Tô Hoài và những nghiêm chỉnh của kiếp phù du

I

Mấy năm từ 1992 đến 1996, do công việc ở một đề tài khoa học, gần như hàng tuần tôi đều có dịp phải gặp và làm việc với nhà văn Tô Hoài. Ấn tượng còn lại ở tôi: đây là một người có cách sống cách làm việc phù hợp với nghề, do đó, đời cầm bút thật bền mà cũng thật hiệu quả. Sau hơn 50 năm lao động chữ nghĩa, con người đó vẫn làm việc đều đặn tưởng như có viết vài chục năm nữa cũng không hết việc.

Kể ra đã ngoài 70, đâu ông còn khoẻ như thời mỗi đêm lia xong một truyện ngắn nữa! Thỉnh thoảng đã triệu tập chúng tôi đến họp rồi, ông lại gọi điện bảo hoãn. Khi thì cái chân ông giở chứng. Khi thì máu lên huyết áp. Nhưng nếu Tô Hoài khoẻ mạnh bình thường, ông khá nghiêm túc. Thông thường trước giờ họp ông đã có mặt, trò chuyện linh tinh với mọi người. Về phần mình, chúng tôi cũng muốn nghe chuyện ông trước khi vào việc. Chuyện ông mang đủ vui buồn của sự đời, không nghe chỉ thiệt, nên anh chị em có thói quen đến sớm, góp chuyện. Còn như nếu có đến họp muộn, chúng tôi cũng không phải quá lo lắng, bởi Tô Hoài là loại “sếp” biết thông cảm với nhân viên, ông hiểu rằng luôn luôn, người ta có muôn ngàn lý do để đi chậm để dề dà ngần ngại trong công việc, thôi, loanh quanh thế nào cũng xong, cứ thủng thẳng mà làm, có sốt ruột cũng chẳng được.

Thế còn Tô Hoài nói gì trước khi họp? Đủ thứ! Chuyện bên hàng xóm, người ta xây những ngôi nhà to vật to vã, thành thử nhà ông, cái nhà mua bằng nhuận bút kịch bản phim Vợ chồng A Phủ, đang khang trang rộng rãi, tự nhiên trông như túp lều, có lẽ phải gọi bán. Chuyện đi ăn phở bây giờ nhiều người còn thích đập thêm quả trứng vào, có biết đâu một người như cụ Tuân, cả đời chỉ ăn phở bò chín. À cửa hàng nọ chuyên bán cho dân rực của lại còn sáng chế ra thứ phở thịt nạc băm viên như viên mọc, ở Hà nội xưa nay không ai ăn thứ phở táp nham vậy.

Chờ xe cùng với chúng tôi bên đường, Tô Hoài chỉ cái cống nước đen ngòm đang chảy:

- Hồi trước, nhà nào để thế này đội xếp nó phạt chết.

Đá sang chuyện dạo này người ta đi hội nhiều, ông than phiền:

- Cứ như tôi nhớ vùng Bưởi hồi trước, không phải làng nào cũng có hội. Tế lễ ở đình thì mọi làng đều làm, nhưng mở hội tức là góp mặt với thiên hạ. Phải thế nào, người ta mới đến xem cho chứ tưởng dễ hẳn. Anh để ý, bây giờ nhiều đám rước người đi rước đông hơn người đi xem. Đấy là điều trái ngược và xấu hổ.

Dông dài mà thiết thực, chuyện của Tô Hoài là chuyện của người đang sống đang lo toan vui buồn về cái hàng ngày, như mọi người khác. Chả thế mà trong những thiên truyện như Con ngựa, những thiên tuỳ bút như Tình tình gió bay... hoặc các chân dung viết về Nguyễn Văn Bổng, Trọng Hứa... mới in gần đây, Tô Hoài có thể mang vào đó đủ thứ chi tiết linh tinh của “thời mở cửa” mà người ta khó nghĩ là một ông già bảy mươi lại có thể còn để ý tới. Sau thời bao cấp, không ít nhà văn lúng túng. Con người bây giờ nhộn nhạo quá. Trong lúc lao đi kiếm sống, cá nhân trở lại cái tự phát nguyên sơ của mình và vận động không theo khuôn phép nào cả. Đỗ Chu ngơ ngác nhìn Mảnh vườn xưa hoang vắng; Nguyễn Khải than thở cho Một thời gió bụi. Về phần mình, Tô Hoài có vẻ như không chút ngạc nhiên. Đã già từ lúc còn trẻ, nay về già ngòi bút ông lại trẻ lại. Ông vẫn đi họp, làm báo, chủ toạ hội nghị, và lại viết khoẻ. Nhiều lần tôi đã tự hỏi, vì sao Tô Hoài lại có được sự trẻ khoẻ dẻo dai như vậy? Ở đây, hẳn có những phần thuộc về sự rèn luyện của ông, lâu ngày thành một thói quen không cần cố gắng. Và trước bao thay đổi hàng ngày, con người ông vẫn dễ dàng thích ứng. Vũ Quần Phương có lần nói, đại ý: tìm hiểu về Tô Hoài, là cả một thách thức thú vị.

Những ai có dịp cùng làm việc với Tô Hoài đều có cái bỡ ngỡ và háo hức tương tự.

Được cái, trong việc này chúng tôi có một thuận lợi là Tô Hoài rành mạch: Trong khi vẫn giữ cho mình một thế giới riêng tư, ông không quá khép kín và đẩy mọi người ra xa, để gây ấn tượng. Mà ông cũng không tạo ra vẻ cởi mở giả tạo, cốt lấy lòng ai. Đôi khi, ông ngồi uống bia hay uống rượu quán bờ hè. Đội cái mũ che cái trán quá hói, ai hỏi thì bảo trước làm nghề kế toán, về hưu đã lâu như vậy dễ chuyện hơn. Một lần ở quán rượu cụ Xưởng phố Nguyễn Khuyến, người con ông cụ đến thăm bố, nhận ra ông. Vì anh ấy làm giáo viên, đã gặp ông. Thế là những lần sau, lần nào cụ Xưởng cũng đem bản thảo dịch thơ Lamactin của cụ đọc cho ông nghe và yêu cầu góp ý kiến. Ông Tô Hoài lủi dần.

Ông thường sống đúng như ông có, biết lui biết tới, biết lẩn tránh, nhưng cũng biết đối mặt trước mọi sự tọc mạch. Mẩu chuyện sau đây minh chứng cho điều đó.

- Dế mèn lưu lạc mười năm

Để O chuột phải ôm cầm thuyền ai

Miền Tây sen đã tàn phai

Trăng thề một mảnh lạnh ngoài Đảo hoang.

Đấy là mấy câu tả chân dung Tô Hoài của Xuân Sách. Trong khi chơi trò ghép các tác phẩm của Tô Hoài lại thành vần, người viết chân dung vẫn làm toát ra được chút cám cảnh về một cuộc đời buồn buồn, đơn độc.

Hồi đó là vào khoảng 72-73 gì đó, tập chân dung sau này sẽ gây ra nhiều tai tiếng của Xuân Sách chỉ vừa mới thành hình được những bài đầu tiên. Một trong những người có tham gia vào khâu bếp núc những bài thơ ấy là Nguyễn Khải, cây bút có những lúc khá hiếu động, thành thử mặc dù đã bảo nhau là chỉ làm chơi thôi, song vẫn cứ táy máy, muốn đi đây đi đó, kháo với mọi người. Cho đến lần ấy, nhân buổi chiêu đãi ở nhà xuất bản nọ, có mặt cả mấy nhà văn cỡ bự. Nguyễn Khải liền tính chơi trò vỗ mặt, đọc thẳng cho các vị ấy nghe. Trước những lời rào đón của Nguyễn Khải, nhà văn X. ra vẻ xởi lởi:

- Đọc đi xem nào, cái lối viết anecdote này, nước nào chẳng có?

Tô Hoài thì dè dặt hơn, chỉ mủm mỉm cười, như có vẻ không tin mà lại như có vẻ chờ đợi.

- Tính cách mình hơi khó nắm bắt đấy!

Thế là cánh cửa đã mở. Nguyễn Khải vừa đọc, vừa thăm dò phản ứng. Quả nhiên trận lôi đình nổi lên, nhưng nhà văn X. đành cố kiềm chế, chỉ nghiêm mặt hỏi:

- Loại thơ này có lợi cho ai nhỉ ?

Đến lượt Tô Hoài, nghe được ba phần tư bài thơ, Tô Hoài đã xua xua tay:

- Thôi đủ rồi! Thế là biết tài nhau rồi.

Và ông lảng sang chuyện khác.

