TÔ HOÀI

MỘT THỂ VĂN TẬP CHO NGƯỜI VIẾT NHIỀU NÉT QUÝ

Tôi thích truyện ngắn, bao giờ cũng tìm đọc truyện ngắn, bởi coi đó là một thể loại có tính chiến đấu mạnh.

Về sở trường, có những người không bao giờ viết truyện dài thành công, có những người như nhà văn Nguyễn Tuân viết cái gì cũng ra ký, và rõ ràng là có những người không bao giờ nên, không bao giờ cần viết truyện ngắn. Hiện nay thực tế không thế. Người viết nào cũng tìm cách tiến từ truyện ngắn sang truyện dài, như đã tìm cách tiến từ truyện thiếu .nhi sang truyện viết cho người lớn. Dừng lại ở truyện ngắn, sợ không phải là nhà văn. Cái hại, ai cũng trông thấy nhỡn tiền, mà vẫn nhắm mắt theo.

Bạn đọc cũng tạp, quen đọc dài, không tinh trong thưởng thúc. Một số cơ quan xuất bản lao theo kinh doanh. Không in tiểu thuyết, sợ̣ chưa được coi là biết làm xuất bản.

Thực ra truyện dài chưa chắc đã khó. Có những anh em viết như phóng ngựa chạy, chẳng rõ mặt mày gì cả. Có những anh em chưa biết bố cục.

Như thế là do chưa được tập dượt trong truyện ngắn.

Tôi cho rằng truyện ngắn là một thể văn tập cho người viết nhiều nết quý lắm. Chỉ với truyện ngắn, người ta mới biết tận dụng từng chữ, lo săn sóc từng chữ. Nhà văn mình thường yếu không tạo được phong cách riêng. Truyện ngắn là nơi ta có thể thử tìm phong cách cho mình. Truyện ngắn đòi hỏi hoàn thiện. Ở đây, ta được rèn luyện đến việc dùng từng dấu phẩy.

Có thể nói truyện đòi hỏi nhà văn phải lương thiện.

Trách nhiệm một phần là ở các báo. Chúng ta phải dựng lại, khôi phục lại giá trị truyện ngắn cả với người viết lẫn người đọc.

Cho đến bây giờ, tôi có thể nói là chưa viết một truyện nào ưng ý bằng những truyện ngắn khá nhất của mình. Với nhiều nhà văn hiện nay, viết từng cái ngắn là vừa sức hơn cả. Viết dài một chút, độ ba trăm trang trở lên, tôi cảm thấy có những phần đã phải độn rồi. Độn, lấy cái nọ đỡ cho cái kia, kéo nhau đi. Thường trong một cuốn tiểu thuyết, chỉ được độ vài chương, và một hai nhân vật.

Nhưng sao vẫn có tình trạng nhiều anh em ham dễ, bỏ khó?

Đã có nhiều cách định nghĩa về truyện ngắn, nhưng nếu nói nôm na với nhau, đưa ra một định nghĩa để làm việc thì truyện ngắn chính là cách cưa lấy một khúc đời sống. Ở đây, có thể nói ngắn gọn, nói trực tiếp.

Cái ngắn thích hợp với cuộc sống nhanh bây giờ.

Và nếu ký nặng về phần sự thực để minh họa ý, thì truyện ngắn đã đứng hẳn ở phía của người sáng tạo.

Tôi cho rằng chính thực là mình vốn có những người viết truyện ngắn tốt mà chưa biết phát huy.

Trong kháng chiến, tôi đọc Bùi Hiển, Kim Lân, Trần Đăng. Tôi đọc Vũ Tú Nam, đều thấy có giá trị.

Lớp sau hòa bình, Đỗ Chu, Triệu Bôn, Lê Lựu, Lê Minh Khuê hay, có không khí.

Nhưng còn nhiều anh em chạy theo lối viết làm sao cho truyện đèm đẹp một chút, không có được cái chất chắc khỏe của đời sống. Một số truyện lạ xuất hiện lại quá non yếu, không đứng được.

Một số anh em khác có thực tế đấy, thực tế nhiều chi tiết đáng khen, nhưng công phu sáng tạo còn yếu. Ta cứ đọc truyện ngắn in trên báo địa phương chẳng hạn, thấy nhiều chi tiết lắm. Nhưng người viết không biết khai thác, chưa làm bật lên được một vấn đề tư tưởng nào sâu sắc, nên cũng chưa gọi là có những truyện ngắn hay được.

Tôi nhớ lại truyện ngắn của ta hồi trước cách mạng. Những Nguyễn Công Hoan, Nam Cao... Tôi đọc sang các nhà văn nước ngoài, Maurice Druon, Alberto Moravia.

Tương lai của truyện ngắn còn dài rộng lắm (1).

VT.Nh. ghi
(Viết dựa theo bài phỏng vấn đã đăng trên
tạp chí Văn Nghệ quân Đội số 8-1976).
SỐ TRUY CẬP online