Bùi Hiển

Đầu năm 1985 nhân làm cuốn sách “Một số nhà văn Việt Nam hôm nay với Hà Nội”, tôi gặp Bùi Hiển để hỏi về sinh hoạt văn học thời trước cách mạng. Và điều làm tôi ngạc nhiên là mặc dù ở xa nhưng quan hệ của một cây bút ở tận Vinh như Bùi Hiển bấy giờ với đời sống văn học Hà Nội cũng rất ổn định. Bởi hàng tuần, cứ vào ngày thứ năm là có tàu chở sách từ Hà Nội vào, 8 giờ tối đã thấy bày bán ở hiệu sách chính của thành phố. Thành thử mọi sinh hoạt của Hà Nội; đều nhanh chóng tìm thấy tiếng vang, ảnh phản chiếu của mình, ở Vinh, và mọi khu vực khác.
Từ 1961-1963, tôi từng ở Vinh, nhưng cái ấn tượng chung về thành phố còn lờ mờ, không khác xa một phố huyện bao nhiêu. Những năm chiến tranh chống Mỹ, bao lần qua lại thành Vinh, chỉ nhớ thành phố là một bến ô tô lớn, một kho lớn, rộn rịp người qua lại… Nhưng gặp những người dân cũ của thành Vinh thì họ kể về một thành phố hoàn toàn khác. Ngày xưa, đời sống ở Vinh rất ổn định. Trường tiểu học của thành phố là một trường nổi tiếng, ngoài ra là các trường tư khác cũng rất nền nếp. Và người dân Nghệ Tĩnh có tiếng là chăm học gửi con cái tới đây. Vinh trở thành cái nôi để bao nhiêu trí thức trưởng thành, trong đó có các nhà văn.
Trong số những mảnh đất có truyền thống chống đế quốc và hăng hái vận động cách mạng ở nước ta, Nghệ Tĩnh là một khu vực “mà treo giải nhất chi nhường cho ai”. Thời kháng chiến chống Pháp, Nghệ Tĩnh lại là mảnh đất tự do, tức là căn cứ kháng chiến. Vì thế, khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, thì người dân Nghệ Tĩnh tràn ra Hà Nội, có những làng Nghệ Tĩnh người ở Hà Nội hiện nay đông hơn ở làng xưa, và nhiều khu phố Hà Nội đến công an phường cũng là dân Nghệ Tĩnh. Chúng tôi dân Hà Nội từ trước thường nhìn người dân Nghệ Tĩnh, với con mắt ngần ngại, rồi những người này sẽ ra Hà Nội, sinh con đẻ cái ở Hà Nội, và Thủ đô sẽ không còn cái thanh lịch, cái duyên dáng mà Hà Nội vốn có.
Nhưng những câu chuyện của Bùi Hiển và cách nhìn của Bùi Hiển về Hà Nội xưa, gợi cho tôi một cảm giác ngược lại.
Đã có một thời, chính Nghệ Tĩnh cũng có cái thanh lịch riêng của nó.
Hình như, có một thời, dù rất tự hào về quê hương mình, nhưng người dân Nghệ Tĩnh vẫn hướng về Hà Nội với một niềm ngưỡng vọng thiêng liêng. Mà điều đó, chỉ làm cho chính những trí thức Nghệ Tĩnh ấy chững chạc hơn, đẹp đẽ hơn.
Tôi nhớ đến Nguyễn Phan Chánh . Tôi nhớ tới Thái Bá Vân. Trong số những người Nghệ Tĩnh biết điều thời ấy, tôi nghĩ đến Bùi Hiển. Tôi thử phác hoạ “buổi đầu đến với văn học” của tác giả Nằm vạ như sau.
Khi tình yêu văn học nẩy nở trong ông thì cũng là lúc con người tự trọng ấy đặt ra câu hỏi: Mình phải viết về cái gì đây để có được cái dọng riêng của mình, cái vẻ riêng của mình. Sự chín đầy của văn học trước 1945 không cho phép Bùi Hiển lặp lại cách viết của những người khác.
Và thế là ông tìm tới những chuyện riêng của quê hương mình, của cái xứ miền Trung xa xôi song lại mang những sắc thái chung của đất nước Việt Nam.
