Nguyễn Khải

Mở đầu truyện ngắn Người gặp hàng ngày, in 1982, khi tác giả đã không ở Hà Nội nữa, mà cùng với gia đình chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Khải viết một đoạn tự sự dài, trong đó anh tự nhận lâu nay, anh toàn viết những chuyện đâu đâu, người đâu đâu, còn chuyện nghe hàng ngày, người gặp hàng ngày, thì tuồng như còn nhiều xa lạ”. Một lời tự thú rằng mình nhạt nhẽo với cái khu tập thể sát mép nước bờ sông Cái, mà gia đình mình đã ở hai chục năm liền! Mà nếu có bảo là sự tự thú về sự nhạt nhẽo với Hà Nội thì cũng được!
Từ Trần Đăng nói trên, qua Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, chúng ta đã thấy một sự thực là các nhà văn hầu như ít về về Hà Nội. Vì các anh là một lớp nhà văn mặc áo lính, mà cuộc đời của người chiến sĩ thì luôn luôn ở nơi xa xôi, những miền biên cương hẻo lánh, những nơi có chiến trận.
Vì yêu cầu của chính độc giả Hà Nội một thời cũng là hướng cả về những miền xa như vậy, và Nguyễn Khải chỉ thực hiện những yêu cầu ấy một cách nghiêm túc.
Nhưng không viết, không có nghĩa là không yêu, không gắn bó, lại càng không có nghĩa là xem nhẹ ảnh hưởng của thủ đô trong đời văn của mình.
Có một sự thực hiển nhiên là tuy đã viết từ 1951-52 nhưng Nguyễn Khải chỉ thật sự được biết nhiều từ 1957, tức là sau khi hoà bình lập lại, về sinh hoạt cùng với nhiều đồng nghiệp khác ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Có một Nguyễn Khải của những vùng công giáo được mô tả trong Xung đột, Cha và con và..., có một Nguyễn Khải của Điện Biên, những trang văn xuôi trữ tình làm nên Mùa lạc), lại có một Nguyễn Khải với những phòng khách sang trọng trong thành phố Hồ Chí Minh ( kịch Cách mạng, truyện vừa Gặp gỡ cuối năm).
Nhưng sở dĩ có được những Nguyễn Khải đó là vì có được một Nguyễn Khải - Hà Nội mà bạn bè, những người quen và anh em trong giới đều biết.
Khi nghe tôi nói “ Có những nhà văn nhà thơ nào chỉ cho có cách sống, cách nghĩ Hà Nội hơn cả?” nhà thơ Xuân Quỳnh nhắc ngay Nguyễn Khải bên cạnh một vài tên tuổi quen thuộc khác.
Nhà thơ Xuân Sách cũng hoàn toàn đồng ý với ý ngỹi đó, anh nói thêm. “Hà Nội cổ kính có ông Tuân, ông Tưởng, nhưng Hà Nội hiện đại lại chính là Nguyễn Khải. Tốc độ suy nghĩ của con người trong văn Nguyễn Khải bao giờ cũng nhanh. Văn nhiều tư liệu, lại đi thẳng vào các vấn đề trung tâm của đời sống, khiến người khác phải quan tâm. Cố nhiên, trong giới nhà văn cũng có anh này Hà Nội ở vẻ hoa hoè hoa sói, anh khác Hà Nội ở lối quảng cáo ầm ĩ như lơ tẩy hồng, Nguyễn Khải xa lạ với mọi lối phô trương như vậy”.
Thiết tưởng nhiều người trong chúng ta cũng có thể hoàn toàn đồng ý với cách đánh giá đó của Xuân Sách.
Nhà văn Nguyễn Kiên, một người bạn viết lâu năm của Nguyễn Khải, kể lại ít chuyện những năm sáu mươi.
- Có một dạo, ngày nào tôi, Nguyễn Khải, Mai Ngữ... và một vài anh em nữa cũng gặp nhau. Chán nhà này lại sang nhà khác, chán ngồi một chỗ lại đạp xe dong, nhưng quả là phải gặp nhau để nói mới hả! Hôm nay chuyện đủ thứ rồi, về không buồn chào nhau nữa, tưởng mai thôi. Nhưng không, mai vẫn đến. Có bao nhiêu chuyện chúng tôi cần bàn với nhau chung quanh các vấn đề về nghề nghiệp. Thời kỳ đầu, chúng tôi hoàn toàn nghe theo lời chỉ bảo của các bậc đàn anh trong việc viết lách - Thời kỳ sau, chúng tôi vừa nghe vừa bàn thêm, bảo là cãi lại cũng được, cố nhiên là không cãi trước mặt các vị đó, mà là cãi với nhau, cãi ngay trong đầu óc mình. Chính đó là lý do để chúng tôi phải gặp nhau luôn, mà cũng vì lý do để nói rằng dù không viết về Hà Nội đi nữa thì cũng chỉ ở Hà Nội, chúng tôi mới trưởng thành được trong nhận thức cũng như trong công việc cụ thể.
Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên đã tiếp nhận Hà Nội như thế nào?
Trên đại thể, các anh coi đây là môi trường văn học không có nơi nào thay thế nổi. ở đây các anh có người đọc, có đồng nghiệp, mỗi người sẽ luôn luôn lắng nghe những bạn bè đồng nghiệp đó, để viết sao cho hết sức mình mà cũng đáp ứng đúng nhu cầu xã hội mong đợi.
