ĐỜI VÀ THƠ XUÂN QUỲNH


I . Quê hương và gia đình


Nằm cách Hà Nội khoảng 14 km, La Khê là một thôn ngoại vi Hà Đông, không những cùng với dân mấy làng bên cạnh nổi tiếng về nghề dệt the, lụa vân, lụa gấm... mà cũng có không ít người lên làm ăn ở trên Hà Nội. Trong số này có ông giáo Nguyễn Quang Thường hay như dân vùng đấy vẫn gọi, là ông giáo Lục. Dáng cao lớn, tính tình lại hào hoa lịch thiệp, ông giáo Lục thuộc loại người có chữ được làng xóm biết tới, kể cả chữ ta (chữ Hán) lẫn chữ Tây. Bạn bè, những người hay đi lại với ông còn biết ông có cả một tủ sách nho nhỏ, và ngoài nghề dạy học - mà ông không mấy để ý - ông còn rất ham viết báo, tiểu thuyết, nghiên cứu và cả dịch sách nữa.

Nhưng, khổ một nỗi, nghề này là một nghề kén người, ai ham thích cũng được song không phải ai cũng toại nguyện. Sống với nó người ta luôn luôn phải cố , phải với, và tưởng cả đời hy sinh cho nó cũng không đủ! Ông Lục mải mê theo đuổi văn chương đến mức đôi khi xao nhãng cả việc gia đình. Thường ông bỏ đi biền biệt trên Hà Nội, để mặc cho người vợ xinh đẹp mà chính ông cũng đã lấy làm hãnh diện khi cưới, là bà Nguyễn Thị Trích - ông thường gọi trệch đi là bà Trinh - sống với bà mẹ chồng tốt bụng, song lại lắm điều, và hà tiện.

Kể ra, cũng có cái lý để ông Lục buồn chán mà bỏ đi: hai vợ chồng ông lấy nhau đâu đã chục năm, bà đã ba lần sinh nở, nhưng cả ba đều lần lượt qua đời, mỗi cậu sống không được quá sáu tháng. Bà Trinh đã khóc biết bao nhiêu nước mắt, mỗi lần tử thần cướp đi của bà đứa con mà bà đã đứt ruột đẻ ra.

Cho mãi tới lần ấy, mụn con đầu tiên, ông bà nuôi được là một người con gái.

Và khoảng tết âm lịch năm Thìn (1940), lại một người con gái nữa ra đời, và không khí gia đình mới đầm ấm lên được ít chút.

Người con gái trước, được đặt tên là Mai , ấy là do bà Trinh quá yêu nhân vật cô Mai hiếu hạnh trong Nửa chừng xuân nên xin phép chồng đặt tên con như vậy. Ông Lục bằng lòng, chỉ thêm vào đó chữ Đông.

Còn người con gái thứ hai, ra đời vào ngày bắt đầu của mùa xuân, nên ông Lục như ông nói giành “toàn quyền” đặt tên, và ông đã đặt là Xuân Quỳnh.

Bà Trinh nhìn thấy ở hai con lẽ sống, cũng như là nơi nương tựa của bà. Bà vui hẳn lên.

Ông Lục cũng cảm thấy không khí u ám bao phủ gia đình trước kia đã được xua tan, và ông ở nhà với vợ con nhiều hơn. Lúc cao hứng lên, ông rung đùi ngâm:

Nhà lan phong trướng rủ rèm
Thương con cậu mợ một niềm nâng niu
Công trình sá quản bao nhiêu
Đông Mai cậu quý, cậu yêu Xuân Quỳnh
Hai con cậu cũng xinh xinh
Đông Mai là chị, Xuân Quỳnh là em.

Nhưng một ngày nào đó , bắt đầu một sự kiện lớn trong gia đình ông Lục, nó sẽ trở thành một nhân tố tác động vào việc hình thành tính cách con cái trong tương lai - đó là một tai biến ập tới . Sau khi sinh người con gái thứ hai, bà Trinh liên tiếp bị ốm đau bệnh tật dày vò. Sau hết bà bị phát hiện là mắc một trong tứ chứng nan y, lúc ấy đang là niềm khủng khiếp trong tâm lý mỗi người dân thường: bệnh lao. Sợ bệnh tật lây ra con cái, bà Trinh vui lòng sống cách ly con, không cho cô con gái thứ hai bú nữa, mà nhờ một người trông hộ, và nuôi bộ.

Chẳng bao lâu sau, nghĩa là cuối năm ấy, bà Trinh qua đời. Đó là một ngày mưa dầm rả rích, dân làng lội bùn bì bõm đưa bà ra bãi tha ma ngoài cánh đồng làng. Mưa quá, đến mức cả hai cô con gái Đông Mai và Xuân Qỳnh đều không ai được theo ra tận bên mồ để giã từ mẹ.

Từ đây, sinh hoạt gia đình chuyển sang một bước ngoặt mới.

Mặc dù gần như chết nửa đời người, khi theo sau quan tài, đưa vợ ra đồng, nhưng ông Lục không có quyền buồn lâu. Riêng việc chưa có con trai nối dõi tông đường, đã có thể coi như lý do để buộc ông nhanh chóng tính chuyện đi bước nữa. Không ai khác, chính bà nội của hai trẻ lại đứng ra cuới cho con trai một người vợ khác ở cùng làng, ngay khi đám tang người con dâu cả của bà mới được sáu tháng.
ít lâu sau, ông Lục đưa người vợ thứ này lên Hà Nội làm ăn, để hai chị em Mai Quỳnh ở lại sống với bà.
Đến đây, chúng ta bắt gặp hai yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách nhà thơ Xuân Quỳnh:

1. Những ngày nuôi bộ

2. Năm năm đầu, sống ở nơi thôn dã với người bà nội.

Chúng ta sẽ lần lượt dừng lại ở từng yếu tố một:

Những người có dịp làm quen với Xuân Quỳnh, đều sớm có một nhận xét là Xuân Quỳnh rất tự nhiên trong mối quan hệ với mọi người chung quanh. Đến với ai Quỳnh cũng hồn nhiên khéo léo, lại chuyện trò ròn rã, khiến nhiều người khó tính cũng phải quý mến. Đặc biệt với những người mà Quỳnh có cảm tình riêng, thì thôi khỏi phải nói, một là lúc nào Quỳnh cũng muốn chuyện trò, đi họp đâu cũng muốn ngồi cạnh để còn nói chuyện, hai là sự chăm sóc của Quỳnh với người đó hết sức tỉ mỉ, muốn gì cũng chiều, chiều công khai, chiều ra mặt, cốt cho người ấy và mọi người chung quanh thấy được sự chiều chuộng của Quỳnh mới thôi. Trong tình yêu, Xuân Quỳnh có những nét của người phụ nữ nồng nhiệt mà nhà văn Trung quốc hiện đại Trương Hiền Lương đã viết trong tiểu thuyết Đàn ông một nửa là đàn bà.

“Cô là người đàn bà quyết biểu hiện cho bằng được tình yêu của mình để cho anh biết thật rõ ràng chính xác cô đã phải bỏ ra bao nhiêu, biết cho thật rõ ràng và chính xác sức nặng và mức độ tình yêu của cô”

Nét tính cách ấy không phải chỉ có mặt tốt. Đây đó, có thể nó làm cho người ta khó chịu, cả bạn bè khó chịu. Nhưng phải thế mới là Xuân Quỳnh, “thuở nhỏ tôi cũng di-gan lắm, toàn đi bú chực” - người viết cuốn sách này nhớ lời kể của Xuân Quỳnh trong một lần trò chuyện, và đã thường lấy đó làm một nhân tố, để giải thích cách sống, cách cư xử của Xuân Quỳnh. Đến khi được đọc cuốn hồi ký của Đông Mai Xuân Quỳnh nửa cuộc đời tôi, thì cái cảm tưởng hôm trước càng được khẳng định.