Nhìn bề ngoài, Bùi Hiển trông trang nghiêm, chậm rãi, nhiều khi dễ ngả ra chiều tư lự nữa. Tôi đoán là khi đi học, ông vừa học giỏi, vừa chăm chỉ, siêng năng. Sau này, trong vai công chức thuộc địa, đó là một người mẫn cán.
Chính cái nét quan trọng nhất làm nên phong cách Bùi Hiển trong văn chương, cũng là một thoáng trang nghiêm như vậy.
Nhưng khi tìm ra được cái mảnh đất riêng của mình, cái giọng riêng của mình như trong Nằm vạ con người đó cũng không khỏi sung sướng cười thầm.
Với Nằm vạ, Bùi Hiển vừa Nghệ Tĩnh một trăm phần trăm, lại vừa mang được cốt cách của một nhà văn có hiểu biết chung về văn hoá cả nước. Ở nước nào cũng vậy, vẫn có những nhà văn không sống ở Thủ đô, mà chỉ ở địa phương mình, viết về địa phương mình. Nhưng con mắt của họ vẫn là con mắt thủ đô. Thủ đô buộc họ phải trở thành chính mình, mà không được lai tạp với các nơi khác.
Bên cạnh sáng tác, Bùi Hiển trước Cách mạng còn rất tiêu biểu cho quan hệ của một nhà văn tỉnh nhỏ với đời sống văn học Hà Nội.
Khi Nguyễn Tuân mất, Bùi Hiển có kể lại trong mẩu hồi ký đăng trên Văn nghệ quân độ i: Ngay từ hồi ấy, Nguyễn Tuân đã viết thư cho Bùi Hiển. Bây giờ Bùi Hiển còn nhớ lá thư đó được viết trên một thứ giấy đặc biệt, góc trên bên trái, có vẽ một con thuyền cánh buồm đang căng, trên có mấy chữ gió lên đi. Tờ giấy cũng có vẻ trang trọng riêng của Nguyễn Tuân. Và cách gọi cũng rất trang trọng , Tác giả Vang bóng một thời gọi tác giả Nằm vạ là văn hữu. Nguyễn Tuân muốn người văn hữu trẻ trung kia khi nào có ra Hà Nội, nhớ ghé lại chỗ này chỗ nọ gặp Nguyễn Tuân. Và trước mắt, nhớ gửi sách biếu Nguyễn Tuân. Mối tình giữa những người chưa gặp nhau lần nào, như thế thật là cảm động.

II
“Khởi nghĩa Tháng Tám như một lưỡi cày khổng lồ đào xới mảnh đất Việt Nam đau thương…”
Đã mấy lần, khi viết lại những nét làm nên sinh hoạt của văn học Việt Nam sau 1945, tôi muốn nhắc lại câu hỏi đó của Nguyễn Đình Thi và mỗi lần, vẫn thấy đúng.
Lần này cũng vậy. Trải qua Cách mạng rồi kháng chiến, cuộc sống xô đẩy đời sống Việt Nam nói chung, văn học Việt Nam nói riêng. Trước Cách mạng, giá có giàu trí tưởng tượng đến mấy, người ta cũng không thể hình dung có lúc cả Nam Cao, Nguyên Hồng, lẫn Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi lại kéo nhau đi làm báo ở Việt Bắc, trong khi Lê Văn Trương, Đồ Phồn… làm báo ở Khu Ba, và Lưu Trọng Lư, Bùi Hiển, Chế Lan Viên lặn lội ở Trị Thiên… Mãi đến 1954, các cánh quân đó mới lại kéo nhau về Hà Nội. Và trên măng sét tờ Văn Nghệ, ra ở Hà Nội cuối 1954, chúng ta đọc danh sách ban biên tập: Văn Cao, Xuân Diệu, Tế Hanh, Bùi Hiển, Nguyên Hồng v.v…
Và thế là nghiễm nhiên, Bùi Hiển của chúng ta, đã trở thành một nhà văn của Hà Nội.
