Nguyễn Tuân


Vài nét tiểu sử
Nguyễn Tuân (1910-1987), tác phẩm: Vang bóng một thời (1940), Nguyễn (1945), Chùa đàn (1946), Tùy bút kháng chiến (1955), Tùy bút kháng chiến hòa bình (1956), Sông Đà (1960) v.v...
Một định nghĩa về người cầm bút

Trong cái thế giới hỗn độn là đời sống văn học trước năm 1945, chung quanh tên tuổi Nguyễn Tuân, người ta thường thấy chất lên đủ thứ giai thoại kỳ cục. Rằng ông chơi ngông không kém gì Tản Đà hồi nào; rằng ông cầu kỳ, lẩn mẩn, thích làm dáng, thích khác đời v.v... và v.v... Những điều đó ít nhiều không phải không có chỗ đúng. Có nhiều lý do xui khiến Nguyễn Tuân làm thế, trong đó có lý do quan trọng này: ông muốn phủ nhận xã hội đương thời. Không được biểu hiện qua những hành động tranh đấu nồng nhiệt, lòng yêu nước trong ông chỉ còn cách thoát ra ở dạng chán chường tất cả và đi vào phụng thờ những gì đã thuộc về quá khứ. Có tư cách nghĩa là không thuận theo đời thường - ông sống vậy và viết vậy. Trong lúc một số người chạy theo "Âu hóa" thì ông quay về với những vẻ đẹp "vang bóng một thời". Trong lúc một số người viết văn lai căng, thì ông không quản nghiền ngẫm, tu luyện công phu để tạo cho văn mình những đường nét cổ kính mặc dù đó là vẻ cổ kính rất hiện đại. Luôn luôn, trong từng bài viết, thậm chí, trong từng câu văn, ông muốn tạo những hiệu quả bất ngờ và ít nhiều, đã thực sự làm được điều đó. Bởi con người có thiên lương và rất phóng túng nơi ông lại là con người giữ được cái cảm giác thiêng liêng trong hành nghề và hiểu chỉ với trình độ nghề nghiệp cao, thì sự độc đáo của mình mới có ý nghĩa. Người nghệ sĩ như kẻ đóng một cái khung - ông nói vậy - phải tháo ra đóng lại, đến lúc cảm thấy không ai đóng hơn được mình mới thôi. Một nhà văn bạn ông nhận xét mỗi khi viết, ông thường có cái dáng cặm cụi rất đáng trọng.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay, cuộc đời Nguyễn Tuân cùng thay đổi trong cái thay đổi chung của cả đất nước, dân tộc. Cộng với những sự thúc đẩy sâu xa như lòng yêu nước, thiện chí muốn làm những việc có ích, hình như ở ông còn thấp thoáng cái ý tưởng sau đây, nó là một sự thách thức thú vị: nhiều người dự đoán một nghệ sĩ phóng túng như chàng Nguyễn ngày trước sẽ không thể chịu đựng được những yêu cầu chặt chẽ của đời sống cách mạng? Thì ông sẽ sống được và sống thoải mái cho họ biết! Và thế là ông sẵn sàng "tự cải tạo". Nhiều nét cá tính của ông, trong điều kiện xã hội mới, có một bộ mặt khác hẳn. Ông sống bám sát các sự kiện xảy ra trong xã hội và luôn tìm cách đóng góp phần mình để thúc đẩy đời sống vận động đi tới. Ông đi với bộ đội trong nhiều chiến dịch gian khổ hồi chống Pháp. Ông trở lại Tây Bắc, Điện Biên những năm 1958, 1959. Chuyện đồng bào và bộ đội ở đó làm đường, dựng nhà, vừa lo sản xuất, vừa lo bảo vệ Tổ quốc được ông kể lại trong tập Sông Đà nổi tiếng. Rồi ông đi lại nhiều lần ở bờ bắc Bến Hải, chuẩn bị cho tập Sông tuyến... Đi đến đâu, ông cũng tìm thấy những nét đẹp, đẹp trong cảnh sắc thiên nhiên, và nhất là đẹp trong hình ảnh con người vượt qua gian khổ khẳng định ý chí của mình. Viết văn, với ông hôm nay giống như những dịp trò chuyện với người tri âm, tri kỷ, vẫn đậm đà, duyên dáng như xưa, song câu chuyện giờ đây lại thường có được cái ý nghĩa thiết thực, lành mạnh mà người cán bộ Nguyễn Tuân cảm thấy cần phải có mỗi khi nói điều gì đó, với đông đảo bạn đọc. Trong lúc ngòi bút ông trở nên thân tình với đại chúng hơn, thì qua sự tiếp xúc, ngày càng nhiều người cảm thấy cần nâng mình lên, để gần gũi hơn với ông. So với trước năm 1945, độc giả của ông hôm nay đông đảo hơn hẳn.