ở nông thôn ta ngày trước, sữa bò đâu đã phổ biến như bây giờ. Bởi vậy, nhiều đứa trẻ được nuôi bộ, nghĩa là chuyên môn đi bú chực. Xem nhà nào cũng có con nhỏ mới đẻ, thì người trông trẻ mang đứa trẻ mà mình nhận nuôi bộ tới. Nói năng cầu khẩn để người mẹ trẻ kia cho đứa nhỏ này bú là việc của người lớn. Nhưng về phần đứa trẻ, cũng phải nhận là nó lâm vào một hoàn cảnh khác thường. Nay sữa người này mai sữa người khác, mỗi người một hơi, mà không được lạ, không được dị ứng, ngược lại phải sống bằng cảm giác có sữa là bú, có người cho bú là mừng rồi! Một cách bản năng, đứa trẻ còn phải tìm cách lấy lòng người mẹ có sữa để người ta vui vẻ cho bú (mà theo cách lý giải của khoa tâm sinh lý phụ nữ, người cho bú có vui vẻ thì sữa mới ra nhiều!). Lại cũng có khi, giữa bọn trẻ với nhau cũng có sự ghen tị. Bé A. dù mới 1-2 tuổi nhưng nhiều khi thấy mẹ cho bé B. bú, là không bằng lòng, là kêu khóc, nhiều khi còn xông vào cào cấu. Nhưng bé B ở thế yếu, thân đi bú chực, còn có cách nào khác hơn là bám riết nguồn sữa trừ khi bị từ chối thì thôi, chứ còn có người cho bú là còn bú. Cái con người dễ chấp nhận kẻ khác, biết lấy lòng họ một cách tự nhiên... mà sau này, chúng tôi bắt gặp ở Xuân Quỳnh - cái đặc tính mà Xuân Quỳnh đã miêu tả trong hai chữ di-gan, nghĩa là vạ vật lang chạ, trong mức độ chưa bị coi là bừa bãi - có vẻ như bắt nguồn từ điều kiện sống đặc biệt của cái năm đầu tiên tồn tại trong đời như vậy (Trong số các nhà văn nhà thơ Việt Nam hiện đại, theo sự tìm hiểu còn hạn chế của tôi, cùng có một người mẹ mất sớm và thường phải đi “bú chực”, đó là Nguyễn Bính, còn sự liên hệ giữa tình cảm này với tính cách con người tác giả Lỡ bước sang ngang ra sao thì chúng tôi chưa được rõ)

Bây giờ tới chuyện cuộc sống của Xuân Quỳnh những năm sống bên người bà.

Trong cuốn hồi ký của mình , Đông Mai đã nhấn mạnh bà nội mình là một người tốt, nhưng quá hà tiện, nên trở thành cay nghiệt. Đại khái, có khi chỉ tiếc dăm xu tàu điện mà cụ dắt cháu đi bộ từ quê lên Hà Nội thăm bố (khoảng cách hơn chục cây số) . Những bữa cơm gia đình mà ba bà cháu hàng ngày thổi nấu cho nhau ăn, chỉ quanh quẩn toàn những rau mọc hoang ở vườn dậu, hoặc rau tự trồng, cộng với cà tương, thảng hoặc có tí đậu phụ, chỉ giỗ tết mới có thịt. Chẳng thế mà bé Quỳnh béo khoẻ mập mạp, hồi còn bú chực, giờ ngày càng gày yếu, “mắt như hai cái chén” (lời Xuân Quỳnh kể lại với người viết những dòng này). Tuy vậy, Xuân Quỳnh không bao giờ nhầm lẫn con người đích thực của bà nội mình. Với bản tính thương người và khả năng thích ứng sẵn có, Quỳnh hàng ngày quấn quýt bên bà, làm mọi việc để bà vui lòng. Nhất là Quỳnh để ý và chia sẻ từng vui buồn bé nhỏ của bà. Cứ thế, dần dần hình thành ở Quỳnh cách cảm, cách nghĩa hồn hậu của một người nông dân, và dù sau này cuộc đời bao thay đổi, thì cách cảm, cách nghĩ hồn hậu ấy vẫn còn nguyên ở Xuân Quỳnh. Không phải ngẫu nhiên một biên tập viên của Nhà xuất bản Kim Đồng là Lê Phương Liên, khi nhắc lại những trang truyện thiếu nhi hấp dẫn của Xuân Quỳnh, nói rõ ngay rằng đó là do Xuân Quỳnh có một giọng kể gần dân gian. “Nếu ai đã gặp chị một lần, thật khó lòng mà quên được giọng nói và cách nói của chị. Thật vui vẻ, thật đáo để nhưng vẫn đằm thắm rung động tinh tế của truyền thống dân tộc”. Với Lê Phương Liên , nghĩ tới nhà thơ là đầu óc trở lại cái câu nói đơn giản mà Xuân Quỳnh dùng để mở đầu cho một tham luận cho hội nghị văn hoá thiếu nhi 1980: “Thuở bé, tôi sống ở làng”


II.Từ nông thôn lên Hà Nội

Bởi làng La Khê chỉ cách thị xã Hà Đông độ hai cây số, cho nên sau khi học xong sơ học ở trường làng đến khi đi học tiểu học, Quỳnh lại học ngay ở thị xã Hà Đông. Và môi trường tiếp xúc chủ yếu của Xuân Quỳnh hồi thơ ấu vẫn là vùng ngoại ô ven thị xã.

Tuy nhiên, bên cạnh nền văn hoá tự nhiên của nông thôn thì đời sống thành thị –mà tiêu biểu là Hà Nội --cũng sớm bắt đầu len vào tuổi thơ của con người nhạy cảm ấy.

Thỉnh thoảng, theo bà và chị, Quỳnh lên Hà Nội thăm bố đang sống với người mẹ kế và mấy đứa em (*) Những cuộc đi hơn chục cây số không nhẹ nhàng gì với cô bé. Song ở tuổi ấy, từ xóm làng quê mùa tăm tối tới thành phố tràn đầy ánh điện, mỗi chuyến đi vẫn để lại những ấn tượng lớn lao trong đầu người thi sĩ tương lai.

Thuở ấy, chưa có xe đạp, sau quãng đi bộ ra Hà Đông là lên tàu điện. Có những lần, lên Hà Nội cả Đông Mai lẫn Xuân Quỳnh đều không có tiền. Hai chị em cứ phải lấy nón che đi , tránh chường mặt ra với ông bán vé. May mà mấy lần đều gặp những ông bán vé dễ tính, không phạt.

Nhưng giá như một hôm nào đó, chị Mai có rủ lên Hà Nội thăm bố, thì có mệt đến đâu, Xuân Quỳnh cũng sẵn sàng đi. Một lần, Xuân Quỳnh được mang lên bệnh viện Phủ Doãn chữa răng. Từ tầng hai ngôi nhà rợp bóng sấu bên đường Quán Sứ, Quỳnh có dịp nhìn kỹ những căn nhà Tây đồ sộ, không những là đẹp đẽ sang trọng so với ngôi nhà ngói cổ mấy bà cháu vẫn ở đằng quê, mà còn là sạch sẽ thoáng đãng hơn nhiều, so với căn buồng chật hẹp mà bố và mẹ kế đang ở. Và kỳ thú là những người đàn bà Hà Nội xinh đẹp, lịch sự đi lại trên vỉa hè! Càng nhìn lòng Quỳnh càng dội lên niềm ước ao là lớn lên, cũng xinh đẹp và lịch sự như họ.

Trong tình yêu Hà Nội của Xuân Quỳnh, còn có bóng dáng tình yêu Hà Nội của người cha, một trí thức nghèo sống lay lắt trong cái thời buổi đầy khốn khó.

Theo như Xuân Quỳnh và Đông Mai còn ghi nhớ, những lần ông bố dẫn các cô con gái đi chơi phố, không những các con sung sướng mà bố cũng thích thú. Luôn luôn, ông kêu lên, như vừa được gặp Hà Nội lần đầu. Khi máy ảnh bắt đầu phổ biến, ông tha đâu về được một chiếc loại tòng tọc, và rất thích chụp ảnh những căn nhà, những góc phố Hà Nội, dù đôi khi vợ con có eo xèo rằng tốn kém về tiền phim, tiền in tráng, thì nhăn nhó đấy rồi vẫn chứng nào tật ấy . Ông vẫn mê chụp ảnh như ngày xưa người ta mê tổ tôm, cô đầu.

Nhưng tình yêu Hà Nội của ông Lục, oái oăm thay, cũng là một tình yêu khốn khổ.

Trước và sau 1945, ông vẫn chơi vơi, nửa ở La Khê, nửa trên thành phố.

Về sau, khi làm bạn với bà vợ kế, ông có đưa cả gia đình lên Hà Nội ít năm. Nhưng chả bao lâu, qua 1950, ông lại một lần nữa làm cuộc thiên di, đưa cả nhà vào Sài Gòn.

