Nguyễn Khải

Vài nét tiểu sử
Nguyễn Khải sinh năm 1930. Tác phẩm chính Xung đột (1957), Mùa lạc (1960), Hãy đi xa hơn nữa (1963), Gặp gỡ cuối năm (1986), Một thời gió bụi (1993), Thượng đế thì cười (2004).

Một cách tồn tại trong văn học
ở Hà Nội, Nguyễn Khải có một căn phòng mười bốn mét vuông ở bãi Phúc Xá; khu nhà tập thể này ở ngay vệ sông, cứ đến mùa lũ, nước sông Hồng dâng lên là phải lo chạy vào trong phố ít ngày. Nhưng ở đấy liền hai mươi mốt năm, Nguyễn Khải hoàn toàn thoải mái, lại còn đi đâu cũng khoe: "Ngoài bãi mát, yên lặng, ngồi viết thích lắm".
Hình như con người này rất có duyên với những xóm nghèo ven nội. Vào Sài Gòn, ông lại ở ngay Khánh Hội. Nhà cửa còn tuềnh toàng, thiếu thốn đủ thứ, nhưng vẫn có cái để khoe: "Dẫu sao cũng rộng hơn nhiều, so với Hà Nội" - Nguyễn Khải bảo vậy. Vẫn như xưa nay, ông hồ hởi cười nói khi gặp bạn bè, và tôi cảm thấy một niềm vui cố hữu nơi ông: niềm vui được sống, được viết. Chỉ thế thôi cũng đã quý lắm!
Trong đời sống hàng ngày, có thể bảo đây là một người hay la cà. Ngay cả những lúc bận viết nhất, Nguyễn Khải vẫn dành thời giờ lên phố, ghé lại một tòa soạn hay một nhà xuất bản nào đó, trò chuyện với anh em, thậm chí sẵn sàng ngồi ở một hàng nước vỉa hè, bắt chuyện với một người bên cạnh không hề quen biết. Nhưng kéo được Nguyễn Khải vào một đám lai rai thâu đêm thì khó lắm! Đó là con người biết tự chủ, không sa đà vào đâu quá lâu, làm gì thì làm nhưng trước tiên là nghĩ đến chuyện viết, lấy sự viết làm lẽ sống của mình. Mới đầu, là một cách tự răn mình. Sau, thành một thói quen không thể thay đổi. Khoảng 1966-1967, thấy Đỗ Chu đang viết lên tay với tập Phù sa và đang chuẩn bị viết Ráng đỏ, Nguyễn Khải thường bảo: "Lúc ngòi bút đang đà thế này, có việc gì không quan trọng hãy gạt sang một bên mà lo viết cái đã" - Đấy là lời khuyên không chút màu mè Nguyễn Khải thường dành cho những anh em trẻ hơn mỗi khi cảm thấy giữa mình với người bạn trẻ ấy có một sự tin cậy.
Tập trung tất cả cho sáng tác như vậy, nhưng một phía khác của tài năng Nguyễn Khải lại là rất tỉnh, không bao giờ chịu là tù nhân của những ảo tưởng mê muội. Ngay từ khoảng 1963, ông đã nói rõ trong một tham luận tại Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam: Tự lượng sức mình là một điều hết sức quan trọng với mỗi người viết. Và Nguyễn Khải biết tự lượng thật. Khi gọi là ký sự, khi mang danh tiểu thuyết, nhưng các tập văn xuôi của ông mỗi tập thường chỉ 150-200 trang. Lúc đùa bỡn, ông bảo: "Viết thế để người ta có thể đọc ù một cái, một hai buổi trưa là xong". Những lúc nghiêm chỉnh hơn, ông tâm sự:
- Sức mình chỉ đến thế, không nên kéo ra dài hơn. Điều quan trọng là thức tỉnh người đọc cùng nghĩ, chứ ai có sức mà nghĩ thay họ được.
- Từ quãng đời viết văn đã qua của mình, ông có rút ra kinh nghiệm gì đặc biệt? - Có lần đâu khoảng 1969-1970, tôi mạnh dạn "phỏng vấn" nhà văn như vậy.
