ĐỖ CHU



Ngay từ 1963, nhà văn Đỗ Chu đã có những sáng tác đầu tay in trên Văn nghệ quân đội, và những Mùa cá bột, Hương cỏ mật, Thung lũng cò… đã làm cho nhiều bạn đọc say mê.
Từ thị xã Bắc Ninh, nơi ở của Chu cách Hà Nội chỉ 29 ki-lô-mét, gia đình lại có người chị sống ở Thủ đô, nên thỉnh thoảng cậu học sinh trường Hàn Thuyên vẫn ra đây luôn. Tuy vậy, phải đến khi anh đi bộ đội, có truyện đăng báo, rồi chuyển về công tác ở Cục chính trị Bộ Tư lệnh Phòng Không, thì Hà Nội đối với anh mới thật gần gũi.
Đỗ Chu những năm chiến tranh đã trở thành một con người của Hà Nội, cùng chia xẻ vui buồn với mọi người như vậy. Anh như một cái dấu nối giữa Hà Nội đời thường với bộ máy chiến tranh đang hoạt động âm thầm, để bảo vệ Hà Nội.
Thật thế. Thử nhớ lại những năm đó, chúng ta sẽ nhớ lại cảm tưởng vui vui, khi được gặp một người lính áo xanh lá cây, quần tím than, những người lính phòng không- không quân. Ta sẽ biết thêm một chút về tình hình địch sẽ đánh phá Hà Nội ra sao, bộ đội bắn trả như thế nào. Ngược lại, những lúc đến với đơn vị Đỗ Chu sẽ mang chuyện Hà Nội kể cho đồng đội.
Nếu nói mỗi nhà văn phải vẽ ra một Hà Nội của riêng mình thì hơi quá, song phải nhận, tuy cách cảm thụ riêng, mà Hà Nội trong văn mỗi người lại có chút khác đi.
Trong văn Đỗ Chu, Hà Nội hiện ra một cách duyên dáng, một Hà Nội thường là ngoại ô, nghĩa là có những bóng bàng thưa, có những vệt dài cô gái đi gánh nước và tiếng chuông tàu điện leng keng. Con trẻ thích bắt cánh cam, xén tóc. Thanh niên thết nhau bằng cách mời nhau bát phở, que kem. Nhưng đó là thời mỗi người sống tự bằng lòng với mình, nghĩ nghèo mà trong sạch là quý rồi, không mong gì hơn, không ai bị tiện nghi ám ảnh và cái phần thưởng quý nhất với mọi người là những phần thưởng về tinh thần. ở Hà Nội bấy giờ người già, người trẻ sống hoà hợp với nhau, người ở nông thôn ra với người ở thành thị hết sức thông cảm, bà con hàng phố gửi chìa khoá nhà cho nhau, chăm sóc nhau, như người có họ hàng ruột thịt. Và Đỗ Chu cũng miêu tả mọi người một cách tự tin như là những ruột thịt của chính mình, ở cái thị xã bé nhỏ mà anh vẫn sống.
Kết thúc truyện ngắn Thành phố bên kia cầu (1966), Đỗ Chu viết mấy câu có vẻ bâng quơ.
Quê hương chúng ta là những xóm nhỏ, những cánh đồng và nếu là thành phố thì những thành phố ấy thường nằm trên bờ sông có nhịp cầu thân thuộc bắc qua.
Tuy Đỗ Chu không nói rõ, nhưng những thành phố mà anh nói sở đây có thẻ bao gồm cả Hà Nội. Một sự tiếp nhận thanh thản, dịu dàng! Và đó chính là cảm hứng chính mà Thủ đô gợi lên trong tâm trí Đỗ Chu và bạn bè anh những năm ấy, để rồi còn lại dư vị trong sáng tác của anh rất lâu về sau.
SỐ TRUY CẬP online