Nguyễn Đình Nghi

ở Việt Bắc, những năm ấy

Để hiểu thêm về sinh hoạt văn hoá những năm kháng chiến chống Pháp, một việc có thể cùng làm trước tiên là thử ôn lại đôi nét thuộc về cuộc sống hàng ngày của các văn nghệ sĩ đã làm việc và trưởng thành trong những năm tháng gian lao ấy.

Căn phòng nhỏ của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi thuộc một ngôi nhà xây tạm ngay sau Nhà hát lớn thành phố. Trên tường khéo léo điểm xuyết một ít hoạ tiết trang trí mô phỏng các mặt nạ sân khấu. Góc phòng, một tủ sách đơn sơ, nhưng nhìn kỹ cả sách tiếng Nga, tiếng Pháp. Một sự hiện diện ôm trùm nữa là sự hiện diện của Thế Lữ - ảnh chụp có, tranh chân dung có. Khung cảnh bài trí từ lâu, song có vẻ như nó cũng rất thích hợp trong việc làm nền cho câu chuyện mà vào những ngày cuối năm 1996 này chúng tôi hay nói với nhau: những tác động đồng thời cũng là những đóng góp của cuộc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng nền văn hoá dân tộc, nửa thế kỷ qua.
Những thay đổi diễn ra trong cách sống cách nghĩ của lớp văn nghệ sĩ cũ.
Trong cơn lốc của lịch sử, số phận của giới văn hoá Việt Nam lại càng gắn chặt với số phận của toàn dân tộc. Chẳng những thế, cuộc kháng chiến thần thánh sớm tự xác định là một cuộc chiến đấu có văn hoá, và sự thực là đã lôi cuốn được hầu hết những người hoạt động văn hoá nhập cuộc. Người ta bắt gặp ở Việt Bắc - đầu não của cuộc kháng chiến lúc ấy - những tên tuổi lớn của nền văn hoá cũ, Hoàng Minh Giám và Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Đạo Thuý và Lưu Hữu Phước, Phan Khôi và Nguyễn Tuân... Về phần mình, ngoài cái may mắn là con nhà nòi (con trai nhà đạo diễn Thế Lữ), gần như suốt thời kháng chiến, Nguyễn Đình Nghi còn có dịp công tác ở ngay Hội Văn nghệ Việt Nam và các đơn vị kề cận với Hội. Thành thử lẽ tự nhiên là ông thuộc người thuộc việc. Và ông đã tận mắt thấy cái sức mạnh cải tạo của kháng chiến đối với những người làm văn hoá cũ là như thế nào. Ông kể:
“Anh phải nhớ là ngay trước 1945, dân mình đã ghét Pháp lắm rồi, nên nói gì thì nói, khi các ông Đảng mình phất lên ngọn cờ đánh đuổi thực dân là tập hợp được gần hết giới văn hoá. Một người như Phan Khôi mà lúc ấy cũng hào hứng lắm. Trong một bài báo tả văn nghệ sĩ xung phong đi mặt trận, Nguyễn Huy Tưởng còn ghi lại cái hình ảnh Phan Khôi chống gậy lên phát biểu rất rắn rỏi cơ mà.
“Tôi nhớ có lần cùng ông đi công tác, mới ghé vào một quán bên đường. Chị chủ nhà ra chiều thông cảm, phải lúc loạn lạc, các cụ các ông vất vả quá. Phan Khôi trừng mắt ngay, sao lại gọi là loạn lạc, cả nước đoàn kết để đánh Pháp thế này, phải gọi là thịnh trị chứ.
“ồ, nói tới cái chuyện sinh hoạt của văn nghệ sĩ hồi ấy thì lạ lắm. Hãy thử tưởng tượng một ông như ông Hoài Thanh cao lêu đêu như thế, song lúc nào cũng đi đất. Có lẽ ông cho rằng làm thế để cải tạo con người mình. Anh em góp ý kiến là phải giữ sức khoẻ, ông ấy nghe ra, nhưng chỉ đi dép lúc ở nhà, đi công tác vẫn đi đất.
“Sinh hoạt cơ quan văn nghệ lúc ấy cũng đâu vào đấy, như các cơ quan khác. Cũng họp kiểm điểm hàng tuần. Cũng tăng gia, cũng viết bích báo. Tôi có đi giục mọi người viết bài cho bích báo, những ông như ông Nguyễn Đình Thi thường cũng vui vẻ nhận lời và nộp bài đúng hẹn. Hoặc ông Tô Hoài, ông này viết giỏi thế nào thì làm công tác cơ quan cũng giỏi như vậy.
“Nếu ai đã từng biết các ông ấy hồi tiền chiến thì mới lại càng khâm phục cái sức mạnh cải tạo của cách mạng - tất cả đều đã thay đổi đến không ai ngờ nổi” - Nguyễn Đình Nghi kết luận.
Việc đào tạo những văn nghệ sĩ mới
