Lý Lan

Vài nét tiểu sử
Lý Lan, sinh năm 1957 - Đã cho in một số tập truyện như Chiêm bao thấy núi (1991), Dị mộng (1999), Quá chén (2000) v.v... hoặc ký: Sài Gòn - Chợ Lớn rong chơi (1996), Dặm đường lang thang (1999).
Mạch sống tự nhiên
Về văn xuôi Lý Lan
Các tác giả văn xuôi Nam Bộ, từ Hồ Biểu Chánh qua Lý Văn Sâm, Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Trang Thế Hy v.v... thường có một nét đặc trưng chung trong bút pháp: lối kể chuyện của họ mộc mạc; cái thực trong văn họ tự nhiên mà không bao giờ mang tiếng trau chuốt, đẽo gọt, tức không gợi cảm giác khéo, nuột nà, càng không phải là kết quả một sự dụng công cố ý đi gần đến tiểu xảo. Đây không hẳn là câu chuyện phong cách bề ngoài; đây là một quan niệm về văn chương, về cuộc đời ít nhiều có dính dáng đến môi trường hoàn cảnh. Trên mảnh đất mới mẻ mà trù phú này, người ta thích sống một cách tự do, như chim trời cá nước, thích nói và viết sao như mình đang nghĩ, không sợ bị cái gì (kể cả quá khứ) ràng buộc.
Có thể Lý Lan không hoàn toàn cố ý, nhưng văn xuôi của chị chính là nằm trong cái mạch đó của văn xuôi Nam Bộ. Cây bút nữ này đã tiếp nhận một cách hồn nhiên kinh nghiệm của người đi trước, để rồi, trong hoàn cảnh của mình, thêm vào đó những sắc thái mới, làm nên một giọng điệu mới. Qua những trang sách của chị, người ta thấy hiện lên một phần hình ảnh xã hội sau chiến tranh với những xáo trộn nghiệt ngã, và những đổi thay mà trước đây không ai ngờ tới. Song cái chính là qua những trang sách ấy, người ta cảm thấy như được gặp gỡ với một tâm hồn nhạy cảm, biết nhìn đời một cách nhân hậu để tìm ra những vẻ đẹp và bất chấp mọi sự oái oăm rắc rối, vẫn có được một thái độ phải chăng, hợp lý, giữ lấy niềm tin cho riêng mình. Trong cái vẻ như là gặp đâu viết đấy, nhân có thời gian thì nói với nhau vài câu chuyện, văn Lý Lan gợi một cảm giác trẻ trung song nó là cái trẻ trung chắc chắn, chững chạc không có cái vẻ giả bộ ngây thơ hoặc uốn éo làm đỏm như đang thấy ở một vài người viết khác.
Vẻ đẹp giữa đời thường
Có lần, trong một câu chuyện văn chương, Lý Lan nói tới một loại người "biết lắng nghe trong náo nhiệt đời thường một tiếng thở dài kín đáo, biết nhìn thấy trong khói bụi ôtô sắc biếc xanh của cỏ ven đường".
Theo Lý Lan, đây là những phẩm chất tạo nên khả năng cảm nhận văn chương ở những độc giả chân chính.
Nhưng tôi tưởng đó cũng là những đức tính cần có ở những người viết văn. Đồng thời với việc bộc lộ nội tâm, mỗi kẻ cầm bút là một kẻ chăm chú quan sát đời sống bên ngoài, nhìn đâu cũng thấy những điều người khác bỏ qua, nên phải kêu để mọi người cùng biết. Và Lý Lan là một ngòi bút như thế. Hãy bắt đầu bằng Thả diều. Trong truyện này, Lý Lan kể chuyện một chú bé lang thang trên các mái nhà ọp ẹp của một xóm nghèo, vừa náo nức với con diều đang chao liệng trên trời, vừa nghe được đủ chuyện mọi người đang bàn tán dưới các mái nhà. Dường như nhà văn đã hoàn toàn hóa thân vào thằng bé, nhìn đời bằng con mắt của nó, cùng reo vui và náo nức sống với nó. Khi những cuộc hóa thân tương tự như thế liên tục xảy ra, lẽ tự nhiên là tác giả cảm nhận được cuộc sống với nhiều sắc thái. Có khi đó là những vẻ đẹp thiêng liêng cao cả như cuộc sống gian lao của đất nước (Cỏ hát), sự hy sinh tận tụy của một thầy giáo bình thường (Nguyệt quý). Có khi, gần gũi hơn, là vẻ đẹp giản dị của đám dân xóm nghèo, lam làm vất vả, mà sống nghĩa tình, và hết lòng với những mơ ước đơn sơ của mình (Chị ấy lấy chồng chưa, Thằng nhỏ cu-ly, Mùa lá chín).
