2. Xuân Diệu và một quan niệm cởi mở về tính dân tộc.

Là một thành viên chính thức của Tự lực Văn đoàn vào những năm 1940, đối với mấy tờ báo là cơ quan chủ chốt của Văn đoàn này như Phong Hoá, Ngày Nay, Xuân Diệu có sự cộng tác thường xuyên. ở đó, chẳng những ông cho đăng thơ mà còn cho in truyện ngắn và tiểu luận.
Tuyển tập Xuân Diệu tập II (in ra 1987) được xác định là dành riêng cho truyện ngắn, bút ký, song đã lấy vào một bài tiểu luận ngắn của tác giả Gửi hương cho gió. Đó là bài Thơ của người in trên Ngày Nay số ra ngày 7-8-1938.
Lần này, chúng tôi xin giới thiệu một tiểu luận ngắn khác của Xuân Diệu in trên Ngày Nay năm 1939 liên quan đến một vấn đề mà nhiều người hằng quan tâm, và giữa tháng 4-1994, đã trở thành chủ điểm của một cuộc hội thảo rộng rãi, đó là vấn đề tính dân tộc trong thơ.
Chúng ta sẽ gặp ở đây một cách hiểu khá rộng rãi của Xuân Diệu:
Ông không chỉ nghĩ tính cách dân tộc là một cái gì nhất thành bất biến. ngược lại, từ kinh nghiệm của riêng một người đang làm việc, ông bảo chúng ta phải mở cửa, phải biết tiếp nhận. Có những cách nói lần đầu khó nghe rồi dần dần sẽ quen. Chừng nào còn là người Việt, những cái chúng ta viết ra sẽ là văn chương Việt Nam. Không phải chỉ có một lối “giản dị” “chân quê” mới là dân tộc, như có người đã nghĩ!
Về mặt giọng điệu, Xuân Diệu năm 1939 cũng là Xuân Diệu những năm về sau, tự nhiên, nhẹ nhàng mà không kém phần duyên dáng. Văn ông không sa vào biền ngẫu song lại luôn luôn tạo được âm hưởng riêng. Câu văn như lời trò chuyện dung dị, thỉnh thoảng lại có cái đột ngột của một thứ đối thoại tâm tình. Đọc những bài viết viết ra từ 1939 này, người ta vẫn nhận ra nét bút riêng của con người sau này sẽ viết nên Tiếng thơ, Dao có mài mới sắc, Và cây đời mãi mãi xanh tươi v.v...
Để lưu ý rằng bài viết ra đời đã hơn nửa thế kỷ và cũng là để tôn trọng một cây bút đã quá cố, chúng tôi cố ý giữ nguyên một số từ ngữ được Xuân Diệu sử dụng từ hồi ấy, từ cách gọi Việt Nam là An nam, Trung Hoa và Tàu... cho đến cách chép tên đầy đủ người nước ngoài mà không phiên âm, và thỉnh thoảng lại chú thích nguyên văn tiếng Pháp của một, hai danh từ mới nhập vào Việt nam.
*
* *

Tính cách “AnNam” trong văn chương
Có lẽ ý tôi sẽ ngược với rất nhiều người, song tôi cũng mong được có cái tự do tư tưởng, nói những điều tôi thành thực tin, dù bị công kích cũng đành.
Văng vẳng ở đâu đây, tôi được nghe người ta bảo: Văn chương An-nam phải có tính cách An-nam.
Thực là chí lý: thực là một điều dĩ nhiên quá: chẳng những viết văn An-nam lại hoá ra viết văn Tây. Nhưng cái thuyết “tính cách An-nam” là một thuyết dễ làm cho ta nhầm; chỉ một chút cố chấp, một chút hủ lậu cũng đủ biến cái thuyết đẹp đẽ kia thành ra một thuyết chật hẹp, nông nổi.
Người An-nam là người An-nam, chứ người tây sao được? Dù có Âu hoá đi nữa, cái đặc biệt của nòi giống vẫn còn ở trong máu, trong từng thớ thịt, từng miếng da. Văn chương Việt Nam cũng vậy. Cái ngô nghê phải chết, cái lố lăng phải mất, sự nô lệ trong văn chương không thể nào tạo nên được những tác phẩm lâu bền. Phải, văn mỗi nước có một tinh thần, khó có thể diễn tả ra cho rõ được; ta phải có một thứ cảm xúc riêng để cảm nghe cái tinh thần ấy. Đời nào văn Việt Nam lại dung túng những lối văn sống sượng, một lối văn nô lệ cho văn Tàu hay văn Tây! Trong văn chương cũng có một luật đào thải tự nhiên; những cái phản với tinh thần quốc văn tất phải tiêu diệt.
