Tế Hanh

Vài nét tiểu sử
Tế Hanh họ Trần, sinh 1920. Tác phẩm chính Nghẹn ngào, sau đổi là Hoa niên (1945), Tiếng sóng (1960), Theo nhịp tháng ngày (1974) v.v...
Đi suốt bài ca

Sự có mặt thường xuyên của các thi sĩ tiền chiến trong đời sống tinh thần của thế kỷ XX rõ rệt đến mức đôi lúc người ta quên rằng họ đã bắt đầu sự nghiệp với phong trào Thơ mới từ những năm ba mươi và nhiều người trong họ, Thế Lữ và Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư và Chế Lan Viên... đã trở thành người thiên cổ. Nhưng cũng chính vì thế mỗi thi sĩ tiền chiến còn sống là cả một pho sử quý báu.
Phát hiện cuối cùng của Tự Lực văn đoàn.
Kim tiền của Vi Huyền Đắc và Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Làm lẽ của Mạnh Phú Tư và Bức tranh quê của Anh Thơ... trong một ít năm mà giải thưởng Tự Lực văn đoàn tồn tại (từ 1935 đến 1939), những người thuộc văn đoàn đó là làm một cuộc sàng lọc khá chính xác, khẳng định được một số tác giả, tác phẩm còn lại với thời gian. Và một trong những dấu chấm hết của các giải đầy sức thuyết phục nó là tập Nghẹn ngào của Tế Hanh. Sự đi lại gần gũi giữa nhà thơ quê Quảng Ngãi này với những người như Xuân Diệu, Huy Cận vào những năm ấy đã phần nào giải thích việc Nghẹn ngào được tặng thưởng: ông thuộc về cái dòng thơ mà Tự Lực văn đoàn ủng hộ. Sau khi công bố giải, Nhất Linh còn viết mấy dòng tiên tri về tác giả Nghẹn ngào như sau:
"Tế Hanh có rất nhiều hứa hẹn trở nên một thi sĩ có tài, ông có một linh hồn rất phong phú, có những rung động rất sâu sắc; và để diễn tả tâm hồn, ông có đủ nghệ thuật và cách đặt tìm câu chữ. Ông chỉ còn chờ thời gian để gặp được nhiều cảnh và viết thêm được nhiều bài thơ hay".
Những năm gắn bó với cách mạng và kháng chiến.
Nhưng thi phẩm trình làng của Tế Hanh - sau đổi là Hoa niên và được nhà Đời nay cho xuất bản năm 1944 - chưa kịp đến tay tác giả thì những biến chuyển lớn lao đã đến và Tế Hanh đã kịp nhập vào cơn lốc vĩ đại ấy.
Năm 1946, ông ra Hà Nội họp Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông có mặt trong Đoàn văn hóa kháng chiến rồi Chi hội văn nghệ Khu Năm. Thói quen làm thơ thường trực khiến cho Tế Hanh, ngay trong bước rẽ ngoặt đầy khó khăn của cách mạng, vẫn viết được một tập thơ nhỏ.
Nhưng thời gian đắc ý nhất với Tế Hanh chỉ bắt đầu khi từ Khu Năm, ông ra tập kết ở Hà Nội. Từ 1954-86, trong khoảng hơn ba chục năm ấy ông là một trong những cây bút hàng đầu của nền thơ. Khoảng trung bình dăm ba năm, ông lại có một tập thơ được in ra, về sau tổng cộng (kể cả thơ viết cho thiếu nhi) đã lên tới con số gần hai chục. Năm 1987, Tuyển tập chính thức của Tế Hanh ra đời. Tổng cộng 408 trang, cả thảy 250 bài thơ đã được tuyển chọn.
Ngoài thơ, Tế Hanh cũng viết tiểu luận, nhưng không được phong phú và khó lòng nói là tạo được bản sắc riêng. Đóng góp nhiều hơn của ông là dịch thuật. Sự thực ở đây ông chỉ làm một phần, ngoài ra nhờ người cộng tác. Được cái, Tế Hanh đã dịch ai là dịch rất thoát. Có khi - như ở trường hợp Puskin - cả tập thơ dịch là của người khác, nhưng bài thơ hay nhất lại là của Tế Hanh.
Trong nhiều năm, Tế Hanh có chân trong Ban chấp hành Hội Nhà văn; ông cũng đã qua đủ thứ công việc, khi phụ trách báo, khi làm xuất bản. Nhưng nói tới ông, người ta thường quên hết mọi chức vụ để chỉ nhớ rằng đó là một nhà thơ.
