Tú Xương

Vài nét tiểu sử
Tú Xương tức Trần Tế Xương (1870-1907) nhà thơ lúc đầu sáng tác theo lối lưu truyền trong dân gian. Hàng chục năm sau khi qua đời, đến thời Đông Dương tạp chí, Hữu thanh, Nam Phong... một số bài thơ mới được sưu tầm và đặt tên để phổ biến trong các thế hệ sau.

"Thành thì đen kịt, đốc thì lang"......
Gương mặt những con người đương thời
trong thơ Tú Xương
Là một ngòi bút trào phúng thực thụ và có bản lĩnh, Tú Xương thường không ngại mang chính mình ra mà chế giễu. Loạt thơ tự trào, cộng với những bài trữ tình thuần túy (loại như Sông kia rày đã nên đồng...) gộp cả lại làm nên một mảng thơ riêng, khá đặc sắc.
Có điều, dẫu sao, trong số hơn trăm bài thơ hiện đang lưu truyền và được xác định là của tác giả, các bài thơ "hướng nội" nói trên chỉ chiếm một phần nhỏ. Ngược lại, nói tới Tú Xương, nhiều khi người ta nhớ ngay tới loại thơ khắc họa chân dung những người đương thời. Những bài "hướng ngoại" này thường nói tới một đối tượng cụ thể: một ông phủ, ông đốc học nào đó trong vùng hoặc một người bạn nào đó của tác giả. Và chúng thường có nhan đề ngắn gọn (do người sau đặt): Mừng ông lang, Chế ông huyện, Đùa ông hàn, Bỡn ông Điềm v.v...
Một phòng triển lãm
Nhận xét thứ nhất nảy sinh khi người ta đọc loại thơ này: Tú Xương có một phạm vi quan sát khá rộng. Sống trong một đô thị nhỏ nơi thoát thai từ làng xóm, ông vẫn giữ được thói quen thường thấy trong sinh hoạt tinh thần nơi thôn xã là để mắt đến mọi việc xảy ra chung quanh, và sẵn sàng lên tiếng về những chuyện ấy. Lọt vào kính ngắm thường xuyên của ông là đủ loại nhân vật, từ quan chức đến sư sãi, từ ông tú ông cử, cho đến đám học trò đang mài đũng quần trong các lớp bình văn, rồi cô ký, me tây, rồi thầy thông, thầy phán... sơ sơ có thể ước tính tổng cộng số người được Tú Xương nhắc tới trong các bài thơ đã viết lên tới vài chục. Tất cả hiện ra như các hình nhân trong một chiếc đèn kéo quân khổng lồ mà tác giả đã kỳ công vẽ mặt tô mày để kiếm chút niềm vui giữa cuộc đời tẻ nhạt.

Những nét kỳ dị
Theo sự ghi nhận của nhà văn Nguyễn Công Hoan - một người nổi tiếng có trí nhớ tốt và đã một thời gian dạy học ở Nam Định - thì hầu hết các nhân vật được nói tới trong thơ Tú Xương có địa chỉ thật ở ngoài đời. Các bài thơ đã hình thành như một cách để tác giả đánh dấu những gương mặt mà mình từng biết và phải chung sống.
Tuy nhiên, điều đó không làm hại đến ý nghĩa khái quát mà các chân dung có thể có.