Sinh năm 1928, nhà đạo diễn này thuộc thế hệ những người làm nghệ thuật bước vào tuổi thanh niên khi tiếng súng toàn quốc bắt đầu bùng nổ. Trong khi những Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Phan Tứ, Nguyên Ngọc... trưởng thành sớm về công tác ở các đơn vị cơ sở, thì Nguyễn Đình Nghi hồi ấy một thời gian còn đóng vai học việc, chẳng hạn chỉ giữ chân thư ký ban văn thuộc vụ Văn học nghệ thuật (do Hoài Thanh là vụ trưởng) và giữ thư viện nhân thể.
Có điều, chính trong cái vai trò phụ trợ ấy, Nguyễn Đình Nghi lại có dịp học hỏi nhiều điều, và trường hợp của ông cho thấy một công việc khác của kháng chiến: việc đào tạo các trí thức văn nghệ sĩ thuộc thế hệ trẻ.
“Năm ấy tổ chức đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất. Cả Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi đều đi dự và trở về, mỗi người đều có nhận xét riêng của mình. Ví như Nguyễn Đình Thi, ông bảo “Được dự đại hội mình thấy cái dự trữ phấn khởi cách mạng - chỗ này Nguyễn Đình Thi nói bằng tiếng Pháp - được bổ sung thêm rất nhiều”.
“Đấy là về tư tưởng. Còn như về nghệ thuật, quả thực lúc đầu tôi cũng chưa hiểu nghệ thuật là gì. Song ở với các ông ấy, dần dần vỡ ra hết. Ngay trong hoàn cảnh kháng chiến, thiếu thốn đủ thứ, Thế Lữ vẫn rất nghiêm túc trong lao động nghệ thuật. Ông thường bảo: Nghệ thuật sân khấu bắt đầu từ việc căng cánh gà cho thẳng. Anh thử tưởng tượng được xem Thế Lữ dàn kịch đã thú thế nào đến lúc được nghe mọi người nhận xét về kịch Thế Lữ lại có cái thú khác. Mình học ở đấy.
“ Tấm lòng yêu kính nghệ thuật dân tộc của các ông ấy cũng kỳ lạ lắm, không chê vào đâu được. Ông Nguyễn Xuân Khoát có bài hát Thằng Nhai, thằng Nha nói về mấy anh thương binh về làng, trong đó có mấy câu đệm ca-la-pịch ca-la-pắc ca-la-poong (để gợi lại tiếng nạng trên đường). Ông Xuân Diệu nhận xét ngay: Không được! Trong tiếng Việt không có từ bắt đầu bằng phụ âm p. Và ông Khoát ông ấy phải sửa thành ca-la-kịch, ca-la-cắc, ca-la-coong...
“Bây giờ nhìn lại, chắc ai cũng cắt nghĩa: chính là trong khi chiến đấu giành độc lập mà mình thêm yêu dân tộc mình hơn. Song hồi ấy, chỉ thấy say cái đã. Tôi nhớ khoảng 1952-1953, phong trào khai thác vốn cổ dân tộc đang rất rầm rộ, một hôm đi công tác về đến bến đò gần thị xã Tuyên Quang tôi được mấy anh chị em ở đoàn văn công ra đón, đêm trăng lại lần đầu được nghe những cô Dần, cô Nhạn hát mấy bài quan họ loại như Trèo lên trên núi Thiên Thai tôi cứ ngơ ngẩn cả người, sao văn nghệ dân tộc ở mình nó đầm ấm mà vẫn lộng lẫy đến thế. Về sau, hỏi mọi người, thấy ai cũng có cảm giác tương tự - những đêm diễn chèo sân đình, các vị lão làng cỡ Ngô Tất Tố, Tú Mỡ người nào cũng khoái trá ra mặt, nói nôm na là cũng giống mình, há hốc mồm ra mà xem, rồi cười ha hả”.
Nhưng ngoài việc khai thác vốn cũ, kháng chiến vẫn là một trường học lớn. Theo con đường nào tới không rõ, chỉ biết thư viện Hội Văn nghệ luôn có sách mới, tiếng Pháp và cả tiếng Hán. Giải thích về vốn ngoại ngữ vững vàng của mình, Nguyễn Đình Nghi kể: “Tiếng Pháp tôi học với Đoàn Phú Tứ người được xem như giỏi nhất tiếng Pháp ở đấy. Còn chư Hán, anh có biết tôi học với ai không - với cụ Phan Khôi”.
Năm 1955 hoà bình lập lại, Nguyễn Đình Nghi cùng với những Đình Quang, Ngô Y Linh, Huy Du, Hoàng Vân, Thái Ly... được cử đi học Trung Quốc để rồi khoảng 1960 trở về, chia nhau gánh vác các trọng trách trong đời sống nghệ thuật. Nhưng nhìn lại đời mình mỗi người không bao giờ quên được một điều: mình đã trưởng thành từ kháng chiến.
SỐ TRUY CẬP online