- Thứ nhất, lúc nào cũng phải cố lên một tí, chứ viết là dễ ngại lắm. Như tôi vẫn nói, làm sao viết hết sức mình để giá kể có phải đi trở lại, mình vẫn chỉ đi có con đường ấy. Thứ hai, phải luôn tỉnh táo để chỉ làm đúng những điều mình có thể làm. Xem người khác viết để học, nghe người khác khen chê để rút kinh nghiệm là cần. Nhưng hoang mang, hay thay đổi, rồi học đòi bắt chước, ai bảo thế nào cũng làm theo, là mất hết cốt cách, và với nhà văn, thế là tự sát!
Ban đầu cách viết của Nguyễn Khải bị kêu rất nhiều: nào là hay bình luận hay lý sự, nào lạnh, thiếu say mê, nhân vật không rõ mày mặt, không nổi trên phương diện tạo hình; bố cục thường lỏng lẻo, người viết không phải là một thứ tạo hóa cao tay v.v... Nguyễn Khải chịu đựng những lời chê đó với một một sự bình thản. Lâu dần, một cách viết hình thành, người ta đâm quen với ngòi bút ông. Một hai năm, Nguyễn Khải lại có một cuốn sách in ra, và gần như cuốn nào cũng được dư luận chú ý.

Có một dạo, Nguyễn Khải nổi lên như một người chuyên viết về nông nghiệp. Những mẫu cán bộ huyện, xã, bí thư, chủ tịch, một phó chủ nhiệm phụ trách ngành nghề, rồi một bà già tham lam, một thanh niên mới lớn nhiều mơ mộng... tất cả rất quen với ông. Mùa màng, thời vụ, các loại giống lúa, các loại cây đay, cách đạp chè của các bà, các chị ở Thái Ninh (Phú Thọ), lối chuyên thở cá bột trên tàu hỏa ra sao... hình như việc gì ở nông thôn, ông cũng thành thạo.
Nhưng khoảng 1957-1959, đọc Xung đột, và về sau, đọc Cha và con và..., không ít người quả quyết Nguyễn Khải sinh ra để viết về công giáo. Cách nói, cách nghĩ của người theo đạo nhuyễn vào ngòi bút của ông, và nếu trò chuyện với tác giả khi ông đang viết, thấy nó nhuyễn cả vào lời nói hằng ngày của ông nữa.
Từ sinh hoạt của những chiến sĩ công binh miền Tây, các du kích đội thuyền Vĩnh Linh tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ những năm chống Mỹ, tới những phòng khách sang trọng của thành phố Hồ Chí Minh, dù là đã sau giải phóng, khoảng cách thật là xa xôi. Xa trong không gian, thời gian, những chi tiết cụ thể và xa cả trong cách nghĩ của con người! Vậy mà viết về đâu, Nguyễn Khải cũng rành rẽ như chuyện của chính mình. Đây trước tiên là thái độ tỉ mỉ, là tinh thần trách nhiệm trước những gì mình miêu tả (tôi nhớ những lần Nguyễn Khải kiểm tra đi kiểm tra lại vài chi tiết thuộc về kỹ thuật có liên quan đến một hai nhân vật nào đó). Nhưng quan trọng hơn là sự thông cảm, là yêu cầu hóa thân vào cuộc sống đích thực của nhân vật. Khả năng tự quên mình đi để sống cho thoải mái đã biến thành khả năng chấp nhận cuộc sống của những người khác, coi đó là điều hoàn toàn tự nhiên mà một nhà văn phải biết đón lấy và làm nổi lên, như một sự thật sinh động.