Theo tôi nghĩ, cái đáng quý của Tô Hoài trong trường hợp này cũng như nhiều trường hợp tương tự là sự sòng phẳng và biết lui biết tới. Ông không đặt mình cao hơn mọi người. Ông hiểu rằng, đã gọi là nghề văn, cái sự chế giễu khích bác nhau là không khỏi xảy ra hàng ngày, và mình không phải là một ngoại lệ. Mình có thể là một nhà văn nổi tiếng, là cán bộ phụ trách Hội. Nhưng đấy là khi vào các buổi họp, còn ở đây, trong câu chuyện bên bàn tiệc, mọi người bình đẳng, và nếu như có ai đó lỡ lời nói quá, thì nên quên ngay cho được vui vẻ. Vâng. Ở Tô Hoài, sự thoả hiệp đã thành một thói quen thường trực. Sau hơn một tháng dự trại viết cho thiếu nhi ở Đại Lải, Nguyễn Minh Châu rút ra một nhận xét về Tô Hoài: Không bao giờ ông muốn đối lập với người đang trò chuyện với mình, bao giờ ông cũng nhanh chóng tìm ra cách hoà hoãn.

Còn theo nhận xét của một người làm việc cùng cơ quan với Tô Hoài, thì chính ra ông là người thích lẩn trốn vào một chỗ vắng, làm nhoà mình đi, trong những hoàn cảnh không cần thiết.

Dù sắc sảo đến đâu, mọi ý tưởng của ông đều được nói ra một cách từ tốn. Cái sự tồn tại trong đời của ông là nhởn nhơ bảng lảng. Ông thường nói đùa: dong chơi có trách nhiệm và bổ ích. Giữa đám chúng sinh nhợt nhạt, bản sắc riêng của ông không hằn lên, khắc lên như Nguyễn Tuân mà ông đã để cả cuốn Cát bụi chân ai để miêu tả. Ông lại càng không cố ý kềnh càng giữa đời như cụ Nguyễn. Nên đúng là hơi khó nắm bắt. Nhưng bảo là ông không có cái riêng là không đúng.

“Ô hay, người ta ra người ta thì phải là người ta đã chứ” - Ai đọc Cát bụi chân ai, làm sao quên được cái câu lý sự rất Tô Hoài ấy!

Một lần, trong lúc vui chuyện sau một bữa ăn, một người chợt nhận ra là nét mặt Tô Hoài sao hao hao giống như ông X., một nhà hoạt động xã hội, ảnh vẫn thường thấy trên mặt báo. Tô Hoài không cần suy nghĩ, nói bằng giọng bông đùa mà có ngụ ý khiến chung quanh cùng cười:

- Sao lại bảo là tôi giống ông ấy, phải nói ông ấy nhang nhác giống tôi mới đúng.

Lần khác, khi ra cửa sân bay Nội Bài, đáp lại tiếng reo của một cô gái trẻ: “A! Bác Tô Hoài! Bác viết Dế mèn phiêu lưu ký đây mà!”, ông chỉ tủm tỉm không nói gì. Nhưng đi một quãng, Tô Hoài ghé tai bọn tôi nói nhỏ:

- Chẳng phải nó đọc, mà bố mẹ nó đọc, ông bà nó đọc ấy chứ!

Biết mình biết người; tận hưởng ưu thế của một nhà văn nổi tiếng giữa đời thường, song lại biết điều, phải chăng trong cư xử; khi không cần thiết thì sẵn sàng tránh sang một bên nhưng không việc gì là qua khỏi mắt, và khi cần, lại diễn rất tài cái vai đang phải đóng - Tô Hoài là vậy. Trong lúc thân tình, một lần Nguyễn Khải nửa đùa nửa thật tâm sự với tôi: “Các bố trẻ bây giờ không quen nổi tiếng, nên vừa được người ta để mắt tới là cong cớn hợm hĩnh trông rất buồn cười. Chỉ một số cáo già trong nghề đã quen với sự nổi tiếng, mới biết làm sao mình vẫn là mình trước sự trầm trồ ca tụng của thiên hạ. Có phải dễ mà biết sống trong sự nổi tiếng đâu!”. Lúc nói câu này, Nguyễn Khải không chỉ cụ thể một ai, những mỗi lần nhớ tới cái nhận xét thần tình ấy tôi lại liên hệ ngay tới tác giả Dế mèn phiêu lưu ký.


II

Mỗi nhà văn đến với nghề nghiệp bằng một con đường riêng và sẽ tồn tại trong nghề theo những phong cách riêng. Song ở các nhà văn có thể gọi là thành đạt, những nhà văn có một cái tên mà đọc lên, nhớ ngay được, người ta thường nhận ra một nét chung: ấy là, những độc đáo trong tính cách, trong số phận khiến cho họ gần như nhất thiết phải làm nghề ấy, mà không thể làm nghề khác.

Tô Hoài là một ví dụ về cái sự gần như nhất thiết ấy.

Dù là chỉ tính ang áng theo kiểu Việt Nam, thì nhìn vào tuổi nhỏ Tô Hoài, không ai tìm thấy một sự chuẩn bị hoặc một bệ phóng nào cả. Nhà văn đã viết trong Cỏ dại và Tự truyện có lần kể với tôi là gia đình bên nội bên ngoại ông nghèo lắm, đến sinh ngày nào con cháu cũng không biết. Chơi đùa chạy nhảy là trên cánh đồng Nghĩa Đô; đi học là ở trường làng và các vùng ngoại ô lân cận; người dắt ra làm quen với phố xá Hà Nội là các dì, các mợ - sự lớn lên của Tô Hoài lúc đó dựa hẳn vào bên ngoại. Song dựa vào để lấy chỗ làm ăn, chứ mấy quyển truyện nôm của các nhà in sách phố hàng Gai, quyển Kiều truyền tay giữa bạn bè, hoặc mấy quyển sách dịch của tủ sách Đông Tây tư tưởng mà anh thợ cửi Nguyễn Sen mượn ở nhà các ông trưởng bạ, hộ lại làng quê để đọc những lúc rỗi... những sự chuẩn bị vẩn vơ ấy đâu đủ là bảo đảm chắc chắn để con người này đến với nghề cầm bút.

Có điều càng thấy rằng sự chuẩn bị của gia đình và xã hội cho Tô Hoài vào nghề vẫn là không có gì, người ta mới càng hiểu hơn cái phần năng khiếu to lớn, nó khiến cho Tô Hoài chỉ trong nghề này mới tìm thấy sự thích thảng thoải mái.

Nhân ngẫm nghĩ về sự đời, trong một lần vui chuyện, Tô Hoài nói với tôi cái điều có lẽ ông đã chiêm nghiệm từ lâu:

- Không có Cách mạng 1945, chắc ông X. sẽ ra làm quan (khoảng 1943-1944, X. từng theo học trường luật, nơi chuyên đào tạo luật sư, tri huyện). Mà không có Cách mạng chắc ông Y. đi làm giáo sư. Chỉ có mình, không có Cách mạng chắc vẫn đi viết văn.

Cũng cái ý ấy, song Tế Hanh có cách nói khác. Có mặt trong buổi lễ mừng thọ Tô Hoài 70 tuổi, đặt bên cạnh bao nhiêu lời chúc tụng ồn ào, Tế Hanh chỉ bảo rằng Tô Hoài sinh ra để viết, đại khái giống như, tuy ở một tầm cỡ khác, như P. Picasso cũng sinh ra để vẽ. Sự so sánh đã được giới hạn, nhưng chắc chắn, đó là một lời khen tuyệt vời mà người cầm bút nào cũng mong mỏi và với Tô Hoài lại vẫn là một lời khen đích đáng. Có cảm tưởng như bao nhiêu kinh nghiệm hàng ngày, trước sau đều được nhà văn đưa hết vào trang giấy. Ông sống để viết và phải viết, như phải ăn phải uống. Không phải ông chỉ ỷ vào cái năng khiếu sẵn có. Ngược lại ông biết gây dựng cho sự nghiệp của mình, như chăm một cái cây, cho thân nó cao, lá nó xanh, tán nó rộng. Và ông biết nuôi tài năng ấy, bằng cuộc sống quanh ông, chứ không tìm ở đâu khác.

Điều này diễn ra trong suốt cuộc đời làm nghề của Tô Hoài.

Hơn nửa thế kỷ trước, khoảng 1942-43, sau khi Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng được in ra, Vũ Ngọc Phan có viết trong Nhà văn hiện đại rằng ông có cảm tưởng được đọc một cuốn sách in ở bên Anh bên Nga. Là vì tự truyện của Nguyên Hồng thực quá. Bằng một giọng kể run run cảm động, người thanh niên Nguyên Hồng lúc đó dám giãi bày trên mặt giấy những sự việc mà trong câu chuyện riêng với nhau, người ta cũng phải giấu.

