CÁNH BUỚM VÀ ĐÓA HƯỚNG DƯƠNG

Một nét tính cách thi sĩ
ở con người Nguyễn Bính

Như một mô-típ chủ đạo, lại như một ám ảnh, hình ảnh con bướm trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Bính có lẽ là đậm đà hơn bất cứ hình ảnh nào khác. Bướm và hoa có mặt bất cứ nơi nào nhà thơ nói đến tình ái. Câu chuyện kỷ niệm của đôi bạn học trò trường huyện ngày xưa sẽ mất đi vẻ hư ảo, nếu như thiếu sự điểm xuyết của cánh bướm. Bướm quấn quýt bên cô hàng xóm; bướm chập chờn bay trên luống cải để một cô bạn khác sang nhà đuổi bắt. Bướm ngây thơ, bướm xinh đẹp, bướm phong tình và ham chơi nữa, bướm có quá nhiều nét giống người đến mức người làm thơ tưởng như nguyên lai mình vốn là kiếp bướm chỉ nhớ ra mà mới đây thôi, mới trở lại kiếp người!
Chả trách chi, theo Bùi Hạnh Cẩn cũng như Hoàng Tấn, một trong những dự định đến rất sớm với Nguyễn Bính là gom góp những bài thơ đã viết của mình, làm thành một tập thơ riêng, tập thơ mang tên Bướm.
Nhưng phàm đã có tiếp nhận Nho giáo, có học qua sách vở thánh hiền, người ta đều biết rằng hình ảnh con bướm vốn không được kẻ sĩ xưa nay xem trọng. Nhà nho thiên về duy lý, nếu không tự ví mình như chim phượng hoặc cây tùng cây bách, thì cũng tự xem mình như cây trúc cứng cỏi, cho đến cả chim sẻ, họ cũng coi thường, nói chi đến cánh bướm.
Vậy tại sao Nguyễn Bính, một kẻ có theo đòi bút nghiên từ lúc nhỏ, từng có những bài dịch thơ Đường khá hay, người có thể nghĩ thơ bằng chữ Hán nữa, tại sao Nguyễn Bính đó lại để cho hình ảnh con bướm lui tới quá nhiều trong thơ mình!?
Mọi chuyện sẽ chỉ trở nên giản dị nếu chúng ta chấp nhận một cách hiểu tương đối cởi mở về con người nhà thơ: cũng như phần lớn chúng ta, tác giả Lỡ bước sang ngang là một con người của tình cảm, của những ý muốn bâng quơ hơn là của lý trí.
Ở ông, sự khao khát được tự do, được sống theo ý mình, đôi khi đi gần sát tới sự buông thả. Ông thèm đi, thèm biết, thèm có mặt ở mọi nơi, thèm tận hưởng vị ngọt, hơi ấm mọi hương hoa của đời. Và chắc chắn, ông không phải một tính cách cứng cỏi, người ta không thể đòi hỏi ở ông một sự nhất trí thường trực.
Với vốn văn hóa sẵn có, ông thừa biết nói nhiều đến cánh bướm là không được đàng hoàng, là thiếu khí cốt, là nhảm (nhảm với nghĩa ông dùng trong câu thơ dịch Quân cờ gõ nhảm làm rơi hoa đèn). Song con người hồn nhiên cứ kéo ông đi, rồi Nguyễn Bính sẵn sàng cười trừ với mọi người và với chính mình : thì tôi thích thế đấy, kệ tôi sống thế nào thì sống, cốt tôi nói điều tử tế và có người nghe là được! Trong cái vẻ bề ngoài quê quê lại lôm loam thô lỗ (chữ của Tô Hoài), Nguyễn Bính thật ra đã có cốt cách của một nghệ sĩ hiện đại, bắt đầu từ một sự bất chấp ngang ngược ấy.