Tôi nhớ những cuốn sách Bùi Hiển cho in ra, từ khoảng 1965 về trước. Đâu có tập truyện Gặp gỡ, rồi tập truyện Ánh mắt. Gặp gỡ kể về thời tác giả sống ở Bình Trị Thiên, viết theo lối viết mộc mạc của người vừa chứng kiến xong một sự kiện, rồi viết ra ngay. Còn Ánh mắt, cùng nhiều truyện viết về chính thời kháng chiến đó, nhưng đã trải qua nghiền ngẫm rồi, nên có khi, nó là một chủ đề gợi nhớ sâu sắc (ánh mắt là vấn đề thức tỉnh); có khi nó ăn ở những mảng sống chau chuốt, nuột nà (đoạn tả cái chợ và cô gái xức dầu dừa ở Một câu chuyện trong chiến tranh)
Điều gì đã xảy ra với Bùi Hiển từ 1954 đến 1965 ? Vào thời gian này, một người như tôi, còn đang đi học, chưa có dịp gặp gỡ trò chuyện với các bậc đàn anh, nên không có chuyện gì để kể. Nhưng ngồi nghĩ lại, chỉ thấy một cảm tưởng chung là khuôn mặt của Bùi Hiển năm đó, vẫn đơn sơ, nhợt nhạt, chưa có gì rõ rệt. Hơn chục năm (1954-1965), Bùi Hiển chỉ cho in ra hai tập truyện ngắn và một tập ký, như thế là ít đã đành. Song điều phải nói, đó cũng không phải là những tập thật xuất sắc, khiến cho người ta có thể hình dung ra cả bộ mặt tinh thần của tác giả. Trong giới, mọi người vẫn biết Bùi Hiển là người viết kỹ, cẩn thận. Nhưng phải chăng là mặc dù lúc này đã ra Hà Nội và ở vào tuổi chín của nghề, (trên dưới 40), song Bùi Hiển cũng chỉ phát triển được đến thế.
Ở trên, tôi có nhắc đến lần gặp Bùi Hiển để hỏi về mối quan hệ giữa đời văn của ông và Hà Nội trước cách mạng. Lần ấy, thực ra, giữa chúng tôi, còn một đoạn đối thoại nữa:
Hỏi: Tại sao ngay từ lúc ấy, anh không nghĩ tới chuyện ra Hà Nội làm nghề văn?
Trả lời: Thực ra là cũng có. Nhưng chỉ một lần, ra ngoài đó, tiếp xúc với một bậc đàn anh, là tôi ngại hẳn. Anh tính, ở xa, nghĩ về nghề văn thấy vui vẻ lắm. Nhưng đến nơi, ông nhà văn mà tôi quen, chỗ ăn chỗ ở chật chội, đời sống eo hẹp không thể chịu nổi. Và cái ý định của tôi cũng lập tức tan biến.
Và Bùi Hiển vui lòng ở lại Vinh, với vai trò của một viên chức.
Sở dĩ tôi muốn nhớ lại đoạn đối thoại này, vì theo tôi, nó khá tiêu biểu cho cốt cách của Bùi Hiển. Làm việc gì, ông cũng đắn đo, tính toán thật kỹ. Không dám liều bao giờ. Nếp nghĩ, nếp sống của một viên chức đã ăn vào trong máu.
Có lẽ, nên lấy cái cốt cách đó, để cắt nghĩa thành tựu văn chương còn hạn chế của Bùi Hiển, hồi 1965 về trước. Hoàn cảnh miền Bắc, sau 1954, bên cạnh sự yên tĩnh của nó thật ra lúc nào cũng căng thẳng 1956-57: vụ Nhân văn; 1962: vụ Vào đời. 1963: Vụ chống xét lại… ương ngạnh, cứng cỏi như Nguyễn Tuân; có hiểu biết, có từng trải như Xuân Diệu…; ranh ma láu lỉnh như Tô Hoài mà cũng phải chịu khuất phục nữa là Bùi Hiển. Bùi Hiển chỉ có thể sống cam chịu. Về phương diện tiếp xúc với nước ngoài, thời gian 54-65 tuy có khá hơn thời chống Mỹ về sau, nhưng loanh quanh vẫn là hạn chế, chỉ dịch một phần của Liên Xô, và nhiều hơn một ít, các tác phẩm của Trung quốc. Sự tiếp xúc với nước ngoài đâu có gọi là bình thường được… Vậy mà, Bùi Hiển lúc nào cũng chân thành, lúc nào cũng nhũn nhặn, chịu yên trong cái vòng hạn chế đã được quy định. Thử hỏi làm sao mà các sáng tác của ông bật khởi lên được.

