Thanh Tịnh

Vài nét tiểu sử
Thanh Tịnh 1911-1988. Trước 1945, đã cộng tác với các báo Phong Hóa, Ngày nay, Tinh hoa. Sau cách mạng, gia nhập quân đội, phụ trách đoàn kịch. Có thời gian làm chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ngậm ngải tìm trầm cũng là tên gọi một truyện ngắn được nhiều người ghi nhớ của tác giả.
Ngậm ngải tìm trầm
Một nét chân dung Thanh Tịnh,
tác giả Quê mẹ
Đó là câu chuyện cảm động kể về những tận tụy hy sinh của một con người trên đường mưu cầu sinh kế được Thanh Tịnh ghi lại lúc còn trẻ. Song đó cũng là một phác họa đơn sơ về những gian truân mà tác giả sẽ nếm trải trong những năm tháng về sau...
"Hàng năm cứ vào cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường".
Thanh Tịnh thuộc về loại nhà văn viết không nhiều nhưng trong số những gì ông viết ra có những dòng đã ăn vào tâm trí nhiều thế hệ bạn đọc. Chẳng hạn như đoạn mở đầu cho truyện ngắn Tôi đi học dẫn trên đây.
Từ văn mà suy ra người, sau khi nhập tâm đoạn văn ấy, và những đoạn tương tự, nhiều bạn đọc dễ tưởng tượng rằng đại khái tác giả của chúng là một người suốt đời sống giữa khung cảnh hòa hợp êm đềm về mặt tình cảm. Có biết đâu, điều đó chỉ đúng với Thanh Tịnh khi mới cầm bút còn sau đó hoàn toàn khác hẳn!
Sự đơn độc kéo dài
Từ 1975 về trước, khi nói về nỗi xót xa đau đớn do đất nước bị chia cắt, một hình ảnh thường hay được nhắc nhở là hình ảnh những người phụ nữ ở lại miền Nam, trong khi người yêu hay chồng, đôi khi là chồng chưa cưới, ra tập kết ở miền Bắc, bao nhiêu tháng năm đợi chờ đằng đẵng, gần như cả tuổi xuân trôi qua trong ngang trái buồn thảm.
Nhưng sau khi đã nói tới những người phụ nữ ấy, thì cũng không nên quên chính những người thân của họ - các cán bộ mà vợ con ở lại miền Nam và bản thân ra Bắc - trong số này ngoài đại bộ phận mới đi tập kết sau 1954, lại có một số ra đi suốt từ khi tiếng súng kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Nghĩa là từ 1946, và ba chục năm sau, mới gặp lại gia đình (không ít trường hợp vĩnh viễn không gặp lại). Dù là đã tự xác định cho mình đến mấy, thì những người này vẫn cứ là những ca, những trường hợp không bình thường, và giữa những bè bạn đồng chí đồng đội, họ thường vẫn hiện lên như những hòn đảo đơn độc.
Thanh Tịnh chính là một trong những người suốt cuộc chiến tranh giải phóng "ăn cơm tập thể ngủ giường cá nhân" như vậy. Hình như giữa hàng ngũ những người chịu ngang trái về mặt tình cảm trong giới văn nghệ sĩ, trường hợp của ông là kéo dài, là lặng lẽ nhưng xót xa bậc nhất, đến mức khi soát xét lại cả đời ông, người ta thường cảm thấy rất nhiều ái ngại, và phải có một cách nhìn khác đi với các sáng tác mà ông để lại.
Nỗi đau thuở trước
Theo sự ghi nhận của nhiều tài liệu nghiên cứu văn học, ngay từ 1936, Thanh Tịnh đã có một tập thơ được xuất bản mang tên Hận chiến trường. Nhưng không chỉ cái tên mà hầu như cả tập thơ xa lạ với tác giả của nó. Khi chọn ra những bài thơ hay nhất của Thanh Tịnh cho in vào Thi nhân Việt Nam 1932-41, Hoài Thanh không lấy một bài nào từ Hận chiến trường, mà lại "chấm" các bài thơ lẻ, mới đăng báo. Đó là Mòn mỏi đăng ở Tinh hoa và Tơ trời với tơ lòng đăng ở Phong Hóa.
So với thơ, văn xuôi của Thanh Tịnh thời tiền chiến có phong phú hơn, truyện dài có, truyện ngắn có, đâu ba bốn tập gì đấy. Song hơn ai hết, chính Thanh Tịnh cũng biết truyện dài Xuân và Sinh không thành công. Trong các tập truyện ngắn, chỉ có Quê mẹ là khả dĩ, bởi vậy, năm 1957, khi lần đầu tiên sau cách mạng dọn dẹp lại sáng tác của mình để tái bản, ông cũng chỉ lấy Quê mẹ làm chính, rồi dậm thêm vào một vài truyện lấy ở các tập khác và từ nay, nói tới Thanh Tịnh, người ta chỉ nói tới Quê mẹ.