Người ta hay nói: nhà văn giỏi là người biết gọi cho ra các nhân vật. ở những trang viết thành công của Nguyễn Khải, công thức đó được triển khai thành hai vế: a) Nhà văn phải diễn tả sao cho mỗi nhân vật của tác phẩm trở thành một con người độc đáo, không lẫn với chung quanh - chỗ giống nhau chủ yếu của mỗi chúng ta là không ai giống ai; b) Nhưng từ sự diễn tả đó, nhà văn phải vươn tới một cái gì cao hơn, phải phát biểu được những điều chính mình suy nghĩ và cảm thấy một cách sâu sắc, nó cũng là yếu tố chính tạo nên nét mặt riêng, cốt cách riêng của một ngòi bút, như người ta vẫn nói. Nếu ở phương diện thứ nhất, chúng ta thấy tài năng của Nguyễn Khải, thì ở phương diện thứ hai này, ông hiện ra như một ngòi bút có tầm vóc. Nguyễn Khải thường biết nâng những hiện tượng bình thường thành vấn đề khái quát, để rồi đề nghị chúng ta cùng ông suy nghĩ về mọi chuyện. Theo cách trình bày của ông, đời sống hàm chứa bao điều phức tạp, không dễ gì một lúc lần ra rường mối của nó (Xung đột); cuộc sống là nơi đào tạo nhưng cũng là nơi thử thách mọi mặt nhân cách con người (Ra đảo); có trăm nghìn nẻo sống khác nhau, nhưng hiểu được đời sống, và sống cho có ý nghĩa mới thật khó (Cách mạng, Gặp gỡ cuối năm); và, vượt lên trên từng kiếp người riêng tư, có cuộc sống của xã hội, đất nước, cộng đồng, mà còn lâu, chúng ta mới nhận thức được đầy đủ (Thời gian của người) v.v... và v.v...
Nên cắt nghĩa như thế nào về những đoạn bình luận lý sự khá đậm đặc trong những trang văn xuôi của Nguyễn Khải? Theo tôi, đây không phải là hiện tượng đơn nhất, ngẫu nhiên mà có nguồn gốc hợp lý của nó. Trong định hướng tinh thần của xã hội ta từ 1945 tới nay, nếu có khía cạnh nào nổi lên đặc biệt rõ rệt thì đó là sự xâm nhập của chính trị vào đời sống bình thường mỗi người, khiến cách suy nghĩ của bất cứ ai cũng trở nên sắc bén hơn hẳn. Các vấn đề xã hội chính trị là đầu đề để chúng ta bàn bạc, sự lợi hại về chính trị là tiêu chuẩn chính để xem xét mối quan hệ giữa người với người. Gần như ai cũng hoạt động chính trị và có từng trải về chính trị. Mặt khác, trải qua mấy chục năm cách mạng, cuộc sống trên đất nước ta, dù là một làng xóm heo hút giữa đồng bằng sông Hồng, hay một đồn điền cao su cũ, Biên Hòa, Lộc Ninh... đều có bao nhiêu thay đổi, bao nhiêu điều đáng bàn và cần bàn cho thấu đáo. Nói phong cách Nguyễn Khải chẳng qua là sản phẩm của đời sống hôm nay là vì lẽ đó. Nếu không có Nguyễn Khải chắc cũng phải có những ngòi bút khác, viết theo cách Nguyễn Khải đang viết. Có thể so sánh một chút, để thấy cách bàn luận lý lẽ của Nguyễn Khải và nhân vật Nguyễn Khải mang đậm dấu ấn thời đại, chẳng hạn so với Nam Cao. Trước đây mấy chục năm, trong sự tẻ nhạt đều đều của một xã hội thuộc địa, một ngòi bút như Nam Cao có triết lý, thì cũng là nhân những chuyện cụ thể trong mối quan hệ giữa người với người mà khái quát lên. Nam Cao hay nói sự no đói ảnh hưởng đến tâm lý con người ra sao, cái nghèo có thể làm nhân cách con người thay đổi đến đâu. Mỗi mệnh đề triết lý của Nam Cao thường ngắn gọn, đôi khi như là những điều nghiền ngẫm quá lâu, im đi không đành nên phải buột ra, sự suy nghĩ mang dáng dấp một lời tự nhủ hoặc một lời chì chiết, đay nghiến. Nay ở Nguyễn Khải, không riêng tác giả mà các nhân vật cũng hay nói, thích nói, người nọ đối diện với người kia, đồng tình, phản bác nhau; xét nét, "gí điện" nhau. Lý sự trở thành câu chuyện hằng ngày, nhất là lý sự về những khía cạnh xã hội chính trị của đời sống: mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, giữa lợi ích riêng và lợi ích chung; khả năng dễ sai lầm của con người và vai trò của lý trí; xu hướng đơn giản chủ quan trong tư duy của mỗi người và những biến hóa vô tận của đời sống v.v... và v.v... Nhiều vấn đề tương tự được đề cập tới trong tác phẩm của Nguyễn Khải một cách khá hào hứng. Như tất cả chúng ta, có lúc nhân vật của Nguyễn Khải và bản thân Nguyễn Khải nữa nhận xét đánh giá mọi việc còn hàm hồ, tùy tiện. Nhưng sự chân thành suy nghĩ ở họ là điều đáng ghi nhận. Nhiều lần Nguyễn Khải nói với tôi, đại ý: kết luận rút ra đâu phải đã là chân lý cuối cùng nhưng cứ nói được những điều mình nghĩ và xới lên để người khác cùng nghĩ với mình, đã thấy rất sung sướng.