Đối với con người đã viết hẳn một thiên khảo cứu về Hà Nội (cuốn...

việc tạm xa với Hà Nội thật là điều đau xót khôn tả. Lên chia tay ông, Xuân Quỳnh mới 7-8 tuổi thấy ông cho xem những bức ảnh trong đó thoạt nhìn chỉ có màn đêm đen kịt và vài chấm sáng yếu ớt, thì không hiểu gì cả, ông Lục phải giảng: đó là hình ảnh ánh đèn trên hồ Thiền Quang những đêm đầu xuân. Quỳnh nhìn lại ảnh một lần nữa, lần này, cái nhìn nhoà trong nước mắt thương cha (mà chị Mai và Quỳnh hay gọi là cậu)

Cũng may, ít lâu sau khi ông Lục chuyển đi Sài Gòn chị Đông Mai lại lên trọ ở Hà Nội để theo học ở trường Trưng Vương , và Quỳnh cũng lại thỉnh thoảng lên thăm chị, đôi khi còn nghỉ lại ở đấy ít ngày. Nhà thơ Vân Long đến nay còn nhớ, là hồi đó, Đông Mai cũng có làm thơ, và Vân Long Đông Mai là cùng một nhóm thơ. Trong những lần đến nhà Đông Mai sinh hoạt nhóm, Vân Long đôi khi thấy một cô bé 12-13 nhảy dây ngoài sân, trông khá xinh đẹp, mọi người bảo là em Đông Mai đấy. Cố nhiên, Vân Long và các bạn không thể ngờ là cô bé chỉ mải nhảy dây đó, về sau lại có một tương lai văn chương xa rộng hơn bất cứ người nào trong nhóm.

Cứ thế, Hà Nội thấm dần vào cuộc đời cô bé nông thôn hôm qua một cách từ tốn, êm đẹp.

Nét đặc biệt của Hà Nội xưa nay: đó không phải là một đô thị lớn lao , đồ sộ . Có thể nói Hà Nội không hoàn toàn là đô thị nữa, mà suốt từ thời phong kiến, qua những năm đầu của thế kỷ XX, dù qua bao thăng trầm thay đổi Hà Nội vẫn cái vẻ riêng của nó: một thành phố sống giữa một vùng quê và còn nặng chất “nhà quê”.

Có thể về sau, cái chất nông thôn ấy bị tố lên đẩy lên tô đậm lên quá mức cho phép khiến thành phố ngổn ngang bừa bộn, mà lại lai tạp, và nói chung là quê mùa cũ kỹ đi. Nhưng vào thời điểm Xuân Quỳnh mới lớn lên, Hà Nội vẫn chưa bị biến dạng, thành phố vẫn thuần nhất trong sự hài hoà có phần cổ điển riêng của nó.

Một điều cũng nên lưu ý, là vào những năm từ 1953 trở đi, khi Xuân Quỳnh có dịp nhận xét, quan sát về Hà Nội bằng con mắt của một thiếu nữ mới lớn - chứ không phải chỉ theo bố hoặc chị đi chơi phố như ngày trước - thì Hà Nội vào “thời điểm bản lề”: trước 10-54, Hà Nội là trung tâm của chính quyền tạm chiếm ở châu thổ Bắc bộ, sau 1954, Hà Nội được giải phóng. Những chiến sĩ từ kháng chiến trở về, trong đó, có nhiều con em của chính thành phố thân yêu, họ trở lại Hà Nội với tâm lý hào hứng và tình cảm trong sáng. Ngay cả trong mắt những anh em cán bộ vốn từ nông thôn lên, mới lần đầu đặt chân lên đường nhựa Hà Nội, thành phố này vẫn là một cái gì thiêng liêng cao cả. Cái thành phố mà họ đổ xuơng máu mới giành lại được, như vẫn có một khoảng cách với họ. Họ không khỏi nhớ lại những ao ước nắc nỏm lúc nhỏ về một thứ kinh đô hoa lệ, mà chỉ những người có máu mặt trong làng trong xóm mới được đặt chân tới. Về làm dân thành phố rồi, có khi mang cả vợ con lên sống giữa Hà Nội mà họ vẫn không tin ở cái hạnh phúc mình được hưởng. Họ chỉ sợ trong cử chỉ hành động của mình có gì thô lậu không hợp với đất ngàn năm văn vật! Họ không lấy cách sống giản dị dễ dãi giữa rừng Việt Bắc đem áp đặt cho Hà Nội, mà ngược lại, với niềm rung động chân thành, họ muốn sống theo kiểu thành phố, và hiểu rằng phải nỗ lực học hỏi nhiều, rồi mình mới có được cái thanh lịch dịu dàng của người Hà Nội. Cái tâm lý biết điều và rất văn hoá của những người chủ mới của thành phố, khiến cho đời sống Hà Nội từ 1965 trở về trước phảng phất một không khí thanh bình hoà hợp, mà từ khi chống Mỹ trở đi, không thể nào có được.

May mắn của một người mới lớn lên và yêu Hà Nội một cách đắm đuối như Xuân Quỳnh lúc này là cách cảm cách nghĩ của nhà thơ tương lai cũng gần với cách cảm cách nghĩ của người đương thời.

III. Hành nghề diễn viên và bước đầu làm quen với thơ

Vào khoảng những năm từ 1960 trở về trước, nội thành Hà Nội còn khá chật hẹp, phía Tây Bắc chỉ tính từ đường Kim Mã trở lại, còn từ Cầu Giấy trở vào, đang là một vùng ngoại ô. ở đấy, đồng ruộng kề ngay sát bên đường nhựa hoặc lấp ló ngay sau những gian nhà tuy ở mặt đường , nhưng chỉ một tầng lúp xúp . Đất triển khai xây dựng còn rộng. Bởi vậy khi có lệnh đưa một số đơn vị nghệ thuật ra khỏi các khu trung tâm thành phố thì chung quanh Cầu Giấy, bên cạnh các trường đại học Sư phạm và trường Nguyễn Ai Quốc liên tiếp mọc lên mấy khu văn công lớn. Khu Mai Dịch gồm văn công quân đội (Đoàn ca múa, Đoàn kịch, sau thêm Trường nghệ thuật quân đội), Trường múa Việt Nam. Gần Cầu Giấy hơn, ngay trước khu vực ngã ba rẽ lên Chèm, là đại bản doanh của Đoàn văn công nhân dân T.W. , và Dàn nhạc giao hưởng.

Khi mới trúng tuyển văn công, Xuân Quỳnh còn ở với đoàn chỗ 64 Quán Sứ. Nhưng thời gian ở đấy quá ngắn ngủi, nên mỗi khi nhớ tới quãng đời làm diễn viên múa trước mắt người diễn viên trẻ này, chỉ hiện lên rõ hình ảnh những ngôi nhà lá dựng tạm bợ khu văn công Cầu Giấy , ở đó, có sàn tập, phòng họp, phòng tập thể, khu gia đình của các anh chị lớp trước tất cả làm nên một cơ ngơi xinh xắn, ấm cúng. Đó là môi trường sống tập thể đầu tiên, nơi Xuân Quỳnh có dịp làm nghệ thuật, và tạo điều kiện cho nhà thơ tương lai một không gian tiếp xúc rộng rãi.

Có một người mà mỗi khi nhớ tới những năm ở Cầu Giấy, Xuân Quỳnh không thể quên đó là nhà thơ Thanh Tịnh.

Từ 1975 trở về trước, tạp chí Văn nghệ Quân đội là nơi làm việc của hàng loạt nhà văn nổi tiếng: Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Vũ Cao, Xuân Sách... Đến chơi với tổ thơ tạp chí, Xuân Quỳnh (khi ấy đã là một nhà thơ được gửi gấm nhiều hy vọng) cũng đến chơi chung với mọi anh em khác. Song tôi nhận thấy Quỳnh đặc biệt tỏ ra trìu mến với Thanh Tịnh. Một lần nào đó, Xuân Quỳnh cắt nghĩa:

- Có gì đâu, hồi còn ở đoàn văn công , tôi thuộc loại nhỏ nhất, hay lui tới nhà chị Ngọc Dậu. Anh Thanh Tịnh đến chơi với Ngọc Dậu, thấy tôi ở đấy, tỏ ra rất thương tôi. Anh hay nói với chị Dậu: “Em nhỏ nó sensible lắm” (nhạy cảm lắm). Hồi ấy cụ cũng sống lơ phơ một mình “ăn cơm tập thể ngủ giường cá nhân”, nên thỉnh thoảng đèo tôi đi chơi, có khi dẫn vào quán ăn. Mình chỉ buồn cười, hai anh em bác cháu gọi hai đĩa cơm rang, mình ăn không hết, cụ bảo đưa cụ, và cứ thế cụ ngồi ăn bằng hết mới thôi.

Câu chuyện không chỉ cho thấy nỗi cô đơn của Thanh Tịnh mà còn cả nỗi bơ vơ của Xuân Quỳnh, bơ vơ ngay giữa môi trường nghệ thuật mà người ta quen nghĩ là rực rỡ ánh đèn và lộng lẫy son phấn.

Tuy nhiên, với bản năng thích ứng và yêu đời từ nhỏ, Xuân Quỳnh cũng sống hoà hợp tự nhiên với những bè bạn cùng trang lứa, và anh chị em trong đoàn. Cái năng động ưa nghịch ngợm trêu đùa mọi người của Quỳnh có dịp bộc lộ đầy đủ. Mãi những năm sau này, Quỳnh còn nhớ, là hồi ấy, mình hay nói láo, trêu ghẹo các bạn, đến mức tức quá, có lần họ bảo nhau khênh Quỳnh vứt ra vườn.