Nói riêng về trường hợp Nguyễn Khải. Một thói quen trong khi làm việc của anh là vừa hết sức tập trung, vừa có vẻ nhẩn nha, từ từ, vừa viết vừa nghe, không hoàn toàn đắm đuổi vào những điều mình đang viết.
Như chúng ta đều biết, các văn hào lớn xưa kia cũng như người đang viết hôm nay, nhiều người có thói quen đã bắt tay viết là đóng chặt cửa, không tiếp ai, cũng không ló mặt ra khỏi nhà nữa.
Nguyễn Khải không thế, hầu như đang thời kỳ viết bận nhất, Nguyễn Khải cũng chỉ ngồi vào bàn ngày vài tiếng. Thời gian còn lại, anh phải ra đường, phải chan hoà với không khí Hà Nội, với những anh em viẽt khác, thì mới yên tâm.
Tài liệu để viết, đã ghi chép được không thiếu trong những chuyến đi. Nhưng viết về cái gì đây, đưa cái gì ra thì mọi người chú ý, đặt vấn đề gì thì mọi người sẽ phải để công việc riêng lại, tìm đọc tác phẩm của mình? Bằng ấy câu hỏi, đối với nguời viết đâu phải chuyện bình thường! Mà chỉ có một nơi cho phép Nguyễn Khải tìm ra câu trả lời chính xác, đó là Hà Nội.
Hà Nội với những cơ quan thông tấn, báo chí, thạo tin, thạo việc, Hà Nội với lớp công chúng là cán bộ mới, lớp thanh niên tiếp xúc nhiều với nước ngoài, những người làm khoa học kỹ thuật, trẻ trong suy nghĩ, trẻ trong nếp sống. Nguyễn Khải cần những người ấy lắm! Nguyễn Khải sống giữa những người đó, như cá bơi trong nuớc, thanh thoát, thoải mái, thỉnh thoảng không quen một thoáng vùng vẫy sung sướng!
Bởi vậy, mặc dù đi thực tế ở tận các vùng đất lạ, như vùng công giáo Nam Định, hoặc lên Phú Thọ, lên quá mãi tận Điện Biên, hoặc ra Cồn Cỏ, sống với một đơn vị công binh trên chiến trường Lào, song lần nào Nguyễn Khải cũng trở về Hà Nội mới viết.
Và Hà Nội không phụ anh, gần như bao giờ thành phố này cũng mang lại cho Nguyễn Khải những thông tin chính xác, để rồi, khi ngồi trước trang giấy anh tỉnh táo phân tích phần tài liệu thu thập được sau các chuyến di, và đưa ra được những tác phẩm hơi “gắt” một chút, hơi mới mẻ một chút, khiến mọi người cùng bàn tán một hồi, rồi mới ngã ngửa ra với nhau, hoá ra, đây cũng là một vấn đề của cuộc sống, của mình, chính mình phải nghĩ về nó hàng ngày.
Nhìn vào chất lượng sáng tác, ai cũng bảo Nguyễn Khải là một cây bút chăm chỉ, cần mẫn. Vậy mà tôi nhớ, những năm còn ở Hà Nội, không ngày nào là Nguyễn Khải không ghé qua cơ quan ở 4 Lý Nam Đế trò chuyện, thỉnh thoảng còn rủ chúng tôi ra ngồi hàng nước để hóng chuyện. Hầu như có chuyện gì mới trong thành phố, Nguyễn Khải cũng tìm biết. Những khi nào có dịp “đăng đàn diễn thuyết” trước bạn đọc nhất là bạn đọc trẻ tuổi ở các trường cấp ba, các trường đại học, các cơ quan khoa học kỹ thuật chung quanh thủ đô, Nguyễn Khải không bao giờ từ chối. Anh kể: Khi nói như thế, tức là mình nhận lấy công việc đối mặt với dư luận. Mình phải tự chứng tỏ rằng mình cũng những rung động với người ta, cũng có những điều lo toan như người ta.
Ngồi lê đôi mách là chuyện không hay ho gì. Nhưng những vấn đề trong ngành, trong giới là điều Nguyễn Khải bao giờ cũng quan tâm và muốn nắm cho bằng được.
Qua Nguyễn Khải và cách làm việc của anh như trên, chúng tôi nhận thức một điều. Sáng tác không phải là công iệc thuần tuý tách rời hoàn cảnh. Sáng tác bao giờ cũng gắn liền với đời sống tinh thần của xã hội. Và cái nơi đóng vai trò quan trọng nhất, kể cả vai trò hàn thử biểu của đời sống tinh thần, đấy chính là thủ đô. Thủ đô là trung tâm của dư luận xã hội. Dù viết về đời sống các tỉnh xa, dù là nhà văn mặc áo lính, người ta vẫn phải nhớ tới điều đó. Nếu không đếm xỉa gì đến dư luận thủ đô, không bao giờ anh có thể thành công. Và nếu sáng tác của anh đã không được thủ đô công nhận thì trước sau, không chóng thì chầy, sẽ rơi vào quên lãng.
SỐ TRUY CẬP online