Trong bài viết mang tên Bé Sáo vào đại học, Lý Lan kể chuyện một bạn gái từ sau 1975 chia tay Sài Gòn, "từ thành phố lên rừng rú mưu sinh, có lúc đào củ mài ăn qua bữa", nhưng không bao giờ tự cho phép mình "đánh mất văn hóa và bản sắc". Nay con nên người, chị trở lại thành phố xưa, đưa con vào đại học, trong lòng không khỏi dậy lên một niềm kiêu hãnh kín đáo.
Trong Trăm con hạc trắng, vì cuộc mưu sinh, một "họa sĩ vườn" phải bán đi bức tranh mà cả mình và con cái trong nhà đều yêu quý, loại tranh "cả đời người mới vẽ được một lần". Nhưng đứa trẻ ngẩn ngơ vì tiếc bức tranh lại cũng là đứa trẻ đưa ra lời an ủi thông minh: "Ba đừng buồn! Hạc trắng bay về Bồng Lai rồi!"
Đại khái là thế. Con người trong tác phẩm của nhà văn luôn luôn phải trải qua những khó khăn mà mọi kiếp làm người vẫn trải, và dù điều gì xảy ra, thì rồi người ta cũng sống qua được cả, nhẫn nại, cam chịu, giữ lấy niềm tin của mình. Về phần mình, Lý Lan thường dành cho những dòng đẹp nhất để ca ngợi những ai có nghị lực và giữ được bản sắc.
Tuổi trẻ và thời đại
Ngoài những ông già tốt bụng, những em nhỏ dễ thương v.v... có một loại nhân vật thường trở đi trở lại trong văn xuôi Lý Lan, đó là những cô gái trẻ. Khi mang tên Hương, khi Trâm, khi Yên, khi Hạnh... các nhân vật này thường có một nét giống nhau là có cách suy nghĩ riêng về đời sống, biết chấp nhận những người khác, nhưng lại vẫn giữ được tính độc lập. Sự tiến triển của văn xuôi Lý Lan hơn hai chục năm qua (từ cuối những năm bảy mươi đến cuối những năm chín mươi) phụ thuộc vào sự chín chắn của loại nhân vật này trong nhận thức cũng như tình cảm.
Một cô gái ra trường được phân công đi dạy ở một vùng xa. Ngay trên chuyến xe hàng dẫn đến miền quê kia, cô đã gặp bao cảnh nghịch mắt, khiến lòng cô se lại. Và câu cuối cùng trong thiên truyện mang tên Cần Giuộc này là cái câu tác giả đứng ra kín đáo mà ân cần an ủi cô:
- Tới Cần Giuộc rồi cô gái nhỏ ạ.
