Đồng Đức Bốn

Vài nét tiểu sử
Đồng Đức Bốn (1948-2006), chuyên về thơ lục bát, hiện thân của văn học dân gian trong xã hội hiện đại. Tác phẩm chính Chăn trâu đốt lửa (1993), Trở về với mẹ ta thôi (2000) v.v... Tuyển thơ Đồng Đức Bốn đã in đi in lại nhiều lần.
Chất hoang dại trong thơ

Để hiểu nhà thơ này, trước tiên tôi muốn đặt anh bên cạnh Nguyễn Bính. Trong cuộc phiêu lưu kiếm sống giữa thị thành, tác giả Tâm hồn tôi, Mười hai bến nước, Mây Tần... luôn luôn cho người ta thấy rằng thực ra ngày xưa gia đình ông sống nền nếp và phong lưu lắm, bản thân ra dáng con nhà lắm, chẳng qua bây giờ thất cơ lỡ vận nên mới khổ thế. Đồng Đức Bốn thì khác. Quá khứ không phải chỉ là hồi ức thường xuyên trở lại, mà nó là một phần của hiện tại quanh anh. Nhất là nó chẳng có gì là rực rỡ là bóng lọng, là cao sang quý phái, tức chẳng có gì là nên thơ. Trăng trong thơ Bốn là trăng gày trăng cong, sào là sào gẫy, diều là diều đứt dây, con người xưng tôi trong thơ có lúc tự nhủ mình là một kẻ không quê. Dường như anh sẵn sàng nói rằng mình chẳng có gì để khoe với mọi người cả. Tinh thần của đời sống toát ra từ nhiều bài thơ: Cổ sơ. Cũ kỹ. Quê mùa. Hoang dại.
Trong nhiều trường hợp, hoang dại ở đây xem như đồng nghĩa với lang thang, mất gốc, không vào khuôn khổ nào, một tình trạng trì trệ không nảy nòi lên được về chất lượng nên đành bò ra ăn lan ra về số lượng. Nó, cái sự hoang dại trọn vẹn ấy, có mặt trong thơ khắp mọi chỗ và làm nên một miền khí hậu riêng có phần không giống ai, dù chẳng ở ai không có.
Chỉ một lần nhà thơ kể chuyện mình Nói chuyện với cỏ dại. Song cả những khi không dùng đến cái từ cụ thể ấy, thì cảm giác hoang hủy bơ vơ của cỏ dại vẫn trở lại. Nó ở những câu thơ nghe hơi rờn rợn Chân đạp đất đầu đội trời - ở đâu không có con người thì đi, nó lại ở cả những câu thơ tự nhiên nhi nhiên kiểu như củ khoai nướng để cả chiều thành tro hoặc mẹ ra bới gió chân cầu. Một lần tả cảnh lũ lụt, Đồng Đức Bốn viết "ối mẹ ơi đê vỡ rồi - Mộ cha liệu có lên trời được không". Đằng sau lối nói lu loa, là lời thú nhận về sự bất lực vô phương cứu chữa.
Không hiểu sao tôi đọc những câu tác giả viết như đùa: Ngậm ngùi thịt chó bánh đa - Chiều nay lại thấy bà già xin ăn, hoặc Chợ làng mở dưới gốc đa - Nhà quê đem mấy con gà bán chơi mà cứ thấy bùi ngùi.
Xa vắng hiu hắt ngang trái bơ vơ, cái không khí ấy bàng bạc trong thơ, bất kể nông thôn hay thành phố.

Trong nghệ thuật hội họa thế kỷ XX, có hẳn những trường phái khai thác vào cái hoang dại nguyên sơ của thế giới, lấy nó đối lập với những tìm tòi duy lý, người ta mệnh danh những trường phái này là hoang dã, ngây thơ...
Tuy không phổ biến song ở ta một số người đã có ý đi vào cái hoang dại đó. Chỉ có điều nhà văn Việt Nam vốn không mạnh về bề dày văn hóa, nên đi vào hoang dại trước tiên không do tìm tòi lâu dài, mà như là ngẫu nhiên bắt gặp: Không thể đến với sách vở hàn lâm thì trở về với nó. Chợt nhận ra từ lâu nó đã thuộc về mình mà không hay biết, nhưng nay nó là cả một xu thế hiện đại thì tội gì không theo. Nếu khôn ra gán thêm cho nó một ít màu sắc lý luận thì càng oai.
Về phần mình, Bốn đến với hoang dại như là không có con đường nào khác. Tung tẩy phá phách làm tình làm tội người khác thế nào không biết, nhưng đó là chuyện ngoài đời, còn vào đến thơ, cái tôi của Bốn là một cái tôi hậm hụi bất lực. Dường như không sao tìm được sự cân bằng trong tâm lý. Cũng như chẳng biết cư xử ra thế nào cho phải. Thấy chung quanh tầm thường vớ vẩn, mà mình thì cũng chẳng hơn gì, lại có lỗi ở chỗ không biết làm sao tác động tới đời, khiến cho nó trở nên tốt hơn vừa ý mình hơn. Giữa vô vàn những lo toan - lo nghèo lo đói lo khổ lo không được hiện đại, - lại còn thêm cái lo nữa, lo lạc lõng, không ai nghe mình. Mấy chữ mồ côi thường xuất hiện. Trăng mồ côi. Bão mồ côi. Cây mồ côi. Mà con người đến chết vẫn có thể tiếp tục mồ côi (Trở về với mẹ ta thôi - Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ). Tâm lý mồ côi đó là gì nếu không phải là tình trạng người ta mất đi những chỗ dựa chắc chắn về tinh thần, không có cái để tin yêu và kính trọng?!

