Đoàn Giỏi

Vào khoảng niên học 1956-1957, khi đang học lớp sáu tại trường Chu Văn An, Hà Nội, tôi từng được học một bài “Văn học trích giảng” mang tên Ký ức tuổi thơ. Tá giả bài văn đó kể lại hình ảnh những con người miền Bắc sớm đến trong tâm trí một cậu bé ở một làng quê Nam Bộ. Một ông thợ ngoã chít khăn đóng về chữa tam quan đình làng, lúc rỗi lại hát cho lũ trẻ đứng cạnh nghe Làm trai cho đáng nên trai - Phú Xuân cũng trải, đồng Nai cũng từng Những cô gái áo nâu non khăn mỏ quạ thắt lưng xanh hoa lý về làng bán lụa. Và những người quẩy đôi đôi bồ thuốc bán đủ các thứ cao, quế. ý tác giả muốn nói: từ lâu với bà con quê Nam, miền Bắc đã rất gần gũi thân thuộc.
Nhà văn đó là Đoàn Giỏi.
Câu chuyện của chúng tôi hôm nay về Hà Nội cũng bắt đầu từ những ký ức tuổi thơ loại đó.
- Làng tôi chỉ cách Sài Gòn có 50 cây số... Trước cách mạng, đâu có mấy ai đi xa, thành thử hiểu về ngoài này còn ít lắm. Đại khái ngoài Nam kỳ lục tỉnh, từ Phan Thiết trở ra, đều gọi là Huế hết. Mãi đến kháng chiến chống Pháp, cán bộ, bộ đội ngoài vào nhiều, bà con mới phân biệt này là Huế Trung, kia là Huế Bắc. Nhưng tình cảm đối với miền Bắc thì sâu nặng thiêng liêng lắm.
- Vậy anh đến Hà Nội lần đầu tiên vào hồi nào?
- Ngày 14 tháng mười năm năm tư. Bấy giờ sau khi Thủ đô giải phóng, để lo việc tiếp quản cho tốt, không chỉ có cán bộ từ Việt Bắc về, mà còn có cả những đoàn cán bộ miền Nam được điều ra (chưa phải là cán bộ tập kết, chuyện ấy không kể vào đây). Đoàn tôi là đoàn tuyên truyền báo chí do anh Lưu Quý Kỳ dẫn đầu. Và tôi được đặt chân lên đất Hà Nội sau khi giải phóng thủ đô có bốn ngày. Lúc bấy giờ, tôi mới 29 tuổi, những ấn tượng mới về Hà Nội vào trong mình cũng nhanh mà kỷ niệm về miền Nam cũng còn hết sức tươi tắn... Tôi nhớ ra rồi, những đoạn “ký ức” mà cậu vừa kể là trích ra từ bài Giòng máu Việt phải lưu thông, tôi viết trên báo Văn Nghệ cuối năm 1955, nghĩa là ba chục năm trước. Cũng khoảng thời gian ấy, được sự cổ vũ của anh em đồng hướng lẫn bè bạn viết văn, tôi còn viết luôn được mấy bài Cây đước Cà Mâu, Ngọn tầm vông, Đèn tôi bay về lục Hồ Chí Minh và nhiều bài khác. Chẳng qua cũng là một cách giới thiệu với bà con ngoài này mấy nét về quê hương mình.
- Và anh cũng đã viết luôn “Đất rừng phương nam” từ những ngày này?
- Năm 1957. Thoạt đầu tôi chỉ tính viết cho mục Tổ quốc ta tươi đẹp của Đài tiếng nói Việt Nam, sau mới gom lại dần làm nên cuốn sách. Trong bài giới thiệu viết cho Đất rừng phương nam, anh Tô Hoài có nói đại ý đọc sách thấy gợi lên tình yêu với mọi miền quê khác của đất nước. Tôi cho như thế là hiểu tôi lắm.
Vậy là do sống giữa Hà Nội, nhà văn này đã viết được những dòng hay nhất về quê hương mình. Nhưng còn chính Hà Nội đã vào trong tâm khảm con người miền Nam này ra sao? Với một vẻ say sưa kín đáo, Đoàn Giỏi bắt đầu bằng cách nói về thiên nhiên.
- Tôi còn nhớ rất rõ cái lần từ bến Sầm Sơn, tôi phóng xe thẳng về Hà Nội, đúng ba chục năm trước. Bấy giờ miền Bắc đang là mùa thu, đất-trời-cây- cỏ tất cả là một gam xanh hoà hợp, ở đây có đủ màu xanh - xanh thẫm, xanh lá mạ, xanh ve chai. Tôi thầm nghĩ, học hội hoạ phải học ở Hà Nội, cũng như làm văn nghệ nói chung phải có lúc ở Hà Nội. Như người phương Tây phải có lúc ở Pa-ri. Hà Nội là trung tâm văn hoá của cả nước mà! Chỉ ở đây mới có một thiên nhiên nhiều vẻ đến như vậy, và con người thì khéo léo hoà theo thiên nhiên đến như vậy. Hoà hợp một cách giản dị, như mùa hè có mùng tơi, rau đay, cà, những món ăn tôi cũng rất thích.