Cũng thời gian này, Tô Hoài viết Cỏ dại (in ra 1944) một cuốn hồi ký có cách viết, cách nhìn đời tương tự như quyển tự truyện của Nguyên Hồng. Sau khi trổ tài quan sát và trình bày nhiều ý nghĩ sâu sắc trong Dế mèn phiêu lưu ký, đến đây, ngòi bút Tô Hoài như đằm xuống. Nếu ở Những ngày thơ ấu, người ta được nghe chuyện trốn học, chuyện đánh đáo ăn tiền, thì ở Cỏ dại hết chuyện cậu bé chốc đầu, được ông ngoại lấy nước điếu chữa ra sao, lại chuyện từ nhà quê lên phố chờ đi học, sống ít ngày không đâu vào đâu, rồi ngơ ngẩn vẫn hoàn ngơ ngẩn. Trước mắt chúng ta là một cuốn phim quay chậm ghi lại chuỗi ngày tầm thường nhạt nhẽo của một đứa bé tinh quái, lêu lổng. Phải một ngòi bút tự tin lắm mới dám đưa những chuyện đó lên mặt giấy. Nhất là đưa ra sao khiến khi đọc, người ta có thể cảm động đến ứa nước mắt thì chỉ loại Tô Hoài, Nguyên Hồng mới làm nổi.

Những cái nhếch nhác, nhất là những cái xấu xa nhảm nhí mà Nguyễn Công Hoan hoặc Vũ Trọng Phụng nói tới trong văn các ông là những gì ở ngoài các ông và các ông thường nhìn chúng căm ghét khinh bỉ. Nhà văn đứng cao hơn hẳn điều mình miêu tả.

Đọc văn Nguyên Hồng cũng như Tô Hoài, thấy sự nhếch nhác là ở ngay đây, bên cạnh nhà văn, trong chính bản thân kẻ viết văn, và việc cầm bút lúc này giống như một sự giải thoát. Tôi biết là tôi sống giữa xấu xa dơ bẩn như mọi người. Mọi chuyện không thơm tho đẹp đẽ gì. Nhưng tôi chấp nhận. Và riêng việc được viết nó ra đối với tôi đã là một điều hào hứng. Cái sự chủ động trong bị động này ở Tô Hoài đã thành một thứ bản lĩnh thường trực. Ngoài chuyện giúp ông dám viết, nó còn giúp ông vững vàng ở một lĩnh vực cần thiết cho viết lách tới mức thiếu đi không viết nổi, đó là sự quan hệ với người trong giới và sự tự học.

Giờ đây, có dịp lùi xa hơn nửa thế kỷ, văn học 1932-45 đối với chúng ta là một cái gì thuần nhất, và những tên tuổi như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, rồi quá nữa, Khái Hưng, Nhất Linh có đặt bên cạnh Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Bính thì cũng là sự tự nhiên, họ là thuộc về cùng một thời đại.

Nhưng hãy thử đặt mình vào địa vị Tô Hoài, ở cái điểm khởi đầu, là quãng năm 1940 khi mà anh thợ cửi Nguyễn Sen bắt đầu gửi bài tới các báo, báo nào cũng gửi, và đến khi có truyện ngắn Mê gái - sau đổi là Chú gà trống di - in ở báo Chủ nhật, đến muốn đòi tiền, thì người ta chỉ gọi nhau chạy ra xem, chứ tiền không trả. Bấy giờ, khoảng cách giữa một nguời dân ngoại thành học chưa hết tiểu học với đám nhà văn nhà báo đã học hết thành chung, tú tài, khoảng cách ấy là xa vời đến mức làm người ta rợn ngợp và không đám nghĩ tới nữa. Ấy thế mà Tô Hoài không nản. Mới quen với nhà văn Vũ Ngọc Phan do mấy truyện ngắn đăng trên báo Hà Nội Tân văn, ông đã lân la định nhờ tác giả Nhà văn hiện đại giới thiệu để xin thẻ Thư viện quốc gia và khi không được, thì đến ngay thư viện của gia đình Vũ Ngọc Phan, để mượn sách bù vào chỗ thiếu ấy vậy. Quen Vũ Bằng cũng một phần là để học nghề, để mượn sách, bởi vậy mấy chục năm sau, Tô Hoài còn nhớ đến cuốn Phố Mèo câu cá của nhà văn Rumani gốc Hung, mà Vũ Bằng đã cho Nam Cao và Tô Hoài mượn, rồi vài hôm sau cho anh xe lên đòi. Đời sống đã đẩy Tô Hoài đi viết văn, nhưng lại chỉ cho ông năng khiếu mà không cho ông kiến thức sách vở. Để bù vào chỗ thiếu sót ấy, ông đành tự học suốt đời. Giới cầm bút đã quá quen với chuyện thượng vàng hạ cám cái gì cũng đọc của Tô Hoài, song đến lượt tôi, tôi vẫn không hết ngạc nhiên. Cho đến khi, tôi trực tiếp hỏi, thì vẫn cái cách trả lời dẽ dàng vốn có.

Về thời giờ để đọc:

- Tuổi già, ngủ một lúc đến độ hai ba giờ là mình dậy, lúc ấy sách gì mà chẳng đọc hết.

Về bản chất của cái sự đọc nhiều này:

- Ấy là thói quen của người tự học.

Cũng nên nói thêm là, trong cuộc đời Tô Hoài, còn có một chặng thử thách nữa, mà nhờ thói quen thích ứng, tức cũng là nhờ bản lĩnh, ông đã hồn nhiên để trụ vững để rồi vượt qua, một cách nhẹ nhõm, ấy là những ngày đầu kháng chiến chống Pháp khi ông cùng các đồng chí đồng nghiệp được điều lên Việt Bắc, tận chân dãy núi Phia Boóc (Bắc Cạn) làm báo Cứu quốc. Bấy giờ khoảng 1947-48. Dường như cách sống của một nhà văn nổi tiếng tiền chiến chưa hề nhiễm vào Tô Hoài, lúc này, những tháo vát xoay xoả của người thợ cửi cũ, lại được thức dậy. Ông sống giữa đồng bào dân tộc Mán, làm công tác địa phương. Ông viết báo, viết tường thuật các trận đánh, viết xong, đọc ngay cho đồng bào nghe để lấy ý kiến. Bề ngoài tưởng như trước mắt chúng ta là một con người hoàn toàn khác, và người cán bộ ba mươi tuổi ấy không còn dây dưa gì đến những chơi bời lăn lóc trên phố phường Hà Nội thuở nào. Song thật ra con người viết văn của Tô Hoài vẫn làm việc, ông gần như chuẩn bị lại từ đầu. Ông vẫn viết đều, truyện ngắn có, truyện vừa có, nhưng lại rất nhiều những ghi chép, phóng sự, ký sự và các bài báo vặt, và cả ca dao nữa, ca dao cho người dân kháng chiến dễ nhớ. Có cảm tưởng Tô Hoài là cái cây khoẻ, đất nào cũng mọc được, vứt vào đâu cũng sống được, và sống đến đâu viết đến đấy.


III

Từ những năm mới bước vào nghề làm văn làm báo, tôi đã được nghe các bậc đàn anh ở tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng như đám bạn bè cùng tuổi kể nhiều về Tô Hoài, đại khái nói bằng ngôn ngữ của đường phố thì ai cũng kêu rằng đấy là một bậc “lõi đời”, dân làm nghề loại “bợm”, trình độ võ công thượng thặng bộc lộ ở chỗ lúc nào cũng nhẹ như không, có vẻ chẳng cần nỗ lực làm gì, chỉ nhởn nhơ, thoải mái mà công việc vẫn chạy đều đều.

Kể ra, nghề gì cũng vậy, có chăm chỉ mới sống nổi. Nghe nói ở nhiều nước phương Tây có những nhà văn viết bằng cách đọc vào máy, rồi có người gỡ băng, đánh máy lại. Sách ra ùn ùn. Nhưng ở ta cái thời văn chương điện tử ấy chưa tới, nghề văn đại khái vẫn là nghề thủ công, thành thử, sự chăm chỉ ở đây phải mang bộ mặt thô sơ của nó. Có tài cán đến mấy, mà không vào bàn, cũng không ra chữ - đấy là điều đã đúng với bao nhà văn khác, Nguyễn Công Hoan và Ngô Tất Tố, Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu.