Trong lao động nghệ thuật, ngòi bút Nguyễn Tuân vẫn giữ được vẻ nghiêm túc vốn có. Nguyễn Tuân thường bảo viết văn là một sự khổ hạnh. Khổ hạnh chuẩn bị, để có một tầm hiểu biết rộng rãi, một vốn liếng văn hóa cơ bản. Lại khổ hạnh, kỹ lưỡng trong từng công việc cụ thể. Nghĩ rằng lúc nào đó mình sẽ phải viết về những nhịp cầu trên đất nước, ông thu thập cả một tập hồ sơ về các loại cầu, các kiểu cầu, trong đó có cả những tấm ảnh để khi viết nhìn vào đó cho được cụ thể. Vậy mà chưa đủ. Khi đến với cái cầu ông định tả, ông đếm kỹ xem ở đó có bao nhiêu nhịp, tổng cộng bao nhiêu miếng ván ở bờ bắc, bao nhiêu ván ở bờ nam v.v... Bao giờ Nguyễn Tuân cũng hết mình trong công việc như vậy. Con mắt nghệ thuật ở ông quy tụ được những phẩm chất khác nhau: rất cụ thể mà cũng rất thơ mộng; vừa nhạy cảm vừa uyên bác.
Tên tuổi Nguyễn Tuân vốn gắn với thể tùy bút. Đó là một thể văn xuôi rất mềm mại, ở đó nhà văn không cần nhân vật, không cần cốt truyện, chỉ đứng ra mà kể, mà tả trước bạn đọc. Bởi vậy, tùy bút cũng là một thể rất khó, nếu người viết không đủ bản lĩnh, tác phẩm rất dễ rơi vào nhàm chán. Về phần mình, Nguyễn Tuân đã lui tới trong tùy bút khá thoải mái. Qua các thiên tùy bút, con người Nguyễn Tuân có dịp hiện ra rõ rệt và quả thật, đã từng để lại ấn tượng đậm đà trong tâm trí nhiều người chúng ta cũng như cả một số bạn bè nước ngoài. Đọc Nguyễn Tuân, thấy người Việt Nam hôm nay đã làm nên những sự nghiệp lớn lao đánh Pháp, đuổi Mỹ và giờ đây đang hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước. Nhưng đọc Nguyễn Tuân còn thấy con người Việt Nam - trong đó có mỗi chúng ta - thường vẫn xao xuyến trước vẻ đẹp của một nhành hoa, vẫn bồi hồi lắng nghe một điệu quan họ hoặc nhìn mãi không chán một bức tranh làng Hồ, lại biết hết sức trân trọng tiếng nói thiêng liêng của cha ông và muốn góp sức để tiếng nói đó ngày mỗi thêm trong sáng, thêm giàu có. Nhưng không phải chỉ có thế. Cùng với Nguyễn Tuân, chúng ta thấy yêu những bông tuyết đầu mùa Leningrad, nụ hồng kỳ diệu Sophia, yêu Lỗ Tấn và B.Brecht, mê Dostoievski và Picasso. Không gì tốt đẹp của nhân loại mà lại xa lạ với chúng ta cả!