Một nhận xét nữa nẩy sinh khi đọc loại thơ nhân vật của Tú Xương: trước sau bút pháp của ông là khá nhất quán. Sự hài hước được nhà thơ sử dụng như một loại "chiếu yêu kính" tức một công cụ để nhận thức bản chất con người và sự việc. Vấn đề không phải chỉ ở chỗ tác giả thường xuyên miêu tả những thói xấu của các nhân vật, tức vạch ra sự không bình thường của nó về mặt xã hội (quan lại tham nhũng, đốc học rong chơi, cờ bạc; sư ở tù; con cái khinh bỉ bố mẹ...) mà điều quan trọng hơn, là ông biết nhìn ra cả trong mặt mày hình dáng con người cũng có sự biến dạng. Nếu ông chỉ nói ở cái phố hàng Song lắm quan kia, cô Bố "chồng chung vợ chạ", ông Hàn "đậu lạy quan xin", ta thấy đã tài, đã sắc sảo. Song con mắt thi sĩ nơi ông còn nhìn thấy cái nét đặc sắc mà cái nhìn xã hội học dễ bỏ qua: "Thành thì đen kịt, Đốc thì lang". Trong một dịp khác, ông tả người bán sắt "Mũi nó gồ gồ, trán nó giô", cũng như ông không tha cả chính mình "Mắt thì lao láo, mặt thì xanh". Những câu thơ hơi khang khác này xui người ta nghĩ rằng hình như trong tiềm thức, tác giả bắt đầu cảm thấy rằng sự méo mó lệch lạc là nằm tận trong bản chất con người đương thời. Đây nữa, những câu thơ tả sự dở dang, bất cập, một thứ nửa dơi nửa chuột tiên thiên bất túc không sao sửa chữa nổi trong con người đương thời, đại loại:
- Hán tự không biết Hán
Tây tự chẳng biết Tây
- Nghêu ngao câu hát nửa tàu nửa ta
- Chẳng phải quan mà chẳng phải dân
- ấm không ra ấm, ấm ra nồi.
Như các nhà nghiên cứu nghệ thuật đã lưu ý, nét đặc biệt của nghệ thuật hiện đại (rõ nhất là trong hội họa) ấy là thiên về miêu tả con người với những nét kỳ dị, hình ảnh méo mó, không những không ăn khớp với những khuôn mẫu sẵn có, mà còn thường xuyên có hiện tượng phân thân, và không tạo ra một sự ổn định, không có những đường viền rõ rệt. Do những hạn chế của thời đại và của bản thân, đương nhiên Tú Xương chưa thể có được một tư duy nghệ thuật mới lạ như vậy. Có thể là những câu thơ trên chỉ được viết ra một cách tự phát. Dẫu sao đọc Tú Xương, người ta vẫn không khỏi liên tưởng tới một quan niệm về con người mới mẻ, chưa thể có ở những thời của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, tóm lại là những quan niệm về con người chỉ xã hội hiện đại mới có. (Đây chỉ nói về quan niệm; còn như mỗi tác giả đạt tới mức sâu sắc và độc đáo như thế nào trong quan niệm của mình, thì đấy lại là chuyện khác).

Sự phá cách
Mặc dù chỉ sống được hơn 7 năm trong thế kỷ XX, song Tú Xương vẫn đáng được xem như một nhà thơ có cốt cách hiện đại. Cảm giác hiện đại chủ yếu hình thành qua ấn tượng về con người tác giả, một người làm thơ không phải để nói chí hoặc giáo hóa ai mà chỉ cốt phơi bày cho hết những bức xúc chộn rộn trong lòng mình; con người ấy gần như đánh mất sự quân bình vốn có, ngược lại lúc nào ông cũng sống trong trạng thái "ngồi không yên ổn đứng không vững vàng" luôn luôn bị ám ảnh bởi những ham hố trần tục.
Có điều "mình với ta tuy hai mà một" (thơ Tản Đà), con người tác giả trong thơ Tú Xương thế nào thì các nhân vật được ông phác họa cũng vậy. Xưa nay đã nhiều người tả cô đầu, song chỉ đến Tú Xương, loại người tưởng là dưới đáy xã hội này mới dám lớn tiếng tuyên bố "Cũng liều bán váy chơi xuân" nghe thật trâng tráo nhưng bên trong có gì đó chua chát, bi phẫn, nó là cái tâm trạng đến với người ta khi cuộc sống chung quanh đã trở nên bẩn thỉu quá mà bản thân không biết làm gì để thay đổi nó. Cái tâm thế của người cô đầu Tú Xương diễn tả ở đây sẽ là tâm thế mà càng về sau càng phổ biến, và con người thời sau, dù làm bất cứ việc gì, trước những bất lực phải chịu, cũng muốn văng ra những câu tương tự.
Chẳng những quyết liệt trong thái độ sống, Tú Xương còn quyết liệt trong các ứng xử nghệ thuật. Thời ông sống là thời trong văn chương Việt Nam còn đang ngự trị các quy phạm cổ điển. Thơ ca Việt Nam phải gần ba chục năm sau mới biết đến phong trào Thơ mới, nên gì thì gì, Tú Xương cũng chỉ có cách trổ tài qua thơ Đường luật. Song bản lĩnh và ý chí tự do của nhà thơ non Côi sông Vị là ở chỗ, trong khi bị gò bó bởi thi luật cổ điển, Tú Xương vẫn tìm đủ cách để công phá nó. Một ví dụ: bài thơ mang tên Bỡn ông Điềm.