Khi chia tay với bà để đi văn công Quỳnh hiểu rằng rồi mình có lương, gửi về cho bà. Với tính tự trọng sẵn có, Quỳnh rất chịu học. Có lần, chị Mai đến thăm em ở khu văn công trong giờ, thấy em mồ hôi ướt đầm vai áo - Nhưng Quỳnh không nản, Quỳnh nói với chị rằng nghề này nó phải thế. Rồi pha trò:

- Thúy Quỳnh(*) múa đẹp, nó làm cô Tấm, em phải làm thị tì cho nó đấy.

Một thuận lợi lớn có tác động đối với sự nghiệp sáng tác của Quỳnh về sau là trong thời gian ở văn công, Quỳnh có dịp đi khá nhiều. Ngoài biểu diễn ở các nhà hát, hội trường chung quanh Hà Nội, còn theo đoàn về nông thôn .“Kể ra đời nghệ sĩ cũng giàu tình cảm thật, đi đến đâu, là để thương để nhớ đến đấy. Phong cảnh cũng đủ nhớ rồi, chứ đừng nói đến tình cảm nữa” -- trong một lá thư viết khi đang đi thực tế ở nông thôn, Quỳnh kể cho chị Đông Mai như vậy.

Lại có những chuyến đi sưu tầm và khai thác vốn cổ, đi tuyển chọn diễn viên ở các vùng xa cũng là những chuyến đi kỳ thú.

Lũng Cú là một vùng cao thuộc huỵện Đồng Văn Hà Giang, là cái mỏm cao nhất của chúng ta, nếu dựng tấm bản đồ Việt Nam thẳng đứng. Có lần đến với Lũng Cú, nhà văn lão thành Nguyễn Tuân hào hứng lắm, trở về ông có ngay thiên tuỳ bút Lũng Cú tột bắc (Chữ tột dùng thật đắc địa mà chỉ Nguyễn Tuân mới phát hiện được ) . Nhưng trước đó, khi ngồi bên chén rượu, nghĩ về duyên kỳ ngộ của mình với một mảnh đất độc đáo, Nguyễn Tuân quay hỏi người bạn cùng đi là Hoàng Trung Thông:

- Ông có biết trong đám văn nghệ sĩ, ai là người đầu tiên có mặt ở Lũng Cú chứ không phải tôi với ông không?
- Ai?
- Cô thi sĩ trẻ Xuân Quỳnh.

Hồi ấy tức là trong những năm chống Mỹ, ở Hội Nhà văn, những chuyến đi nước ngoài còn là chuyện hiếm hoi, mỗi khi trong giới có ai được đi - đi các nước xã hội chủ nghĩa thôi, chứ không phải đi “tư bản” -- đã là cả một sự kiện để mọi người bàn bạc. Nhưng Xuân Quỳnh thì không, chả bao giờ chúng tôi thấy Xuân Quỳnh nhắc nhở gì đến những chuyện loại ấy. Hỏi ra mới biết trước đó người bạn của chúng tôi, hồi ở văn công đã đi khá nhiều, gần nhất là Trung Quốc, Mông Cổ, xa hơn nữa, mãi kinh thành Hensinki nước Phần Lan, thành Viên nước áo. Hoá cho nên không quá háo hức như những người khác.

Vân Long trước đây cũng là nhạc công ở Dàn nhạc giao hưởng còn giữ được những lá thư Xuân Quỳnh gửi từ Trung Quốc, trên đường đi Phần Lan. Còn đây là một đoạn trong thư Xuân Quỳnh gửi cho Đông Mai, kể lại những ngày ở Viên.

“Trước khi bước chân đến thành Viên thì em tưởng rằng mình sẽ sống một cách riêng biệt và chẳng có gì đáng nhớ. ấy thế mà chính cái ấn tượng tốt đẹp và sâu sắc nhất lại chính là ở Viên. Có bà mẹ đưa đứa con 15,16 tuổi đến tiễn đưa đoàn em mà khóc từ sáng đến chiều, cô con gái tặng em cái tượng hai con hươu và bà mẹ nói rằng : “Em nó tặng chị hai con hươu này chị đừng bao giờ quên nó mà tội nghiệp”. Chúng em thường có rất nhiều bạn và những người mẹ như thế đấy. Trong số thanh niên đó em có một người bạn tên là Berti Laner rất tốt. Anh ấy làm ở nhà máy cơ khí nhà ở cũng tương đối nghèo. Berti nói rằng hắn rất yêu em và không bao giờ quên được. Mẹ Berti bảo em rằng con có thể ở lại Viên với mẹ được không? Và em nói rằng nếu có dịp qua đây em sẽ vào thăm mẹ. Bà cụ khóc và nhắc lại mãi rằng “ Con đừng quên rằng con đã nói nếu có dịp con sẽ trở lại nhé”... Hôm tiễn đưa, Berti khóc nhiều quá và cả bà mẹ nữa. Tất nhiên là em chị không yêu rồi , nhưng em thương Berti quá đi mất và sau này mãi mãi em vẫn nhớ những con người mà không bao giờ gặp lại.”

ở gia đình bà Vũ Thị Khánh, mẹ chồng Xuân Quỳnh , hiện còn giữ được nhiều tấm ảnh lưu niệm khá đẹp, chụp trong những chuyến Xuân Quỳnh đi công tác xa với Đoàn ca múa nhân dân TW. Nhưng tôi nhớ là sinh thời, Xuân Quỳnh không thích trưng ra cho bọn tôi xem loại ảnh đó. Nói theo cách nói của Quỳnh, đấy là cái thời nhí nhố, xem làm gì. Bần cùng lắm, bị chúng tôi gặng hỏi mãi, Xuân Quỳnh mới thở dài:
- Kể nếu chịu học, thì trong những chuyến đi ấy, học được bao điều bổ ích. Nhưng lúc ấy, có biết quái gì, chỉ đi xem những cái vớ vẩn, không đâu vào đâu. Tiếc thế chứ!
Những năm ở văn công còn là một bước chuẩn bị khá tốt, để Xuân Quỳnh chuyển hẳn sang nghề sáng tác văn học.

Nguyên trong gia đình, cả cha và chị Xuân Quỳnh đều là những người rất yêu thơ, và thích sáng tác thơ: Sung sướng vì đẻ thêm cô con gái thứ hai là Xuân Quỳnh, ông Lục có thơ; từ Sài Gòn ra Hà Nội thăm gia đình , ông Lục có thơ; cũng như sau 1975 có lần ốm nặng, bảo con gái Đông Mai đánh điện cho Xuân Quỳnh từ Hà Nội vào thăm, ông lại đọc một đoạn thơ nhớ cái làng La Khê của mình. Còn Đông Mai, một trong những bài thơ của chị được cô em gái thuộc lòng đọc đi đọc lại không chán là bài thơ chị viết về quê ngoại La Tinh mà hai chị em cùng nhiều lần về thăm (bài thơ mang tên Chén nước chè tươi) . Trong hoàn cảnh ấy, thói quen làm thơ cũng hình thành ở Xuân Quỳnh một cách tự nhiên. Đến khi vào văn công, thì Xuân Quỳnh làm thơ nhiều hơn. Thơ ghi lại tâm sự của một cô gái mồ côi, nay trưởng thành, trong vai một diễn viên văn công đầy tự hào. Thơ kể lại những chuyến đi xa. Và thơ về tình yêu mà sau đây, chúng ta sẽ trở lại. Những bài thơ này, thoạt đầu làm cho mình, song Xuân Quỳnh cũng thấy là giá kể mọi người cùng biết thì hay biết mấy .Thế là gửi bài cho các báo. Trong vòng mấy năm từ 1958 đến 1961, Xuân Quỳnh đã bước những bước chập chững trong nghề. Trong một lá thư gửi về cho chị Mai, Quỳnh khoe:

“Độ này em cũng làm được nhiều thơ và ca dao lắm , tổng cộng đến 15,16 bài... Các bài của em nói chung là được nhiều người thích, có bài em đã gửi báo Việt Nam Độc lập, họ đã đăng nhưng chỉ gửi biếu một tờ báo mà không có tiền nhuận bút”.

Cùng với việc làm thơ, Xuân Quỳnh có dịp làm quen với một giới nghệ thuật khác: giới sáng tác văn chương.