Một dòng thơ liên tục và một giọng điệu riêng.
Với đa số độc giả, Tế Hanh đã được quen biết từ mấy bài thơ nhỏ mà Hoài Thanh đã chọn ra, khi làm tập Thi Nhân Việt Nam 1932-41: Quê hương, Lời con đường quê, Vu vơ. Cái mạch thơ còn hơi hướng học trò, nghĩa là hơi buồn buồn nhưng không đến nỗi ủ rũ ấy, sẽ được nhà thơ đẩy lên trong những bài thơ viết hồi mới tập kết ra Bắc: Nhớ con sông quê hương, Vườn xưa, Bài thơ tình ở Hàng Châu. Đây là mấy câu trong bài Vườn xưa.
"Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao hôm sao mai không cùng tỏ
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa
Hai ta như sen mùa hạ, cúc mùa thu
Như tháng mười hồng, tháng năm nhãn
Em theo chim em bay về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua"
Không chỉ những cặp tình nhân tìm thấy ở đấy trường hợp của mình, mà nhiều người đọc khác, bắt gặp trong câu thơ, những vui buồn hàng ngày đã trải. Nói chung, suốt thời gian 1945 - 1975, qua việc khai thác những oái oăm ngang trái trong tình cảm nẩy sinh từ việc đất nước bị chia cắt, Tế Hanh đã tạo nên được cả một mạch thơ buồn, nó là một thành phần tự nhiên của tình cảm con người, tuy rằng bao giờ nó cũng mang bóng dáng riêng tư của thời đại.
Nhưng Tế Hanh không dừng lại ở đó. Là một nhà thơ chuyên nghiệp, ông có thơ về tất cả, về một chuyến đi nước ngoài, gặp lại những hình ảnh xưa chỉ thấy trong văn chương, những bóng liễu, nhân đó nghĩ về tác dụng của thơ đối với đời sống mỗi người (Chắc gì mắt em như lá liễu - Đã cắt lòng anh một nét dao); về một việc thời sự: tên lửa Liên Xô đưa vệ tinh lên Mặt trăng (Đi vào vũ trụ bao la - Liên Xô anh cả của chúng ta mở đường), về những nông trường xí nghiệp mới mở mang khai khẩn (Nông trường ta rộng mênh mông - Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài). ấy là không kể bao nhiêu thơ khác, thơ về một tuyến đường sắt mới khai trương, một mùa bội thu ở một hợp tác xã, về những ngày Hà Nội sơ tán... Mấy chục năm qua đi, có thể đến nay, người ta sẽ ngạc nhiên tự hỏi: làm sao mà những chuyện ấy thành thơ được? Nhưng đúng là cái hồi ấy, nhiều người chúng ta đã xúc động trước những sự kiện kiểu ấy, và nhiều bài thơ tương tự như thơ Tế Hanh, đã trở nên thức ăn tinh thần cho mọi người. Khác với những Xuân Diệu hoặc Chế Lan Viên nói cái gì là nói đến cùng, giọng thơ Tế Hanh thường từ tốn lưng chừng và ông lại có được sự chín riêng trong cái lưng chừng ấy. Không quá chau chuốt, không gò thắt kỹ lưỡng, thơ Tế Hanh có sức truyền cảm riêng, do cái vẻ hồn nhiên bột phát của nó.
Tổng kết đời mình là chuyện nhiều người khi bước vào tuổi già, thường ao ước. Nhưng cái đáng yêu ở Tế Hanh là ông không giấu diếm những lúng túng, những bất lực khi phải làm việc tổng kết phiền phức ấy.
Đời tôi thực hay mộng?
Đời tôi buồn hay vui?
Và thế là ông buột ra cái kết luận ngang ngang, giống như một thách thức
Đời tôi là cuộc sống
Đời tôi là đời tôi
Vâng, dù sướng vui đau khổ thế nào, thì mỗi chúng ta có một số phận, số phận ấy đơn nhất độc đáo, nó là vậy như cuộc đời này đã là vậy, và mỗi khi hồi tưởng quá khứ, lòng người ta thường ngổn ngang trăm mối.
Những ngày buồn nghĩ lại thấy vui vui
Những ngày vui sao bỗng thấy bùi ngùi
Tế Hanh sống được trong lòng một số độc giả là ở những câu thơ diễn tả tình cảm nước đôi tế nhị ấy.
SỐ TRUY CẬP online