Tôi hỏi thăm ông đến tận nhà
Trước nhà có miếu có cây đa
Cửa hè sân ngõ chừng ba thước
Nứa lá tre pheo đủ một tòa
Mới sáu bận sinh đà sáu cậu
Trong hai dinh ở có hai bà
Trông ông mốc thếch như trăn gió
Ông tốt duyên vì có nước da
Cũng giống như nhiều bài thất ngôn bát cú của Xuân Hương, bài thơ này, tuy bề ngoài vẫn giữ được sự đăng đối (câu ba đối câu bốn, câu năm đối câu sáu) song đó là một sự đăng đối trời cho, người ta cảm thấy tác giả không cần một chút cố gắng. Trong khi ấy mạch đi của cả bài thơ quá tự nhiên, hầu như gặp đâu nói đấy, những ràng buộc thừa-phá-đề-luận-kết... bị để sang một bên, hai câu cuối giống như một miếng bỏ nhỏ khá gây ấn tượng. Nhất là về mặt mỹ cảm thì sự phá cách càng rõ rệt, cái chi tiết mốc thếch như trăn gió quá đậm chất văn xuôi, cũng như giọng thơ nửa thân tình nửa giễu cợt, tất cả làm cho sự vật con người mất hẳn cái vẻ cao thượng, thuần khiết, vốn được coi là nét tiêu biểu của thơ ca cổ điển.

Tú Xương nhà báo

Gia Định báo, tờ báo đầu tiên của nước ta được xuất bản ở Sài Gòn 5 năm trước khi Tú Xương ra đời. Nhưng có lẽ trong hoàn cảnh sự giao thông liên lạc bấy giờ, thậm chí khó lòng nói chắc rằng nho sĩ Trần Tế Xương biết có một tờ báo như thế tồn tại ở trên đời để tính chuyện cộng tác. Tương tự như vậy, cũng không ai dám đảm bảo Đại Nam đồng văn nhật báo, sau đổi là Đăng cổ tùng báo (do Schneider cho làm ở Hà Nội, có phần chữ Hán do Kiều Oánh Mậu phụ trách) có dịp đến với đông đảo cư dân thành Nam, để nhà thơ của xứ non Côi sông Vị này có được cách nghĩ rộng ra về sự tồn tại của một ngòi bút như mình và có thêm những chủ định trong sự sáng tạo. Theo các tài liệu viết về lịch sử báo chí nước ngoài, thì ngay từ đời Đường Trung Quốc đã có tờ Đế báo, từ 1355 một ấn phẩm được các nhà nghiên cứu sau này tạm mệnh danh là Gazette de Pékin đã được nhà Nguyên cho phát hành, và từ 1800, triều Thanh đã có báo ra hàng ngày, báo in vào những mảnh lụa vàng, khâu liền với nhau v.v... Có điều, đây là chuyện ở bên Tàu. Ông cha ta có qua đó học nghề in mộc bản, thì cũng chỉ mới là để in sách cho mấy nhà Quảng Văn Đường, Liễu Văn Đường... tóm lại học làm xuất bản, chưa ai có ý niệm gì về báo cả. Nếu có tính đến mấy ông nhà nho chuyển sang viết báo, thì người ta phải đợi đến thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, khi Phan Kế Bính viết cho Đông Dương tạp chí, Nguyễn Bá Học viết Nam phong, Tản Đà làm Hữu thanh hoặc Phan Khôi giữ chân trợ bút cho Phụ nữ tân văn. Trước đó, nhà báo ở ta thuần túy là lớp trí thức mới được Pháp đào tạo (Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh). ấy là những sự kiện được lịch sử công nhận.
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào nội dung các bài thơ mà Tú Xương để lại, người ta lại không khỏi có ý nghĩ rằng ông nhà nho này sinh ra để làm báo. ở ông luôn luôn có tư duy của một ký giả, chẳng qua sinh bất phùng thời, không gặp cơ may để thi thố ngòi bút cho đúng lúc thôi, chứ thật ra ông phải là người của trường văn trận bút hiện đại thì mới phải.