Sự ân cần ở đây là cần thiết vì trong những bước đường đời tiếp theo, lớp người trẻ tuổi sẽ còn gặp những chuyện éo le gấp nhiều lần. Đời đủ chuyện tốt xấu. Cái nhếch nhác nằm kề ngay cái đẹp. Một đứa trẻ ăn xin coi thật đáng thương, song để ý kỹ, hóa ra nó nói dối để kiếm sống - khổ vậy! Vấn đề không phải là những Trâm, Hương, Yên, Hạnh... kia ngại gian khó không dám hy sinh thân mình, hoặc ham chơi, hư hỏng gì. Mà điều quan trọng là đời sống trước mắt họ diễn biến không sao lường được và họ không biết sống thế nào, nghĩ về mọi người thế nào cho phải. Chiêm bao thấy núi kể những xúc động của một cô gái trước cái chết của một người bạn và điều làm cho nhân vật trong truyện hoảng hốt chính là sự dửng dưng của bản thân, của chung quanh trước cái chết ấy. Đến Chuyện kinh dị thì không khí lại còn thoáng một chút Liêu trai: Thiên truyện dữ dội bậc nhất này của văn xuôi Lý Lan mang trong mình có nhiều ý nghĩa khác nhau, trong đó, theo ý tôi, có một ý cũng khá rõ, là những khao khát được nhập vào đời, được sống, được hưởng thụ của tuổi trẻ, nó khiến cho gã thanh niên thì ngủ với ma, còn cô gái đã chết còn quay trở lại dương gian chòng ghẹo mọi người. Trước sau cái phần nhân bản trong các nhân vật trẻ này của Lý Lan vẫn được giữ vững. Họ nhẫn nại chịu đựng. Họ giữ được bình tĩnh để lắng nghe và phân tích đời sống. Nhưng phải nhận là càng về sau, các nhân vật này càng kín đáo và trầm tĩnh hơn, họ không còn cái hồn nhiên như trong Cỏ hát hoặc Vườn cổ tích. Ngược lại, nay là lúc họ trở nên chai lì như trong Tai nạn, họ gặp đâu hay đấy tùy tiện như trong Tiếng gõ cửa đêm. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều thiên truyện viết về sau này của Lý Lan được viết như là lời độc thoại nội tâm của nhân vật chính. Lấy chuyện Chơi Hạ Long làm ví dụ. Toàn truyện là lời nói thầm của cô gái hướng về một chàng trai cùng đi trong một chuyến du lịch. Tôi đang nói với anh đây. Nhưng tôi biết là anh chẳng để ý gì nên tôi chỉ đành một mình nói và một mình nghe. Cách kết thúc của Chơi Hạ Long lửng lơ, như cả cuộc đời này vốn lửng lơ, chẳng ai biết được hồi kết của nó. Gặp một sự việc gì mới, con người trong văn xuôi Lý Lan gần đây thường bình tĩnh chào đón với ý nghĩ "không chắc là dở, không chắc là hay". Đấy là nhận xét nhà văn dùng làm câu kết cho bài Tiệm nước, song nó cũng là tinh thần toát lên từ nhiều trang sách khác của chị, kể cả những truyện viết về lớp người trẻ tuổi, vì như chị nói "thời đại là vậy".
Một cách tồn tại trong văn chương
Theo con số ghi ở bìa bốn cuốn Dị mộng thì tới năm 2000, Lý Lan đã là tác giả của khoảng trên dưới hai chục đầu sách. Đã có thể nói tới một kiểu làm sách riêng của nhà văn này: Hình như là cốt để bán rẻ và có nhiều người đọc mà đó thường là những cuốn mỏng, mỗi cuốn chưa đầy 200 trang. Cầm những văn phẩm nhỏ gọn xinh xắn ấy, người ta không cảm thấy ngại, hơn nữa, có thể đút túi và mang theo người rồi đọc bất cứ ở đâu.
Từ cách làm sách này, có thể liên hệ rộng sang đến cái giọng riêng trong văn Lý Lan. Đó là một tiếng nói điềm đạm, không làm điệu làm ồn, tự tin ở sự tồn tại của mình, do đó là một tiếng nói dễ gần dễ thông cảm. Và bởi lẽ chị đã viết được đều đều, viết nhanh viết khỏe, có thể tin là trước mắt chúng ta một phong cách đã hình thành, một mạch văn đã khơi nguồn và đang chảy xiết, chứ không phải một sự "viết cho vui" hoặc ghé qua nghề nghiệp chốc lát rồi lại bỏ.