Nói riêng về thiên nhiên trên đất Hà Nội. Từng ấy năm sống ở đấy mà cây cối vẫn làm tôi kinh ngạc về sức sống và vẻ đẹp của nó. Tôi yêu gì ư? Tôi yêu từ cây gạo, cây vông vang, những hàng phượng rực rỡ tới những hàng cơm nguội lặng lẽ và một ít gốc bồ đề hiếm hoi. Một thứ cây mà Hà Nội có rất nhiều là cây xà cừ. Theo tôi, xà cừ cuối xuân thay lá trông rất bình thường, nhưng chỉ sang thu, đứng dưới vòm lá nhìn nó theo lối trong nhiếp ảnh người ta gọi là ngược sáng mới thấy thật là đẹp. Lại có những cây mùa nào cũng đẹp như cây bàng. Mùa xuân lá bàng mới nẩy trông như những ngọn lửa xanh. Sang hè, lá lên thật dầy, ánh nắng xuyên qua chỉ còn là màu ngọc bích. Khi lá bàng ngả sang mầu vàng đục ấy là mùa thu. Sang đến những ngày cuối đông, màu là bàng rụng nó lại có vẻ đẹp riêng...
- Thưa, đấy có phải là vẻ huy hoàng của một cái gì đang tàn tạ nên càng làm mình ngẩn ngơ?
- Có lẽ nói thế cũng được. Những là bàng mùa đông đỏ như đồng hun ấy, sự biến đổi kỳ ảo trong gam đỏ của nó, tôi có thể nhìn cả ngày không chán. Năm nào tôi cũng chọn lấy mấy lá thật đẹp, về phủ một lớp dầu mỏng, bày lên bàn viết. Cậu có biết nó gợi lên chất liệu gì không? Chất sơn mài. Cái thú của người nhìn cây, nhìn hoa là biết nhìn ra vẻ đẹp ở những chỗ nguời khác lướt đi bỏ qua. Chẳng hạn có mấy ai nói cây sung là đẹp. Nhưng tôi thấy bên những cầu ao đầy nước vào mùa quả chín đỏ, những cây sung già rất đẹp, cũng như cây khế vào mùa ra hoa trông mộc mạc cũng rất đẹp. Đó là những vẻ đẹp mà từ khi ra Bắc, ra với Hà Nội, tôi mới nhận thấy.
Một phương diện khác làm nên ảnh hưởng của Hà Nội trong một nhà văn như Đoàn Giỏi mấy chục năm qua: ở đây anh thực sự bắt tay làm cái nghề chính trong đời mình, là nghề cầm bút. ở chỗ này nữa, nhà văn cũng thấy có nhiều kỷ niệm vô cùng thân thiết.
- Với Hà Nội, cuộc đời viết văn của tôi có thêm những người bạn mới Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài... Có những người vừa gặp đã thân ngay như ông Tưởng, ông dẫn tôi đi khắp Hà Nội thưởng thức các món ăn, từ những của hàng sang trọng, tới quán ông Thuỷ Hử giữa xóm nghèo, một hai giờ đêm anh em xích-lô đảo qua còn có cái ăn. Một lần trời tối, mưa lất phất, đường lầy lội. Nguyễn Huy Tưởng dẫn tôi đến một căn phòng lụp xụp, chung quanh tường bày đầy tranh và bảo “Đây là một người bạn trẻ nữa của tôi”. Đó là hoạ sĩ Trọng Kiệm. Tôi quen Trọng Kiệm từ đấy. Còn Nguyễn Tuân. Riêng một chuyện kéo nhau đi ngắm những dáng cây lạ cũng đã làm nên kỷ niệm của một tình bạn vong niên giữa ông với tôi. Có một cây xoan bên hông Nhà hát lớn, cao hơn những cây gạo bình thường, thân đến hai người ôm. Có lẽ nó thuộc loại cao niên nhất trong cây cối ở miền Bắc. Chúng tôi đã bao lần đứng ngắm nó hùng vĩ, khoáng đạt. Năm 1977, bỗng không hiểu sao, cây bị đốn, chúng tôi ra thấy người ta xẻ nó làm ván ngay cạnh gốc cũ. Thật đau lòng như mất một người bạn! A, nói tới Hà Nội những năm sau 1954, còn phải nói một người rất gần với tôi nữa là Nguyễn Bính. Tôi với Nguyễn Bính vốn là bồ với nhau từ hồi còn làm báo ở bưng biền. Ra Hà Nội, Nguyễn Bính dẫn tôi tới chơi nhiều anh em làm nghề này mà ông quen từ xưa, lại dạy tôi ăn những món ăn ngoài này như tiết canh vịt, chả rươi, gỏi cá mà trước đó tôi rất sợ. Càng ngày tôi càng nhận ra rằng sở dĩ mình gắn bó với Hà Nội vì ở đó những tấm lòng bè bạn chân thành. Tôi và Nguyễn Tuân giờ đây, có thể mấy tháng không đến nhau, nhưng cứ nghĩ rằng mình với ông vẫn đang ở một thành phố, muốn lại chơi lúc nào cũng có thể lại được thế là lại thấy yên lòng. Lại còn các bạn trẻ khác nữa... Như đỗ Chu, tôi thấy văn thật nền nã, chín, y như tiếng nói miền Bắc, tiếng nói Hà Nội mà từ lâu chúng tôi đã mến phục.
Chia tay, tôi hỏi Đoàn Giỏi “Thế nào anh cũng phải viết về Hà Nội để trả nợ chứ?” thì anh mỉm cười, trút một hơi thuốc lào kêu tanh tách, từ từ nhả khói mơ màng nhìn theo làn khói, gật gù. “Có chứ. Mà phải khi vào trong kia viết mới hay được”. Tôi tin điều đó, bởi lẽ có thể nói, Đoàn Giỏi là một nhà văn của những kỷ niệm, mà giờ đây, thì Hà Nội đối với anh đã là những kỷ niệm của một đời người!
SỐ TRUY CẬP online