Dễ dàng nhận xét là nhiều bài thơ Đồng Đức Bốn không có được cái sự liền mạch, mà hình như do từng mảng ghép lại, mỗi mảng là một đôi sáu tám hoặc hai đôi liền. Viết cái gì thì cũng vậy mà làm thơ càng dễ vậy, kỵ nhất là cái lối câu nọ gọi câu kia, đưa đẩy chuyển tiếp kết quả thành một thứ thuận miệng giống như người quen chân đi mãi, nhiều khi vẫn đi đấy mà không biết mình đi đâu. Trong một thể như lục bát điều đó càng dễ xảy ra. Không có kết cấu, nó quá tự do, nhưng cũng chứa đầy cạm bẫy trong cái tự do đó. Do một sự may mắn nào đó, Đồng Đức Bốn có duyên sớm ngộ thấy cái sự mòn mỏi của nó, nên cố tìm cách tránh. Lục bát ở đây không nhịp nhàng nối tiếp mà cứ giật cục như cái gì ngắc lại nghèn nghẹn nơi cổ. Thứ lục bát đó tôn thêm cảm giác quê mùa hoang dại chung của thơ mà đoạn trên đã nói. Phải liều mạng lắm người ta mới dám viết những câu ngang phè, đại loại:
Rét lòng khát ngọn lửa nhen
Mà áo đỏ áo đỏ em đâu rồi (V.T.N nhấn mạnh)
Thế nhưng đó chính là những câu thơ làm cho người đọc không đọc lục bát theo kiểu trôi tuồn tuột, mà phải dừng lại ngẫm nghĩ, cũng tức là nhà thơ đạt được cái hiệu quả mà người cầm bút nào cũng mong muốn.

Thử nhớ lại hai bài thơ không rạ rơm chút nào của Bốn, bài Chiều mưa trên phố Huế và bài Xích lô đường Bà Triệu. Trong con mắt người làm thơ, cảnh phố Huế nào có khác chi chợ quê, cũng hàng thì bán đứng bán ngồi chen nhau, xe cúp dàn hàng ngang mà đi đấy, nhưng vẻ hiện đại không che nổi áo rách. Giữa đường Bà Triệu ồn ào, nhà thơ nhạy cảm vẫn thấy toát lên một chút gì đó tịch mịch xa vắng. Bởi vậy, cái chuyện cô đơn ngay giữa đám đông là không tránh khỏi và cảm tưởng cuối cùng được cô kết lại bằng cái câu rất sái: Xong rồi chả biết đi đâu - Xích lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương.
Thế nghĩa là gì? Dù đã chuyển sang thời hiện đại, song cảnh tượng ở đây chỉ là một biến thể của những chăn trâu đốt lửa với lại bắt gió chân cầu đã nói ở trên. Chua xót. Bế tắc. Cầm bằng đến đâu thì đến. Mà hoang dại vẫn hoàn hoang dại.

Rút lại thì tôi muốn bảo Đồng Đức Bốn là một giọng thơ dân gian hiện đại.
Dân gian là một khái niệm rất rộng. Là một cảm giác dang dở về đời sống. Là sự lạc quan tất yếu thành ra một thứ bản năng. Lại cũng là một nỗi buồn xa vắng khôn nguôi. Là sự hòa quyện giữa hy vọng và thất vọng. Là lòng ham sống là ý chí vươn lên đấu tranh cho đời sống ngày một tốt đẹp. Mà lại cũng là một sự hư vô buông xuôi gần như đồng nghĩa với tự cho phép muốn làm gì thì làm -, con người thì bao giờ cũng thế thôi, quá bận tâm đến họ làm gì cho mệt. Bởi vậy dân gian là trong sáng vô tư, nhưng cũng là hư hỏng đàng điếm tùy tiện "chí phèo"... Đấy đại khái dân gian có lắm sắc thái như vậy, và chúng ta còn đang nỗ lực để hiểu thêm về nó.
Riêng về Đồng Đức Bốn, tôi cảm thấy trong cái vẻ đều đều gióng một của mình, anh vẫn là một tính cách pha trộn. Trong giọng thơ này, cái già cỗi mệt mỏi tồn tại ngay bên cạnh cái trẻ trung, cái ham muốn bồng bột nẩy nở đấy mà cũng tàn lụi ngay đấy, để rút lại nhường chỗ cho cái ngu ngơ bất lực bao trùm. Vừa chấp nhận đầu hàng, bỏ qua tất cả, mà lại vừa tham lam càm quắp, cò kè tính toán, vơ véo nhặt nhạnh, níu kéo lấy một cái gì lúc nào cũng có thể mất.
Hình như sự chấp nhận nửa vời như thế đang là cái cách mà nhiều người đương thời, trước một đời sống đầy bất trắc, tự phát tìm đến để tự vệ?!
Làm đất đất phải nở hoa - Làm tôi, buồn cái người ta vẫn buồn - với câu thơ bâng quơ nghe như một tiếng thở dài đó, dường như Đồng Đức Bốn đã thú nhận: chẳng qua anh cũng chỉ như mọi người. Mà làm sao khác được cơ chứ! Luật đời đã định!
Trong khi khai phá và trình bày nỗi niềm hoang dại nơi mình, người thi sĩ đã giúp chúng ta tìm thấy một phần cái ta sẵn có mà lâu nay chót quên lãng và mặc dầu vẫn sống đủ với nó, song hầu như lại chưa bao giờ nghiêm túc suy nghĩ về nó. Cuộc đời thì ngắn mà mỗi chúng ta thì bơ vơ lắm.
SỐ TRUY CẬP online