ở trên, tôi đã lưu ý một trong những yếu tố tôi tin có ảnh hưởng đến sáng tác của Lý Lan, đó là cái dòng văn xuôi Nam Bộ chân chất, mộc mạc, khởi đi từ Hồ Biểu Chánh, và còn tồn tại đến ngày nay với những Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Trang Thế Hy... Nhưng còn một yếu tố nữa, không thể xem thường: Trước khi viết văn và có một hồi đồng thời với việc viết văn, Lý Lan dạy tiếng Anh. Chị cắt nghĩa: tiếng Anh là ngôn ngữ thời đại, người thích học tiếng Anh ít nhiều đều có đầu óc khoáng đạt, nói chung là những người "giữ được nhịp tim mình đập tương đối cùng nhịp với phần sôi động nhất của cuộc sống hiện nay" (xem bài Cô giáo viết văn, in trong Khi nhà văn khóc). Tuy tác giả kín kẽ rào đón rằng "không dám nói đến truyện thông mạch với văn chương thế giới" nhưng sự thực là trên một số phương diện văn xuôi Lý Lan đã có được dáng vẻ hiện đại. Chất hiện đại này trước tiên bắt nguồn ở một cảm giác tự do và sự âm thầm tìm kiếm không chịu bó mình trong khuôn khổ có sẵn. Khi chuyển thành hình thức, chất hiện đại này bộc lộ rõ nhất qua lối tự sự đứt nối, lộn xộn, bột phát, mà người ta thấy trong một số thiên truyện như Dị mộng, Những viên sỏi cầm chơi, Biển trong mưa. Đến một trường hợp như Công tử vườn thì sự thể nghiệm còn đi xa hơn. Toàn truyện gồm 6 mẩu nhỏ, mẩu nào cũng do một người xưng tôi đứng ra đối thoại, nhưng thật ra đó là hai cái tôi riêng biệt. Đối với những ai quen thưởng thức văn chương cổ điển thì cách viết này hơi lạ. Song nó có ý nghĩa của nó. Hai nhân vật này chỉ gặp nhau trong ý nghĩ mà không gặp nhau trong đời thực. Bởi lẽ họ rất giống nhau nên họ lại trở nên những lực đẩy nhau. Và mỗi người vẫn cô đơn hoàn toàn!
Cố nhiên, ở Lý Lan, những tìm tòi như trên chỉ xuất hiện trong một số ít truyện ngắn. Còn nói chung, ở phần lớn truyện còn lại, nhất là trong các bài ký, văn xuôi Lý Lan đôn hậu, tự nhiên, dễ đọc. Trong bài Ăn cháo Tiều có đoạn Lý Lan dừng lại tả món cháo riêng của những người Hoa gốc Triều Châu, Phúc Kiến, loại cháo "nấu vừa chín, hột gạo còn nguyên, chỉ hơi mềm hơn cơm một chút" ăn với các loại "củ cải muối, đậu muối, hột vịt muối". Và chị kết luận "Tôi đã mất hơn ba mươi năm mới thấm thía hết cái ngon của một chén cháo ăn với củ cải muối vào buổi sáng tinh mơ...". Về phần người đọc tôi có cảm tưởng là trong nhiều trường hợp văn Lý Lan cũng có được cái vẻ chín tới, đậm đà, thanh khiết, như món cháo chị đã tả.