Thói quen thường trực
Sự bất định, thực ra không phải là độc quyền của riêng ai. “Đa đoan vó ngựa, chung tình bánh xe” – người đời vốn vậy, chẳng qua ở đám thi sĩ, cái thói bất định ấy bộc lộ rõ rệt và thường trực hơn, nên người ta thích xem đây như là một đặc tính nghề nghiệp của họ, rồi khi cần, mỗi người lại tìm cách giấu giấu diếm diếm và cố chứng minh rằng bản thân mình và giới mình không phải như vậy. Riêng với Nguyễn Bính thì mọi chuyện đơn giản hơn mà cũng sòng phẳng hơn. Đọc kỹ thơ ông, có thể hình dung ông cũng thường muốn hướng đời mình tới một cái đích nào đó, theo một khuôn khổ nào đó, song không được, rút cục đành tự nhủ rằng quen mất nết đi rồi, cứ thế mà “diễn”.
Như trong chuyện tình yêu. Có những nhà thơ cả đời chỉ phụng thờ một nàng thơ nào đó. Tác giả Lỡ bước sang ngang thì không, gặp đâu yêu đấy và lần nào cũng say đắm. Chỉ có điều thú vị là tất cả việc đó được Nguyễn Bính coi là đương nhiên, ông công khai bộc lộ thói đa tình của mình và sẵn sàng làm thơ để đánh dấu từng mối tình lẻ mà mình đã theo đuổi. Những người có quen biết riêng Nguyễn Bính đây đó vẫn kể: Cô Nhi trong bài Hoa với rượu vốn tên là Diễm. Hai chữ Tú Uyên – nhân vật được Nguyễn Bính dành cho cả tập thơ Người con gái ở lầu hoa – được tạo ra từ tên thật của một người con gái tên là Tuyên. Nàng Oanh thì lại không hề được “ngụy trang”, nghĩa là thi sĩ cứ thế bê nguyên xi tên thật của một cô gái ngoài đời vào thơ, khiến cho người này mãi về sau còn bực bội. Tóm lại, thơ tình chính là lĩnh vực Nguyễn Bính bộc lộ ra tất cả sự nhởn nhơ dông dài vốn có, và việc nhà thơ tìm thấy hình ảnh của mình trong những cánh bướm là có nguyên cớ sâu xa của nó.
Bên cạnh tình yêu là những quyết định quan trọng liên quan đến cuộc sống, và ở đây nữa, Nguyễn Bính vẫn cho thấy sự tùy tiện, gặp đâu hay đấy của mình. Cũng như nhiều đấng nam nhi có học qua mấy chữ thánh hiền, Nguyễn Bính không quên mơ tới sự nghiệp của cả cuộc đời, và sự thực là con người lý tưởng văn hay chữ tốt (lên đến tuyệt đỉnh là bảng nhãn, thám hoa thậm chí trạng nguyên, mà nhất là trạng nguyên), đã thường xuyên xuất hiện trong thơ như một ám ảnh. Nhưng làm thế nào để đạt tới cái sự nghiệp ấy thì Nguyễn Bính gần như không biết. Một nhà nghiên cứu đã có lý khi so sánh hình ảnh của sự ra đi trong thơ ba người bạn là Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính để rồi kết luận trong thơ Nguyễn Bính, chàng lãng tử “đi để mà đi” và rất sớm mặc cảm về sự lỡ bước sang ngang của chính mình. Nhân đấy cũng xin nói qua về một vận động lớn trong tâm trí Nguyễn Bính là trở về với chân quê. Thấy ý nghĩa của việc này quá lớn, đây đó đã có người đẩy quá lên mà bảo rằng Nguyễn Bính làm việc này với một “nhận thức sâu sắc”, nhằm công khai chống lại một xu thế đang trở thành thời thượng trong văn giới lúc bấy giờ là chạy theo Âu hóa. Nhưng theo chúng tôi ở đây có thể nghĩ khác. Nguyễn Bính không thuộc dạng người hành động kiên nghị suy tính trong từng bước đi và khi đã suy tính kỹ thì cắn răng đi theo con đường đã chọn. Không, thiên nhiên ban cho chúng ta một thi sĩ hồn nhiên và nông nổi hơn nhiều, gặp đâu hay đấy, thế nào cũng