Tôi nghĩ chúng ta không càn phải quá áy náy, lo rằng văn chương Việt Nam mắc cái bệnh “làm tây”; những cỏ dại không hợp thuỷ thổ sẽ chết ngay từ khi gieo giống.
Chúng ta phải giữ gìn cho tính cách An-nam. Điều ấy rất phải. Nhưng giữ gìn bờ cõi có phải là đóng hết cửa biển, tuyệt hết giao thông, bế tắc cả nước lại đâu! Giữ gìn không là quẩn quanh trong một vũng ao tù, không phải là đành tâm mến yêu một cảnh nghèo đói. Văn chương Việt Nam được giữ kín một cách chắc chắn là tiếng Việt Nam (la langue Annamite) có hình thức, có mẹo luật riêng. Ta viết bằng quốc văn dùng những chữ (les mots) An-nam, theo một cú pháp An-nam và theo cái “tinh thần” riêng, mà ta cảm nghe rất rõ; tiếng An-nam cũng như một khí cụ, ta biết khéo dùng cái khí cụ ấy, dùng cẩn thận thì thôi; hà tất phải khư khư chạy đi tìm một cái cổ hủ nào rất vu vơ, mờ mịt?
Cái học Âu-tây đã làm cho chúng ta tinh vi, kỹ lưỡng; vì sao chúng ta không nói những điều ấy trong văn Việt Nam? Ta viết văn An-nam ta tả những tình cảm của ta, thì có gì hại cho văn An-nam chứ? Chúng ta là những người An-nam có chịu ảnh hưởng Âu-tây, nhưng vẫn là người An-nam. Mà người Âu tây là gì? Họ cũng vẫn là người. Trừ những điều riêng tây quá, chứ cái “kho”, cái “đáy”, cái “vốn” của con người ở đâu đâu cũng giống nhau. Trong lòng An-nam của chúng ta vẫn có phần nhiều những ý, những tình, những cảm giác mà người tây có. Xưa kia ta không nói là vì ta không ngờ; bây giờ cái não khoa học của Âu tây đã cho biết rằng ta có, vẫn có đã lâu những của cải chôn giấu ở trong lòng, thì sao ta không nói? Miễn là ta dùng tiếng An-nam và dùng đúng, tức là ta viết văn An-nam. Khi xưa, đất An-nam cũng vẫn có những dầu hoả đấy chứ; cái dầu hoả mà khoa học Âu tây tìm ra trên đất An-nam có phải là dầu hoả tây hay không?
Với lại có những cách phải dựa theo tây mà nói, nếu không thì không nói được bằng cách nào. Ta phải nhận rằng xưa kia các cụ có mấy khi chịu dùng tiếng An-nam! Một thứ tiếng để lâu quá, ít dùng quá thì cố nhiên ít được khéo léo. Chúng ta phải tạo thêm, phải bày đặt ra những cách dùng mới mà xưa kia các cụ không chịu tìm; vả lại chúng ta ở thế kỷ hai mươi, chúng ta có những cái phức tạp mà các cụ không có. Cái phức tạp là đấy ư? Thế nghĩa là muốn làm An-nam, phải giản dị, đơn sơ như thời trung cổ ư?
Bởi thế, thỉnh thoảng chúng ta phải dùng những chữ bởi, của, trong v.v... những tiếng đưa đẩy mà trước kia các cụ rất ít dùng; và ta lại dùng theo những cách có hơi lạ.
Tôi xin lỗi ông Hoài Thanh vì tôi đã nói: “Đại dương của thương nhớ, sa mạc của cô đơn”. Tôi nhận rằng chữ của ngô nghê thực. Song le nếu nói: “Nỗi thương nhớ mênh mông như đại dương” thì hai câu rất khác nhau. Câu dưới là một sự so sánh (une comparaison), câu trên có chữ của là một sự chung hợp, một sự lẫn lộn (une mé taphore). ý của tôi phải dùng một cái métaphore mới tả được; thì tôi phải dùng chữ của dầu cái chữ ấy nghe không quen tai.
Tôi còn nói nhiều về vấn đề này. Một vấn đề mềm mỏng và hệ trọng bao nhiêu! Cốt nhất không phải là thắng trong sự tranh luận; cốt nhất không phải lòng tự ái; chỉ một điều ta nên nghĩ, dầu ta phải hay trái, là tiếng Việt Nam mà ta yêu.
(Ngày Nay ra ngày thứ bảy
28 Janvier 1939 - số 147)
SỐ TRUY CẬP online