Vả chăng cái chính không phải là số lượng đầu sách, cái chính là nội dung đã viết, mà về phương diện này ai cũng thấy ngay cái không khí bao trùm Quê mẹ là buồn bã, là hiu quạnh: ở cái làng Mỹ Lý mà các nhân vật của ông sinh sống, vẻ êm đềm nếu có chỉ là bề mặt. Kết cục của thiên truyện Tình thư là buồn, chị Sương thất tình và con sáo của cậu Thanh cũng chết. Cô Duyên trong Bên con đường sắt, chịu sự đàm tiếu của mọi người mà đâu có tìm thấy hạnh phúc. Cô Hoa trong Con so về nhà mẹ, cô Thao trong Quê mẹ mỗi người có nỗi khổ tâm riêng, mà khổ tâm nhất là phải giả vờ hạnh phúc. Nói chi đến những bất hạnh rõ mồn một của con người, được nói tới trong Con ông hoàng cũng như Am cu ly xe, Ngậm ngải tìm trầm, cũng như Một làng chết. Chỗ khác của Thanh Tịnh so với một số tác giả hồi tiền chiến, là khi diễn tả những nỗi bất hạnh của con người ông không làm cho nó chói lên quá đáng, nhân vật trong truyện cũng như tác giả không kêu to sau các trang sách, song sự bất hạnh vì thế lại hiện ra không ai có thể cưỡng lại nổi, nó như không khí bao quanh người ta, và sống lâu với nó, ta quen đi lúc nào không biết.
Chiến công thầm lặng
Từ sau 1945, nhất là trong những năm kháng chiến chống Pháp, tên tuổi Thanh Tịnh gắn liền với một thể loại lai tạo giữa thơ và kịch, là thể độc tấu. Để truyền đạt một nội dung thông tục, giản dị, nghe là hiểu ngay, độc tấu tận dụng hai biện pháp, một là lời thơ có vần cho dễ theo dõi, hai là sự nhập vai của người trình diễn. Chỉ như vậy thôi, nhưng trong hoàn cảnh các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại còn hạn chế, thể loại này được coi là một công cụ lợi hại (tới mức, trong hội nghị tranh luận về văn nghệ kháng chiến năm 1949, nhiều văn nghệ sĩ hàng đầu như Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi... đã phải để thời gian trao đổi về nó).
Nhưng cách làm đó không thể kéo dài mãi. Có một sự thực là nếu từ 1945 về trước, Thanh Tịnh vừa viết văn viết báo, vừa làm thêm các nghề khác, như dạy học hoặc đo đạc đất đai, ta vẫn gọi là nghề đạc điền, hoặc hướng dẫn du lịch, thì từ kháng chiến trở đi, ông sống như một người làm nghề viết văn chuyên nghiệp. ấy vậy mà sau hơn 40 năm liên tục sống trong nghề, tới khi ông qua đời, thành quả của ông vẫn chỉ có thể gọi là đạm bạc. Một tập truyện nhỏ, Những giọt nước biển chỉ in ra một lần (1954) và về sau không được ai nhắc lại. Một ít bài thơ rải rác không đủ in thành tập, đến mức về sau, khi muốn giúp Thanh Tịnh tổng kết cuộc đời sáng tác của mình, các đồng nghiệp trẻ phải tìm cách gộp chung chúng cùng với các bài ca dao và diễn ca khác, làm nên một tập sách chung gọi là Thơ ca (1980). Những buồn bã trong hoàn cảnh riêng tư đã là một phần nguồn cơn của vẻ hiu quạnh trong sự sáng tác của ông chăng? Sau những giây phút bùng nổ rực rỡ giữa công chúng, người nghệ sĩ nơi ông thường phải dồn hết sức lực để đối diện với sự đơn độc của mình chăng? Nếu đúng như vậy, người ta chỉ có thể nghĩ: đặt bên cạnh những số phận bình thường đây là một số phận bi đát bậc nhất, cái bi đát không hùng tráng lớn lao, nhưng lạnh lùng thấm thía, và chỉ riêng việc ông vẫn đứng vững để sống và làm việc trong đội ngũ văn nghệ từng ấy năm trời thật đã là cả một chiến công.
SỐ TRUY CẬP online