Bóng dáng người xưa
Thời tiền chiến ở ta có một nhà văn gốc Hoa là Hồ Dzếnh (1916-1991). Giữa Hồ Dzếnh với Lý Lan có sự cách xa nhau đến gần nửa thế kỷ, song sự xuất hiện của người đi sau vẫn nhắc nhở tới sự tồn tại của người đi trước với nhiều nghĩa. Một mặt cả hai cây bút đều có những trang lời lẽ đơn sơ, mộc mạc mà hết sức xúc động viết về quê mẹ. Mặt khác, họ vẫn không quên dòng máu Trung Hoa chảy trong huyết quản. Hồ Dzếnh có truyện Ngày gặp gỡ, hình dung lại ngày song thân mình lần đầu làm quen với nhau bên bến Phà Ghép (Thanh Hóa) ra sao, thì Lý Lan có Đất khách dựng lại một phần quá trình đám dân Triều Châu trong đó có ba chị đến lập nghiệp ở Sài Gòn lục tỉnh như thế nào. Thấp thoáng trên nhiều trang Chân trời cũ là hình ảnh nước Tàu ngày xưa mà Hồ Dzếnh nghe người cha kể lại. Còn Lý Lan, tuy chỉ nhắc tới nền văn hóa Trung Hoa hơn là những kỷ niệm cụ thể, song câu chữ của chị thường đúc lại như thơ "Xa xăm trong mắt nhìn của ba có khóm trúc xanh mà cậu bé nào ngàn năm trước đã bẻ làm con ngựa cưỡi quanh giường đùa với cô bạn gái của tuổi thơ. Lối mòn nào Lỗ Tấn đã đi qua thành đường. Và vầng trăng nào Lý Bạch đã ngẩng đầu nhìn rồi cúi đầu nhớ cố hương".
Có thể dự đoán ở cả hai nhà văn, cái cảm giác về một "thân phận kép" đã trở thành ám ảnh, và sở dĩ họ cầm bút viết văn một phần là vì luôn luôn họ phải nghĩ về trường hợp của bản thân cùng những tình cảm sâu nặng trong lòng, như xưa nay, cách tốt nhất để hiểu những điều không cắt nghĩa nổi là giãi bày chúng trên mặt giấy.
Riêng với Lý Lan, do hoàn cảnh riêng là lớn lên ở một miền đất mà người Hoa sống tập trung, chị lại có dịp nói kỹ về sinh hoạt cộng đồng này, từ Chuyện làm ăn, Một tiệm chạp phô, Tiệm nước, tới việc viết chữ ghi lại Bút tích ngày vui của họ. Nhưng với mọi tầng lớp bạn đọc những cảnh sinh hoạt của người Hoa và trước tiên là cái hẻm nhỏ nơi chị lớn lên vẫn có chút gì đó rất thân mật. Trong trí tưởng tượng của một số người, cái Chinatown này thường được vẽ lên như một quái vật khổng lồ, từng có thời gian khống chế đời sống kinh tế một vùng, kèm theo là nhiều âm mưu và tội lỗi. Song với Lý Lan, Chợ Lớn lại hiện ra như một mảnh đất hiền lành, ở đó, con người ta bảo ban nhau làm ăn, không khí chung chẳng có chút gì đáng sợ, mà chỉ thấy vẻ mờ mờ xám xám thân mật như nhiều mảnh đất khác. Cho đến khi miêu tả những người Hoa họ hàng quen biết vừa gặp lại trên đất Mỹ thì Lý Lan cũng chỉ nói tới những con người nghèo nghèo, tội tội, đang vật lộn kiếm sống và tìm cách thích nghi với mảnh đất mới: hình ảnh cuộc sống hôm qua ở Việt Nam đã mãi mãi hằn lên trong cách sống của họ.
Cũng như nhiều người, trước đây tôi hay nghĩ tình yêu khi mang san sẻ, sẽ vơi đi mỏng đi, nhưng Lý Lan đã khiến cho tôi phải nghĩ lại. Trước sau chị vẫn giữ được cùng một tình cảm cùng một giọng điệu cả khi kể chuyện "một góc phố Tàu" lẫn khi miêu tả vẻ gan góc nghị lực của nhiều người dân Sài Gòn, hoặc khi phác họa dáng vẻ rầu rầu đáng thương của mấy em bé miền Trung những ngày lụt lội. Những đoạn văn ấy có chung một tinh thần nhân bản và do thế chúng thân thiết với chúng ta như mọi trang văn hay ta vẫn đọc.
SỐ TRUY CẬP online