III
Nếu như, những suy nghĩ của tôi về Bùi Hiển từ 1965 về trước còn là suy đoán, thì trong thời kỳ chống Mỹ, sự suy đoán này được khẳng định, vì có thêm những tiếp xúc thực tế.
Nói cho đúng ra, thời kỳ chống Mỹ là thời gian Bùi Hiển hoạt động rất khoẻ. Nhiều lần, ông có mặt ở tuyến lửa Quảng Bình, và có mặt theo nghĩa rất cụ thể, nghĩa là xuống tận xã. Sau những đợt đi đó trở về, ông ngồi viết đủ loại, cả truyện, truyện pha ký, ký thuần tuý, truyện anh hùng. Số đầu sách của ông ra trong thời kỳ này nhiều hơn hẳn thời trước.
So với một Tô Hoài, một Kim Lân, phải nhận là Bùi Hiển trong những năm chiến tranh xông xáo hơn, và có gì đó, chân thành hơn. Tuổi đã 50, ông vẫn đi về và viết như các bạn trẻ 25-30. Cách viết của ông, ý nghĩ của ông về cuộc chiến tranh về những con người bình thường cũng chân thành, hồn nhiên, và… theo đúng những khuôn sáo mà chúng ta thường thấy, trong các bài báo.
Thật vậy, ở trên, nói nếp sống công chức mới là một dự đoán, thì đến nay, đã có thể chứng minh, là nếp sống đó ăn vào thành sáng tác của ông với tất cả sự đều đặn đến tẻ nhạt, sự khuôn sáo đến khó chịu của nó: Nào là người dân thường rất yêu nước, hết lòng vì cuộc chiến đấu, nào là trong chiến đấu nảy nở nhiều tấm gương cảm dộng…. Tôi nghĩ những cái đó đều đúng thôi, nhưng “chỗ chết” của Bùi Hiển là sống với những cái đó một cách hời hợt, và ông cả tin, tự tin, truyền cái hời hợt ấy đến với bạn đọc. Người công chức văn học Bùi Hiển làm được khá nhiều, nhưng người viết văn Bùi Hiển làm được hơi ít. Tôi nhớ, mặc dù trong những năm chiến tranh, Bùi Hiển viết đều đều, nhưng không có cuốn nào gây được tiếng vang rõ rệt.
Một lần nào đó, cùng với Nguyễn Minh Châu , Nguyễn Khải , Xuân Sách , cánh Văn nghệ quân đội chúng tôi ngồi nói chuyện về Tô Hoài. Sau khi chê Tô Hoài là viết liều, viết ẩu đủ điều, chúng tôi vẫn phải công nhận là dù sao, nhiều trang viết của Tô Hoài cũng còn có cái duyên dáng, cái lấp lánh riêng, không khô, không xỉn như của Bùi Hiển.
Khi đã có ấn tượng về văn rồi - mà văn là cái gì thật nhất ở một con người- thì tự nhiên, người ta nhìn nhau cũng khác đi, cái ấn tượng về văn chi phối tất cả và tôi nhớ ấn tượng của tôi về Bùi Hiển những năm chiến tranh. Thỉnh thoảng đến cơ quan Hội Nhà văn, chúng tôi bắt gặp ông đi tới, cái xe đi-a-măng đạp chậm rãi. Đến nơi, với một nụ cười đằm thắm, ông duyên dáng chào mọi người, nhưng sau đó, lẩn đi rất nhanh vào công việc. Mà công việc là gì? Ấy là những buổi họp hành có tính chất hành chính của Hội, ở đó, người ta biểu dương người này đã đi mặt trận này, người kia đã đi mặt trận nọ. Giữa một số người ngần ngại, không sao thắng nổi cái nhát sợ của mình, Bùi Hiển có vẻ một người anh hùng và chúng tôi thoáng nhận ra cái bằng lòng kín đáo nhưng rất thành thực của ông.