Trong hơn ba phần tư thế kỷ làm người của mình, Nguyễn Tuân có đến gần nửa thế kỷ cầm bút. Đúng là ông đã khởi nghiệp trong sự gắn bó chặt chẽ với quá khứ (từ những Nguyễn Du, Tú Xương mà ông sẵn sàng đọc đi đọc lại, đến Tản Đà, Thạch Lam mà ông có quen biết riêng). Song phần chủ yếu ở ông là thuộc về nền văn học sau 1945. Trong đội ngũ các nhà văn Việt Nam hôm nay - những người đã làm tất cả để có thể có ích ngay cho sự nghiệp cách mạng - Nguyễn Tuân là một trong những người đứng ở hàng đầu.


Thay đổi đến từ những năm kháng chiến

Cùng với tiếng súng toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, xã hội Việt Nam lật sang một trang lịch sử mới. Trong 9 năm kháng chiến gian lao, dường như mỗi con người đều thay đổi, trong đó có những người thực sự làm lại đời mình để thích ứng với hoàn cảnh mà cũng là để đóng góp nhiều nhất vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nguyễn Tuân là một bằng chứng về sự đổi thay đó. Khi một cá nhân càng có bản sắc, thì những dịp làm lại cuộc đời của cá nhân đó càng để lại những ấn tượng rõ rệt.
Một ông Nguyễn khác
Về phương diện nghề nghiệp viết văn mà xét, nét đặc sắc thấy rõ nhất ở văn xuôi Nguyễn Tuân xưa nay là tính chất chủ quan "đặc sệt" của nó. Trong khi các nhà văn khác phải gửi gắm mình vào nhân vật nọ hay nhân vật kia, thì Nguyễn không cần một cuộc hóa thân nào cả. Ông lấy ngay chính mình ra để viết. ấn tượng sâu đậm nhất còn lại sau khi đọc các tùy bút của ông trước cách mạng là con người kỳ cục cực đoan của chính tác giả. Vấn đề không phải là ông chỉ biết có mình, lấy mình làm trung tâm vũ trụ, mà quan trọng hơn, cái triết lý cá nhân chủ nghĩa đó được ông đẩy tới cùng, khai thác thật triệt để, trình bày nó một cách khá chu đáo, thành thực mà cũng là khá... trâng tráo, không chịu che đậy giấu diếm điều gì cả. Hình như phải cố ý làm vậy, sống vậy, ông mới thỏa chí! Rồi yêu văn ông, người ta phải chấp nhận con người đa sự, con người khinh bạc cao đạo, có vẻ chán đời, mà cũng là con người rất thiết tha với đời nơi ông. Hay dở tùy mỗi người đánh giá. Chỉ biết ông rất khác đời cái đã!
Chính đặt trên cái nền của chàng Nguyễn trong quá khứ mới thấy Nguyễn Tuân hiện lên trong các tùy bút kháng chiến là một con người khác hẳn. Xưa Nguyễn rề rà, chậm chạp, sẵn sàng đứng giữa đường giữa sá làm phiền mọi người. Nay Nguyễn thanh thoát gọn ghẽ, như một cán bộ đi công tác, cùng anh đội viên ăn cơm nắm luồn rừng suốt chiến dịch. Con người ăn uống cảnh vẻ điệu bộ ngày xưa, nay sẵn sàng gặp gì ăn nấy, vừa mở mắt là ăn ngay cũng được, ăn uống dễ dàng như mọi người. Và đáng lưu ý nhất, nếu Nguyễn ngày xưa luôn ngán ngẩm dè bỉu chung quanh, hình như cảm thấy cuộc đời là không xứng với mình thì nay chàng Nguyễn ấy tha thiết với mọi biểu hiện của cuộc sống, thấy đầm ấm tin yêu được sống giữa mọi người. Đến công tác từ một miền đất nghèo trở về, Nguyễn bảo rằng một phần tâm hồn của mình đã để lại đó. Nguyễn tự nguyện xin làm cán bộ dân vận, khi đi theo bộ chỉ huy chiến dịch. Và Nguyễn rất hay nói tới nghĩa vụ trách nhiệm. Từng ấy tính nết, từng ấy đức hạnh, làm nên hồn cốt một người cán bộ, mà tất cả những ai đã biết Nguyễn trước kia, lại thấy Nguyễn bây giờ, không sao tin nổi.