Tuy nhiên giữa bao nhiêu sự cần cù ấy, riêng lối chăm chỉ của Tô Hoài vẫn là lạ, là khác đời. Nó thành một nếp sinh hoạt hàng ngày. Nó bền. Nó kéo dài. Đôi khi nó công khai bày ra trước mọi người trong các buổi họp đến mức người ngoài trông chướng anh ách, song Tô Hoài vẫn không lấy làm điều, cứ cách của mình mà làm. Vâng, quả thật là giữa một thế giới văn chương nửa nghiệp dư, nửa chuyên nghiệp, kết quả của một kiểu sống nửa cán bộ, nửa nghệ sĩ luôn luôn thấy những tuyên bố, những tranh cãi hão huyền, mà tác phẩm có chất lượng chẳng là bao, thì việc Tô Hoài cứ miệt mài viết cắm cổ viết, sách ra đều đều và bao giờ cũng có chút gì đó để người ta đọc như thế, bảo không lạ sao được! Dường như nhà văn tìm thấy ở trong cái sự có mặt thường xuyên của mình một lẽ sống, và hơn nữa, một triết lý, nó nâng đỡ và hướng dẫn ông trong suốt cuộc sống.

Cuối năm 1969, tạp chí Tác phẩm mới ra đời. Từ chỗ chỉ có một tờ báo duy nhất là tờ Văn nghệ, nay Hội Nhà văn có thêm một cơ quan ngôn luận nữa, nên mọi người dễ để tâm lo liệu cho nó. Tự tay Nguyễn Đình Thi đứng ra làm mấy số đầu. Rồi có dạo Hoàng Trung Thông đứng ra phụ trách. Nhưng hai người làm lâu nhất là Tô Hoài và Chế Lan Viên - hai ông theo lối luân phiên hết sáu tháng người này trực đến sáu tháng người kia trực. Biết tôi thích nghe chuyện Tô Hoài, anh bạn H. làm chân ét chuyên lo chạy bài cho phần phê bình kể:

- Cơ quan kéo nhau đi nghỉ ở Đồ Sơn ít ngày, trên đường về gặp nước lụt. Xe không đi được phải chờ. Trong lúc anh em ngòi tán phét, thì cụ Tô Hoài cụ ấy ngồi viết xong một kịch bản phim hoạt hình.

- Thì vẫn đến chơi với cơ quan, ông còn lạ gì, trở đi trở lại có cái phòng ấy, bàn tổng biên tập ngay cạnh bàn chúng tôi, đấy là nơi cụ ấy vừa tiếp khách, vừa viết tiểu thuyết.

Trở lên là chuyện tôi nghe được, còn đây là chuyện chính tôi chứng kiến: một lần, ở Moskva, hôm trước vừa đi với Tô Hoài nghe ông kể định viết bài bút ký thế này thế này, hôm sau, trong điện thoại, đã nghe ông bảo rằng viết xong rồi!

- Ôi! Anh viết nhanh thế!

- Đời người ta chơi nhiều, dông dài nhiều, chứ ngồi viết có mất mấy thì giờ.

Một lần khác, có dịp sống cạnh Tô Hoài trong một chuyến đi công tác, tôi ngạc nhiên nhận thấy: khi lấy kim chỉ ra khâu lại cái khuy áo với khi kỳ cạch chữa bản thảo cho kịp gửi về Hà Nội cũng vẫn cái dáng ông già cặm cụi ấy. Đoán ra tâm trạng tôi, ông cười, trông vừa láu lại vừa hiền:

- Thì mình chẳng đã viết đây đó rằng nghề văn xuôi giống như nghề của mấy anh thợ may là gì?

Một sự so sánh thuần tuý Việt Nam. Song mỗi lần nhớ tới nó, lại không khỏi liên hệ tới cách nói của một nhà văn Pháp còn đang sống, ông Le Clézio:

“Trở thành nhà văn có lẽ làm ta vướng víu. Nhưng viết văn là một nghề theo nghĩa cổ nhất của từ này. Khi nghĩ đến nhà văn, tôi nghĩ đến những quyển sách mà người ta truyền tay nhau đọc. Rồi tôi nghĩ ngay đến bút, giấy. Càng ngày càng khó tìm ra giấy đẹp, thứ giấy không trắng quá, nhưng lại thấm mực và khiến cho người ta thích viết... Nhà văn là người mang những thói tật của người thợ thủ công mỹ nghệ, thợ làm đồ nữ trang. Một nghề nghiệp đòi hỏi phải thật khéo tay. Phải giải quyết những khó khăn trong việc và víu và lắp ráp như thợ chữa giày, chỉ khác ở chỗ giày thì người ta biết dùng để làm gì. Còn sách thì... tôi chưa chắc chắn lắm. Tuy nhiên, có những dân tộc không cần đi giày nhưng lại cần sách”.

Giữa các nhà văn Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân là một trong nhưng bậc thầy, một người sinh ra để viết văn, và nói như Nguyễn Minh Châu, thực sự là đã trở thành một định nghĩa về nhà nghệ sĩ. Đi để viết, đọc để viết, kiểu gì Nguyễn Tuân cũng thiện nghệ cả. Chỉ có điều chính sự viết thì khi về già cụ Nguyễn lại dề dà, ngần ngại, hàng ngày có bao nhiêu điều dự định song cứ ấp ủ vậy, mà không viết ra nổi. Ở chỗ này, xem ra Tô Hoài có phần thực tế hơn. Hồi sinh thời Nguyễn, có lần tôi đánh bạo hỏi, thì được cụ trả lời:

- Mình làm việc có mê-tót gì đâu! Có mê-tót, phải là sừ Tô Hoài.

Tạm thời có thể quy cái mê-tót mà Tô Hoài theo đuổi, vào mấy điểm như thế này:

1. Đi đâu cũng viết, gặp cái gì cũng viết, viết đủ các thể loại - thể tài, không mảy may bỏ phí một chút gì. Chẳng những thế, tận dụng cái vốn sẵn có huy động nó đến cùng, để tạo nên hiệu quả tối đa.

2. Sống không cầu kỳ, nhất là không làm khổ mình bằng những thói quen có hại mà sống tất cả để viết.

Có thể phải viết cả một quyển sách, để nói về cái điểm thứ hai này, tức là sự sống nhẹ nhõm đơn giản của Tô Hoài. Ông dễ dàng tự thay đổi. Ông thích ứng nhanh. Ông thật hoạt. Là người Hà Nội gốc, ông giữ được và ngày càng trau dồi cái bặt thiệp riêng, trong sự ăn uống, sự tiếp đãi khách khứa, ở đấy cái sành sỏi đã trở thành tự nhiên, và đứng đằng sau nó, là một nhu cầu ngày càng cao về hưởng thụ. Song chỗ hơn người của Tô Hoài là không bị những sành sỏi đó ràng buộc. Vào một khách sạn sang trọng ông chuyện trò như một người ngày nào cũng đến, và rất biết người biết của. Song ngay sau đó, nếu phải ghé vào một quán hàng bên đường, chỉ có cái bánh nếp quả trứng luộc, ông cũng ăn uống ngon lành, và nếu như hôm sau có dịp lên các vùng cao, thì ông sống ngay được như đồng bào các dân tộc.

Khoảng cuối 1970, nhà văn Nguyễn Khải có dịp cùng với Tô Hoài qua New Delhi, dự hội nghị nhà văn Á Phi, trước và sau đó đều có ghé qua Moskva. Trong câu chuyện kể lại với chúng tôi ở Văn nghệ Quân đội, Nguyễn Khải dành cho Tô Hoài một vai khá đẹp:

- Đến New Delhi, ông ấy cũng chỉ có bộ vét-tông tài chính cũ kỹ. Ấy thế nhưng tây nó lại thích, có mấy tay nhà văn Ấn Độ nổi tiếng, sách toàn được nhà Gallimard ở Pháp cho in mà trông cũng xuềnh xoàng như lão bán vải.

- Đi họp thời nay thể nào cũng phải có chuyện đấu đá một chút. Được cái Tô Hoài nói khôn lắm. Trước lúc thông qua cái văn kiện, ông ấy chỉ vừa cười vừa bảo với mấy tay Nga: “Làm thế nào để tôi có thể đi nữa thì làm”. Thế là tự họ thu xếp với nhau, khiến cho sứ quán mình cũng nghe được.

- À mà này, có biết ai đi tiễn Tô Hoài lần này không? Một ông phó mộc. Chả ông ta là phó mà Tô Hoài thì là trưởng ban đại biểu dân phố.