Ở đâu chăng nữa, thì tác phong công chức đều đáng ngại, nữa là trong việc viết văn, quả thật nó, tác phong công chức đó hết sức xa lạ với sự sáng tạo. Lại nữa, đây là những trang viết về cuộc chiến đấu. Giờ đây, chúng ta đã có thể nói thẳng với nhau rằng chiến đấu là một khu vực mà ở đó, bao nhiêu diễn biến kỳ lạ xảy ra không chỉ trong tình huống, so sánh lực lượng từ địch, mà còn cả trong lòng người và mọi cái nhìn công chức, công thức, giản đơn ở đây, vừa là không đúng, không thật, vô duyên vừa là có chút nhẫn tâm nữa: Vậy mà, điều kỳ lạ của cuộc chiến tranh ở Việt Nam là những người ra trận lại được thứ văn chương đó động viên, và người viết nên thứ văn chương đó lại là những cây bút rất có nghề, rất chân thành. Tôi nghĩ đến sự lú lẫn, sự lên đồng của cả một đám đông, trong đó có các nhà văn Việt Nam, và văn học ở miền Bắc trước 1975, nếu có một chút gì ý nghĩa, thì chỉ là ý nghĩa ở sự có mặt kịp thời, thường xuyên trong cơn lên đồng tập thể đó. Cố nhiên, người ta có thể đổ cho hoàn cảnh, chính hoàn cảnh yêu cầu như vậy. Nhưng sự tỉnh táo của nhà văn để đâu, cái đó còn là câu hỏi. Lại còn vấn đề tài năng nữa. Cũng không phải một số nhà văn viết hay trong chiến tranh, như Nguyễn Minh Châu chẳng hạn, có hướng suy nghĩ gì khác Bùi Hiển. Nhưng họ nồng nhiệt hơn, mạnh mẽ hơn, trong khi văn xuôi Bùi Hiển xỉn, cằn, không mang tâm huyết, không lên hình tượng.
Tuy cùng hùa nhau để làm, nhưng không phải mọi người đều viết ra thứ văn giống nhau, bởi vậy, luôn luôn có sự nhận xét về nhau. Tôi nhớ, thỉnh thoảng các nhà văn vẫn bàn về Bùi Hiển, và có điều mà mọi người thấy lạ là trong căn bệnh chung của những người viết văn, hình như Bùi Hiển là con bệnh nặng hơn hết. ở ông, thiếu hẳn khả năng chống trả tối thiểu - chống trả, tự phủ định, cười giễu mình, như thấy ở vài nhà văn khác cùng lứa: Tô Hoài, Xuân Diệu. Điều này Bùi Hiển rất ngây thơ và rất thành thực. Một người như Nguyễn Tuân rất hiểu rõ điều này. Mấy năm làm xuất bản , khi lo tập Chuyện nghề , tôi có một vài lần ngồi nói chuyện riêng với Nguyễn Tuân . Nói một cách khá chân thành , chứ không phải khách sáo, chiếu trên chiếu dưới . Và tôi nhớ cụ Nguyễn đã than thở vào tai tôi nỗi cô độc của mình bằng cái công thức
- Mà cái ông như ông Bùi Hiển kia, thì tôi còn biết nói chuyện gì nữa.
Cách sống của Nguyễn Tuân và của Bùi Hiển quả là khác nhau, dù Bùi Hiển thì muốn giấu mình đi, còn Nguyễn Tuân như tố mình lên, mỗi người một kiểu.

IV
Từ một nhà văn tỉnh nhỏ chân thành hướng về đời sống văn học chung, thế rồi rốt cuộc, Bùi Hiển đã trở thành một trong những khuôn mặt chính của nền văn học này.
Nếu làm biên tập, Bùi Hiển là người biên tập chặt chẽ, kỹ càng, nhiều chú ý đến câu chữ, và biện pháp xử lý bao giờ cũng ung dung, dễ chấp nhận.
Trong việc sáng tác, Bùi Hiển làm việc đều đặn, sáng tác thường có cái mạch lạc, gẫy gọn, dễ chấp nhận của nó.