Trong hồi ức của mình, Vân Long kể rằng, trước khi Xuân Quỳnh in bài thơ đầu tiên, Vân Long đã đưa Xuân Quỳnh đến dự buổi trao đổi nhận xét tập thơ Riêng chung của Xuân Diệu do Sở văn hoá Hà Nội tổ chức .(Riêng chung in ra 1960 , theo tuổi thật thì Xuân Quỳnh lúc đó sang tuổi 20)

Sở văn hoá Hà Nội hồi đó là nơi tập hợp nhiều cây bút mới kể cả một số đang công tác ở các cơ quan TW đóng tại thủ đô. Trong những buổi họp như thế - thường do nhà thơ Huyền Tâm chủ trì - Xuân Quỳnh đã gặp và làm quen với hầu hết các cây bút lúc đó, cũng náo nức muốn vào nghề như mình, và một số về sau còn tiếp tục làm thơ như mình. Đó là Hoài Anh và Võ Văn Trực, Nguyễn Gia Nùng và Bùi Minh Quốc, Dương Đình Hy và Ngô Văn Phú, Trần Nhật Lam và Đại Thuỷ v..v...

Được nghe Quỳnh đọc thơ trong những buổi liên hoan của các đoàn nghệ thuật, và các cơ quan khác, nhiều người trong giới văn hoá lúc ấy bảo nhau không chừng dân ca múa sẽ mất đi một diễn viên trung bình để giới sáng tác văn chương có thêm một giọng thơ xuất sắc. Và người ta sẵn sàng giới thiệu Quỳnh tham dự những buổi họp mà trước kia, có nằm mơ Quỳnh không dám nghĩ tới. Chẳng hạn lần ấy, Nhà xuất bản Phụ nữ vốn rất ít khi in thơ, bàn việc ra một tập thơ riêng cho chị em trong giới. Vân Đài (khi đó còn sống) , cùng với Anh Thơ , tất nhiên là những nhân vật thuộc loại đầu vị rồi. Nhưng còn thêm ai nữa? Chỉ cần khoảng gần mười người mà đã phải tính, phải gạn. Và thế là người ta mời Xuân Quỳnh. Hồi đó, đầu năm 60, cả Phan Thị Thanh Nhàn lẫn Thuý Bắc, Nguyễn Thị Hồng Ngát lẫn Hoàng Thị ý Nhi đều chưa xuất hiện, nên tự nhiên Xuân Quỳnh là người trẻ nhất. Xuân Quỳnh kể với chị Mai: thấy Vân Đài già quá ( bà V.Đ sinh 1903 --VTN chú ) suýt nữa quen mồm gọi là cụ, song nghĩ đây là đi họp, thấy ai cũng gọi Vân Đài là chị, nên cũng gọi theo, mặc dù rất ngượng.

Cứ thế, mỗi ngày một chút, thời gian mấy năm cuối ở văn công (khoảng 1960-61) là thời gian ở Xuân Quỳnh chín dần một con người sáng tác. Chẳng bao lâu, Quỳnh sẽ được mời đi học lớp văn nghệ ở Quảng Bá. Đó là đầu 1962, Xuân Quỳnh đã ở văn công được 7 năm.


IV. lớp viết văn Quảng Bá

Giữa núi rừng Việt Bắc, ngay từ 1950, sau khi Hội văn nghệ Việt Nam và tạp chí Văn Nghệ ra đời, một trường văn nghệ nhân dân cũng được thành lập. Trường do nhà văn Nguyên Hồng phụ trách và thu hút về mình một số tài năng văn nghệ còn trẻ so với lúc ấy như: Bàn Tài Đoàn, Cẩm Lai, Nguyễn Kiên... Cách làm việc của trường là mời một số văn nghệ sĩ đến giảng, có tính cách truyền nghề, sau đó, học viên sáng tác và góp ý kiến cho nhau. Có một chi tiết vui vui, mà về sau nhà văn Nguyễn Kiên còn nhớ, đó là cuối khoá, nhà trường hết gạo, “ông đốc” Hồng khóc hu hu mà đành lòng cho học viên về sớm, so với dự định. Tuy vậy, nhiều học viên về sau cũng đã nên người và còn nhớ mãi ngôi trường từng theo học.

Từ sau 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, nhiều trại viết đã được tổ chức như trại viết anh hùng, trại viết về sửa sai và cải cách ruộng đất. Nhưng mãi tới 1962, một lớp học tương đối quy mô hơn do Hội Nhà văn đứng ra tổ chức mới được hình thành.

Lớp học kéo dài trong hai năm 1962-63.

Học viên chủ yếu là các cây bút trưởng thành từ kháng chiến, như Bích Thuận, Cẩm Lai, Nguyệt Tú, Vũ Thị Thường, Đinh Quang Nhã, Nguyễn Quang Sáng, Xuân Vũ (sau này đi B và chiêu hồi) , Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Trọng Oánh v.v...

So với Trường văn nghệ nhân dân hồi nào , nét thay đổi quan trọng nhất ở lớp Quảng Bá là tổ chức cho các học viên học khá kỹ về một số vấn đề văn học sử trong nước và nước ngoài. Dạy văn học cổ điển Việt Nam có Hoài Thanh. Dạy tư tưởng triết học và văn học phương Tây, là Đặng Thai Mai. Rồi Nguyễn Đình Thi giảng về tiểu thuyết, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân nói về văn xuôi , cũng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên giảng về thơ. So với nhiều khoá học tương tự về sau, thì lớp Quảng Bá vẫn được coi là mẫu mực, thày giỏi, trò chăm, và điều chủ yếu là hoàn cảnh thuận lợi: miền Bắc lúc ấy còn đang trong không khí thanh bình, chưa có cái tình trạng - bảo là sôi nổi gấp gáp cũng được, mà bảo là xô bồ nhộn nhạo cũng được - của những năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại về sau.

So với các học viên phần lớn cứng tuổi trong lớp, thì Ngọc Tú và Xuân Quỳnh thuộc loại trẻ nhất.

Ngọc Tú từ một trường cấp 2 ở Hà Đông cũ tới học. Lúc ấy cô giáo bỏ nghề đang viết truyện ngắn và sẽ chuẩn bị ra trường bằng tập tiểu thuyết mỏng, khoảng 200 trang, mang tên Huệ.

Còn Xuân Quỳnh được học kỹ hơn về thơ.

Về sau này, trong một vài lần trò chuyện với lớp bạn bè tuy cùng tuổi, cùng lứa nhưng vào nghề có phần chậm hơn như bọn tôi, Xuân Quỳnh thường chỉ nói tới lớp một cách qua loa. Đại khái toàn chuyện nghịch ngợm... Có những lần Quỳnh ăn mặc kiểu đàn ông, lấy giấy bạc ở bao thuốc lá bịt răng, giả làm Tây, đi các phòng gõ cửa quấy phá ai ra mở thì chạy. Hoặc một vài học viên lớn tuổi hơn muốn tìm thấy ở Quỳnh một người bạn đời, nhưng Quỳnh lúc ấy đang yêu Lưu Tuấn, nên không mặn mà chút nào.

Nhưng dẫu sao những ngày đi học vẫn là một bước ngoặt trong đời Quỳnh.

Lớp học nằm trên một mảnh đất ven Hồ Tây, nhưng chính ra lại gần đê sông Hồng hơn. Chiều chiều cơm nước xong, Ngọc Tú và Xuân Quỳnh rủ nhau vượt qua con đường nhựa lên ngồi trên con đê, nhìn ra bãi sông. Có Ngọc Tú bên cạnh, nhưng nhìn khoảng không bao la trước mắt , nghĩ đến đoạn đường đời tiếp theo, Xuân Quỳnh vẫn cảm thấy hết sức cô đơn. Trước mắt với Quỳnh có mấy việc phải lựa chọn.

Một là chuyện tình cảm riêng tư.

Hai là chuyện chọn nghề: ở lại văn công hay chuyển hẳn sang viết văn làm thơ.

Duyên dáng xinh đẹp, lại công tác ở một đoàn ca múa, một môi trường của thanh của sắc, Xuân Quỳnh lúc ấy là đối tượng chú ý của nhiều người. Song, sau một vài thất vọng về người này người kia, Quỳnh sớm tính chuyện ổn định lâu dài với Tuấn , một nhạc công violon cùng công tác trong đoàn.

Dưới đây, khi dừng lại ở tập thơ Chồi biếc, chúng ta sẽ còn trở lại với chuyện tình yêu. ở đây, hãy nói kỹ về chuyện chọn nghề của Xuân Quỳnh.

Việc làm thơ ở Quỳnh hình thành tự nhiên, như là việc nhà: thấy cha hoặc chị Đông Mai làm thì cũng “vui tay” làm thử. Nhưng không chỉ có bắt chước mà đây cũng là nhu cầu tự nhiên của chính Quỳnh nữa. Ta cũng không nên quên rằng sau khi vào Sài Gòn, ông Nguyễn Quang Lục có để lại cho hai cô con gái mấy tủ sách. Theo Xuân Quỳnh kể trong một bản tự thuật , “ chúng tôi đọc ngấu nghiến hết cả, có cái hiểu, có cái chẳng hiểu nhưng rất say mê”.