Vẻ nhẹ nhõm
"Cuộc kháng chiến giành tự do đã làm xiêu đổ nhiều giá trị tư tưởng cũ. Chúng tôi muốn đổi máu, chúng tôi muốn đoạn tuyệt với cái dĩ vãng nghệ thuật mà giờ nghĩ tới còn thấy thẹn. Sự chuyển hướng nghệ thuật, chúng tôi cảm thấy khó khăn nặng nề như chuyển một trái núi".
Họa sĩ Tô Ngọc Vân đã viết như vậy, trong bài Vẫn tranh tuyên truyền và hội họa (1948). Có vẻ như đó là lời tự thú của cả một thế hệ văn nghệ sĩ tiền chiến về những thay đổi đã đến với họ trong kháng chiến. Đối chiếu cụ thể hơn với trường hợp Nguyễn Tuân thì sao?
Đúng là chỉ nhìn bề ngoài đã thấy ông có thay đổi.
Mà sở dĩ có sự thay đổi trong cách sống, cách làm việc bởi vì ông có những chuyển biến cả trong ý thức lẫn trong tình cảm. Trên phương diện ý thức, ông muốn làm một cuộc đoạn tuyệt với dĩ vãng. Ngay trong tình cảm ông đã dứt khoát. Với những gì hôm qua thấy tự hào, hôm nay ông thấy xấu hổ.
Tuy nhiên, bảo rằng sự chuyển biến ấy khó khăn như chuyển một trái núi, thì cũng hơi quá. Có thể là điều ấy đúng với một số người nào đó, song lại không đúng với một số người khác. Như Xuân Diệu như Hoài Thanh. Hoặc như Nguyễn Tuân chúng ta đang nói. Mà suy cho cùng, người dễ, kẻ khó, ai cũng có cái lý của riêng mình. Nếu như chỉ đọc Vang bóng một thời người ta dễ tưởng tượng Nguyễn Tuân là một tín đồ hết sức trung thành với chủ nghĩa truyền thống. Song đến các tùy bút, thì ngược lại, ta bắt gặp ở Nguyễn Tuân một khuôn mặt thật hiện đại và phải nói là ông đã đi tới cùng của những biểu hiện đáng gọi là hiện đại đương thời. Từ thái cực nọ sang thái cực kia, Nguyễn bước những bước thật nhẹ nhàng trong khi ở những người khác nhiều khi nặng như đeo đá. Nói ngay một chuyện cụ thể như sự đi về với ả phù dung. Ai đã trót sa đà bên ngọn đèn dầu lạc trước kia đều biết, một trăm người bước vào, đến chín mươi chín người không ra nổi, mà có ra thì cũng thân tàn ma dại. Nhưng có một người đã ra khỏi một cách lành mạnh, tự nhiên, đó là ông Nguyễn. Từ những chuyện nhỡn tiền đó mà suy, người ta mới hiểu vẻ nhẹ nhõm của con người Nguyễn từ sau năm 1945. Hóa ra, đi với cái gì cũng nặng căn là Nguyễn mà rũ bỏ cái gì cũng dễ dàng lại cũng là Nguyễn. Sự phức tạp mà người ta thường lưu ý, mỗi khi nói đến ông, suy cho cùng vẫn có vẻ đơn giản riêng của nó.
