái đa đoan của thời đại chúng ta và cả những hình thức quan hệ mà thời đại ta đang có.
Tự bạch là cái cách mà các siêu sao điện ảnh và âm nhạc, siêu người mẫu cùng với cầu thủ bóng đá nổi tiếng thường sử dụng để tiếp xúc với bạn đọc. Dưới đây, là một đoạn mà Hồ Xuân Hương trong giả định của tôi - Hồ Xuân Hương người cùng thời với chúng ta - tự bạch, thông qua gợi ý của một số câu hỏi ngắn.
- Bà có cho rằng, trong nền thơ Việt Nam, bà tượng trưng cho một cái gì thái quá, một ngoại lệ?
- Tôi thích câu của một đồng nghiệp người Pháp, sống sau tôi hơn nửa thế kỷ, ông Flaubert: Trong nghệ thuật, không nên sợ sự thái quá, nhưng đó phải là một sự thái quá liên tục, và nhất là cần thiết cho người có cái vẻ thái quá đó.
Còn câu này có đúng khi vận vào tôi hay không, xin để các anh suy nghĩ lấy.
- Cảm tưởng của bà khi nghe những lời giải thích của nhiều thế hệ bạn đọc và các đồng nghiệp?
- Được trở thành đối tượng cho người ta bàn cãi cũng thú chứ! Và tôi lại càng thú vị khi biết rằng những lời giải thích ấy hết sức khác nhau, trong thâm tâm, mỗi người đều biết rằng còn lâu mới tìm ra bản chất đích thực của tôi.
- Xin bà thử bình luận về một vài lời giải thích mà bà cho là chưa trúng cách.
- Hãy nói trước một điều: Thơ tôi quá gắt, quá mạnh. Những ai yếu thần kinh chớ nên chạm đến nó. Chắc gần đây, các anh đã được đọc di cảo của ông Hoài Thanh, trong đó có các nhận xét về những bài như Một trái trăng thu chín mõm mòm. Theo Hoài Thanh, vì giận ghét xã hội, tôi đã ném các thứ dơ dáy lên thiên nhiên. Và cái nhìn ấy, đối với thiên nhiên, đúng là một cái nhìn bệnh tật người đời sau không nên chấp nhận. Tôi cho rằng trong cái việc không thích đọc thơ tôi, cũng như không chịu được Số đỏ (mà tác giả Thi nhân Việt Nam gọi là văn chương hạ cấp, đồ rác rưởi), Hoài Thanh đã trung thực với chính mình, mặc dù, các anh thử giả định, nếu các ý kiến này của Hoài Thanh mà được tin theo, thì người ta sẽ đối xử với tôi và Vũ Trọng Phụng như thế nào!
Trở lại với những lời bình luận sai lạc. Không kể những kẻ bài bác, hãy nói những người thiện chí nhất. Ông Nguyễn Đức Bính bảo tôi trở về với thời nguyên thủy. Tôi đâu có thế! Tôi gần gũi với cái khao khát không yên của con người hiện đại. Người nguyên thủy đâu có lắm chuyện như tôi! Hoặc ông Chế Lan Viên bảo tôi là he hé tài tình. Chữ tài tình ấy, tôi chả từ chối. Nhưng có lẽ phải đổi he hé thành lấp lửng mới đúng. Đôi khi, tôi giả bộ che đậy, để gợi trí tò mò, còn trong tinh thần, bao giờ tôi cũng muốn nói đến cùng, nói toạc mọi chuyện.
- Cảm hứng chi phối bà trong sáng tác?
- Trò chơi. Lúc nhỏ, tôi là con bé hiếu động. Khi đã trưởng thành, tôi thường vừa thích thú, vừa có đôi chút khó chịu khi bắt gặp mình vẫn có tính ham chơi, tức trong lời lẽ cử chỉ, vẫn bị thói tinh nghịch trước đây chi phối. Như trong việc sử dụng các thể thơ chẳng hạn. Có người hỏi tôi tại sao chỉ làm thơ Đường luật. Bởi họ hiểu là Đường luật có nhiều cái gò bó. Nhìn tôi tự do lui tới giữa những lề luật rắc rối của nó, người ta chắc tôi sẽ có lúc mỏi gối chồn chân rồi đầu hàng nó, bị nó cầm tù. May thay điều ấy không bao giờ xảy ra. Thế là cái trò vui của tôi càng có sức lôi cuốn và tôi lại càng tìm ra đủ cách để trị thể thơ ngoại nhập kia bằng được. Có lẽ ở một thể dễ bắt vần và dễ kéo dài như lục bát, uy thế của tôi không có dịp bộc lộ rõ đến thế.
- Thế còn khi bà nói những điều cấm kỵ, cũng là một thứ trò chơi hay sao?
- Gần như thế. Nhiều người hay nghĩ chuyện ấy, muốn nghe, mà không dám nói, thì tôi nói cho họ sướng.
- Có điều bà đã trở đi trở lại tới mức quá quắt.
- Ai đó từng bảo: mỗi nhà văn, nhà thơ chỉ có một điều gì đó để nói, và suốt đời, chỉ nói điều đó mà thôi.