Chất báo chí trong thơ Tú Xương được bộc lộ ở mấy điểm:
1) Trong khi phần lớn thơ ca nho sĩ là thơ ca hướng nội, thì thơ Tú Xương "hướng ngoại". Đối với ông, những chuyện đời Đường đời Tống ông phải học từ khi để chỏm chả có gì quan trọng. Mà ông luôn luôn dỏng tai để lắng nghe các chuyện thời cuộc và tìm cách ghi lại nó trên mặt giấy. Chưa nói được về tình hình chung của cả xứ cả nước, thì ông nói về chuyện cái thành phố ông ở. Giá một tờ báo lớn nào đó ở Hà Nội, ở Sài Gòn muốn tìm cộng tác viên tại chỗ, chắc phải mời ông, vì ông thạo tin vỉa hè, biết đủ chuyện đầu đường xó chợ người ta đang đồn đại, và sẵn sàng làm những việc mà một phóng viên tập sự phải làm, tức là săn tin ở Sở cảnh sát, ở tòa án. Nhìn vào các loại việc mà thứ thơ "ống kính chụp nhanh" của ông đã có nhắc tới, nào ăn cắp vào nhà pha, nào sư ở tù, mán ngồi xe, nào cảnh mẹ vợ ngủ với chàng rể, cô ký lấy lẽ v.v... người ta dễ nghĩ tới mục Việt Nam nhị thập thế kỷ ba đào ký mà tờ An Nam tạp chí của Tản Đà sẽ mở.
2) Cũng rất gần báo chí là cái tư duy bám sát hiện tượng và sự vật của thơ Tú Xương. Ông thích mô tả, mà không thích tổng hợp vội, khái quát non. Nhân vật ông nói tới phải có cái tên cụ thể (ông ấm Điềm, ông cử Nhu, ông đồ Bốn...), địa điểm xảy ra hành động cũng là những phố, những làng có thật (Hàng Lờ, Hàng Nâu, Hàng Sắt v.v...). Đặc biệt, với Tú Xương bắt đầu cả loạt thơ chân dung viết về đủ loại: ông đốc, ông phủ, ông đội, ông lang, ông cò, cô đầu, lái buôn, bợm già, công chức thuộc địa v.v... Những con người có thật đó vào thơ ông sống động linh hoạt như ở ngoài đời mà vẫn gợi ra những ý nghĩ khái quát mà các bài báo sắc sảo phải có.
3) Nhiều sáng tác của Tú Xương hình như được viết rất nhanh. Sự việc vừa xảy ra là ông có thơ liền. Lại có những bài ông làm theo com-măng, theo đơn đặt hàng của người khác, mà vẫn chân thành, sâu sắc và gửi gắm được tâm sự riêng của mình. Cái lối làm việc có vẻ như không cần cảm hứng này rất gần với báo chí hiện đại.
4) Sau hết, nếu đi làm báo, Tú Xương sẽ là một nhà báo viết được nhiều thể tài khác nhau. Trong khi bị gò bó ở thể thơ thất ngôn, ông vẫn tỏ ra là một ngòi bút phóng túng, có thể bươn chải xoay xỏa đủ mặt hàng, từ phóng sự, đặc tả cho tới tạp ghi, phiếm luận, nhàn đàm... sau hết là cả dịch thuật nữa.
Từ trước đến nay, thơ văn của Trần Tế Xương thường được các nhà nghiên cứu ở ta xếp vào dòng thơ cổ điển, thứ thơ từ thế kỷ XIX về trước. Đã đến lúc, nên nói thêm rằng sáng tác của Tú Xương có những khía cạnh khá hiện đại, mà trước tiên con người tác giả hiện ra trong thơ đã là con người khá hiện đại. Được đào tạo chính quy từ nơi cửa Khổng sân Trình song ông xa lạ với mọi quan niệm sống khắc kỷ khổ hạnh mà các nhà nho tự ép xác để noi theo bằng được. Ông thích công khai nói lên những dục vọng vật chất, những khao khát thèm muốn thường xuyên lồng lộn vật vã trong lòng mình. Cay nghiệt trong nhận xét, xô bồ thoải mái trong lựa chọn tài liệu, không ngại trâng tráo trong trình bày miêu tả, ông đã mang tới cho thơ ca một tiếng nói mới, tiếng nói của những thành thị đang hình thành.