“Những truyện của Nam Cao, Nguyên Hồng mỗi khi đọc tới thấy sao mà giống tôi thế. Tôi có cảm tưởng là tôi cũng có thể viết được như vậy, một cách dễ dàng. Và tôi đã khao khát được viết.”

“Nhưng say mê hơn cả vẫn là thơ”

“Tôi đọc thơ của Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Anh Thơ, Huy Cận, Xuân Diệu rất say sưa. Đằng sau những bài thơ bao giờ tôi cũng cảm thấy bao điều kỳ diệu. Và tôi tin rằng các nhà thơ là những vị thánh. Cho mãi đến bây giờ, tôi vẫn thấy thơ là một nghệ thuật kỳ diệu nhưng khó mà đi tới, mặc dù vậy vẫn không bao giờ có thể bỏ được thơ! (ghi chép trong Lý lịch Hội viên Hội Nhà văn V.N.)

Một tình yêu như thế, kể cũng đã sâu nặng lắm. Một cái đích như thế, kể cũng có sức vẫy gọi lắm. Nhưng muốn đến với thơ Xuân Quỳnh phải từ bỏ, một nơi đang sống đầm ấm dễ chịu. Thế mới khó xử.

Cuối đợt học tập ở trường Quảng Bá, Xuân Quỳnh cũng như các học viên khác được cử đi các địa phương, để vừa thâm nhập thực tế vừa viết. Số Xuân Quỳnh vốn có duyên nợ với biển. Sau này, trong mấy năm 1969 - 72 , Xuân Quỳnh còn có dịp đi Cát Bà, và đi các vùng ven biển Thái Bình, Quảng Bình, Vĩnh Linh. Lần này, cùng với Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Quỳnh đi đảo Cô Tô. Trong số những lá thư Xuân Quỳnh gửi từ Cô Tô về, có lá thư gửi Vân Long đề ngày 5-9-63 mà sau đây là một đoạn trích ( người nhận thư chợt sơ ý để phần đầu bị xé, nhưng phần sau thì cũng đã nói được cái sự ngổn ngang trăm mối bên lòng Xuân Quỳnh lúc này.)

“Ban đêm thì cuộc sống ở đây cách biệt hẳn với đất liền. Vì ban ngày người ta còn có thể nhìn thấy một cánh chim, những con thuyền như những đường liên lạc giữa đất liền và biển.

Hôm qua, tôi mơ thấy tôi vẫn sống ở trong đoàn như trước. Gần gũi bao nhiêu bạn bè ở Hà Nội, lúc giật mình tỉnh dậy thì chỉ có một mình bơ vơ. ở góc buồng đằng kia có ông bạn mắc bệnh thần kinh, thỉnh thoảng cứ hát líu ríu. Ông Trọng Oánh giường bên vẫn ngáy đều đều (ông ta vừa viết xong lá thư cho vợ) chỉ còn mỗi con mọt cứ cọt kẹt dưới giường đến là bực mình.

Ngoài trời, trăng vẫn sáng (chả hôm nay là 16 ta mà) , biển vẫn thức , vẫn cái âm thanh ào ạt vỗ vào bãi cát. Buồn thật!

Vừa hôm nào tôi ở gần bao nhiêu người thân yêu của tôi, bây giờ tôi ở đây, cách bao nhiêu núi và nước! Tôi đã quyết định không đi ngoại quốc, tôi đã quyết định bỏ đoàn, xa anh Tuấn xa bạn bè và nghề nghiệp, cái nghề nghiệp tự tay mình xây dựng trong 8 năm trời. ồ , nếu tôi ở lại tôi sẽ sống một cuộc sống êm ấm bao nhiêu, tôi sẽ được đi nước ngoài nhiều, mà đi nước ngoài chả là bồi bổ cho kiến thức là gì? Tôi lại được gần người yêu, và tất nhiên sau nay không ai bỏ rơi tôi.
ở đây cứ mỗi buổi chiều và ban đêm là tôi lại thấy buồn cả lên. Giá ước gì không có ban đêm và buổi chiều nhỉ.”

Xuân Quỳnh vốn là người hay ngủ mơ (có khi, như Xuân Quỳnh kể, trong giấc mơ làm được cả một bài thơ đầy đủ, chỉ có điều không hay nên không chép lại làm gì!)

Cái chuyện mơ thấy những ngày yên ấm ở đoàn Quỳnh nói trong thư, chẳng qua chỉ “tố cáo” sự quyến luyến của Xuân Quỳnh với hoàn cảnh cũ, và cái đau xót của sự biệt ly.
Một nhân vật trong kịch B. Brecht từng than thở:
- Những lúc quan trọng nhất nhìn đi nhìn lại chỉ thấy một mình.
Xuân Quỳnh ở đây giãy giụa trong một quyết định lớn lao, một phần cũng là vì quá đơn độc như vậy.
Một khía cạnh đau xót khác của quyết định này: nơi đi tới lại là mịt mờ không định. Trong một lá thư khác gửi Vân Long, Xuân Quỳnh tâm sự:
“ Đó, trước mắt tôi là hạnh phúc là yên ấm. Thế mà tôi từ bỏ tất cả. Tất nhiên trên đời này, được cái nọ phải mất cái kia. Nhưng biết rằng mình có được cái mà mình định đổi không? Tôi không ngại gian khổ về vật chất, tôi chỉ buồn về tình cảm. Chắc anh biết: tôi , một con bé luôn thiếu tình cảm, mà bây giờ vẫn chẳng hơn gì. Tới bây giờ như kẻ đứng giữa ngã ba đường vắng mà trời thì tối, chẳng biết hỏi ai. Giá mà bây giờ có ai bảo hộ tôi một điều rằng: “đi con đường này là đúng”, thì dù có gục ngã giữa đường tôi vẫn cứ đi. Tôi chỉ sợ mình không biết phương hướng rồi sau này cũng chả ra trò trống gì, mà cứ lo nghĩ mãi thế này thì hết đời. Anh Long, tôi biết anh thông cảm với tôi, anh thương tôi như một người em, anh nói với tôi thêm về con đường tôi phải đi cho tôi bớt lo lắng”.

Đọc ít dòng thư này những ai có dịp quen biết Xuân Quỳnh hẳn nhận ra cái giọng riêng cùng là ý chí mạnh mẽ của Xuân Quỳnh: Không sợ khổ, không sợ vất vả, chỉ sợ mình quyết định không đúng. Không cần ai làm hộ mình cả. Chỉ mong chờ một sự hướng dẫn chính xác. Nhất là khi ta nhớ rằng con người ấy còn trẻ, thì sự thiết tha ở đây càng hiện ra như một tiếng kêu xót xa, mà giá ai có mặt ở đấy, không thể dửng dưng (Vân Long thú nhận “Tôi không nhớ tôi đã trả lời Quỳnh ra sao, nhưng ai mà im lặng được trước lời kêu gọi khẩn thiết ấy!”)

Khi nhìn lại cuộc đời sáng tác của Xuân Quỳnh, người ta có thể chê trách nhiều điều: sự chuẩn bị của Quỳnh cho nghề khá sơ sài, sự hạn chế của học vấn khiến cho Quỳnh không sao tiến xa được. Nhưng một là Quỳnh rất hiểu những hạn chế của mình, cái phần kiến thức cần phải được bồi bổ mà chưa cách gì bồi bổ cho được; hai là, Quỳnh đã đắn đo rất nhiều, phải nói là đứt lòng đứt ruột đau đớn nhưng vẫn quyết định theo hướng cần quyết định. Riêng những việc đó đã chứng tỏ Quỳnh đến với nghề thật nghiêm chỉnh. Ai đó từng nói giản dị “ Cuộc đời là những quyết định thường xuyên. Lúc nào cũng phải lựa chọn”. Một người khác còn nói đến một cái gì đó, ghê sợ , hơn mỗi khi phải quyết định: “Sự lựa chọn của mỗi người với chính mình, cho chính mình làm nên cái mà người ta gọi là số phận.”

Không phải “ma đưa lối quỷ đưa đường - Lại tìm những lối đoạn trường mà đi”, mà lần ấy, Xuân Quỳnh đã quyết định đúng. Về sau, có lần Xuân Quỳnh kể với người viết cuốn sách này :
- Tôi cảm thấy tôi sống thế thôi, đời tôi có nhiều sai lầm, nhưng không sao khác được. Nếu tôi trở lại con đường cũ, tôi lại đi theo con đường ấy.