Chỉ thiếu cái kỳ lạ, cái khác thường, cái xuất thần. Mà như người ta nói: cái bình thường là chỗ chết của nghệ thuật.
Tôi nghĩ trong trường hợp này, cái lỗi không phải chỉ ở chủ thể, mà còn ở hoàn cảnh. Hình như có một thời, một cách rất là thiện chí, chúng ta đã nhỏ to khuyến khích, động viên cách viết như của Bùi Hiển. Và tác giả Nằm vạ chỉ thực hiện điều đó một cách chân thành. Đến nay, những người đã thực thà khuyên bảo, ca ngợi Bùi Hiển hôm qua có lẽ chỉ còn một số giữ ý kiến ấy, còn một số đã quên rồi, chỉ còn chính Bùi Hiển còn lại với món gia tài lổng chổng của mình. Sự đời oan nghiệt là như thế. Một phương diện nữa, mà chúng ta quan sát được, vừa có cái thú vị, mà cũng có cái oan nghiệt của nó, là cái hướng “tỉnh lẻ hoá” của văn Bùi Hiển, nhất là những sáng tác văn xuôi trong chiến tranh. Sở dĩ gọi là oan nghiệt, vì nó có một chút gì định mệnh, không thể tin được. Khi trẻ, viết Nằm vạ một thứ văn xuôi phong tục của mình, Bùi Hiển lại không tỉnh lẻ chút nào hết. Trong khi miêu tả thật kỹ lưỡng mày nét quê hương, ông cho thấy những nét kỳ lạ của cuộc đời, và những khía cạnh nhân bản nói chung, như thế thì làm sao gọi là tỉnh lẻ được. Còn như ngày nay, ở Thủ đô, tham gia chủ trì công tác ở Hội trung ương, nhưng ngòi bút Bùi Hiển lại chứng minh cho những sự thực một chiều, và bằng một thứ văn sạch sẽ, nhìn chung thái độ cách nhìn của nhà văn trong tác phẩm đúng là cốt cách của một thứ học trò, làm luận một cách ít nhiều sáng tạo, nhưng thật ra không thoát khỏi quy phạm. Cái chất học trò và cái sự thực một nửa, sự thực không đến đầu đến đũa này làm nên chất tỉnh lẻ trong các sáng tác của ông. Đọc Bùi Hiển bây giờ, cứ có cái gì tưng tức, muốn tin mà không thể tin, đáng lẽ có thể đi xa hơn mà lại giẫm chân tại chỗ, không sai, nhưng mà không đúng, không bùng nổ, bột phát kỳ lạ để người ta phải tranh cãi. Ở chỗ này, chất công chức và chất tỉnh lẻ trùng khít lên nhau.
Cũng nên nói thêm rằng chất tỉnh lẻ là chất “chung” của nhiều ngòi bút chúng ta hôm nay, do sự hạn chế của trình độ văn hoá và phạm vi tiếp xúc, văn học ta khi thiêng liêng cũng như khi tìm cách phạm quy, phá phách, đều là tỉnh lẻ, song trong cái chung đó, trường hợp của Bùi Hiển lại có gì thật đáng tiếc hơn: nó là thứ tỉnh lẻ của tỉnh lẻ. Nó dai dẳng, nó có sức sống nhưng tầm thường không đủ lức vươn lên cao. Nó sống nhênh nhang, như loài cây vốn được nuôi trồng nay bị bỏ hoang thành loài thoái hoá (không phải là giống dại; cái giống dại lại có cái khoẻ, cái quyết liệt riêng mà chỉ loài dại mới có). Một điều nữa tôi nghĩ cũng nên tính tới là thật ra, Bùi Hiển là nhà văn chịu học, chịu đọc ở ta. Vốn liếng văn hoá do xã hội cũ đào tạo cho ông một công cụ khá tốt là tiếng Pháp, từ tiếng Pháp ông đọc văn học nước ngoài khá đều, bản thân ông đã trực tiếp dịch một số tác phẩm như Đội cận vệ trẻ của Fadeev, và nhiều truyện ngắn khác. Thế nhưng cả cái đó cũng không cứu được