Chất báo chí nói trong bài này bắt nguồn từ cái phần sâu xa đó trong con người Tú Xương.


Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau...

Tuy sống và viết chủ yếu vào ba chục năm cuối cùng của thế kỷ XIX, Tú Xương vẫn còn kịp biết đến 7 năm của thế kỷ XX.
Ông mất khi Tản Đà ra đời đã 18 năm. Khái Hưng 11 năm, Tú Mỡ 7 năm và Nguyễn Công Hoan 4 năm.
Song đó chỉ là một trong những lý do để lý giải chất hiện đại trong thơ Tú Xương. Còn có những lý do khác quan trọng hơn, nó nằm ngay ở tâm lý tác giả, cách cảm nhận đời sống của tác giả...
Bởi lẽ vào thời của mình, Tú Xương chưa có được các cuộc trò chuyện với bạn đọc nào khác ngoài thơ, có thể dự đoán ông không ngần ngại khi cần bộc bạch tâm sự của mình với hậu thế.

- Cuộc phỏng vấn của chúng tôi là để chuẩn bị cho một số báo tết. Chắc ông cũng thừa biết rằng ngày tết, dân ta nhiều người có thói quen tự nhiên là lẩm nhẩm lại vài câu của ông, những là "Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo" với lại "Khéo bảo nhau rằng mới với me - Bảo nhau rằng cũ chẳng ai nghe".
- Người ta đọc tôi cả trong ngày thường ấy chứ.
- Dẫu sao, tiếng pháo nổ, màu bánh chưng xanh, câu đối đỏ thường khiến ông xúc động?
- Nó chỉ là một dịp để tôi thấy cuộc đời phô bày rõ thêm những nhố nhăng vốn có (cười). Vả chăng, tết nhất thường vẫn sẵn cái ăn cái uống. "ý hẳn thịt xôi lèn chặt dạ - Cho nên con tự mới lòi ra"; vào những ngày ấy, cái sự rậm rật có đến với các nhà thơ thì cũng là lẽ thường tình.
- Nếu thế e các thi sĩ thuần khiết lại cho rằng quá thiên về vật chất, không thanh cao, không đáng trọng, và biến thơ thành một thứ dung tục?
- Theo quan niệm an bần lạc đạo của nhà nho chứ gì? Cái đó tôi biết. Chính vì phải vùng vẫy để cố thoát ra khỏi sự kiềm chế vốn có - đúng hơn là tự kiềm chế, nông nỗi của những kẻ bị nho học ngấm vào người quá lâu - mà thơ tôi đôi lúc có ngả sang giọng gay gắt và cả trâng tráo nữa. Nhưng nghĩ lại, vẫn thấy mình phải. Sẽ là vẻ vang, theo tôi, nếu một người làm thơ được xem là người phát ngôn cho những dục vọng và vạch vòi ra đủ thứ ham hố trần tục đang xé rách bao tâm hồn đồng loại.
- Hẳn ông cũng biết rằng với một tuyên ngôn như thế, ông trở nên rất gần với con người hiện đại?
- Gần chứ. Chúng tôi gần nhau ở nhiều thứ. Nhu cầu tiêu thụ. Khao khát tiện nghi. Cảm giác về một sự náo động thường xuyên. Cảm giác về tốc độ. Nói thế không phải tôi vơ vào đâu mà thực sự đã có thơ tôi làm chứng.
- Nhưng về thơ, nói vậy là xa rời truyền thống thi ca dân tộc?
- Truyền thống điền viên? Tôi cho cái đó đủ rồi. Tôi muốn nối tiếp một cái mạch khác, mạch của Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, thơ Hồ Xuân Hương... Tóm lại là mạch văn học đô thị, ở đó, con người thường xuyên cô đơn, khinh bạc, cay đắng, bồn chồn.
- Đời sống đô thị đánh mất ở người ta nhiều thứ, đó là điều ông không tính tới sao?