Hành động theo sát ý nghĩ
Muốn tìm nguồn gốc mọi sự thay đổi trên của Nguyễn Tuân không thể không biết đến bài viết mang tên Lột xác từng được dùng làm lời bạt cho tập Nguyễn. ở thiên tùy bút ghi lại những suy tưởng trong giai đoạn bàn lề của lịch sử đó, Nguyễn Tuân vừa tổng kết con người trong quá khứ, vừa làm một cuộc thanh toán với nó. Và ông nói những điều mà trước kia người ta nghĩ không bao giờ ông nói. Rằng phải thừa nhận đời sống. Rằng người "nghệ sĩ vốn còn kèm thêm người chiến sĩ nữa". Rằng giờ đây trang viết phải đóng góp vào việc hình thành những "con người mới" (câu chữ trong ngoặc kép là những thứ đã được Nguyễn Tuân dùng trong nguyên bản Lột xác).
Đối chiếu với những lời tuyên bố trong Lột xác, với mọi hoạt động của Nguyễn trong kháng chiến, người ta thấy gì? Thấy con người này đã làm mọi việc với sự suy nghĩ thấu đáo, chứ không phải chỉ hứng bất tử làm đại đi như thỉnh thoảng ông vẫn tự miêu tả. Và điều quan trọng hơn, ông có khả năng hành động. Khi đã nghĩ rằng làm thế này thế kia mới đúng, thì ông có khả năng làm bằng được điều đã dự định.
Vừa thay đổi, vừa nhất quán
Một trong những cái khó thường gặp khi tìm hiểu về một con người là nhận ra ở người đó sự liên tục, trong khi vẫn chấp nhận một sự thay đổi hợp lý do tác động của hoàn cảnh.
Với một nhân cách độc đáo như Nguyễn Tuân, thách thức đó càng không tránh khỏi. Trong những năm ngay sau hòa bình lập lại 1954 và nhất là trong chống Mỹ, nhiều người có thành kiến cho Nguyễn Tuân là chỉ biết giữ nguyên con người tiền chiến của mình, "chứng nào tật ấy" "ngựa quen đường cũ" (kèm theo là thích hưởng thụ", "ngang bướng", "cạnh khóe"). Ngược lại, đối chiếu Nguyễn Tuân trước 1945 và Nguyễn Tuân trong kháng chiến chống Pháp, người ta lại kêu là ông nông nổi và có phần tùy thời trong những chuyển biến vội vã. Mỗi ý kiến đó đều có hạt nhân hợp lý riêng để rồi sự thực có lẽ là nằm ở giữa, sự thực là một tổng hợp biện chứng giữa hai ý kiến cực đoan đó. Cũng như tất cả chúng ta, Nguyễn Tuân có mối quan hệ hai chiều bởi hoàn cảnh, bảo ông chẳng thay đổi gì cũng đúng mà bảo ông đã lột xác, đã thành một người khác cũng đúng - nếu không giải thích làm sao cái chuyện cả trước lẫn sau 1945, ông luôn luôn là nhân vật hàng đầu của giới văn nghệ.
Huyền thoại một thời
Theo kiểu Hemingway
Cùng với sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, sự tiếp nhận văn chương của con người thời nay so với người xưa có thêm những phương tiện mới: nếu muốn, họ có thể đồng thời vừa đọc sách một nhà văn, vừa biết rất rõ về nhà văn ấy. Con người tác giả không còn là một yếu tố trung tính và càng không được thông tin càng tốt. Ngược lại, con người tác giả cũng phải tham gia vào quá trình chinh phục bạn đọc. Ví như Hemingway chẳng hạn. Sinh thời, ông là một cá nhân được gần như cả xã hội để ý theo dõi. Những cá tính kỳ lạ của ông, khả năng cô độc, khả năng dai dẳng ngồi xem đấu bò, đi săn, đi câu giữa đại dương v.v... những cái đó được người ta săn tìm truyền tụng đồn thổi bàn tán, không kém gì tác phẩm của ông. Có người bảo rằng Hemingway không vô tư trong việc này. Dường như ông cố ý trình ra trước xã hội một con người nhà văn như ông muốn. Ông hiểu rằng những giai thoại kia giúp cho ông đến với độc giả thêm nhanh chóng, thuận lợi.