Bây giờ, quay trở lại cái điểm thứ nhất là sự cần mẫn của Tô Hoài trước trang giấy:

Ngay từ trước 1945, tác giả Dế mèn đã có truyện ngắn Hết một buổi chiều (viết ở Sài Gòn) trong đó ông chế giễu một anh nhà văn tập tọng, thích nổi tiếng, nhưng lại lười, lúc nào cũng chờ cảm hứng, rút cuộc chả viết được gì nên hồn. Thực tế kiếm sống rèn cho Tô Hoài những thói quen khác. Trong ông, con người làm nghề hình thành với bộ mặt đa dạng: có phía cả quyết, bám vào đó mà sống; có phía nhạy cảm, biết mình mạnh ở chỗ nào, yếu ở chỗ nào, vậy phải viết về cái gì mới “ăn”; có tâm lý tự trọng, thái độ làm việc kỹ lưỡng, thông thạo mọi mẹo mực trong nghề, và hào hứng chấp nhận thử thách, muốn đóng góp thêm cho nghề; lại có phía ranh ma, biết tận dụng mọi thứ rơi vãi, làm hàng kỹ cũng được, làm hàng “xổi”, hàng chợ cũng không chối từ. Sự đa dạng của tài năng Tô Hoài - hoặc nói rõ hơn, sự pha tạp của tài năng ấy - bắt nguồn từ một ý thức sâu xa: đã gọi là làm nghề thì phải biết làm tất cả mọi việc trong nghề, đi từ điểm A (điểm đầu tiên) đến Z (điểm tận cùng) của nghề nghiệp. Hình như không bao giờ Tô Hoài bí cái để viết. Ông lui tới giữa chữ nghĩa sách vở như người thợ mộc giữa đống gỗ, gỗ xấu gỗ tốt gỗ cứng gỗ mềm thế nào, rồi cũng sắp vào việc được. Chuyện viết tạp của Tô Hoài, đã thành bản tính thứ hai của ngòi bút. Khi có thì giờ, ông viết tiểu thuyết. ít thì giờ hơn lo trông nom các tập truyện ngắn. Ngoài ra là bút ký đi đường, và mẩu truyện, là chân dung văn học và lời giới thiệu cho các tuyển tập, là vô số các bài điểm sách nho nhỏ, các bài dọn vườn, ý kiến ngắn hoặc lời cho truyện tranh thiếu nhi v.v... tóm lại đủ thứ lỉnh kỉnh trong nghề làm báo, chỉ trừ có thơ, còn những gì thuộc lĩnh vực văn xuôi, Tô Hoài đều viết hết!

Nếu đã có lần trực tiếp biên tập một cuốn sách của Tô Hoài, người ta sẽ thấy nhà văn này có lối chăm sóc những gì đã viết ra một cách kỹ lưỡng và phải nói là tạo thành một thói quen đáng quý. Bản thảo thường viết trên giấy một mặt, chữ rất đều, dễ trông. Với các truyện ngắn đã đăng báo, Tô Hoài dỡ ra, dán lại vào những tờ giấy một mặt. Gặp trường hợp truyện đã in ở một tạp chí, tức trải ra trên cả hai mặt giấy, thì hết một trang in, lại một trang viết tay, do tự tay Tô Hoài ngồi chép. Lề của các trang bản thảo này thường được chừa khá rộng, những dấu đài lên đài xuống như những cái tua vằn vèo chi chít, lắm khi lại còn những đoạn lèo thêm bổ sung, kín cả mặt giấy. Dường như đã đọc lại, là Tô Hoài phải cầm bút và chữa vào đấy, không động đậy không yên tâm. Mấy năm gần đây, khi các thứ đồ nghề văn phòng đa dạng hơn và bán ra nhiều hơn, Tô Hoài lại có cách chăm sóc bản thảo kiểu khác. Cát bụi chân ai, Mười năm, Hồi ký đều được chuyển cho cánh biên tập viên chúng tôi ở dạng bản thảo đánh máy sạch sẽ, được đóng lại bằng bìa mỏng gáy dán băng dính đâu vào đấy. Thế này thì tốn kém cho người viết quá - tôi thầm nghĩ. Dường như đoán ra ý nghĩ của tôi, Tô Hoài bảo: “Quen thế mất rồi, có lỗ vốn cũng phải sửa sang cho cái bản thảo nó tươm tất một chút”.

Rộng hơn câu chuyện chăm chỉ, cần cù, ở đây hình như còn có vấn đề cách hiểu về nghề, cũng như sự điều chỉnh bản thân cho phù hợp với nghề. Và tất cả được làm một cách nhẹ nhàng, bởi đã thuần thục. Đến khi đã có được cái đạo viết trong người, thì viết bao nhiêu cũng không thấy ngại, càng viết lại càng muốn viết nữa. Viết là say và viết là tỉnh. Viết để ghi lại những gì đã sống, viết lại chính là sự sống nữa.


IV

Có một căn bệnh thoạt nhìn cũng vô can, song bởi vậy, nên khó chữa, nó tồn tại ở nhiều nhà văn Việt Nam và để lại nhiều giai thoại ngồ ngộ, đó là sự lý tưởng hoá nghề nghiệp, xem nghề của mình một chiều thiêng liêng, người làm nghề toàn hạng tâm huyết với nhiệt tình. Mặc dù không cố ý, song loại người mắc bệnh này động nói tới văn chương là ngả sang giọng rưng rưng cảm động. Chữ nghĩa được dùng cao sang. Làm như ở đây toàn là thánh thần cả!

Phải thành thật mà thú nhận là lúc mới vào nghề, tôi cũng không tránh khỏi căn bệnh quý hoá đó. Chỉ dần dần, dạn dĩ lên trong tiếp xúc, tôi mới tìm tới được một cách nghĩ về văn chương tạm gọi là phải chăng. Và một trong những người giúp tôi có cách nghĩ hợp lý hơn này, là Tô Hoài.

Như trên vừa kể, trong những năm cộng tác với đề tài khoa học KX-06-17, tôi có dịp tiếp xúc với nhà văn này gần như hàng tuần và sớm nhận ra một điều: Không muốn thì thôi, còn khi đã muốn, ông có cái lối riêng để đến gần mọi người.

Những lúc có vài phút dư thừa, ngồi tán hão bên bàn, nếu cần xích lại với người đang nói chuyện với mình, ông chỉ cần vài câu, diễn tả đúng cái đơn giản tầm thường của đời sống, trước tiên là về chính mình, thế là mọi khoảng cách bị xoá sạch.

Một lần, nghe chúng tôi hỏi có những tác phẩm nào sắp cho in, Tô Hoài cắt nghĩa giản dị:

- Ấy toàn của xếp hàng từ mấy năm trước. Cần có cái in ra để thỉnh thoảng làm một hai chén với anh em, lại phải có món để mang về cho bà nó đong gạo nữa chứ.

Một lần khác, đến một nhà xuất bản nọ, trước khi ngồi nán lại một lúc, ông nhờ gọi điện về nhà nhắn với đứa cháu ngoại là bảo bà cho ông ăn cơm trưa với:

- Sao lại phải gọi về thế anh? - Hàng ngày chúng tôi vẫn gọi Tô Hoài là anh, dù biết người đối thoại với mình đã trên 70 từ lâu.

- Nghe có mình về, bà ấy còn làm thêm tí thức ăn, chứ không có mấy bà cháu ở nhà, lại trần xì có nồi cơm nguội.

Khi nói về những chuyện này Tô Hoài chỉ mỉm một nụ cười nhũn nhặn, con mắt lim dim gật gù, như có ý muốn nói: chúng ta cùng một cảnh ngộ cả, tôi có khác gì các anh các chị đâu. Và mặc dù nói đông nói tây đủ thứ song cách nói chuyện của Tô Hoài vẫn dẽ dàng tự nhiên không mang tiếng là người nói nhiều, nói át người khác.

Nam Cao là một nhân vật lớn của cả văn học tiền chiến lẫn những năm sau 45.

Bản thân Tô Hoài trước sau đã viết năm sáu bài, khi để tưởng nhớ Nam Cao, khi để phân tích quá tình trưởng thành của một nhà văn cùng lớn lên từ cuộc sống cần lao như mình. Song trong khi miêu tả Nam Cao đáng yêu đáng quý, Tô Hoài vẫn cho người ta thấy nhà văn rất gần với mọi người. Nào những băn khoăn của Nam Cao muốn kiếm một cái vé sợi cho vợ. Nào những thèm muốn thường tình ở anh giáo nghèo khi từ nhà quê, nhìn vào đời sống thành thị. Và đây công việc viết văn của Tô Hoài mà cũng là của Nam Cao:

“Mỗi tháng chúng tôi túi bụi bận viết vào mấy ngày cuối tháng. Đã vào nghề viết, nhưng nghề thế nào tôi không bao giờ có được kinh nghiệm và thành thạo, chỉ biết lúc nào cũng là nỗi dằn vặt. Cứ sắp đến ngày hẹn đem truyện xuống nhà xuất bản tôi mới ráo riết, cắm cúi thâu đêm.