được, bởi vậy, thấy cái gì hay hay ông cũng làm theo, song đến lúc nào đó ông cũng dễ dàng rẽ sang đường khác, nếu gặp những thứ “hay hay” khác. Khi mới vào nghề, do một trực giác tinh nhạy nào đó mách bảo, ông đã viết nên một loạt thơ chân quê như các bài Mưa xuân, Thời trước, Nhớ, Qua nhà… Rồi cái mô-típ chân quê này còn trở đi trở lại mãi trong thơ Nguyễn Bính nhưng càng ngày sự xuất hiện của nó càng trở về giống như câu chuyện mà một người vui miệng và thấy có người nghe thì kể, hơn là một việc làm xuất phát từ “nhận thức sâu sắc”, như cách nói của chúng ta bây giờ. Nhất là về sau, khi sự dan díu với kinh thành đã mệt mỏi, đến bản thân những nỗi bất hạnh riêng tư còn vô phương cứu chữa, nhà thơ chỉ mượn chuyện nhớ đến quê hương cũ để xót xa cho số phận, chứ còn lòng dạ nào mà nghĩ đến tuyên ngôn này xu thế nọ! Đấy, sự thực cái tâm lý về chân quê ở Nguyễn Bính đã diễn biến như vậy. Nói như Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam, ông chỉ không quên người nhà quê trong mình, chứ đâu có để công đi tìm người nhà quê ấy. Tuy nhiên tất cả những việc này không làm giảm ý nghĩa của cái sắc thái dân tộc mà thơ ông vốn có.
Sự chung thủy duy nhất
Có một sự thực lâu nay nhiều người còn ngại nói ra mỗi khi nhớ tới Nguyễn Bính, ấy là nhìn suốt cuộc đời 48 năm trôi nổi của ông, phải công nhận ông là một người bất hạnh. Sau khi kể rằng lúc nào Nguyễn Bính cũng ôm khư khư bên mình một hộp bích quy toàn những thư tình “tờ trắng, tờ xanh, vết tay mồ hôi về vệt”, Tô Hoài kể “chưa thấy anh một lần nào lấy được vợ”. Nguyệt Hồ, bạn cố tri một hồi của Nguyễn Bính cũng bảo chưa bao giờ bạn mình được sống đúng nghĩa một tối tân hôn. Ở Hà Nội đã bí, tưởng làm một chuyến “hành phương nam” là có thể đổi đời, có ngờ đâu, ở trong ấy, Nguyễn Bính cũng nhiều lúc rơi vào tình cảnh cơ cực mà nghe một số bạn bè ông kể lại, người ta phải rớt nước mắt. Những bước đoạn trường ấy, do nỗi đa đoan của cuộc đời xô đẩy cũng có, mà do nhà thơ tự chuốc vào mình cũng có. Dẫu sao, ở đây không nên xét mọi chuyện dưới góc độ đạo đức thông thường mà cũng không có chỗ để bàn xem ai khôn, ai dại. Người ta là thế, những cuộc đời thông thường là thế. Bởi trước tiên, không ai có thể dự liệu mọi bề cho chính đời mình, và lùi ra xa một chút mà nhìn thì đời chúng ta đi theo những kịch bản thế nào, là những diễn viên, chúng ta làm sao hay biết?!
Thế nhưng để bù lại, Nguyễn Bính có thơ bạn bầu. Giống như đóa sen thơm ngát, thơ ông vượt lên trên mọi đa đoan chìm nổi của chính đời ông, để vĩnh viễn tỏa hương. Đời ông càng khổ thì thơ ông càng hay. Có lẽ, chính Nguyễn Bính cũng biết như vậy, nên lạ một điều là trong cuộc đời bất định và dông dài của mình, ông có một sự chung tình đặc biệt là chung tình với thơ. Ở chỗ này, cái câu người con trai tự nói về mình “Lòng anh như hoa hướng dương. Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời” không phải là một lời nói ngoa, đến lượt mình sự chung tình ấy, đóa hướng dương ấy lại làm nên sự trường tồn của tên tuổi ông, và nó sẽ trở thành hình ảnh tượng trưng cho đời ông, chứ không phải cánh bướm nhởn nhơ mà ông thường nhắc tới.
SỐ TRUY CẬP online