Nhưng này, đừng nghĩ rằng cái gì tôi cũng cố tình làm ra. Trong thơ tôi có cả những cái mà tôi không muốn. ở con người tôi, không thiếu những điều phi lý mà tôi không kiểm soát nổi, chờ đến khi nó hiện hình trong thơ, tôi mới hay biết là có.
- Trong con người, bà ghét những thói xấu gì? Hạng người nào thường khiến bà nổi máu châm chọc?
- Sự che giấu tầm thường. Sự bất tài, dấu hiệu rõ rệt của những kiếp sống lờ đờ, èo uột. Sự giả dối không cần thiết, không vì một mục đích to lớn nào hết. Đó là những thói tôi khó chịu nhất. Có lẽ vì thế, trong thơ, tôi sẵn sàng trở thành hung thần của các đấng nam nhi còn đủ các bộ phận, song lại mang tính cách hoạn quan, và cứ vừa sống theo kiểu ngái ngủ vậy, vừa leo lẻo khoe mình là quân tử. Tôi cũng thường hiện ra như kẻ thù của đám đàn ông mặt nạc đóm dày, nhạt nhẽo vô vị song lại lắm ham muốn vặt, thứ đàn ông dê cỏn quá nhiều chất là là sát mặt đất của đàn bà. Thêm nữa, loại đàn ông hèn hạ, xong việc là chối, là giở mặt, tôi cũng hết sức khinh bỉ.
- Nhiều khi, sự giận dữ ở bà bị đẩy đến cùng, và vì vậy, người ta bảo bà mất hết nữ tính?
- Không đúng! So với đàn ông, phụ nữ chúng tôi bao giờ cũng hết mình hơn. Hiền dịu cũng hiền dịu hơn, mà tai quái cũng tai quái hơn. Chúng tôi thường xa lạ với sự chừng mực, bởi lẽ hiểu rằng cuộc sống chỉ có một lần, không dám là mình đi thì không bao giờ trở thành mình cả.
- Ngoài một ít bất hạnh riêng tư, ở bà còn có nỗi buồn nào khác?
- Không đợi đến thế kỷ XX, tôi đã hiểu rằng sự làm người vốn rất khó khăn. Tôi biết trong con người, ước mơ thường đi xa hơn hành động. Tôi quá nhạy cảm với những gì dư thừa lỉnh kỉnh trong con người. Tôi lại cười nhanh hơn người khác... Tất cả những điều ấy làm tôi buồn.
- Và cái cách để vượt qua nỗi buồn?
- Cũng vẫn chỉ một cách đó - biết cười. Khi nói rằng chung quanh có quá nhiều điều lạ lùng kỳ quặc tức là có thể phần nào làm dịu bớt những gì có thật, nó vẫn đè nặng trong ta.
- Liệu còn có gì làm bà e dè? Bà có cảm thấy cần phải ghen tị - một sự ghen tị chính đáng - với một ai đó?
- Có chứ. Nguyễn Du. Thơ chữ Hán của ông thật sâu sắc. Đọc xong, tôi thấy mình còn có chỗ tầm thường. Còn phô quá, tức là còn có cái vẻ le te, chơi trội, ra điều tài hơn, xoa đầu chòng ghẹo mọi người. Trong khi ấy, Nguyễn Du hầu như chỉ quan tâm đến điều ông suy nghĩ, và dẫn người đọc đến thẳng với những điều ấy, mà không dềnh dàng chơi nghịch dọc đường. Người ta vẫn hay dẫn ra câu thơ Nguyễn Du tả cây liễu Tối điên cuồng xứ tối phong lưu (Lúc càng điên càng đẹp) và bảo rằng nó thích hợp với tinh thần tìm tòi của các nghệ sĩ ở thế kỷ XX. Về phần mình, khi mới đọc nó lần đầu, tôi đã ghê sợ. Tưởng như cả đời thơ của tôi cũng chỉ thu gọn trong một khái quát ghê gớm đó. Nhưng thôi, đặt bên cạnh Nguyễn Du, tôi vẫn còn có chút an ủi. Là trừ Truyện Kiều không kể, thơ tôi thường xuyên ở giữa tâm trí mọi người, khuấy đảo họ, không để cho họ yên, thế là được rồi.
- Vâng, ai cũng biết rằng trong việc tìm hiểu văn học cổ điển Việt Nam, người nước ngoài thường dễ đến với bà hơn Nguyễn Du.
- Tôi cũng biết. Thơ tôi oái oăm thế mà họ vẫn thích dịch, bởi nó nói rằng những gì mà nhân loại này quan tâm thì cũng không xa lạ với người Việt Nam. Trong tôi, người ta nghe ra những âm hưởng của Boccaccio, Rabelais...
Nhưng muốn hiểu được dân tộc này, nhất thiết phải đến với Nguyễn Du. Đọc ông người ta không nghĩ rằng ông hiện đại hay cổ điển mà chỉ nghĩ rằng con người là vậy, thơ là vậy.
- Theo bà hiểu, đóng góp của bà trong văn học là gì?
- Tôi là cái ham muốn muôn đời của con người, muốn được sống thật đã đầy, thật trọn vẹn. Và cũng là cái ham muốn vượt lên trên mọi ràng buộc, không chịu khuất phục các quy phạm, muốn vứt bỏ hết mọi sự thiêng liêng đắp điếm giả tạo để tìm tới cái thiêng liêng chân chính của đời sống
SỐ TRUY CẬP online