Có khi, chúng tôi phải viết đổi tay cho nhau mới làm kịp. Nam Cao thạo tả nhân vật, tôi nhờ anh viết cho tôi những đoạn như thế. Lúc Nam Cao buồn ngủ hay chán viết, anh bảo tôi: “Cậu làm hộ mình thế này nhé. Sắp mưa, bờ ao có bụi tre. Buổi chiều. Mấy trang cũng được”. Tôi vốn thích tả cảnh. Tôi lia hộ bạn vài trang như anh đã phác. Cũng là một thứ công ti”(*)

Trước mắt chúng ta, công việc viết văn hiện ra lam lũ, như nghề dệt cửi đầu hôm tối mai mà Tô Hoài vẫn tả.

Sống mòn là một tác phẩm mang nhiều yếu tố tự truyện của Nam Cao. Đã có một nhà văn lớp sau xem cái gì tác giả Chí Phèo viết ra cũng là lý tưởng, khi giải thích tại sao trước 1945 cuốn Sống mòn này không in ra được, đã khoác cho sự việc một cớ rất sang: bởi nó đặt các vấn đề xã hội một cách xa xôi kín đáo nên Sở kiểm duyệt cũ của thực dân ngửi hơi thấy và xoay đi xoay lại nhiều lần không cho in. Song, là người chứng kiến việc Nam Cao viết Sống mòn từ đầu, Tô Hoài lại hé ra cho bạn đọc thấy một sự thực khác. Theo Tô Hoài, khi viết xong tiểu thuyết (mà ban đầu gọi là Chết mòn), Nam Cao hay nói nửa đùa nửa thật: “Bao giờ những người trong tiểu thuyết này chết đi, mình mới đem in được sách. In bây giờ thì không dám nhìn mặt ai nữa”. Vả chăng hồi đó Nam Cao chưa thành một cái tên để người ta nhận in tiểu thuyết dày, Tô Hoài nói thêm. Hoá ra chỉ đơn giản có thế! Biết những chuyện này, chúng ta không chán Sống mòn mà chỉ thấy mừng là một quyển sách như thế lang bạt suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, may mắn sao lại còn sống sót để tồn tại vĩnh viễn trong văn học Việt Nam. Cũng như biết thêm con người yếu đuối, con người cái gì cũng thèm, cái gì cũng tiếc của Nam Cao, chúng ta càng quý cái sự vượt lên của ông và càng cắt nghĩa được tại sao người ta có thể đọc Nam Cao mãi.

Những tầm thường vốn có không làm hại tình cảm của chúng ta đối với nhau. Ngược lại đằng khác. Với người sống lâu trong nghề nói là một lý do để an ủi: đấy, điều kiện sống của chúng ta eo hẹp vậy, làm sao để có tác phẩm lớn được. Mà làm thế nào biết được tác phẩm ấy sẽ lớn, sẽ sống mãi, thôi hãy sống nhì nhằng qua ngày!

Riêng với người còn đang định vào nghề, nó là một lời cảnh tỉnh, nghề văn vất và lắm, anh có chịu được thì hãy đến.

Bằng cái biết cái hiểu của người trong cuộc, rỉ rả mỗi ngày một tí, Tô Hoài hé ra những sự thật chung quanh cái nghề mà ông thành thạo, theo cái hướng như thế. Kể làm sao hết những sự thực nghề nghiệp mà Tô Hoài đã nói tới đây đó vui vui mà đau xót. Nhắc đến Nguyễn Công Hoan, bên cạnh câu chuyện nghiêm chỉnh viết thư xin phép cho diễn Tấm lòng vàng, là những chuyện buồn cười, Nguyễn Công Hoan khi về già viết truyện cổ lỗ thế nào trong khi lại chủ quan, thơ ngây với sự đời ra sao. Liên quan đến Nguyên Hồng là câu chuyện đi khuân thùng bia hộ mấy bà phe phẩy. Trong hình ảnh thân thuộc của Nguyễn Bính, có hình ảnh anh chàng si tình cầm chiếc hộp sắt đầy những là thư tình dở hơi. Hình như Tô Hoài muốn tìm lấy sự công bằng, trong khi vẫn giữ một tình cảm ấm áp giữa các đồng nghiệp, và nhiều lần, chỉ cần một nhận xét bỏ nhỏ thôi, ông phác ra cả một tính cách.

Về một nhà văn nổi tiếng viết về đời sống nông thôn:

- Tranh chánh hội mấy lượt không được, nên cái sự cụ ấy ghét cường hào có gì là lạ!

Về một nhà văn say rượu tự mình làm hỏng cuộc đời của mình vì rượu :

- Ông này đi họp với tôi ở Liên Xô mấy lần, từ máy bay xuống đã say, trước cái vòng quay trả hành lý, có mỗi cái va ly cũng không lấy nổi: cứ chạm vào lại trượt, lại phải chờ vòng quay sau, say như thế nên mới hỏng cả người.

Về một nhà thơ, chỗ nào cũng có mặt, mà thơ thẩn thì không ra sao:

- Cứ trông thấy thơ của ông ấy là tôi phải đọc. Đọc vì tò mò. Đọc cho nó đỡ buồn.

Về một giọng văn “công chức bẩm sinh”:

- Lúc nào văn ông ấy cũng nhạt, chỉ không biết lúc nào thì nhạt thật, mà lúc nào nhạt giả.

Mỗi người một vẻ, cuộc đời khá nhiều các bạn đồng nghiệp đi qua, để lại trong Tô Hoài những ấn tượng hơi buồn: chúng ta sống không ra sao, đáng lẽ chúng ta phải biết mình biết người hơn, phải sống và viết cho khá hơn, mà cũng ra người hơn một chút, chứ thế này sao tiện?!

Cùng với việc lý tưởng hoá nghề nghiệp, có một nguyên tắc không ghi thành văn bản chi phối quan hệ giữa những người viết văn là để chuyện tiền nong sang một bên, không đả động đến nó bao giờ. Có thể là trong câu chuyện hàng ngày cũng đôi khi người ta hỏi nhau, kháo nhau tỉ mỉ và nhất là trong đầu óc từng người, việc so đo tính viết thế này cho báo này được tiền hơn, viết thế kia, gửi cho báo kia, được ít lắm... những chuyện ấy luôn luôn trở đi trở lại, song viết ra thì không, hầu như là chuyện cấm kỵ. Về phần mình, Tô Hoài công khai bày ra sự tính đếm của mình khá sớm. Sao báo Chủ nhật đăng truyện mà không trả tiền cho mình? Nhuận bút một truyện in trong Hà Nội tân văn là bao nhiêu, tương đương ra sao với thu nhập của một anh thư ký hãng buôn? Cách ký hợp đồng của các ông chủ xuất bản thời xưa... Cách nhận bản thảo... Bấy nhiêu chuyện đã kể không làm cho người ta thấy văn chương hèn hạ mà ngược lại nó giúp người đọc nhận ra những xót xa còn ẩn giấu giữa những dòng chữ.

- Mấy năm 43-44, có lệ là sáng mồng một, phải đến mừng tuổi ông Tân Dân. Mừng tuổi thế nào? Dọn dẹp cỗ bàn cúng giao thừa xong, tôi còn ngồi lia luôn được một cái truyện. Đến nơi, mừng tuổi ông ấy cái truyện mới viết, thì ông mừng tuổi lại năm đồng. Thế là hoà, mà lại được cái tiếng lịch sự (Truyện tết viết năm nay, ông cất vào kho, để sang năm, lại in vào số Tết)

- Nhuận bút báo tết có cao hơn báo thường?

- Không. Nhưng người viết văn ngày xưa có cái sướng hơn hẳn người viết văn bây giờ là tiền ấy, do chính tay ông chủ trao, chứ không phải như bây giờ, giám đốc chỉ tay bảo mình ra gặp kế toán, rồi có tiền thì có kế toán bảo đến đấy mà lấy, không có tiền bảo hôm khác đến, muốn hành thế nào mình cũng phải chịu.