Đã rõ triết luận là một đặc điểm nhất quán trong tư duy văn học của Nguyễn Khải nó làm cho ngòi bút ông khi bốc lên sôi nổi, lúc đằm xuống, trầm tư suy ngẫm và không thiếu vẻ tinh tế. Tuy nhiên, lại cũng phải thấy nhất quán như vậy nhưng cùng với thời gian, màu sắc triết luận ở Nguyễn Khải mỗi năm một khác. Từ chỗ cuồng nhiệt (đôi khi là lối áp đặt một chiều) nay cách nghĩ đó đã phần nào có được cái lui tới, cái chừng mực cần thiết. Nếu hôm qua, Nguyễn Khải đã rất thành công trong việc diễn tả những gay gắt quyết liệt của đời sống thì hôm nay nhà văn có phần thấm thía sự đời hơn, cái nhìn ra chiều độ lượng và thông cảm hơn. Từ Xung đột qua Cha và con và.., từ Hòa Vang Họ sống và chiến đấu, qua Thời gian của người, cách đặt vấn đề giọng điệu tác giả đều có đổi khác. Như tất cả chúng ta, Nguyễn Khải cũng ở trong một quá trình vận động liên tục.
Nhưng dù vận động ra sao, thì trước sau Nguyễn Khải vẫn là một người làm nghề cần mẫn. Người ta chỉ hay nói tới tác giả Xung đột, Gặp gỡ cuối năm... như một người thích cao đàm khoát luận, nhưng mấy ai biết, con người này đã có những lúc ngồi như cắm mặt xuống bàn, chữa đi chữa lại từng trang sách; những khi vắt vẻo trên chiếc xe đạp, đạp từ đầu thành phố tới cuối thành phố, xem lại morat một bài báo sắp in, hoặc những khi mê mải trước những cuốn sách tiếng Pháp mong tìm thấy ở đấy một ít điều gợi ý cho những trang viết sắp tới của mình. Văn xuôi Nguyễn Khải hôm nay, bề ngoài có cái dễ dàng tự nhiên như lời nói hằng ngày, song nhìn cho kỹ, thấy chữ nghĩa rất chỉnh, câu cú tính toán kỹ càng, tiếng nói nhân vật và tiếng nói tác giả cài chen lẫn nhau tạo nên một thế giới đa thanh mà chỉ văn xuôi hiện đại mới có.
Sẽ là bốc đồng, nếu bảo một ngòi bút sinh năm 1930 đến nay vẫn còn đang sung sức, nhưng quả là Nguyễn Khải đang viết, kiên trì, bền bỉ, như ngày nào mới 25-30 tuổi. Đối với một số đồng nghiệp, cuộc đời Nguyễn Khải không chỉ là tổng số những gì ông đã viết ra, mà còn là một bằng chứng về sự tồn tại của những người làm công tác văn học trong những năm tháng này. Trong cuộc đời đó, có đủ niềm vui và nỗi buồn, những phút vinh quang được không biết bao nhiêu bạn đọc khác nhau tìm đọc, tranh cãi, và những phút đơn độc, một mình một bóng trước đèn, trước trang giấy trắng; trong cuộc đời đó rất nhiều khoảng sáng chói lên rực rỡ nhưng cũng không thiếu những khi trống rỗng tẻ nhạt, kể cả những thoáng xót xa vô lý. Nhưng biết làm thế nào, nghề gì chẳng vậy, nữa là nghề văn; còn sống, còn viết là còn vất vả! Dẫu sao, so với nhiều đồng nghiệp, cuộc đời viết văn của Nguyễn Khải, hơn bù kém, vẫn là nhiều thành đạt. Những người trẻ hơn có thể nhìn vào đấy để thấy nghề văn vẫn là một nghề tốt đẹp, nếu có năng khiếu, người ta thật đáng bỏ cả cuộc đời vì nó.
SỐ TRUY CẬP online