ngòi bút tác giả Nằm vạ, ông vẫn chỉ tiếp nhận những gì mà ông muốn tin. Vào thời gian cuối 1987, nhiều sự thay đổi đến với đời sống văn nghệ, trong đó có một bài lý luận gây nhiều tiếng vang là bài Văn nghệ và chính trị của Lê Ngọc Trà. Tôi ở xa, chỉ nghe anh em kể lại một người như Bùi Hiển rất khó tin chuyện này. Ông cứ ngớ ra khi nghe anh em bàn tán. “Ơ, sao văn học lại không phải phản ánh hiện thực mà chỉ là nghiền ngẫm về hiện thực nhỉ” “ Ơ, sao lại nói chúng ta phải sám hối nhỉ?...” Lâu nay, không phải Bùi Hiển không đọc những cái đó. Nhưng ông không tin. Rất giản dị, ông thấy những cái đó là của đế quốc tư sản, và ông gạt sang một bên. Nay nghe nói tính nhân bản là tiêu chuẩn số một của văn học, ông ngạc nhiên, thế còn tính giai cấp để đâu, tính chiến đấu để đâu. Tính tình vốn điềm đạm, ông không khùng lên như mọi người, nhưng quả thật, ông đã thành tâm tin ở chân lý hôm qua, đến mức hôm nay ngược lại, ông cảm thấy rất bức rứt, khó chịu. Cái ca Bùi Hiển khó chữa là ở chỗ ấy.

V
Năm 1948, Hội Văn nghệ được thành lập tại Việt Bắc. Do yêu cầu của Hội lúc đó là tranh thủ trí thức văn nghệ sĩ, Hội bầu ra một tổng thư ký là Nguyễn Tuân. Từ đó về sau, một truyền thống của Hội được hình thành: Thường những người được cử vào lãnh đạo Hội không phải là những người biết quản lý công việc mà là những uy tín trong văn học. Trên nét lớn, có thể trông vào cương vị trong Hội, để đoán ra thành tựu trong nghề (cũng có một số nhà văn như Xuân Diệu, Nguyễn Tuân về sau không muốn làm gì, chỉ lo viết thôi, nhưng số đó hơi ít).
Về phần Bùi Hiển tôi nghĩ bên cạnh phần sáng tác thì đường quan chức của ông cũng đã phản ánh đúng cương vị ông có. Hình như có thời gian Bùi Hiển đã làm phó giám đốc nhà xuất bản Văn học. Trước Đại hội nhà văn lần thứ hai(1983) ông tham gia chủ trì công tác của Hội Nhà văn, xử lý việc hàng ngày. Một lần nào đó, một người cùng làm hành chính có dịp kể về Bùi Hiển một cách hóm hỉnh:
- Chỉ phải cái cụ đắn đo quá. Nghĩa là đọc đi đọc lại tài liệu , bút đã nhấc lên khỏi lọ mực để sắp ký, còn phải nghiền nghẫm một lúc nữa, đến lúc hạ bút ký thật thì giọt mực ở đầu ngòi bút đã khô mất rồi.
… Biết nghĩ gì, khi nghe người ta nói có một con người như thế này.
Tôi nghĩ đến chế độ thuộc địa của Pháp. Tuy không làm cho xứ sở này phát đạt, nhưng nó đã thành công trong việc đào tạo ra một mẫu viên chức thuộc địa, ngoan ngoãn, trung thành, run rẩy, sợ sệt.
Oái oăm một nỗi là phần lớn những công chức ấy, sau này đều do theo cách mạng và họ còn mang theo vào cách mạng những nền nếp ấy. Bao nhiêu tai vạ, do tình trạng quan liêu hiện nay mang lại, đều có nguồn gốc từ chế độ thuộc địa hôm qua. Ngay cả khi các viên chức ấy rất thành tâm với chế độ mới, thì họ cũng đã mang vào đây bao nhiêu phiền phức.
Đến cả một nghề sáng tạo như nghề văn , mà nếp sống nếp nghĩ công chức đó còn có chỗ đứng thì ở đâu mà nó không tồn tại .
SỐ TRUY CẬP online