V

Ai đã từng sống ở Hà Nội, từ trước 1945 - hoặc nói rộng ra một chút, trước 1954 - hẳn nhớ thành phố này vốn bé nhỏ và xinh xắn so với bây giờ rất nhiều. Ngày ấy, từ mạn trường Chu Văn An đổ lên suốt đường Thụy Khuê và song song với nó là đường Hoàng Hoa Thám, phố xá đã trở nên vắng vẻ hẳn. Đến đầu dốc Tam Đa, chỗ tránh tàu điện, thì cảm giác ngoại ô càng trở nên rõ rệt; từ đây đến chợ Bưởi là vùng đất của các làng nghề: làng Hồ, làng Cả làm giấy, dân Nghĩa Đô, làng Võng dệt cửi... Một tháng sáu phiên, như mọi phiên chợ vùng quê, chợ Bưởi họp, và ở đấy người ta bắt gặp những gương mặt của một vùng đất bảo hào hoa, thanh lịch cũng được, mà bảo cũ kỹ, mòn mỏi, quê mùa, đi dần đến tan rã cũng được. Những cảm giác này đã được diễn tả khá đầy đủ trong những trang sách của Tô Hoài, và các nhà nghiên cứu đã nói đủ thứ về nó, nào là ý nghĩa hiện thực, nào là ý nghĩa nhân đạo (Mới đây, theo Tô Hoài kể, một nhà xuất bản ở Pháp đã gửi thư cho ông, ngỏ ý muốn dịch in lại tất cả những gì Tô Hoài đã viết liên quan đến cái vùng ngoại thành phía bắc). Song để tìm hiểu con người làm nghề Tô Hoài, thì đấy cũng là điểm xuất phát. Những câu hát ru con, hát ví, mà bây giờ ta gọi là ca dao, dân ca, hoặc những câu Kiều, Hoa Tiên lởn vởn trở đi trở lại trong truyện Tô Hoài.

- Trăng thề còn đó trơ trơ

- Nhớ ngày nào liễu mới ngâm

Le te bên vũng độ tầm ngang vai

Chợt đâu bóng cả cành dài

Đã sương đã khói đã vài năm nay

- Anh thương cô nàng như lá đài bi

Ngày thì nắng dãi đêm thì dầm sương

Trong truyện này nhân vật chính là cô Lụa, ở truyện kia là cô Mùi, rồi cô Ngây, cô Mì... xoay quanh các cô bao giờ cũng có một trang thanh niên giỏi giang văn vẻ nhưng lại nghèo rớt mùng tơi và lại thuộc Kiều và có thể làm thơ lẩy Kiều, để nói điều tâm sự. Có cảm tưởng như Tô Hoài là từ đám trai làng ấy mà ra. Tô Hoài viết văn, là để đi xa hơn cái việc nhũng người thanh niên kia bắt đầu mà không bao giờ dám nghĩ tới chuyện đi tiếp.

Cần nhất lúc đầu là phải láu lỉnh và liều lĩnh một chút, liều lĩnh phiêu lưu như chàng dế mèn nọ, mà Tô Hoài đã dựng lên, để gửi gấm ít mơ mộng của tuổi trẻ. Nhưng những cái đó ở Tô Hoài không thiếu. Và thế là, cũng như những Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, một người làm nghề kiểu mới đã hình thành.

Xưa kia, nói tới văn chương là nói tới lớp nhà nho hay chữ. Chẳng qua chán công danh, nên lấy câu thơ quyển truyện làm vui, mà trong những điều viết ra, vẫn còn bao niềm tâm sự.

Cho tới đầu thế kỷ này, khi cái nền văn học cũ tàn lụi thì lập tức nền học mới thay thế, và người làm văn chí ít cũng là lớp con nhà giàu, ở nhà học chữ Hán với gia đình, đến trường học tiếng Pháp theo quy cách nghiêm cẩn của nhà trường thuộc địa. Và tuy không ai giao phó nhưng thật ra họ vẫn nhận lấy trách nhiệm của người trí thức phát ngôn cho những ý tưởng mà lớp thượng lưu muốn nói với xã hội.

Nhưng trong toàn bộ cái nền rộng lớn của văn hoá văn minh phương Tây được du nhập vào xứ sở này nửa đầu thế kỷ XX, còn có một hạt nhân quan trọng là tinh thần dân chủ. Cùng với sự giàu có lên của toàn thể xã hội, lớp người nghèo khó có sự trưởng thành vượt bậc về mặt ý thức, và từ trong hàng ngũ của họ, bắt đầu có những người dám cầm lấy cây bút. Những nhà văn loại này - như Vũ Trọng Phụng, như Nguyên Hồng, như Nam Cao - không tính tới chuyện cao sang, thoạt đầu, họ chỉ viết vì bức bách, vì thấy sự đời quá nhiều nông nỗi đau xót, và cũng có thể đơn giản là vì tìm thấy trong sự viết lách một cái kế để sinh nhai. Song trong quá trình kiếm sống, sự thực là họ đã nói lên tiếng nói của lớp dân lao động nghèo khổ. Không thể đòi hỏi họ quá nhiều. Khối người trong họ, trong đó có những cây bút rất có năng khiếu, đã như giống cây, ngày một cằn cỗi, vì thiếu kiến thức và không bao giờ vươn lên để trở thành một trí thức thực thụ. Nhưng làm nhà văn chép được sự đời, thương cảm với những đau đớn ngang trái, làm nhà văn để nói hết cái cuộc sống vừa đẹp đẽ, vừa rất buồn này, thì nhiều người trong họ làm được, nhất là ở những người biết tự học và thường xuyên làm giàu kiến thức thêm cho mình. Tô Hoài chính là một mẫu nhà văn thuộc về nhân dân lao động, nhà văn kết quả của quá trình dân chủ hoá mà xã hội Việt Nam hiện đại đã đẻ ra và nuôi dưỡng. Vượt lên trên những anh Hời, anh Cuông - chỉ lẩy Kiều, chỉ sáng tác thơ để chép vào sổ gửi các cô gái hoặc truyền tụng trong làng, sáng tác của Tô Hoài nay có dịp phổ biến rộng rãi hơn; như con cá từ ngòi đã ra đại dương, song nhìn kỹ, những dấu vết của ngày hôm qua, của cái khu vực xuất thân, không phải không còn thấp thoáng.

Tuy nhiên, dù là chỉ nghiên cứu Tô Hoài trong nghề cầm bút, người ta không thể không ghi nhận một sự thực:

Ngay từ 1940, khi bắt tay làm quen với giới sáng tác đương thời, thì đồng thời tác giả Dế mèn cũng bước vào hoạt động cách mạng. Lúc đầu ở thời kỳ Mặt trận bình dân, ông hoạt động trong cơ sở Hội ái hữu thợ dệt Hà Đông. Sau đó ông lại được tổ chức Đảng ở Hà Nội bắt liên lạc để hình thành nên lực lượng Văn hoá cứu quốc.

Tiếp đó, từ sau 1945, những hoạt động xã hội của nhà văn ngày một đa dạng. Triển khai ra theo chiều rộng, có lúc ông trở thành anh cán bộ địa phương, có thời gian đi cải cách ruộng đất, đi học trường Đảng nhiều năm làm đối ngoại nhân dân, đồng thời vẫn giữ chân trưởng ban đại biểu dân phố (1965-1972) ở cơ quan văn nghệ trên Trung ương hay ở Hà Nội, hầu như từ 1946 tới nay, khoá nào ông cũng được bầu làm bí thư chi bộ, đảng bộ.

Mặt khác, ngay trong giới cầm bút, ông cũng luôn luôn có hoạt động xã hội của mình, khi là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn, khi chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội, từ đó đẻ ra cơ man nào là đầu việc, là họp hành, mà người ta gọi chung là công tác.

Hơn 50 năm trời liên tục như thế, lẽ tự nhiên là ở Tô Hoài, hình thành nên cả một nếp sống lạ lùng. ở ông, cùng lúc tồn tại nhiều con người khác nhau: nhà văn lam lũ ham đi ham viết và anh cán bộ tháo vát, chẳng việc gì có quyền từ nan; người lãng tử lang thang trong đời vui đâu chầu đấy và ông chủ văn chương nhạy cảm, giàu kinh nghiệm, biết đối phó với mọi biến chuyển ở khu vực mà mình phụ trách; người học trò chân thành và người thầy lâu năm phải nói như sách giáo khoa quy định. Nhờ những con người này chung sống một cách hoà thuận, Tô Hoài cùng lúc làm được bao nhiêu việc khác nhau. Nhưng trong sự nhập vai thuần thục đó, tinh ý một chút sẽ nhận ra một sự phân ly nho nhỏ. Bên cạnh con người dễ dàng từ tốn, sống hoà hợp với mọi người là một cá nhân đơn độc với những tâm sự riêng. Có những lúc ngồi giữa bạn bè, bên chén rượu, con người đó vẫn cảm thấy bơ vơ một thân một mình như đang phiêu diêu đến chân trời xa lạ.