Khỏi phải nói, ai cũng biết việc tự giới thiệu như thế không phù hợp với thói quen của các nhà văn lẫn bạn đọc ở Việt Nam. Chúng ta thường bảo nhau rằng phương tiện tốt nhất và gần như duy nhất để nhà văn đến với bạn đọc là tác phẩm. Trong khi cuốn truyện, bài thơ làm việc, con người nhà văn càng không dây dưa vào đấy càng tốt.
ấy thế nhưng trong Văn học Việt Nam hiện đại cũng đã có một nhà văn dựng tạo sự nghiệp của mình theo kiểu Hemingway nói trên. Trong khoảng gần năm chục năm cầm bút ông đã tạo nên quanh mình cả núi giai thoại, chính những giai thoại nửa thật nửa bịa đó là một chất dẫn truyền rất tốt để tác phẩm của ông có thêm cái lung linh mà người đọc phải cố tìm biết.
Nhà văn đó là Nguyễn Tuân.

Thích ứng theo hoàn cảnh
Theo một số đồng nghiệp đương thời kể lại thì trước Cách mạng, ngay từ khi chưa viết Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đã nổi tiếng trong giới làm văn làm báo như một người chơi ngông, tiêu tiền như rác, hết sức khinh bạc nói chung là có những cách ứng xử vượt lên mọi quy cách thông thường.
Không có gì lạ khi thấy trong văn xuôi, những khía cạnh đó của con người chàng Nguyễn vẫn được giữ nguyên, thậm chí được tô đậm lên ít chút. Nhà văn công khai lấy chuyện riêng của mình ra để viết. Đôi khi ông có đội cho nhân vật một cái tên họ khác đi thì cũng chỉ là một sự thay hình đổi lốt sơ sài, lộ liễu. Sự tò mò không bớt đi mà chỉ càng được khơi thêm mạnh mẽ. Đọc ông, trong tâm trí bạn đọc luôn luôn dậy lên những thắc mắc, không biết giữa ông với những Bạch, Nguyễn, những kẻ xưng tôi trong các tùy bút, có mối quan hệ như thế nào. Vậy là sự tiếp xúc của ông với bạn đọc đã hình thành. Nó làm cho người ta cứ phải nấn ná giữa các trang sách để từ đó, khi đã đọc Nguyễn Tuân một cách kỹ lưỡng, sẽ bắt gặp một con người nữa, con người tha thiết với đời mà cũng là con người nhân hậu, tự trọng, hết lòng cùng nghề nghiệp, biết gắn bó với vẻ đẹp trong truyền thống nghệ thuật của ông cha bằng một óc thẩm mỹ độc đáo. Cái tầng thứ hai này, cố nhiên, sẽ là lý do để người ta yêu thích ông lâu dài. Nhưng nếu không có cái tầng thứ nhất với cả những trò chơi trội độc đáo của chàng Nguyễn thì không chắc ngay từ đầu tác phẩm của ông có được sức cuốn hút như nó đã có. Xét về tác dụng, huyền thoại mà ông góp phần tạo ra không thừa, mà như nghề y cổ truyền, nó là một thứ thang để "dẫn" thuốc cho con người.