Những lúc phải quyết định nhất, tôi cũng đã có những quyết định dứt khoát. Tôi toàn phải quyết định một mình thôi, nhưng cũng đã quyết định đúng (Đến đây, Xuân Quỳnh lấy một người bạn khác ra để so sánh ) Như ông C. chẳng hạn, cái gì ông ấy cũng tính, mà lại hỏng!

Trong văn học Việt Nam đương đại, theo chỗ tôi biết, thiếu gì người đến với văn học bằng con đường dễ dãi: quá tin ở cái tài của mình; đang ở một nghề quá nhiều vất vả, giờ chuyển sang chỗ mát mặt hơn, người ta chẳng suy tính gì nhiều.

Song cái kết quả thu được trong nghề, lại phụ thuộc cái tầm hiểu biết và sự hình dung của người ta về nghề.

Người cầu dễ, cũng chỉ gặt hái được những thành tựu đơn sơ, như mơ ước của họ. May (dù khổ) cho Xuân Quỳnh là đến với nghề không dễ. Thành thử, những thành tựu về sau của Quỳnh chỉ là sự bù đắp của số phận cho sự hy sinh và những tỉnh táo của Quỳnh . Tạo hoá vẫn công bình lắm!

V . Lập Gia đình và nửa tập thơ đầu tiên

Năm 1963, như Đông Mai đã viết trong hồi ký Xuân Quỳnh một nửa cuộc đời tôi , quả là năm có những sự kiện quan trọng đáng nhớ trong cuộc đời Quỳnh: tập thơ đầu tay và đám cưới.

Điều đáng lưu ý ở đây là hai sự kiện này xảy ra gần như đồng thời và liên đới chặt chẽ với nhau.

Cẩm Lai là người đã được nhắc nhở nhiều trong kháng chiến chống Pháp, với bài thơ Tơ tằm được phổ nhạc và khắc sâu trong tâm khảm nhiều người.

Khi lớp học Quảng Bá khai mạc Cẩm Lai (cũng như Bích Thuận, Nguyệt Tú) được chọn về học, nhân đó, Cẩm Lai hoàn chỉnh thêm một số bài khác, làm nên tập Tơ tằm.

Để đánh dấu thời gian theo học của Xuân Quỳnh ở Quảng Bá, người ta in cho Quỳnh một số bài , làm nên tập Chồi biếc.

Nhìn theo con mắt ngày hôm nay, có thể thấy hơi trái khoáy: Giữa Tơ tằm và Chồi biếc gần như không có liên hệ gì, sao không tách ra, làm hai tập riêng? Song thực tình là lúc ấy, cả hai người, Cẩm Lai và Xuân Quỳnh đều chưa có đủ những bài tương đối khá, để ra tập riêng. Vả chăng , trong hoàn cảnh việc in thơ hoàn toàn theo chế độ bao cấp -- việc in cho một người cả tập thơ hay nửa tập thơ, cũng đã là một sự định giá của giới chuyên môn về nhà thơ đó.

Xét về tuổi tác, Xuân Quỳnh là tác giả trẻ số một được in nửa tập sớm nhất (về sau Vũ Quần Phương in chung với Văn Thảo Nguyên, Lưu Quang Vũ in chung với Bằng Việt)
Tổng cộng 39 trang , Chồi biếc gói gọn lại trong 18 bài một phần là các bài Xuân Quỳnh đã ứng tác, trong các lần theo đoàn văn công đi biểu diễn ở nơi xa. Trước khi trích dẫn 4 câu:

Hạt muối mang theo vị đậm đà của biển
Mai, giữa Phần Lan em mang bóng dáng quê ta
Ôi những con đường từ bùn đen đứng dậy
Tung cánh bốn phương trời bay bổng lời ca.

Vân Long đã viết rằng “câu thơ Quỳnh lúc đó lốp xốp những khái niệm “, và nói rõ những bài thơ này “ phần lớn chỉ để dán bích báo của đoàn (văn công)”

Nhưng cũng có mấy bài hé ra một số chi tiết liên quan đến cuộc đời riêng của Xuân Quỳnh ,trong đó có bài thơ tình thuộc loại hay của tác giả, và sẽ vĩnh viễn gắn với tên Xuân Quỳnh như bài Thuyền và biển.

Để hiểu loại sau này, không thể không trở lại với cuộc đời tình cảm riêng tư của tác giả.

Đến với văn công đầu năm 1955, Xuân Quỳnh sẽ ở với đoàn cho tới 1962. Đây là thời gian từ một thiếu nữ mới lớn tuổi 15, tuổi mực tím như cách nói bây giờ Quỳnh sẽ chuyển sang tuổi thanh nữ chín đầy, tuổi hai mươi hai. Lẽ tự nhiên là đây cũng là thời gian trưởng thành của Xuân Quỳnh về phương diện tình cảm.

Có lần, trong câu chuyện với người viết cuốn sách này, vào khoảng những năm 1969- 70, Xuân Quỳnh bảo:

- --- Thế này mới biết mình già này: Hồi đang ở văn công, tôi có yêu một ông, sau hai người phải chia tay. Tôi đau đớn quá, lúc nào cũng nghĩ đến mối tình vừa trải qua, đến mức đầu óc cứ ong ong ra, không nghĩ được chuyện gì khác. Mỗi đêm chỉ ngủ có hai tiếng. Bây giờ thì khó yêu ai được như thế nữa.

- Câu chuyện dừng lại ở đấy, và tôi cũng không có dịp hỏi thêm nữa song thường vẫn nhớ mỗi khi cần phải điểm lại những ngô nghê của mình cũng như của bè bạn thuở trẻ.

Quan sát Xuân Quỳnh lúc đã trưởng thành , tôi nhận ra một sự thực là có mối liên hệ ràng rịt giữa thơ Quỳnh và đời Quỳnh. Gặp chuyện gì gây xúc động, nhà thơ ấy phải tìm cách ghi bằng được dấu ấn của nó trong lòng mình qua thơ, bằng thơ. Từ chỗ bình chú từng bài thơ của Quỳnh - dĩ nhiên là chỉ những bài quan trọng - người ta có thể lần ra rồi dựng lại tiểu sử nhà thơ.

Nhưng trong trường hợp này -- những năm Xuân Quỳnh mới đến với thơ -- các bằng chứng thi ca đó hoàn toàn vắng thiếu.

Mọi cánh cửa đều đã khép lại.

Vậy chúng ta hãy tạm bằng lòng với giả định là chuyện tình cảm những năm ở văn công của Xuân Quỳnh đều xoay quanh Tuấn, người chồng đầu tiên.

Như Đông Mai đã nhận xét, Tuấn là một thanh niên đẹp trai song tính tình hoàn toàn trái ngược với Quỳnh: Quỳnh vui nhộn bao nhiêu thì Tuấn lặng lẽ ít nói bấy nhiêu . Được cái Tuấn đối với Quỳnh bằng tất cả tấm tình chân thật. Quỳnh sớm thấy rõ những nhược điểm của Tuấn: “ Anh ấy chỉ là những động tác cơ bản đẹp chứ chưa thành điệu múa, chỉ là một bát phở ngon không có gia vị, chỉ là một cốt truyện hay chưa viết thành văn...” . Đằng sau lối diễn tả hình ảnh mù mờ và không chắc đã chính xác , những dòng thư trên chỉ khẳng định: Xuân Quỳnh cảm thấy ở Tuấn còn thiếu một cái gì mà mình mong muốn, còn chưa có những phẩm chất để Quỳnh mê mệt. Nhưng chết nỗi Quỳnh là một người tự tin, tự tin cả trong công việc, lẫn trong tình yêu. Yêu người khác mình, vì mong người đó bổ sung cho mình. Yêu người còn nghèo, còn đơn giản vì tin khả năng làm cho người đó trở nên giàu có, trở nên phong phú sinh động như mình mong mỏi. Thậm chí, có lúc yêu cả người mà Quỳnh cảm thấy chưa tốt, vì tin rằng mình sẽ có khả năng cảm hoá, làm cho người đó cao đẹp, sang trọng hơn.

Lòng tin đó, sẽ theo suốt Xuân Quỳnh trong những tình yêu về sau.