- Sự quân bình trong tâm hồn. Cảm giác gần gũi hòa hợp với thiên nhiên... Tôi đồng ý là đời sống tinh thần của con người đô thị có bị mất đi một ít nhân tố đẹp đẽ nào đó. Nhưng để bù lại, họ được làm giàu thêm bởi những nhận thức mới như trên vừa nói. Đúng ra, mỗi nhà thơ chỉ làm được một ít phần việc của mình. ở thời của tôi, để nối tiếp dòng thơ điền viên êm ả, đã có cụ Tam nguyên Yên Đổ. Cụ luôn luôn đi tìm sự yên ổn trong tâm hồn, và sự thực là đã tìm thấy. Còn tôi, tôi có việc khác. Chắc hậu thế các anh thừa hiểu rằng trong thơ Tú Xương người ta không còn thì giờ để ngắm nghía tán tụng về trăng, mà chỉ có những câu hỏi đặt ra với trăng thôi. Song, có phải vì thế mà thiên hạ không đọc thơ tôi đâu (cười). Này, nói vụng với nhau, trong cách nhìn nhận thiên nhiên, tôi còn hiện đại hơn khối ông thi sĩ làm thơ sau tôi vài chục năm, vào thời Thơ mới ấy nhé!
- Tú Xương còn hiện đại ở chỗ thường công khai nói thẳng về mình, sẵn sàng nhạo báng mình, cái đó cũng là do chủ định chăng?
- Con người không biết tự cười giễu, con người mà u mê đến nỗi toàn lo bốc thơm, tô công tụng đức cho mình thì dơ dáng quá, còn ra cái lý cố gì để phải bàn! Đâu phải đến tôi, người ta mới biết tự trào. Tôi chỉ khác người ở chỗ nói bằng hết, nói tuột ra cả những buông tuồng nhảm nhí vốn có.
- Nhà thơ trong ông không định dùng thơ để "tải đạo" và cá nhân ông không định làm mẫu cho mọi người nữa?
- Tôi xa lạ với mọi thứ văn chương giáo hóa. Chính đời tôi, tôi còn chưa tính được, tôi không rõ mình phong lưu hay túng kiết, trong sạch hay lầm lỗi, không rõ nên sống ra sao, ước muốn cái gì... thì tôi còn khuyên dạy ai được. Để đến với sự thiêng liêng, tôi không biết đường. Trái lại, sự sống ở cái dạng suồng sã của nó, mới chính là điều tôi biết, vậy cứ nói ra, không chừng lại có ích cho kẻ khác.
- Nghe ra ông vẫn còn tâm huyết với thơ, với những điều ông đã viết. Ngược lại, trong một số bài thơ, ông ra sức xỉ vả nghề thơ, nào là "một việc văn chương thôi cũng nhảm", nào là "muốn bỏ văn chương học võ biền"... Như thế là sao?
- Kinh nghiệm đời tôi bảo với tôi rằng: Người ta không bỏ nổi văn chương thì hãy làm văn. Nó là chuyện nghiệp chướng. Không ai lại đi chọn nó cả. Tôi chán những kẻ lấy văn chương để lập thân, với lại chán những sự cảm động hão huyền, nước mắt ngắn nước mắt dài sụt sịt trong thơ lắm rồi. Lúc nào cũng leo lẻo nói đến tình, chưa chắc đã là kẻ có tình với đời, còn trong thứ thơ ngoa ngoắt chua cay như thơ tôi, có tình hay không, xin thiên hạ cứ đọc sẽ rõ.
- Nhân dịp năm mới, ông có nhắn nhủ gì thêm với bạn đọc?
- ở trên, các anh có bảo rằng giờ đây, người ta còn thích đọc thơ tết của tôi. Trong loạt thơ tết đó, hẳn anh biết bài Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau. Mặc dù đã được viết ra ngót nghét trăm năm, nghe chừng bây giờ mấy câu cuối trong bài thơ ấy có vẻ vẫn hợp với các anh. Vậy cũng mong được xem như lời nhắn nhủ của một kẻ đã qua đời những năm đầu thế kỷ, gửi cho những ai đang sống những năm cuối cùng của thế kỷ này:
Bắt chước ai, ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết cả trên đời
Vua quan sĩ thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người
SỐ TRUY CẬP online