Phan Thị Thanh Nhàn

Theo cách phân chia khu vực địa lý hiện nay, nội thành Hà Nội khá rộng, bao gồm hết cả những vùng trước kia (1954) là ngoại thành, như làng Bưởi, làng Hồ, Yên Phụ v.v… Nhưng đối với người làm thơ như Thanh Nhàn, thì ý niệm rằng mình vốn dân “ven nội”, “ngoại thành” không phải một lúc phai mờ ngay được. Trong đời cũng vậy mà trong thơ cũng vậy. Một trong những bài hay nhất của Thanh Nhàn , bài Xóm đê mở đầu bằng những câu:
Xóm đê ngày trước gọi nhau
Mụ còng bới rác
Mẹ con nhà lông gà giẻ rách
Lão Tư say
Thằng bé đánh giày
Ông già mù tẩm quất
Chính từ một trong những xóm nghèo đó - nay là phố Yên Phụ - mà Thanh Nhàn lớn lên, và ước mơ trở thành một người làm thơ, viết văn cũng ngày một chín dần lên.
Sổ tay của Nhàn còn ghi.
- Đi cắm trại ở Đa Hoà, một làng ở Khoái Châu ven sông Hồng. Đi chùa Trầm, chùa Thầy.
- Mê truyện. Những năm đó, đã đọc Những người khốn khổ, đọc Dế mèn phiêu lưu ký. Phố có một bà gọi là bà Kẹo, cho thuê sách. Toàn những sách cũ còn lại. Hồn bướm mơ tiên, Vàng và máu, v.v… Có ấn tượng nhất là Những ngày thơ ấu. Mình khóc ghê quá. Nói với cái Vân, “Giống cảnh tao thật. Vân ạ…Nhưng mẹ tao còn hay hơn mẹ ông Nguyên Hồng nhiều”.
- Cạnh hàng xóm có cụ đồ Mít. Cụ hay gọi sáng đọc hộ thơ.
Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một và bông lau
Rút trâm sẵn giắt mái đầu
Vạch da cày vịnh bốn câu ba vần
Đọc Kiều, Chinh phụ ngâm, Tống Trân Cúc Hoa. Toàn chuyện những người tài sắc mà khổ.
v.v…
Hoá ra, những xóm nghèo Hà Nội cũng có khả năng hun đúc cho người ta ham muốn viết văn. Ngày trước những Tô Hoài, Nguyễn Đình Lạp… đã vậy, ngày nay thêm nhiều bạn trẻ khác, trong đó có Thanh Nhàn. Công việc phóng viên báo hàng ngày khiến chị rất bận. Nhưng nhờ là phóng viên báo Hà Nội Mới hai mươi năm nay, nên Thanh Nhàn lại có dịp tiếp xúc với nhiều mặt đời sống Thủ đô. Và chị làm thơ.
Đây là tên một số bài thơ đã in. Với sông Hồng, Bên hồ, Một vòng Hồ Tây, Mùa mưa Hà Nội, Thành phố và tôi. Rồi Xóm đê, Khâm Thiên. Rồi Trong một hiệu ảnh thủ đô, Những ngôi chùa Hà Nội…
Mấy ai trong chúng ta, khi đi qua đường Thanh niên, nhận ra rằng ven chùa Trấn Quốc có một vài bóng thông. Vậy mà Thanh Nhàn đã mang những cây thông đó vào thơ. Thơ Thanh Nhàn mộc mạc, giản dị và “ăn” ở những nét duyên thầm như thế.
Ngoài thơ, Thanh Nhàn còn viết truyện Hoa mười giờ đi vào một số nét sinh hoạt của làng Chuông hồi kháng chiến chống Pháp. Xóm đê ngày ấy là thiên truyện viết cho thiếu nhi, trong đó có lồng vào một ít kỷ niệm tuổi thơ của tác giả. Có lần, Thanh Nhàn đã kể trong một bài báo, mặc dù bây giờ chị đã chuyển sang một chỗ ở mới, nhưng mỗi lần về thăm mẹ, chị lại chứng kiến cái cảnh cảm động. “Các em học sinh tôi chưa hề quen biết rụt rè đi qua, nghé đầu vào cười rồi chạy biến di trên hè phố, miệng gọi Chị Thanh Nhàn”
Tác giả Xóm đê thật đã giành được sự công nhận của bà con hàng xóm và đông đảo các bạn đọc nhỏ tuổi nơi chị từng lớn lên. Một lúc nào đó, Thanh Nhàn đã kêu lên niềm tự hào chung cho nhiều nhà văn chúng ta.
- Được là một người viết của Hà Nội, đó thật là một hạnh phúc lớn lao.
SỐ TRUY CẬP online