Trong một bài viết về Nguyên Hồng (in trong tập Những gương mặt, tr. 103), Tô Hoài tự nhận “Tính riêng tôi vốn ưa thầm lặng, vùi mình vào một xó”.

Đến phần hồi ức về Vũ Ngọc Phan, nhân lời trách của nhà phê bình đàn anh là sao không đến chơi, Tô Hoài nhìn lại mình như nhìn một ai khác: “Người ta cứ mỗi tuổi lại cứ thành nếp những tính nết kỳ quặc, riêng biệt, về sau tôi đâm ra lười nhác giao thiệp, ưa lủi thủi”.

Nhưng rồi cũng chỉ được phép đơn độc đến thế! Rồi cuộc đời chủ yếu lại là công việc, là những buổi họp, là những chuyến du ngoạn, là hội thảo nọ, hội thảo kia, là các loại báo cáo dài dòng, và những thầm thì hội ý kín đáo, nói chung là những màn diễn, mà có khi mình lên sân khấu, có khi mình là người khán giả đứng xem. Và trong mọi việc lại thấy hiện ra một Tô Hoài lõi đời, sành sỏi, con ruồi bay qua không lọt khỏi mắt! Những chuyến giang hồ vặt không một đồng xu dính túi; cái miên man cuốn hút khi dông dài giữa đám cầm bút nhà nghề, những chuyến viễn du, mãi tận Huế, tận Sài Gòn, Dầu Tiếng, cái tự nhiên không dễ có khi một mình về công tác tại một bản Mèo thấp thoáng giữa triền núi cao... bao nhiêu từng trải, như còn in dấu vào cách sống, cách chuyện trò của Tô Hoài hôm nay, bên cạnh cái nhũn nhặn lảng tránh, con người ấy thật cũng đã nhiều phen phải dàn mặt, phải chịu trận, nói chung là phải đối chọi với đời và nếu như có lúc phải đầu hàng thì đó cũng là bước đường cùng, rồi, nín nhịn chẳng qua để tồn tại, và sau hết, để được viết.

Ấy là cái điều không chỉ Tô Hoài biết mà nhiều người cũng biết.

Trong đời làm báo, nhà phê bình Nguyễn Thị Ngọc Trai phát hiện cho mình một kinh nghiệm: khi nào có vấn đề gì báo buộc phải lên tiếng, và không ai muốn viết, vì sợ mang tiếng xấu, thì hãy đến nhờ Tô Hoài. Thế nào ông cũng có bài nộp báo đúng kỳ đúng hẹn, ký tên Tô Hoài hẳn hoi, nghĩa là đăng được, mà tác giả vẫn chẳng làm sao, bởi đọc qua người ta cũng biết ngay là người viết và tờ báo buộc phải làm vậy, chứ trong bụng nghĩ khác. Đại khái, có thể hình dung như cái cảnh đứa trẻ bị buộc phải quỳ, thì cũng quỳ đấy, song mắt vẫn liếc về phía mọi người đùa bỡn “Xá gì chuyện này, quỳ cho xong nợ, tí nữa lại tha hồ tung tẩy”.

Tô Hoài không ngại viết thế này thế kia làm hỏng ngòi bút, bởi ông tin chắc rằng ngòi bút ông thế nào, người ta đã hiểu cả rồi.

Chỉ có những biển lớn mới chứa được những dòng sông bẩn, cái nhận xét của ai đó, đặt vào trường hợp Tô Hoài thấy không có gì gượng gạo.

Có một thoáng gì đó, như là một chút hư vô trong con người thực dụng Tô Hoài chăng? Một nhận xét như thế là đầy mâu thuẫn, nhưng biết sao được, con người mỗi chúng ta trong những năm này bị bao sức mạnh xâu xé, kể sao cho xiết! Một chút khinh bạc có từ rất sớm (bản thân Vũ Ngọc Phan vốn rất hiền từ cũng phải nhận ra và lên tiếng cảnh cáo, khi đọc Quê người, O chuột...), cái khinh bạc đó hẳn không bao giờ mất hẳn. Cộng thêm vào đó là bao nhiêu ngọt bùi cay đắng đã đến trong cuộc đời một người viết văn, một người cán bộ, những phút bốc đồng và những lần tỉnh mộng, những lầm lỡ và man trá xen lẫn vào giữa những chân thành ngây thơ, cuộc bể dâu diễn ra ngay trước mặt. Khi đã trải tất cả những sự đó rồi, cái hư vô sẽ như một thứ ánh sáng mờ mờ giúp cho người ta sống nhẹ nhõm hơn và tự do hành động hơn. Lúc này, hư vô đã trở thành một điều kiện bắt buộc để sống, hư vô là một thứ thuốc an thần cho những kẻ ham hành động, nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo, để hiểu rằng hành động của mình cũng rất có thể chỉ là vô nghĩa.

Không chỉ một lần, hình ảnh phù du như một ám ảnh trở về trong một số trang văn hồi ký, nó là những trang mang nặng tâm sự Tô Hoài. Những khi có việc đụng chạm đến toàn bộ cuộc đời viết văn của mình, ông phải nhớ tới nó. Là phù du, những năm tháng dong nhan chơi bời viết lách trước cách mạng. Là phù du những chuyến viễn du mãi tận phương trời xa thẳm. Mà cũng là phù du, những khi cố gắng viết nốt những trang cuối cùng của một quyển sách tầm tầm. Tưởng dã qua hẳn rồi, nhưng không phải, làm sao quên được sự phù du khi hàng mớ năm tháng quàng lên vai, càng sống càng thấy nhiều điều ngang trái. Có cần nhìn đi đâu xa, hãy nhìn cuộc đời những đồng nghiệp gọi là thành đạt sống ngay bên cạnh: Nguyễn Tuân được tiếng ngang ngạnh, rồi cũng là một Nguyễn Tuân phải khéo xoay sở để tạo ra cảm giác không bị ai quên, và nhất là một Nguyễn Tuân buông xuôi bất lực, muốn đi mà không đi được, muốn nói khác mà không nói được, khối cái đã tính nát ra định viết lại thôi. Xuân Diệu loay hoay giữa những bài thơ thù tạc và những bài nói chuyện đi theo lối mòn, Xuân Diệu nhuộm tóc cố làm ra trẻ, ham ăn ham uống, lúc chết mỡ quấn vào tim. Một Nam Cao tâm huyết lại mất sớm, coi như đã xong. Nhưng bao kẻ sống sót sau những cơn giông tố, mấy người sống được đúng tầm người của mình, hay lại chui lủi trốn tránh, hoặc lá mặt lá trái, dối dá qua ngày? Sự khinh bạc muốn gạt đi, nó cứ tìm đường quay trở lại. Rồi chính mình cũng đánh mất mình và nhìn đi nhìn lại, chỉ có thời gian là chiến thắng, là không thể đảo ngược. Cái phương châm sống cuối đời rút lại là ở hai điểm:

Một là làm thật nhiều muốn viết gì thì viết, không định bụng thế này thế kia, mà cũng không sợ mang tiếng khi viết.

Hai là không coi mình là quan trọng, chấp nhận hết thảy. Giữ được từng phút cảm động ngạc nhiên nho nhỏ, nhưng không còn gì ngạc nhiên trên những cái lớn

Thực hiện điểm thứ nhất thật không gì dễ hơn, nhất là khi người ta đã có trên 150 đầu sách như Tô Hoài.

Còn điểm thứ hai? Bảo là biết điều, là khiêm tốn có lẽ không phải. Ai đâu còn trẻ con thế! Sống cho nhẹ nhõm là cách tốt nhất để bảo toàn mình. Lại nhớ những câu Kiều mà thuở mới lớn, đã cùng với nhiều bạn thợ cửi, ngâm đi ngâm lại không biết chán:

Nàng rằng thực dạy quá lời

Thân này còn dám coi ai làm thường!

Loanh quanh một hồi hoá ra chưa thoát khỏi chỗ xuất phát ban đầu? Nhưng với Tô Hoài lúc này, mọi sự khen chê không còn ý nghĩa. Trong cái thế kỷ đa đoan chúng ta đang sống, dẫu sao ông cũng đã luôn luôn dập dềnh trên mặt sóng. Tháng bảy và tám 1997, ông đến Đà Lạt ngồi viết xong một tập hồi ức, có tên là Chiều chiều. Chắc chẳng ai không hiểu đấy là chủ tâm “chiều chiều cuộc đời”, nhưng ông vẫn không quên ghi thêm hai câu ca dao cổ: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai” cho tơ liễu và lửng lơ đôi chút. Âu lại cũng vẫn những cái tạng Tô Hoài.
SỐ TRUY CẬP online