Lúc này đây, ở những bước đường đầu tiên trong đời, lòng tin ấy của Quỳnh càng mạnh. Bởi vậy, sau khi nói với chị, mà cũng tự nhủ, rằng anh ấy (Tuấn) “tốt, rất tốt”, Quỳnh quyết định trao thân gửi phận cho Tuấn. Theo cách diễn giải của Đông Mai, Quỳnh hy vọng rằng với tình yêu của mình “động tác đẹp sẽ thành điệu múa, bát phở ngon sẽ có gia vị, cốt truyện hay sẽ được viết thành văn”

Khi lòng Quỳnh đã quyết vậy, thì thơ Quỳnh cũng hướng cả về với Tuấn. Bài thơ Ghét không phải loại thơ hay ở Quỳnh. Được cái, nó có giọng kể hồn nhiên và khá nhiều những chi tiết liên quan đến đôi bạn trẻ. Nhân vật chính ở đây cùng một anh kéo đàn và một cô ở đội múa. Hai bên lúc đầu xung khắc, vì chưa hiểu nhau. Song dần dần, trong công việc họ nhận ra vẻ đẹp của nhau, và lại đến với nhau một cách hồn hậu. Nhà thơ kết luận:
Ai biết đâu chữ “ghét ”
Là nhịp cầu nối duyên

Đây cũng là thứ nghịch lý được nhiều bạn trẻ xác nhận.

Chung quanh bài thơ Chồi biếc có một chuyện vui vui. Khi báo in ra, Xuân Quỳnh đến phân trần với Ngô Văn Phú:
- Anh Phú ơi, bài của tôi in rồi đấy. Nhưng ghét quá, đầu đề họ lại in sai là Trồi biếc. Cải lương chế thì còn ra quái gì nữa!
- Thế Quỳnh viết Chồi tr hay ch?
- Tôi viết là Trồi biếc.
- Thế thì họ in sai là phải. Nếu viết đúng là Chồi, người ta không in sai được.

Xuân Quỳnh im lặng không nói gì. Câu chuyện về những sơ xuất như thế này rất phổ biến trong giới, có điều, nó cũng tố cáo rằng Quỳnh phạm những “phốt” rất căn bản.

Tuy nhiên, nội dung chính bài Chồi biếc thì có phần sâu sắc hơn bài Ghét nói trên. Ta gặp ở đây một mô-típ của thơ tình Xuân Quỳnh: đôi ta cũng chỉ là một trong muôn ngàn cuộc tình ở đời này. Rồi cũng có lúc, chúng ta không còn trên mặt đất nữa. Nhưng lúc ấy, lại có những đôi khác:

Và rồi mai sau
Trên đường này nhỉ
Những đôi tri kỷ
Sóng bước qua đây
Lá vàng vẫn bay
Chồi non lại biếc.

Mô-típ này, chúng ta sẽ còn gặp trong phần cuối bài thơ dài Những năm tháng không yên hoặc bài Không đề (cả hai in trong Tự hát 1984), bài Thơ tình cho bạn trẻ, in trong Hoa cỏ may , 1989. Đây là một đoạn trong Thơ tình cho bạn trẻ:

n con đường, vạt cỏ tuổi mười lăm
Mặt hồ rộng, gió đùa qua kẽ lá
Lời tình tự trăm lần trên ghế đá
Biết lời nào giả dối với lời yêu
Tôi đã qua biết mấy buổi chiều
Bao hồi hộp lo âu và hạnh phúc..........
Người mới đến những nơi tôi từng đến
Lại con đường vạt cỏ tuổi mười lăm
Lại hàng cây nghe tiếng thì thầm
Lời thành thật, dối lừa trên ghế đá
“Nào hạnh phúc, nào là đổ vỡ ”
Tôi thấy lòng lo sợ không đâu
Muốn giãi bày cùng ai đó đôi câu
Về tất cả những gì rồi sẽ trải
Mong rút ngắn dặm đường xa ngái
Để cho người tới đích bớt gian truân
Bao khổ đau sung sướng đời mình
Xin tặng bạn làm bước thang hạnh phúc
Nhưng tôi biết chẳng giúp gì ai được
Những vui buồn muôn thuở đi qua

Khoảng cách giữa hai bài thơ là 27 năm. Sự liên tục giữa hai bài thơ - một sự liên tục song lại có phát triển -- cho thấy sự nhất quán của hồn thơ Xuân Quỳnh trước và sau.
Cũng có thể nhận ra sự nhất quán tương tự khi ta so sánh bài Con tàu in trong Chồi biếc với nhiều bài thơ sau của Xuân Quỳnh. Con tàu bắt nguồn từ cảm hứng về sự giao hoà giữa những người yêu ở những phương trời xa cách nhau. Và bài thơ kết ở hai khổ cuối

Tàu sẽ dừng ga cuối

Xin đừng vội ra đi
Cho phút giây gặp gỡ
Đỡ lo giờ cách chia
Em khác chi con tàu
Nay đây rồi mai đó
Nên cả lúc gần anh
Mà lòng em vẫn nhớ

Mô-típ “lo sợ”, lo về sự chia ly ngay trong gặp gỡ, cũng như mô-típ cả lúc gần nhau “vẫn nhớ” , sẽ còn trở lại trong nhiều bài thơ khác của tác giả. Sau hết thành tựu đáng gọi là đỉnh cao của Chồi biếc, phải kể là Thuyền và biển. Được viết có lẽ là trong chuyến Xuân Quỳnh ra đảo Cô Tô, bài thơ này cũng là một bài thơ tình đặc sệt chất Xuân Quỳnh: tình không bao giờ thoả mãn, tình rất sợ cách xa. Sau khúc dạo đầu hiền lành (Từ ngày nào chẳng biết - Thuyền nghe lời biển khơi - Cánh hải âu sóng biếc - Đưa thuyền đi muôn nơi) và một vài đưa đẩy khác, là đoạn định nghĩa về tình yêu.

Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mang nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu

(Không phải ngẫu nhiên, trong bản nhạc phổ thơ Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đưa đoạn này vào ngay phần đầu)
Cao trào của bài thơ là ở tám câu cuối:

Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố

Thơ tình Xuân Quỳnh là thơ tình của những kẻ không chấp nhận bất cứ sự xa cách này, ngược lại lúc nào cũng muốn kề cận “như chim liền cánh, như cây liền cành”. Vì vậy, chỉ mới không gặp nhau một ngày mà đã bạc đầu thương nhớ, lòng đau rạn vỡ, và nếu từ giã nhau, thì sóng gió nổi lên. Điều thú vị cần nhớ đây không phải lời người con trai, mà lời tuyên bố của người con gái. Để nói hết sự giận dữ ấy người con gái cảm thấy hình ảnh biển chỉ còn sóng gió chưa đủ, câu chuyện kể ra chưa đủ, mà phải nhấn thêm hai câu cuối cùng: Nếu phải cách xa anh - Em chỉ còn bão tố.

Không cường điệu một chút nào cả , bão tố là chuyện có thật trong đời Quỳnh , dù chỉ là bão tố trên những mảnh vườn hẹp .


VI . Sống hẳn với nghề cầm bút

Biết khổ là một chuyện, nhưng tránh được khổ lại là chuyện khác - sự lo xa nhiều khi không được việc gì cả!

Không hiểu trong những năm từ giã văn công chuyển sang làm văn, làm báo, Quỳnh có bao giờ nghĩ thế không, chứ sự thực đời Quỳnh chính là như vậy - Con người này không tránh được khổ.

Từ giã lớp học Quảng Bá, Xuân Quỳnh được chuyển về báo Văn Nghệ. Nhưng những năm ấy, chân biên tập viên của báo Văn Nghệ là một danh hiệu cao quý lắm, ngay loại Xuân Trình, Ngô Văn Phú đã có viết lách chút ít, và đã tốt nghiệp đại học Tổng hợp Hà Nội , khi được nhận về báo vẫn phải chịu cái chức danh phóng viên tập sự. Thành thử người ta bảo với Quỳnh là chỉ tạm xếp ở đấy, chờ bố trí công việc chính thức sau. Có thời gian (đâu đến gần một năm), vẫn biên chế ở báo, Quỳnh được cử xuống công tác ở Huyện đoàn Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. ở đây, như Ngô Văn Phú kể, Quỳnh làm đủ thứ công việc tạp nhạp: xuống xã vận động nông dân đóng thuế nông nghiệp, hoặc mở hội giao lương (làm nghĩa vụ lương thực)... Đang quen lao động nghệ thuật, giờ phải làm những việc chưa làm bao giờ, Quỳnh thường lúng túng như thợ vụng mất kim. Được cái chịu khó bù lại! Gặp Quỳnh lúc phải lo có được ít biểu ngữ khẩu hiệu, biểu ngữ trên tường, trên vải, trên nong nia, Ngô Văn Phú đùa:
- Dạo này chữ đã cứng và đẹp lắm rồi hả? (Xưa nay Quỳnh vẫn có tiếng là chữ quá xấu, anh em vẫn bảo là hệt như “rắc thuốc lào” trên giấy)
Quỳnh thú thực:
Tôi kẻ có hoạ ma nó xem! Lại nịnh mấy cậu thanh niên trong làng thôi. Họ đã quen tay, với lại cũng nể mình nữa. Còn mình thì quét vôi và vác nong, vác nia.

Theo Quỳnh nhớ
SỐ TRUY CẬP online