So với quãng đời trước Cách mạng, thì từ sau 1945, cuộc sống riêng của tác giả diễn ra theo một phương hướng khác hẳn. Cũng như tất cả các đồng nghiệp khác, nhà văn Nguyễn Tuân từ đó có thêm một tư cách mới: tư cách chiến sĩ. Con đường để ông đến với bạn đọc thường khi là con đường thẳng, không khuất khúc như xưa. Nhưng đó là trên đại thể. Nhìn kỹ thì thấy, cách tồn tại của Nguyễn Tuân trong văn học vẫn có chút gì khác thường và trong việc đưa tác phẩm của ông đến với bạn đọc, con người ông vẫn có một vai trò như không hề thấy ở các nhà văn cùng thời. Hãy chỉ nói tới một thời điểm rõ nhất: 20 năm cuối đời ông. Lúc này, tên tuổi Nguyễn Tuân vẫn được nhiều người truyền tụng. Đại khái, người ta hay rỉ tai nhau rằng đấy là một ngòi bút ngang bướng, sẵn sàng nói ra những câu chướng tai, thích tự do cá nhân, và giữa thời chiến mà còn khư khư giữ lấy nhiều nếp sinh hoạt cầu kỳ, xa lạ. Không chỉ những người trong giới văn chương mà cả những người thuộc các tầng lớp xã hội khác không liên quan lắm với văn chương, cũng biết về ông như vậy. Và người ta lại tìm đọc ông để vừa thưởng thức văn tài, vừa cảnh giác dò tìm những chỗ ngang ngạnh của ngòi bút. Thế là một lần nữa, Nguyễn Tuân lại "ghi điểm". Xét trên một phương diện nào đó thì sự tò mò mà ông gợi ra (trong đó cái sai xen lẫn cái đúng) đã giúp rất nhiều vào việc phổ biến những bài ký viết về phi công Mỹ và nhiều loại đề tài khác mà Nguyễn Tuân cho in những năm cuối đời. Nhờ vậy, điều ông viết ra (tội ác và sự kém cỏi của địch, thế mạnh, thế tất thắng của ta) - những cái đó lại đến với người đọc sâu sắc hơn. Nếu không ngại dùng chữ huyền thoại thì có thể bảo là cho đến lúc nhắm mắt, Nguyễn Tuân luôn luôn tạo được huyền thoại về mình, huyền thoại ấy lần này giúp ông làm tròn sứ mệnh một chiến sĩ, một cán bộ viết văn mà ông đã tự nguyện mang tất cả tài năng và tâm huyết để thực hiện. Từ chỗ là một ngòi bút cô độc (như hai câu thơ cổ ông dùng làm đề từ cho bài ký Sông Đà: Chúng thủy giai đông tẩu - Đà giang độc bắc lưu - mọi con sông đều chảy ra biển đông, chỉ riêng sông Đà chảy ngược lên phía bắc), ông đã trở thành một nhà văn của mọi người như những câu được viết trong sổ tang ông ngày ông nằm xuống ba năm về trước.
Vang bóng một thời
Tìm hiểu cuộc đời Nguyễn Tuân chắc nhiều người không thể quên một chi tiết: ngay từ khi chưa đầy 30 tuổi, người tài tử ấy đã mấy phen ngồi uống rượu ngang ngửa với thần ngông Tản Đà. Vậy là sự già dặn đến với ông ngay từ lúc trẻ. Chắc chắn, sự già dặn ấy đã giúp ông có được cái định hướng độc đáo trong việc tổ chức đời sống của mình mà việc tạo huyền thoại, sống trong huyền thoại nói trên, là một ví dụ.
Nay thì cùng với Nguyễn, tất cả đã trở thành quá khứ. Trong khi những đứa con tinh thần thật sự của tác giả, những Một chuyến đi, Chiếc lư đồng mắt cua, Chùa đàn, Sông Đà, Chuyện nghề v.v... dần dần trở lại đúng các vị trí mà chúng phải có, thì những huyền thoại không còn giữ được vẻ thiêng liêng kỳ thú ngày nào. Đến với hiện tượng Nguyễn Tuân giờ đây, trong lòng không khỏi thoáng qua cảm tưởng thanh vắng y như đến chùa nhưng ngày hội đã hết, chỉ còn gác chuông, mái ngói và những pho tượng trầm tư. Ai người mau xúc động thấy thế lại còn muốn ngả sang vẻ ngậm ngùi nữa! Họ quên mất rằng khi đặt tên cho tác phẩm đầu tay của mình là Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đã tự chứng tỏ ông là người có một quan niệm chắc chắn về thời gian: thời gian làm nên những giới hạn cho mỗi đời người, song những ai sống hết lòng với cái thời của mình, người đó coi như đã tìm được cách để đến với vĩnh viễn.
SỐ TRUY CẬP online